Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Họ Lê Đại Mão

 

HỌ LÊ THÔN ĐẠI MÃO

(Bài viết  về lịch sử văn hóa họ Lê thôn Đại Mão

Tại buổi gặp mặt đầu xuân của Hội đồng họ Lê tỉnh Bắc Ninh

Ngày 13 tháng giêng xuân Giáp Thìn 2024)

                                                               LÊ ĐÌNH THANH

         

Kính thưa các đ/c lãnh đạo thôn Đại Mão!

Kính thưa các vị đại biểu đại diện các dòng họ Lê tỉnh Bắc Ninh!

         

          Lời đầu tiên cho phép tôi xin được gửi lời chào trân trọng, lời chúc đầu năm mới tốt đẹp nhất tới các vị đại biểu về dự gặp mặt đầu xuân mới Giáp thìn 2024 của Hội đồng họ Lê tỉnh Bắc Ninh. Được sự phân công của Ban tổ chức tôi xin trình bày một số nét về lịch sử văn hóa làng Đại Mão.

          Làng Đại Mão là một ngôi làng cổ của vùng quê Kinh Bắc. Theo các tài liệu khảo cổ, làng Đại Mão có lịch sử hình thành từ hàng ngàn năm trước. Vào mùa xuân năm 40 (cách đây gần 2000 năm), tại nơi đây, nữ tướng Hai Bà Trưng đã lập đàn tế trời đất, làm lễ xuất quân tiến đánh thành Luy Lâu, đuổi quân Đông Hán ra khỏi bờ cõi, giành độc lập cho nước nhà.

Làng nằm trên bãi bồi của bờ nam sông Đuống, từ xa xưa được bao bọc bởi những cánh đồng ngô lúa, bãi mía, nương dâu xanh tốt. Làng có thế đất “Tay ngai”, có “Ngũ Mã chầu tiền, Tam Thai ủng hậu”. Đôi câu đối trên cột đồng trụ của đình làng có ghi: “Tráng tai đế vương cư, hữu kỳ, hữu cổ, hữu mã bái long chầu, diệc thiên địa hảo để phong thủy/ Uất nhiên anh tuấn vực, vi cơ, vi quan, vi đống lương trụ thạch, tự hương đảng lập hồ triều đình” nghĩa là: Mạch đất đẹp thay! chỗ ở của đấng đế vương, án có cờ, có trống, có ngựa bái, rồng chầu, thực đất trời tạo thành phong thủy/ Yên vui vậy! quê hương bậc anh tuấn, người làm thơ, làm quan, làm xà cao cột vững, tự làng xóm lập lên triều đình.

Quê hương Đại Mão có truyền thống hiếu học, khoa bảng, có văn chỉ thờ Khổng tử và các bậc tiên hiền, có bia đá ghi danh người đỗ đạt của làng. Thời Hán học, làng có nhiều người đi học, đi thi: gần 100 người đã đỗ từ tú tài trở lên, trong đó có 4 người đỗ tiến sĩ được ghi danh trong Văn miếu Quốc Tử Giám và Văn miếu Bắc Ninh, nhiều người đỗ nhất, nhị, tam trường. Có 35 người ra làm quan phục vụ đất nước, trong đó có người lập nhiều công trạng được vua ban khen “Văn thần trung vũ thần tại”. Nhiều người được bổ nhiệm làm quan tại các địa phương, làm nghề dạy học, làm nghề thầy thuốc.

          Một số vị tiêu biểu của làng: Cụ Trịnh Đức Mại – quan Tư đồ trấn quốc công thời Trần. Tiến sĩ Nguyễn Đình Khuê – quan Hiến sát sứ Sơn Tây, Hải Dương thời nhà Mạc. Tiến sĩ Trịnh Đức Vận – quan Giám sát ngự sử thời Hậu Lê. Tiến sĩ Lê Doãn Giản – quan Hữu thị lang bộ Công thời Hậu Lê. Tiến sĩ Lê Doãn Thân – quan Thừa chính sứ tước Trí xuyên thời Hậu Lê. Cụ Lê Doãn Quýnh (tức Lê Quýnh) là một võ quan Đại Việt, đại trung thần triều Lê trung hưng. Cụ Đỗ Trọng Vĩ là một danh thần triều Nguyễn, nhà văn hóa và nhà giáo dục Việt Nam, người có công tu bổ Văn Miếu Bắc Ninh và chấn hưng giáo dục Bắc Ninh.

          Đại Mão còn là đất của các thày đồ Nho. Thời kỳ Nho giáo làng có tới 94 người thuộc 11 dòng họ làm nghề dạy học. Các họ có nhiều người dạy học là: Lê Nho, Lê Doãn, Trịnh Đức, Nguyễn Hữu, Nguyễn Đình, Nguyễn Thế, Đỗ Trọng. Các thày giáo ở Đại Mão không chỉ dạy học ở làng, ở tỉnh, mà còn dạy học ở nhiều địa phương khác như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương. Đến đâu các thầy giáo người Đại Mão cũng đều là tấm gương sáng về đạo đức và học vấn. Tiêu biểu như cụ Đỗ Trọng Cơ dạy học ở Hiên Ngang (Tiên Du), dân làng ở đó đã lập đền thờ và dựng bia đá.

Làng Đại Mão nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Vải của làng Đại Mão (làng Giữa) ngày xưa nổi tiếng trong vùng. Cạnh đình làng xưa còn có Đình Chợ, là nơi thờ tổ nghề dệt và cũng là nơi buôn bán các sản phẩm vải, lụa tơ tằm. Tại tòa thượng điện Đình Chợ có bức đại tự bằng chữ Hán “Văn vật khả quan”, để nói rằng làng Đại Mão là đất học, đất nghề đáng được các nơi tham quan học tập.

          Theo thống kê, làng Đại Mão có 17 dòng họ trong đó có 3 dòng họ Lê, đó là Lê Doãn, Lê Nho, Lê Đình, đều là các dòng họ tiêu biểu:

Họ Lê Doãn: là một gia tộc lớn của làng Đại Mão có phả hệ dài với nhiều đời hiển đạt, nhiều người làm công thần triều đình. Theo gia phả của dòng họ, tổ tiên họ Lê Doãn học hành đỗ đạt và làm quan cho nhà Lê Trung Hưng (từ thời vua Lê Trang Tông cho đến thời vua Lê Chiêu Thống, trong khoảng thời gian 257 năm) kế tiếp nhau 7 thế hệ với 11 cụ làm quan. Di sản văn hóa về truyền thống hiếu học khoa bảng họ Lê Doãn để lại cho hậu thế là ngôi nhà thờ họ với hệ thống gia phả, hoành phi, câu đối, bia đá và bức Gia giáo ngâm. Nhà thờ họ Lê Doãn được công nhân Di tích LSVH cấp tỉnh. Hiện nay số nhân khẩu có gần 1200 người, nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực.

Họ Lê Nho có số nhân khẩu gần 1200 người. Họ Lê Nho trước đây có nhiều người đỗ đạt, làm nghề dạy học. Tiêu biểu như cụ Lê Chu Kiều dạy nhiều học trò đỗ đạt, trong đó có 15 học trò đỗ Tiến sĩ. Bài Gia huấn của cụ Lê Chu Kiều (họ Lê Nho), dạy con cháu: “Tình nghĩa cha con: Cha phải hiền, con phải hiếu/ Tình nghĩa vợ chồng: Phu xướng, phụ tùng/ Tình nghĩa anh em: Anh hòa, em kính ; trên hòa dưới thuận/ Tại hương lân: Phải hết lòng yêu thương mà không yêu ghét. Nếu làm quan: Phải giữ thanh khiết, cẩn thận, cần mẫn làm đầu”. Thời nay họ Lê Nho có nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ là giảng viên trong trường Đại học, là cán bộ trong các cơ quan trung ương. Tiêu biểu như NGUT Lê Nho Nùng – GĐ sở GD&ĐT Bắc Ninh, ông Lê Nho Bội giảng viên ĐHXD  anh Lê Nho Thạnh, công tác tại Bộ Ngoại giao. Họ Lê Nho là điểm sáng của cả nước trong công tác Khuyến học theo dòng họ.

          Họ Lê Đình, với số khầu gần 250 người. Thời Nho học cũng có người học hành đỗ đạt, làm quan. Thời nay các thành viên trong dòng họ vẫn phát huy truyền thống của cha ông, có người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, công tác tại cơ quan trung ương, địa phương, là giáo viên tại các cấp học. Một số cháu học sinh đoạt giải HSG cấp quốc gia, quốc tế và cấp tỉnh. Họ Lê Đình có cụ Lê Thị Tải được tặng danh hiệu Mẹ VNAH, có ông Lê Đình Đạt là Thiếu tướng – Cục trưởng Cục đo lường Chất lượng quân đội.

Truyền thống văn hiến của làng Đại Mão tiếp tục được kế thừa và phát huy: Xuân tế tổ là một nét văn hóa đẹp được tổ chức tại các dòng họ vào ngày 10/giêng hàng năm. Là dịp để các con cháu xa gần về họp mặt, dâng hương tri ân tổ tiên, tổ chức phát thưởng các cháu học giỏi. Đình làng Đại Mão được công nhận là Di tích LSVH cấp tỉnh. Trong đình làng còn lưu giữ nhiều văn bia câu đối trong đó có bức Mục Dục, là một bài ca có nội dung nhằm giáo dục mọi người trong làng phải tuân theo để giữ lại những thuần phong mỹ tục của một miền quê văn hiến.  Hiện nay nhà tiền tế đình làng đang được tu bổ nâng cấp, Văn chỉ của làng chuẩn bị được phục dựng. Ngày 10/2 hàng năm tại đình làng tổ chức lễ xuân tịch, những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu tổ chức rước hội. Làng Đại Mão là một trong số ít làng trong tỉnh có thư viện đã hoạt động trên 10 năm, hiện có 10.000 cuốn sách phục vụ nhu cầu đọc sách cho mọi lứa tuổi. Nhiều CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT được thành lập và hoạt động thường xuyên. Đặc biệt CLB thơ ca làng Đại Mão trong 20 năm hoạt động đã ra mắt 11 tập thơ với khoảng trên 1000 bài thơ.  Cơ sỏ hạ tầng, cảnh quan làng xóm được đầu tư xây dựng khang trang. Làng được công nhận đạt tiêu chí NTM, đang phấn đấu đạt NTM nâng cao.

Ba dòng họ Lê thôn Đại Mão với số nhân khẩu 2.700 người (chiếm gần 70% số nhân khẩu của làng Đại Mão), đã và đang góp phần quan trọng trong việc kế thừa và phát huy truyền thống văn khóa, khoa bảng của quê hương, xứng đáng với mỹ tự “Làng quê văn hiến” đã được nhân dân trong vùng tôn vinh.

Một lần nữa xin kính chúc các đại biểu một năm mới Giáp thìn 2024 An khang - Thịnh vượng; Chúc đại gia đình Họ Lê Bắc Ninh đoàn kết, phát triển hòa cùng dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

 

 

 

 

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

 

Lãnh đạo tỉnh khai hội Kinh Dương Vương

25/02/2024 14:57 Số lượt xem: 316   
Ngày 25-2 (tức 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành), Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Thuận Thành tổ chức Lễ dâng hương khai hội kỷ niệm 4903 năm đức vua Thủy tổ Kinh Dương Vương khai sinh mở nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn dâng hương tại đền thờ Kinh Dương Vương.

 

Dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; thị xã Thuận Thành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương khai hội Kinh Dương Vương.

 

Lễ hội Kinh Dương Vương từ lâu đã thấm sâu trong tiềm thức, trở thành tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam. Thành kính dâng hương tưởng nhớ công đức Thủy tổ Kinh Dương Vương nhân ngày giỗ thể hiện niềm tôn kính của các thế hệ con dân đất Việt với tiên tổ khai thiên lập quốc, đồng thời kính báo những thành tựu mà lớp lớp thế hệ con Lạc cháu Hồng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi gian lao thử thách giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc và dựng xây quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn đánh trống khai hội.

 

Hàng năm, lễ hội Kinh Dương Vương được tổ chức từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Giêng, là dịp người dân mọi miền Tổ quốc tìm về bái yết tri ân đức Vua Thủy tổ Việt Nam.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại khu lăng mộ vua Thủy tổ Kinh Dương Vương.

 

Lễ hội năm nay diễn ra với phong phú hoạt động, phần lễ với nghi thức rước nước từ sông Đuống về đền thờ; lễ dâng hương khai hội; lễ rước kiệu Thủy tổ Kinh Dương Vương, kiệu Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ từ đền thờ xuống lăng theo nghi thức truyền thống... Phần hội có diễn xướng nghệ thuật truyền thống như hát ca trù, hát văn, chầu văn, hát trống quân, múa rối nước cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: Tổ tôm điếm, đánh đu, cờ tướng, đập niêu...

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Anh Tuấn ân cần thăm hỏi, chúc sức khỏe các bậc cao niên và nhân dân địa phương.

 

Lễ hội là dịp tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc; giới thiệu, tuyên truyền giáo dục việc gìn giữ đạo lý uống nước nhớ nguồn, nêu cao ý thức tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa để lại.

 

Nghi thức rước kiệu vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, cha Lạc Long Quân và quốc mẫu Âu Cơ từ đền thờ ra khu lăng mộ.

 

Hiện nay, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương giữ vai trò đặc biệt quan trọng ở vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, ghi dấu ấn thiêng liêng, nối dài lịch sử cội nguồn dân tộc, là nơi giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ tương lai.

 

Lễ hội Kinh Dương Vương tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và tuyên truyền giáo dục các thế hệ giữ gìn đạo lý uống nước nhớ nguồn.

 

Lớp lớp thế hệ người dân đất Việt tìm về bái yết Đức Thủy tổ Việt Nam.

Trọng Khánh-Thanh Lâm

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

 THƯ VIỆN LÀNG ĐẠI MÃO HƯỞNG ỨNG NGÀY “SÁCH THẾ GIỚI”

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (2013-2023) và hưởng ứng ngày Sách thế giới 23/4/2023, Thư viện làng Đại Mão tổ chức buổi nói chuyện chủ đề “Đọc sách trong thời đại kỹ thuật số”
Đến dự buổi nói chuyện có gần 200 đại biểu gồm các ông bà trong Ban chi ủy, Cơ sở thôn, Ban CTMT, một số khách mời, các chi hội đoàn thể, hội Cựu giáo chức, CLB thơ ca, các bạn đọc trong và ngoài địa phương, các thầy cô giáo và các em sinh trường TH, THCS.
Diễn giả buổi nói chuyện là Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội, đã có thời gian là NCS và sống hơn 10 năm tại Nhật Bản, dành nhiều năm nghiên cứu về văn hóa đọc, đã có hàng trăm buổi nói chuyện về văn hóa đọc ở nhiều địa phương.
Trong bài khai mạc, ông Lê Đình Thanh – Nguyên CT UBND huyện Thuận Thành, nay là Chủ nhiệm Thư viện nêu rõ: “Làng Đại Mão có truyền thống văn hóa và khoa bảng. Trong thời kỳ Hán học, làng có 4 vị đỗ Tiến sỹ, hàng chục vị đỗ cử nhân, nhiều người đỗ tú tài, được bổ làm quan trong triều và tại các địa phương. Làng có nhiều người làm nghề dạy học và làm thuốc có uy tín. Ngày nay truyền thống hiếu học tiếp tục được phát huy, nhiều vị đỗ Tiến sỹ, Thạc sỹ là cán bộ giảng dạy, CBQL trong các trường ĐHCĐ và phổ thông. Có người là tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp. Sự thành đạt của các thế hệ của những người thành đạt trong làng nhờ “dùi mài kinh sử’, nhờ đọc sách mà hiển vinh.
Ông Cao Văn Hà – nguyên GĐ sở Xây dựng, về dự buổi nói chuyện hôm nay đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng thư viện cộng đồng và tủ sách gia đình dòng họ tại Yên Phong quê hương ông, đồng thời tặng Thư viện làng Đại Mão một số tập sách quý.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương bằng kiến thức phong phú, với cách truyền đạt hấp dẫn đã nêu các vấn đề cơ bản: Văn hóa đọc là gì? Thực trạng văn hóa đọc hiện nay trong thời đại kỹ thuật số hiện nay của Việt Nam. Vai trò của sách trong đời sống con người. Cách đọc sách làm sao cho hiệu quả. Để kích thích và gây hứng thú cho đổi tượng học sinh dự buổi nói chuyện, diễn giả đã nêu nhưng câu hói gợi mở, dân dắt, kích thích tư duy cho các em được phát biểu, những em trả lời tốt đều được tặng những cuốn sách hay.
Ông Nguyễn Đình Luyện – Bí thư Chi bộ thôn Đại Mão phát biểu cảm ơn diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về văn hóa đọc cho nhân dân địa phương. Ông nêu rõ, Thư viện làng Đại Mão với 10 năm xây dựng đến nay đã có 8500 đầu sách phong phú, đề nghị các đoàn thể trong địa phương động viên hội viên gương mẫu đọc sách, động viên con cháu ham mê đọc sách để nâng cao tri thức xây dựng quê hương Đại Mão giàu đẹp.
Nhân dịp này Thư viện làng Đại Mão đã trao tặng Thư viện trường TH và THCS xã Hoài Thượng hàng trăm cuốn sách giáo khoa cho dành học sinh và sách tham khảo dành cho giáo viên. Mong rằng các nhà trường phối hợp chặt chẽ với Thư viện Đại Mão động viên, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh cùng đọc sách, phát huy hiệu quả các thư viện.
Nhà giáo Nguyễn Hữu Thanh – Hiêu trường Trường THPT Thuận Thành số 1, được mời dự buổi nói chuyện hôm nay đã trân trọng mời Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương về nói chuyện tại trường. Ông Nguyễn Quốc Vương vui vẻ nhận lời vào tháng 5/2023.
Trên đường trở về Hà Nội, diễn giả Nguyễn Quốc Vương được mời thăm 3 địa danh tiêu biểu của Thị xã Thuận Thành là Lăng Thủy tổ Việt Nam – Kinh Dương Vương, Khu Bảo tồn và trưng bày tranh Dân gian Đông Hồ và Đền thờ Sỹ Nhiếp – Nam Giao học tổ.
Thay mặt Ban chủ nhiệm cảm ơn Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, ông Cao Văn Hà đã góp phần cho ngày sách của Thư viện làng Đại Mão thành công, để lại nhiều cảm xúc với các đại biểu tham dự.
Người quan họ có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, mong rằng chúng ta có dịp được hợp tác để cùng trao đổi kinh nghiệm phát triển thư viện cộng đồng, về phương pháp lan tỏa văn hóa đọc cho bà con nhân dân địa phương./.
LÊ ĐÌNH THANH
Chủ nhiệm Thư viện Đại Mão

Toàn cảnh buổi nói chuyện

Hàng trên (từ phải sang trái): Ông Nguyễn Quốc Vương,
ông Cao Văn Hà, ông Lê Đình Thanh

                                       Từ phải sang: Ô Nguyễn Đình Luyện, Ông Nguyễn Hữu Thanh
                                                       Ông Lê Nho Thu, Ông Lê Đình Ngạn.


Chụp ảnh chung Ban chủ nhiệm, lãnh đạo thôn và diễn giả

Học sinh Tiểu học dự buổi nói chuyện


Đại biếu các đoàn thể

Ông Cao văn Hà tặng sách cho thư viện

Ông Nguyễn Đình Luyện - BTCB phát biểu

Thư viện tặng sách cho các nhà trường

Logo buổi nói chuyện


Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA



                 CÁM ƠN ANH VINH NGHĨA

          Cuối buổi chiều, sau một ngày oi nóng cuối tháng 5, tôi rất vui.Vui vì sau đợt dài nắng nóng, chiều nay mọi người đã được hưởng không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. Vui vì chú em mang đến tận nhà cho tôi món quà mà anh Nguyễn Vinh Nghĩa từ TP HCM gửi ra. Đó là tập thơ “ Tự sự “.
            Anh là người Hà Nội gốc. Học phổ thông, anh đã là cán bộ Đoàn, rồi cán bộ Thành Đoàn. Trong những năm  chống Mỹ ác liệt, anh đã từng là lính lái xe vượt Trường Sơn vận chuyển người, vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất anh chuyển sang công tác tại Cục đo đạc- bản đồ. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, trưởng thành trên đất Cảng Hải Phòng, trải qua chinh chiến và nhiều năm sống tại thành phố Hồ Chí Minh, anh là một con người từng trải, đa tài, sống thân thiện và có trách nhiệm với người thân, bạn bè và  đồng đội. Anh cũng là người ham mê thể thao, nhất là môn thể thao xe đạp. Ngoài 70, hàng ngày anh vẫn đạp xe trên ba, bốn chục km. Anh cũng từng có những chuyến “phượt” bằng xe đạp hàng trăm km ra miền Bắc, miền Trung.
           Cộng đồng  người làng Đại Mão tại thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên ba chục gia đình, coi anh Nghĩa như người cùng làng vì tấm lòng cởi mở, gần gũi, chân tình của anh.

           Quan hệ  với anh em trong gia đình chúng tôi, chú em tôi đã tâm sự: “Anh Nghĩa với gia đình chúng tôi là chỗ thân tình. Anh với anh Lê Đình Toán (anh con nhà bác ruột tôi) là anh em “cọc chèo”. Hai anh sống với nhau như an hem ruột.  Những năm trước đây, lần nào về thăm quê vợ (thôn Bình Cầu, cùng xã ) anh cũng đều dành thời gian tới thăm bố và chú bác tôi chu đáo.Nhiều năm qua các anh, chị, em, các cháu trong gia đình tôi cùng sống với gia đình anh tại Phường Bình An (Quận 2) đều coi vợ chồng anh như người thân thiết trong gia đình” ( Lê Thanh).

            Với riêng tôi, anh cũng dành tình cảm và để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Lần đầu được  gặp anh lâu nhất là năm 2001. Đó là lần thứ 2,3 gì đó có việc vào miền Nam, tôi đi vội môt chuyến xe đò cũ nát từ Phan Thiết vào SG.Nhà xe bỏ tôi giữa đường không vào đến bến. Lúc đó điện thoại di động còn rất hiếm. Tôi phải nhờ điên thoại dịch vụ ( điện thoại bàn ) ở một quán ven đường để liên hệ với gia đình chú em và anh. Anh được nhờ đi và đã đi đón tôi rất vất vả, gần sáng mới về đến nhà. Đợt ấy lần đầu tiên được anh cho tiếp cận với mạng intenet... Rồi anh động viên tôi viết, viết gì cũng được “ để cho vui”… Năm anh tới tuổi 70, tôi cũng viết bài “ Lục bát như ai” để chúc mừng anh. Bài thơ theo thể lục bát dễ làm, có vần “ ai” nhân một bài người khác mừng anh có một vần tương tự. Trong bài này, tôi muốn nói lên quy luật đời người, bẩy mươi xưa nay hiếm, sức khỏe sẽ dần suy giảm. Đặt câu hỏi : liệu anh có giống mọi người; và khẳng định anh khác người vì nhiều lẽ…Cảm ơn anh đã cho in kèm vào “ Tự sự” của anh!
            Nhiều lần được trò chuyện cùng anh, được anh kể cho nghe những chuyện “ một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Hôm nay, được đọc bài “ Hẹn gặp “ của anh trên tập thơ, tôi lại nhớ một câu chuyện anh khoe, đó là đã được gặp văn nghệ sĩ tài ba Nguyễn Đình Thi ở chiến trường chống Mỹ. Được gặp một vĩ nhân đã là vinh hạnh rồi, nhưng lại được ông đọc “ Hẹn gặp” trên báo tường của đơn vị ở nơi gian khổ ác liệt, lại được ông khen thì quả là một kỷ niệm đáng tự hào của anh. Hai bài “ Hẹn gặp “ của anh, “ Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi đều mang, khái quát nguyện vọng giải phóng Sài Gòn, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước của toàn dân ta lúc đó. Một già một trẻ, những người tài hay có những ý tưởng lớn gặp nhau, nhất là người Hà Nội…

          
         Tháng 9 /2019, kỷ niệm 15 năm thành lập và ra mắt Tập thơ thứ 10 với tựa đề “Miền quê văn hiến”, CLB Thơ Ca Đại Mão có gửi tặng anh Nghĩa một tập thơ như một thành viên của CLB.
         Hôm tổ chức lễ kỷ niệm và giao lưu thơ, anh đã gửi ra một bài viết về cảm nghĩ nhân đọc” Miền quê văn hiến -10”. Bài viết của anh đã được hội viên Lê Đình Thanh trình bày tại buổi giao lưu, gặp mặt hôm ấy, đã góp phần cho nội dung buổi giao lưu gặp mặt thêm phong phú, ý nghĩa.
          Nhận định về tập thơ, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, (nguyên Trưởng đại diện phía nam –Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã trình bấy ngắn gọn, súc tích ở đầu tập thơ. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại vài kỷ niệm với anh, một người lính, người cán bộ có tài, một người bạn tốt …Một lần nữa, xin cám ơn anh đã tặng thơ. Kính chúc anh chị, các cháu và gia đình luôn vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc!

                                                           Tháng 5 năm 2020
                                                               Lê Đình Ngạn
                     -------------------------------------
             Bài tham khảo
Lá đỏ - Lời hứa hẹn của tình yêu và niềm tin tất thắng
(ThanhtraVietNam) - Nguyễn Đình Thi là người đa tài ít gặp trong văn nghệ. Ông viết được văn, kịch, nhạc,phê bình lý luận văn học và viết được cả thơ. Thể loại mà ông tâm huyết nhất vẫn là thơ, bởi đối với ông: “Thơ là cái thiết tha, nhất của tôi, và cả cái tìm tòi rất khổ của tôi”.
Thơ Nguyễn Đình Thi mang cảm hứng về đất nước, nhân dân. Ông viết về đất nước gian khổ đau thương quật khởi và ngời sáng với chiều sâu lịch sử và mang tính khái quát bởi tầm cao thời đại.
Mùa thu năm 1974, Nguyễn Đình Thi cùng với nhà thơ Tế Hanh, Phạm Tiến Duật, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Nam Bộ. Tại đây, ông đã chứng kiến hiện thực của cuộc chiến tranh khốc liệt “giữa nghìn tiếng nổ rung đêm lửa”. Sự hy sinh mất mát, đớn đau mà con người phải trải qua ở nhiều góc độ, khía cạnh, tầng bậc khác nhau… Nhưng cũng chính từ những tổn thất, đau thương, mất mát ấy lại hiện lên một vẻ đẹp diệu kỳ, lãng mạn của bức tranh thiên nhiên Trường Sơn đại ngàn giữa mùa trút lá.
Lấy hiện thực làm điểm tựa cho cảm xúc, những trải nghiện có thật đã tạo nên sự rung động thẩm mỹ trong tâm hồn bay bổng của Nguyễn Đình Thi. Bất ngờ, xúc động tác giả nhặt một chiếc lá đỏ ép vào cuốn sổ ghi chép và trong khoảnh khắc đó bài thơ được ra đời, và trở thành khúc ca ra trận dọc theo chiều dài đất nước.
 Lá đỏ
“Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường, như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”
                        (Trường Sơn, 12/1974)
“Trên cao” trong câu thơ không chỉ nói về vị thế địa lý (dốc cao, đèo cao) mà còn hàm ý về vị thế trong tư tưởng, trong tình cảm. “Cao” ở đây còn là cao quý, cao cả.
Câu tiếp theo “Rừng lạ, ào ào lá đỏ”. Từ “lạ” trong câu thơ đã gây ấn tượng mạnh, bởi lạ là vì mới gặp, lần đầu tiên thấy sắc đỏ rực lủa trong mùa Thu Tây Nguyên chăng? “Lạ” là một cảm giác rất đúng, rất chân thật”. “Lạ” vì giữa nơi chiến trường dữ dội như vậy lại xuất hiện những người em gái trẻ trung, mảnh mai nhưng rất đỗi kiên cường khi ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy dẫn đường cho xe băng qua những quảng đường khó và cái cảm giác lạ đó bỗng biến mất khi nhà thơ nhận ra hình của em thật gần gũi, thân thương bởi đó là em của quê hương, của nơi chốn ta quay về. Thêm nữa, hai từ “lộng gió” như lòng người rộng mở, niềm tin phơi phới chào đón những luồng gió cách mạng.
Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới - vẻ đẹp của những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn: “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường”. Hình ảnh “vai áo bạc” đã gợi ra biết bao tháng ngày mưa dầm nắng lửa ở núi rừng. Thế nhưng, những người con gái mảnh mai ấy vẫn vượt qua tất cả để có mặt chính tại đây, với súng trường quàng trên vai.
 Thanh niên xung phong Trường Sơn với niềm tin thắng lợi. Ảnh: Đoàn Công
Mặc dù nơi núi rừng, với mây mù giăng phủ, với gió lộng bạt ngàn, với buổi chiều lá đỏ, đâu đó ánh lửa của đạn bom và sáng rực trên nền trời, máu, nước mắt, hi sinh nhưng tất cả vì miền Nam ruột thịt, họ vẫn kiên trì, anh dũng bám trụ từng tất đất "... Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”.
Hai câu cuối cùng: “Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn!”. Đọc hai câu này ta như thấy cuộc gặp gỡ bất chợt thoáng qua với một không khí khẩn trương, nhanh vội nhưng không kém phần xúc động mãnh liệt, rồi để lại cho nhau lời hẹn quyết tâm chiến thắng. Sự thật và chính nghĩa luôn ở phía chúng ta, với tinh thần anh dũng bất khuất của những người con trai, con gái trên rừng Trường sơn năm ấy đã góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975, lá cờ Cách mạng được cắm trên nóc dinh Độc lập. Đây là thời điểm đánh dấu thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Tái sinh đất nước, những chàng trai những “em gái tiền phương năm ấy” có bao người được gặp lại nhau và có bao nhiêu người phải lổi hẹn? Họ ra đi mãi mãi không về. Ôi! những tháng năm không thể nào quên, ngày càng thêm những nỗi nhớ, nỗi khát khao hiện lên cả ở trong giấc mơ của những người đồng đội: "Trường Sơn năm đợi tháng trông/ Ngày tìm đồng đội đêm nồng chiêm bao” (Đồng đội - Đinh Ngọc Du).
Những chiến sĩ, những “em gái tiền phương” năm ấy vẫn sống mãi trong tấm lòng biết ơn và trong những thắng lợi lớn lao của dân tộc hôm nay và ngày mai: “Đất nước/Của những người con gái, con trai/Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt…” (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi - Nam Hà).
Bài thơ Lá đỏ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ sau đó không lâu. Trong những tháng ngày hừng hực khí thế chiến đấu của quân dân Việt Nam yêu nước để dẫn tới ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử, Lá đỏ một bài ca hào hùng đầy tin tưởng và hy vọng đã được ghi sâu vào trái tim mọi người. Năm 2016, lấy cảm hứng từ ca khúc Lá đỏ (Nhạc Hoàng Hiệp, Thơ Nguyễn Đình Thi) và dựa trên những hiểu biết, cảm xúc của mình về sự hi sinh dũng cảm của 8 Thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh vệ quốc, Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã viết kịch bản thơ Lá đỏ.
Nguyễn Văn Thanh


Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Bài viết của tác giả Lê Thanh nhân Ngày Thầy thuốc VN

 NHỮNG NGƯỜI THẦY THUỐC TUYẾN XÃ - NHỮNG VUI BUỒN CÒN ĐỐ
                     Bài viết nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2020)
Hôm nay nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), tôi xin được gửi tới những người thầy thuốc lời cảm ơn chân thành nhất về những đóng góp của họ cho xã hội. Chúc các Thầy thuốc luôn lạc quan vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả những áp lực nghề nghiệp để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NHÂN DÂN, mãi xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.
Trong xã hội Việt Nam từ xa xưa đến nay có 2 nghề được tôn vinh là Thầy, đó là Thầy Giáo và Thầy Thuốc. Nghề Thầy Thuốc là một nghề mang trọng trách rất lớn là nghề trị bệnh cứu người. Trong đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thì người Thầy thuốc tuyến xã, đã và đang công tác tại trạm y tế cấp xã là những người chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân nhưng họ lại chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhất.
Tôi có đến thăm và trò chuyện với bà dì ruột tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó trưởng Trạm y tế xã Hoài Thượng để hiểu thêm về họ.
Cách nay 62 năm (năm 1958), Trạm y tế xã Thượng Mão quê tôi bắt đầu được thành lập. Nhân sự lúc đó chỉ có 3 người là ông Chấn (quê làng Đông Miếu) phụ trách trạm, cụ Vũ Thị Lạc là nữ hộ sinh từ vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên) chuyển về quê hương và bà Thắp là nhân viên y tế. Cơ sở vật chất những ngày đầu còn đơn sơ với một dãy nhà cấp 4 nằm ở mảnh đất xóm trại, phía Tây Nam, rìa làng Đại Mão.
Năm 1963, Trạm trưởng là ông Trần Đăng Uyển, (quê làng Ngọ Xá), thay ông Chấn nhập ngũ, (sau đó ông Chấn hy sinh), cụ Lạc là nữ hộ sinh, ông Mỵ là y tá. Đặc biệt thời kỳ này trạm được đón nhận nghề Đông y gia truyền của cụ Lang Cót về trạm. Trực tiếp làm đông y có cụ lương y Nguyễn Đình Tứ, cụ lương y Nguyễn Thị Hoàn (cụ Thơ Tuyên), một thời gian sau có thêm cụ lương y Nguyễn Đình Toàn, cả 3 cụ đều là con cháu cụ Lang Cót. Lúc này 2 xã Thượng Mão và Hoài Đức đã sáp nhập thành xã Hoài Thượng và tên gọi của trạm là Trạm y tế xã Hoài Thượng. Cơ sở vật chất có thêm một dãy nhà cấp 4 hướng Đông, trang bị nhìn chung còn nghèo nàn.
Năm 1967, Trạm y tế được bổ sung 3 y sỹ chính quy là Y sỹ Lê Thế Trường (quê thôn Bình Cầu) là trạm trưởng, Y sỹ Nguyễn Thị Tuyến (Đại Mão) là trạm phó cùng Y sỹ Lê Thj Chanh là chuyên môn; ông Huyên, ông Tạc, bà Dung, là Y tá và bà Vũ Thị Lạc vẫn làm hộ sinh. Cơ sở vật chất được xây thêm một số dãy nhà cấp 4 và bổ sung thêm trang thiết bị, nhưng không đáng kể.
Năm 1992, ông Lê Thế Trường, trạm trưởng; bà Nguyễn Thị Tuyến xin nghỉ hưu (hưu xã), các cụ lương y Nguyễn Đình Tứ và cụ Thơ Tuyên và một số thầy thuốc tuổi cao đã nghi hoặc đã từ trần. Số lượng cán bộ nhân viên giảm hẳn, chỉ còn 4,5 người.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, Trạm y tế xã Hoài Thượng được xây dựng kiên cố 2 tầng vẫn trên khu vực đất ban đầu nhưng diện tích thu hẹp hơn, chỉ còn 1077,5 m2. Trạm được trang bị máy siêu âm xách tay, kính hiển vi, giường nằm cho bệnh nhân, hệ thống tủ thuốc và một số trang thiết bị thiết yếu. Đội ngũ cán bộ nhân viên của trạm có Trạm trưởng là bác sỹ, một trạm phó, một nhân viên phụ trách công tác Dân số KHHGĐ, 5 nhân viên y tế khác. Tất cả các cán bộ nhân viên của trạm đều được tuyển dụng là viên chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Nhìn lại chặng đường 62 năm xây dựng và trưởng thành, Trạm y tế xã Hoài Thượng đã trải qua bao thăng trầm.
* Những niềm vui và tự hào:
Trước hết về thành tựu đạt được: Trạm y tế xã Hoài Thượng có đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn vững vàng, chuyên tâm và say mê với nghề nghiệp. Tiêu biểu như Y sỹ trạm trưởng Lê Thế Trường, Y sỹ trạm phó Nguyễn Thị Tuyến cùng các nhân viên y tế khác rất giỏi về tây y. Ông Tạc, ông Huyên, bà Chanh … họ là những thầy thuốc luôn tận tụy vời nghề. Những năm trước đây, đời sống người dân còn khó khăn, các bệnh viện tuyến trên còn mỏng những lúc ốm đau, những khi tai nạn cần cấp cứu trước hết họ đều đến trạm y tế để được cứu chữa, trường hợp nặng họ mới đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Về nhiệm vụ hộ sinh có cụ Vũ Thị Lạc, một nữ hộ sinh tiêu biểu gần như cả đời cụ gắn bó với nghề. Cụ Lạc được học nghiệp vụ hộ sinh từ thời Pháp. Trong kháng chiến, cụ theo cụ ông tham gia nghề hộ sinh tại vùng kháng chiến huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Hòa bình lập lại, cụ cùng cụ ông và các con trở về quê hương và tham gia hộ sinh tại quê hương. Ngay sau khi thành lập trạm y tế xã, cụ là một trong những người đầu tiên tham gia công việc hộ sinh tại trạm y tế xã. Từ năm 1954 đến năm 1987, cụ đã đỡ đẻ cho hàng nghìn ca thành công. Nhiều ca đẻ khó nhưng bằng đôi bàn tay “vàng”, cụ đã dùng các thủ thuật biến nguy thành an. Trong xã Hoài Thường một số gia đình có cả 3 thế hệ đều cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay cụ.
Trạm y tế xã Hoài Thượng còn có một nghề chuyên môn đặc biệt là Đông y mà rất ít nơi có, đó là nghề thuốc gia truyền của cụ Lang Cót. Theo nhà giáo Nguyễn Đình Chử (là chồng bà Tuyến, trạm phó và là cháu nội của cụ Lang Cót) thì cụ Lang Cót là đời thứ 6 được tiếp nhận nghề do các cụ đời trước truyền lại. Đên khi cụ Lang Cót hành nghề thì nghề này được phát triển, nổi tiêng cả vùng. Thày giỏi thuốc tốt, cụ điều trị được các bệnh như Tê thấp, thấp khớp, sai khớp do tai nạn, bệnh "dò xương" do nhiễm trùng, bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều). Ông Chử lúc còn trẻ đã chứng kiến bà nội (cụ Lang Cót) điều trị cho một thanh niên 16 tuổi bị ngã gãy xương ống tay, phần xương gãy nhọn như mũi mác đâm thủng cả phần cơ và da. Bằng những lá thuốc cụ kiếm được ở các khu vườn, bờ rào trong làng, cụ Lang Cót đã đắp 3 lá thuốc và sau 3 tuần vết xương cơ bản liền sẹo, phần xương gãy cơ bản liền, bệnh nhận cử động được. Năm 1963, 2 cụ lương y là Nguyễn Đình Tứ và cụ Nguyễn Thị Thơ Tuyên đã mang nghề từ gia đình về trạm y tế phục vụ cho bà con. Bệnh nhân đến điều trị tại trạm y tế xã không chỉ là người trong địa phương mà nhiều người bệnh từ khắp các huyện, tỉnh bạn sau khi chữa chạy nhiều nơi không khỏi, nghe tin môn thuốc gia truyền cụ Lang Cót, họ đã tìm về và được điều trị thành công, trong đó có cả các vị là sỹ quan cao cấp trong quân đội. Sau khi 2 cụ lương y là cụ Tứ, cụ Thơ Tuyên tuổi cao xin nghỉ, cụ Nguyễn Đình Toàn vẫn tiếp tục phục vụ bà con tại trạm y tế. Đến nay các cháu cụ Lang Cót trong đó có gia đình ông Chử và bà Tuyến vẫn duy trì được môn thuốc này. Thương hiệu được đăng ký bản quyền Thuốc xoa bóp “Bà Lang Cót”.
Những thành tựu của Trạm y tế xã Hoài Thượng rất nhiều, trước hết phải kể đến đóng góp của đội ngũ hàng chục thày thuốc đã công tác, cống hiến tại trạm nhiều chục năm. Những năm công tác tại trạm, họ thực hiện nhiệm vụ không khác một viên chức trong ngành y tế, làm đủ 8 giờ/ngày và 7 ngày/tuần. Hàng tuần còn trực đêm để sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Với người làm hộ sinh như cụ Vũ Thị Lạc thì người sản phụ sinh nở bất kể ngày hay đêm, bất kể điều kiện thời tiết nào và cụ hầu như có mặt tại trạm. Tuy nhiên chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với họ thật là rất thấp. Gọi là “lương” nhưng họ đâu có được hưởng như biên chế nhà nước. “Lương” của họ do ngân sách cấp xã chi trả. Lấy ví dụ như bà dì tôi có trình độ Y sỹ, học chính quy 3 năm, là trạm phó nhưng “lương” tháng chỉ đủ tiền mua 3 ca gạo (khoảng 4,2 kg), sau này có khá hơn thì lương tháng cũng chỉ mua được khoảng một yến gạo (10 kg). Vậy mà bà Tuyến vẫn phải cùng chồng là một thày giáo cấp 2 nuôi 4 đứa con, vẫn lạc quan, tâm huyết với nghề. Năm 1993, sau 26 năm công tác, dì tôi nghỉ hưu theo chế độ nhưng hưởng lương hưu từ ngân sách xã, mà ngân sách xã thì gặp khó khăn nên thường chậm trả. Dì tôi cũng như các cán bộ y tế khác phải bươn trải kiếm sống nuôi các con trưởng thành. Đến nay mặc dù đã ở tuổi gần “bát tuần” dì tôi vẫn mở cửa hàng Dược, bán một số loại thuốc thông thường và vẫn tư vấn sức khỏe cho bà con trong làng. Cửa hàng thuốc của dì tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười không chỉ của người mua thuốc mà còn là của các cụ, các bà nghiện trầu cau, thế hệ của các “cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Thi sỹ Hoàng Cầm quê tôi.
Ngày nay, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước, hệ thống y tế của Việt Nam đã có bước tiến bộ vượt bậc với đội ngũ các thày thuốc giỏi, hệ thống bệnh viện được hoàn thiện từ trung ương đến cơ sở, nhiều bệnh viện tư nhân được hình thành theo hướng xã hội hóa, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế được quan tâm. Nhiều thành tựu y khoa của Việt Nam đã ngang tầm thế giới, điển hình như thành tựu về phòng chống dịch covid 19 hiện nay.
* Những băn khoăn còn đó:
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của Trạm y tế xã Hoài Thượng từ những ngày mới thành lập đến nay tuổi đã rất cao, nhiều người đã là “người thiên cổ”. Số còn lại đang được hưởng lương hưu nhưng đồng lương hưu rất thấp và chậm trả. Những cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế sau gần 30 năm hành nghề khi nghỉ hưu lại được hưởng lương hưu từ ngân sách xã. Họ rất mong nhà nước quan tâm để họ được hưởng lương hưu theo ngạch bậc chuyên môn từ ngân sách nhà nước.
Đất đai của trạm y tế xã Hoài Thượng lúc ban đầu có diện tích rất lớn, khoảng hanhgf hecta, nay bị thu hẹp chỉ còn tren 1000 m2 do địa phương chuyển đổi sang đất ở cho hàng chục hộ. Trên khuôn viên đất của trạm dù đã được cấp sổ đỏ vẫn tồn tại vài ki ốt do UBND xã ký hợp đồng cho người địa phương, tiền cho thuê đất trạm y tế cũng không biết đi đâu, gây ảnh hưởng đến việc đi lại khi có xe cấp cứu người bệnh, vườn thuốc nam của trạm. Trạm y tế đã đề nghị UBND xã thu hồi đất do xã hợp đồng để trả lại cho trạm mà nhiều năm nay chưa được giải quyết.
Đầu tư cho trạm y tế tuyến xã là đầu tư cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm bớt áp lực cho y tế tuyến trên, đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2020, những người thầy thuốc tuyến cơ sở xã tôi bên cạnh niềm phấn khởi, tự hào nhưng vẫn canh cánh những băn khoăn mong được các cấp quan tâm giải quyết.
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, những người thầy thuốc rất yên tâm khi nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Phải coi Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ y tế cộng đồng, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y với dân y”. Họ rất vững niềm tin ở con đường và sự nghiệp vẻ vang mà họ đã lựa chọn./.