Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013



Trở về của linh hồn

Vinh Nghĩa
Mờ sáng một ngày cuối năm Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cao Lãnh còn trong sương đêm lãng đãng. Ánh điện bên chợ Mỹ Thọ cũng chỉ đủ hắt những tia sáng lờ mờ quanh khu đài tưởng niệm, nghĩa trang rộng mênh mông, các chiến sỹ xếp thành 10 khu theo hình dẻ quạt quây quanh tượng đài “ Mẹ Miền Nam” dang tấm khăn rằn che chở cho 5 chiến sỹ đang trong tư thế tiến công. Ngay giữa lồng ngực to lớn của mẹ, một lỗ thủng như sức công phá của viên đạn M79 thành hình ngôi sao 5 cánh. Gió Đông Bắc tràn qua đó tạo nên những tiếng u u triền miên. Trong không gian yên tĩnh của vùng châu thổ Đồng Tháp Mười, tiếng âm u càng não nuột.
  
Nghĩa trang có 3 khối mộ, xếp hàng ngay ngắn chỉnh tề theo hình vòng cung. Hàng thẳng tắp, các ngôi mộ được khoác lên mình bộ đồng phục mới. Đồng phục là cây bông Trang [1] , bia mộ có số và hình ngôi sao sáng ngời, trên mỗi ngôi mộ có một đoạn ống nhựa dùng để cắm nhang,  Mỗi khu có thể là một đại đội, cả nghĩa trang dễ có đến một trung đoàn đủ cơ số. Không có  khu riêng cho trung đoàn bộ hay tiểu đoàn bộ, mà hình như cũng chẳng có chính ủy hay tư lệnh gì hết. Ở đây bình đẳng nhưng kỷ luật nghiêm ra trò. Thì cứ xem anh em đứng nghiêm cả mấy chục năm, không thay đổi tư thế, vẫn nghiêm trang, vẫn thẳng hàng. Đã qua ba, bốn bận ủy ban huyện Cao Lãnh cho tu bổ, xây dựng nâng cấp mà anh em vẫn giữ vững đội hình, không thay đổi vị trí, không thay đổi tư thế trong đội hình xum họp một nhà.
Hóa ra mỗi ngôi mộ là một ngôi nhà của liệt sỹ, nhà nguyên vẹn đấy, việc nội vụ đã có quản trang chăm lo hàng ngày, lâu lâu các cháu học sinh, thanh niên trong huyện đến cùng quét dọn, chăm sóc, tưới bón cho các khóm bông trang trên nóc nhà liệt sỹ nên khu của các anh chị vẫn sach đẹp.
Các liệt sỹ thả sức đi chơi, các anh bay lượn khắp vùng, đến bất cứ đâu các anh muốn. Hồi mới tập trung về đây nhiều anh nhớ quê, nhớ đơn vị cũ, nhớ những người thân yêu, nên đã đi lang thang về nơi họ thích. Gần sáng không cần hiệu lệnh thu quân, họ nhanh nhẹn luồn qua nhánh bông trang chui vào “nhà” sẵn sàng trong tư thế thường trực chiến đấu…
Lê Doãn Yên ở lại huyện này đã 40 năm. Những năm đầu, hàng đêm anh bay về bên sông Đuống quê anh, tìm đến tận mái nhà anh ở làng Đại Mão, nhưng chẳng ai nhận ra anh, vì không ai có nổi sức siêu nhiên để nhìn thấy anh mặc dù anh nhìn rõ họ. Lâu rồi đâm nản, hàng đêm anh lại cùng các chiến hữu đi loanh quanh vùng Đầm Tràm Dơi nơi tiểu đoàn của anh được Quân khu 8 điều về tham gia chiến dịch dành đất, dành dân xóa tình trạng vết “da beo” và bảo vệ căn cứ huyện ủy Cao Lãnh đóng ở ấp 2 xã Mỹ Thọ. Bao nhiêu năm rồi nhưng anh vẫn nhớ đinh ninh nhiệm vụ cấp trên giao phó cho trung đội anh  trước khi rời căn cứ trên “R” về vùng Mỹ Thọ. Trung đội anh chốt tại ấp Mỹ An, gần sát trục lộ 30 nối Cao Lãnh với tỉnh lộ 4. đấy là con đường huyết mạch nối thị xã Cao Lãnh với Sài Gòn. Xóa được vết da báo Mỹ Thọ là chặt đứt đường tiếp viện của vùng 4 chiến thuật với thị xã Cao Lãnh, bảo vệ được căn cứ Đầm Tràm Dơi của Huyện ủy Cao Lãnh và căn cứ Xẻo Quýt của Tỉnh ủy Đồng Tháp đồng thời dành dân dành đất cho cách mạng tạo thế thuận lợi cho hội nghị Paris.
Tổ ba người của anh được điều vào sống ở vườn nhà má Tám. Các anh đào hầm ngay trong vườn, sát với con rạch. Má Tám là một cơ sở của Cách mạng từ lâu. Má vẫn gọi anh là thằng Ba. Má bảo: Tụi bay ở miền Bắc, hòa bình chắc là sung sướng vậy mà phải zô đây dánh Mỹ, tau thương lắm. thằng Ba Yên chưa vợ hả?, khỏi lo mày. Ở đâu có dân , ở đó có vợ nghen. Ưng con nào ở ấp Mỹ An này, tau làm mai cho. Má có 4 người con, chồng má hy sinh từ hồi chín năm trên huyện Tháp Mười. con gái lớn của má, hai Thảo lấy chồng mãi tận Lai Vung bên kia sông Tiền. thằng Ba, má cho đi trốn quân dịch trên Sài Gòn, trốn chui, trốn nhủi được 1 năm thì bị bắt lính ở xa cảng Miền Tây. Cậu Hai nó chạy tiền cho bọn quân lực để không phải ra trận. Hiện nó đóng lính mãi trên Tân An.. Má kêu đào ngũ mấy lần mà nó không nghe. Thôi coi như bỏ, má thương mày Ba ạ. Vậy mày  là thằng Ba của tau..
Có lần bọn anh đang ngồi lau súng trên vườn thì nghe tiếng lao xao ngoài lộ 30: “Thằng Ba nhà bà Tám nó ziề kìa”. Tiếng người này nối người kia vọng xuống vườn. Các anh vừa rút lẹ xuống hầm thì thằng Ba  trong bộ civil khệnh khạng vô nhà. Các anh nép mình trong miệng hầm, khẩu AK sẵn sàng nhả đạn. Qua cành lá ngụy trang anh thấy thằng Ba vào nhà. Tiếng nó oang oang, không ra tức giận không ra hờn rỗi.:”Má cùng con Tư thằng Năm lên Tân An sống với tui đi, vùng này Quốc Gia sẽ “bình định” trắng đó. Chiến tranh sắp hết rồi, họ họp với nhau ở Ba-Lê. Cũng không bên nào thắng đâu má ơi. Rồi lại giống sau hồi chín năm, lại hòa bình, ai ở đâu, thì ở nguyên đó. Cộng quân Bắc Việt sẽ phải rút hết về Bắc. Mỹ nó chịu rút quân rồi thì miền Bắc phải nghe theo thôi. Con biết mấy sư đoàn của vùng 4 chiến thuật sẽ tái chiếm tất cả các khu dân cư thị tứ, dồn Việt Cộng về các vùng bưng. Khi nào Cao Lãnh tạm yên thì má lại về…
Tiếng má Tám thủng thẳng. “ Tui không đi đâu hết trơn đó nghen. Tui phải cúng quải và gìn giữ phần mộ ông bà và bố anh chứ. Bỏ đi thì ai trông nom? Tui còn phải giữ mấy công ruộng cho anh, sau này anh quay về còn có chỗ mần ăn chứ..     
Thằng Ba có vẻ hạ giong: zậy má đừng hoạt động cho Cộng Sản nữa. Không cho con Tư đi du kích .. mai kia Quốc gia bình định xong,  họ trả thù đó.. Tui biết, má vẫn nuôi Việt Cộng trong vườn, nhìn đám lục bình, lá bạc má lật ngược là tui biết ngay hà. Tùy má tui đi đây..
Mấy anh em dưới hầm chợt rùng mình. Nó biết có mình ở đây, nhưng phải giữ bí mật, phải giữ an toàn nên các anh chỉ biết ghì chặt  báng súng. Nó đi, các anh báo cáo tình hình lên cấp trên. Sáu Nhanh đại đội trưởng nói chắc như đinh đóng cột: “Cho kẹo nó cũng không dám dẫn lính về đâu.”
Tư Hồng con gái má đã mấy lần được trên phân công dẫn tiểu đội anh đi phục kích trên lộ 30. Nằm sát bên Tư, tim anh đập rộn ràng, hơi thở và da thịt con gái làm anh sốn sang, định bữa nào rảnh rang anh ngỏ lời với Tư,
Thế rồi đêm hôm 26 tháng 10 năm 1970, trong lúc truy kích bọn “bình định” ở chân cầu Xáng, anh bị dính mấy viên AR15. Đồng đội băng bó cho anh, đưa anh về. Tư thay băng, làm thuốc cho anh mà nước mắt Tư cứ ròng ròng. Anh tắt thở trên tay Tư. Đơn vị làm lễ truy điệu anh trong tiếng khóc nức nở của Tư. Anh biết hết, người ta chôn thi thể anh ngay sau vườn má Tám. Anh mới 25 tuổi, đến hôm nay đã là 40 năm 2 tháng mà anh vẫn ở tuổi 25. anh nằm đó cho đến cuối năm 75 họ tắm rửa cho anh rồi đưa anh về nghĩa trang huyện Cao Lãnh, nằm trong đội hình từ ngày đó đến giờ. Số mộ của anh 0270, may mắn hơn nhiều bạn bè khác là anh còn đầy đủ tên họ, quê quán, phiên hiệu đơn vị trước lúc hy sinh. Nhiều bạn anh chỉ có số mộ mà tên thì không, gọi là “Mộ chưa rõ tên” hay là mộ vô danh thì cũng vậy. 
Anh vẫn gặp Tư, muốn nói chuyện với Tư nhưng Tư không nghe được lời của anh. Thi thoảng có lần nàng cười với anh, thế là anh mãn nguyện. Nàng vẫn thế, hòa bình, bạn bè lấy chồng sinh con đẻ cái nhưng nàng vẫn ở nhà làm ruộng nuôi má Tám cho đến khi má mất, Đàn ông họ đến với Tư nhưng Tư chỉ lắc đầu. Bây giờ Tư đã trên 60 tuổi. Nhiều đêm anh bay đến nhà Tư, thấy Tư tuổi già mất ngủ đang lọ mọ đun nấu gì trong bếp.  Nhà Tư khang trang hơn trước, đã cất nhà lầu ngay ở ấp Mỹ An, sát với chỗ căn hầm cũ của  các anh. Anh bay sát đến chỗ Tư ngồi, gọi to Tư ơi mà Tư không nghe được. Thằng Ba, anh của Tư nó ở Mỹ, gủi tiền về cho Tư xây lại mộ ông bà. Lâu lâu nó về quê, cùng đi với Tư ra nghĩa trang thắp nhang trước mộ của anh.
Sáng nay vừa bay về nghĩa trang anh thấy bạn bè sôn sao. “ báo động, báo động” Hiệu lệnh chưa dứt toàn bộ liệt sỹ đã tập trung bên tượng đài trung tâm. Gió vẫn thổi u u qua lỗ thủng hình sao năm cánh của Mẹ tượng đài. Bạn bè anh bay qua lại rối rít. Tin đã rõ, mới mờ sáng mà đã có một cậu trai trẻ đến ngồi trước tượng đài, dáng điệu mệt mỏi chứng tỏ vừa ở vùng xa tới đây. Nghe nói cậu là cháu ruột của của Lê Doãn Yên, cậu từ Kiên Giang về đây, gặp đoàn từ ngoài Bắc vào đón Lê Doãn Yên về quê. Anh nhìn cậu thanh niên, trông chững trạc, có học thức, hình như quen quen. Con nhà ai mà anh không biết nhỉ ?. Anh ghé tai nó hỏi mà nó làm thinh như không nghe thấy gì, chỉ khẽ rung mình rồi kéo cao cổ áo. Nó lim dim ngủ.
Cả trung đoàn đang lao xao như chợ vỡ mà nó cứ gục đầu vào ghế đá ngủ thiếp …”Không cho về “… “anh em đồng đội sống chết có nhau không được xa nhau”… Bao nhiêu năm nay bây giờ mới có đội hình đẹp nhất, phải giữ vững đội hình..
Cả trung đoàn, một rừng bóng ma, gần 2 ngàn linh hồn sát cánh bên nhau. Bay lượn ra oai với cậu thanh niên. Nghị quyết đã ra “ Lê Doãn Yên ở lại, “ cả trung đoàn liệt sỹ giơ cao tay, những cánh tay gầy nhẳng chỉ còn xương không trong bộ đồng phục gabadin màu cỏ úa rách rưới, túm víu nhiều chỗ giơ cao cùng đồng thanh: không đi, không đi ..gần 2 ngàn  linh hồn sát cánh để giữ lại một đồng chí, để đội hình không thiếu một tay súng,  để chị Tư du kích năm nào còn có chỗ ra thăm anh em đồng đội. Hình như họ quyết tâm lắm. người Âm mà quyết  thì đừng ai cản được họ, họ chỉ có phù hộ độ trì cho những người đang còn trên Dương thế. Chứ ai dám trái ý người Âm?, thiếu gì cách làm để cản trở đám người Dương thế.  Chỉ cần làm tắt nhang khi họ cầu khấn thổ thần là cả lũ mặt xanh, cao thủ hơn nữa là cho cậu nào bắn một mảnh đá vào tay kẻ đào mộ thì công việc phải dừng lại ngay tắp lự. Mỗi linh hồn một ý, ai cũng có sáng kiến cản trở công việc của người Dương thế.  Lúc ấy chú Hai huyện ủy viên, người hy sinh trong trận Vàm Xáng khi mới bước vào tuổi 49, gần 40 năm qua chú vẫn ở tuổi 49, lúc đó mới chậm rãi nói: Không phá hỏng đội hình là nghị quyết bao nhiêu năm nay của chúng ta. Nhưng giữ vững đội hình để làm gì khi người thân của anh em từ ngoài Bắc xa xôi, họ mất bao nhiêu công sức đi tìm hài cốt thân nhân liệt sỹ, Thằng Yên có tên  tuổi quê quán đầy đủ mà 40 năm nay họ mới tìm được. Còn bao nhiêu anh em không rõ tên tuổi, quê quán thì người nhà của họ biết đâu mà tìm. Những nhà ngoại cảm có khả năng nói chuyện được với chúng ta không có nhiều mà có phải lúc nào họ cũng tìm được chính xác đâu? Khi họ tin đó là hài cốt người thân của họ thì bằng mọi cách họ cũng mang về quê được, cho phép thì họ lấy đàng hoàng, không cho thì đêm họ đào trộm. Quê hương đã sinh ra những chàng trai đi chiến đấu giải phóng đất nước, nay còn nắm xương tàn phải cho họ mang về quê  thờ phụng chứ, để thân nhân họ yên ổn làm ăn xây dựng quê hương. Nếu cứ giữ vững đội hình ở đây, 40 năm rồi mà anh em chúng ta cứ ngất ngây mãi với những chiến công trước kia của mình, lòng người  trên dương thế không yên, dân tộc không hòa hợp là có tội với tổ quốc đó. Hãy cho thằng Ba về quê. Cần gặp nhau, hú một tiếng là chúng ta lại có mặt phải không? Vậy ý tôi thế này: nếu huyện tán thành thì cho họ làm êm đẹp. anh em thấy sao?
Nghe đến đấy đám linh hồn lính trẻ hô vang : đúng đó thủ trưởng ơi! Thủ trưởng muôn năm, thủ trưởng muốn nằm… đám linh hồn có số nhưng không tên khóc lóc thảm thiết,: Chúng tôi có tên, có tuổi mà chịu “Vô Danh”, ai trả lại tên cho chúng tôi ?
Lê Doãn Yên cùng cả đám bay lượn quanh người lính già, tiếng reo hò hoan hỷ và khóc lóc thảm thiết kéo dài không dứt.
Chợt ngoài cổng chiếc Isuzu  đời mới đỗ sịch. Cậu thanh niên chạy ra, đoàn 7 người cả lái xe vui vẻ đón cậu. Chú Hai ra hiệu cho anh em im lặng. Lê Doãn Yên bay vụt qua chỗ đám người mới đến. hình như người già nhất là em trai của anh: thằng Bốn. anh gào lên: anh đây Bốn ơi, mày con nhớ chúng mình gặp nhau trên đường Trường Sơn khi anh đang điều trị ở bệnh xá đường dây 559 không? Ngày ấy đang cơn sốt rét rừng, tao nghe tin có đoàn lính Hà Bắc đi qua, tao vùng dậy đi tìm thế là gặp mày, Tao cho mày cái đồng hồ Viler mà mày không chịu nhận. Thế rồi năm 1969 mày ở tận Tỉnh đội Tây Ninh, băng qua Long  An mày đi tìm tao ở trên cứ Tháp Mười. Từ đó biệt tin mày. Anh cứ bay lượn trên đầu ông Bốn mà nói, nhưng ông Bốn đâu có nghe thấy gì. Anh em chiến hữu theo lệnh của chú Hai nhanh chóng ai về nhà nấy, lấp ló sau bụi bông Trang nhìn ra.  Chú Hai huyện ủy viên bay lên khu tượng đài, chú ngồi trầm tư theo dõi . Chú ngoắc tay cho Lê Doãn Yên tới gần, thì thào đủ cho Yên nghe.
Ông Bốn mang lễ vật lên thắp nhang trên tượng đài. Có cả các cán bộ phòng thương binh Xã hội huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Ông Bốn đang lầm rầm khấn vái, trong khói hương nghi ngút ông trông thấy Lê Doãn trước mặt, giọng ông nấc lên : Anh ơi bao nhiêu năm rồi cả nhà đi tìm anh, may mà có chương trình “đi tìm đồng đội” của hội Cựu Chiến binh thông tin, nên chúng em mới biết mà đón anh về. hai anh em ôm lấy nhau khóc nức nở: sao Anh gầy thế, quân phục rách hết rồi... Tao là Ma, chỉ có xương thôi, gầy béo gì. họ chỉ cúng tao bằng hương hoa chứ có cúng quân trang bao giờ đâu, ở quê có đốt mã cho tao quần áo thường dân nhưng tao chỉ mặc quân phục thôi. Bộ này hơn 40 năm rồi, rách là phải, tao là ma, chả cần đẹp.. Thầy mẹ chờ anh mãi không có tin tức gì, thầy mẹ mất cả rồi anh ơi. ..Tao gặp thầy mẹ rồi. Thầy mẹ nói chúng mày bây giờ cuộc sống đã khá hơn xưa, thương thầy mẹ nghèo khổ mãi đến lúc con cái khá giả thì không còn. .. Em đón anh về quê nhé, Con trai em nó đến đây từ sớm đó, nó kia kìa, Anh còn nhớ thằng Huynh con anh Miện không.. à tao nhớ rồi, tao phải lấy mỏ lết để tháo bánh xe khi nó bị kẹt chân vào nan hoa xe đạp… Cái Lan chị thằng Huynh và chồng nó đấy… Ôi cái Lan tao từng cõng nó đi chơi khắp xóm đấy. Thằng Vũ là chồng nó phải không? Nhà ở đầu ngõ chứ gì .. Ôi chúng nó già hết cả rồi… Vâng 40 năm rồi  anh ơi...    Chúng em đến đón anh về quê đấy., anh còn ước nguyện gì trước lúc về  không… Về cũng được, thủ trưởng của tao đồng ý rồi. nhưng tao ở đất Cao Lãnh này còn lâu hơn thời gian tao sống ở quê, không dễ mà chia tay ngay được..  Anh cứ đi chia tay, khi nào em hú : ba hồn bảy vía anh ở đâu thì theo em về nhé.
Nắm nhang trên tay ông Bốn khói bay nghi ngút, một làn gió lạnh thoáng qua, ông khẽ rùng mình quay lại với thực tại, trên khuôn mặt  già nua khắc khổ những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.    
Doãn Yên bay đi chia tay đồng đội, giọng anh nghẹn ngào: Chào anh em ở lại, .  họ lại tíu tít với nhau, họ chào nhau theo nhiều kiểu khác nhau, một giọng của ai nhắc anh đi chia tay cô Tư Hồng, anh vụt bay về Mỹ An, nhà Tư đóng cửa, vòng qua mấy nhà anh mới biết Tư sáng nay đi Lai Vung ăn đám cưới con trai chị Hai Thảo. Lòng anh như lửa đốt. Thế là lại không gặp Tư. Anh muốn chào Tư lần chót mà cũng không được.. đúng lúc ấy tiếng hú của ông Ba vọng đến : Ba hồn bảy vía anh Lê Doãn Yên ở đâu nhanh chóng về nhập cốt để em đưa anh về quê. Như một quân lệnh anh nhanh chóng bay về, nhập vào chiếc ba lô đeo trước ngực ông Ba, lên xe về Bắc.
                                                       Tháng 12 năm 2010
                                                          





[1] Bông Trang , miền Bắc goi là hoa Mẫu Đơn 

      Chú thích của biên tập : Tác giả truyện ngắn trên là một Cựu chiến binh - quê gốc Hà Nội, hiện sống ở Quận 2 TP HCM. Ông là con rể của Hoài Thượng . Nhân dịp Thư viện Đại Mão ra đời ông  muốn góp một truyện ngắn sáng tác nhân dịp đưa LS Lê Doãn Yên ( Đại Mão ) về quê.
                                       Xin chân thành cám ơn tình cảm của tác giả  với Thư viện Giũa Làng! 

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013


THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 2)

 Lê Nho Tài 
                  Thơ Người làng Giữa (2) xin giới thiệu chùm thơ của tác giả Lê Nho Tài - sinh 1937 hiện ở xóm 3 Đại Mão. Nhà giáo nghỉ hưu, nguyên Hiệu phó, hiệu trưởng cấp 1,2, Phó Thư ký CĐGD huyện Thuận Thành. Hội viên CLB Thơ VN.
                 Đã có nhiều tác phẩm được tuyển chọn đăng trên các tập thơ của Hội Nhà văn VN, CLB Thơ VN, CLB Thơ tỉnh Bắc Ninh, CLB Thơ Thuận Thành.


                    SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI
                                      ( Thơ chào mừng ngày NGVN 20-11-2013)

Vinh quang sự nghiệp trồng người,
Một nghề cao quý rạng ngời thanh danh.

Khuôn vàng thước ngọc long lanh,
Tôn sư trọng đạo ân tình thầy cô.
Nghiệp nghề công việc điểm tô,
Siêng năng như bác lái đò qua sông.

Dù cho nắng hạ mưa đông,
Chắp từng con chữ đèn chong lặng thầm.
Nghề thầy luôn sáng chữ Tâm,
Chữ Tài, chữ Đức vẫn cần phải tu.

Ngày mong tháng đợi năm chờ,
Dắt dìu bao lớp trẻ thơ vào đời.
Biết bao quả ngọt hoa tươi,
Cho dân cho nước xây đời ấm no.

Chân thành viết mấy vần thơ,
Mấy lời tâm sự tặng cô tặng thầy.
Yêu thay sự nghiệp trồng người !

                                          Hoài Thượng, 05-08-2013
                                               Nhà giáo  LÊ NHO TÀI

                                                       Hội CGC xã Hoài Thượng


SÙNG ÂN TỰ

Sùng Ân có tự cổ xưa,
Đơn sơ vắng vẻ  vẫn chờ dựng xây.
Bây giờ tôn tạo đẹp thay,
Tổ đường Tam Bảo tràn đầy ánh dương.
Mới hay trong cõi vô thường,
Lòng dân hướng Phật mọi đường thanh cao.


Người người  nay thỏa ước ao,
Sớm hôm tụng niệm, hướng vào THIỆN,CHÂN.
Cảnh quan sầm uất trăm phần,
Mong chùa năm tháng ngàn lần tốt tươi!
Trung Thôn văn hiến lâu đời,
Phát huy truyền thống sáng ngời tình quê.

                                                       Hoài Thượng, 22-11-2011
                                                              LÊ NHO TÀI
                                                               Đthoại:  0919 585909




THĂM ĐỒNG LỘC

Chuông chiều Đồng Lộc nỗi bi ai
Mười tám đôi mươi đã khuất rồi.
Ngàn trận bom thù không khuất phục,
Mười cô gái mãi sáng cho đời.

Đồng Lộc một thời đạn bom rơi
Em đứng hiên ngang mắt sáng ngời.
Đếm bom từng trái thông huyết mạch,
Giữa Máu và Hoa, rộn tiếng cười.

Từ ngã ba này tỏa muôn nơi,
Bao chuyến xe qua ấm tình người
Trao vội nhành hoa vương khói súng
Hòa bình…Em đợi…nhé… anh ơi!

Mải miết anh đi dọc chiến tranh,
Đổi tuổi thanh xuân lấy hòa bình.
Vễ ngã ba xưa tìm đâu thấy,
Em sống kiên cường ,chết anh linh.

Đặt bó hoa rừng bên mộ ai?
Chưa kịp nhìn nhau; nhớ tiếng cười.
“ Thạch Kim, Thạc nhọn.”  sao “ tệ” thế?
Chẳng biết em đâu… xẻ làm mười.

Thắp nén hương trầm thỉnh hồi chuông,
Như vẫn thấy em bám cung đường…
Giữa Máu và Hoa thành bất tử
Em là thánh nữgiữa đời thường.


     *****************************


                                  TÂM SỰ NGHỀ NHÀ GIÁO

Ba mươi năm tôi cặm cụi trồng người
Hạnh phúc buồn vui trải cùng năm tháng.
Vất vả sớm hôm dù mưa dù nắng
Nghiệp trồng người cần luôn trọng chữ Tâm

Lớp lớp trò ngoan hạnh phúc nào hơn,
Nhưng nên nhớ đừng mơ hồ ảo tưởng
Đừng buôn chữ mưu cầu sung sướng
Mang tội với đời, hoen ố mầm non



Nghề nhà giáo là mô phạm sớm hôm
Là vất vả gieo trồng từng con chữ .
Nghề nhà giáo, một nghề cao quý nhất
Soi sáng cho đời đưa xã hội phồn vinh.

Hãy giữ trong tim ngọn lửa nhiệt tình
Trong vất vả sẽ ngời lên hạnh phúc.
Dù khó khăn luôn giữ gìn đạo  đức
Trái tròn đầy không phụ kẻ chăm cây.


NGUYÊN TIÊU

Rằm xuân nguyệt sáng giữa thinh không
Tỏa sáng trời Nam ánh điện lồng.
“ Núi Mác”, ngời soi đường cách mạng
“ Dòng Lê ”, Người họa cảnh non sông.
Sài Gòn ngọc quý khoe màu biếc,
Hà Nội rồng thiêng trải  nắng hồng.
Cả nước mỗi  xuân thêm rạng rỡ
Nguyên Tiêu thơ Bác mãi mệnh mông.


 HÀO KHÍ THĂNG LONG

    Lừng lẫy trên không trận Điện Biên
Thăng Long - Hà Nội cõi trời riêng.
Trừ Nguyên chiến tích còn vang mãi
Thắng Mỹ sử vàng vẫn vẹn nguyên.
Vua Lý dời đô xây xã tắc
Bác Hồ dẫn lối dựng nhân hiền.
Thủ đô văn hiến nghìn năm tuổi,
Rạng rỡ non sông vượng khí thiêng.



                          Chiến tích Thành Luy Lâu


Luy Lâu chiến tích tỏa thơm hương
Khởi nghĩa Hai Bà, sử một chương.
Tô Định thua đau đành cuốn gói
Bà Trưng đại thắng được xưng vương
Thù nhà rửa sạch ngời chân lý
Nợ nước trả xong vững kỷ cương
Nữ tướng anh hùng danh bất tử
Đời đời sáng mãi tới muôn phương.

                               (Bài đạt giải 3 thi thơ Đường huyện Thuận Thành)
                                                                                                                                                                                                                    
                                                                                                    LÊ NHO TÀI

                              ****************************************************************

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Thơ Người Làng Giữa (1) Khởi Động


THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( kỳ 01)

                 Làng Giữa có nhiều người  THÍCH ĐỌC VÀ THÍCH LÀM THƠ. Xin báo cho các bạn ở xa quê : Làng Giữa có cả 1 Câu Lạc Bộ Thơ. Nhiều người chưa vào CLB cũng làm thơ.
                 Họ làm thơ để ngợi ca quê hương, đất nước;  ngợi ca con người, ngợi ca cuộc sống lao động sản xuất, công tác, học tập của các thành viên trong làng. Họ làm thơ để ca ngợi cái tốt,chế giễu mong loại trừ cái xấu. Họ làm thơ để  thể hiện  mừng vui, để  giải tỏa nỗi niềm suy ngẫm về bản thân, bạn bè, thời cuộc; có khi chỉ để cho mình đọc.
                 Cũng có người muốn nhiều người đọc thơ mình để được đồng cảm, sẻ chia; để được khen ( ai chả thích khen) , thậm chí để được chê…Theo tôi, làm thơ  cần có ít nhiều  năng khiếu;  hiểu biết…; là MỘT SỞ THÍCH TRÍ TUỆ mà  KHÔNG PHẢI AI MUỐN CŨNG LÀM ĐƯỢC

                Thơ của họ có thể là hay hoặc chưa hay, tùy bạn nhận định...Thơ hay thì người làm mong muốn là cái chắc rồi, tuy nhiên MONG là dễ; cũng như việc người khác CHÊ là dễ. LÀM  thì mới khó! Bạn cứ thử xem?

                Nếu không cần  bí mật lắm, mời các bạn tham gia gửi bài cho THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA
       Thơ Người Làng Giữa ( kỳ 1) xin mạn phép 2 tác giả được đăng một vài bài cho “ khí thế ”.
    
       Mời các bạn tham gia : Thơ Người Làng Giữa (2); Thơ Người Làng Giữa (3);  Thơ Người Làng Giữa (….)     


  ĐỖ TRỌNG TẦU ( Người họ Đỗ trọng - Đại Mão; hiện sinh sống tại TP Bắc Giang)


                                                 ĐẠI MÃO VÀO XUÂN

Thì thùng ...tiếng trống vang khắp xóm...
ĐẠI  MÃO vào XUÂN TẾ TỔ đây !
Già trẻ gái trai mừng hớn hở,
Đón XUÂN về, LINH KHÍ tụ đầy !

            *************

Có 2 bạn trẻ mới được kết nạp vào Đảng,tôi có bài thơ tặng.bài thơ có tiêu đề:

CHÚC MỪNG 2 ĐẢNG VIÊN MỚI

Chúc  mừng hai cháu lên..."Đầy tớ..." !
Không phút nào quên nghĩ đến dân !
Chất Đảng ngấm sâu từng mạch máu :
Nước mạnh,dân giàu :Ta có phần !

                                                --------------------------------------

Chào bạn !Thấy bạn về hưu luôn bận rộn với việc nhà và việc công,mình nảy ra ý thơ,cóp nhặt lại thành bài,gửi tặng bạn!Nếu có chỗ nào còn vụng ,mong bạn không quá chê !

                                           NHÀ GIÁO VỀ HƯU MÀ KHÔNG HƯU

                                                                  (Tặng Nhà giáo Lê Đình Ngạn )

Về hưu, bạn chẳng thể ngồi không !
Bận hết việc nhà đến việc công .
Canh ngọt ,cơm ngon...làm tuốt tuột
Thơ  bình,văn luận...thảy đều thông !
Muốn truyền Văn Hiến qua trang mạng
Lại họp người tài góp sức cùng.
Công trạng mình làm,đâu tính đến...
Về hưu, bạn chẳng thể ngồi  không !


      *****************************

BẠN CÓ BIẾT ĐÂU LÀ TƯƠNG LAI?

Tương lai là...ở rất xa...
Ai mà nhìn thấu : ấy là người ngoan !

Học hành ...phải biết lo toan...
Không thầy,ta liệu làm nên được gì?!
Một câu,một chữ khắc ghi...
Tương lai ở đấy,phải đi đâu tìm?!

Bạn ta,lớp lớp đến trường,
Dù thành tướng,tá...dân thường ...đều hay!
Đều vì một chữ : KÍNH THẦY !
Nên người cũng bởi :..."Hôm nay thuộc bài " !

Nhắc ai muốn biết tương lai,
Thì câu :"Hôm nay thuộc bài !"chớ quên !

*************

================


NGƯỜI ANH HÙNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

(Tặng Anh công an cứu hỏa đã có hành động anh hùng)

Lửa thử vàng,gian nan thử sức,
Chất ANH HÙNG ngấm máu dân ta !

Xông vào lửa cháy rực nhà,
Cứu người,chẳng quản thân ta thương tàn

ANH HÙNG giữa chốn nhân gian,
Gương Anh tỏa sáng,chứa chan tình người !

      *****************************


    Lương Nguyệt Anh ( 81 tuổi ,  xom 3)


                          NHỚ LỜI THẦY DẠY

Kể từ thuở tuổi còn niên thiếu,
Cũng theo đòi nghiên bút bấy lâu.
Thầy dạy chữ Lễ làm đầu,
Chữ Nhân, chữ Nghĩa là câu răn mình.

Học phải biết phân bình sau trước,
Nghĩa xóm giềng, làng nước thân yêu.
Học sao cho đủ mọi điều,
Học thầy học một; học nhiều ở dân.

Học phải lấy nhân quần làm trọng,
Đừng so kè, đo đóng tấc phân.
Anh em xa, láng giềng gần,
Ở ăn phải biết quây quần với nhau.

Chợt có lúc ốm đau hoạn nạn,
Trước tiên nhờ là  bạn cận lân.
Tình người cái nghĩa tương thân,
Biết đâu họa phúc riêng phần cho ai.

Học phải nghĩ đúng sai cho rõ,
Chữ Nhượng  còn  phải có chữ Tâm.
Xưa nay tham tất là thâm,
Biết, hay không biết đừng lầm chi vô.

Làm người, chớ hồ đồ suy nghĩ,
Của trời kia đừng nghĩ của rơi.
Tranh giành mang tiếng để đời,
Để cho hậu thế kẻ cười người chê.

“Giấy rách phải giữ lấy lề”
Những lời thầy dậy con hề chẳng quên.
                                                                                                                                                                                                                    
                                                                                Đại Mão, tháng Hai  năm Quý Tỵ
                                                                                   LƯƠNG NGUYỆT ANH

                              ****************************************************************

ĐẠI GIA ĐÌNH NHÀ GIÁO


Đại gia đình nhà giáo

“Giấy rách phải giữ lấy lề, thiếu cơm, thiếu áo nhưng không được thiếu chữ. Học tập để làm người mới thực sự là nguồn tài sản quý giá nhất trong cuộc sống”. Lời răn dạy của ông đã thấm trong suy nghĩ và khát vọng của 8 người con hiếu học vượt khó trở thành những nhà giáo và kỹ sư xây dựng. Ông là Lê Nho Bảo, sinh năm 1932, ở thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng (Thuận Thành).

Dòng họ Lê Nho ở thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành nổi tiếng là hiếu học của vùng Kinh Bắc xưa nay. Điều đó có lẽ nhiều người đã biết, nhưng ít ai biết rằng trong dòng họ đó có gia đình ông Lê Nho Bảo với bề dày truyền thống tới 7 đời liên tục theo nghề dạy học. Mùa xuân năm nay, ông Bảo đã bước sang tuổi 81, nhưng mái tóc vẫn còn đen và khoẻ khoắn. Trong nếp nhà xưa giữa không gian yên tĩnh, ông Bảo kể cho chúng tôi nghe biết bao nhiêu chuyện xung quanh nghề dạy học của gia đình. Tính theo thứ tự, bắt đầu từ cụ Lê Nho Thư, tiếp đến là Lê Nho Dự, Lê Nho Hoành, Lê Nho Cang. Ông Lê Nho Bảo là đời thứ 5 và 7 người con cùng các cháu của ông đang ngày đêm miệt mài bên những trang giáo án.

Ngôi nhà ba gian với đầy đủ bàn ghế, bảng đen… đã chắp cánh ước mơ biết bao thế hệ trẻ thơ vùng quê Hoài Thượng truyền thống và khoa bảng. Ngày ông Bảo lên 5 tuổi đã bắt đầu học chữ Hán Nôm từ người thầy và cũng chính là người cha của mình-cụ Lê Nho Cang. Buổi sáng học Hán Nôm tại nhà, buổi chiều ông Bảo lại cắp sách đến trường học chữ Quốc ngữ. Năm 1952, ông đi thanh niên xung phong, tham gia vào chiến dịch Cao-Bắc-Lạng với nhiệm vụ tiếp viện quân lương cho chiến trường, sau đó lại vận chuyển chiến lợi phẩm từ chiến trường về nhập kho. Sau 2 năm làm thanh niên xung phong, ông trở lại địa phương hoạt động cách mạng. Trong khu vườn ngày ấy đào 2 hầm bí mật, có cửa thông ra bờ sông Đuống tạo đường rút quân sang sông nếu bị giặc Pháp phát hiện. Công việc kháng chiến bề bộn, những tưởng khép lại ước mơ đến trường nhưng tinh thần ham học hỏi đã giúp ông vượt khó tiếp tục sự nghiệp học tập để chuyên tâm với nghề dạy học.
                                                                               000
 Trong thời binh biến, cuộc đời dạy học của ông trải qua nhiều thăng trầm, khi lên bục giảng, lúc lại xông pha nơi chiến trường máu lửa. Ông Bảo nhớ lại: “Năm 1970, con trai lớn của tôi là Lê Nho Xuân đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam khi đang học năm thứ ba trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Lúc đó, tôi đang giảng dạy ở Yên Dũng (Bắc Giang) lẽ ra  được ưu tiên, nhưng vì miền Nam vẫy gọi, nên tôi quyết lên đường vào chiến trường chiến đấu, rồi sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế. Năm 1975, ngày trở về, hai bố con nhìn thấy nhau bên bến phà Hồ mà hạnh phúc trào dâng rơi nước mắt...”. 

Làng Đại Mão ở ngoài đê sông Đuống, mỗi mùa nước lũ tràn về, nhà cửa lại ngập chìm trong biển nước: lúa, ngô, khoai, sắn, lợn gà... đều bị nước lũ cuốn trôi, khiến cuộc sống trở nên khó khăn, điêu đứng. Vợ chồng ông chật vật, ngược xuôi nuôi 8 người con ăn học. Anh Lê Nho Đề, sinh năm 1967, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Quang Bật, xã An Bình (Thuận Thành) tâm sự: “Tuổi thơ của mấy anh chị em chúng tôi mỗi khi chăn trâu hay cắt cỏ cũng mang sách theo để học. Mẹ tôi sáng bắt cua, chiều làm việc đồng áng, còn đồng lương ít ỏi của bố tôi cũng không sao đủ cho  8 anh em ăn học. Vì thế cứ đến ngày nghỉ cuối tuần, tôi lại đạp xe từ trường Đại học Sư phạm I về quê cùng bố và các anh vác đất đóng gạch kiếm sống…”. Hôm nay, 8 người con đã trưởng thành, yên bề gia thất, nhưng ông Bảo vẫn luôn tâm niệm một điều: “Dù ở hoàn cảnh nào, tôi cũng nhắc nhở các con “Giấy rách phải giữ lấy lề”, thiếu cơm, thiếu áo nhưng không được thiếu chữ. Học tập phấn đấu để làm người mới thực sự là nguồn tài sản quí giá nhất trong cuộc sống”. Lời răn dạy của ông đã thấm dần trong suy nghĩ và khát vọng vươn lên của các con và đến nay là các cháu của ông. Thời gian trôi qua, lần lượt 8 người con của ông là: Lê Nho Xuân, Lê Thị Đào, Lê Thị Nụ, Lê Nho Ánh, Lê Nho Lệ, Lê Thị Ngân, Lê Nho Đề, Lê Thị Thuỷ đều tốt nghiệp Đại học và trên Đại học cùng với cháu nội Nguyễn Thị Hòa đang giảng dạy môn tiếng Anh, trường THPT Chuyên Bắc Ninh. Trong số 8 người con của ông, ngoài chị Lê Thị Thủy làm việc ở nhà máy HaNaKa (TX Từ Sơn) ra thì 7 người đều nối nghiệp ông  giảng dạy ở các cấp học khác nhau trong và ngoài tỉnh. Ở họ luôn say cháy một tình yêu thương với những thế hệ học trò. Anh Lê Nho Ánh, Thạc sỹ Khoa học, giáo viên trường THPT Chuyên Bắc Ninh chia sẻ: “Theo đuổi nghề dạy học, tôi thấy mình hạnh phúc vì đào tạo được nhiều thế hệ trò giỏi. Đó là vinh dự, là lẽ sống cũng là trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội”.

Dù tuổi đã cao, nhưng hôm nay ông Bảo vẫn tham gia dạy miễn phí chữ Hán Nôm cho những người cao tuổi khắp vùng tại đình làng. Qua gần mười năm, ông đã đào tạo được hơn 50 học trò biết đọc thông viết thạo chữ Hán Nôm, có thể dịch được các thư tịch cổ, văn bia, hoành phi, câu đối… nhằm tìm hiểu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. 

Bài và ảnh: Trọng Linh-Đông Bích


                                                     ( Bài đăng báo Bắc Ninh số Tết Quý Tỵ 2013)

Giao lưu 3 làng sát dòng sông Đuống


      Giao lưu 3 làng thờ Lạc Thị Tam vị Đại vương

Theo tác giả Thuận Thành (BBN): Miền đất cổ Thuận Thành, nơi phong kiến phương bắc chọn làm thủ phủ cai trị gần nghìn năm, là nơi có nhiều dấu tích tâm linh khẳng định thời mở nước của dân tộc .Đó là nơi có Đền và lăng Kinh Dương Vương. Đền và lăng Kinh Dương Vương thuộc hàng lăng tẩm đế vương, đặt ở thôn á Lữ (Đại Đồng Thành.Trong đền có nhiều hoành phi, câu đối khẳng định công ơn Kinh Dương Vương mở nước, như: Nam tổ miếu, Nam bang thuỷ tổ, Việt Nam hoàng đồ vạn lí giang sơn đề tạo thuỷ/ Hồng Bàng đức trụ thiên thu hà lạc từ linh thanh (Cương vực Việt Nam núi sông vạn dặm vốn đã được tạo lập từ xưa/ Họ Hồng Bàng đế vương ngàn năm chung đúc khí thiêng tiếng thơm còn mãi). Hậu cung đền có 3 cỗ ngai thờ, ngai Kinh Dương Vương ở giữa, ngai Lạc Long Quân bên phải, ngai Âu Cơ bên trái. Tam quan đền xây theo lối cổ, trên có bức đại tự: Ẩm tư nguyên. Lăng đặt ven sông Đuống, thời Minh Mạng có quy mô bề thế. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết: Lăng tẩm đế vương các triều đại có hỏng nát chỗ nào thì thuê dân sửa chữa , lập lại bia, cấm hái củi. Sự tích Kinh Dương Vương dẫu chép ở Ngoại kỉ nhưng buổi đầu khai thác thực là vua bắt đầu lịch đại nước ta cũng cho theo ân chiếu mà làm. Đài lăng xây kiểu chồng diêm 8 mái, cao 3 mét. Mặt nền lăng có kích thước 2,4 x 1,5 mét. Trong lòng lăng đặt bia đá dựng năm 1840 có các chữ Hán: Kinh Dương Vương lăng. Hoành phi câu đối ở lăng có một số bức tiêu biểu là: Nam bang thuỷ tổ; Thiên cổ cương lăng linh tích tại/ Nhất đàn trở đậu quốc ân sùng (Nghĩa là: Lăng miếu ngàn xưa còn dấu thiêng tại đây/ Nơi thờ cúng này được cả nước sùng kính).Thuận Thành còn có Đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ tại  xã An Bình, có kiến trúc thời Lê kiểu chữ cán, gồm tiền đường , tiền tế và hậu cung. Thần phả đền là một tài liệu quý cho biết nguồn gốc nước Việt, đặc biệt là tư liệu chi tiết về 18 đời Hùng Vương. Tóm tắt như sau: Kinh Dương Vương lấy con gái thần hồ Động Đình là Long Nữ, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai, tổ của Bách Việt. Khi con trưởng thành đã chia 50 con theo cha về biển, 50 con theo mẹ về núi, tôn con trưởng làm vua là Hùng Vương. Truyền thuyết địa phương còn khẳng định đền dựng trên nền nhà Hùng Vương trước khi đi định đô ở Phong Châu. Hội lễ đền Bình Ngô vào ngày 1/2, nhưng ngày quốc lễ 10/3 đền cũng cúng tế long trọng. Hiện khu đền đang được trùng tu giữ kiến trúc cổ đồng thời xây mới một số công trình bổ trợ làm cho ngày một khang trang hơn.
            Cũng theo tác giả Thuận Thành- ở  huyện Thuận Thành có một  Hệ thống đình làng thờ Bách Noãn. Đó là các đình: Đình Ngọ Xá thờ Lạc thị tam vị đại vương; Đình Đại Mão thờ Lạc thị đệ nhị đại vương;  Đình Đông Miếu thờ Lạc thị đệ tam đại vương; Đình Thuỵ Mão thờ Lạc thị đệ nhất đại vương; Đình Thuận An thờ Lạc thị tam vị đại vương; Đình 4 làng Bưởi thờ Lạc thị tam vị đại vương;Đình Phú Dư thờ Lạc thị đại vương; Đình Nhiễm Dương thờ Cao Dơn Việt Thường thị; Đình Yên Nho, Ngọc Khám thờ Lạc thị nhị vị đại vương.Thần phả 4 làng Bưởi cho biết về truyền thuyết vực thiêng ở khu vực Bưởi xuất hiện Lạc thị tam vị đại vương hiển linh giúp dân tai qua nạn khỏi, mùa màng bội thu nên dân lập đền thờ và tôn là thành hoàng thờ chung ở đình Bảo Cái, sau đó mới chia tách về  làng nào làng đó thờ. Tuy nhiên tục kết chạ vẫn gắn bó 4 làng với nhau mãi về sau.
                                                                          ****
               Ba  thôn gần nhau ở hai xã Hoài Thượng và Mão Điền vẫn giữ được tục lệ  đã có từ lâu đời. Trước đây thôn Thụy Mão cũng ở ngoài đê giáp sông như Đại Mão và Đông Miếu hiện nay nên việc rước thần còn thuận hơn bây giờ. Ngày mồng 8 tháng hai hàng năm là ngày Đình đám của  thôn Thụy Mão ( Mão Điền), hai thôn  Đại Mão và Đông Miếu cử mỗi thôn một đoàn trống giong cờ mở rước kiệu long đình đến làm lễ Lạc Thị đệ nhất đại vương. Tương tự với các ngày 10 và 11 tháng 2 , hai làng còn lại cũng cử đoàn đến làm lễ Lạc Thị đệ nhị đại vương ở Đại Mão và  Lạc Thị đệ tam đại vương ở  Đông Miếu.
            Thôn chủ nhà cử các cụ ông, cụ bà, các trai thanh gái lịch và các đội múa ra tận ngã ba múa chào các đoàn lễ, đặc biệt làng Giữa còn có đội Múa Lân ( do các anh thanh niên ở xóm Ngõ Dừa tổ chức) múa chào hai đoàn lễ thần. Sau khi các đoàn làm lễ xong  có các tiết mục giao lưu văn nghệ cây nhà lá vườn của các liền chị liền anh  3 thôn đảm nhiệm.
            Cùng chung tục lệ thờ 3 anh em  Lạc Thị Đại Vương, các làng đều tăng cường đoàn kết ra sức xây dựng nông thôn mới, nguyện giữ những thuần phong mỹ tục đã có tự ngàn xưa.

            Chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu của ông Nguyễn Hữu Phúc, cựu chiến binh; ở trong Ban Nghi lễ Đình Làng Đại Mão phát biểu tại Đình Đông Miếu ngày 11 tháng 2 năm Quý Tỵ vừa qua.

Kính lễ  Bậc Tối linh Lạc Thị Tam vị đại vương!
Kính thưa cụ từ, kính thưa các bậc lão ông lão bà, các đồng chí lãnh đạo các ban ngành đoàn thể địa phương!
 Kính thưa toàn thể nhân dân!
          Trước hết cho tôi được thay mặt các cụ lão ông, lão bà  và nhân dân thôn 2 gửi tới các cụ hai giới và nhân dân thôn 3 lời chào thân ái, đoàn kết. Chúc cán bộ và nhân dân thôn 3 thu được nhiều thắng lợi trong sản xuất, công tác và học tập.
          Không rõ từ bao giờ, bao đời nay cứ mỗi độ xuân về vào tháng Hai tiết trời trong đẹp,  nhân dân ba thôn chúng ta đã định ngày 8,10,11 là ngày làm lễ tri ân Lạc Thị Tam vị Đại Vương dòng giống Lạc Hồng. Chúng ta cùng dâng lên Người nén hương thơm, hoa tươi quả  ngọt và tấm lòng thành kính nhất với đấng tối linh; cầu nguyện Người phù hộ độ trì cho quốc thái dân an; mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt. Cầu cho nhân dân 3 thôn sống đoàn kết, vui vẻ chan hòa, tràn đầy hạnh phúc ấm no. Chúng ta cũng thành kính báo công với các bậc thánh thần về những thành tựu mà nhân dân 3 thôn đã giành được trong năm vừa qua.
          Trong niềm hân hoan vui vẻ của ngày hội,được nhân dân thôn 3 đón tiếp nồng hậu, thắm tình đoàn kết; Đoàn lễ của nhân dân thôn 2 xao xuyến cảm động vô cùng.
          Một lần nữa chúng tôi xin gửi tới các cụ và nhân dân thôn 3 lời cám ơn chân thành. Chúc các cụ và toàn thể cán bộ và nhân dân thôn 3  tràn đầy hạnh phúc.Chúc tình huynh đệ 3 thôn ngày càng phát triển xanh cây bền gốc và mãi mãi trường tồn. Xin chân thành cám ơn ! ./.
                                                                                     ……….