Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

200 năm biến thiên của một dòng họ nổi tiếng


Những chuyện ít biết về dòng họ của vụ trung thần bị ép tòng vong theo vua Lê Chiêu Thống.

                                                                                                                  27-12-2012 Người Đưa tin
Mười lăm năm theo vua chịu tủi nhục ở đất Yên Kinh (Trung Quốc), vua Lê Chiêu Thống mắc mưu nhà Thanh gọt tóc, thay đổi trang phục nhưng những trung thần theo ông lại một mực bất tuân.
Giai thoại về 23 vị trung thần tiết nghĩa của nhà Lê đã từng gây nhiều tranh cãi bởi nó gắn liền với một thời điểm hết sức nhạy cảm trong lịch sử... Thời điểm vua Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”, đưa kẻ thù “dầy xéo” đất nước để mong gây dựng lại một triều đại đã mục nát ấy đã để lại quá nhiều hậu quả đau lòng. Hơn 200 năm sau, những “góc khuất” về các trung thần liệt nghĩa này vẫn là niềm đau đáu với các hậu duệ của họ.
Cụ Đàm Thanh Bình, hậu duệ cụ Đàm Thận Xưởng (1 trong 23 vị trung thần) đưa bài vị cụ Xưởng vào Đền.
Tòng vong theo vua
Nằm sâu trong ngõ 124 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), ngôi đền thờ 23 trung thần của nhà Lê khiêm tốn sau những bon chen, xô bồ của cuộc sống chốn thị thành. Những tấm bài vị đã đượm dấu thời gian cùng những lớp trầm tích của lịch sử như tự kể lại câu chuyện về cuộc đời và đặc biệt là 15 năm theo vua lưu lạc ở đất người của 23 trung thần nhà Lê.
Những câu chuyện hư hư thực thực mang đầy màu cổ tích về một trong những nhân vật nổi bật nhất trong 23 vị trung thần này là Lê Quýnh (SN 1750). Ông được coi là chủ nhóm trong các bề tôi theo hầu vua Lê Chiêu Thống. Tuy nhiên, với những ghi chép còn lại, ông lại là một nhân vật thể hiện rõ nhất khí tiết của sỹ phu Bắc Hà với tấm lòng kiên trung tiết nghĩa.
Sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở làng Đại Mão (nay là thôn Đại Mão, Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh), từ nhỏ, Lê Quýnh đã ngấm tinh thần Nho giáo của dòng tộc. Ông nội Lê Quýnh là hương cống Lê Doãn Nghi. Cha là Tiến sĩ Lê Doãn Giản, làm chức quan ở Bộ Hình (Hình bộ Thị lang). Chú ruột ông là Tiến sĩ Lê Doãn Thân, làm chức đốc trấn Lạng Sơn, tước hầu Tú Xuyên. Từ thời còn trẻ, Lê Quýnh theo nghiệp nghiên bút. Năm 1771, khi mới 21 tuổi, ông làm quan dưới thời vua Lê Cảnh Hưng.
Theo lịch sử, khoảng 16 năm (từ năm 1786 - 1802), nước ta lâm vào cảnh loạn lạc liên miên. Ở phía Bắc, chúa Trịnh vua Lê phân quyền. Chúa Nguyễn “cát cứ” từ sông Gianh trở vào khiến đất nước rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”. Giữa lúc đó, anh em Nguyễn Huệ - Quang Trung thống lĩnh đội quân Tây Sơn nổi dậy, thống nhất 2 miền, chấm dứt cảnh chia cắt đất nước. Phong trào của nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ vương triều Lê -Trịnh.
Năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Bắc, Lê Quýnh tự lập đội quân 300 người ra giúp triều đình. Thanh thế của quân Tây Sơn vang dội, đánh đến đâu quan quân nhà Lê – Trịnh thua trận đến đó. Trước tình thế nguy kịch, vua Lê cử Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đồng (là anh của Quý phi Nguyễn Thị Kim) đi hộ giá Thái hậu và Thái tử lánh lên Cao Bằng. Tháng 5/1789, quân Tây Sơn tiến đến Cao Bằng, quan quân Tôn Sĩ Nghị thua trận, vua tôi nhà Lê chạy sang đất nhà Thanh.
Sau năm 1789, khi quân Tây Sơn dẹp yên 29 vạn quân Thanh, Lê Chiêu Thống trốn chạy sang Trung Quốc. Vua Lê Chiêu Thống và đám tùy tùng cầu cứu nhà Thanh. Theo “Bắc hành tùng ký” và “Hoàng Lê nhất thống chí” ghi lại, không có đại thần nào của triều Lê chạy sang Trung Quốc mà phần lớn họ là những người trẻ tuổi đi theo để phò tá cho hoàng tộc nhà Lê. Trong số đó có Thái hậu (mẹ vua), Nguyên Tử (con trai vua với Nguyên phi Nguyễn Thị Kim) và một vị hoàng thúc (dòng dõi vương gia). Ít lâu sau, Lê Quýnh nhận được thư của Phúc Khang An sang nhà Thanh để giải quyết quốc sự.
13 người gồm Lê Doãn Trị (là em họ Lê Quýnh, chức Đô đốc chỉ huy sứ), Trần Danh Án (Tiến sĩ, chức Ngự sử kiêm Phó đô Ngự sử), Nguyễn Quốc Đống (em vợ vua Lê Chiêu Thống)… cùng với Lê Quýnh sang đất nhà Thanh gặp vua Lê Chiêu Thống để bàn đại chuyện. Tuy nhiên, khi gặp vua, Lê Quýnh mới biết sự thật là họ đã gọt tóc, mặc trang phục Mãn Thanh và được ban chức tước, bổng lộc. Quan quân nhà Thanh muốn nhóm Lê Quýnh cũng theo vua Lê Chiêu Thống. Tuy nhiên, mặc dù dụ dỗ đủ kiểu nhưng Lê Quýnh và những người sang sau nhất định từ chối.
Cảnh vua Lê Chiêu Thống chạy trốn sang đất Thanh. Ảnh minh họa
Thà chết không chịu mặc áo Thanh
Vì không theo nhà Thanh nên ông và các trung thần khác bị bắt và đày đi nhiều nơi. Bắt đầu từ đây, Lê Quýnh cùng một số người khác bị nhà Thanh giam lỏng 15 năm liền. Trong thời gian bị giam ở Bắc Sở thuộc bộ Hình (trong triều đình nhà Thanh), ông làm bài phú nổi tiếng bày tỏ chí khí, nhan đề “Bắc Sở tự tình phú”.
Cũng trong thời gian này các vị đại thần như Đinh Nhã Hành, Nguyễn Quốc Đống theo yêu cầu của nhà Thanh đến thăm và vận động Lê Quýnh quy phục. Lê Quýnh trả lời: “Các ông và bọn tôi đường lối khác nhưng lòng thì đồng. Nếu người nào cũng như tôi thì lấy đâu kẻ hầu vua? Nếu ai cũng như các ông thì ai giữ tiết?”. Mỗi lần nhà Thanh sai người đến thuyết phục, ông đều đáp rằng: “Chúng tôi đầu có thể chặt, tóc không thể gọt, da có thể lột, đồ mặc không thể đổi”.
Ông Lê Doãn Hảo (phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Lê Doãn cho biết: “Khi dân tộc đã bước sang một trang mới nhưng những dư âm về chuyến đi của ông cha làm đau đáu nhiều thế hệ họ Lê. Không chỉ tôi mà những hậu duệ của các vị trung thần thờ trong đền vẫn ít nhiều bị “dị nghị” về việc theo nhà Thanh. Mãi đến năm 1969, khi cụ Hoàng Xuân Hãn gửi bản dịch “Bắc hành tùng ký” về nước, lúc đó con cháu trong dòng họ mới bắt đầu hiểu hơn về những tháng ngày lưu lạc của ông cha và tấm lòng ái quốc của họ.
                                                                                                               Đỗ Thơm

Phải thay tên đổi họ để giữ mạng sống


Sau thời gian Lê Quýnh về nước, họ Lê bị vua Gia Long bắt đi đày. (27-12-2012 NĐT)


Ngay sau nhóm Lê Quýnh được tha, trở về cố quốc, nhiều nơi mượn danh nhà Lê nổi dậy. Chính vì thế, vua Gia Long đã truyền lệnh bắt người trong dòng họ Lê đày đi Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định (những địa danh ở miền Trung, Trung Nam Bộ), chia 15 người ở một địa danh.
Trước cái thời loạn lạc đó, cha con Lê Quýnh bị kẻ cướp đâm tử thương, người nhà bị bệnh chết... nên nhánh gia tộc của ông Lê Quýnh đã bỏ làng đi Thái Nguyên. Trong quá trình trốn chạy, một nhánh của dòng tộc họ Lê đã quyết định đổi họ.
Ông Lê Doãn Hảo hậu duệ đời thứ 7 của cụ Lê Doãn Trị.
Được biết, thời gian đầu đặt chân về nước, nhóm Lê Quýnh được vua Gia Long đối đãi với họ rất hậu để thu phục nhân tài Bắc Hà. Một số ít người trong dòng họ Lê cũng ra làm quan. Tuy nhiên, phần lớn, họ về quê, sống và vui thú điền viên. Lê Quýnh (mất năm 1805) và Lê Doãn Trị (qua đời năm 1811) đều được an táng tại làng Đại Mão. Từ sau cuộc nổi dậy chống nhà Nguyễn của Lê Duy Hoán nhằm khôi phục nhà Lê, ông và gia đình bị giết vào năm Bính Thân (1816). Sau đó, những trung thần triều Lê không được vua nhà Nguyễn nhắc tới.
Con cháu nhà Lê ngày ấy cũng chịu nhiều tai ương. Trong đó có cụ Lê Doãn Ấm (hậu duệ họ Lê Doãn) phải di biến lên Thái Nguyên và làm con nuôi cụ Dương Đình (thôn Triều Dương, xã Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên). Ở đó, Doãn Ấm được bố nuôi đổi thành họ Dương nên được học hành và thi đỗ cử nhân vào thời vua Thiệu Trị. Sau khi thi đỗ, cụ Lê Doãn được bổ nhiệm làm quan tri huyện Tư Nông nay là huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Vì sống xa quê lại không có tin tức nên các cụ đã ghi vào gia phả là “bị phạp” (tức là không phải người dân gốc ở đó). Mãi đến năm 1988, sau gần 200 năm lưu lạc, con cháu họ Lê Doãn mới tìm được quê quán.
Ông Lê Doãn Hảo, tên thường gọi và trong giấy tờ là Dương Văn Lợi, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Lê Doãn Trị cho biết, những cứ liệu lịch sử cho thấy, những bề tôi tiết nghĩa cùng đi theo vua Lê thể hiện một khí tiết ngay cả Càn Long cũng phải khen ngợi. Trên đất của nhà Thanh, họ không hề bị khinh rẻ mà ngược lại, họ nhận được sự khâm phục của người Mãn Thanh.
Ghi danh những trung thần thời Lê
Thời triều Nguyễn điều hành đất nước đã cho tra cứu thông tin về những người theo vua Lê sang nhà Thanh giữ tiết nghĩa để ghi danh, sắc phong và lập đền thờ. Sau thời gian tra cứu, nhà Nguyễn đã phát hiện ra 25 người tòng vong cùng vua Lê không chịu khuất phục nhà Thanh. Trong đó có hai trung thần tiết nghĩa là nữ, được thờ riêng. Vua nhà Nguyễn cho lập đền thờ ở Hà Nội để thờ 23 vị trung thần đặt Lê Quýnh đứng đầu với tên thụy là Trung Nghị.
Thơm Đỗ


Danh Nhân Bắc Ninh : Nguyễn Cao


Nguyễn Cao - tấm gương yêu nước sáng ngời
Cách đây 176 năm, tại làng Cách Bi tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ), một con nguời đã được sinh ra mà tên tuổi của ông sau này gắn liền với giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Người đó chính là Nguyễn Cao.
Theo bài “Văn tự thuật”, Nguyễn Cao sinh năm Đinh Dậu (1837), là con của cử nhân Nguyễn Thế Hanh và bà Nguyễn Thị Điềm, một người con gái xinh đẹp, hiền thục thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Nguyễn Cao sớm sống trong cảnh mồ côi: năm 3 tuổi mồ côi cha, 4 tuổi mẹ qua đời. Người nuôi Nguyễn Cao khôn lớn chính là chị gái chỉ hơn ông có 5, 6 tuổi, bà nội và các chú ruột, nhưng người dẫn dắt Nguyễn Cao vào con đường khoa cử lại chính là anh rể họ Lê ở Yên Đinh, vì đã khuyên Nguyễn Cao đến học Cử nhân Phạm Công Hỷ ở Bảo Triện (nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Những người có công nuôi Nguyễn Cao ăn học là nhạc phụ và nhạc mẫu của ông thuộc dòng dõi Lê Doãn làng Đại Mão (nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành). Nhưng người giúp Nguyễn Cao quyết tâm vượt qua gian khó để đạt được học vị chính là thầy Ngô Phùng (Cử nhân làng Thạch Hà).
Năm 30 tuổi, Nguyễn Cao đỗ đầu kỳ thi Hương khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Hà Nội. Không giống hầu hết các sĩ tử thi đỗ rồi ra làm quan, Nguyễn Cao về quê dạy học.
Năm 1873, khi thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất, do có sự tiến cử của quan Tỉnh phiên là Phạm Thận Duật, vị Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh cấp cho Nguyễn Cao tấm bằng để theo việc quân và ông đã chiêu mộ trong vùng được hơn 1.000 nghĩa dũng. Tháng 10 năm đó, khi giặc Pháp từ Hà Nội tràn sang chiếm đóng Gia Lâm, Siêu Loại (nay là Thuận Thành), Nguyễn Cao đã lãnh đạo quân nghĩa dũng chặn đánh. Ngày 14 tháng 12 năm đó, nghĩa quân do Nguyễn Cao chỉ huy tấn công địch ở Gia Lâm, Siêu Loại, diệt nhiều giặc, bắt sống 150 tên, giải phóng một vùng rộng lớn.
Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước với Pháp, Nguyễn Cao cáo bệnh về quê. Quan tỉnh dâng sớ lên triều đình cử ông tham gia việc quân để đánh dẹp giặc cướp ở vùng rừng núi và ven sông. Vì có công đó, Nguyễn Cao được trao cho chức Tri huyện Yên Dũng. Tiếp đó, Nguyễn Cao có công giúp triều đình mộ quân, thu lương và phòng giữ trật tự trị an trong hạt nên được Tổng đốc Bắc Ninh dâng sớ tiến cử ông làm Tri phủ Lạng Giang.
Khi nhà Thanh phái 24 doanh đội sang phối hợp cùng triều đình nhà Nguyễn tiễu phỉ, Nguyễn Cao lãnh đạo dân trong hạt cung ứng dân phu, lương thực rất đầy đủ, quan tỉnh dâng sớ lên triều đình xin thăng chức Thị độc cho ông, nhưng vì có bệnh Nguyễn Cao xin về quê trị bệnh và ở luôn nhà để dạy học. Sau đó, vì có bọn thổ phỉ Trung Quốc do Lý Dương Tài cầm đầu sang quấy nhiễu các tỉnh miền Bắc nước ta, quan tỉnh có văn thư mời ông trở lại quan trường để cùng lo việc quân. Đến năm 1880, quan Đốc bộ Nam Định là Nguyễn Trọng Hợp dâng sớ tiến cử Nguyễn Cao vào chức Thương biện tỉnh vụ Nam Định, vài tháng sau Nguyễn Cao được thăng chức Án sát sứ ty.
Tháng Giêng năm 1881, Nguyễn Cao xin lên vùng biên giới để lãnh đạo việc khai khẩn đồn điền. Do có thành tích nên được thăng lên chức Bố chánh sứ Thái Nguyên. Sau đó, ông xin về Nhã Nam giúp dân chuyên lo việc khai khẩn đồn điền.
Năm 1882, thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ 2, các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lần lượt bị giặc chiếm đóng. Với tấm lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Cao lại đứng lên kêu gọi dân chúng tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ và ông đã chỉ huy các dũng sĩ dưới quyền kéo về vùng ngoại thành Hà Nội chống Pháp. Ngày 10 tháng 4 năm 1882 (âm lịch), trong một trận đánh với quân Pháp ở Gia Lâm, Nguyễn Cao bị thương vào ngực. Vết thương rất nguy hiểm nhưng ông vẫn giữ vững cương vị người chỉ huy, nêu tấm gương kiên cường cho binh sĩ noi theo. Sau khi chữa lành vết thương, Nguyễn Cao tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chống giữ vùng ven sông Cầu để chặn đánh quân Pháp tiến đánh thành Bắc Ninh, rồi lại đem các nghĩa dũng chống giữ các dải ven sông.
Năm 1884, tỉnh Bắc Ninh đã lọt vào tay quân Pháp. Ngày 25 tháng 2 năm 1884, với lực lượng 300 tay súng và hơn 700 giáo mác, Nguyễn Cao đã mưu trí chỉ huy nghĩa quân chiếm lại Phả Lại từ tay giặc rồi tiếp tục chặn đánh, cầm chân địch tại các làng Cung Kiệm, Xuân Hòa, Nội Doi. Ngày 12 tháng 3 năm 1884, Nguyễn Cao chỉ huy nghĩa quân bắn chìm một tàu chiến, diệt hơn 40 tên giặc khi chúng đang di chuyển trên sông Cầu. Tháng 7 năm đó, nghĩa quân do Nguyễn Cao chỉ huy tấn công giặc Pháp ở Ngọc Trì, rồi di chuyển đến Đình Bảng và hoạt động mạnh ở đó.
Năm 1885, Nguyễn Cao được thăng chức Bố chính sứ, sung chức Bắc kỳ Tán lý quân vụ và về Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên thành lập tổ chức “Đại Nghĩa đoàn” (còn gọi là Tam tỉnh nghĩa đoàn) nhằm liên kết dân nghĩa dũng đứng lên chống thực dân Pháp.
Sau những trận quyết chiến với giặc Pháp ở vùng Dâu thuộc huyện Siêu Loại (Thuận Thành), tháng 12 năm 1886, Nguyễn Cao chỉ huy nghĩa quân chuyển về hoạt động ở vùng Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Đông cũ) chờ cơ hội để củng cố lực lượng. Thời gian này, Nguyễn Cao mở lớp dạy học ở Kim Giang (thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Đông cũ).
Ngày 27 tháng 3 năm 1887, giặc Pháp bắt được Nguyễn Cao tại làng Kim Giang. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ, thuyết phục ông đầu hàng, nhưng ông giận dữ chửi thẳng vào mặt chúng, rồi rạch bụng tự vẫn. Giặc toan cứu chữa, nhưng ông cự tuyệt và cắn lưỡi quyên sinh.
Nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng, giặc Pháp vội ra lệnh chém đầu ông vào lúc 5 giờ chiều ngày 14 tháng 4 năm 1887 (tức ngày 21 tháng 3 năm Đinh Hợi) tại vườn Dừa (phía Bắc hồ Hoàn Kiếm) rồi lấy thủ cấp ông bêu trên đường phố.
Cuộc đời Nguyễn Cao mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước để các thế hệ sau noi theo.
                                                                                         Nguyễn Quang Khải ( Báo Bắc Ninh)

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA - 13 - Trần Dực


THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 13 )

              TRẦN DỰC ( ĐỖ TUẤN ANH) 

                  Thơ Người làng Giữa (13) xin giới thiệu  chùm thơ của tác giả Trần Dực tức Đỗ Tuấn Anh - sinh 1928 hiện trú tại phường Mai Dịch Hà Nội.
                Ông Trần Dực là con thứ 3 của cụ Đỗ Thúc Hỗ (1904-1951) là người họ Đỗ ở Đại Mão. Cụ Hỗ mồ côi mẹ từ 5 tuổi, lúc nhỏ cụ được học một chút ít chữ nho, quốc ngữ hoàn toàn tự học. Hơn 10 tuổi, cụ Hỗ được ra HN học vẽ,có tác phẩm được trưng bày ở Nhà triển lãm Đấu Xảo ( nay là CLB Hữu Nghị ) HN, rồi về quê dựng Trại, là nơi lao động kiếm sống , là nơi dạy con. “Mình làm trại là mình làm mướn cho mình” ( Sau CCRĐ, trại được chia nhỏ cho nông dân, khoảng 40 hộ xóm 4 Đại Mão hiện giờ ở trên đất trại của cụ ). Vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con, cụ vẫn cho 2 con trai lớn đi kháng chiến. Đó là các ông:

          1 - Đỗ Nguyên Tiến ( 1926-1950)  Bí danh Trần Vũ - Lúc nhỏ ông Tiến được ra nhà cậu ở Thị xã Kiến An học tiểu học, rồi đi học nghề may, đi làm công ở SG, giác ngộ CM. Trước tháng 8 năm 1945, ông về Bắc tham gia khởi nghĩa ở Gia Bình, rồi phụ trách ủy ban Quân sụ huyện, huyện đội trưởng Gia Bính ( Bắc Ninh). Tháng 9 năm 1950 Pháp chiếm toàn bộ Bắc Ninh, hai huyện Gia Bình, Lương Tài sáp nhập thành Gia Lương, hội nghị được tiến hành ở  phía Bắc sông Đuống, ông được bầu là ủy viên Thường vụ Huyện ủy Gia Bình, phụ trách Chính trị viên Huyện Đội. Khi đoàn cán bộ vượt sông Đuống
về phía Nam phần  thì bị địch phục kích tại bến đò Đào Viên. Ông chống trả, bắn giặc quyết liệt nhưng bị trúng đạn và hy sinh dưới dòng nước, thi hài trôi về đâu không rõ.   
            Trong danh sách Liệt sĩ của quê hương Đại Mão ( Cuốn Đại Mão Làng quê  văn hiến ) ông là người thứ 2, sau ông Lê Nho Bổng .

            2- Đỗ Tuấn Anh – bí danh Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Ông từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham muuw trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.

            Ông Trần Dực từng được đào tạo ở nước ngoài ( Tốt nghiệp Pháo Binh cao cấp Thẩm Dương TQ 1959- Học viện hải Quân Lêningrat ( Liên xô 1979 ) ; sử dụng được các ngoại ngữ Pháp, Trung Văn, viết tiếng Nga và khá thông chữ Hán. Là người dịch Bắc Ninh  Địa Dư chí của cụ Đỗ Trọng Vĩ, Âm chất diễn nôm của cụ Đỗ Dư… ông có nhiều công sức về việc biên dịch gia phả của dòng họ Đỗ Đại Mão, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ( An Bình ).

            Người biên tập may mắn sưu tầm được một vài bài thơ của ông, xin phép vắng mặt cho đăng trên Thư viện Giữa làng.
               
            Bài thơ “ Bóng anh soi bóng em” ( qua tài liệu của  ông Đỗ Thiếu Khang ) tác giả Trần Dực làm năm 1955 nhân kỷ niệm và thắp hương tưởng nhớ ông Đỗ Nguyên Tiến ở bến Đào Viên, nơi Liệt sĩ hy sinh. Bài thơ “ Đất nước nặng ân tình” ( đăng trong tập Sông Đuống một thời nổi sóng _ NXB QĐND  Hà Nội 2010 ) ông đề tặng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và Đồng chí Trần Vũ ( Đỗ Nguyên Tiến ) nói trên.

            Chúng ta hiểu thêm tinh thần cách mạng, tình yêu đất nước, quê hương quyện chặt với tình cảm gia đình của các thế hệ cha anh khi đọc 2  bài thơ của  Một Người làng Giữa đáng trân trọng và kính phục như ông.


       BÓNG ANH SOI ĐỜI EM

Bến Đào Viên nước mênh mông,
Dòng sông Đuống cuộn máu hồng anh ơi!
Quê hương man mác đất trời,
Bóng anh thấp thoáng soi đời em đi.

Nhớ khi tấm bé biết gì,
Có anh - bạn lớn chở che chơi cùng.
Chia nhau từng củ khoai lang,
Nghe anh đọc truyện trên giường ngủ say.
Đánh khăng, đánh đáo, trèo cây,
Tập bơi, suýt nữa phải ngày oan gia.
Êm đềm năm tháng trôi qua,
Xót đau mất mẹ, thương cha  khôn  cùng.

Thu về, hồn nước bừng bừng
Anh em đôi ngả núi rừng, quê hương.
Ngóng nhau tin tức chiến trường
Quặn chung khúc ruột đau thương đêm ngày
Kẻ thù độc  ác lắm thay,
Ngày mong gặp lại là ngày chia ly!

Anh ơi…
Hai mươi bốn tuổi trẻ trung
Sa có thất thế, anh hùng bó tay.
Quê hương đã khóc bao ngày
Hôm nay em lại đến đây khóc ròng.
Thắp nén hương ở bến sông,
Biết đâu anh đã ra cùng biển khơi

Sóng yên mây trắng lưng trời
Bóng anh lồng lộng soi đời em đi.
                                                      1955


                           ĐẤT NƯỚC NẶNG ÂN TÌNH

Những vòng hoa bồng  bềnh trên sóng,
Gửi ai đây, biển rộng mênh mông?
Gửi hồn thơm từ sông ra biển*,
Trên đảo xa bên mốc chủ quyền,
hay trên “tàu không số”, đứng oai nghiêm
Tự đánh chìm tàu khi tàu thù vây kín**

Hoa dập dờn đi vào bãi biển,
Ngắm cuộc sống đi lên, hạnh phúc dâng trào
Hay rung rinh hướng về đất mẹ tự hào,
Nơi bao hồn thơm ngậm cười từ thuở trước
Nơi nước mắt mồ hôi máu đổ theo từng bước,
Vọng tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, voi gầm
Rồi bão đạn mưa bom, máu trộn bùn non,
Từng tấc đất đều dát hoa chiến thắng,
Cho Tổ quốc anh hùng đẹp tươi bền vững
Với bờ xôi ruộng mật biển bạc rừng vàng
Ghi tên trời đất, cha ông
Giữ gìn khai thác hưởng chung muôn đời.

Anh linh an nghỉ ngậm cười,
Hãy xin chứng giám cho lời sắt son!

                                         Hà Nội, tháng 7 năm 2009

  • Liệt sĩ hy sinh trên sông trôi ra biển như Trần Vũ, Chính trị viên huyện đội Gia Lương
  • Phan Vinh , thuyền trưởng tàu 234 hải quân, chở vũ khí chi viện miền nam tự đánh chìm tầu và dũng cảm hy sinh trên biển  khi bị nhiều tầu giặc vây kín.
                        
                                               ---------o0o--------




---o0o---

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA -12-Trịnh Đức Khái



THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 12 )

 TRỊNH ĐỨC KHÁI 

                  Thơ Người làng Giữa (12) xin giới thiệu  chùm thơ của tác giả Trịnh Đức Khái - sinh 1944 - xóm 1 Đại Mão. ( Dòng họ Trịnh có các danh nhân như Trịnh Đức Mại, tiến sĩ Trịnh Đức Vận triều nhà Trần).
 Khi còn nhỏ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ông được học chữ Hán một ít năm. Hòa bình lập lại ông là học sinh trong những  khóa đầu của Trường Phổ thông  ở xã Thượng Mão, rồi đi học Sư Phạm và công tác trong ngành GD- ĐT Hà Bắc cho đến khi về hưu.
 Là cán bộ quản lý giáo dục tại các trường phổ thông Tiểu học, PTCS xã Hoài Thượng, ông cùng đồng nghiệp góp phần đưa phong trào giáo dục xã Hoài Thượng là một điểm sáng của tỉnh trong nhiều năm. Là hội viên CLB Thơ của làng, ông viết nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước. Nhưng đề tài ông quan tâm nhiều là mái trường, là nghề dạy học.
Năm 1990, Trường PTCS Hoài Thượng tổ chức kỷ niêm 35 năm thành lập Trường, nói đúng là kỷ niệm 35 năm địa phương có cơ sở của nền giáo dục mới sau Cách mạng Tháng 8 và sau cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc Việt Nam.
 Ngày 18 tháng 11 năm 2010, địa phương tổ chức kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ấy. Vừa là học sinh, vừa là thầy giáo của trường, ông mang đến ngày Hội những vần thơ mừng vui về sự đổi mới của Quê hương, của  mái trường thân yêu mà ông đã gắn bó nhiều năm, nơi hiện nay các đồng nghiệp trẻ tuổi (trong đó có con gái ông) đang công tác, tiếp tục sự nghiệp của những người đi trước…



       VỀ DỰ HỘI TRƯỜNG

Vui sao về dự hội trường,
Nắng thu soi bóng hàng dương ven hồ.
Ngỡ ngàng như một giấc mơ
Trường xưa mái ngói bây giờ thấy đâu?


Thay bằng hai dẫy nhà cao,
Phòng to cửa lớn ra vào thênh thang.
Sân trường đẹp mắt cảnh quan,
Hàng cây, ghế đá khang trang lạ thường.
Đẹp thay mái ấm tình thương,
Trò nay cắp sách tựu trường đông vui.
Thầy cô rộn rã tiếng cười,
Rừng hoa, xen lẫn rừng người hôm nay.
Bồi hồi, tay nắm chặt tay,
Nhớ về quá khứ…, những ngày gian nan.


Tranh tre nứa lá trên ngàn
Chưa mưa dã dột, nắng tràn sớm trưa.
Sân trường lầy lội khi mưa,
Nắng lên ít gió nhưng thừa bụi bay.
Vườn trường rau muống, rau đay,
Hôm nay ra hái cho ngày hôm sau.
Khó khăn vất vả đã lâu,
Thầy trò sát cánh, “chung câu quân hành”.

Vẫn dạy tốt học hành tiến bộ,
Vẫn thi đua giành ngọn cờ đầu.
Chẳng ai tiếc sức tiếc công,
Chẳng ai ngại khó nản lòng vì ai.

Năm nhăm năm, quãng đường dài;
Thành công ta lại nối dài thành công.
Phát huy truyền thống cha ông,
Quê hương HIẾU HỌC, cờ hồng tiếp trao.
Vui sao, biết mấy tự hào,
Huân chương* lấp lánh, cờ sao huy hoàng!

Sổ Vàng Truyền thống tiếp trang…
                                              Tháng 11-2010

·         Trường được tặng Huân Chương Lao Động hạng III

---o0o---


             ĐẦU XUÂN KHAI BÚT
                
Đầu xuân khai bút viết vần ca
Gửi chúc quê hương Đại Mão nhà:
Đoàn kết thi đua nhiều đổi mới
Nhà nhà Cường Thịnh Lộc Tài đa.

                                     Xuân Quý Tỵ 2013


             LÀNG QUÊ ĐẠI MÃO
                

Làng quê Đại Mão cảnh nên thơ
Thiện hạ đó đây ngưỡng mộ chờ…
Bến nước sân đình đa tỏa bóng
Nhịp cầu Ân Tự liễu buông tơ.
Đường kim, gái đảm bao nhung nhớ
Nét bút, tài trai thỏa mộng mơ.
Văn vật ngàn năm còn mãi mãi
Làng quê Đại Mão mãi nên thơ!


                                                                     TRỊNH ĐỨC KHÁI

----o0o----

TỰ HÀO VỀ DÒNG HỌ


TỰ HÀO VỀ DÒNG HỌ

Tự hào: Lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có ( Từ điển Tiếng Việt 1992- Hoàng Phê chủ biên). Theo nghĩa được giải thích, mỗi người trong chúng ta đều có quyền tự hào về đất nước, quê hương. “ Đất nước bốn ngàn năm, ôi tự hào biết mấy…”. Mỗi người còn có thể tự hào về những cố gắng, những thành công nhất định của bản thân trong công tác, học tập; trong sản xuất, chiến đấu, góp một phần nhỏ bé cho công việc chung; tự hào về bố mẹ, anh chị em… những người thân yêu nhất trong gia đình nhỏ của  mình, một tế bào của xã hội.
Ở bài viết nhỏ này, tôi xin đề cập đến niềm tự hào về dòng họ của mỗi người, một gia đình lớn  trong quan niệm của nhân dân ta.
Từ xưa đến nay, ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, dòng họ gắn liền với đời sống tâm tư, tình cảm của mỗi người. Với người Việt ta, những người trong cùng một dòng họ thường sinh sống với nhau theo một tổ chức chặt chẽ, nghĩa tình.Cùng chung cội nguồn, máu mủ ruột rà, những người trong họ cùng nhau nêu cao, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại; nhất là truyền thống đoàn kết,  yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, cần cù lao động xây dựng gia đình, quê hương xóm làng, chăm chỉ học hành và chăm lo giáo dục con cháu.
Dòng họ cũng là cái nôi, là môi trường giáo dục con người. Những truyền thống đạo đức văn hóa , lao động học tập, chiến đấu sản xuất và những con người cụ thể trong họ nội, họ ngoại nhà mình đều có thể là cơ sở cho niềm tự hào chính đáng, là động lực vươn lên của mỗi người trong chúng ta.
Một ai đó có cụ nội, cụ ngoại đã từng xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc này; có cụ, có ông từng vượt khó vươn lên, học hành giỏi, đỗ  đạt cao, làm quan thanh liêm giúp dân giúp nước…Một ai đó có anh em trong họ trong nhà cần cù cơ chỉ làm ăn, kinh tế khá giả lại có tâm giúp anh em, hàng xóm…Một ai đó có các cháu, các con trong họ chăm ngoan học hành, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…Những người có người nhà, người trong họ như thế có quyền tự hào lắm chứ !
Nhưng, ngày xưa cũng còn có những tự hào chưa hẳn đúng : tự hào là họ mình có lắm suất đinh, khuynh đảo xóm làng. Tự hào trong họ mình có  những người để dựa dẫm như cụ chánh, ông phó; rồi bí thư, chủ tịch quyền sinh, quyền  sát trong xã, trong thôn…



Chúng ta cùng về thăm thôn Đại Mão ( Thuận Thành- Bắc Ninh), một thôn lớn đông dân, lại nằm ở trung tâm của xã nên từ xưa còn có tên là Làng Giữa hoặc Trung Thôn. Khách xa đến thăm nơi đây đều có chung một nhận xét: Làng Giữa chưa hẳn là đẹp và giàu, nhưng chất lượng cuộc sống ở đây tương đối khá. Phải chăng khách khen nơi đây phong cảnh hữu tình; và một phần do nơi đây có nhiều nền nếp phong tục đẹp, con người cần cù chăm chỉ, sống vui ấm áp tình người?
Người Đại Mão có những nét đáng tự hào. Tự hào về quê hương, tự hào về dòng họ của mình và các dòng họ trong làng mình. Mười bẩy dòng họ nơi đây, dù to dù nhỏ đều rất tôn trọng quý mến, đoàn kết với nhau, không chia bè kéo cánh, cậy thế cậy quyền. các dòng họ đều gần gũi thân thiết với nhau, chung sức xây dựng quê hương; một vùng quê mà người dân các vùng xung quanh ngợi ca là Đất Văn hiến.

Một bà ở họ Lê Đình nói chuyện với bà họ Lê Nho với giọng tự hào: “Bà ạ! Ngày Xuân tế tổ vừa rồi các con cháu họ Lê Đình xa gần về đủ cả. Về để thắp hương bái tổ,  tưởng nhớ tổ tiên, gặp mặt anh em và tham gia đóng góp Quỹ Khuyến học của họ. Họ  nhà tôi còn tổ chức tổng kết thành quả một năm, khen và tặng quà cho nhiều cá nhân có nhiều thành tích nổi bật trong công tác, sản xuất ; tuyên dương khen thưởng các cháu học sinh giỏi… À bà ạ! Bố con nhà bác H. cháu ngoại 6 đời của các cụ tôi tận trên Lạc Thổ cũng về tưởng nhớ tổ ngoại…Đúng là “Nhân bản hồ tổ”, “Ẩm hà tư nguyên”. Chúng tôi lấy gương đó để giáo dục cháu con : Con cháu ngoại còn nhớ tới tổ tiên như thế, các con cháu nội phải  làm thế nào để phát huy truyền thống cha ông…”
Bà họ Lê Nho: “ Từ ngày họ nhà tôi tôn tạo được nhà thờ khang trang, việc tổ chức Xuân tế tổ thuận lợi , đàng hoàng lắm bà ạ! Nghe các ông đọc lại  bài “ Gia Huấn” của các cụ trên  nhiều lần mà lần nào nghe đọc lại tôi cũng cảm động lắm.Tôi đọc một đoạn cho bà nghe nhé:
               
                 Tình nghĩa cha con: Cha phải hiền, con phải hiếu.
Tình nghĩa vợ chồng : Phu x­ướng, phụ tùng.
Tình nghĩa anh em : Anh hòa, em kính ; trên hòa dưới thuận.
Tại hương lân : phải hết lòng yêu thương mà không yêu ghét.
Nếu làm quan: phải giữ thanh khiết, cẩn thận, cần mẫn làm đầu
 .

À, Quỹ Khuyến học của họ nhà bây giờ có khá lắm không?  Quỹ của họ nhà tôi có mấy chục triệu cơ đấy. Hôm vừa rồi ngoài việc khen các cháu, họ nhà tôi còn khen cả con cháu họ là ‘” giáo viên giỏi” nữa cơ đấy bà ạ!..
                           

                                               

Nghe câu chuyện của các bà, tôi thấy họ đều mang những nét hãnh diện, tự hào; niềm tự hào  đáng yêu ở một miền quê trong công cuộc đổi mới của đất nước…Mong sao, những niềm phấn khởi tự hào nho nhỏ ấy ngày càng được nhân lên, mới hơn, lớn đẹp hơn. 
Tôi cứ suy nghĩ miên man…Không được phép tự kiêu, nhưng mỗi chúng ta phải biết tự hào đúng mức và chính đáng. Quan trọng hơn là phải giáo dục thế hệ trẻ phải sống và phấn đấu như thế nào để ngày hôm sau càng có thể tự hào về ngày hôm nay.
 Chứ không phải  nhắc đến những câu chuyện ngày xưa với câu : “ Ngày xưa  như thế… bây giờ…” .


                                                                                               LÊ ĐÌNH NGẠN

QUÊ MÌNH - NƠI CHƯA TỚI


Vẻ đẹp nguyên sơ hấp dẫn của Chùa Bút Tháp - Bắc Ninh
(GD&TĐ) - Nằm tọa lạc ở thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Chùa Bút Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 thời Hậu Lê theo kiểu "nội công ngoại quốc", với bố cục gọn gàng và rất sinh động và là một ngôi chùa được tu tạo vào thời nở rộ của những kiến trúc "trăm gian", chùa có quy mô bề thế so với những ngôi chùa cùng thời và hết sức nổi bật trên hai loại chất liệu là gỗ và đá được thể hiện ở trên các chi tiết kiến trúc cũng như trên đồ thờ.
Nhiều người đến với chùa Bút Tháp để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp nguyên sở, cổ kính của ngôi chùa. (Ảnh: gdtd.vn)
Nhiều người đến với Chùa Bút Tháp, không chỉ là thành tâm lễ Phật mà còn để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp nguyên sơ, cổ kính của ngôi chùa.
Nói đến Bắc Ninh, không thể không nói đến Chùa Bút Tháp. Đây là một ngôi chùa cổ, mặc dù đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ và nét nguyên sơ hấp dẫn của nó với sự dung hội hai nền văn hoá Việt – Hoa.
Chùa có nhiều tháp, nổi tiếng nhất là tháp Báo Nghiêm cao 13m bằng đá, tám mặt và còn được gọi là Tháp Bút nên chùa có tên là Bút Tháp. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.
Tượng Phật Bà - Tác phẩm “độc nhất vô nhị” có kích thước lớn và đồ sộ: cao 3,7m, đường kính vành tay 2,24m, có 11 đầu chia làm 4 tầng, 42 bàn tay và 958 tay nhỏ. Điều kỳ lạ là mỗi bàn tay có một mắt, độc đáo hơn nữa là nhịp điệu mỗi cánh tay không giống nhau. Tượng được đặt trên toà sen Rồng đội, đằng sau là vầng hào quang toả sáng, bên dưới là các hình trang trí sóng nước sống động như một thuỷ cung (Tượng do ông họ Trương làm xong vào ngày tốt mùa thu năm Bính Dần - 1656).
Đến với Chùa Bút Tháp, du khách sẽ được chứng kiến những nét độc đáo tài tình của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ.
Dưới đây là một số hình ảnh về Chùa Bút Tháp:
v
Tượng Quan Âm
 
Tháp Bảo Nghiêm
Tháp Báo Nghiêm

 
 
 
 
Một trong những điểm nổi bật, độc đáo của Chùa Bút Tháp là vẻ đẹp nguyên sơ và những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc nghệ thuật trên hai loại chất liệu là gỗ và đá
 
 
Rêu phong, cổ kính
 
Dịp năm  đầu mới (sau Tết Nguyên Đán), chùa Bút Tháp rất đông du khách thập phương về du xuân vãng cảnh
Dịp đầu năm mới (sau Tết Nguyên Đán), Chùa Bút Tháp rất đông du khách thập phương về du xuân vãng cảnh
Hải Phong, Minh Hằng

ST : TẢN MẠN VỀ CHUYỆN ĐỌC - HÀ VĂN THỊNH


                                      
                                TẢN MẠN VỀ CHUYỆN ĐỌC
                                                                Hà Văn Thịnh
                                                                                  (Báo Quốc tế)
Câu hỏi mà chúng tôi, những người làm nghề dạy học, thường nghe là sách nào cần đọc; mượn ở đâu hoặc giá cả như thế nào? Tuyệt nhiên không có bất kỳ sinh viên nào hỏi thầy cô cách thức đọc cuốn sách đó. Hình như việc đọc là chuyện đương nhiên của những người biết chữ. Nhưng nếu như biết chữ rồi mà không biết đọc thì học chữ để làm gì?
Thực ra, chỉ nói riêng chuyện "vui chơi", ngay cả Nguyễn Du cũng phải lắc đầu vì nó "lắm công phu". Vậy thì sự học dĩ nhiên phải khó gấp vạn lần.
Từ khi biết đọc, bàn tay tôi đã tập cách để giở khá nhiều trang sách. Nhưng để giở đúng và hiểu đủ là việc không dễ dàng.
Có những cuốn sách làm ta thất vọng, nặng trĩu cảm giác hao hụt mà không hề có một chút thỏa mãn nào. Ngược lại, có rất nhiều cuốn cho ta hạnh phúc dù phải thao thức suốt đêm vì nó. Vậy thì vì sao con người lại lãng phí nhiều thời gian đến thế cho những điều vô bổ?
Câu trả lời chỉ đến sau khi đi hết cuộc đời. Có lẽ bởi vậy nên tôi mạo muội viết ra đây những lời tâm huyết với mong muốn duy nhất là những người đến sau không phải đi qua những khúc quanh không đáng có. Tất nhiên sẽ có rất nhiều điều tôi viết không còn là những chuyện mới.
1. Công việc đầu tiên nhất định phải biết là việc chọn sách. Chúng ta không thể đọc tất cả những điều cần biết, nhưng có thể có đủ thời gian để đọc những điều cần thiết.
Sự mênh mông và đa dạng của tri thức nhân loại là người dẫn đường tồi cho những người ham hiểu biết. Hãy nhớ rằng phải ưu tiên cho những cuốn sách mà thầy giáo buộc phải đọc. Chưa hẳn thầy giáo đã đúng nhưng kinh nghiệm của thầy là cơ sở đáng để tin cậy.
Còn những người đã rời ghế nhà trường rồi thì sao? Hãy đọc những gì mình thích. Một nguyên lý của muôn đời là chúng ta không chỉ thích những gì mình thiếu.
2. Những cuốn sách hay hoặc một bài báo hay trước hết phải có một cái tên hay. Tôi ít thấy điều ngược lại. Những tên sách như Cuốn theo chiều gió, Đứng trước biển tự nó đã thông báo nhiều vấn đề dù chúng ta chưa đọc.
Trong báo chí cũng vậy. Những cái tít tương tự như Mua danh ba vạn bán danh... ba hào, Ông Mê Man cuốn hút người đọc nhiều gấp bội lượng con chữ mà bài báo đem đến.
Phần lớn các tên sách hoặc tên một bài báo đã là điểm trọng tâm - điều cơ bản mà người viết muốn chuyển tải đến người đọc.
3. Nguyên tắc đầu tiên của việc đọc là nhất thiết phải gắn liền với việc ghi chép. Nằm dài trên giường để đọc một cuốn sách hay là một trong những điều thú vị tuyệt vời. Nhất là khi ngoài trời có tí tách hạt mưa, có một nỗi niềm cần phải quên.
Tuy nhiên đó là cách tốt nhất để làm cho việc đọc trở thành sự lãng phí tuyệt vời. Cảm giác thích rồi... quên. Thói quen ghi chép buộc chúng ta, từ vô thức, có trách nhiệm với điều mình đọc. Nói cách khác, buộc tư duy không thể lười biếng.
Hơn nữa, việc ghi chép sẽ làm cho quá trình mã hóa tri thức để chuyển vào bộ nhớ trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Việc thường xuyên ghi chép còn tạo nên lợi thế không gì so sánh nổi: luyện tập khả năng hệ thống hóa và phân loại tư liệu.
Việc ghi chép còn có ý nghĩa rất lớn trong tương lai - những mảnh rời rạc của tri thức luôn luôn rất có thể cần thiết cho một ý tưởng mới mà sự mù mờ của hiểu biết chưa thể xác định được. Câu hỏi đặt ra là ghi như thế nào? Điều cần ghi nằm trong những tiêu chuẩn sau:
- Đó là những điều tạo nên sự hứng thú mà ta chưa gặp bao giờ.
- Kiến thức đó có vấn đề (hoặc nhiều vấn đề) liên hệ đến chuyên môn mà chúng ta quan tâm.
- Một ý tưởng khác lạ - thậm chí sai trầm trọng so với các quan niệm truyền thống. Cần nhớ là trong khoa học, một nhận xét càng gai góc bao nhiêu thì càng đáng để ghi chép bấy nhiêu.
- Một chân lý hiển nhiên (châm ngôn, cách ngôn...)
- Một nguyên tắc của lý thuyết nào đó.
4. Sau khi đọc xong một chương, một phần hay cả cuốn sách cần phải hệ thống sơ bộ kiến thức thu nhận được. Từ đó cho phép người đọc hiểu rõ những luận điểm cơ bản nhất. F. Anghen luôn nhấn mạnh rằng "Khoa học bắt đầu từ việc so sánh".
5. Nếu có thể, hãy trao đổi ngay vấn đề mình vừa đọc với người khác. Thật là tuyệt vời khi người ấy đã hoặc đang đọc cuốn sách, bài báo ấy.
Còn ngược lại thì hãy tìm một đồng nghiệp, bạn học để trao đổi. Kinh nghiệm cho thấy chúng ta sẽ khó có khả năng quên điều đã trải qua, thử thách thật sự là tính nghiêm túc của tranh cãi.
6. Đến đây sẽ có câu hỏi đặt ra: khi gặp phải một cuốn sách ta nghĩ là cần thiết nhưng khó đọc vì khó hiểu thì làm thế nào? Một câu hỏi nan giải.
Những tác phẩm loại này thường là sách triết học hoặc chính trị. Trước hết phải tập cách để "bóc" lớp vỏ ngôn từ - mà các triết gia và các nhà chính trị thì ngày càng viết và nói một cách đầy khó hiểu. Chẳng hạn, để mỉa mai việc Pháp quên quá nhanh công lao Mỹ giải phóng nước Pháp, viện trợ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Mỹ G. Bush nói rằng "Người Pháp có thói quen chỉ thích nghĩ đến hiện tại"!
Bước thứ hai là sau mỗi chương, nhất thiết phải tóm tắt nội dung mà mình lĩnh hội. Đấy là cách hiểu ngắn để từ đó chúng ta đạt đến khả năng hiểu nhiều.
7. Cho đến "công đoạn" này, quá trình tri thức hóa của chúng ta vẫn chỉ giới hạn ở mức độ "bắt chước" (immitation). Cái đọc được chỉ thành cái có được khi ta biết cách "tiêu hóa" nó (Indigennization). Từ indigennization có tài liệu dịch là "bản địa hóa"; nhưng theo tôi, diễn đạt như thế là kém chính xác.
Cách dịch một đoạn văn, cũng như cách hiểu đối với một cuốn sách, đôi khi giống với cách hiểu về phụ nữ: chung thuỷ thì thường là ít đẹp; ngược lại, những người đàn bà đẹp thường là không chung thủy - hơn 100 năm trước, một người Pháp đã nói như thế.
Việc "tiêu hóa" tri thức sẽ chấm dứt khi mỗi người bước sang giai đoạn 3: sáng tạo (innovation). Chắc chắn sẽ có người hỏi: "Làm sao có thể sáng tạo được?" Xin trả lời rằng chỉ trừ một số kẻ ngu dốt bẩm sinh còn thì bất kể ai, bất kể trình độ nào cũng có thể tìm ra một cái gì đó mới mẻ. Hãy tự tin và đừng cúi đầu trước bất kỳ tượng đài nào.
8. Để cho việc đọc không bị gián đoạn, cần phải có kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, hãy đọc thật tập trung trong một giờ - vừa đọc vừa ghi chép, 30 hay 40 trang sách sau đó buộc mình trong một buổi phải đọc 120 trang hoặc 150. Chưa xong chưa rời khỏi bàn.
Đây là cách mà nhờ nó, suốt bốn năm rưỡi thử thách độ chai bền của những chiếc ghế, tôi đã đọc được khá nhiều những cuốn sách khó...
9. Đừng nên đọc mãi một loại sách. Đây là cách nghỉ ngơi bằng công việc. Tất nhiên cách này sẽ làm gián đoạn quá trình tư duy nhưng cần thiết.
10. Lớp trẻ ngày nay khó đọc hơn. Đây là một tất yếu vì chúng ta đang sống trong thời đại của máy tính, truyền hình. Nhưng chắc chắn là không có một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế việc đọc.
Người Nga hoàn toàn có quyền tự hào họ là dân tộc đọc nhiều nhất trên thế giới: chỉ riêng thành phố Mátxcơva đã có đến 1.500 thư viện. Rõ ràng tri thức và tình yêu là hai điều không thể mua được, nhưng mỗi chúng ta phải liên tục trả giá cho nó, từng ngày. Sự hiểu biết - văn hóa là "công việc" di truyền khó khăn nhất của con người.
Hãy tập cách giữ gìn mỗi cuốn sách mà ta có và, hơn nữa nhất thiết phải cố để hiểu cho bằng được cách thức sử dụng chúng một cách tốt nhất. Sách không phải để trưng bày, càng không phải sinh ra cho bụi bặm của thời gian và mạng nhện của cuộc đời giăng kín.
Muốn thế, phải rèn cho được thói quen đọc mỗi ngày. Tôi biết chắc những người ngày nào cũng đọc hầu hết đều là những người có thể đứng ngang hàng với sự hiểu biết.
Dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng bao giờ tôi cũng có cảm giác khó tả khi đọc câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: "Cảo thơm lần giở trước đèn..." Một người như Nguyễn mà phải lần để giở những trang sách hay đủ chứng tỏ việc đọc sách khó đến mức nào!