Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

NHÌN SANG XÃ BẠN : MÃO ĐIỀN

Xã Mão Điền tiên phong chuyện học 
Năm 2000, khi về dự lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của trường THCS Mão Điền (Thuận Thành), NGƯT Lê Nho Nùng khi ấy là Giám đốc Sở GD-ĐT, đã nhận định rất hay và hóm hỉnh rằng: Tuổi trẻ Mão Điền đang thực hiện một cuộc “di dân” ra các thành phố lớn, các trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước. Cuộc “di dân” đó đã, đang và tiếp tục được thế hệ trẻ Mão Điền hiện thực hóa bằng con đường học vấn.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm Mão Điền (9/2009)

            Qua ngót nghìn năm lập làng, người Mão Điền từng nổi tiếng với nghề ươm, nuôi cá giống bán khắp nơi trong nước, ra cả nước ngoài. Nhưng rồi cùng với những biến chuyển của thời cuộc, nghề này đã dần mai một. Người Mão Điền cố gắng vượt khỏi lũy tre làng bằng nhiều nghề phụ khác như làm hàng xáo, làm mành, rèm, đi phụ hồ…  nhưng đều bấp bênh, không mang lại sự khởi sắc đáng kể cho vùng quê đất chật người đông ấy. Trải mọi lam lũ, họ mới nhận ra rằng, muốn có tương lai tốt đẹp nhất thì không còn cách nào khác ngoài mục tiêu vươn lên bằng chính con đường học vấn!

Cuối năm 1986 đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, tư duy người Mão Điền cũng chuyển động theo nhịp thở của thời đại. Từ năm học 1987-1988, Mão Điền tiên phong chuyện học bắt đầu bằng những đột phá về đổi mới phương pháp giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng toàn diện trong trường phổ thông cấp 1+2 của xã, trọng tâm từ khối 6.

Ông Nguyễn Xuân Viên, người đảm nhận Hiệu trưởng liên cấp 1+2 từ năm 1987, nay là Hiệu trưởng trường THCS Mão Điền nhớ lại: “Một mặt, xã giao trường tập trung trí tuệ bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới hiệu quả phương pháp giảng dạy, phối hợp với gia đình cùng giáo dục ý thức học tập cho học sinh… Mặt khác, xã cùng các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo các gia đình, dòng họ trên địa bàn. Công việc này diễn ra thường xuyên liên tục, như một cuộc “cách mạng” về tư tưởng, ở mọi lúc mọi nơi. Rồi như mưa dầm thấm lâu, người dân Mão Điền đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học, từ đó chăm lo việc học cho con em mình…”.
 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và động viên xã Mão Điền, đơn vị tiêu biểu phong trào học tập của Bắc Ninh (tháng 9-2009). Từ cuộc “cách mạng” đó, nhiều câu chuyện cổ tích đã xuất hiện tại Mão Điền. Người ta không thể tưởng tượng được một bà mẹ lam lũ quê mùa, lại nuôi được cả 5 con vào Đại học, nay 2 có bằng Tiến sỹ, 2 có bằng Thạc sỹ và 1 Cử nhân.

Đó là bà Nguyễn Thị Hán, xóm 3. Người ta cũng thật khâm phục một ông bố cả đời sống trong nhà tranh, vách đất, ngủ giường tre sớm khuya cóp nhặt từng đồng mà vẫn nuôi được 3 con vào Đại học và nay cả 3 con ông đều đã trưởng thành. Đó là ông Nguyễn Bá Nghi ở xóm Công… Trước đây khi nông dân chưa được tiếp cận với các nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, thì tại Mão Điền đã rộ lên phong trào bán đất lo học cho con, mà giới truyền thông gọi là “sáng kiến” đáng nhân rộng.

Từ nhận thức đúng đắn việc học, người Mão Điền không chỉ chấp nhận hy sinh để có tiền cho con học, mà còn chăm cả việc học cho con. Nhưng họ chăm cho con bằng cách nào? Chúng tôi đã cố công đến nhiều gia đình, thấy mỗi nhà có cách làm riêng. Ông Cao Văn Cỏn ở xóm Hậu cho biết, ông ít chữ nhưng có thể thức cùng con để xem con học, rồi cùng đi ngủ. Ông bảo nhìn con say sưa học bài, ông thấy mình khỏe hơn, vui hơn và vững tin hơn về một tương lai tươi sáng của con. Có lẽ thấm thía sự hy sinh lớn lao của cha mẹ, nên khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn của học sinh Mão Điền ngày càng thêm cháy bỏng. Khát vọng ấy ngày càng lan tỏa mạnh mẽ vào ý chí mỗi học sinh nơi đây.

Đến Mão Điền trước và sau mỗi mùa thi Đại học, hễ gặp nhau thì câu hỏi cửa miệng của mỗi người đều đại loại như: Cháu thi trường gì? Có đỗ không? Bao nhiêu điểm? Chúc mừng nhé… Những câu cửa miệng tưởng như rất dung dị ấy lại chính là cú hích cho những học sinh chưa thực sự chú tâm việc học, phải nỗ lực vươn lên bằng bạn bè cho mẹ cha đỡ tủi thân với xóm, với làng.

Năm 1994, lớp học sinh đầu tiên từ cuộc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của Mão Điền (tính từ khối 6 năm 1987) tốt nghiệp lớp 12, rồi thi Đại học, kết quả có 28 học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng. Đây là sự bứt phá trong mơ, vì trước đó mỗi năm toàn xã chỉ có 1 vài học sinh (có năm không có học sinh nào) đỗ Đại học, Cao đẳng. Ngay trường phổ thông cấp 1+2 của xã cũng vậy, thành lập từ năm 1962 thì đến năm 1987 mới duy nhất 1 lần đạt danh hiệu tiên tiến cấp huyện. Nhưng từ khi có cuộc “cách mạng” về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, trường liên tục đạt tiên tiến và tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh.

Từ dấu ấn 1994, Mão Điền dần định danh trên bản đồ những làng quê hiếu học nhất cả nước, số học sinh thi và đỗ Đại học ngày càng tăng (cho dù lượng học sinh ngày càng giảm theo quy mô dân số). Thử một phép tính sẽ thấy rõ, nhiều năm nay tại Mão Điền, bình quân cứ 4 học sinh tốt nghiệp THPT thì có 3 em thi đỗ Đại học hoặc Cao đẳng. Đây là kết quả hiếm hoi đối với 1 địa phương cấp xã trên địa bàn toàn quốc.

Ông Vũ Quang Độ, Chủ tịch UBND xã thống kê chi tiết: “Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, toàn xã có tới 1.231 học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng. Trong đó đỗ Đại học công lập là chủ yếu và liên tục tăng nhanh, cụ thể năm 2007 có 76 em đỗ Đại học, năm 2008 có 86, năm 2009 có 129, năm 2010 có 125, năm 2011 có 134 và năm 2012 có tới 138 học sinh đỗ Đại học. Trong đó có nhiều Thủ khoa, Á khoa và nhiều học sinh đạt tổng 3 môn thi từ 27 điểm trở lên…”.

Về Mão Điền bây giờ, có lẽ không đề tài nào hay và được quan tâm nhiều bằng chuyện học. Người người, nhà nhà và cả hệ thống chính trị đều chung tay chăm lo việc học cho con em mình. Bởi thế ngoài Hội Khuyến học xã, các gia đình, dòng họ, thì các Hội đồng niên, đồng ngũ, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh… thậm chí cả Hội Người cao tuổi cũng có quỹ khuyến học để tuyên dương khen thưởng những giáo viên, học sinh xuất sắc, những học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng hằng năm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Thuận Thành 1 thừa nhận: “Kết quả học tập của học sinh Mão Điền đã góp phần quan trọng giúp trường liên tục lọt vào tốp 100, 200  trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc...”.

Ông Chủ tịch UBND xã Vũ Quang Độ kể: “Năm 2005, một đoàn 150 cán bộ ngành giáo dục huyện Gia Lâm (Hà Nội) về xã tìm hiểu, hỏi tôi kinh nghiệm làm giáo dục, khuyến học, tôi chỉ trả lời ngắn gọn 6 từ là phải kiên trì dạy thật, học thật, thi thật. Mà việc này phải có thời gian, có quá trình và quan trọng là phải có sự đồng thuận, cùng chăm lo của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Theo hướng đó, bài học từ “làng Đại học” Mão Điền hẳn còn được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng cả nước. Và những người làm khuyến học nơi đây, hẳn sẽ còn phải tiếp nhiều vị khách, nhiều đoàn khách đến học tập kinh nghiệm làm giáo dục lẫn khuyến học, khuyến tài.

Bài, ảnh: Thanh Tú
  Từ khó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét