Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

ST : CỦA ĐỂ DÀNH


                           “Của để dành”
(GD&TĐ) - Hằng năm, cứ đến Ngày quốc tế thiếu nhi 1- 6, người ta lại nghĩ về trẻ em nhiều hơn. Cũng không có gì lạ, bởi lẽ trong mỗi gia đình, con cái là “của để dành”, là “tài sản” vô giá của bố mẹ. Còn với một dân tộc, lớp trẻ sẽ gánh vác trách nhiệm kế thừa, tiếp nối truyền thống của dân tộc, để những giá trị tốt đẹp đó mãi trường tồn.

1. Chăm sóc thiếu niên nhi đồng, với từng gia đình, đó là “gia sách”. Còn với đất nước thì đó là quốc sách. Càng ngày, chúng ta càng tự hào về lớp lớp thiếu niên tiếp nối. Ngược dòng thời gian, từ xa xưa trong lịch sử dân tộc đã có một cậu bé mà chiến tích giết giặc giữ nước chói lòa, được phong Thánh khi tóc vẫn còn để chỏm - đó là Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của người Việt. Đất nước cũng mãi mãi không thể nào quên người anh hùng thiếu niên Hoài văn hầu Trần Quốc Toản, chỉ vì nhỏ tuổi chưa được nghị luận chuyện quân cơ đại sự mà đã nghiến răng bóp nát quả cam trong tay lúc nào không biết. Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Hoài văn hầu “Phá cường địch báo hoàng ân” không chỉ tung bay trong những tháng ngày binh đao trận mạc chống quân xâm lược Nguyên Mông, mà nó mãi phấp phới trong lịch sử dân tộc, như một minh chứng về lòng yêu nước, tận trung với nước của người Việt Nam bất luận tuổi tác.


      
                Trẻ em là “của để dành” của mỗi gia đình      Ảnh: LeKhue
Sau này, với lịch sử cận đại nước nhà trong thế kỉ XX, không biết bao nhiêu em thiếu niên đã cùng cha anh vì nước quên thân. Bác Hồ kính yêu đã dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” bởi “Trẻ em như búp trên cành”, nhưng rất nhiều gương thiếu niên đã làm được cả những điều ngay đến người lớn cũng phải khâm phục. Trong kháng chiến chống Pháp, tấm gương của Kim Đồng, Vừ A Dính, đội thiếu niên du kích Bát Sắt... xuất hiện  khắp mọi nơi. Trong kháng chiến chống Mỹ, những em bé trong vai những cậu bé bụi đời bán kem, bán báo lại là những người không sợ hãi trước tù đày, chết chóc, đặt mìn tiêu diệt kẻ thù...
Chúng ta hãy cùng mơ ước một cuộc sống đủ đầy, nhiều tình thương cho tất cả các em thiếu niên nhi đồng. Hãy yêu thương, chăm sóc các em chu đáo, đồng thời cũng cho tất cả các em cơ hội bình đẳng để lớn lên và bước vào cuộc đời rộng lớn mai sau…
2. Trong giai đoạn đất nước đang trên con đường phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu như lòng trông đợi của Bác Hồ, thì việc học tập, rèn luyện của các thế hệ măng non là vô cùng quan trọng. Biết bao tấm gương học sinh nghèo vượt khó trên khắp nẻo đường đất nước. Nếu ai đã từng lên Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), đến những lớp học khuất nẻo trong Đồng Tháp Mười lau lách, hay ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)..., mới thấy hết sự nỗ lực của các em nhỏ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngay cả trong những ngày đông tháng giá cắt da cắt thịt, những đứa trẻ gầy gò thiếu quần áo ấm vẫn đến trường miệt mài và thầm lặng tiếp thu kiến thức. Đôi khi, ở thành thị, nhìn thấy cảnh nhiều em được cha mẹ chăm sóc quá chu đáo, béo phì, ta bỗng lo cho thế hệ mai sau. Nhưng, đó chỉ là số ít, còn thì đại đa số các em thiếu niên nhi đồng hiện nay biết nghĩ sớm. Nhiều em học Tiểu học đã biết thương bố thương mẹ vất vả vì mình nên cố gắng học tập, luyện rèn. Đó là điểm chung nhất, phổ biến nhất của thiếu nhi ta.
Tất cả trẻ em đều có quyền được chăm sóc, yêu thương   Ảnh: T. Thanh
Nhưng, đến Ngày quốc tế thiếu nhi - ngày Tết của trẻ em, chúng ta cũng không nên quên rằng đây đó vẫn còn những đứa trẻ buộc phải vào đời sớm. Do gia đình quá nghèo, các em phải bỏ học, lăn lộn với cuộc mưu sinh. Có em thì bán báo, có em đánh giày, có em làm ôsin... Lỗi không phải ở các em, mà là sự thua thiệt do hoàn cảnh gia đình đem lại. Ai từng một lần đến Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm HIV sẽ không bao giờ quên những ánh mắt đau đáu của lũ trẻ, những nụ cười không bao giờ mở lớn được của chúng, bởi chúng đang mang trên mình bản án số phận cho dù trước đó chúng không phải là yếu tố dự phần.
Bình đẳng xã hội trước hết và rõ nhất phải là sự bình đẳng trong các cơ hội cho tất cả trẻ em. Nhưng điều đó cũng chỉ là điều mơ ước. Không ai cấm mơ ước. Nhân ngày Tết Thiếu nhi năm nay, chúng ta hãy cùng mơ ước một cuộc sống đủ đầy, nhiều tình thương cho tất cả các em thiếu niên nhi đồng. Hãy yêu thương, chăm sóc các em chu đáo đồng thời cũng cho tất cả các em cơ hội bình đẳng để lớn lên và bước vào cuộc đời rộng lớn mai sau.
Những quyền cơ bản của trẻ em
- Được khai sinh và có quốc tịch.
- Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng
- Quyền sống chung với cha mẹ
- Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự
- Quyền được chăm sóc sức khỏe
- Quyền được học tập
- Quyền vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch
- Quyền được phát triển năng khiếu
- Quyền có tài sản
- Quyền được tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến và tham gia hoạt động xã hội
- Được bảo vệ để khỏi bị bóc lột trong công việc;
- Được nhận làm con nuôi...
(Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001; Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004)

Gia Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét