Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

ST: VỆ TINH QUAN SÁT TRÁI ĐẤT CỦA VIỆT NAM


Phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam

(VOV) -Vệ tinh được phóng thành công vào vũ trụ lúc 9h 06’ sáng 7/5/2013 (giờ Hà Nội).
Sáng 7/5 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN), Chủ dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1) phối hợp với Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức chào mừng sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1.

Tham dự buổi lễ gồm các đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đại diện Công ty Astrium,… cùng toàn thể đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN.
Đúng theo kế hoạch đã định, vào lúc 9h06’ sáng 7/5/2013 (giờ Hà Nội), vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. Công ty ArianeSpace thực hiện việc phóng VNREDSat-1 cùng với hai vệ tinh khác là vệ tinh PROBA V của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu – ESA và vệ tinh ESTCube-1 của Estonia. Các hình ảnh tường thuật Chương trình Phóng vệ tinh từ Kourou được truyền trực tiếp về Lễ chào mừng tại Hà Nội.
Giáo sư Châu Văn Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu tại buổi lễ phóng vệ tinh VNREDSat-1


Phát biểu tại sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1, Giáo sư Châu Văn Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN nhấn mạnh, đây là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat1 (năm 2008) và Vinasat2 (năm 2012).

Dự án vệ tinh VNREDSat-1 thành công sẽ không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng. 
Năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” và chúng ta đã và đang đầu tư để từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho ứng dụng công nghệ vệ tinh như: xây dựng Trung tâm Viễn thám Quốc gia; Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; thiết kế, chế tạo và phóng các vệ tinh viễn thông Vinasat1, 2 và các vệ tinh quan sát trái đất… 
Thay mặt Viện Hàn lâm KHCNVN, Giáo sư Châu Văn Minh bày tỏ cám ơn sự chỉ đạo, ủng hộ của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành liên quan, đồng thời Giáo sư Châu Văn Minh cũng chân thành cám ơn sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác Pháp: EADS Astrium, Arianespace, TPZ trong suốt quá trình triển khai thực hiện Dự án để có được kết quả ngày hôm nay.

Giáo sư Châu Văn Minh khẳng định Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đúc rút kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, để đạt được những kết quả lớn hơn góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã nêu trong Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020.
Tầng nhiên liệu của tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh VNREDSat-1 
Vệ tinh VNREDSat-1 có khả năng chụp ảnh toàn cầu và có nhiệm vụ chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ Việt Nam (bao gồm cả phần trên đất liền và vùng biển) đáp ứng nhu cầu về ảnh viễn thám của các Bộ, ngành phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và các yêu cầu khác của đất nước.
Sự kiện vệ tinh VNREDSat-1 được phóng vào qũy đạo là một điểm mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển thành công bước đầu của nền khoa học – công nghệ Việt Nam trong việc tiếp thu, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và là kết quả quan trọng, đáng khích lệ để thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 14/6/2006.
Vệ tinh VNREDSat-1 nặng 115 kg của Việt Nam sẽ rời tên lửa đẩy sau khi cất cánh 1 giờ, 57 phút và 24 giây. Sau đó, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tự di chuyển đến quỹ đạo đã định để đi vào hoạt động./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét