Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

ST: LỖI TẠI AI ?

Trẻ “lơ mơ” về giá trị sống

28/06/2013 06:38 (GMT + 7)
 
TT - Vừa rồi, mấy người bạn chia sẻ qua Facebook cho tôi vài tấm hình nói về tuổi thơ của trẻ con nông thôn như: trẻ con trần truồng tắm suối, đi chăn trâu, cắt cỏ... Đặc biệt, trong đó có bức ảnh một cậu bé khoảng 6-7 tuổi vừa gánh lúa vừa khóc.



Thấy những bức ảnh có vẻ cảm động, tôi bèn gọi các cháu trong khu tập thể đến xem. Không ngờ sau khi xem xong, cậu học trò đang học lớp 8 “phán” ngay hai từ “nhảm nhí”, trong khi cậu học sinh lớp 6 cho rằng “chẳng có gì đáng xem” và mấy đứa trẻ còn lại thì “bình thường, có gì đâu”. Thấy các cháu như vậy, tôi hỏi: “Các con không cảm thấy thương em/anh đó sao?”. Gần như đồng thanh, các cháu trả lời: “Có gì đâu mà thương!”. Tôi vẫn tiếp tục: “Vậy các cháu nghĩ các cháu có thể làm được như em/anh trong tấm hình đó không?” và cũng không nằm ngoài dự đoán của tôi, tất cả các cháu đều thừa nhận là “cháu không biết”.
Sẵn đang cầm tờ Tuổi Trẻ trên tay, tôi đưa cho các cháu đọc bài “Cho đi là hạnh phúc” mà trong bài có đề cập những việc làm vì những đứa trẻ nghèo đói của cậu bé 11 tuổi Joshua Williams, người Mỹ, rồi nói: “Các con thấy không, dù rất bé nhưng Williams đã làm được điều mà nhiều người lớn cũng không làm được”. Tưởng các cháu sẽ tỏ ra cảm động, thán phục trước việc làm của Williams, ai ngờ các cháu lại “có gì đâu”. Đến đây thì tôi đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi: tại sao một thời gian dài người ta lên án nhiều hội chứng mackeno (mặc kệ nó) - vốn đã trở thành thói quen ở một số bạn trẻ?
Không phải chỉ chứng kiến nhóm trẻ hàng xóm mà tôi vội quy chụp cho một bộ phận trẻ em là vô cảm, không xác định được đâu là giá trị sống... Thật ra, trong quá trình làm việc, tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên môn cũng như thông qua các mối quan hệ bè bạn, đồng nghiệp, tôi đã gặp, đã từng chứng kiến cảnh nhiều cháu dửng dưng trước một hoàn cảnh đáng thương, một việc làm tốt hay một tấm gương giàu nghị lực vươn lên...
Dẫu biết rằng xã hội càng phát triển thì chất lượng cuộc sống con người ngày càng được nâng lên, và trẻ em là những người đầu tiên sẽ được hưởng thụ thành quả của sự phát triển đó. Nếu như giá trị sống của trẻ em trước đây là biết học tốt, biết lao động, biết cảm thông, chia sẻ, thì trẻ em ngày nay, đặc biệt là trẻ ở thành thị, việc học được các bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu, trong khi kỹ năng lao động, chia sẻ, cảm thông thường ít được lưu ý hơn, bởi thực tế môi trường và lối sống “cổng cao rào kín” ở đô thị cũng ít cho các em cơ hội trui rèn kỹ năng lao động, chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng trẻ em “lơ mơ” về giá trị sống, trước hết cần nâng cao nhận thức cho trẻ về giá trị sống. Các bậc cha mẹ cần quan tâm, tạo điều kiện, trang bị cho trẻ các kỹ năng, kiến thức về giá trị sống, sự cảm thông, chia sẻ... Bên cạnh đó, cần lồng ghép thêm các buổi giáo dục về giá trị sống thông qua các tấm gương người tốt, việc tốt, khắc phục mọi khó khăn vươn lên trong học tập và lao động... vào chương trình giáo dục tại nhà trường nhằm hướng trẻ vào mục tiêu tốt đẹp của cuộc sống. Và điều quan trọng không kém là cả gia đình và nhà trường hãy tạo mọi điều kiện để trẻ có thể có được những trải nghiệm thực tế.
NGUYỄN DIỆU

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

ST: SÁCH GK CÔNG NGHỆ MỚI

Sách giáo khoa điện tử đầu tiên ở Việt Nam

Sáng 26/6, Nhà xuất bản Giáo dục ra mắt sách giáo khoa điện tử Classbook, tích hợp 310 cuốn sách giáo khoa, sách bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 cùng hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học.

Classbook là máy tính bảng kích thước 8 inch (tương đương cuốn sách) chứa toàn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ của chương trình phổ thông, đúng theo yêu cầu khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Thiết bị có thể sử dụng liên tục 8-12 giờ.
Khác với những cuốn sách in đen trắng thường thấy, sách điện tử này có màu sắc như nguyên bản, có những môn học tương tác bằng bài hát, hội thoại tiếng Anh... giúp học sinh hứng thú hơn. 
Ông Ngô Trần Ái, Giám đốc NXB Giáo dục cho biết, sách giáo khoa điện tử Classbook không chỉ dừng lại ở việc chuyển tải nội dung truyền thống mà còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết những nội dung đa phương tiện, cung cấp những chức năng cho phép học sinh có thể tương tác với nội dung bài học. 
Ví dụ, học sinh có thể sử dụng các chức năng tương tác "Touch-to-speak" (chạm để nói) một câu, một đoạn văn hoặc cả bài học tiếng Anh. Ở môn Âm nhạc, các em có thể nghe trực tiếp bài hát thông qua chức năng "Touch-to-play", tìm hiểu thông tin về nhạc sĩ thông qua các tư liệu multimedia đính kèm...
1-4-jpg-1372237495_500x0.png
Sách giáo khoa điện tử đầu tiên của Việt Nam tích hợp 310 cuốn sách giáo khoa, bài tập, tài liệu tham khảo.
Với các môn học khác như Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Sinh học… các em có thể tự tìm hiểu các thí nghiệm, mô phỏng, thông tin về đất nước, con người, văn hóa của một quốc gia, của một nhà bác học đã được cài sẵn trong sách. Không cần kính hiển vi điện tử, kính thiên văn đắt tiền vẫn có thể khám phá vũ trụ, cơ thể người và sinh vật, thế giới vi sinh vật… Ngoài ra có thể chọn phần đọc diễn cảm để nghe hoặc phần video để xem một đoạn phim đã chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Classbook còn giúp học sinh tự đánh giá mức độ hiểu bài hoặc tự sát hạch trình độ các môn học với cơ chế kiểm tra trắc nghiệm, chấm điểm và tính giờ tự động. Kết quả sẽ được ghi lại để phụ huynh có thể theo dõi sự tiến bộ của con.  Học sinh, giáo viên cũng có thể thực hiện các chức năng ghi chú hoặc đánh dấu các nội dung quan tâm trên sách.
Là thiết bị học tập chuyên dụng nên Classbook không được trang bị Camera, 3G, bluetooth và GPS. Chức năng WiFi bị kiểm soát, chỉ dùng để kết nối vào mạng phân phối sách điện tử và những mạng giáo dục được duyệt nội dung.
“Nhiều người lo lắng học sinh có thể dùng sách này để chơi game, nhưng tôi khẳng định không thể bởi cuốn sách điện tử này đã được mã hóa đặc biệt, đảm bảo kiểm soát và bảo vệ toàn vẹn nội dung và các chương trình trên thiết bị. Các cháu chỉ có thể cài đặt hoặc truy cập vào những nội dung liên quan đến học tập”, ông Ái nói.
HS-Ha-noi-classbook-1372240054_500x0.jpg
Học sinh THCS Thực nghiệm Hà Nội sử dụng thử Classbook trong một buổi học. Ảnh:Đ.T
Trao đổi với báo chí, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, đây là sản phẩm hay vì không chỉ học sinh, thầy cô mà phụ huynh cũng có thể sử dụng để theo dõi xem học kỳ tới, năm học tới con học cái gì. Ở nước ngoài cũng có ứng dụng sách giáo khoa điện tử nhưng chưa thấy nơi nào có một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học.
Tuy nhiên, theo GS Châu, cần phải nghiên cứu thêm nhu cầu của giáo viên, liệu học sinh có thể mang được thiết bị này thay cho cả cặp sách? Thực tế là giá thành của sách giáo khoa điện tử khá cao khiến học sinh vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận. Sẽ khó khăn nếu có em đi học mang sách giáo khoa, em lại mang sách điện tử.
“Tôi rất hy vọng Classbook có thể giải quyết được vấn đề mà phụ huynh cũng như mọi người quan tâm là học sinh bớt phải mang sách vở quá nhiều khi đến lớp”, GS Châu nói và cho hay, xu hướng số hóa sách là tất yếu. Bản thân ông rất yêu sách, thích mùi giấy rất thích nhưng khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác không thể ôm theo đống sách mà phải tích hợp trong thiết bị điện tử.
Hoàng Thù

ST : ĐỌC VÀ NGẪM

Bài văn 200 triệu đồng

"Chìa khóa của chiếc hòm cuộc đời kỳ diệu nằm ngay lúc này, ngay trong suy nghĩ của chính mình" là câu kết trong bài luận giúp Minh Hoàng nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo trị giá 200 triệu đồng.

Bài luận củaNguyễn Minh Hoàng, học sinh trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, viết gửi Trường ĐH FPT để tham gia chương trình học bổng Nguyễn Văn Đạo.
Đôi chân không bình thường như những người khác, nhưng Minh Hoàng vẫn nỗ lực rèn luyện và trở thành một trong những thành viên của hội “đá cầu phủi” Hà Nội.
Chơi ghi-ta với một niềm đam mê, Hoàng dùng tiếng đàn để nhìn thấy những nét đẹp của cuộc đời.
Say mê môn toán, và đạt được những thành tích học tập tốt Minh Hoàng tự tin nộp hồ sơ tham gia học bổng Nguyễn Văn Đạo.
Minh Hoàng cho biết: bài luận này là những cảm xúc chân thật của mình về mẹ, về cuộc đời mà một đứa trẻ như Hoàng có nhiều điều kiện hơn để trải nghiệm.
Mẹ Hoàng, chị Nguyễn Thúy Đào, kể: trưa ngày 15/3, chị lên ký túc xá trường THPT chuyên ĐH KHTN HN để chở Hoàng đi nộp hồ sơ. Trong vòng một tiếng đồng hồ, từ 13h đến 14h cùng ngày, Minh Hoàng ngồi viết bài luận. Sau đó, chị Đào nhờ người đánh máy giúp, rồi nộp hồ sơ học bổng. Bản viết tay bài luận của Minh Hoàng, chị Đào lúc nào cũng nâng niu như một “báu vật”.
Cây đàn ghi-ta là bạn đồng hành, giúp Minh Hoàng nhìn thấy những nét đẹp và lạc quan trong cuộc đời
 Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Hương, một trong hai người trực tiếp phỏng vấnMinh Hoàng ngày 5/5 chia sẻ: Minh Hoàng có đầy đủ 3 tiêu chí để được lựachọn trao học bổng gồm tài năng (căn cứ vào kết quả học tập), ý chí(nghị lực học hành, vượt lên khó khăn, hoàn cảnh gia đình...) và đam mê(thể hiện rõ qua việc yêu thích công nghệ thông tin). Hoàng xứng đángnhận học bổng 100% (trị giá trên 200 triệu đồng).
Ngoài ra, Hoànglà một học sinh khá đặc biệt, em có khả năng chơi ghita và mặc dù sứckhỏe của em không tốt nhưng em có nghị lực và luôn nỗ lực trong học tập.
Minh Hoàng (giữa) trong vòng tay gia đình
Dưới đây là bài luận của Minh Hoàng.Để hiểu về một ai đó quả thật không phải chuyện dễ. Ngay tới chính bản thân họ, đôi khi họ cũng không thể hiểu nổi mình. Thực chất, để hiểu được bản thân mình không khó. Nếu chúng ta có những khoảng lặng, ngồi nghĩ về những gì đã qua, đánh giá về những việc mình đã làm, đó là hình ảnh chân thực nhất về bản thân. Vậy ta có thể thay đổi bản thân ta không? Bản thân ta không cố định, thế nên hoàn toàn có thể thay đổi. Cứ như vậy, càng trải nghiệm, sẽ càng hiểu bản thân hơn, bản thân gắn với cuộc đời này, sẽ càng hiểu cuộc đời hơn. Chúng ta sẽ biết rằng, cuộc đời này kỳ diệu vô cùng.
Tôi sinh ra không được khỏe mạnh như những người khác. Bệnh tật bám tôi dai dẳng ngay từ khi tôi có mặt trong cuộc đời này. Thật khó tin với một đứa trẻ sinh ra 3,1kg mà 6 tháng tuổi chỉ vỏn vẹn 4,5kg. Đến bây giờ, nhiều người vẫn nói rằng: “Nếu không phải là con của mẹ mày, thì mày chết lâu rồi!”. Bất hạnh phải không? Với tôi thì không, vì tôi biết được rằng tôi có một người mẹ tuyệt vời. Và cũng thật may mắn, đầu óc của tôi bình thường, được ăn học đàng hoàng, được sống trong một gia đình hạnh phúc. Như vậy, một chút bất hạnh trên chả là gì! Mà cũng cảm ơn nó vì nó mà tôi biết mẹ tôi yêu tôi nhất!
Ngày trước, mẹ cũng hay đánh mắng tôi. Chuyện đó xảy ra nhiều lắm, cũng thật khó mà thống kê hết được. Nghĩ lại thấy mình thật ngốc! Trước khi bị mắng thì tưởng mình đúng, mình hay lắm, nhưng khi bị mắng mới thấy tội lỗi chồng chất. Nhưng tôi biết mẹ muốn tốt cho tôi. Và vì thế tôi không bao giờ cãi lại mẹ tôi, dù chỉ một câu. Nếu như không có những trận mắng đó, thì cũng không có tôi bây giờ! Thật buồn vì nhiều người con lại nghĩ rằng mẹ không thương nó, rồi từ lòng tự tôn mù quáng ích kỷ, mà thành những ngã rẽ cuộc đời! Chỉ từ một việc thôi, việc suy nghĩ và đánh giá khác nhau sẽ dẫn đến những hành động khác nhau, và từ đó dẫn đến những số phận cuộc đời khác nhau. Việc quyết định thế nào là ở mình!
Với một cậu con trai tinh nghịch, thích khám phá và tư duy thì toán học là một môn học được ưa chuộng. Với tôi không phải ngoại lệ. Và sau những cố gắng hồi cấp 2, tôi đã thi được vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, một trường có thể nói là khá danh giá và nổi tiếng. Tôi được ở ký túc xá, được tiếp xúc với cuộc sống tự lập. Ở đây, tôi biết rất nhiều người, và biết được rất nhiều những cảnh đời khác nhau, và cả những cách đánh giá khác nhau về cuộc đời mình. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng tóm lại, đa số họ không thấy thoải mái trong cuộc sống. Có nhiều nguyên do lắm! Có thể là do cuộc sống gia đình, có thể do học tập, hay do những gì không may xảy đến. Và họ đổ lỗi cho cuộc đời, cho số phận, cho người khác…
Có phải cuộc đời quá bất công với họ không? Sao lại nhiều người bị cuộc đời bất công như thế? Từ lúc sinh ra, quả thật không phải ai cũng giống ai. Có nhiều người sinh ra trong nhà giàu, có người sinh trong nhà nghèo, có người khỏe mạnh, có người ốm yếu, tật nguyền… Cuộc đời bất công vậy sao? Không! Cuộc đời không bất công, thực tế rất công bằng. Cuộc sống này chỉ là một sau bao nhiêu cuộc sống khác. Những gì đang hiện diện là hệ quả của chuỗi thời gian phía trước. Nhưng không nói về những gì đã xảy ra trước đó, vì chúng đã qua rồi. Hãy coi như ngay lúc này đây là khởi điểm và việc của chúng ta là vẽ tiếp đường đời phía trước, tùy thuộc vào suy nghĩ và hành động của chính mình.
Có một điều rất đơn giản, cái gì phù hợp với mình thì sớm hay muộn cũng đến với mình, còn những gì không phù hợp với mình thì dù cố gắng giữ nó cũng đi mất. Một người nghèo với đầu óc kinh doanh giỏi thì sẽ trở nên giàu, và khi giàu anh ta có thể quản lý đồng tiền do anh ta kiếm. Một cậu công tử được để lại một tài sản kếch xù, nhưng không biết cách sử dụng, rồi ăn chơi thì phá sản là điều tất yếu. Một người tốt thì được nhiều người quý. Người xấu thì bị coi thường… Thế giới không thể thay đổi, vì thế ta phải thay đổi chính bản thân mình. Cũng có những lúc cảm thấy cuộc sống không hạnh phúc hay thấy khó chịu, nhưng nếu không có điều xấu thì cũng không có điều tốt, không có tối thì cũng không có sáng. Những điều đó luôn tồn tại song song, nhìn về một sự việc nghĩ nó là tốt cũng đúng, nghĩ là xấu cũng đúng, điều quan trọng là mình nghĩ về nó ra sao. Nếu luôn thấy được niềm hạnh phúc ngay trong những gì mình đang có, thì chúng ta sẽ luôn thấy hạnh phúc.
Cuộc đời thật kỳ diệu. Điều kỳ diệu đó đến khi ta tích cực. Chính một suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến một hành động tích cực; một hành động tích cực sẽ dẫn đến một thói quen tích cực; một thói quen tích cực sẽ dẫn đến một cuộc đời tích cực. Chìa khóa của chiếc hòm cuộc đời kỳ diệu nằm ngay lúc này, ngay trong suy nghĩ của chính mình.
Chân Luận

ST : ĐỌC VÀ NGẪM

Gặp quả báo vì sống quá đểu giả

50 tuổi, cái tuổi hầu hết mọi người đều có rất nhiều thứ và chuẩn bị lo cho tuổi già thì tôi chẳng có thứ gì, tiền bạc không, bạn bè không. Cái tôi có chăng chỉ là bệnh tật và nợ nần.
Tôi có hai đứa con nhưng mọi phẩm chất ở mức trung bình, gia đình 4 người sống lay lắt thuê nhà trọ hơn 20 năm rồi. Mọi gánh nặng cuộc sống chỉ trông chờ vào gánh cháo dinh dưỡng bán ở vỉa hè của vợ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Trung nghèo khó, không vì thế mà tôi tu chí phấn đấu học hành. Ngược lại, với bản chất hung hăng và láu cá từ nhỏ, tôi đã chơi bời quậy phá xóm làng, trộm cắp và lêu lổng, nói chung là đủ thứ xấu. Còn học hành lúc nào cũng đội sổ, lẹt đẹt, 10 năm mới học hết lớp 7, hầu hết những lần đủ điểm lên lớp đều do tôi đe nẹt mấy đứa học giỏi để nó cho xem bài.
Thất học, ở nhà làm nông, tôi có vợ sớm, một cô gái làng bên cũng ít học như tôi. Những năm 1990, có một phong trào những người miền Trung rời bỏ quê hương để đi vào Sài Gòn làm ăn. Vợ chồng tôi cũng rời bỏ theo phong trào đó, rồi số phận đã giữ chặt tôi lại nơi đây từ đó đến bây giờ.
Từ điểm xuất phát con số 0, rất nhiều người phấn đấu làm lụng cực nhọc, tích lũy để đến bây giờ thành đạt, ít nhất cũng có đời sống ổn định, tôi thì không. Với bản tính láu cá lọc lừa từ nhỏ, lại lười lao động chân tay, thích lao động nhẹ, hưởng lương cao, thêm tật hay nổ, tôi suốt ngày quần áo bảnh bao, liên hệ những người quen của họ hàng ba mẹ đã được thành đạt, kiếm những công việc nhẹ nhàng.

Ban đầu cũng có vài việc nhẹ nhàng nhưng vì không có kiến thức lẫn kinh nghiệm nên tôi không thể làm được gì. Vả lại vì tính khoác lác nên ai cũng ghét, không ai chỉ bảo cho tôi thứ gì, mỗi công việc tôi chỉ làm được vài ba tuần rồi thôi. Quanh năm số ngày tôi đi làm việc để kiếm tiền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tất cả mọi chí phí tôi đều phó mặc cho một mình vợ lo, thậm chí nhiều lần tôi còn lấy tiền của cô ấy.
Tôi cũng có một đứa em trai hiện là giảng viên đại học, chắc vì xấu hổ mà rất ít khi quan tâm hay giúp đỡ gia đình tôi. Vì những người họ hàng đều ngoảnh mặt quay lưng, tôi quay sang lừa dối bạn bè và những người đồng hương, tôi đều hỏi mượn tiền với những lý do khác nhau. Rất nhiều trong số họ phần vì họ thật thà, phần vì ái ngại nên đành cho tôi mượn. Tôi không nhớ hết đã mượn bao nhiêu và bao nhiêu người cho tôi mượn. Chung quy một điều, tôi chưa từng trả nợ cho ai và những người cho tôi mượn tiền đều tránh xa sau khi họ đòi nợ bất thành.

Cũng có người nói nhỏ nhẹ, nhưng cũng có người chửi ác lắm. Thú thật, cũng có lúc tôi có ít tiền, định trả người này người nọ một ít nhưng nghĩ đến cảnh cháy túi lại tặc lưỡi cho qua, tự nhủ dù sao cũng nghe chửi nhiều rồi, vả lại những người đó đâu có khổ hơn mình. Riết rồi chẳng còn ai chơi với tôi, chỉ còn vài thằng bạn nối khố không nỡ từ tôi vì nó biết rõ như đi guốc vào bụng tôi mà.
Thỉnh thoảng tôi cũng chủ động lên nhà tụi nó gài độ uống cà phê hay uống bia, nhưng không bao giờ tôi chủ động trả tiền, vậy mà tôi cũng không tha cho tụi nó. Có một lần túng quá, tôi nghĩ ra kế rủ một thằng bạn hùn vốn đi buôn, nói là hùn chứ tiền của nó thôi. Vì tôi cứ theo nó hoài, cực chẳng đã nó cho tôi mượn 2 chỉ vàng chứ không hùn hạp gì cả. Có tiền tôi nói dối bạn là đi buôn, nhưng thực ra tôi tiêu pha vào cờ bạc hết mong ăn tiền của người khác.
Tôi thua sạch và 15 ngày sau quay lại nhà bạn nói là đi buôn hàng nhưng bị bắt mất hết rồi, dĩ nhiên là không có tiền để trả. Xui cho tôi là thời gian này có người biết tôi đánh bài, nên về sau bạn tôi biết và tôi mất người bạn này luôn. Lần gần nhất cách đây hơn một năm, tôi đến nhà một người bạn chơi, tình cờ gặp một người còn khá trẻ, là chủ một doanh nghiệp. Nhân lúc bạn lên lầu, tôi chủ động xin số điện thoại và làm quen. Sau lần đó ít lâu, tôi lại chủ động đến công ty anh ta xin việc. Tôi hạ mình bảo đang thất nghiệp, lại nuôi vợ con nên anh thương tình giúp tôi bằng cách giao hàng cho tôi đi bán để lấy hoa hồng.
Phải nói anh ấy là một người rất tử tế và nhân hậu nhưng tôi lại không cưỡng lại lòng tham. Tôi bán lô hàng hơn 10 triệu mà không về nộp tiền cho công ty, tiền đó tôi tiêu xài cho mình. Bị phát hiện, tôi nghỉ việc ở đó luôn tới bây giờ. Nhân viên công ty và bản thân anh vài lần đến nhà trọ tôi đòi tiền, nhưng tôi đều không trả. Lần gần nhất anh đến, cả gia đình tôi đã nặng lời và còn hăm dọa anh, hàng xóm ai cũng biết và khinh khi nhà tôi.
Anh rất tức giận nhưng không thô lỗ, nhẹ nhàng nói “Anh lớn rồi, làm người phải có lương tâm, phải có lòng tự trọng thì mới đáng làm người. Anh tin đi, người làm, trời biết. Người như anh tôi gặp nhiều rồi, để tôi coi anh nhận quả báo như thế nào. Còn chuyện này, nhất định tôi sẽ kiện ra tòa”. Chuyện đã xảy ra 3, 4 tháng, kể từ khi nghe được lời nói đó đến giờ, tôi luôn giật mình nghĩ đến chuyện quả báo, chuyện hầu tòa. Liệu có ai tin chuyện quả báo có thật hay không? Nếu công ty kia kiện ra tòa thì tôi sẽ bị tội gì?
Thời gian gần đây tôi phát hiện mình rất nhiều bệnh, sức khỏe yếu đi nhưng không có tiền khám bệnh. Tôi cũng không dám về quê vì sĩ diện, còn ở đây cuộc sống thật sự bế tắc. Tết vừa rồi, cần 5 triệu để đi buôn hoa Tết mà tôi đi mượn khắp nơi cũng không được vì chẳng ai cho. Có phải tôi đã bị quả báo rồi không? Có phải tôi là người khốn nạn không? Đây là toàn bộ những lời chân thật tôi viết ra để mong lòng mình thanh thản phần nào. Bây giờ tôi phải làm gì đây? Xin mọi người cho tôi một lời khuyên.
Tám

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

ST : Chuối ngon nên trồng

Chuối Ngự - Món quà Nam Định tiến Vua

“Đọc thơ Tú Xương ăn chuối ngự”, đó là câu truyền ngôn tự hào của người dân thành Nam về quê hương mình. Nam Định có Tú xương, ông tổ của thơ ca trào phúng việt Nam, có phủ Dầy, nơi thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng trần và  có cả chuối ngự - món quà  tiến vua khi xưa.

Chuối ngự là một trong những đặc sản của vùng đất Nam Định thời xa xưa. Theo sử sách còn ghi thời vua Trần, từ phủ Thiên Trường đến ngoài thành Nam Định, nhiều vùng là quê hương, thái ấp của vua quan nhà Trần. Các vua quan Trần đánh giặc giỏi, trị thủy tài, lại thương dân như con. Cảm kích trước công lao to lớn đó, dân làng thành Nam đã trồng nên một loại sản vật quý để dâng vua đó là: chuối ngự

Chuối Ngự - Món quà Nam Định tiến Vua

Chuối ngự là sản vật quý của trời đất, là kết tinh tình yêu của dân chúng đến vua Trần khi xưa. Nếu các sản vật khác khi dâng vua thường gọi là “tiến” như vải tiến (Thanh Hà, Hải Dương), nhãn tiến (Hưng Yên), chim tiến (Sâm cầm, Hồ Tây, Hà Nội), mắm tiến (Thái Bình) thì chỉ có riêng chuối được gọi là chuối ngự như là lời cảm kích trước tấm lòng của dân chúng Nam Định.
 
Với tên gọi sang trọng này chuối ngự đã ngang với ngự bào (áo vua mặc), ngự mã (xe vua đi), ngự thiện (đồ vua ăn). Phải chăng, vì Nam Định vốn quê hương của các vua Trần nên các đồ ăn thức uống cũng như các sản vật của vùng đất này luôn là món quà đầy ỹ nghĩa với các vua.


Chuối Ngự - Món quà Nam Định tiến Vua

 Chuối Ngự Nam Định, quả rất nhỏ, khi chín có màu vàng ướm như tơ tằm, mùi thơm ngát, vị ngọt thanh. Không chỉ đẹp về màu sắc, chuối ngự còn được trời cho về dáng nữa. Trong các chuối thì dáng chuối ngự đẹp nhất, từ buồng, đến nải lẫn quả. Với dáng hình thon thả, lá xanh màu ngọc bích,  hoa đỏ rực như lửa, quả vàng như tơ tăm, chuối ngự như một nàng thiếu nữ dịu dàng trong nắng mai, vươn đôi tay  mềm mại kéo sợi chỉ vàng dệt vải cho quê hương.
 
 Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, chợ Rồng lại óng ánh sắc vàng của những nải chuối ngự, làm đắm say bao người. Chuối ngự đã trở thành một loại quả đặc sản mà ai cũng muốn có để mang về làm quà cho   người thân, là vật không thể thiếu trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình khi tết đến xuân sang.

Chuối Ngự - Món quà Nam Định tiến Vua

 Chuối ngự đã đi vào tâm linh của người dân Nam Định, là thứ quả thiêng để dâng lên các bậc tổ tiên, thần thánh, là nỗi nhớ, niềm thương, sự ngưỡng vọng của lớp lớp người thành Nam về  những vị vua linh thiêng của người Việt.  Và dù thời gian có phủ mờ bao lóp bụi nhưng chuối ngự mãi là một trong những món quà quý mà trời đất đã ban cho người Nam Định, là cái hồn quê, là nỗi nhớ mênh mang của người dân Thành Nam mỗi khi xa quê, để rồi khi hương chuối thơm phản phất trong gió thoảng cũng là lúc  tâm hồn người lữ khách ngồi buồn thơ thẩn nhớ cố hương.
 
Theo tạp chí món ngon

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

ST: Những người ăn xin cao cả ( báo Lao động )

Những người “ăn xin” cao cả

Một cô bé bán khoai, một chị bán cơm hộp, cùng cậu học trò thường ngày “buôn thúng bán bưng” ở bệnh viện đã không vô cảm khi thấy một sản phụ gần như bị bỏ rơi, nằm mê man bất tỉnh với vết thương sâu vào tận xương, dòi bọ lúc nhúc.

Bức ảnh do một người dân chụp cảnh nhóm người xin tiền giúp sản phụ Hà Thị Ngân.
Bức ảnh do một người dân chụp cảnh nhóm người xin tiền giúp sản phụ Hà Thị Ngân.

Thế rồi, một ngày nọ Hải Phòng nóng như đổ lửa, họ tạm gác công việc hằng ngày để “đi xin”, chỉ trong vài tiếng, họ đã xin được hơn 10 triệu đồng giúp sản phụ.

Con số tiếp tục lên tới hàng chục lần khi cảnh đời bất hạnh của người sản phụ ấy được đưa lên diễn đàn mạng, để rồi viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Vác rổ xin tiền cứu người

Ngày 9.6, trên facebook cá nhân của tôi hiện “lời hiệu triệu” của một người bạn: “Hãy cứu giúp chị Hà Thị Ngân bị bệnh viêm não trong khi đang mang thai 8 tháng”. Lời lẽ thống thiết miêu tả chị này đang nằm ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp (Hải Phòng) thiếu sự chăm sóc của gia đình, bị bỏ bê dẫn tới những vết thương hoại tử. Trong khi người nhà dường như coi sản phụ như đã chết, thì có những người không hề quen biết dang tay giúp đỡ. Nhìn bức ảnh chụp 5 người tay giơ cao tấm biển, mang theo chiếc rổ, khóc nức nở mong mọi người thể hiện lòng từ tâm, tôi tự nhủ: Mình phải gặp những người này.

Người nằm trên giường bệnh là Hà Thị Ngân- sinh năm 1986, ở phố Thiên Lôi, quận Lê Chân (Hải Phòng). Chuyện đời của cô là chuỗi dài bất hạnh. Ngân người dân tộc Tày, ở vùng núi tỉnh Tuyên Quang. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, 13 tuổi Ngân xuống Hà Nội, rồi Hải Phòng rửa bát thuê cho các hàng ăn kiếm sống. Ở thành phố cảng, số phận run rủi cô yêu rồi về sống như vợ chồng với một thanh niên có tên Khoa ở phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng. Không một lần được mặc áo cô dâu, may mắn lắm cách nay 3 tháng cô được đăng ký kết hôn với người đàn ông này khi cái thai trong bụng đã được 5 tháng. Nhưng rồi tai họa ập xuống, bỗng dưng cô bị co giật liên hồi, các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm não. Sau vài lần đưa cô đi điều trị tại bệnh viện, chồng và gia đình dường như... quên luôn.

Nửa tháng trước, khi Ngân được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Sản Trung ương thì sức khỏe của cô cùng đứa con trong bụng đã yếu lắm rồi. Vì quá mệt mỏi hay thiếu tình yêu thương vợ con, chồng lên chăm vợ dường như chăm cho có vì. Bằng chứng là sau 15 ngày nằm viện, Ngân chẳng được vệ sinh sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện, sản phụ đã bị viêm nhiễm vùng hông. Vết thương ngày một lan rộng và tới ngày 7.6, khi các bác sĩ tiến hành tiểu phẫu, vệ sinh thì vết thương đã lan rộng to như cái bát, hoại tử sâu, nhìn thấy cả xương cùng xương cụt, dòi bọ lúc nhúc xung quanh vết thương.

Có lẽ sản phụ Hà Thị Ngân cùng đứa con trong bụng sẽ vẫn nằm đó, chết dần chết mòn với vết thương lở loét, ăn dần vào da thịt nếu không có một phép màu. Phép màu đó không đến từ cô tiên, ông bụt, mà đến từ một chị bán cơm hộp, cô gái bán khoai ở Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng), một bác bệnh nhân nằm điều trị cùng khoa và một em học sinh lớp 10.

Trong những ngày xách cơm hộp, mang khoai lang, bánh mì đi bán dạo ở Bệnh viện Việt-Tiệp, chị Nguyễn Thị Hương cùng em trai là Nguyễn Quang Hào (học sinh lớp 10C6 Trường THPT Đồng Hòa) và chị Vũ Thị Hường- đều ở khu đường tàu quận Lê Chân- thấy cảnh tượng thương tâm: Sản phụ Hà Thị Ngân nằm bất động trên giường bệnh với vết thương lở loét mà thỉnh thoảng mới thấy người nhà đến chăm sóc. Trong một lần hiếm hoi, chị Hương gặp bà mẹ chồng sản phụ, hỏi sao lại để con dâu nằm đáng thương như vậy, bà mẹ chồng lạnh lùng: “Nhà nghèo, hết tiền”.

Như một định mệnh, ngày 6.6 chị Hương, chị Hường và em Hào cùng gặp một bệnh nhân chuẩn bị xuất viện là bác Xuân ở phòng 304 khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt-Tiệp, chuyện của 4 người xoay quanh hoàn cảnh thương tâm của Hà Thị Ngân. Chị Hương kể: “Một quyết định “đi xin” được cả 4 người chúng tôi đưa ra một cách chóng vánh. Thằng Hào chạy về lấy tấm bìa cáctông viết dòng chữ: “Làm ơn!!! Mọi người hãy giúp một cô gái ở phòng 308 khu C, Bệnh viện Việt-Tiệp. Cô gái ấy đã bị bại não nhưng trong bụng là đứa bé 8 tháng tuổi. Không có tiền để phẫu thuật cứu đứa bé. Nếu không phẫu thuật nhanh thì cả hai người sẽ chết”. Hương lấy cái rổ thường ngày bán khoai làm rổ đựng tiền, và chúng tôi đi xin”.

Nhiều người đến thăm, giúp đỡ sản phụ Ngân sau hiệu ứng của mạng Internet.
Nhiều người đến thăm, giúp đỡ sản phụ Ngân sau hiệu ứng của mạng Internet.

Một bức ảnh người dân chụp được rồi đưa lên Facebook, trong ảnh có cô gái xinh xắn, nước mắt thấm ướt cả ngực áo - cô gái ấy tên Hường - người ta thường gọi là Hường khoai vì cô ấy bán khoai.  “Chắc em mất nhiều nước mắt lắm nhỉ?” - tôi hỏi. “Em cũng chẳng biết vì sao mà lúc đó em lại khóc... như trẻ bị đòn đến thế. Khóc nức nở, khóc đến mức 2 ngày sau mắt vẫn còn sưng vù anh ạ. Em cũng chẳng biết người ta chụp ảnh mình rồi đưa lên mạng lúc nào nữa. Thật buồn cười nhưng vui lắm, vui nhất là khi đọc những dòng trên Facebook: “Cảm ơn em, vậy là chị Ngân được cứu rồi”.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ 2h chiều đến 11h ngày 6.6, họ đã xin được 10,5 triệu đồng giúp sản phụ Hà Thị Ngân. Không chỉ có vậy, một bức ảnh đắt giá đã được một người dân vô danh nào đó chụp rồi đưa lên mạng Internet, để rồi hàng trăm người xúc động kéo đến giúp sản phụ này, viết nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Khi bạn đọc bài này, các chị Hường, Hương đã quay lại công việc thường ngày: Bán cơm, bán khoai ở cổng Bệnh viện Việt-Tiệp, em Hào cắp sách đến trường, còn bác Xuân nằm nhà dưỡng bệnh. Tuy vậy, trong mắt nhiều người, họ đã là những ông bụt, cô tiên giữa đời thường.

“Cơn sốt nhân đạo” tái hiện ở đất cảng

Hai bạn tôi- một gã đeo quân hàm đại úy, công tác tại một tờ báo trong ngành công an Hải Phòng, gã kia là bác sĩ chuyên khoa Mắt của Trường Đại học Y Hải Phòng. Cả hai đều có một “sở thích” là, hễ rảnh rỗi là đi làm từ thiện, nên cùng một số người lập một nhóm từ thiện tự phát mang cái tên lạ hoắc: “Mặc ấm Hải Phòng”. Tấm ảnh chụp nhóm người mang rổ xin tiền để giúp sản phụ Ngân, một ngày sau đã đến với gã bác sĩ. Một cú điện thoại và 2 gã lập tức lên đường tới khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp.

Với những gì tận mắt chứng kiến, lời “hiệu triệu” với những lời lẽ thống thiết được 2 gã tung lên mạng Internet. Lập tức, thông tin lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Hàng ngàn bình luận đẫm nước mắt cùng những câu khẳng định sẽ đồng hành, giúp đỡ sản phụ Ngân được đưa ra. Và họ đã làm như đã hứa.

Chỉ trong vòng 3 ngày - từ 7 đến 10.6 - hàng trăm người nườm nượp đổ về khoa Thần kinh, Bệnh viện Việt-Tiệp thăm Ngân. Những đồng tiền 100, 200, 500 nghìn; có đồng tiền đặt trang trọng trong phong bì, có đồng tiền nhàu nhĩ được rút ra từ túi bà bán thịt, em sinh viên, anh công nhân... gom góp giúp Ngân. Số người đến quá đông khiến Bệnh viện Việt-Tiệp phải cử ra một ban để tiếp nhận ủng hộ, tiếp nhận số tiền này để điều trị cho Ngân và đứa con trong bụng cô.

Đến nay đã có gần 120 triệu đồng được gửi đến sản phụ Ngân. Nằm bất động trên giường bệnh, Hà Thị Ngân không biết tới vết thương ăn sâu vào tận xương tủy, cũng không biết tới những tấm lòng nhân ái đang cố giúp cô duy trì sự sống. Cô cũng không biết tới những chuyện buồn về gia đình, về những việc mà họ đã đối xử với mình, với những người hảo tâm đã giúp mình. Có lẽ sau khi tỉnh dậy, cô nên quên hết những bạc bẽo, thờ ơ, mà chỉ nên để đọng lại hơi ấm của “tình người dưng”...

Cháu bé sinh ra trong hạnh phúc vô bờ

Ngày 10.6, gia đình sản phụ Hà Thị Ngân đã quyết định xin chuyển viện cho bệnh nhân từ Bệnh viện Việt-Tiệp (Hải Phòng) lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Có 5 người thay mặt các nhóm tình nguyện theo xe từ Hải Phòng lên Hà Nội để chăm sóc cho Ngân. 20h ngày 11.6, Ngân được đưa lên bàn mổ lấy thai nhi.

Trao đổi với chúng tôi trước khi tiến hành ca mổ, bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình trạng của mẹ con sản phụ tiên lượng rất xấu, bệnh viện chỉ hy vọng khả năng sống sót của cháu bé là 50%, còn Ngân thì không hy vọng gì. Tuy vậy, sau gần 1 giờ, con của Ngân đã chào đời, nặng 2kg, được chuyển sang nuôi trong lồng kính. Riêng Ngân thì đang hôn mê, nhưng vẫn còn nhiều hy vọng sống.

Theo Việt Hoà Lao Động

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

ST : Học sinh học giỏi

Cô thủ khoa 59 điểm sống tự lập từ năm 11 tuổi

17/06/2013 16:58 (GMT + 7)

TTO - Đó là Nguyễn Ngô Bảo Ngọc, thủ khoa của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bảo Ngọc đạt tổng cộng 59 điểm. Trong đó, chỉ có môn văn đạt điểm 9, các môn còn lại đều đạt điểm 10.
Cô bé thủ khoa 59 điểm Nguyễn Ngô Bảo Ngọc (phải) và người bạn thân - lớp trưởng Nguyễn Trần Lâm Anh - là á khoa với 58 điểm - Ảnh: Ngọc Hiển


Vốn là học sinh trường huyện của Trường tiểu học Trần Quốc Toản, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Ngọc đăng ký và thi đỗ vào trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế).

Vì nhà xa trường nên bố mẹ của Bảo Ngọc quyết định cho con gái ở trọ để học hành thuận tiện.
Khác với bao bạn bè cùng trang lứa, cuộc sống tự lập của Ngọc bắt đầu ở tuổi 11. Hằng ngày, bên cạnh chuyện bài vở, Ngọc phải tự mình đi chợ nấu nướng, giặt giũ, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến việc học của mình. Gia đình sau đó phải “theo con” vào lập nghiệp luôn tại Huế.
Cô bé sau đó đỗ vào Trường THPT chuyên Quốc Học Huế và theo học lớp chuyên Anh - Pháp suốt ba năm THPT.
Gặp Bảo Ngọc ngày 17-6, cô thủ khoa nhỏ nhẹ chia sẻ về kinh nghiệm học tốt của mình: "Khi học phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, ít nhiều sẽ nắm được những kiến thức trọng tâm, đến khi thi sẽ ôn lại một cách tổng hợp dựa trên kiến thức mình đã có và quan trọng là học và làm bài một cách thoải mái, không cần phải đứng thứ nhất, không cần phải giỏi mà làm đúng sức lực của mình".
Lớp trưởng 12 chuyên Anh - Pháp Nguyễn Trần Lâm Anh nói Bảo Ngọc (lớp phó học tập) học chắc và giỏi đều tất cả các môn, đặc biệt Ngọc có một khả năng suy luận, hùng biện tốt. "Khi học em khá căng thẳng vì chương trình nhiều trong khi đó thấy Ngọc học rất thoải mái!”, Lâm Anh nói.
Bà Ngô Thị Dung, mẹ của Ngọc, cho biết khá ngạc nhiên với kết quả thủ khoa: "Vợ chồng tôi không hỏi kết quả của con sau mỗi buổi thi. Tôi thấy cháu cũng tự tin và với học lực của cháu, tôi biết chắc chắn sẽ đậu. Nhưng kết quả thủ khoa khiến tôi bất ngờ. Mong rằng ở kỳ thi đại học tới đây cháu làm bài tốt như vậy".
Trong kỳ thi đại học sắp tới, Ngọc đăng ký dự thi vào một ngành khối D1 Trường ĐH Ngoại ngữ Huế và một ngành khối A1 thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM.
NGỌC HIỂN - THÁI LỘC
 ------------------------------------

SUU TAM: VUA LA RAU VUA LA MOT VI THUOC HAY

Khổ qua: rau ngon thuốc tốt


SGTT.VN - Khổ qua (còn gọi mướp đắng, ổ qua, lương qua, mướp mủ…) gốc ở châu Phi, được thuần hoá ở Ấn Độ và nhiều nước nhiệt đới. Ở nước ta, nó được trồng khắp nơi trong các nương rẫy và vườn gia đình.

Khổ qua tên khoa học Momordica charantia L., thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Ảnh: Lê Kiên
           Có rất nhiều món ăn được chế biến từ khổ qua: nấu với tôm, thịt heo nạc; khổ qua ninh xương; hấp với thịt băm; muối dưa; làm nộm; xào, kho, ăn sống làm món ăn bổ mát, chống viêm nhiệt. Khổ qua còn được chế thành trà uống rất tốt. Người ta đã biết thành phần dinh dưỡng của trái khổ qua tính theo g%: protid 0,9, glucid 3, cellulose 1,1 và theo mg%: calcium 18, phosphor 29, sắt 0,6, caroten 40, vitamin B1 0,07 và vitamin C 22. Trong trái khổ qua có một glycosid đắng gọi là momordicin và các vitamin B1, C, các acid amin như adenin, betain… Hạt chứa một chất dầu và một chất đắng.
Hải Thượng Lãn Ông viết trong Lĩnh Nam bản thảo: “Khổ qua tục gọi quả mướp đắng. Hột nó ích khí, làm dương tráng. Bổ hư lao, mát tim rất hay. Khổ hàn chữa tạng nhiệt, mắt sáng”. Khi còn xanh, khổ qua có tính giải nhiệt, tiêu đàm, sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, bổ thận, nuôi can huyết, bớt mệt mỏi, trừ nhiệt độc, lợi tiểu, làm bớt đau nhức xương. Khi chín, nó có tính bổ thận, kiện tỳ, dưỡng huyết. Nói chung, khổ qua là thuốc bổ máu, giải nhiệt, giảm ho, trị giun, nhuận tràng, sát trùng và hạ đái đường. Dùng để tắm thì đỡ nhọt sởi, xát ngoài da cho trẻ em thì trừ rôm sảy và trị chốc đầu.
              Ở Trung Quốc, người ta dùng khổ qua trị đột quỵ tim, bệnh sốt, khô miệng, viêm hầu, bệnh ecpet mảng tròn; liều dùng là 15 – 30g, dạng thuốc sắc. Hạt khổ qua ngoài bổ dương, tráng khí còn dùng chữa ho, viêm họng (nhai hạt nuốt nước hoặc mài cho đặc, lấy nước chưng hoặc hấp cơm uống, hoặc nhai ngậm với muối).
Hoa, lá và rễ khổ qua đều có tác dụng trị lỵ, nhất là lỵ amip: dùng rễ nấu nước uống; mỗi lần 30g rễ sắc uống với đường trắng (cũng dùng trị tiêu chảy). Trường hợp đinh nhọt và bệnh viêm mủ da, dùng 5 – 10g lá tươi (hoặc dùng trái) nghiền ra, thêm nước làm thuốc đắp ngoài, đồng thời ăn trái tươi.
GS.TS Võ Văn Chi
Chuyên gia cây thuốc Việt Nam; nguyên giảng viên đại học Y dược TP.HCM.

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

ST ; Dat ten vo trong dien thoai

Biếm họa tên vợ trong điện thoại của chồng


Mở điện thoại của chồng, thấy một loạt tin nhắn đến từ 113, chị Ngọc tá hỏa không biết anh làm gì mà liên quan đến cảnh sát cơ động. Đọc nội dung, chị mới ớ ra đó là những tin mình gửi. 

"Hỏi anh xã sao lại lưu tên vợ như thế thì ông ấy bảo 'đúng là số điện thoại khẩn cấp còn gì. Em chả là 'cảnh sát' suốt ngày muốn theo dõi nhất cử nhất động của anh sao", chị Ngọc (Giáp Bát, Hà Nội) kể.
Chị cho biết, trước đây, hồi mới yêu, anh thường lưu tên chị là "Mun yêu" rồi "Bé cưng". Lúc mới cưới tên này được đổi thành "Vợ iu", có con rồi là "Mẹ Mướp" và sau đó là V26, giờ thành 113. 
"Hồi đặt nick V26 mình cũng không hiểu gì, tìm kiếm trên Google thì ra là 'Cục quản lý trại giam', tức điên người. Lần này ban đầu cũng ấm ức, nhưng sau chẳng thèm quan tâm nữa. Đã vậy mình đổi tên ông xã trong điện thoại, từ "Chồng yêu" thành "Của Nợ" cho bõ ghét", chị Ngọc nói.

Tên vợ, chồng trong danh bạ điện thoại đôi khi cũng thể hiện tình trạng hôn nhân. Ảnh minh họa: MT.
Xung quanh chuyện vợ chồng đặt tên nhau trong điện thoại cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt. Bên cạnh những cách gọi quen thuộc như Chồng/vợ yêu, Anh/em yêu, Bố/mẹ Tun (tên con)... là vô vàn những nickname mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. 
Chị Nhung (khu tập thể Đồng Xa, Hà Nội) cho biết, tên chị trong máy của chồng được đặt là Thị Nở. Dù vậy chị không hề thấy buồn. "Anh xã tên Tùng, hay được mọi người gọi là Tùng Phèo, còn mình toàn trêu là Chí Phèo, thế là chàng đặt luôn tên cho vợ là Thị Nở cho xứng lứa vừa đôi", chị nói. 
Trước đó, có lần xem điện thoại của chồng thấy có hàng loạt cuộc gọi từ một người có tên Hai Néo, chị thắc mắc đó là ai thì chồng đáp gọn lỏn "xem số đi, vợ chứ ai" rồi giải thích luôn "Hai Néo là Heo Nái đó, 2 lứa rồi còn gì". "Mình chẳng hơi đâu mà đi giận chồng vì mấy cái chuyện đặt tên đó, quan trọng là biết ông ấy vẫn yêu vợ, thương con, hết lòng vì gia đình là được", chị Nhung chia sẻ. 
Tuy nhiên, cũng không ít cách lưu tên của các ông chồng khiến bà vợ nổi cơn thịnh nộ.
"Bình thường mình chẳng kiểm tra điện thoại của chồng bao giờ. Hôm đó anh xã mượn máy mình gọi vào máy hắn để kiểm tra chuông, liếc thấy chữ "A Con Ma" đang gọi, mình giận sôi người. Sau đó, mình sửa ngay lại thành "A Vợ Con Ma", chị Bích (Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) kể. 
Chị Loan (Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) cũng nóng mặt khi phát hiện chồng đặt tên mình trong điện thoại là "Shut Up" (Câm miệng). "Quả thực là mình cũng hay cằn nhằn hắn, nhưng đến nỗi nào mà chồng lỡ đặt cho vợ cái tên quá đáng như thế. Hóa ra mỗi khi mình gọi tới là hắn chỉ muốn mình im mồm đi luôn à", bà vợ 36 tuổi bức xúc. 
Khi đem chuyện này kể với mấy đồng nghiệp, chị phát hiện ra rằng, cũng có những bà vợ được chồng đặt tên cho là "Osin", "Sư Tử Thủ Đô" hay "Thèm Tiền", "Khó Chiều"...
"Bọn mình thì hết lòng vì chồng vì con, có khi quên cả chăm sóc bản thân, thế mà đều trở thành 'ngáo ộp' hết trong mắt các ông chồng. Thật chẳng còn gì để nói", chị Loan bộc bạch. 
Có những ông chồng lại lưu tên vợ thành những cụm từ đầy tâm trạng. Anh Trung (Phúc Diễn, Hà Nội) kể, hồi yêu và mới cưới, anh lưu tên chị là "Honey", sau này, thấy vợ ngày nào cũng gọi điện liên tục để kiểm tra chồng ở đâu, làm gì, anh đổi thành "Xin Đừng Gọi Anh Nữa", "Vợ Ơi Đừng Gọi" và "Police" (cảnh sát) kèm theo hình ảnh mình đang ngồi sau song sắt. 
"Thật ra đàn ông chúng tôi cũng chả mấy quan tâm đến việc lưu tên là gì đâu, nhưng nhiều khi bức xúc quá, hoặc có khi rỗi việc, nảy ra vài nick độc độc cho bà xã", anh Trung kể. 
Cũng như cánh mày râu, phụ nữ cũng dành nhiều cái tên "chẳng giống ai" để gọi chồng qua điện thoại. Những cái tên này cũng thay đổi tùy theo tâm trạng của họ hay tình trạng tình cảm vợ chồng. 
Chị Huệ (Yên Hòa, Hà Nội) kể, chị đổi tên chồng trong danh bạ điện thoại liên tục: Lúc yêu là My Love, cưới nhau chuyển thành Chồng Yêu, sau đó là Bụng Bự rồi Bố Bệu và giờ là Về Ăn Cơm. "Bây giờ mỗi lần gọi điện thì chỉ có việc hỏi xem đang ở đâu, gọi về đến bữa, nên đặt thế cho tiện", chị Huệ nói. 
Những nickname đặt cho chồng đôi khi là cách thể hiện nỗi niềm của chị em và liên quan đến những kỷ niệm giữa hai vợ chồng. 
Chị Hà (Tô Hiệu, Hà Nội) kể, sau một lần hai vợ chồng cãi nhau, chị đổi tên chồng trong danh bạ từ "Anh Yêu" thành "Hết Yêu", thế nhưng ngay hôm sau chị thấy nick này đã được đổi thành "Anh Mãi Yêu Em". "Vẫn đang giận nhưng cũng không nín được cười. Hắn láu cá lắm, đã lấy máy của mình để tự sửa lại", chị Hà kể.
Vương Linh

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

ĐẠI HỘI TDTT XÃ HOÀI THƯỢNG LẦN THỨ IV

        
       KHAI MẠC ĐẠI HỘI THỂ DỤC THỂ THAO XÃ HOÀI THƯỢNG

      Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, tiến tới tham gia Đại  hội TDTT huyện Thuận Thành, trong không khí cả nước đang sôi nổi thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại"-  sáng ngày 13 tháng 6 năm 2013, UBND xã Hoài Thượng  đã tổ chức khai mạc “Đại hội TDTT xã lần thứ IV năm 2013” tại sân trường Tiểu học xã Hoài Thượng.


 Toàn cảnh buổi khai mạc Đại hội 

        Dự buổi lễ khai mạc có các đồng chí:  Lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Người Cao tuổi tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Văn Phúc -  Phó Chủ tich UBND huyện Thuận Thành,  Lê Xuân Bắc  Trưởng Phòng  Văn hoá – Thông tin huyện, Nguyễn Đức Quảng Phó Chánh Văn phòng UBND huyện.  Về phía địa phương có các  đ/c: Nguyễn Phấn Thuật - Bí thư Đảng ủy, CT HĐND xã;  Đỗ Duy Diệp - Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã cùng các đ/c trong TT Đảng ủy, HĐND, UBND, trưởng các đoàn thể, cán bộ công chức xã, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn của 9 thôn; các thầy cô giáo  và trên 700 vận động viên ; cùng nhiều  học sinh và người  dân của  các  thôn trong toàn xã.


                               Đ/c Trần Đăng Chúc - Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban tổ chức Đại hội TDTT
                  điều khiển chương trình  khai mạc đại hội 
      Đ/c Lê Doãn Vui – cán bộ phụ trách  Văn hóa xã làm nhiệm vụ dẫn chương trình.  Đ/c Trần Đăng Chúc Phó Chủ tịch UBND xã làm công tác tổ chức.  Buổi lễ diễn ra với phần diễu hành qua lễ đài của vận động viên các đơn vị. Sau khi Đoàn vận động viên rước đuốc từ Nghĩa trang Liệt Sĩ xã về địa điểm tổ chức khai mạc Đại hội, đồng chí Nguyễn Phấn Thuật Bí thư Đảng ủy xã đã nhận và châm lửa lên Đài lửa của Đại hội.


Đ/c Nguyễn Phấn Thuật – Bí thư Đảng ủy Nhận Đuốc từ Đoàn VĐV

            Thay mặt Đoàn Đại biểu của tỉnh, huyện về dự Khai mạc, Đ/c Nguyễn  Văn Phúc đã tặng hoa, chúc  Đại hội thành công tốt đẹp.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc Phó Chủ tịch huyện tặng hoa cho Đại hội 

Các đại biểu tỉnh, huyện dự Khai mạc


các Đại biểu



 Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đỗ Duy Diệp đã đọc diễn văn Khai mạc Đại hội. Phát động toàn dân đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; thi đua phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; khích lệ, cổ vũ các vận động viên nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm thi đấu, giành thành tích cao nhất. Đồng chí cũng yêu cầu Ban trọng tài các môn thi đấu làm việc nghiêm túc, công bằng, vô tư, để giải thể thao lần này diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng chí Chủ tịch mong muốn, thông qua giải thể thao lần này, đánh giá kết quả phát triển sự nghiệp TDTT của các thôn từ đó có những định hướng và biện pháp cụ thể để phát triển phong trào trong thời gian tới . Toàn thể nhân dân trong xã hãy cùng nhau góp sức duy trì, xây dựng phong trào thể dục- thể thao của  các đơn vị thôn, xóm ngày càng sôi nổi, bổ ích, rèn luyện tốt cả về sức khoẻ, cũng như tinh thần; qua đó đẩy mạnh các phong trào thi đua, động viên nhân dân và cán bộ trong xã  phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương.


 Đ/c Đỗ Duy Diệp –Chủ tịch UBND xã đọc diễn văn Khai mạc  Đại hội

Đ/c Trịnh Đức Tần thay mặt các trọng tài và vận động viên đọc tuyên thệ, hứa điều khiển các trận đấu và thi đấu một cáh vô tư trong sáng, đúng tinh thần TDTT.
Các em học sinh trường  Tiểu học Hoài Thượng đã  đồng diễn màn Thể dục nhịp điệu, và của các em học sinh trường THCS đã  đồng diễn Aerobic tạo không khí sôi nổi cho lễ khai mạc đại hội TDTT.




                   Màn biểu diễn TDNĐ của các em HS trường THCS Hoài Thượng




 Màn biểu diễn của học sinh trường Tiểu học Hoài Thượng 



 Màn biểu diễn trường sinh kinh lạc của các cụ người cao tuổi 

 Thi Cầu lông

Chuẩn bị!

Sau lễ khai mạc đại hội TDTT, theo sự chỉ đạo của BTC, các vận động  viên chia ra các địa điểm để thi đấu 8 môn : cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bơi, chạy, kéo co, nhảy bao bố và thể dục dưỡng sinh.
                                                                           Kết quả :
+ Nhất toàn Đoàn :   Thôn  Đại Mão
+ Nhì      -        -    :    Thôn Thượng Trì Ấp
+ Ba       -        -     :   Thôn Ngọ Xá
  Giải Khuyến Khích được trao cho hai đơn vị : Thôn Lam Cầu, thôn Đông Miếu. 
         Hoạt động thể dục thể thao không chỉ là dịp để các vận động viên tham gia giao lưu thể hiện tình đoàn kết mà còn góp phần động viên cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã Hoài Thượng  đẩy mạnh phong trào thi đua "rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", hướng tới Đại hội TDTT huyện Thuận Thành lần thứ VII năm 2013.                                                                
                                                                                                                                   Tin, ảnh :    Lê Đình Ngạn