Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA - 6B - LÊ NHO LÃNG

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 6B )

 Lê Nho Lãng 

                  Thơ Người làng Giữa (6) đã giới thiệu 1 số bài  thơ của tác giả Lê Nho Lãng ( có bài ký tên dưới bút danh Lương Nguyệt Anh ) - sinh 1930 - xóm 2 Đại Mão. Là nông dân một miền quê văn hiến, lúc nhỏ ông được học chữ Hán một số năm.Trong số những người già ở làng Giữa hiện nay còn sống, ông có trình độ Hán học tương đối khá, thích làm và làm khá nhiều thơ, nhiều thể loại : lục bát, song thất lục bát, thơ theo thể hát ca trù, thơ Đường, kể cả thơ bằng chữ Hán.
                          Mời quý độc giả đọc một số bài thơ mới của ông:
               

          
            BÃO GIÔNG

Mỗi trận bão giông đất lại mòn,
Bên đồi vẫn thấy những hòn son.
Hàng thông cũng có cây nghiêng ngả,
Rừng bách nghe đâu gốc mất, còn.
Cái vạc đêm dài khôn kiếm bạn,
Thân cò đồng vắng khó tìm con.
Trách sao con tạo gây chi mãi,
Mỗi trận bão giông đất lại mòn.


GÀ GÁY CANH BA

Đêm Vọng, ngoài hiên nguyệt chửa tà;
Tiếng gà gáy điểm giữa canh ba.
Trong phòng đương giấc nồng con trẻ,
Bên gối còn say mộng tuổi già.
Cái vạc tìm đàn kêu thũng thẵng,
Con chồn kiếm bạn gọi xa xa.
Gáy chi đương lúc trời chưa tỉnh,
Thì có ai hay một tiếng gà ?


                  TRỐNG CANH NĂM

Giục giã bên ta rộn tiếng gà
Chuông chùa siêu khổ vọng xa xa.
Màn đêm lặng lẽ mây chưa vén,
Bãi cỏ im lìm sương vẫn pha.
Tỉnh giấc ông già còn hãi trộm,
Thức rồi thằng bé vẫn kinh ma.
Năm canh thức đợi khi trời sáng,
Giục giã bên ta rộn tiếng gà.     


                CHUYỆN  ĐÓ…ĐÂY…

Ở đời ngẫm nghĩ thế mà hay,
Quán xá nghe như chuyện đủ đầy.
Bao kẻ nói không thành nói có,
Nhiều người ăn mặn bảo ăn chay.
Vườn Xuân vẫn thấy vương mùi tục,
Ngõ Hạnh xem còn vắng gió tây.
Tựa gốc bồ đề ăn oản bụt,
Đường tu xem cũng bước thang mây.

                                                                                                                                             
                                      LƯƠNG NGUYỆT ANH
                                                                                                   
                              ****************************************************************

Bài họa :                                           PHÁ RỪNG THÌ NÚI PHẢI TEO MÒN
                                                                                   Tác giả :Đỗ Trọng Tầu

Phá rừng thì núi phải teo mòn !
Nước suối tràn về đặc sắc son !
Lũ quét...đồng kia cây mất sạch,
Gió gầm...nhà nọ mái đâu còn !
Lăm le mối lợi...vui đời bố
Lấp ló họa sầu...khổ cháu con !
Thuận lý thiên nhiên...người hãy nhớ :
Phá rừng thì núi phải teo mòn !

                                                                         2.Bài xướng : GÀ GÁY CANH BA
                                                                                  Tác giả :Cụ Lê Nho Lãng

Đêm Vọng,ngoài hiên nguyệt chửa tà ;
Tiếng gà gáy điểm giữa canh ba.
Trong phòng đương giấc nồng con trẻ,
Bên gối còn say mộng tuổi già.
Cái Vạc tìm đàn kêu thũng thẵng,
Con Chồn kiếm bạn gọi xa xa...
Gáy chi đương lúc trời chưa tỉnh,
Thì có ai hay một tiếng gà?

                                                                                 Bài họa : GÀ GÁY SÁNG
                                                                                      Tác giả :Đô Trọng Tầu

Trời còn chưa tỉnh, gáy thì ...Gà !
Thức kẻ u mê ở chốn xa !
Trường học đang mong chờ lũ trẻ,
Hội thơ còn đợi mấy ông già .
Từng giây ,từng phút ...không chậm một,
Lỡ hẹn,lỡ hò...chẳng quá ba !
Gà gáy nhắc người nên chuyên việc,
Chỉ làm việc chính,chớ màng tà !


Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

NÊN UỐNG NƯỚC GÌ VÀO SÁNG SỚM?

Nhiều người thường uống nước muối nhạt hoặc nước hoa quả vào buổi sáng vì cho rằng nó tốt cho sức khỏe. Đó là một sai lầm.
Nước luôn được tôn thờ là “thần dược” tự nhiên và bổ dưỡng bậc nhất với cơ thể con người. Đặc biệt là cốc nước đầu tiên trong ngày, nó giúp thanh lọc cơ thể và đem lại sự tỉnh táo bất ngờ. Nhưng uống cốc nước đầu tiên thế nào cho đúng cách và đảm bảo sức khỏe lại là điều không phải ai cũng biết.

Nên uống loại nước nào đầu tiên trong ngày?
Hãy uống nước khi bụng còn rỗng để thúc đẩy tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra, sau một đêm dài, cơ thể tiêu hao rất nhiều nước bởi hô hấp, bài tiết mồ hôi và hệ tiết niệu vẫn hoạt động. Một cốc nước trắng không pha chế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho mỗi sáng thức giấc. Nước sau khi đã đun sôi, mọi vi khuẩn đều bị tiêu diệt trong nhiệt độ cao, riêng các nguyên tố magiê, canxi trong nước cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch.
Do vậy, không nên lựa chọn nước hoa quả, coca, nước có ga, cafe, sữa bò vào buổi sáng. Coca và các đồ uống có ga phần lớn đều có axit citric làm gia tăng tốc độ bài tiết canxi trong quá trình chuyển hóa thức ăn và làm giảm hàm lượng canxi trong máu. Nếu thường xuyên sử dụng các đồ uống này dễ dẫn tới thiếu canxi trầm trọng.
Những đồ uống còn lại tuy lợi tiểu, nhưng nếu sử dụng vào sáng sớm lại phản tác dụng bởi vừa không thể bổ sung hiệu quả lượng nước thiếu hụt sau một đêm dài vừa khiến cơ thể thêm háo nước.
Nước muối loãng càng khiến cơ thể bài trừ nước, gây cảm giác khát khô. Sáng sớm là thời điểm huyết áp tăng cao nhất trong ngày, do vậy, nước muối sẽ càng khiến huyết áp của bạn tăng thêm và dễ dẫn tới những biến cố khó lường.
Trong khi đó, nước tinh khiết sẽ giúp máu dễ dàng lưu thông, bổ sung lượng nước đang thiếu hụt. Hãy uống nước khi bụng còn rỗng, nghĩa là trước bữa điểm tâm sáng của bạn để thúc đẩy tiến trình tuần hoàn máu, thanh lọc cơ thể, làm sạch đường tiêu hóa.
Nên uống từng ngụm nhỏ bởi uống quá nhanh và quá nhiều sẽ rất dễ bị tụt huyết áp, phù nề não, dẫn tới đau đầu, buồn nôn.
Nhiều người thường thích sử dụng nước trong tủ lạnh mỗi sáng thức dậy và coi đó là phương pháp hữu hiệu để giúp tinh thần sảng khoái. Thực tế, nhiệt độ nước quá thấp không hề có lợi cho sức khỏe. Bởi lúc này dạ dày đang rỗng, nước quá lạnh hoặc quá nóng đều kích thích và gây khó chịu cho dạ dày.
Do vậy, tốt nhất là hãy lựa chọn nước có nhiệt độ tương ứng với nhiệt độ phòng. Tuy nhiên vào mùa đông, bạn nên uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nước đun sôi để nguội ở nhiệt độ 20 - 25 độ C là lý tưởng nhất bởi vẫn giữ được các nguyên tố có lợi cho sức khỏe, dễ dàng thẩm thấu qua màng tế bào và thúc đẩy quá trình chuyển hóa mới, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.

Theo Đất Việt

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

PHI THUYỀN RA KHỎI HỆ MẶT TRỜI ( THÁI DƯƠNG HỆ )

Phi thuyền thám hiểm đầu tiên của thế giới ra ngoài hệ mặt trời


(Dân trí) - Các nhà khoa học Mỹ ngày 12/9 xác nhận tàu thăm dò Voyager 1 của NASA đã ra khỏi hệ mặt trời, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một phi thuyền thám hiểm của loài người đi xa được như vậy.

Voyager 1, có hình dáng giống như một đĩa vệ tinh ghép với một chiếc TV kiểu cũ cùng những ăng ten như tai thỏ, được phóng vào không gian năm 1977 với nhiệm vụ tìm hiểu về các hành tinh trong hệ mặt trời.
Ảnh chụp một trong hai tàu Voyager năm 2002
Ảnh chụp một trong hai tàu Voyager năm 2002
Vậy nhưng một điều ít ai ngờ tới là tàu thăm dò này đã tiếp tục di chuyển và hiện đã cách mặt trời khoảng 19 tỷ km, đi vào một vùng không gian tối, lạnh nằm giữa các ngôi sao, Ed Stone, nhà khoa học của dự án Voyager cho biết.
“Chúng ta đã lần đầu tiên thực sự đi vào không gian liên sao”, ông Stone đến từ Viện công nghệ California xác nhận. “Chúng ta đã đến được đó. Đây là một điều tất cả chúng ta đều hy vọng khi dự án này bắt đầu cách đây 40 năm. Không ai trong chúng tôi biết đến thứ gì có thể tồn tại lâu hơn hai phi thuyền Voyager”.
Hai phi thuyền “song sinh” Voyager 1 và Voyager 2 được đưa vào không gian 36 năm trước với nhiệm vụ chính là thám hiểm sao Mộc và sao Thổ. Chúng đã phát hiện nhiều chi tiết mới về bản chất của đĩa bụi của sao Thổ và tìm thấy những núi lửa trên mặt trăng Io của sao Mộc.
Voyager 2 đã di chuyển tới sao Thiên Vương và Hải Vương, trước khi nhiệm vụ của cả hai phi thuyền này được mở rộng sang thám hiểm rìa bên ngoài của hệ mặt trời.
Vị trí chính xác của Voyager đã là đề tài bàn cãi gay gắt trong năm qua, bởi các nhà khoa học không biết chính xác khi phi thuyền vượt qua biên giới của hệ mặt trời thì sẽ thế nào, trong khi thiết bị trên tàu được thiết kế để phát hiện những thay đổi này đã bị hỏng từ lâu.
Hình vẽ mô phỏng vị trí của tàu Voyager bên ngoài rìa hệ mặt trời
Hình vẽ mô phỏng vị trí của tàu Voyager bên ngoài rìa hệ mặt trời
Tuy nhiên, các nhà khoa học của NASA giờ đồng ý rằng Voyager đã chính thức ở ngoài nhật quyển, vốn mở rộng bao trùm mọi hành tinh trong hệ mặt trời.
Những nghiên cứu này, trong đó miêu tả những tình trạng cho thấy Voyager thực ra đã rời hệ mặt trời từ tháng 8/2012, được xuất bản trong tạp chí Khoa học của Mỹ.
NASA khẳng định Voyager 1 “đang trong một vùng chuyển tiếp ngay bên ngoài nhật quyển, nơi một số tác động từ mặt trời vẫn hiện diện”.
Voyager 1, cùng với Voyager 2 ở phía sau nó vài năm, đã truyền dữ liệu về cho các nhà khoa học trên trái đất ngày 25/8 năm ngoái, cho thấy sự giảm đột ngột của các vật chất mang năng lượng, hay các tia vũ trụ, vốn được sinh ra bên trong nhật quyển.
NASA cho biết tổng chi phí của hai dự án tàu thám hiểm Voyager là 988 triệu USD, bao gồm chi phí phóng, pin hạt nhân của hai phi thuyền và các chi phí cho nhóm hoạt động.
“Cho dù phải mất 36 năm, đây vẫn là một điều bất ngờ với tôi”, Bill Kurth, đến từ đại học Iowa và là đồng tác giả của bài viết trên tạp chíKhoa học, khẳng định. “Tôi nghĩ Voyager là một cuộc hành trình vĩ đại hơn nhiều những gì bất kỳ ai có thể mơ tới”.
Thanh Tùng
Theo AFP

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

BAI HOC CHO CAC EM SINH VIEN

Vì đa cấp, tôi thành con nợ đói rách, bệ rạc

(VTC News) – Đánh trúng ước mơ muốn được trở thành doanh nhân, nhiều công ty đa cấp đã biến các bạn sinh viên nghèo thành những con nợ, phải nhịn đói để có tiền trả nợ.


Câu chuyện của bạn Nguyễn Quốc Huy, sinh viên năm thứ 2, Đai học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), một người từng tham gia khóa học của công ty Người Khổng lồ hẳn sẽ khiến nhiều bạn trẻ tỉnh ngộ hơn về hoạt động của các công ty này. Báo điện tử VTC News xin trích đăng câu chuyện này.

Dụ dỗ sinh viên thành con nợ

“Chuyện xảy ra cũng được gần 1 năm rồi. Cái thời tôi còn là 1 đứa học sinh mới đậu đại học. Một hôm nhà trường có tổ chức một hội thảo và nhắn tôi đi dự. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến công ty đa cấp Người Khổng lồ. 
Vì đa cấp, tôi thành con nợ đói rách, bệ rạc
Nhiều bạn sinh viên trở thành con nợ khi tham gia công ty đa cấp. 
Thực sự lúc nghe họ thuyết trình tôi rất bị thuyết phục nhưng vẫn do dự không dám đi học khóa học vì khóa học quá đắt. Rồi họ nói giảm khóa học từ 5 triệu đồng xuống 3 triệu đồng thì tôi lại nghĩ đây chính là cơ hội để mình học hỏi. Và tôi quyết định tham gia khóa học.


Trước khi đi học tôi được tư vấn 1 buổi định hướng tương lai rất hay nhưng tôi vẫn rất do dự số tiền tôi phải bỏ ra. Nó quá lớn đối với một đứa nhóc nhà quê mới bước chân vào TP HCM học tập như tôi.

 

Vì đa cấp, tôi thành con nợ đói rách, bệ rạcMột thành viên của Người khổng lồ nói rằng, anh ấy sẽ chỉ cho tôi cách có tiền đi học. Và đó chính là cách đi vay mượn tiền của những người bạn.Vì đa cấp, tôi thành con nợ đói rách, bệ rạc


 
Thấy tôi thích học nhưng lại băn khoăn vì số tiền học phí quá lớn, nên một thành viên của Người khổng lồ nói rằng, anh ấy sẽ chỉ cho tôi cách có tiền đi học. Và đó chính là cách đi vay mượn tiền của những người bạn.


“Nếu bạn cho mượn tiền thì sẽ chứng tỏ đó là người bạn tốt với mình và đó là mối quan hệ cần duy trì. Còn nếu họ không cho mượn, chứng tỏ họ không thương mình”, anh nhân viên Người Khổng lồ tư vấn.

Thấy anh ấy nói rất thuyết phục, nên tôi quyết định đi vay  bạn bè để có tiền tham gia khóa học. Lúc tôi đang được trong giai đoạn cần được chăm sóc thì mọi người trong công ty Người Khổng lồ tỏ ra rất yêu quý, thân thiện và quan tâm.

Nhưng sau khi tôi học xong khóa học này thì thái độ của mọi người lại khác, họ dửng dưng và dành sự quan tâm thương yêu đó cho một người mới đến.

Khóa học 3 triệu đó, tôi học trong vòng 2 ngày 1 đêm. Còn tất cả các khoản khác như: Ăn trưa, bằng chứng nhận, ảnh lưu niệm,…thì các học viên phải tự đóng thêm.

Quả thật khóa học có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi cũng như các bạn cùng khóa, nhưng ảnh hưởng đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. 

Khóa học bao gồm các nội dung như: Nghệ thuật giao tiếp đỉnh cao, nhận biết giá trị bản thân, nhận biết giá trị gia đình.

Nhịn đói để trả nợ

Sau khóa học, tôi trở thành con nợ của nhiều người bạn. Khi tôi lâm tình cảnh này, mấy anh chị ở Người Khổng lồ lại nói rằng đó chính là cơ hội để tôi tập xoay sở với cuộc sống, sau này nếu có biến cố gì thì tụi em cũng có thể giải quyết được.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi học xong khóa học thứ nhất, tôi lại được các nhân viên Người Khổng lồ chăm sóc chu đáo và đề nghị tham gia tiếp một khóa học thứ hai. Khóa học này trị giá 5 triệu đồng nhưng đang được giảm giá xuống 2,7 triệu đồng. Người Khổng lồ đã thuyết phục tôi bằng việc đánh vào tâm lý thích rẻ, thích được giảm giá.

Và tôi cũng đã tham gia khóa học đặc biệt sau 2 ngày 2 đêm. Công nhận, khóa học này đã ảnh hướng lớn đến tôi nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn.

Để có tiền học 2 khóa học tôi đã vay mượn bạn bè tổng cộng 5,7 triệu đồng. Ngay bây giờ tôi cũng không biết tại sao mình lại mù quáng như vậy. Cái mà tôi bị thu hút chính là Người Khổng lồ đánh quá đúng tâm lý của sinh viên, đó là muốn làm xây dựng được tương lai vững chắc, hoàn thiện bản thân để ra đời sống mà sống.

Từ sự u mê đó, tôi đã trở thành một con nợ lớn của bạn bè. Tôi không dám nói với ba mẹ, mà chỉ biết nhịn ăn, tiết kiệm tiền để dành tiền mà trả nợ. Có tháng ba mẹ mới gửi tiền, tôi đã phải rút để trả bạn bè và vỏn vẹn trong túi còn 50.000 đồng để ăn trong 1 tháng trời.

Mọi người biết cảm giác đói là như thế nào không? Đến bây giờ tôi vẫn thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ đến cảm giác này.

Nhiều ngày trời tôi phải ăn bột đậu xanh, uống nước lã vì không còn tiền để ăn những bữa cơm tử tế. Có bữa tôi còn phải đi hiến máu ở kí túc xá để lấy có thêm 50.000 đồng và 3 hộp sữa ông thọ nhằm duy trì thêm cuộc sống! 

Tôi đã trải qua cuộc sống kéo dài vài tháng đói khát kinh khủng. Lần đầu tiên trong đời tôi biết đói đến mờ mắt là như thế nào.

Dù vậy, tôi vẫn thà chịu đói còn hơn là xù nợ bạn bè để nhân cách của mình bị coi thường, tự làm tự chịu nên tôi cũng không dám nói với ba mẹ.

Cũng may tôi xoay sở được cuộc sống như vậy sau mấy tháng và cũng trả hết được nợ nần.

Hồi đó, ngoài tham gia khóa học tôi cũng được trở thành doanh nhân, tức là nhân viên của Người Khổng lồ. Tôi làm ở đó được gần 1 tháng và số nợ cũng tăng lên nhanh chóng vì phải đóng tiền phạt khi vi phạm nội quy. 

Số tiền phạt rất lớn, có bạn đã từng đóng đến 1 triệu đồng tiền phạt do trễ hạn báo cáo, có bạn thì nộp 300.000 – 400.000 đồng do đi họp trễ.

Hầu hết các “doanh nhân” như tôi đều là sinh viên và là những sinh viên mắc nợ với số tiền không hề nhỏ.

Nhân viên càng lâu thì số tiền nợ bên ngoài càng nhiều, có người nợ khoảng 10 triệu đồng. Còn nhân viên mới thì khoảng 3 – 5 triệu đồng.

Làm ở Người Khổng lồ phải chấp nhận tiền phạt nhiều hơn tiền lương. Tiền lương không cố định mà làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.

Làm ở Người Khổng lồ luôn được truyền động lực nên làm không biết đến thế giới bên ngoài, cuộc sống xung quanh. Và vì vậy, việc học tập bị bỏ dở, các mối quan hệ bạn bè cũng cách xa, chỉ tập trung làm để mong mình ngày càng hoàn thiện, kĩ năng ngày càng tốt hơn đó chính là lý do cốt yếu khiến hầu hết nhân viên ở đó mong muốn. 

Mọi người cứ nghĩ bọn tôi làm được nhiều tiền lắm nhưng tiền đâu ra? Nhiều anh chị nhân viên đang là sinh viên nhưng cũng đã tự nguyện bỏ học để làm việc ở Người Khổng lồ vì họ đã nhồi vào đầu những thành viên quan niệm là bằng đại học không có giá trị!

Tôi và nhiều bạn sinh viên khác đã bị Người Khổng lồ lợi dụng một cách trắng trợn nhưng nhiều người vẫn rất mê muội, bởi họ khao khát thành công, khao khát làm điều lớn lao, khao khát hoàn thiện bản thân!

Tôi mong những tâm sự này của tôi sẽ giúp ích được phần nào khiến một số bạn sinh viên còn mê muội nhanh chóng tỉnh ngộ, tập trung vào việc học hành".

*Tên nhân vật đã được thay đổi
Bạn đã từng biết, hoặc là nạn nhân của các công ty đa cấp, hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận phía cuối bài viết, hoặc email toasoan@vtc.vn. Trân trọng cám ơn!

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Báo Tuổi trẻ

Mỗi bằng cử nhân “bay” một mẫu đất

08/09/2013 04:45 (GMT + 7)
TT- Đứa con trai út vừa nhận bằng đại học thứ hai cũng là lúc bốn mẫu vườn của ông Nguyễn Văn Lem (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) bị bán đứt.
Quyết chí cho các con đi học nên lần lượt đất vườn nhà ông Lem phải cắt bán. Một đứa bước vào giảng đường là ông âm thầm đi bán một mẫu vườn. Đứa lớn ra trường, đứa nhỏ nối gót vào thì một mẫu vườn khác lại ra đi. Gần 20 năm ròng nuôi con học đại học, cao đẳng nhưng ông và vợ bảo nhau là không bao giờ than van trước mặt các con.
Hiện tại các con ông đều đã có công ăn việc làm ổn định. Con trai lớn Nguyễn Nhật Linh tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, con thứ Nguyễn Trần Đông Khánh tốt nghiệp Đại học Nha Trang, cô con gái duy nhất Nguyễn Thị Vân Mỹ tốt nghiệp Trường cao đẳng Bến Tre, con trai út Nguyễn Trần Anh Biển cầm trong tay hai văn bằng cử nhân của Trường đại học Hàng hải Việt Nam và Học viện Hàng không Việt Nam.
NGỌC TÀI

Ý kiến bạn đọc (5)Gửi ý kiến của bạn
  • 9/8/2013 10:40:34 AM
    Tuy cực khổ, nhưng gia đình ông sẽ rất hạnh phúc khi các con thành tài.
    TRƯƠNG THỊ SOL
  • 9/8/2013 8:58:01 AM
    Đấng biểu dương gia đình ông Lem biết thay đổi để có học vấn và công ăn việc làm tốt hơn. Nhưng mà ông còn có đất mà bán cho con đi học. Còn những nhà không có cả đất ở thì sao? Thôi thì số phận của mỗi người, đổi thay khó quá! Chỉ tiếc cho những nhà, những cháu, có điều kiện hơn người thì cố gắng thay đổi để ... thụt lùi!
    LÊ ĐÌNH NGẠN
  • 9/8/2013 7:44:52 AM
    Câu chuyện người cha quyết chí, hy sinh gian khổ, bán hết đất vườn, vượt qua muôn vàn khó khăn nuôi bốn con ăn học nay đã dỗ đạt thành tài của ông Nguyễn Văn Lem làm tôi bồi hồi xúc động. Ông đã có quyết định vừa can đảm vừa rất sáng suốt. Đầu tư cho con bằng vốn liếng trí thức cao, theo tôi, là lựa chọn đúng đắn và tốt nhất. Tôi hy vọng, trong hiện tại và tương lai, ông sẽ thu hoạch được trái ngọt, những người con thành đạt của ông sẽ không bao giờ được phép quên công lao trời biển của cha mình và báo hiếu cho cha trong lúc tuổi đang xế chiều.
    SINGLE FIREFLY

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA - 16 - NGUYỄN ĐÌNH HÙNG


THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 16 )

  NGUYỄN ĐÌNH   HÙNG

         Chuyên mục Thơ Người làng Giữa  xin giới thiệu bài thơ  của tác giả Nguyễn Đình Hùng - sinh 1907 mất năm 1973  thọ 66 tuổi. Cụ gốc gác ở xóm 1 Đại Mão, thuở trước đi học chữ Hán và và sau đó đi dạy chữ Hán nên còn được gọi nôm là cụ Khóa Hùng.
             Cụ đã từng đi dạy học ở nhiều nơi, sau định cư và mất ở Yên Dũng- Bắc Giang.
             Xin có một vài thông tin về cụ : Cụ có 2 bà vợ, bà cả có 2 con đều tham gia hoạt động trong lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Bà hai có một con trai duy nhất là liệt sĩ chống Mỹ. Có một giai thoại kể rằng : Khi một nhân vật quan trọng của huyện Yên Dũng mất, hàng trăm người ( trong đó có cả học trò của cụ ) đến nhờ cụ làm hộ câu đối viếng , cả trăm đôi không đôi nào giống đôi nào.
             Bài thơ  sau cụ làm vào tháng 6 năm 1950. Nhờ một người quen, con trai cụ  gần đây mới sưu tầm được. Đọc bài thơ người đọc dễ liên hệ đến bài thơ Thề non nước của Tản Đà, nhưng quan hệ  Non, Nước  ở hai bài khác nhau xa. Mời các bạn đọc  thơ và nếu có điều kiện gửi cho chúng tôi những bài bình về bài thơ này.
                 .
               SƠN THỦY

                             Sông với nước lững lờ một dải,
                             Kẻ trên bờ một dẫy non cao.
                             Nhân khi hội ngộ tương giao,
                             Nước, Non kể hết thấp cao mới là.

Non hỏi Nước: Bác người lịch thiệp,
Dẫu xa gần đi khắp mọi nơi.
Đục trong đã trải mọi mùi,
Gốc nguồn xưa tỏ cho tôi biết cùng?

Nghe Non nói, Nước liền bày tỏ:
Rằng tôi nay  "tứ hải vi gia".
Lênh đênh đâu cũng là nhà,
Khi vào lục địa, khi ra hải tần.

Khắp thiên hạ nhân dân mong mỏi,
Mong gặp tôi cho khỏi khô khan.
Các loài sinh vật thế gian,
Cùng tôi vun sới muôn vàn bấy nay.

Lúc thở khí mây bay ngũ sắc,
Khi phun mưa cho khắp mọi nơi.
Biết bao tiện lợi cho đời,
Tàu bè mở lối cho người lưu thông.

Non nghe nói, nỗi lòng chán ngán
Bảo Nước rằng : Bác thật hoài hơi!
Công đâu chìm nổi với đời,
Mà trong mà đục, mà vơi mà đầy?

Cứ như tôi thế này cũng rảnh
Kiếm một bầu điềm tĩnh là vui.
Chơ chơ đứng vững giữa trời,
Trăng thanh gió mát là người Trương Chi.

Khắp hoa thảo bốn thì bát ngát
Giọng chim kêu như hát bên tai.
Sẵn kho vô tận của trời,
Còn trời còn đất ăn chơi còn dài.

Nước nghe nói những lời vọng thế,
Bảo Non rằng : Nghĩ thế phải đâu?
Ngắm xem trong quả địa cầu
Xưa nay mấy lớp bể dâu đổi đời.

Kìa cứ lấy Mặt Trời mà hỏi,
Sớm phương đông chiều tới phương tây.
Mặt Trăng khi khuyết khi đầy
Bốn mùa khí hậu hàng ngày khác nhau.

Cho nên phải ngẫm câu tiền định,
Phải tùy thời suy tính mới xong.
Nên tôi quyết chí giao thông,
Đã rằng trong đục, đục trong quản gì!

Nếu vẫn cứ đứng ỳ như bác,
Sớm chờ tối đợi khác nào chiêm bao.
Bốn mùa phong nguyệt tiêu dao,
Dù ai muốn khoét, muốn đào mặc ai.

Thôi còn mọc ra đời chi đó,
Chật đất thêm nào có ích gì?
Thôi rồi bác cũng vong suy
Núi kia nước chảy có khi cũng mòn./.

                                                                             Tháng 6 năm 1950

                                                                 NGUYỄN ĐÌNH HÙNG
                                                                                                                                                  
                                                                                                    

                              ****************************************************************




Tham khảo :                                  THỀ NON NƯỚC

Nước non nặng một nhời thề 
Nước đi đi mãi không về cùng non 
Nhớ nhời nguyện nước thề non 
Nước đi chưa lại non còn đứng không 
Non cao những ngóng cùng trông 
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày 
Sương mai một nắm hao gầy 
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương 
Giời tây ngả bóng tà dương 
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha 
Non cao tuổi vẫn chưa già 
Non thời nhớ nước, nước mà quên non! 
Dù cho sông cạn đá mòn 
Còn non còn nước hãy còn thề xưa 
Non cao đã biết hay chưa? 
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn 
Nước non hội ngộ còn luôn 
Bảo cho non chớ có buồn làm chi! 
Nước kia dù hãy còn đi 
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui 
Nghìn năm giao ước kết đôi 
Non non nước nước chưa nguôi nhời thề


                                                                                                                                    (Tản Đà tùng văn 1922) 

                                                                                                                  Nguồn: Tản Đà toàn tập - Tập I, Nxb Văn học, 2002

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

ĐÌNH LÀNG TRANH ĐÔNG HỒ

ĐÌNH LÀNG TRANH ĐÔNG HỒ

  Làng Đông Hồ hay còn gọi là “làng Mái ”, nay là thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ xa xưa cho đến nay, làng quê này được gần xa biết đến với cái tên thân thuộc “Làng tranh Đông Hồ” bởi nơi đây là quê hương của một dòng tranh nổi tiếng – Tranh dân gian Đông Hồ.
Nghề tranh gắn bó với Đình làng, đó là một ngôi đình cổ kính, làm nơi thờ cúng Thành Hoàng Làng, nhưng đáng chú ý hơn cả, ngôi đình tuy vẫn giữ vai trò mái nhà chung của cộng đồng làng xã, nhưng đã trở thành độc đáo vì nó gắn bó chặt chẽ với nghề sản xuất tranh. Do vậy, thường được gọi bằng cái tên đầy gợi cảm “ Đình tranh” và được chính những người nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ tạo dựng lên cách nay ước chừng trên dưới hai trăm năm.
         Ngôi Đình, nằm ở phía tây của làng Đông Hồ, ngoảnh nhìn về hướng bắc. Lúc đầu, đình có 7 gian bái đường và 2 gian hậu cung, hai dãy thảo xá ở hai bên tả hữu (mỗi dãy 5 gian).  Năm 1950 ngôi đình bị giặc Pháp phá hủy. Hiện nay, đình chỉ còn 5 gian bái đường, 2 gian hậu cung. Kiến trúc theo kiểu chữ“Đinh”.
1561c8133_dinh_dong_ho8370f.jpg
 Cổng đình, được xây theo lối “Tam Môn”, phía trên ba vòm cổng là các mái cong thanh thoát. Liền kề ngoài cổng đình là chiếc giêng hình bán nguyệt, xung quanh giêng được xây gạch, bó bờ cao ráo và có bậc lên xuống rất thuận tiện. Cái triết lý âm – dương đối xứng mà hòa hợp, cái thú phong cảnh hữu tình của những người dân Đông Hồ - Nghệ sỹ có lẽ đã được thể hiện sinh động qua việc đưa chiếc giếng bán nguyệt vào tổng thể các công trình trong khu đình làng.
Trong đình còn lưu giữ khá nhiều di vật quý như: Đồ thờ cúng, Hương án, Đại tự, hoành phi, Bộ bát bửu sơn son thiếp vàng lộng lẫy…Trên sân đình còn dựng hai tấm bia đá, văn bia ghi về những tiên hiền của làng, những người có nhiều công đức trong việc xây dựng đình làng…
“Nghề tranh” gắn với “đình tranh” còn bởi xưa kia đình là nơi diễn ra “chợ tranh – Nơi trao đổi mua bán tranh dân gian Đông Hồ ( Bức ảnh, cảnh bày bán tranh đã được nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh ghi lại tại đình tranh trước năm 1945)  thể hiện khá rõ không gian văn hóa khu vực bày bán, giới thiệu các sản phẩm của Làng Tranh Đông Hồ, một hình thức “ hội chợ ” của một làng nghề truyền thống xưa. Vì tại khu chợ đình tranh, các gia đình nghệ nhân chỉ mang tranh đến để trưng bày, giới thiệu. Còn sau khi khách đồng ý chọn mua tranh, sự thỏa thuận mua bán sẽ được thực hiện tại nhà của nghệ nhân sản xuất tranh. Thường thì, khách mua tranh đều được mời về ăn, nghỉ tại nhà các nghệ nhân, để có điều kiện lựa chọn những loại tranh, bộ tranh dân gian mà mình cần mua và được gia đình các nghệ nhân sản xuất tranh giúp đỡ việc bó tranh, xếp tranh vào từng chiếc bồ cót được làm bằng tre, nứa của khách mang theo, nếu vận chuyển bằng đường bộ thì được đưa lên lựng ngựa thồ, nếu bằng đường thủy thì sẽ được gánh xuống thuyền neo đậu ở bến sông - bờ nam Sông Thiên Đức/sông Đuống nay.
88e27ee74_dsc00389.jpg
  “ Hội chợ ” tranh Đông Hồ chỉ họp từ ngày mồng 6 tháng chạp đến Tết Nguyên Đán, hàng năm. Khách mua tranh là lái buôn, là bà con nông dân từ khắp miền gần xa đổ về…
         Đình còn là nơi mở hội “ thi mã ”  là hình thức sinh hoạt hội mang tính nghề nghiệp, cũng là một trong những hoạt động tín ngưỡng đặc biệt của người dân làng Đông Hồ. Hội được mở từ chiều 14 tháng 3 đến hết sáng 18 tháng 3(âm lịch), hàng năm và hầu như tất cả các loại sản phẩm tiêu biểu của nghề  tranh- mã  đều được trưng bày tại lễ hội này.
 Có thể nói, hội thi mã ở đình tranh Đông Hồ là một sinh hoạt văn hóa dân gian hết sức độc đáo. Thông qua lễ hội, đã thể hiện được cả về nghi lễ  tôn giáo và nghề nghiệp của một làng nghề, đồng thời là một bằng chứng sinh động về sự hình thành và phát triển lâu đời của nghề sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Giá trị đặc biệt của đình tranh càng được nhân lên là vì vậy.
   Đình tranh Đông Hồ được Nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.
 Năm 2012, Tranh dân gian Đông Hồ cũng đã được Bộ Văn Hoá- Thể Thao & Du Lịch cấp bằng công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đặc biệt. Đồng thời, đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình lên tổ chức UNESCO xét duyệt, công nhận Tranh dân gian Đông Hồ trở thành di sản văn hoá thế giới.
Nho Thuận

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Thư của thầy HT gửi PHHS

Thầy Văn Như Cương gửi tâm thư xúc động tới phụ huynh

(VTC News) - Không giống như mọi lần, năm nay thầy Văn Như Cương - hiệu trưởng THPT dân lập Lương Thế vinh (Hà Nội) lại gửi đôi điều tâm sự đến các phụ huynh trong ngày đầu tiên năm học mới.

VTC News xin đăng lại toàn bộ những chia sẻ từ tận đáy lòng của thầy Văn Như Cương gửi đến các bậc phụ huynh trong ngày đầu tiên năm học mới.

Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi lời chào mừng tới các bậc cha mẹ học sinh trường Lương Thế Vinh. Tôi chân thành chúc các vị cùng gia đình mọi sự tốt đẹp, hạnh phúc.


Một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Lương Thế Vinh là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh về đường lối giáo dục nhà trường. Nhân dịp năm học mới, với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh đôi dòng tâm sự về việc dạy dỗ con em chúng ta.

Thầy Văn Như Cương gửi tâm thư xúc động tới phụ huynh
Thầy Văn Như Cương gửi tâm sự đến các bậc phụ huynh trong ngày đầu tiên năm học mới 
Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho đứa con cũng cảm thấy mình hơn người.

Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…


Mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.

Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.

Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho. Trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ.

Trước hết chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là một động lực để thúc đẩy các con ra sức học hành.


Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.

Xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kì việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con đi học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.

Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như : quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tuới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa…

Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra một nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.

Thầy Văn Như Cương gửi tâm thư xúc động tới phụ huynh
Những tâm sự của thầy Văn Như Cương rất giản dị mà sâu sắc 
Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có.

Hãy để cho trẻ con chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đăng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội. Đối với những người như vậy một sự chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm … chính là thể hiện lòng nhân ái đối với họ. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kị, sự vô cảm, sự thù hận,,, và làm cho trẻ con của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.


Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quang mình, đang diễn ra hàng ngày…, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng.

 

Thầy Văn Như Cương gửi tâm thư xúc động tới phụ huynhHãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi ngườiThầy Văn Như Cương gửi tâm thư xúc động tới phụ huynh

PGS Văn Như Cương
 
Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự… nhiều hơn với người thân trong gia đình chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Trong tình hình hiện nay các mạng xã hội trên Internet mang lại nhiều nguy hiểm cho con trẻ chúng ta…

Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thể giới ảo.


Về việc học tập của con em, trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Việc học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi … Học sinh Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lí …, chúng tôi tin rằng việc học thêm là không cần thiết.

Trên đây là một số ý kiến tâm sự muốn ngỏ cùng các vị của một người thầy giáo già luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi học trò của mình thành đạt.

Tôi chúc các vị và gia đình hạnh phúc!

Văn Như Cương

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

VỀ HỘI ĐỒNG MÔN


                                 HỘI  ĐỒNG MÔN Ở LÀNG TÔI

          Ở làng tôi có nhiều  Hội đồng môn.

Các hội này nảy nở ra ngày càng nhiều từ khi trường THCS Hoài Thượng tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường năm 1990.

         Gọi là Hội đồng môn, nhưng tôi dám chắc là có đến trên 90% số người được hỏi cũng chẳng biết ý nghĩa của từ này, bản thân tôi cũng chẳng hiểu.

          Nhân một dịp thuận lợi, tôi có hỏi một cụ già cao tuổi, biết nhiều chữ Hán trong làng, được cụ giải thích từng chữ như sau:

1-    Hội : Chữ Hội có nhiều nghĩa
-         Hội (1) : + Họp ( như đại hội, khai hội …)
                   + Là tổ chức của những người theo một mục đích chung ( như Hội Nhà báo, Hội Cựu Chiến binh…)
                             + Dịp vui tổ chức định kỳ ( như hội làng, trảy hội …)
                             + Khoa thi mở vào mùa xuân ở kinh đô, trước kỳ thi đình thời phong kiến ( Thi hội…)
                             + Lúc, buổi. ( Phong vân gặp hội, anh hào ra tay – ca dao).
                             + Hiểu biết ( như trong việc lĩnh hội…)
-         Hội ( 2) : Nhóm lại, tập hợp lại ( hội báo, hội nhập , hội ý …)
-         Hội ( 3) : Vẽ ( Như trong từ hội họa)

2-    Đồng : Chữ Đồng có nhiều nghĩa
-    Đồng (1) : + Cùng nhau ( như đồng lòng …)
                   + giống nhau ( như Hội Nhà báo, Hội Cựu Chiến binh…)
                             + Yếu tố phụ ghép vào trước yếu tố gốc Gán chỉ chức vị để tạo thành danh từ có nghĩa là người cùng làm chức vụ đó  ( như đồng chủ tịch, đồng tác giả …)
                            
-  Đồng ( 2) : Cây vông ( hội báo, hội nhập , hội ý …)
-  Đồng  ( 3) : Trẻ con ( như trong từ nhi đồng)
-  Đồng ( 4) : là một nguyên tố ( kim loại ) ; đơn vị tiền tệ

3-    Môn:               Chữ Môn  cũng có nhiều nghĩa
-         Môn (1) : + Cửa  ( Ví dụ  khải hoàn môn, hậu môn …)
                   + Trường phái, chuyên khoa ( như trong từ môn Toán, môn thuốc gia truyền…)

- Vậy Hội đồng môn là gì ạ?  Cụ giải thích tiếp:

Có thể hiểu Hội đồng môn là Hội của những người cùng học một thầy, hoặc cùng môn phái. Ví dụ trong từ Bạn đồng môn, Hội đồng môn…Nhưng tại sao anh lại hỏi tôi về Hội đồng môn vậy?

- Là vì cháu thấy trong làng  có nhiều nhóm gọi là Hội đồng môn quá! Nhưng các Hội đó không hẳn như ông giải thích đâu ạ.
Hội đó có thể là một nhóm người học cùng một lớp học trước kia trong cùng một thôn, cũng có thể là cùng thôn nhưng cùng một khóa học, cũng có thể cùng khóa nhưng ở nhiều thôn trong xã, trong huyện…Có thể chỉ là một nhóm nhỏ có tình cảm, chơi thân với nhau; có khi có cùng sở thích gì đó...

          Phải nói mặt tích cực của việc hình thành các hội đó trước.

Họ tập hợp nhau vì ngày xưa cùng đi học, cùng chung một lớp, một khóa học ở một trường. Biết bao kỷ niệm tuổi ấu thơ, tuổi thanh niên mới lớn, bao gian khổ thời học hành, bao kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè…Bây giờ  mọi người đã trưởng thành, thậm chí có khóa học đã già. Tập hợp nhau lại, thỉnh thoảng gặp nhau, động viên nhau công tác, sản xuất. Nếu có điều kiện thì giúp nhau làm kinh tế, truyền cho nhau những kinh nghiệm hay trong cuộc sống, động viên nhau khi đau ốm hoạn nạn; giúp nhau kiến thức và  kinh nghiệm  giáo dục cháu con ; thăm hỏi bố mẹ của nhau khi các bậc sinh thành ốm đau bệnh tật hoặc đạt được tuổi thọ trời cho… và nhất là tập hợp nhau để giữ tình cảm biết ơn của một lứa học sinh với thầy cô, với nhà trường ; thể hiện tấm lòng tôn sư trọng đạo…
         Cháu được biết trong làng cũng có những nhóm Hội đồng môn như thế…Trừ những khi có việc đột xuất, mỗi năm họ chỉ tổ chức họp mặt một buổi vào ngày nghỉ thuận lợi nhất cho mọi người, thậm chí có thể liên hoan mặn nhưng đóng góp rất nhẹ nhàng. Lấy cớ gặp nhau là chính, tổng kết một năm công tác, sản xuất; tổng kết các hoạt động của Hội.
Nguyên tắc của họ là: đặt ra rất ít lễ nghi, đóng góp rất nhẹ nhàng và mọi người dù khó khăn vẫn có thể tham gia các hoạt động của Hội…

            Nhưng đa phần các Hội đồng môn trẻ tuổi không làm được việc đó.

Họ tập hợp nhau đâu có bao giờ nhắc đến lòng  biết ơn của một lứa học sinh với thầy cô, với nhà trường ; thể hiện tấm lòng tôn sư trọng đạo Bây giờ  họ đã tạm gọi là đã trưởng thành, thường xuyên gặp nhau, góp tiền đánh chén là chính. Họ đâu có  động viên nhau công tác, sản xuất. Chẳng giúp nhau làm kinh tế, làm gì có chuyện truyền cho nhau những kinh nghiệm hay trong cuộc sống, động viên nhau khi đau ốm hoạn nạn; giúp nhau kiến thức và  kinh nghiệm  giáo dục cháu con. Có khi khích bác uống rượu say còn xảy ra cãi vã hoặc tai nạn.
Góp nhau để ăn, ăn uống thừa mứa nhưng họ không nghĩ đến bố mẹ  vợ con họ  ở nhà được ăn cơm chưa, ăn như thế nào? Có những khóa đã khá tuổi rồi mà vẫn phải để bố mẹ chúng không thể nào ngủ được khi chúng liên hoan chưa về…

Cho nên có bậc phụ huynh trách lại nhà trường: Từ ngày nhà trường tổ chức kỷ niệm kỷ niếc đến nay các khóa đồng môn mọc  lên như nấm, chẳng có tác dụng gì trong công tác giáo dục cả, mà chỉ có ăn uống là khỏe. Tốn kém mà lại gây khổ cho các gia đình. Chúng cũng có đâu nghĩ đến nhà trường và thầy cô của chúng ? 
Thật là oan thay cho nhà trường!

-         À lý do anh hỏi tôi là như thế!
-         Với tư cách là một người cha, người ông; cụ có muốn nhắn nhủ gì với con cháu không ạ?
-         Tôi chỉ muốn nói với anh em thế này : Hãy tìm hiểu kỹ hơn ý nghĩa của từ HỘI, HỘI ĐỒNG MÔN, phát huy tính tích cực của Hội để giúp nhau hoàn thiện hơn, mọi người sống với nhau tốt đẹp hơn, tránh gây phiền muộn cho người này người khác ngay trong hội và gia đình của họ.


Mong rằng các vị “ lãnh đạo” các Hội đồng môn nghe được lời khen tiếng chê mà ” lãnh đạo” Hội đi sao cho đúng ý nghĩa cao đẹp của từ HỘI ĐỒNG MÔN./.

                                                                                                                LÊ TRUNG THÔN

                                            ----------------------------------------------------------