81 tuổi, cụ Hoàng Ân (thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đang là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Mở Hà Nội theo hệ đào tạo từ xa, chuyên ngành Luật Kinh tế, học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Giang.
Cũng trong lớp của cụ còn có một sinh viên 55 tuổi và một sinh viên 74 tuổi.
Dối già

Họ thường tự trào: “Một sinh viên sắp già - môt sinh viên đã già và một sinh viên quá già”. Cụ Hoàng Ân nhớ lại: “Buổi đầu đến lớp, mấy sinh viên cứ nhìn chúng tôi soi mói. Có người đánh bạo hỏi: Không biết các thầy hôm nay dạy môn gì, vì chắc nhìn chúng tôi giống… giáo sư. Có người còn hỏi, cụ đến đây tìm cháu học lớp nào ạ?”.
Cụ ông 81 tuổi là sinh viên năm cuối
 Cụ Hoàng Ân và ông Nguyễn Văn Thành trao đổi bài.
Cụ Ân có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bạc trắng chải ngược phía sau và phong thái điềm đạm. Cụ đã nghỉ hưu hơn 20 năm nay. Trước đây, cụ làm trong ngành thương nghiệp và từng tốt nghiệp đại học từ hồi còn trẻ. Nghỉ hưu nhưng cụ là người thích nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực lịch sử địa phương.

Cụ cũng thích làm thơ, chơi cây cảnh, nhưng cụ ghét đánh cờ: “Đánh cờ tốn thời gian mà chẳng giải quyết được gì”.

Cụ thích những vấn đề mang tính lý luận sâu sắc và luôn mới, giải quyết được các quan hệ hiện hữu, những bức xúc hằng ngày. Con cháu chẳng ai dám ngăn vì cụ đã già, biết đâu đi học lại có thêm những niềm vui mới mà ở nhà không có. Mà quả nhiên thế, đi học về cụ bảo với con cháu: Tao thấy mình trẻ thêm đến mấy tuổi!


Hơn 80 tuổi, cụ Ân đã yếu nhiều, đi lại khó khăn hơn nhưng giọng nói vẫn hào sảng. Hỏi cụ có khó khăn trong việc tiếp cận những vấn đề mới khi học đại học không, cụ cười lắc đầu: “Những vấn đề này thực tiễn chúng tôi gặp thường xuyên nhưng chưa biết giải quyết thế nào cho đúng đắn và giải thích một cách tường tận.

Thực tiễn như một cái mớ hỗn độn, còn việc học giúp mình có tri thức để soi sáng, tìm ra cái đúng, cái sai của vấn đề. Chính vì thế, tôi luôn tiếp thu tốt các bài giảng của giáo viên, cuối giờ giáo viên đề nghị tổng hợp bài giảng tôi cũng làm được”.


Mỗi đận thi, cụ cũng phải thức đêm nhiều hơn để cày lại kiến thức. Kết quả thi của cụ không thực sự cao nhưng cụ vẫn rất tự hào vì chỉ phải thi lại có 1 môn. “Tôi không mơ ước bằng giỏi hay bằng khá, quan trọng là tôi được học về những điều mà tôi thích. Sau này được tấm bằng danh dự với tôi cũng là được lắm rồi”- cụ cười.

Cán bộ VKS lấy bằng đại học ở tuổi xưa nay hiếm

Người có công động viên cụ Hoàng Ân đi học và giúp đỡ cụ rất nhiều trong việc đến trường nguyên là một cán bộ VKSND tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thành, 74 tuổi. Nhà cụ Ân ở tít trong xóm nhỏ, nhà ông Thành ở ngoài phố, cách khoảng 2 km.

Ông Thành từng là kiểm sát viên của VKSND tỉnh Bắc Giang đã nghỉ hưu cách đây 10 năm. Con cháu ông đều đã thành đạt, thậm chí có người đang làm Phó giám đốc của Bệnh viện TP Bắc Giang. Ông kể, lúc trước ông làm công tác kiểm sát chung (kiểm sát các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, hiện nay hoạt động này không nằm trong chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nữa - PV).

Tuy nhiên, trước đó ông không được học hành đến nơi đến chốn. Cứ làm đến đâu rồi tự học đến đó, học thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn mà thôi.

Cho đến tận khi nghỉ hưu ông vẫn thấy tiếc vì mình làm trong ngành mà chưa được học hành tử tế nên ông đã thuyết phục và động viên 2 người bạn vong niên nữa là cụ Ân và ông Ngô Thế Hưng (sĩ quan quân đội về hưu) cùng đi học. Hiện nay, mỗi tuần đều đặn vào thứ 7 và Chủ nhật, ông Thành đến nhà cụ Ân đưa cụ đi học bằng chiếc xe máy của mình.

Thi thoảng ông lại lái ô tô đi học. Ông hào hứng kể về kỳ tích thi bằng lái xe của mình: “70 tuổi tôi vẫn đăng ký đi học lái xe ô tô. Dù trước đây chưa có ngày nào cầm vô lăng nhưng khi đã tập rồi tôi rất tự tin. Đến khi thi thật, tôi chỉ bị trừ 5 điểm do côn hơi già, bị chết máy khi đề-pa”.

Còn việc học đại học, ông kể, cho đến nay mình mới chỉ nghỉ học 1 buổi duy nhất trong suốt 5 năm theo học do ốm đột xuất mà tiếc hùi hụi. Ông cũng chưa bị dính thi lại môn nào và có nhiều môn đạt điểm khá.

“Có nhiều người bảo già như chúng tôi thì đi học để làm gì, học như thế nào, nhưng tôi rất tâm đắc với ý của một người xưa là đừng để chết vì không hiểu biết. Đi học bây giờ với chúng tôi cũng như là uống liều thuốc cho sức khỏe tinh thần của mình vậy!” - ông Thành nói.


Tương lai những cử nhân U80?
Cụ ông 81 tuổi là sinh viên năm cuối
Hai sinh viên U80 chuẩn bị tới trường. 
Đến nay đã là 5 năm kể từ cụ Hoàng Ân, ông Nguyễn Văn Thành và ông Ngô Thế Hưng nhập học tại lớp Luật chuyên ngành kinh tế, khóa 9 của Trường Đại học Mở Hà Nội. Giữa họ bây giờ đã hình thành một tình bạn bền chặt, những đôi bạn cùng tiến thực sự.

Mỗi khi có vấn đề chưa rõ, ba mái đầu bạc lại chụm vào nhau để cùng tìm cách giải quyết. Trước tấm lòng ham học hỏi của các cụ, Trường Đại học Mở quyết định tặng các cụ toàn bộ giáo trình suốt 5 năm học đồng thời miễn một nửa học phí.


Ở lớp, các cụ cũng không phải đóng quỹ lớp và mỗi đợt lớp tổ chức liên hoan thì được mời đi ăn… miễn phí. Tuy nhiên, các cụ luôn khăng khăng đòi nộp: “Chúng tôi bảo các khoản quỹ ABC được miễn thì tùy nhưng liên hoan mà không cho chúng tôi đóng tiền thì chúng tôi sẽ không đi ăn, hoặc ăn cũng không ngon. Vậy là cán bộ lớp lại phải miễn cưỡng nhận của chúng tôi 100 nghìn đồng/buổi liên hoan” - cụ Ân cười tươi kể.

Cả ba sinh viên đang chuẩn bị ráo riết cho học kỳ cuối cùng để lấy được tấm bằng đại học.

Hỏi về tương lai của các cử nhân U80, ông Thành hào hứng cho biết: “Dù vẫn còn trong thời gian học nhưng nhiều vụ việc pháp luật đã và đang được chúng tôi tiếp nhận, tư vấn hợp lý, được người dân đánh giá cao. Thực tế cho thấy người dân quê tôi còn thiếu hiểu biết về pháp luật nên chúng tôi muốn giúp họ hiểu được cái đúng, cái sai, phù hợp với pháp luật. Tư vấn cho người dân cũng là giúp mình thấy rõ hơn được thực tế xã hội và những tri thức pháp luật để giải quyết những vấn đề đó…”.