Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Chuyện ở Cao Bằng

Những đám cưới cận huyết buốt lòng giữa mây cao

“Lấy chàng từ thuở 13, đến khi 18 thiếp đà 5 con”, “lời ru buồn” ấy, có cái gì đó tiếu lâm, hài hước, những tưởng đã là chuyện của xửa xưa.

Thế mà bây giờ “chuyện xửa xưa” ấy vẫn rành rành: Nhiều học sinh lấy vợ từ năm 13 tuổi, ở nhà đám cưới đang rinh rượp, trong khi cu cậu vẫn cắp cặp tranh thủ đến lớp, rồi lúc về còn dẫn theo một đám thò lò mũi xanh học cùng lớp đến… ăn cưới mình.
Cô dâu rót rượu mời khách trẻ con.
Cô dâu rót rượu mời khách trẻ con.
Những cô bé thơ ngây trong vai trò cô dâu rót rượu mời khách; giữa ê hề tiệc tùng, mẹ cháu thì thầm thĩ khoe khôn: “Có thằng cu khỏe mạnh trong bản, không cho con gái mình cưới lấy nó nhanh, đứa khác lấy mất”. Và, xót xa hơn, đó là những đám cưới dạng hôn nhân cận huyết. Có khi, các con của hai anh chị ruột cũng cứ cho chúng nó thả sức tán tỉnh, cưới hỏi rồi sinh nở…
Tôi quay video các thảm cảnh mình đã gặp lại rồi thỉnh thoảng xem lại, vẫn sợ mình có gì nhầm lẫn rồi lỡ viết ra cái điều hơi bất nhẫn chăng? Đã ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi, sao lại vẫn còn chuyện khó tin như thế (?!).
Lấy con của chị gái bố mình về làm vợ!
Bác sĩ Hoàng Bá Thước - Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng - vốn là chỗ thân tình với tôi từ hồi tôi viết trên Lao Động bài “Tôi có 2 vợ và 20 đứa con” - kể về anh chàng người Mông sắm hai cái giường nhỏ xíu ở hai góc nhà sàn, lấy hai bà vợ về để các bà thi nhau đẻ. Viết xong, nhiều nhà hảo tâm buồn thương đem tiền, quà đến cứu những đứa trẻ. Vừa rồi, Trương Văn Ve - người đàn ông 20 đứa con - lại bắt mỗi bà vợ sinh thêm một đứa nữa, khiến ông Thước tá hỏa đi can ngăn. Khổ, chuyện Ve và các bà vợ với hai cái giường ngủ nồng nã kia, làm sao ông Thước biết “đầu đuôi xuôi ngược” được mà đi can ngăn?
Cô dâu rót rượu mời khách trẻ con.
 
Lần này trở lại, ông Thước vừa về hưu sau bao năm đi ngăn không cho người ta đẻ (kế hoạch hóa gia đình) rồi lại ngăn không cho người ta cưới (chống hôn nhân cận huyết và ngăn chặn tảo hôn). “Hủ tục!” - ông Thước thở dài dẫn tôi sang gặp người đương chức khác - bà Lục Thị Thắng - Q.Chi cục trưởng, Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng. Bà đưa ra một chồng tài liệu dày, kèm theo các thước phim công phu do nhà báo Lầu Hải (một phóng viên kiêm biên tập viên, kiêm luôn cả quay phim, chuyên theo dõi mảng dân số - kế hoạch hóa gia đình của đài tỉnh) đã quay và phát sóng.
Hải là người Mông, xuất thân là phiên dịch trong các phiên tòa có người Mông dính dáng đến pháp luật. Với lợi thế về “tiếng” như thế, nên anh xông pha vào các phi vụ chống tảo hôn, chống hôn nhân cận huyết rất hiệu quả. Hải bảo, đau lòng nhất là chuyện hôn nhân cận huyết, bao nhiêu bệnh tật, bao nhiêu mặc cảm ân hận, và cả việc suy giảm giống nòi ra đời từ hủ tục đó. Nhiều người cho biết: Có vụ hai chị em ruột, cô chị đi lấy chồng đẻ được đứa con gái, đợi nó lơn lớn, ông “cậu” cưới luôn con chị gái làm vợ. Anh Ninh - cán bộ dân số huyện Bảo Lạc - đưa ra những bức ảnh, những thước phim về việc các cháu sinh ra bị dị tật, nhiều cháu đã chết thảm vì bố mẹ hôn nhân cận huyết. Nhưng tuyên truyền mãi mà hiệu quả vẫn… rất chừng mực.
Tại bản Khâu Pầu (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc), đang buồn thảm vì 3 vụ tự tử bằng lá ngón gần nhau, có vụ hai vợ chồng cùng chết trong vài ngày, chồng nằm úp trên mộ vợ sau khi ăn lá ngón để chết bằng được theo cái cách mà vợ mình đã chết. Tôi và anh Ninh đi bộ mấy tiếng mới đến nhà chàng trai người Mông tên là Hoàng A Dìa. Dìa không có nhà, đang đi nương rất xa cùng với vợ (vợ Dìa là con gái của bác ruột Dìa. Tức là, mẹ vợ Dìa chính là chị gái của bố Dìa). Gọi di động, từ đầu non chót vót nào đó, giọng Dìa nghiêm trọng: “Mình bận cắt cỏ cho bò, không về được đâu”. Tôi bảo, Dìa cắt cỏ từ giờ đến tối thì được bao nhiêu tiền? Cứ về gặp mình đi, mình mua quà đến thăm hỏi chứ có làm gì đâu, mình lại cho thêm số tiền gấp đôi công cắt cỏ ấy nữa. Thế là Dìa về nhận tiền. Nhưng vợ Dìa thì kiên quyết không bỏ dở công việc.
Cháu bé này là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết thống.
Cháu bé này là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết thống.
Chuyện nhà Dìa được máy quay của tôi ghi lại, càng nghe càng buốt lòng, buồn đến ngơ ngẩn. “Chân dung phi vụ hôn nhân cận huyết” được kể bởi chính cuộc đối thoại hồn nhiên của tôi với Dìa:
PV: Bố Dìa tên là gì?
- Bố em là Hoàng A Chẹ.
PV: Mẹ vợ Dìa tên là gì?
- Mẹ vợ em là Hoàng Thị Dình.
PV: Bố em và mẹ vợ em là như thế nào của nhau?
- Là chị em ruột ạ. Hoàng Thị Dình là chị gái của bố em - Hoàng A Chẹ.
PV: Sao em lại lấy con gái của bác ruột mình về làm vợ?
- Em không biết nữa. Em thích thì lấy thôi. Lúc ấy em không biết là như thế thì… không được lấy.
PV: Em tự lấy hay bố mẹ cưới hỏi về làm vợ của em?
- Em tự lấy thôi. Em thích nó xinh mà.
PV: Em có biết lấy con của bác ruột mình là hôn nhân cận huyết, là không nên, là không tốt tí nào cho sức khỏe của các con không?
- Bây giờ em biết rồi. Nhưng cưới nhau rồi, có con rồi, thì còn làm sao nữa hả anh? Mà bây giờ, như em mà lấy vợ khác thì ai người ta lấy nữa đâu?!
PV: Thế cán bộ bảo, tháng trước nhà em có đám cưới, là cưới ai đấy?
- Là cưới em trai em, thằng Hoàng A Dờ. Nó đang đi học ngoài huyện thì cưới vợ.
PV: Em trai em cưới ai về làm vợ nhỉ?
- Nó cưới em gái của vợ em. Tức là con gái của bác ruột em, cũng là bác ruột nó - Hoàng A Dờ.
PV: Em đã buồn và lo vì mình đã hôn nhân cận huyết, cán bộ đã đến vận động em của em không nên cưới em gái của vợ em - cũng là con bác ruột của em. Sao Hoàng A Dờ nó vẫn cưới chị con nhà bác làm vợ nhỉ?
- Tại nhà em cũng không biết làm thế nào. Vì khi biết chuyện và ngăn cản thì bọn nó đã yêu nhau rồi và cứ đòi cưới. Không ngăn được thì làm thế nào hả anh?
Nói xong một câu tiếng Việt ngọng nghíu, Dìa lại cười ngẩn ngơ. Giọng của Dìa rành rọt, thật thà, dễ mến, thân thiện vô cùng. Chỉ có việc hai anh em trai Dìa lấy hai chị em gái con nhà bác ruột Dìa là buồn quá. Phong tục mỗi nơi mỗi khác, ta có thể chưa hiểu được điều nào đó, rồi ta cần phải tôn trọng cái sự khác biệt đó. Tôi rất hiểu điều ấy. Nhưng hậu quả của hôn nhân cận huyết thì nó là vấn đề sinh học, sự suy giảm giống nòi, bệnh tật, tai biến - chứ không liên quan gì nhiều đến quan niệm và sự hiểu của anh, đến phong tục và hủ tục, Dìa ạ!
Lấy nhau từ thuở 11 hoặc 12 tuổi - buộc phải chấp nhận ư (?!)
Bà Lục Thị Thắng bảo: Tổng cục Dân số trên trung ương, rồi Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng cùng vào cuộc, lập phòng tuyến, dựng đề án, ra quân ngăn chặn nạn tảo hôn với những hệ lụy đau lòng của nó. Bà Thắng thở dài: Nhiều cháu lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 11 và 12 thôi. Năm 2009, khi tiến hành khảo sát để xây dựng đề án, tỉnh Cao Bằng khảo sát 4 xã của huyện Nguyên Bình, thì có xã như Vũ Nông 90%, có xã như Phan Thanh thì cũng 80% - số cặp kết hôn trong năm là… tảo hôn. Con số kinh hoàng đó khiến các cán bộ càng hạ quyết tâm đi chống lại các… đám cưới.
Cô dâu, chú rể bé xíu ở Cao Bằng.
Cô dâu, chú rể bé xíu ở Cao Bằng.
Chúng tôi vào các bản làng. Lầu Hải “phát sóng ngắn” bằng tiếng Mông, nghe tin có đám cưới ở bản người Dao, huyện Nguyên Bình, lập tức đoàn cán bộ trèo đèo lội suối tìm đến tận nơi. Bà con không nghĩ là có người đến phản đối việc trẻ 12, 13 tuổi lấy vợ nên máy quay cứ chạy ro ro trong sự ủng hộ cao trào của gia chủ và cô dâu chú rể nhí. Hình ảnh cậu học sinh 13 tuổi chạy lui cui dọc bờ rào tre nứa trên con đường dốc dác, dẫn lũ bạn về ăn cưới mình thật bi hài. (Nói vụng, chú rể ít tuổi hơn con trai tôi, vậy mà thằng bé nhà tôi và bạn bè nó ở Hà Nội vẫn chẳng mấy ngạc nhiên khi bố mẹ vào tận phòng vệ sinh dạy nó cách rửa ráy sau khi tiểu tiện, đại tiện).
Cô dâu thì non tơ, đội khăn áo truyền thống, ngượng nghịu đi các mâm cảm ơn cô dì chú bác ông bà đến dự đám cưới cháu. Bố mẹ cô dâu, chú rể thì vui hớn hở, “tôi chuẩn bị cả 1 năm để có đám cưới ngày hôm nay đấy”. Ôi chao, 1 năm trước thì chắc chắn chú rể vẫn rúc vào lòng mẹ ngủ như một con chim chưa ra ràng thôi mà. Tôi ước chừng, chắc chắn nó chưa nặng tới 35kg. Mà sách giáo khoa lớp 7 của các cháu, chắc chắn chưa nói gì đến cơ thể người, đến giới tính để có thể làm vợ, làm chồng, sinh con đẻ cái. Liệu nó nhìn cô dâu đã có xúc cảm giới tính chưa nhỉ?
Tôi phải tự nói với mình rằng: Thôi. Đừng phán đoán trẻ con thò lò mũi xanh với chuyện kín của vợ chồng nó bằng cái đầu của người lớn nữa!
Bàn Phú On, cưới vợ năm hơn 13 tuổi một chút.
Bàn Phú On, cưới vợ năm hơn 13 tuổi một chút.
Cuộc trò chuyện với các cô dâu, chú rể nhí thật ám ảnh, như thế này. Cậu bé Bàn Phú On trò chuyện với nhà báo Lầu Hải ở ngay tại bàn học của mình - lớp 7 (!), Trường THCS Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (mời quý vị xem clip về các cuộc trò chuyện này trên Lao Động điện tử):
PV: On ơi, cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, 13 tuổi hơn một tí ạ.
PV: Cháu lấy vợ khi nào?
- Tháng 10 năm ngoái (khi chưa đầy 13 tuổi - PV) ạ.
PV: Cháu tự đi tìm hiểu rồi đòi cưới hay bố mẹ lấy vợ cho?
- Bố mẹ lấy cho ạ.
PV: Thế cho đến trước hôm cưới, cháu đã biết mặt vợ mình như thế nào chưa?
- Chưa ạ. Lấy xong mới biết chứ ạ.
PV: Thế bây giờ mình đã đi đăng ký chưa?
- Đăng ký gì ạ? Đăng ký là gì?
PV: Đăng ký ngoài xã để lấy vợ, để hai người lấy nhau ấy. Cháu biết không?
- À, chưa hay sao ấy!
PV: Cháu đang đi học thế này, trước khi cưới thì cô giáo hay cán bộ có đến nhà bảo đừng lấy vợ, lấy chồng sớm không?
- Có. Cô giáo bảo, nhưng bố mẹ cứ bắt lấy thì phải lấy thôi.
Bàn Phú On làm chồng, làm cha kiểu gì? On “ăn nằm” với vợ, nếu có, thì có phạm luật về tình dục với trẻ em không? Sao các cô bé 11-12 rồi 13-14 tuổi vô tư lấy chồng mà không cơ quan luật pháp hay các tổ chức nhân đạo nào vào cuộc triệt để nhỉ? Ai bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ ở địa phương? Câu chuyện với Lý Thị Hương cũng bi hài, xót xa không kém (có clip kèm theo). Hương trò chuyện với màu áo học trò, khi đang học lớp 9 Trường THCS Thái Học, huyện Nguyên Bình, cháu nói:
“Ở đây, cái nạn tảo hôn là phổ biến nhất. Vì trên này, bố mẹ toàn bắt con lấy chồng sớm. Có một số bạn vừa học lớp 7, lớp 8 đã phải đi làm dâu ạ”. Lầu Hải ngắt lời cháu Hương: “Cháu thì như thế nào nhỉ?”. Hương nhoẻn cười: “Em thì cũng… do áp lực của gia đình và bị bố mẹ ép cưới ạ. Em vẫn thích đi học, em dự định là năm nay sẽ cố gắng để thi vào trường nội trú tỉnh ạ”.
Học sinh Thào A Dậu, cưới vợ năm 13 tuổi.  
Học sinh Thào A Dậu, cưới vợ năm 13 tuổi.  
Cô giáo Đinh Thị Minh Nguyệt trả lời nhà báo, cứ ngơ ngác, rằng đi “chống tảo hôn” mãi nhưng không hiệu quả. Lớp cô chủ nhiệm năm vừa rồi “bị” mất 4 cháu bỏ trường lớp về lấy chồng, lấy vợ. Còn khi tôi đang viết những dòng này, đồng nghiệp - nhà báo Tạ Hoài Phương - gửi cho tôi thêm một bức ảnh buồn: Một cậu bé học sinh tên là Thào A Dậu - người xã Yên Sơn, huyện Thông Nông - cháu phải lấy vợ khi vẫn mặc áo học trò trắng trong. Cháu Dậu đang học lớp 7, lúc cưới mới chỉ 13 tuổi, cháu lấy hẳn một cô vợ… 15 tuổi…
Mỗi đám cưới “nhí” được tổ chức là cả một thế giới buồn đau với bao nhiêu tương lai và mơ ước bị ngắt ngọn. Cái vòng luẩn quẩn tảo hôn và hôn nhân cận huyết làm bàng hoàng bất cứ ai kia, nó sẽ dẫn các cháu và gia đình đi về đâu?
Người “giải cứu” và le lói chút hy vọng!
Trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào trưa Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2013, nhà báo Hoài Phương (Cao Bằng) đã làm một chương trình về việc cô giáo Hầu Thị Sải - người dân tộc Mông, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng - đã tử tế trong giảng dạy, rồi lại còn tử tế đi vận động chống nạn tảo hôn. Để rồi ngày 20.11 Triệu Thị Hoa (nay là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thông Nông) năm nào cũng đến nhà tặng hoa, bảo là cô Sải đã sinh ra em một lần thứ hai, bởi cô đã cứu em khỏi cái họa lấy vợ, lấy chồng từ tuổi 11.
Bé Triệu Thị Hoa bấy giờ đang học lớp 5, đã được cô giáo Sải đem đi trốn, trước sự truy lùng tìm kiếm về bắt lấy chồng của gia đình. Vừa rồi, học sinh Triệu Thị Luyến “bé con con” hơn chục tuổi đầu cũng vừa được cô Sải “cứu” khỏi nguy cơ lấy chồng quá sớm.
Tuy nhiên, Thào A Dậu thì vừa “phải” lấy vợ lúc 13 tuổi vào mùa hè năm vừa rồi, khi đang học lớp 7 (xem ảnh). Và nạn tảo hôn vẫn nhiều lắm, nó vẫn “lấy đi” nhiều học trò của cô Sải. Thế nên bây giờ cô vẫn phải trèo đèo, lội suối để đi ngăn chặn.
Theo Đỗ Doãn Hoàng
Lao Động

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

ST :Để nhận biết trẻ thông minh

Dấu hiệu nhận biết con bạn thông minh

Phần nhiều trẻ ngủ ít (vẫn khỏe mạnh) sẽ sớm tỏ ra hiểu biết nhanh hơn trẻ ngủ li bì, ngủ nhiều. Đây chính là biểu hiện đầu tiên về sự thông minh sau này.
- Cười là một dấu hiệu quan trọng để cha mẹ nhận định sự phát triển trí tuệ, tình cảm của con mình. Những đứa trẻ biết cười sớm, và cười nhiều là những đứa trẻ sẽ thông minh. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những trẻ em bị thiểu năng trí tuệ biết cười rất muộn, và nụ cười của trẻ không bình thường, thậm chí không biết cười…
thongminh-2854-1384572760.jpg
Ảnh: glwadysmedang.blogspot.com.
- Trẻ thông minh bộc lộ sự nhạy cảm rất mạnh. Nó tỏ vẻ khó chịu như bật khóc khi gặp khó chịu vì âm thanh, màu sắc, ánh sáng, mùi vị…Cha mẹ có thể nhận biết điều này rất dễ dàng, chẳng hạn trẻ không chịu cho người lạ bồng nó và nó khóc thét lên.
- Việc phát triển ngôn ngữ khá sớm như biết nói, không phải là dấu hiệu để cha mẹ nhận biết trẻ thông minh hay không. Cha mẹ cần chú ý lắng nghe ở sự phát triển, vận dụng từ ngữ so với tuổi của đứa trẻ. So sánh một đứa trẻ bình thường chỉ có thể nói “con mèo”, nhưng đứa trẻ thông minh thì nói “con mèo ngủ rồi”.
- Đứa trẻ thông minh sẽ tỏ ra nhanh nhảu, hoạt bát, hiếu động đối với thế giới xung quanh nó. Trẻ từ 9 tháng tới 2 năm tuổi nếu thông minh đã sớm thể hiện điều này.
- Trẻ thông minh thích chơi đồ chơi từ rất sớm, nhưng nên nhớ nó cũng thích nghịch phá, làm hỏng nó (táy máy lắp ráp, tháo rời các bộ phận).
- Trẻ quan sát tốt, có sự hiếu kỳ (tò mò) và thích phân biệt, giải đáp mối quan hệ giữa các sự vật xung quanh mình. Do đó chúng thường hay đặt nhiều câu hỏi rất khó với người lớn (cha mẹ, anh chi).
- Trẻ thông minh có sức tập trung tinh thần vào một sự việc nào đó (chăm chú xem phim hoạt hình, phim quảng cáo…), rồi bất ngờ nó nói ra những nhận xét ngộ nghĩnh.
- Trẻ thông minh thường có trí nhớ tốt. Có thể nhớ rất nhanh các món đồ chơi, bản nhạc đã nghe qua, tranh vẽ hay đoạn phim vừa xem…
Vũ Hào

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

ST : Cám ơn cuộc đời

Cám ơn cuộc đời

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc hộ nghèo. Lớn lên từ gian khó, trải qua nhiều vất vả nhưng tôi luôn cám ơn cuộc đời vì đã được sinh ra và cảm nhận cuộc sống này…
Còn nhớ, những năm tháng lên ba, lên bốn, các bạn cùng lứa tuổi đi học mẫu giáo, còn tôi theo bố mẹ đi lấy hàng về bán ở vỉa hè trong phố. Gia đình chúng tôi ba người làm đủ mọi việc, mùa hè bán ngô luộc, mùa đông bán ngô nướng, khi bán rau, lúc bán hoa… Tôi còn nhớ những ngày đông bán ngô nướng vào ban đêm, làm cho một đứa con nít như tôi thường hay buồn ngủ. Có những hôm bố mẹ bán hàng và tôi nằm bên cạnh những bắp ngô, ngủ ngon lành ở vỉa hè.
Lên 6 tuổi, tôi được bố mẹ cho đi học tiểu học. Tôi thực sự rất vui sướng dù nhà không có điều kiện để tôi có cặp sách mới đi học, không có bút vở đẹp như các bạn. Chiếc cặp sách của tôi thời tiểu học thường xuyên bị đứt quai hoặc bị rách chỗ này chỗ khác… Có những khi bị chúng bạn cười chê nhưng tôi luôn tỏ ra như một “người lớn” và “không thèm chấp” bọn trẻ con kia.
Gia đình ba người chúng tôi sống bình yên bên nhau dù hoàn cảnh có khó khăn, vất vả. Thế nhưng, khi tôi học lớp 5, bố bị căn bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối. Mẹ cố gắng mọi cách để chữa chạy cho bố… Nhưng mọi thứ đã quá muộn và tôi đã vĩnh viễn mất đi người cha. Đến nay đã 14 năm trôi qua, nhưng hình ảnh của bố luôn in sâu trong tim mẹ và tôi.
1-1383885781.jpg
Bố mất, hai mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống. Còn nhớ, ngày bố mất, trong nhà tôi chỉ có vài chục nghìn đồng và mẹ con tôi không có tiền để làm ma cho bố. Mẹ phải đi vay mượn nhiều người mới có tiền để làm đám tang. Mẹ là người phụ nữ thủy chung và yêu con. Bởi vậy, từ khi bố mất, mẹ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tìm một người đàn ông nào khác. Mẹ chỉ ở vậy, nuôi tôi ăn học. Dù hoàn cảnh có khó khăn, vất vả đến đâu, mẹ cũng chỉ mong tôi có thể học hành đến nơi đến chốn bằng bạn bằng bè.
Hồi tôi học cấp THCS, có những tháng đến đợt đóng tiền học, trong nhà cũng không đủ tiền để đóng dù lúc đó, một tháng tiền học của tôi chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Thế nhưng, một tai họa nữa lại xảy ra với gia đình tôi. Đến năm tôi học lớp 10, mẹ bị bệnh lao phổi. Lúc đó mẹ quá yếu và chỉ nằm một chỗ. Mẹ không thể tự sinh hoạt bình thường, càng không thể lao động kiếm tiền. Tôi đã khóc nhiều lắm nhưng tôi hiểu được rằng dù có khóc thì cũng không giải quyết được việc gì. Vì vậy, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng phải thật mạnh mẽ để lo cho mẹ và gánh vác mọi việc trong gia đình. Dù lúc đó, nhiều người hàng xóm nói rằng mẹ tôi sẽ không thể qua được… Nhưng tôi luôn có niềm tin nhất định mẹ sẽ khỏi bệnh. Lúc đó, tôi đã nghĩ để có thể chữa khỏi bệnh cho mẹ và lo mọi việc gia đình, tôi sẽ phải nghỉ học… Nhưng may mắn đã mỉm cười với tôi.
Gia đình tôi đã nhận được sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân phường, bà con hàng xóm và đặc biệt là sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè của ngôi trường THPT Lê Quý Đôn - Đống Đa. Sau một năm kiên trì chữa bệnh, mẹ tôi đã khỏi hoàn toàn bệnh lao phổi và tôi vẫn có thể tiếp tục việc học ở trường cùng các bạn. Cứ 5h sáng mỗi ngày, tôi đều đạp xe từ nhà đến bãi báo để lấy báo về bán cho các thầy cô và các bạn học sinh cùng trường. Mỗi tờ báo bán được, tôi lãi từ 200 đồng đến 500 đồng. Ở lớp A11 của khóa 2005 - 2008 tôi có những người bạn thực sự rất tốt. Có những người bạn đã dậy sớm đi xe đạp đến trường để bán báo cùng tôi và những người bạn mua lại số báo mà tôi bán ế. Các bạn góp tiền mua bánh sinh nhật tặng tôi vào ngày sinh của tôi… Và đó chính là những kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình.
602962-656082157743845-1310574151-n-1383
Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi đỗ vào một trường đại học tại Hà Nội. Trong những năm tháng học đại học, tôi đã làm rất nhiều việc để có thể trang trải chi phí của hai mẹ con và lo chuyện học tập trên giảng đường. Tôi kiếm tiền bằng mọi cách miễn sao việc kiếm tiền đó hợp tình, hợp lý, hợp pháp là tôi bắt tay vào ngay mà không ngần ngại. Tôi từng làm gia sư, phát tờ rơi, làm MC hay nhân viên tổ chức cho các sự kiện và cũng tham gia một số cuộc thi. Có những cuộc thi đạt giải thưởng, tôi có thể đóng học phí cho 1 kỳ học ở trường đại học…
Tôi đã tốt nghiệp đại học được 4 tháng, có công việc ổn định của chính mình. Hiện tôi làm về tổ chức sự kiện. Ngoài ra, tôi làm chủ nhiệm lớp dạy ảo thuật tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đồng thời, tôi cũng đang phấn đấu cho sự nghiệp kinh doanh của riêng mình để sau này có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác.
Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi lời cám ơn cuộc đời này rất nhiều. Tôi đã có thể vượt qua thử thách, khó khăn và trưởng thành trong cuộc sống, sống mạnh mẽ, yêu đời và yêu con người
.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA 13B- ĐỖ TUẤN ANH

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 13B )
              TRẦN DỰC ( ĐỖ TUẤN ANH) 

                  Thơ Người làng Giữa (13) đã giới thiệu  chùm thơ của tác giả Trần Dực tức Đỗ Tuấn Anh - sinh 1928 hiện trú tại phường Mai Dịch Hà Nội. ( Bài thơ “ Bóng anh soi bóng em” tác giả Trần Dực làm năm 1955 nhân kỷ niệm và thắp hương tưởng nhớ ông Đỗ Nguyên Tiến ở bến Đào Viên, nơi Liệt sĩ hy sinh. Bài thơ “ Đất nước nặng ân tình” ( đăng trong tập Sông Đuống một thời nổi sóng _ NXB QĐND  Hà Nội 2010 ) ông đề tặng hương hồn các anh hùng liệt sĩ và Đồng chí Trần Vũ ( Đỗ Nguyên Tiến ).
                Ông Trần Dực là con thứ 3 của cụ Đỗ Thúc Hỗ (1904-1951) là người họ Đỗ ở Đại Mão. Cụ Hỗ mồ côi mẹ từ 5 tuổi, lúc nhỏ cụ được học một chút ít chữ nho, quốc ngữ hoàn toàn tự học. Hơn 10 tuổi, cụ Hỗ được ra HN học vẽ,có tác phẩm được trưng bày ở Nhà triển lãm Đấu Xảo ( nay là CLB Hữu Nghị ) HN,rồi về quê dựng Trại, là nơi lao động kiếm sống , là nơi dạy con. “Mình làm trại là mình làm mướn cho mình” ( Sau CCRĐ, trại được chia nhỏ cho nông dân, khoảng 40 hộ xóm 4 Đại Mão hiện giờ ở trên đất trại của cụ ). Vợ mất sớm, một mình gà trống nuôi con, cụ vẫn cho 2 con trai lớn đi kháng chiến. Đó là các ông:
            1 - Đỗ Nguyên Tiến ( 1926-1950)  Bí danh Trần Vũ- Liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Pháp           
            2- Đỗ Tuấn Anh – bí danh Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Ông từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham mưu trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.            
           
            Nhân làng Giữa khai trương thư viện, ông đã gửi tặng Thư viện nhiều sách, trong đó có tập Tấm lòng son mà ông là tác giả. Xin  trân trọng giới thiệu cùng các bạn một số bài thơ trong tập sách đó.

            Bài thơ sau viết bằng chữ Hán, là bài thơ ca ngợi quê Làng Giữa, đăng trong tập Tấm Lòng Son  của ông.


       TIẾNG THƠM VĂN HIẾN

Tự cổ Trung thôn Văn hiến hương
Hà sơn tang hải thượng lưu phương.
Đức Giang* hồng thủy thiên thu cổn
Đại Mão tân phong vạn thế xương!

Dịch thơ:

Từ xưa văn hiến Trung thôn
Nước non dâu bể, tiếng thơm truyền đời.
Nước sông Đuống đỏ cuộn trôi,
Làng ta đổi mới, muôn đời đi lên!

                                             Ngày 1 tháng Hai năm Ất Hợi 1995

·       Sông Đuống chạy cạnh làng, có tên Hán Việt là Thiên Đức Giang                         
                                                 
             Bài thơ sau cũng có tên như bài trên, là bài thơ ông làm nhân Đình Làng Đại Mão được phục dựng, nói lên tình cảm của ông với mái đình và quê hương:


TIẾNG THƠM VĂN HIẾN
                                                    Kỷ niệm Đình Làng Đại Mão được phục dựng

Đình ta cột lớn mái cong
Vươn lên hưng thịnh, hanh thông, vững vàng.
Phép vua, lại có lệ làng,
Nghìn xưa Văn hiến, quê hương nhân tài.
Đình ta chứng kiến bao đời
Kiếp dân, vận nước đầy vơi bao lần.
Tưng bừng, náo nức hội xuân;
Vinh quy lễ đón đầy sân, chật đường.

Mùa thu Cách Mạng rền vang,
Bài ca cứu nước : sẵn sàng hy sinh.
Ngất trời khí thế sân đình,
Trẻ già xuất phát tuần hành thị uy.
Giặc gây khói lửa bốn bề,
Càn dân, bắt cán điệu về trước sân.
Biết bao tang tóc điêu tàn;
Cuối cùng đình bị phá tan đâu còn!


Giờ đây đổi mới nước non,
Chung tay ta lại góp gom xây đình.
Đình xưa: khúm núm bạch đinh;
Đình nay: trên dưới nghĩa tình xóm thôn.
Đình xưa: khinh nữ trọng nam;
Đình nay: các giới cùng bàn việc công.
Đình xưa: thờ phụng thành hoàng;
Nay thêm Liệt sĩ khói nhang đêm ngày.

Thăm quê: nay lại thấy Đình,
Những mong: mãi mãi quê mình đi lên!

---o0o---

             Bài thơ Nhận quà  là bài thơ ông làm từ tháng 8 năm 2005 có lẽ đến nay vẫn mang tính thời sự:


                   NHẬN QUÀ 

Mái gianh hớn hở nhận quà:
Điện Biên toàn thắng, người nhà bình an.
Thư về đỏ cánh hoa ban
Cỏ cây náo nức, nước non sáng bừng

Bom rơi, đạn réo tạm dừng,
Đón anh chiến sĩ phòng không trao quà
Xinh xinh mảnh lược đuya – ra
Sớm khuya chải tóc, mượt mà niềm tin.

Và đây quà của Tây Nguyên
Theo đường dây lửa, giữ gìn chuyển ra:
Dịu dàng một cánh dù hoa,
Quàng lên âu yếm như là tay anh.

Con tàu lặn lội biển xanh
Nâng niu gửi gấm nghĩa tình Trường Sa:
Trắng trong một cụm san hô,
Một xâu vỏ ốc, nét hoa tuyệt vời!

Nhá nhem, trời nhọ mặt người
Xe đưa khách lạ đến chơi, biếu quà.
Vắng ông, thì đã có bà;
Hôi tanh mùi “ Vé ”, xót xa sự đời!

Mới hay: Muôn sự tại người
Món quà tình nghĩa cho đời sáng trong.
Món quà chứa những mưu toan
Làm sao giữ được chữ Tâm cho đời?

Là một người lính, nhiều lần được làm việc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông có các bài thơ mừng Đại tướng khi Đại tướng 90,97 tuổi :


       TIẾNG THƠM VĂN HIẾN

Chín mươi xuân đẹp chữ Kiên Trung
Bút vẫy, gươm vung, một tấm lòng,
Nhân nghĩa sáng soi vầng nhật, nguyệt
Năm châu lừng lẫy nghiệp anh hùng
                              
                                                                 Hà Nội- tháng 8 năm 2000

       KÍNH MỪNG
                ANH VĂN ĐẠI THỌ TUỔI 97

Thống soái và Anh Cả, một người.
Võ công văn đức rạng muôn đời
Xuân thêm một tuổi, dân thêm phúc
Theo Bác gương soi mãi sáng ngời.    
                         
                                                                 Hà Nội, tháng 2 năm 2007


                                          ===***===

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Than oi! Vo sach chu dep


Than ôi, vở sạch chữ đẹp!

05/11/2013 07:45 (GMT + 7)
TT - Chủ nhật tuần vừa rồi, tôi đi họp phụ huynh cho con học lớp 3 Trường tiểu học Gò Vấp (TP.HCM). Cuộc họp đánh giá tình hình sơ bộ việc học tập của các cháu trong tháng đầu năm, nhưng cuối cùng mấu chốt của nội dung cuộc họp là: phụ huynh đóng quỹ tự nguyện cho trường, và cuộc tranh luận là tại sao giáo viên không cho học sinh đem vở về nhà.



Sau khi tan họp, đa số phụ huynh tỏ vẻ bức xúc với hai vấn đề này. Cô giáo chủ nhiệm từ tốn giải thích. Cô nói việc đóng quỹ tự nguyện là do hội trưởng hội phụ huynh đề xuất thông qua nhà trường như: gắn máy lạnh trong phòng, sửa bàn ghế hư... Còn phong trào thi viết vở sạch chữ đẹp đang là định hướng tiên phong của nhà trường, tất cả các em bắt buộc phải tham gia, phải giữ vở sạch chữ đẹp. Để đảm bảo “quyền lợi” và “nghĩa vụ” của mỗi học sinh, trường thiết kế cho mỗi lớp học một tủ sách. Sau ngày học, tất cả vở viết đều phải bỏ vào đó, không đem về nhà.
Mỗi tháng một lần, học sinh mới mang về nhà cho phụ huynh xem, nhưng phải trả ngay vào hôm sau. Giải thích điều này, cô nói vì đem về nhà các em thường làm dơ bẩn hoặc thất lạc thì khổ. Bên cạnh đó, phụ huynh các cháu làm nghề khác nhau (công nhân, lái xe ba gác) xem vở làm vấy bẩn thì mệt cho con và mệt cho giáo viên.
Nghe vậy, nhiều phụ huynh bức xúc vì đa số là dân lao động, chỉ một số ít là công chức nhà nước. Thấy phụ huynh không đồng tình với ý kiến của mình, cô nói mấy năm trước trường cho học sinh mang vở về nhà các cháu làm dơ vở, đến lúc thi vở sạch chữ đẹp, trường kiểm tra, cô bị kiểm điểm. Thế là cô phải mua tất cả vở để về viết nắn nót, sạch đẹp những vở bẩn, có khi cô phải thức suốt đêm để làm những việc ấy. Không khí phòng họp trầm xuống hẳn.
Kết thúc, cô khẳng định không cho học sinh đem vở về nhà bởi đây là chủ trương đúng đắn của trường hướng đến tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Có như vậy, phụ huynh rất tự hào và vinh dự vì con mình học ở đây.
Thú thật chúng tôi có vinh dự không? Học sinh có em viết chữ đẹp, có em viết chữ xấu. Việc đáng làm là rèn luyện cho các em ngày càng hoàn thiện chữ viết và thói quen giữ gìn vở sạch, rồi phát sinh tình trạng học thêm, dạy thêm (rèn luyện chữ viết), rồi tình hình kinh tế đang ngặt nghèo, đồng lương công nhân phụ huynh quá đuối.
DIỆP BẢO THÀNH (TP.HCM)


* Ông LÊ HOÀNG GIANG (nghiên cứu sinh ngành lý luận ngôn ngữ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Buồn cho sự hiểu sai
Tôi nhớ ở thời của chúng tôi, cả lớp chỉ có một số bạn được chọn đi chấm vở sạch chữ đẹp. Những bạn không được chọn nhìn các bạn đó với ánh mắt ngưỡng mộ và cứ thế phấn đấu hơn. Rõ ràng đây không phải là một phong trào chỉ để rèn chữ đẹp mà mục đích sâu xa là giúp học sinh học tính kỷ luật, biết nâng niu những sản phẩm từ chính bàn tay, khối óc của mình “sáng tạo” nên. Vì thế, tôi rất buồn khi biết rằng một số giáo viên vì thành tích cần đạt được trong phong trào này đã không cho học sinh mang vở về nhà sau giờ tan học. Buồn cho sự “hiểu sai” một cách nghiêm trọng (thậm chí có thể gọi là biến tướng) của một phong trào đẹp.
Bởi thực tế phong trào “vở sạch chữ đẹp” rèn tính kỷ luật, cẩn thận nên gắn với các em mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ mỗi ở trường. Để giữ được vở sạch chữ đẹp, ngay khi mang cặp từ nhà đến trường (và ngược lại) các em cũng phải biết giữ gìn cẩn thận. Khi làm bài tập, các em cũng phải biết “cái nào nên, cái nào không” mới có những dòng chữ ngay ngắn thẳng hàng. Rồi các em không được bạ đâu vứt đấy sẽ làm cho sách vở quăn góc... Như vậy, nếu cất các cuốn vở của học sinh sau giờ học vào chiếc tủ ở lớp vô hình trung đã phá hủy mục đích giáo dục tính kỷ luật, cẩn thận cho học sinh của phong trào. Đồng thời nhà trường (cụ thể là giáo viên) đã tước đoạt quyền tham gia giáo dục con cái của gia đình khi không cho học sinh mang “cầu nối” (vở ghi chép, vở bài tập..., sản phẩm giáo dục) về nhà.
Vả lại nếu giáo viên cứ “chạy theo thành tích” như vậy thì từng ngày, từng ngày sẽ ngấm dần, ảnh hưởng đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của các em. Tôi mong từng trường, từng giáo viên phải biết mục đích cao nhất của giáo dục là giáo dục làm người, nên phải hành xử đúng với cả những phong trào nhỏ. Đừng để cái sai trong những việc nhỏ ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh.
MỸ DUNG ghi



* Ông NGUYỄN QUANG VINH (trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Những năm trước đây, sở có phát động phong trào “Vở sạch - chữ đẹp” trong các trường tiểu học với mục đích tạo thói quen về việc rèn chữ của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên. Tuy nhiên, một số nơi đã thực hiện theo kiểu đối phó, hình thức (có trường đã xếp tất cả học sinh viết chữ đẹp học chung một lớp để lớp này đi thi cấp quận, cấp thành phố).
Vì vậy cách đây hai năm, Sở GD-ĐT đã không tổ chức hội thi “Vở sạch - chữ đẹp” nữa. Thay vào đó là ngày hội “Viết đúng - viết đẹp” với mục tiêu nhấn mạnh yếu tố “viết đúng” là quan trọng hàng đầu. Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn của sở vào đầu năm học 2013-2014, chúng tôi cũng có khẳng định: Tiếp tục tổ chức ngày hội “Viết đúng - viết đẹp” nhưng phải thiết thực, hiệu quả, nhẹ nhàng, tạo sự hứng thú nơi học sinh. Tất cả học sinh đều được tham gia bằng cách tổ chức ngày hội này đến từng lớp. Mỗi em sẽ viết một bài ở lớp của mình. Nếu bài viết đạt yêu cầu sẽ được tham gia ngày hội “Viết đúng - viết đẹp” cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Đây là một ngày hội thật sự: các bài viết đúng - viết đẹp được chọn lựa từ các trường sẽ được triển lãm trong ngày hội; học sinh đến đây để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập, tham gia những hoạt động tập thể... chứ không phải để thi. Tất cả các em tham gia đều được tuyên dương, khen thưởng chứ chúng tôi không trao giải nhất, nhì, ba như ngày xưa.
Về việc giáo viên không cho học sinh mang tập về nhà: lâu nay sở vẫn khuyến khích học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày thì để tập ở lại lớp bởi các em đã hoàn thành các bài học, bài tập ngay tại trường rồi. Không mang tập về nhà để tránh cho các em tình trạng mang vác cặp quá nặng. Sở khuyến khích học sinh mỗi tuần chỉ nên mang tập về một lần cho ba mẹ xem để biết tình hình học tập của con em. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu của phụ huynh và học sinh, các bậc cha mẹ nên trao đổi trực tiếp với giáo viên để có cách giải quyết thỏa đáng nếu thấy cần thiết phải mang tập về mỗi ngày. Thế nhưng, việc giáo viên không cho học sinh mang tập về nhà chỉ vì giữ thành tích thì không thể chấp nhận được.
H.HG. ghi

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA 10B- NGUYỄN ĐÌNH HIỆU

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 10B )
 Nguyễn Đình Hiệu 
                  Thơ Người làng Giữa (10) đã giới thiệu hai bài thơ của tác giả Nguyễn Đình Hiệu - sinh 1952 - xóm 1 Đại Mão Là Hội viên CLB Thơ VN, ông  đã có nhiều tác phẩm được đăng trong các tuyển tập thơ của quê hương, huyện, tỉnh và nhiều hơn là trong các tập Hương Đất Việt của CLB Thơ Việt Nam. Điều đặc biệt của ông là hay làm những bài thơ về Hội Đồng niên trong làng ( những bài thơ có nội dung ca ngợi tình cảm đoàn kết gắn bó của những người cùng tuổi, cùng quê; có tên của tất cả những thành viên trong hội).
                          Bài thơ dưới đây ông viết nhân ngày NGVN sắp tới:
 
       NGƯỜI TRỒNG HOA
“Muốn sang thì bắc cầu kiều…”
Câu ca dao ấy sớm chiều ngân nga
Thi đua “Hai tốt” nở hoa,
Thầy là nhạc trưởng, trò là nhạc công.
Sánh cùng Bắc Lý cờ hồng
Thầy cô dạy giỏi, trò không lơ là.

Bắt đầu từ chữ O, A
Vần thơ, điệu múa, bài ca yêu đời…
Dạy cho tri thức làm người,
Ước mơ chắp cánh rạng ngời tương lai.
“Khuôn vàng thước ngọc” miệt mài,
Thầy xây nền móng lâu đài nguy nga.
Lòng thầy nhân hậu bao la,
Dắt đàn trò nhỏ vượt qua cái nghèo.
Lên bờ, trò vẫn trông theo
Bóng con đò nhỏ dáng chiều mênh mông.

Việt Nam hội nhập cộng đồng,
Công thầy cô giáo ghi dòng đầu tiên.
Thầy cô như thể mẹ hiền
Xa trường, trò vẫn thường xuyên nhớ về…
Hoài Thượng trường học ngoại đê,
Các thầy cô gióa say mê trồng người.
Vườn xuân Tổ Quốc đẹp tươi
Có bàn tay của những “ Người trồng hoa”.
                                    Hoài Thượng 24-10-2013

                 ====================

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

CÁP TREO LÊN PHAN SI PĂNG (DÂN TRÍ)

Xây dựng tuyến cáp treo hiện đại nhất châu Á lên đỉnh Phan Si Păng

(Dân trí) - Sáng nay 2/11, tuyến cáp treo 3 dây hiện đại nhất châu Á đã được khởi công xây dựng tại Sa Pa (Lào Cai). Đây là hệ thống cáp treo lên núi Phan Si Păng - “Nóc nhà Đông Dương” cao 3.143 mét.

Đây là công trình lớn nhất khởi công nhân kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa (1903 - 2013). Công trình xây dựng cáp treo lên núi Phan Si Păng nằm trong dự án xây dựng “Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Phan Si Păng (Sa Pa)” đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch đầu tư, do Công ty cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng) thuộc tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư xây dựng.
 
Xây dựng tuyến cáp treo hiện đại nhất châu Á lên đỉnh Phan Si Păng
Đỉnh núi Phan Si Păng cao 3.143 mét so với mặt nước biển được coi là “Nóc nhà Đông Dương và Nóc nhà Việt Nam”.

Theo thông tin từ chủ đầu tư dự án, hệ thống cáp treo lên núi Phan Si Păng có độ dài 7.000 mét, là cáp treo 3 dây hiện đại nhất hiện nay và lần đầu tiên có tại châu Á. Đây cũng là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. Cáp treo Phan Si Păng cũng là hệ thống cáp treo duy nhất trên thế giới không cần đến hệ thống cứu hộ thông thường vì trong hoàn cảnh nào hệ thống này vẫn đảm bảo đưa khách lên xuống núi an toàn. Độ cao chênh lệch từ ga đầu tiên so với ga cao nhất là 1.404 mét; thời gian vận chuyển 15 phút/một chuyến, công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ trong các cabin như những chiếc xe buýt nhỏ có sức chứa 35 người/ca bin.

Thiết bị dây chuyền, máy móc cáp treo Phan Si Păng sẽ do nhà sản xuất cáp treo nổi tiếng thế giới là Công ty Doppelmayr (Cộng hòa Áo) cung cấp. Đây là đơn vị đã từng cung cấp máy móc, thiết bị và lắp đặt thành công hệ thống cáp treo Bà Nà tại thành phố Đà Nẵng.
 
Lễ khởi công hệ thống cáp treo Phan Si Păng.
Lễ khởi công hệ thống cáp treo Phan Si Păng.

Dự kiến vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2015, hệ thống cáp treo Phan Si Păng sẽ được đưa vào hoạt động chính thức.

Hy vọng tuyến cáp treo Phan Si Păng sẽ góp phần tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút đông đảo du khách tới thăm vùng du lịch Sa Pa, tạo cơ hội cho mọi người có thể tham quan đỉnh núi Phan Si Păng - “Nóc nhà Đông Dương và Việt Nam”.

Khi hệ thống cáp treo này đi vào hoạt động cùng với việc thông xe đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, hy vọng số khách du lịch lên thăm Sa Pa sẽ tăng từ 1 triệu lượt người/năm lên 2 triệu lượt người/năm vào năm 2015.

Hiện nay tuyến leo núi Phan Si Păng dài 11 km xuất phát từ khu vực Trạm Tôn trên đèo Ô Quy Hồ (Sa Pa) mỗi năm có từ 1- 2 ngàn lượt tham gia. Du khách phải trải qua hành trình cực kỳ gian khổ, hiểm nguy kéo dài ít nhất 2 ngày 1 đêm trong điều kiện phải có hướng dẫn viên leo núi và người phục vụ đi cùng mới đảm bảo an toàn, thuận lợi.
 
Phạm Ngọc Triển