Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

ST : CHUYỆN LẠ Ở TIỀN GIANG

Nhà cha con ở, cha ra ở chuồng heo

Nước mắt lưng tròng, ông Lộc nói: "Tui đi kiện các con ruột của mình không phải để đòi đất đai, nhà cửa mà vì muốn chúng hiểu pháp luật, đừng ngược đãi cha mẹ nữa...".


Ông Lộc kể mấy tháng nay ông phải mắc võng, che bạt ở gốc cây để sống. Căn nhà của ông đã bị con chiếm. Còn bà Nguyễn Thị Non (vợ kế của ông) cũng về nhà mẹ ruột sinh sống sau trận đòn khủng khiếp của các con ông Lộc.
Tay run run lật hồ sơ, ông Lộc kể vợ chồng ông có bốn người con gái. Vợ ông bỏ đi. Năm 2007, ông Lộc thương bà Nguyễn Thị Non và hai người quyết định về sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vì theo lời ông là "già cả hết rồi".
 Ông Lộc phải mắc võng, che bạt sống ngoài vườn sau khi con ông chiếm giữ căn nhà - Ảnh: Trường Giang
Ông Lộc phải mắc võng, che bạt sống ngoài vườn sau khi con ông chiếm giữ căn nhà - Ảnh: Trường Giang

Bi kịch gia đình
Phạt 7 người tham gia vụ hành hung bà Nguyễn Thị Non

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cai Lậy vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7/11 người tham gia vụ hành hung bà Nguyễn Thị Non và đánh nhau với ông Lộc.

Theo đó, bà Phạm Thị Xuân, Huỳnh Văn Tài, Nguyễn Văn Căng, Huỳnh Văn Hoàng và Huỳnh Thị Kiều Oanh bị xử phạt 750.000 đồng/người về hành vi đánh nhau theo điểm a, khoản 2 điều 7 nghị định 73/CP.

Riêng Huỳnh Thị Kim Yến và Huỳnh Thị Bích Hiền bị phạt 3,5 triệu đồng/người do cố ý làm hư hỏng tài sản người khác theo điểm a, khoản 2, điều 18 nghị định 73/CP. Bốn người còn lại không bị xử phạt do không đủ căn cứ xác định vi phạm.
Năm ngoái, con gái áp út của ông Lộc là Huỳnh Thị Trúc Linh từ TP.HCM về quê yêu cầu ông chia đất cất nhà ở. Ngày 23/4/2012, ông Lộc chia cho cô này 500m2 đất và định cất căn nhà lá cho con ở tạm, nhưng cô không đồng ý mà đòi phải cất nhà kiên cố.
Ông nói do mình không có tiền cất nhà theo yêu cầu của con nên bị con chửi rủa. Khoảng 10g ngày hôm sau, khi ông Lộc và bà Non đang ngồi trong nhà ăn cơm thì các con ông Lộc và những người khác (tổng cộng 11 người) xông vào nhà trùm mền trên đầu bà Non rồi dùng cây đánh tới tấp.
Ông Lộc kể tiếp: "Nhóm người này còn làm nhục bà Non bằng cách xé và cởi quần áo của bà ra trước rất nhiều người hiếu kỳ, chửi bà Non, lấy điện thoại di động của bà ném xuống sông, làm mất tiền mặt 3,5 triệu đồng. Bà Non bị thương nặng phải lên BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) điều trị".
Ông Lộc im lặng hồi lâu rồi buông từng chữ nặng nề: "11 người đánh tui và bà Non đều là người nhà cả. Ngoài các con tui còn có các em ruột của tui. Có người là đảng viên, một người là vợ chủ tịch xã đều hiểu biết pháp luật mới đau chứ!".
Lúc 15g30, Công an xã Mỹ Long lập biên bản thu giữ bộ đồ của bà Non bị xé tả tơi. Ông Lộc nói sau vụ này, các con ông liên tục chửi mắng ông bằng những lời lẽ thô tục, khó nghe, bắt ông dỡ nhà đi nơi khác.
Ông phải dọn ra chuồng heo ở. Con ông đã chiếm căn nhà, còn đập phá đồ dùng cá nhân mà ông để ở chuồng heo. "Ngày 24/9/2012, con ruột và con rể tui lại đuổi đánh tui nữa. Bực tức con hỗn với mình, tui có đánh con hai bạt tai nên hai cha con không nhìn mặt nhau nữa. Hết chỗ tá túc nên tui về nhà mẹ ruột rồi ra vườn che bạt, giăng võng dưới gốc cây làm nhà" - ông Lộc kể.
Nỗi khổ cha kiện con
Ngày 26/12/2012, trưởng Công an huyện Cai Lậy ký thông báo không khởi tố vụ án hình sự. Lý do được nêu ra là thương tích của bà Non chỉ có 4%, chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Bà Huỳnh Thị Bích Hiền (em ông Lộc) giật, ném điện thoại của bà Non xuống sông có dấu hiệu cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, nhưng không rõ loại điện thoại gì, giá trị bao nhiêu...
Không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra, tháng 3/2013 ông Lộc và bà Non khiếu nại đến thanh tra Công an tỉnh Tiền Giang. Cơ quan này hướng dẫn ông gửi đơn đến Viện KSND huyện Cai Lậy.
Tuy nhiên trước đó, tháng 2/2013 Viện KSND huyện Cai Lậy đã có văn bản trả lời không nhận đơn khiếu nại của ông do... hết thời hiệu khiếu nại! Ông Lộc đến Viện KSND tỉnh hỏi thì nơi này cũng chỉ về huyện. Đầu tháng 5/2013, ông đến Viện KSND huyện Cai Lậy lần thứ hai nhưng cũng bị từ chối nhận đơn.
Ông Lộc nói đến nay đã đúng một năm ông phải sống lay lắt ở chuồng heo và dưới gốc cây ngoài vườn. Căn nhà và đất rộng 5.500m2 ông đứng tên nhưng hiện con gái ông ở. Bà Non tiếp lời: “Ngày 22/4 vừa qua, công an huyện mời tui đến nhận 2 triệu đồng là tiền của vợ chồng bà Hiền đem nộp nói là... bồi thường chiếc điện thoại ném xuống sông một năm trước. Vì nghĩ tình chị em nên tui đã nhận để từng bước hòa giải”.
Cả ông Lộc và bà Non đều có chung nguyện vọng, như lời ông Lộc: “Tui chỉ cần cơ quan pháp luật chỉ rõ cho các con tui và các em tui biết rằng những gì họ đã làm là vi phạm pháp luật, không được tái phạm nữa mà thôi. Tình nghĩa anh em, cha con từng bước hàn gắn lại chứ để thế này có chết tui cũng không nhắm mắt được”.
Ông Lộc cho biết được luật sư tư vấn pháp lý nên ông đã nộp đơn tới Viện KSND tối cao và Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang tố giác hành vi ngược đãi cha mẹ của bốn người con, còn bà Nguyễn Thị Non cũng gửi đơn tố giác hành vi cướp giật tài sản và làm nhục người khác của nhóm người đã đánh bà. 
3 vấn đề cần được cơ quan điều tra làm rõ

Theo luật sư Cao Minh Triết - Đoàn luật sư Tiền Giang, có ba vấn đề cần được cơ quan điều tra làm rõ. Thứ nhất, các con ông Lộc nhiều lần chửi mắng, đập phá đồ dùng cá nhân của ông, đánh và đuổi ông ra khỏi nhà gây hậu quả nghiêm trọng là ông phải đi bệnh viện chữa bệnh, bị ảnh hưởng đến thể xác và tinh thần, đến mức ông phải sống vất vưởng ngoài vườn. 
Những yếu tố này đủ cấu thành tội ngược đãi cha mẹ quy định tại điều 151 Bộ luật hình sự. Thứ hai, một nhóm người, trong đó có con ông Lộc, đã đánh bà Non, xé áo quần và kéo tuột áo quần bà ra trước sự chứng kiến của rất nhiều người đã đủ cơ sở xử lý tội làm nhục người khác quy định tại điều 121 Bộ luật hình sự. Thứ ba, hành vi của bà Hiền - em ông Lộc - giật điện thoại của bà Non ném xuống sông mất không thể xử lý tội cố ý làm hư hỏng tài sản người khác mà phải xử lý tội cướp giật theo điều 136 Bộ luật hình sự mới đúng bản chất vụ việc.

Chị Huỳnh Thị Trúc Linh (con gái ông Lộc) cho rằng nhà ông Lộc thì ông cứ ở chứ chị không hề đuổi ông ra chuồng heo hay ra vườn để ở. Vì bà Non bỏ đi nên ông đi theo mà thôi. Khi phóng viên hỏi: “Vì sao mấy chị em không thuyết phục cha mình vào nhà ở, để vậy chòm xóm nói ra nói vào?”, cả hai chị em Trúc Linh và Kim Yến im lặng rất lâu, không trả lời.

Hỏi về chuyện những người trong gia đình đánh bà Nguyễn Thị Non, chị Trúc Linh nói hôm đó chị không tham gia và cho rằng đây chỉ là vụ đánh ghen giữa bà Phạm Thị Xuân - một người vợ trước của ông Lộc - với bà Non. Chị Trúc Linh phủ nhận việc những người đánh ghen hôm đó lột áo quần bà Non như bà tố cáo.

Trong lúc chúng tôi đến nhà gặp chị Trúc Linh thì ông Lộc cũng về nhà. Và ngay tức khắc hai cha con cãi nhau kịch liệt...

Theo Tuổi Trẻ

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

ST: ĐỂ NGẪM Ở VIỆT NAM

Thiếu niên Trung Quốc vẽ bậy tại đền cổ Ai Cập

(TNO) Một nam sinh trung học Trung Quốc đã gây phẫn nộ tại nước này sau khi vẽ bậy lên một bức tường cổ 3.500 năm tuổi tại một ngôi đền Ai Cập.

Tờ China Daily (Trung Quốc) hôm 26.5 cho biết, một trang blog trong nước đã đăng tải trên internet hình ảnh hàng chữ Trung Quốc ghi “Ding Jinhao đã ở đây” trên một bức phù điêu 3.500 năm tuổi trong ngôi đền cổ Luxor tại Ai Cập. Dòng chữ “đã ở đây” thậm chí còn có kích thước lớn hơn chữ khác.
Từ bức ảnh nói trên, cư dân mạng Trung Quốc đã lùng ra danh tính, ngày sinh và trường học của nam sinh nói trên, khiến cha mẹ cậu bé 14 tuổi này phải lên tiếng xin lỗi và xin tha thứ, tờ Modern Express (Trung Quốc) đưa tin.
“Chúng tôi xin lỗi chính phủ Ai Cập và người dân Trung Quốc. Con chúng tôi đã nhận ra sai lầm của mình và chúng tôi cầu xin được tha thứ, xin hãy cho nó cơ hội sửa sai”, bậc phụ huynh này nói.
Du khách Trung Quốc có họ là Shen đã chụp bức ảnh trên và đăng tải lên internet, theo China Daily.
Ông cho biết cảm thấy “hổ thẹn” và khoảnh khắc nhìn thấy dòng chữ nói trên là “lúc buồn nhất trong suốt chuyến du lịch Ai Cập của tôi”.
“Chúng tôi đã cố chùi hàng chữ trên bằng khăn giấy, nhưng rất khó để tẩy sạch được và chúng tôi không thể dùng nước vì bức tường là một di tích lịch sử 3.500 năm tuổi”, ông này nói.
Shen cho biết đã thấy dòng chữ trên trong một chuyến du lịch Ai Cập vào ngày 6.5 và đã chụp lại.
Ông này nói thêm rằng ông đã ra sức xin lỗi hướng dẫn viên du lịch người Ai Cập cùng đi với đoàn, người cũng bị sốc khi thấy hàng chữ Trung Quốc trên phù điêu cổ.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc lên án việc Ding Jinhao phá hoại di tích văn hóa và chỉ trích cha mẹ nam sinh này không biết dạy con. Nhiều người thậm chí còn dọa giết. Tuy nhiên, cũng có người kêu gọi kiềm chế.
Hoàng Uy

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

ST: KHI ĐÀN ÔNG 30

Khi đàn ông 30

Đàn ông 30 sau khi đi qua cả một thời trai trẻ nhiệt huyết, bốc lửa của tuổi 20, đã đi, đã đến đã chinh phục, đã thất bại, đã trải qua những cảm xúc thăng hoa tuyệt vời cũng như cảm giác cay đắng tưởng như tận cùng. Nhìn lại những tháng năm đi qua bỗng thấy hun hút trống trơn có lúc giật mình thoảng thốt.
***
Những năm 20, người ta có thể diện một chiếc quần bò lỗ chỗ, mặc pull in hình Manowar, tự tin đeo khuyên tai, tự chọn cho mình màu tóc ưa thích. Khi 30, người ta bắt đầu chuộng hơn quần âu, một sơ mi măng séc là phẳng. Người ta cũng bắt đầu chọn cho mình một chiếc caravat hợp tâm trạng. Khi 30 còn diện bò bạc phếch, nhuộm tóc khác màu đen đã có cảm giác lạc điệu.
Những năm 20, người ta uống bia uống rượu đến mức ngủ lúc nào không biết. Tỉnh dậy thấy ngổn ngang bạn bè, ngổn ngang nôn mửa. Đàn ông 30 tối bắt đầu nhìn đồng hồ căn giờ ngủ, không quên súc miệng nước muối, cuốn khăn giữ ấm họng. Bắt đầu biết lo cho bản thân hơn. Tần số các cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng giảm dần. Bắt đầu để ý đến sức khỏe và cân nặng.
Cái thời 20 máu lửa sẵn sàng dựng xe, vác chầy xông vào nhau chỉ vì một lời xúc phạm. Đàn ông 30 bình thản trả lời "không muốn gì cả" khi một thằng oắt con đầu vàng quần côn bó ép xe vào lề đường hất hàm "muốn gì?". Đàn ông 30 bắt đầu có khái niệm "chỉ số AQ đủ dùng".
Đàn ông 30 bắt đầu cảm thấy nhu cầu tất yếu cạo râu, sửa gọn lông mũi, xịt nước thơm mỗi khi bước ra khỏi nhà. Đàn ông 30 bắt đầu ăn mặc không theo một hình mẫu, không theo một thần tượng nào. Đàn ông 30 bắt đầu làm đẹp không chỉ dành cho các cô gái mà phần nhiều để cảm thấy đoàng hoàng tự tin tiếp xúc với các đối tác làm ăn, giao dịch. Đàn ông 30 cảm thấy tự tin khi mặc vest.
Đàn ông 30 bắt đầu cho mình cái quyền đòi hỏi một vị trí trong XH, đòi hỏi vai trò của mình trong cuộc sống, trong tổ chức. Nhu cầu muốn khẳng định mình.
Đàn ông 30 đi đường ít khi ngoái lại nhìn theo một cô gái trẻ đẹp để thầm xuýt xoa về thân hình nhưng lại thường xuyên ngoái lại nhìn theo một chiếc xe đẹp hay một người đàn bà nền nã. Đàn ông 30 nhìn thấy vẻ đẹp của người đàn bà 30.
Đàn ông 30 "thèm" một chân dài nhưng "cần" một sự cảm thông, cần một điểm tựa tâm hồn. Đàn ông 30 muốn một mái ấm, tìm cho mình một người đàn bà có thể đi tiếp quãng đường tương lai. Bắt đầu hình dung về ngôi nhà và những đứa trẻ.
Đàn ông 30 là lúc bắt đầu cảm thấy tự tin, cảm thấy được sức gánh của đôi vai mình. Đủ tự tin và bình thản để hứng chịu những thử thách của cuộc đời.
Đàn ông 30 bắt đầu lôi những giấc mơ lóng lánh leng keng một thời tuổi trẻ ra để đổi lấy những mục tiêu thực tế hơn và đôi khi giản dị hơn.
Đàn ông 30 dám nghĩ, dám làm, dám chơi, dám đối mặt với thất bại và cũng dám dừng. Đàn ông 30 bắt đầu phân biệt được ranh giới của sự lố bịch. Nhìn thấy được cái ngưỡng đủ. Đàn ông 30 đủ tinh tế để vượt qua những giá trị phù phiếm.
Tuổi 30 đàn ông dần tự tin để thấy mình là đàn ông khi đứng trước phụ nữ. Dám nhìn sâu vào mắt đối phương để tìm sự đồng điệu về cảm xúc.
Đàn ông 30 biết yêu và có trách nhiệm hơn với cảm xúc của mình. Cũng biết gìm mình trước những thất bại. Bình thản trước tai họa. Thấm thía được nỗi cô đơn, thấm thía được sự bội bạc, cảm nhận được đến tận cùng sự ấm áp tình người mà con người dành cho nhau. Khác hẳn cái yêu thời 20, yêu và vô trách nhiệm với tình yêu, vô trách nhiệm với chính bản thân mình.
Đàn ông 30 khi nghĩ về gia đình có thêm trách nhiệm. Cậu bé 20 nghĩ về bố mẹ với những sự ràng buộc gò bó khuôn khổ gia đình. Đàn ông 30 nghĩ về bố mẹ ngoài nỗi nhớ còn kèm theo mong muốn mình được làm chỗ dựa, mình được che chở cho gia đình.
Đàn ông 30 đủ tỉnh táo và bình tĩnh trước những đổ vỡ. Độ lượng hơn. Biết cách lý giải cuộc sống. Đàn ông 30 khẽ cười khi nhớ lại những năm 20 hừng hực của đời người. Ngẫm nghĩ và bắt đầu triết lý về tình yêu của những năm nông nổi, gật gù tâm đắc: "đàn ông như cái đĩa CD, cứ quay xung quanh mãi một lỗ thủng".
Đàn ông 30 bắt đầu ngẫm nghĩ một chút về số phận mỗi khi nhìn lại con đường mình đã đi qua. Đàn ông 30 đã bắt đầu biết sợ.
Đàn ông 30 bắt đầu gắn mình với những ràng buộc để khó khăn hơn khi thực hiện một thay đổi lớn nào trong cuộc đời mình. Cuộc sống của đàn ông 30 không còn là của riêng bản thân anh ta nữa.
Trần Ngọc Hưng

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

ST: Quan niệm của một nữ sinh về hạnh phúc

Bài luận cảm động của nữ sinh về hạnh phúc

 - Bài viết khoảng 1.000 chữ thể hiện nhiều cung bậc tình cảm, những sóng gió, kỉ niệm hơn 18 năm qua mà gia đình Hạnh Thảo đã trải qua. Lời văn mượt mà, cảm xúc chân thành, bài viết gây xúc động đã giúp tác giả giành học bổng toàn phần Nguyễn Văn Đạo.
văn hay, xúc động, học bổng
Bùi Thị Hạnh Thảo, học sinh lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: “Đây là những dòng cảm xúc chân thành nhất khi viết về cuộc sống thực của gia đình em”.
Bài viết kể về một tuổi thơ đầy dữ dội. Khi Thảo lên 4 tuổi thì bố em bị u não. Trong tâm trí của đứa trẻ 4 tuổi, chỉ nhận diện được “1 chiếc xe ô tô màu trắng to có chiếc đèn đỏ quay đều réo rắt đến đưa ba tôi đi”. Mẹ của Hạnh Thảo phải lên chăm bố, em phải ở nhà với ông bà ngoại, hai tuần mới được lên thăm bố mẹ một lần. Kể từ đó, “tuổi thơ tôi gắn với những chuyến đi dài trong nỗi nhớ...” - Thảo xúc động.
văn hay, xúc động, học bổng

Thời gian sau, bố Hạnh Thảo phải trải qua một cuộc phẫu thuật ở đầu, “chín phần chết, chỉ còn một tia hi vọng sống sót”.
Thế rồi ông trời ban tặng tin mừng “ba em vẫn còn sống”. Lúc này, Thảo mới bước sang tuổi thứ 5, còn bé dại những em đã phải chứng kiến cảnh đau thương khi cả hai bố mẹ nằm trên giường bệnh.
Phải mất hơn một năm sau đó, ba mẹ Hạnh Thảo mới lành lặn trở lại. Ba Hạnh Thảo bị liệt nửa trái, còn mẹ thì bị vết sẹo dài trên người. Nhưng hạnh phúc đã trở lại khi cả gia đình được quây quần bên nhau, sống những tháng ngày tốt đẹp.
Kết bài là những quan niệm mới mẻ về hạnh phúc Hạnh Thảo: “Hạnh phúc đơn giản lắm! Đó là thứ bạn biết yêu thương ai đó, biết sẻ chia niềm vui và nỗi buồn. Hạnh phúc là khi bạn biết đặt tin yêu vào cuộc sống và đặt niềm tin vào chính mình. Hạnh phúc là khi bạn biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực…
Điều quan trọng là bạn biết suy nghĩ theo hướng tích cực của nó. Bởi hạnh phúc là do ta cảm nhận”.
Bài luận đưa Bùi Thị Hạnh Thảo vượt qua các vòng thi: xét hồ sơ, viết luận, thi toán logic, phỏng vấn ngày 5/5 vừa rồi thì đến ngày 20/5 vừa rồi, Hạnh Thảo nhận được tin mình có trong danh sách 100 thí sinh đạt được suất học bổng toàn phần Nguyễn Văn Đạo bao gồm 100% học phí cùng hỗ trợ 100 triệu đồng chi phí ăn ở trong suốt 4 năm học.
Hạnh phúc trong tôi…
Nếu tôi nói tôi là người hạnh phúc nhất thế gian, bạn có tin điều đó không? Không? Tất nhiên là bạn đừng nên tin vào điều đó. Nhưng hãy tin tôi là người hạnh phúc …
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không phải là khá giả gì. Tuổi thơ dữ dội không cho tôi những buổi trưa vàng trên cánh đồng đầy nắng, cỏ sẽ xanh tít tắp trên con đường chạy thẳng đến miền cổ tích và cánh diều không êm trôi khi cơn mưa chiều vô tình ập xuống. Ba tôi bị u não… Trong suy nghĩ non nớt của cô bé 4 tuổi không hiểu được đó là căn bệnh gì và vì sao ba bị bệnh. Tôi chỉ nhớ hôm đó, 1 chiếc xe ô tô màu trắng to có chiếc đèn đỏ quay đều réo rắt đến đưa ba tôi đi. Họ đi đâu tôi không biết, tôi chỉ thấy nhớ khi ba đi mãi không về. Hôm sau mẹ bảo tôi mẹ lên Hà Nội chăm ba. Ba sẽ khỏi bệnh nhanh và lúc về sẽ mua cho tôi thật nhiều quà. Vậy là ba đi Hà Nội để chữa bệnh…
Những ngày tiếp sau đó tôi ở với ông bà ngoại. Đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ ba mẹ. Và một tuần tôi sẽ được đưa đi thăm ba mẹ một lần. Vậy là tuổi thơ tôi gắn với những chuyến đi dài trong nỗi nhớ và niềm háo hức chờ đợi.
Hà Nội với tôi ngày đó thật đẹp. Hà Nội đông đúc, tấp nập. Đêm Hà Nội rực rỡ những ánh đèn đủ sắc màu.
Và những con gấu bông được đặt trong tủ kính các cửa hàng thường to và có váy hoa sặc sỡ…
Nhưng những thứ đó chỉ lướt nhanh trước mắt tôi như một thế giới cổ tích. Tâm trí tôi nhanh chóng bị choáng ngợp trong một nỗi sợ không tên ngay khi bước chân vào bệnh viện, nơi mà đi đến đâu cũng có một thứ mùi đằng đặc. Tiếng bánh xe giường bị đẩy đi ken két, tiếng dụng cụ va vào nhau lạch cạch. Và ba tôi nằm đó, trên một chiếc giường trải ga trắng xóa, khắp mình đầy dây dợ và các máy móc. Tôi đã khóc òa lên khi lần đầu nhìn thấy. Những lần sau đó lên thăm ba, dù nỗi sợ vẫn còn len lỏi trong tâm trí tôi chứ không nhiều như trước nữa nhưng tôi đã có thể mạnh dạn lại gần ba, bóp tay cho ba, rồi thơm lên má, lên trán ba. Ba lần nào cũng thế, chỉ mở mắt nhìn tôi và khóc…
Nhưng lâu sau, ba bước vào một cuộc phẫu thuật mà bác sĩ nói chín phần chết, chỉ còn một tia hi vọng sống sót. Trước khi ba được người ta đẩy vào phòng phẫu thuật, ba vời tôi lại, nắm tay tôi nhìn âu yến. “Cố lên ba!...”. Tôi chỉ kịp nói đến thế. Chiếc cửa phòng to đóng sập lại và tôi òa lên tức tưởi…
Tôi tỉnh lại thấy mình đang nằm gọn trong lòng mẹ. Tôi không biết mình đã khóc bao lâu và ngủ thiếp đi từ lúc nào. Nhưng điều kì diệu đã xảy ra. Tôi thấy ba…Ba vẫn còn sống! Và tôi lại òa lên khóc. Khi đó tôi bước sang tuổi thứ 5.
Sau ca phẫu thuật, ba vẫn phải nằm lại bệnh viện với những đợt hóa trị kéo dài. Nhưng tôi luôn tin rằng ba sẽ khỏi bệnh và sẽ về thật sớm với tôi.
Dẫu vậy, nắng có vàng tươi cũng không đủ hong khô nước mắt, gió tưởng chừng đã lặng yên nay bỗng nổi bão giông. Tôi nhớ như in đó là một buổi trưa mưa tầm tã. Dì tôi áo quần ướt nhèm, mắt đỏ hoa chạy đến trường xin phép đưa tôi về. Dì cứ ôm chặt tôi vào lòng, vừa đi vừa khóc. Mẹ tôi đã bị tai nạn khi mang cơm cho ba tôi lúc sáng…
Một năm sau đó…
Có lẽ kí ức trong tôi vẫn là những mảnh ghép vô định, xong đủ để tôi biết được chuyện gì đã xảy ra. Vẫn là những chuyến đi dài từ Thái Bình lên Hà Nội. Vẫn là thứ mùi thuốc bệnh viện. Tiếng máy kêu, tiếng dụng cụ va vào nhau, tiếng người rên rỉ trong nỗi đau trắng xóa. Và hình ảnh của ba mẹ tôi trên giường bệnh. Những hình ảnh và thứ âm thanh ấy vẫn về trong giấc mơ tôi. Và cả đến sau này tôi vẫn bị ám ảnh bởi thứ phim đen trắng không có nội dung ấy. Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa ? Quan trọng là ba tôi đã chữa khỏi bệnh và mẹ tôi cũng đã qua cơ nguy kịch. Dẫu ba tôi không còn lành lặn như trước nữa, di chứng để lại là một nửa cơ thể bên trái hoàn toàn bại liệt. Và mẹ tôi, trên người vẫn còn một vết sẹo mổ dài… thì với tôi, ba mẹ vẫn luôn là những người tuyệt vời nhất. sóng gió đã qua đi, gia đình nhỏ bé của tôi lại đoàn tụ và xây dựng những điều tốt đẹp ở tương lai…
Bạn thân mến! Bạn có nghĩ tôi là một cô bé bất hạnh? Không! Tôi là một người hạnh phúc. Tuổi thơ dù dữ dội nhưng đã cho tôi những trải niệm để tôi trưởng thành hơn so với những bạn cùng trang lứa, cho tôi biết yêu thương và trân trọng hơn những gì mình có. Ba tôi đã từng nói, vì tôi ba tôi sẽ vượt qua tất cả. Và chẳng phải ba tôi đã chiến thằng bệnh tật, giành lại sự sống để trở về bên tôi đó sao? Và mẹ tôi, có lẽ trong cuộc đời này, tôi sẽ không tìm được người phụ nữ nào kiên cường hơn thế! Mẹ vẫn vững vàng trước muôn trùng sóng gió cuộc đời để chăm lo cho cả gia đình. Và đến bây giờ, khi ba tôi không đủ khả năng gánh vác mọi công việc thì mẹ, không những làm tốt nhiệm vụ của mình, mà còn làm thay phần ba nữa. Mẹ vẫn vậy, kiên định và vững tâm vô cùng. Hằng ngày tôi đi học, mẹ vẫn đi làm, ba sẽ ở nhà nấu cơm cho hai mẹ con. Ba làm một tay nhưng món nào ba nấu cũng ngon và đẹp mắt. Bữa cơm sẽ thật ấm cúng và tràn ngập tiếng cười. Hạnh phúc với tôi, đôi khi chỉ nhỏ bé như vậy thôi…
Bạn yêu quý, bạn nghĩ hạnh phúc là gì? Hạnh phúc có phải là thứ mà bạn có thể cầm nắm được như một vật báu và bạn sẽ phải cất giấu thật kĩ nếu không bạn sẽ vô tình đánh rơi hoặc bị ai đó cướp mất? Hay hạnh phúc là một thứ lớn lao, xa vời tới mức bạn chỉ có thể ngắm nhìn mà không thể chiếm lĩnh? Không? Hạnh phúc đơn giản lắm! Đó là thứ bạn biết yêu thương ai đó, biết sẻ chia niềm vui và nỗi buồn. Hạnh phúc là khi bạn biết đặt tin yêu vào cuộc sống và đặt niềm tin vào chính mình. Hạnh phúc là khi bạn biết ước mơ và biến ước mơ thành hiện thực… Điều quan trọng là bạn biết suy nghĩ theo hướng tích cực của nó. Bởi hạnh phúc là do ta cảm nhận.
Và bạn biết không? Tôi cứ nghĩ gia đình tôi sẽ chỉ có ba người: tôi, ba, mẹ. Nhưng có một điều tuyệt vời đã đến. Cách đây hơn một năm, gia đình tôi đã chào đón thêm một thiên thần xinh xắn. Tôi đã đặt tên em là Hạnh Linh. Hạnh Thảo và Hạnh Linh. Bạn có biết vì sao tên của chị em tôi lại có cùng chữ Hạnh không? Vì Hạnh là Hạnh Phúc !

  • Bùi Nhung

Ý nghĩa Ngày Phật Đản


            Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN

            Ngày 24 tháng 5 năm 2013 ( Rằm tháng Tư Quý Tỵ ), chùa Sùng Ân và Đại đức Thích Quảng Thắng trụ trì nhà chùa tổ chức Khóa tu niệm Phật và Kính mừng Phật Đản. Buổi sáng và buổi chiều tổ chức tụng Kinh Vô Lượng Thọ, 10 h 00: Phóng sinh - 16 h00 : Nghe Pháp. Từ 19 h 00 tổ chức nghi lễ Phật Đản.
            Nhà Chùa mời nhiều phật tử, nhiều quan khách  đến dự khóa tu niệm phật 1 ngày, mời cả các ông Thủ từ Đình Đại Mão ra dự.
            Các ông Thủ từ chưa hiểu nhiều lắm về Ý nghĩa ngày Phật đản. Sau khi làm lễ ở chùa xong, về nhà tìm hiểu, trao đổi thêm để biết ý nghĩa ngày lễ quan trọng này:


Các Tăng ni phật tử đang Tụng kinh tại Giảng đường Chùa Sùng Ân

                                 Lễ Phật Đản
Phật Đản
 (chữ Nho 佛誕 -nghĩa là ngày sinh của đức Phật-; hay là Vesak, Pali; tiếng Phạn: Vaiśākha, Devanagari: वैशाख, Sinhala: වෙසක් පෝය -nghĩa là ngày lễ vào tháng vesākha theo lịch Ấn Độ giáo, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch) là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền  Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Trước năm 1959 các nước Đông Á, thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch[1]. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch[2].
Lịch  sử: Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông  Bắc tông. Ngày nay người ta thường biết đến Phật Đản qua tên gọi Vesak. Vesak  tiếng Sinhala có thể được đọc trại ra từ Vaishākhatrong tiếng Pali, là tên gọi của tháng Hai lịch pháp Ấn Độ giáo (tháng vesākha theo lịch Ấn Độ giáo, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch). Ở Ấn Độ, Bangladesh  Nepal, Vesak còn được gọi là Visakah Puja (lễ hội Visakah), Buddha Purnima (?) hay Buddha Jayanti (?); Thái Lan gọi là Visakha Bucha; Indonesia gọi là Waisak; Tây Tạng gọi là Saga Daw; Lào gọi là Vixakha Bouxa  Myanma gọi là Ka-sone-la-pyae (nghĩa là Ngày rằm tháng Kasone, cũng là tháng thứ hai trong lịch Myanma).
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch. Thời gian tới, tương ứng với các ngày trong dương lịch:
·                    25 Tháng Năm 2013
·                    14 Tháng Năm 2014
·                    4 Tháng Năm 2015
·                    21 Tháng Năm 2016
Ý nghĩa và tầm quan trọng 
Phật Đản là ngày nghỉ lễ quốc gia tại nhiều quốc gia Châu Á như Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Miến Điện, Đài Loan, Campuchia,... Tại Việt Nam, ngày này không phải ngày nghỉ lễ được công nhận chính thức.
Tại Việt Nam 
Lễ Phật đản được công nhận là một ngày nghỉ lễ chính thức tại miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1958 do chính phủ Đệ nhất Cộng hòa của chính thể Việt Nam Cộng hòa thông qua.[3] Khi Việt Nam thống nhất sau khi chấm dứtchiến tranh Việt Nam năm 1975, thì ngày này không còn là ngày lễ quốc gia.
Năm 2008, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 13 đến 17 tháng 5, tức ngày 9 đến 13 tháng 4 âm lịch[4].

Đề tài của đại lễ Phật Đản VESAK 2008[5]: Tam Hợp trên cơ sở Tình Thương, Hòa Bình và Hòa Hợp
1.     Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh
2.     Sự thay đổi khí hậu toàn cầu
3.     Những mâu thuẫn trong gia đình
4.     Chiến tranh và hàn gắn
5.     Những thay đổi của xã hội
6.     Giáo dục của Phật giáo
7.     Phật giáo nhập thế
8.     Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số
Từ sau Đại lễ Phật Đản Vesak 2008, ngày lễ này ngày càng được Phật giáo Việt Nam tổ chức long trọng trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú như diễu hành, rước xe hoa, văn nghệ mừng sự ra đời của Đức Phật và các hoạt động từ thiện khác.
Những năm gần đây, ngày Phật Đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền của Việt Nam.
Lịch 
Tương ứng với dương lịch: [6]
Năm dương lịch
Thái Lan
Lào
Miến Điện
Sri Lanka
15 tháng 4 âm lịch
Campuchia
Trung Hoa
8 tháng 4 âm lịch
2008
19 Tháng 5 2551PL
18 Tháng 5 2551PL
19 Tháng 5 2552PL
19 Tháng 5 2552PL
19 Tháng 5 2552PL
12 Tháng 5
2009
8 Tháng 5 2552PL
8 Tháng 5 2552PL
8 Tháng 5 2553PL
8 Tháng 5 2553PL
8 Tháng 5 2553PL
2 Tháng 5
2010
28 Tháng 5 2553PL
28 Tháng 5 2553PL
27 April 2554PL
27 Tháng 5 2554PL
28 Tháng 4 2554PL
21 Tháng 5
2011
17 Tháng 5 2554PL
17 Tháng 5 2554PL
17 Tháng 5 2555PL
17 Tháng 5 2555PL
17 Tháng 5 2555PL
10 Tháng 5
2012
4 Tháng 6 2555PL
5 Tháng 5 2555PL
5 Tháng 5 2556PL
5 Tháng 5 2556PL
5 Tháng 5 2556PL
28 April
2013
24 Tháng 5 2556PL


24 Tháng 5 2557PL

17 Tháng 5
2014
13 Tháng 5 2557PL


13 Tháng 5

6 Tháng 5
2015
1 Tháng 6 2558PL


1 Tháng 6

25 Tháng 5
2016
20 Tháng 5 2559PL


21 Tháng 5

14 Tháng 5
2017
10 Tháng 5 2560PL


10 Tháng 5

3 Tháng 5
PL = Phật lịch

Thủ từ Lê Đình Ngạn
Tại Srilanka, ngày Phật Đản được tổ chức đúng ngày 15 tháng 4 Âm lịch, tại Trung Hoa là ngày 8 tháng 4 âm lịch.

              Qua tìm hiểu , các ông Thủ từ được biết thêm:    Năm 2013 là năm 2557 tính theo Phật Lịch. Nhân ngày này, Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam đã có Thông điệp; Thông điệp kêu gọi mọi người sống có trách nhiệm với đất nước; tăng ni, phật tử ở trong nước cũng như ở nước ngoài gương mẫu, phạm hạnh, dành thời gian và tập trung trí tuệ tham gia đợt sinh hoạt rộng rãi góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, xây dựng một bản Hiến pháp của dân, vì dân hướng tới một xã hội phát triển bền vững, công bằng, dân chủ, văn minh.


Thủ từ Nguyễn Viết Khoái

          Theo VOV :Ở Việt Nam, lễ Phật đản từ lâu đã trở thành lễ hội lớn của dân tộc, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức một cách trang trọng. Với hơn 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm độ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, hơn 32 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, hoạt động theo phương châm đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội nhằm đưa ánh sáng giáo lý của đức Phật phục vụ cho cuộc sống nhân sinh, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, tạo dựng một cuộc sống hòa bình, thịnh vượng và an lạc.
Sự nghiệp xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam là hoằng dương chính pháp, phát huy tinh thần nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò, khẳng định được vị trí của mình trong lòng dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử 2000 năm của Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với dân tộc trong dựng nước và giữ nước. Đạo đức Phật giáo đã hòa quyện và trở thành quan trọng của đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam.
Tại buổi Đại lễ, các chư tăng và các vị khách quý, cùng hàng trăm tăng ni, phật tử tham gia niệm phật cầu gia định, dâng hoa chúc mừng Phật đản, tiến hành nghi lễ dâng hương cúng giường đức Phật kính mừng Phật đản, lễ tắm Phật truyền thống cầu quốc thái dân an và thả bóng bay hòa bình.

Việc tổ chức hàng năm Đại lễ Phật đản là cơ hội để phật tử phát huyết niềm tin vào giáo lý của Đức Thế Tôn, đồng thời phát huy tinh thần từ bi trí tuệ và hòa bình mà Phật tổ đã chuyển trao.


Cách tính Phật lịch và Phật đản năm 2013
Hỏi: Giữa Phật lịch và Phật đản khác nhau như thế nào?
Đáp: Hai danh từ này khác nhau rất xa. Phật lịch là nói Phật nhập Niết Bàn. Còn nói Phật đản là chỉ cho Phật ra đời. Căn cứ theo lịch sử, thì kể từ khi Phật ra đời cho đến khi Phật nhập diệt là 80 năm, tức ứng thân Phật sống được 80 tuổi. Do đó, nên mới có con số khác biệt giữa Phật đản và Phật lịch.

Nói Phật đản là người ta tính thời gian từ lúc Phật ra đời cho đến nay (2013) là 2637 năm. Lý do tại sao có ra con số 2637 nầy? Bởi vì Phật ra đời trước Tây lịch 624 năm (Theo tài liệu Phật học phổ thông Khóa thứ nhất, Bài thứ 2 nói về Lược sử Phật Thích Ca Mâu Ni, do cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa biên soạn)

Năm nay tính theo Tây lịch là 2013. Đem con số 2013 này cộng với 624 thành ra là 2637 (2013 + 624 = 2637).


Phật lịch, thì người ta đem con số 624 (trước Tây lịch) trừ đi 80 năm Phật tại thế, thành ra còn lại là 544 năm, rồi đem con số 544 cộng với 2013 thành ra là 2557. (624 – 80 = 544 + 2013 = 2557). Như vậy, tính theo năm nay là 2013, thì Phật lịch là 2557 năm, còn Phật đản là 2637 năm.
                                                              ------------------------------------------------------------------------