Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

ST Tìm hiểu về cách chia thời gian

Tại sao 1 giờ có 60 phút?

(Dân trí) - Tại sao chúng ta chia 1 giờ thành 60 phút và 1 phút thành 60 giây? Những đơn vị thời gian nhỏ sử dụng trong thực tế chỉ khoảng 400 năm, nhưng có vai trò quan trọng với sự ra đời của khoa học hiện đại.

Hàng nghìn năm trước, ở nền văn minh cổ đại, người ta nhìn lên bầu trời để nhận biết những đơn vị thời gian lớn. Năm là thời gian cần thiết để Trái đất hoàn thành một vòng quay xung quanh mặt trời; tháng là khoảng thời gian cần thiết mặt trăng quay quanh hết hành tinh chúng ta; tuần là khoảng thời gian của 1 trong 4 giai đoạn Mặt trăng quay quanh Trái đất; và ngày là thời gian trái đất quay một vòng trên chính trục của nó.
Chia ngày thật không đơn giản. Giờ và phút có nguồn gốc phải truy ngược trở lại hàng nghìn năm.
 
Di sản của người Sumerian - Hệ thống số
Di sản của người Sumerian - Hệ thống số
Trong nền văn minh cổ người Sumerian cách đây khoảng 5.000 năm trước, con số 60 lần đầu tiên được sử dụng. Họ cũng là người phát minh ra hệ thống đo thời gian mà sau này chúng ta đã chia ngày thành giờ, phút và giây.
Thời kỳ đó, người Sumerian đã sáng tạo ra chữ viết và toán học đơn giản, họ sử dụng những hệ thống số học khác nhau. Trong khi chúng ta sử dụng hệ thập phân (10) thì nền văn minh này sử dụng hệ thập nhị phân (12) và hệ lục thập phân (60). Không thể biết lý do chính xác tại sao họ lại chọn những hệ thống số học này, nhưng có một vài lý thuyết:
Nhiều nền văn hóa cổ đại, người ta sử dụng 3 đốt của mỗi ngón tay để đếm đến 12 trên một bàn tay, Georges Ifrah đã trong cuốn sách "Lịch sử thế giới số " (Wiley, 2000; dịch bởi David Bello). Trong cuốn sách đưa ra giả thuyết số 60 xuất phát từ việc sử dụng 5 ngón tay của 1 bàn tay với 12 đốt ngón tay trên bàn tay còn lại.
12 là con số quan trọng đối với người Sumerian, và tiếp đến là tới văn minh Ai Cập. Ví dụ, 12 là số lượng chu kỳ mặt trăng trong một năm và là số lượng chòm sao cung hoàng đạo. Ngày và đêm từng được chia thành 12 giai đoạn, và sau là 1 ngày được chia thành 24 giờ.
Chúng ta có thể hiểu phân số thập phân 1/3=0,333… nên có thể chia 10 cho 3 nhưng người Sumerian thì lại không có khái niệm như vậy. Với họ hệ lục thập phân (60) mới có thể giải quyết được vấn đề này.
Kim phút
Kim phút và giây dùng để đọc thời gian hàng ngày cùng với sự ra đời của đồng hồ cơ khí lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu vào cuối thế kỷ 14.
Theo David S. Landes, trong “cuộc cách mạng thời gian” ( Belknap, 1983), nhà thiên văn học của thế kỷ 16 bắt đầu cải thiện phút và giây của đồng hồ để đọc thời gian ngày thay vì mặt trời.
Tycho Brahe, kỳ tài thiên văn học thế kỷ 16, là người tiên phong sử dụng phút và giây, và có khả năng thực hiện các phép đo chính xác chưa từng có.
Năm 1609, Johannes Kepler xuất bản định luật chuyển động của các hành tinh dựa trên những dữ liệu của Brahe. 70 năm sau, Isaac Newton sử dụng các định luật này để phát triển thuyết vạn vật hấp dẫn; cho thấy chuyển động vật thể trên mặt đất và các thiên thể trên bầu trời bị chi phối bởi các định luật toán học giống nhau.
Thu Hồng
Theo Livescience
______

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

ST tại Dân Trí về liên thông ngược

Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học... trung cấp

Tại các trường trung cấp, số thạc sĩ, cử nhân theo học ngày càng đông. Quá trình “liên thông ngược” này cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo đại học hiện nay.

Lê Thu Hòa, quê Nghệ An, tốt nghiệp hệ CĐ ngành kế toán tại một trường ĐH ở TPHCM nhưng sau nhiều tháng chờ việc, cô quyết định đăng ký học ngành quản trị nhà hàng của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. Cũng dự tuyển vào trường này, thí sinh Nguyễn Hồng Phước cho biết đã tốt nghiệp hệ CĐ ngành quản trị kinh doanh tại một trường ĐH, tuy đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng không có hồi âm nên quyết định chuyển hướng.
30% liên thông ngược
Ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, khoảng 600 người có bằng ĐH, CĐ, thậm chí thạc sĩ - chiếm khoảng 30%. Ông Trần Văn Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hầu như những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp đều đang thất nghiệp và không thiếu ngành nghề nào.
Thạc sĩ, cử nhân ồ ạt học... trung cấp
Thí sinh tham gia phỏng vấn trong đợt tuyển sinh của Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.
Tại nhiều trường trung cấp khác, tỉ lệ những người đã có bằng ĐH, CĐ cũng chiếm 20%-30%. Ông Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt - cho biết năm 2011 có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ.
Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho biết mỗi năm, trường chỉ tuyển 1.000 học sinh nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ. Họ đã tốt nghiệp ở đủ ngành nghề và rất nhiều học viên tốt nghiệp các trường ĐH công lập...
Đại diện nhiều trường cho biết những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm quay lại học trung cấp ở những ngành nghề phù hợp hơn, dễ tìm việc làm hơn.
Hiện chưa có thống kê cụ thể từ phía ngành chức năng nhưng thực tế, những người đã có bằng ĐH, CĐ quay lại học trung cấp, học nghề ngành càng nhiều. Hiện tượng này được ví von là quá trình “liên thông ngược” hoặc “học viên sau ĐH”.
Hệ quả của đào tạo ĐH, CĐ tràn lan
Theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quý IV/2013, cả nước có thêm 72.000 lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ tiêu vào ĐH tăng theo từng năm. Thực tế này khiến không ít người xót xa.
Ông Đặng Văn Sáng tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Nhiều người trong số đó đang ôm theo cả một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được.
Sở dĩ có tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng hệ ĐH, CĐ tăng quy mô tuyển sinh khiến số lượng người theo học hệ này ngày càng nhiều nhưng không cần tính đến nhu cầu nhân lực thật sự mà xã hội đang cần. Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, chỉ ra rằng năm 2014, chỉ tiêu vào ĐH là trên 400.000, CĐ trên 280.000 và hệ TCCN dự kiến 300.000. Nếu tính thêm chỉ tiêu các hệ vừa làm vừa học, liên thông ở các trường ĐH, CĐ và chính quy trong các trường CĐ, trung cấp nghề... thì có gần 1,1 triệu chỉ tiêu. Như vậy, với tỉ lệ 70% ĐH, CĐ và TCCN 30% thì tỉ lệ cơ cấu này hoàn toàn không hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Ngoài ra, tâm lý chuộng bằng cấp và công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân của sự lệch hướng. Ông Lê Lâm cho rằng chính công tác hướng nghiệp thời gian qua chưa tốt nên trong việc chọn ngành nghề, học sinh vẫn chạy theo ngành “hot”, ngành dễ học chứ không phải chọn theo năng lực. Tình trạng ngồi nhầm ĐH xảy ra nhiều năm, với nhiều sinh viên nên chuyện những cử nhân, kỹ sư thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp với quyết tâm làm lại cuộc đời ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề nhức nhối.
Ông Đặng Văn Sáng nhìn nhận ở tầm vĩ mô, trong tương lai gần phải xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu  các ngành nghề, loại hình để Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh sự lãng phí như hiện nay. 
“Học tập là chuyện suốt đời nhưng việc có đến hàng chục triệu người tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp rồi quay lại học trung cấp, học nghề hẳn chỉ có ở Việt Nam” - một chuyên gia giáo dục nhận định.

Theo Huy Lân
Người Lao Động

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

ST : Bắc Ninh ngày hội đọc sách

Ngày hội đọc sách tỉnh Bắc Ninh lần thứ III – năm 2014 với chủ đề “Trang sách chắp cánh ước mơ”
Tại Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội đọc sách tỉnh Bắc Ninh lần thứ III – năm 2014 với chủ đề “Trang sách chắp cánh ước mơ”. Đây là hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ Nhất (21-4) và Hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4).
GS Sử học Lê Văn Lan trò chuyện với học sinh trường Tiểu học Suối Hoa tại Thư viện tỉnh trong Ngày hội đọc sách.

Ngày hội đọc sách là dịp để bạn đọc tìm hiểu, tiếp cận với sách báo và khám phá thêm nhiều điều kỳ diệu còn chứa đựng trong kho tàng văn hóa tri thức của nhân loại. Ngày hội đọc sách tỉnh Bắc Ninh diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như: Trưng bày, giới thiệu sách báo, tư liệu; trao tặng sách và thẻ đọc của Thư viện tỉnh cho bạn đọc; một số bạn đọc cũng tặng Thư viện tỉnh những cuốn sách tâm huyết của mình…
Nội dung chính của ngày hội đọc sách năm nay là buổi nói chuyện chuyên đề do GS Sử học Lê Văn Lan là diễn giả. Với cách kể chuyện thân mật, gần gũi và sinh động, GS sử học Lê Văn Lan cung cấp tới bạn đọc nhiều tư liệu và kiến thức bổ ích về một số nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Bắc Ninh như: Kinh Dương Vương, Lý Thái Tổ, Trần Quốc Toản, Lê Văn Thịnh.
Đi sâu phân tích, tìm hiểu các chi tiết lịch sử, GS. Lê Văn Lan  giúp độc giả của Thư viện Bắc Ninh hiểu thêm về nguồn gốc lịch sử của Ngày Giỗ tổ (10-3 âm lịch); giải thích ý nghĩa những tên gọi của Vua Lý Thái Tổ như: Lý Công Uẩn, Lý Đại Hành, Lý Thuận Thiên; cung cấp thêm tư liệu về địa điểm, thời gian và bối cảnh lịch sử mà vị tướng trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản – một người con kẻ sặt (ngày nay là Trang Liệt, Từ Sơn) đã hy sinh khi mới 18 tuổi vào mùa hè năm 1285 tại khu vực Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh).
Tin, ảnh: T.C

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

ST Để biết thêm về quê hương Thuận Thành

Ba pho tượng Tam Thế - bảo vật quốc gia

09h05 | 17/01/2014
Nói về ba pho tượng đá cổ chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự), đều có niên đại vào đầu thời Trần – TK XIII, các pho tượng đều có sắc tướng và tư thế của tượng Tam Thế trong tòa Tam Bảo chùa và được tạo tác bằng đá xanh, nhìn tổng thể gồm 3 phần: Bệ tượng, tòa sen và thân tượng. Phần đế (bệ tượng) gồm 3 bậc, phần tòa sen có 3 lớp cánh sen. Các tượng đều làm theo kiểu phật ngồi xếp bằng tròn trên đài sen. 

Toàn bộ các cấu trúc đó đặt trên bệ đá ba bậc (cao 60 cm). Tượng thấp nhất với phong cách điêu khắc thế kỷ 15, còn bệ lại tương tự với các bệ sớm hơn trong khoảng thế kỷ 11 – 14. Trong đó trạm khắc của 1 bệ rất gần gũi với trạm khắc bệ tượng A di đà ở chùa phật tích. Với lối trang trí dày đặc hoa văn như đăng ten của nghệ thuật phật giáo đầy tính viên mãn thời Lý.


Ba pho tượng đá Tam Thế chùa ngọc Khám là loại tượng xuất hiện từ thời Trần gồm: A di đà: cao 1,37m, bệ cao 0.94m. Thích ca: cao 1,37m, bệ cao 1.02m. Di lặc: cao 1,40m, bệ cao: 1,09m. Các pho tượng tạo hình rất thống nhất: thế ngồi Y - ô - ga cân bằng, tay ở các tượng có thay đổi, hoặc đặt bằng, hoặc giơ cao ngang ngực, khuôn mặt bầu bĩnh hơi mỉm cười trong tinh thần phẳng lặng. Những lớp áo xao động choàng sát lấy thân, các trạm khắc trang trí trên ngực và y phục rất chi tiết và gợi cảm nhẹ nhàng trên cơ thể, làm theo truyền thống điêu khắc thời Lý. Bệ tượng gồm đài sen nở khối, phần giữa có khối tròn trạm rồng nổi cao, phần bệ để dưới cùng. Bệ của 2 tượng đầu là khối bát giác 3 cấp, tượng sau là khối hợp chạm ba via cánh sen. 

Những mô típ trang trí phủ kín các thành bệ tượng như: rồng, hoa sen, hoa cúc, dương xỉ…phối hợp với nhau dày đặc, xoắn và biến đổi nhiều, rồi triệt tiêu hướng vận động của nhau gây cảm giác sống động mà tĩnh tại, tinh thần cân đối, sinh động một cách trung thực của nghệ thuật thời Lê sơ (thế kỷ 15) đã quy chiếu các tác phẩm điêu khắc này – như những hình ảnh lẻ loi của một thời đại nghệ thuật đã từ lâu chìm trong dĩ vãng.

Chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự) xưa thuộc thôn Ngọc Khám, tổng Tam Á, huyện Siêu Loại, phủ Thuận thành. Nay thuộc Khu phố Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Tỉnh Bắc Ninh. Chùa Linh Ứng nằm ở trung tâm của xã Gia Đông, sát đường tỉnh lộ 282, mặt quay hướng đông nam.Theo văn bia “ Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi ký” dựng năm 1613 do tiến sỹ Đỗ Quốc Dương, soạn: chùa Linh Ứng, có từ triều Trần, là một trong những danh lam cổ Tự với quy mô lớn trong vùng Dâu-Luy Lâu. Đến thời Lê, có thượng tướng quân-Kim Ngô và Lê Đình Chất bỏ tiền ra tu sửa. Năm 1612 làm gác chuông, dựng một tấm bia đá, trùng tu tiền đường, hậu đường, thiêu hương, cửa tam quan, 28 gian hành lang và trùng tu tượng Phật 37 pho. Đến ngày 19 tháng 11 năm 1612 khai quan khánh thành công trình “Đại Pháp” này.

Căn cứ vào văn bia dựng năm 1768 và câu đối có dòng chữ Hán niên hiệu Tự Đức 1849, thì chùa Linh Ứng đã được trùng tu, sủa chữa nhiều lần, gần đây nhất là năm1849.

Năm 1947 chùa Ngọc Khám( Linh Ứng tự) bị thực dân pháp phá bỏ chỉ còn lại ba pho tượng Tam Thế bằng đá xanh nằm lại trên nền chùa cổ và một bia đá đặt trên lưng Rùa : “ Trùng tu Linh Ứng tự các chung bi ký” khắc năm 1613.

Ngôi chùa Linh Ứng hiện nay đang tồn tại được tái dựng lại vào năm 1986, gồm các công trình như: Tam Bảo, Tam Quan và hai dẫy nhà hành lang, mỗi bên 6 gian. Tòa Tam Bảo kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 5 gian Tiền Đường và 3 gian Thượng Điện, các công trình mới được tái dựng lại đều mang một đặc điểm chung của phong cách kiến trúc truyền thống. Trong chùa hiện thờ, ngoài ba pho tượng đá Tam Thế  còn lại từ cổ xưa, nhân dân địa phương cũng đã bổ sung thêm một số pho tượng mới chất liệu tạo tác bằng gỗ và các đồ thờ tự khác do khách thập phương công đức…

Ngoài cổng chùa, phía bên phải có một tấm bia đá khá lớn đặt trên lưng con rùa cao 2m, rộng 1m35, dầy 0,25 cm, Với nội dung ghi: “Trùng tu Linh ứng tự các chung bi” tức là bia trùng tu gác chuông chùa Linh ứng, dựng năm Hoàng Định thứ 13 (1613) đời vua Lê Kính Tông (1599 – 1619).

Ba pho tượng đá cổ xưa và khu di tích chùa Ngọc Khám ngày nay đã được nhà nước công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1981 và vào cuối năm 2013- Ba pho tượng đá Tam Thế chùa Ngọc Khám – Thuận thành – Bắc ninh đã được thủ tướng chính phủ ban hành quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Hiện nay ba pho tượng đá Tam Thế – bảo vật quốc gia có giá trị nghệ thuật đặc biệt này đã được nhân dân Ngọc Khám, xã Gia Đông và các ngành chức năng huyện Thuận thành, tỉnh Bắc Ninh bảo vệ chu đáo và tạo dựng cảnh quan khu vực di tích LSVH chùa Linh Ứng ngày một khang trang, tố hảo phục vụ cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng quanh năm, đặc biệt là dịp lễ hội xuân đầu năm và lễ hội chùa Ngọc Khám (Linh Ứng tự) vào ngày mồng 7 tháng tư (Âm lịch) hằng năm. Không gian và thời gian ngày hội chùa đã được thể hiện, gắn liền với tâm thức của người dân trong vùng qua các câu ca xưa: “ Mồng bẩy hội Khám, mồng tám hội Dâu, mồng chín đâu đâu thì về hội Gióng…” Và “ Lâm râm hội Khám, u ám hội Dâu, nắng vỡ đầu hội Gióng…”.

Lễ hội chùa Ngọc Khám được tổ chức cùng dịp hội Dâu - với lễ thức rước Phật Tứ Pháp của nhân dân vùng Dâu – Luy Lâu xưa, nên đã thu hút được nhiều du khách đến tham quan, lễ Phật và đặc biệt để một lần được chiêm ngưỡng cổ vật “Ba pho tượng đá Tam Thế - Bảo vật quốc gia Việt Nam” tại khu di tích LSVH chùa Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nho Thuận

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

ST tại TVN để hiểu thêm về bệnh sởi

Chuyên gia: "Phải tin Bộ Y tế!"

Đừng nên chỉ hướng sự chú ý của dư luận vào bi kịch của những gia đình có con mắc bệnh, đừng nên chỉ tìm cách công kích Bộ Y tế. Cái chúng ta cần nhất là những đứa trẻ cần được khỏi bệnh - GS.TS Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới chia sẻ.
Dịch sởi không có biến chủng
Thưa GS Lê Đăng Hà, các phát ngôn của Bộ y tế trong các cuộc họp báo gần đây và của nhiều chuyên gia khác cứ luẩn quẩn trong việc nên công bố dịch sởi hay chỉ cần thông báo về bệnh này. Là người có có nhiều kinh nghiệm trong ngành lây nhiễm, quan điểm của ông thế nào?
Thời điểm này chuyện công bố dịch hay không công bố dịch không phải là vấn đề mấu chốt. Nếu công bố dịch, ta sẽ huy động được toàn bộ hệ thống chính quyền, các cơ quan nhà nước đều phải có trách nhiệm tuyên truyền. Còn thì Bộ Y tế dù có công bố dịch hay không vẫn phải làm đúng trách nhiệm của mình: phòng và điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh Sởi thường xảy ra vào mùa Đông - Xuân, theo chu kỳ 3 -5 năm lần. Nếu số lượng các ca mắc Sởi đã giảm theo đúng quy luật mùa, thì tuyên bố dịch lúc này là không cần thiết nữa. Nếu có làm thì nên làm từ 1-2 tháng trước.
Quan trọng bây giờ là dứt khoát điều trị dứt điểm bệnh, thống nhất phác đồ điều trị đúng để không có thêm những trường hợp tử vong mới.
Nhưng như phản ánh ở Bệnh viện Nhi Trung Ương thì số ca mắc Sởi nhập viện không có dấu hiệu giảm?
Cái đó chúng ta nên tin thống kê của Bộ Y tế. Khi tôi còn là Viện trưởng Bệnh viện các bệnh Nhiệt đới, tôi rất hiểu điều này. Mỗi bác sĩ ở bệnh viện chỉ nhìn thấy tình trạng bệnh nhân ở viện mình, chứ không có cái nhìn bao quát cả nước. Chúng ta không thể dự đoán tình hình dịch bệnh theo kiểu "thầy bói xem voi". Phải tin Bộ Y tế.
hBộ Y tế, dịch sởi, thông tin
  Dịch sởi đang ở đỉnh điểm. Ảnh: Kiến thức
Số bệnh nhân nhi tử vong lên tới trên 110 trẻ theo ông có phải là bất thường?
Theo "Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm" thì tỉ lệ mắc bệnh Sởi của chúng ta đã giảm từ 91/100.000 dân (năm 1986) xuống còn 2,35/100.000 dân (năm 2006), dịch Sởi có thể vẫn xảy ra, nhưng với quy mô cực nhỏ so với khi chưa có vắc xin.
Việt Nam cũng đã cam kết với WHO là sẽ thực hiện các chiến lược loại trừ Sởi vào năm 2017 với tỉ lệ mắc Sởi không quá 1/1.000.000 dân. Nói như vậy để thấy việc tiêm vắc xin đã hạn chế được căn bệnh này hiệu quả như thế nào, nên số người mắc Sởi và số trẻ tử vong do Sởi trong những tháng Đông - Xuân vừa qua là vô cùng bất thường.
Nhưng thay vì kết tội cho biến chủng, trước hết chúng ta cần nhìn lại những vấn đề sau:
Thứ nhất, sau khi vắc xin phòng Sởi được phổ biến rộng rãi, bệnh Sởi đã giảm rất nhiều, nay tự nhiên lại bùng lên như thế, thì đó là dấu hiệu rất đáng lo trong vấn đề tiêm chủng. Nguồn lây của Sởi rất khó ngăn chặn. Bệnh Sởi lây từ lúc chưa có những triệu chứng rõ rệt, khi người mắc bệnh vẫn đang trong thời gian ủ bệnh. Đến lúc phát ban thì mới cách ly thì đã muộn. Nên cách duy nhất để phòng chống bệnh Sởi hiệu quả vẫn là tiêm chủng.
Nếu chúng ta thực hiện đủ những bước sau: Tiêm đủ 2 mũi lúc 9 tháng và 18 tháng tuổi; nhiệt độ bảo quản vắc xin chuẩn là 2 -10oC, nhưng lý tưởng nhất là 8oC; vacxin sau khi đã pha nước cất sẽ không được phép sử dụng sau 8 tiếng thì tỉ lệ trẻ mắc bệnh Sởi sẽ là cực thấp.
Vậy mà số ca mắc Sởi lại tăng đột biến trong mấy tháng vừa qua thì chúng ta bắt buộc phải đặt câu hỏi: Có đúng là tỉ lệ tiêm vắc xin là 99% hay đó chỉ là con số ma mà các địa phương báo cáo Bộ Y tế? Vacxin đưa về các địa phương có được bảo quản theo đúng quy định hay không? Nếu đúng thì không có lý do gì dịch Sởi bùng phát.
Việc đợt dịch Sởi này xảy ra sau những rùm beng về vắc xin năm 2013 cũng là điều đáng lo ngại. Tôi không có con số cụ thể về số trẻ ở từng độ tuổi cụ thể nhiễm bệnh, nhưng nếu những trẻ đó không được tiêm đủ 2 mũi vắc xin do bố mẹ lo ngại vắc xin gây sốc phản vệ thì đó sẽ là chuyện hết sức đáng lo mà chúng ta cần phải đặc biệt chú ý để tuyên truyền cho người dân.
Vậy ý ông là để dịch Sởi bùng phát và gây tử vong cao như thế này là do những nguyên nhân vừa nói trên? Tai sao ông không tính đến phương án biến chủng Sởi?
Tôi đã chữa cho không dưới 10.000 bệnh nhân Sởi. Tôi khẳng định là không có biến chủng. Ở miền Nam cũng có Sởi, nhưng không có trường hợp tử vong. Các bệnh viện ở Hà Nội để xảy ra tử vong quá nhiều thì chỉ có hai vấn đề: bệnh nhân được đưa đến quá muộn, điều trị không đúng cách và quá tải dẫn đến lây chéo. Những triệu chứng của các bệnh nhân Sởi tử vong đợt vừa qua hầu như đều là do bội nhiễm phổi và viêm não chứ không có biến chủng nào cả.
Có một điều này mà tôi nghĩ chúng ta cần lo lắng, đó là bệnh Sởi đã khá lâu không xuất hiện hoặc xuất hiện khá lẻ tẻ. Nhiều bác sĩ không có kinh nghiệm chữa bệnh Sởi, nên có thể dẫn đến cách điều trị không đúng, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Hiện nay chúng ta dùng qúa nhiều loại kháng sinh, nên tôi cũng lo rằng có thể chúng ta đã chọn loại kháng sinh không phù hợp cho việc điều trị với những biến chứng viêm phổi ở trẻ do bội nhiễm. Cái này các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nắm rõ hơn. Bộ Y tế nên có những phác đồ điều trị cho các bác sĩ để họ ứng phó. Tôi nhấn mạnh là không có ý nói các bác sĩ hiện nay kém, mà là có thể là họ chưa có kinh nghiệm, vì bệnh Sởi không phải là bệnh thường gặp nhiều năm gần đây.
Ông có thể chỉ cho các ông bố, bà mẹ biết làm thế nào để phân biệt được thế nào là Sởi nặng và Sởi nhẹ để kịp thời đưa con đến bác sĩ trước khi quá muộn?
Bệnh Sởi bao giờ cũng mọc từ đỉnh trán rồi lan dần xuống toàn thân. Ngày thứ nhất mọc đến cổ, ngày thứ hai mọc đến ngực, ngày thứ ba mọc đến tay, ngày thứ tư mọc ở chân. Nếu không mọc đúng theo theo quy tắc này thì không phải là Sởi.
Nếu Sởi mọc hết ra ngoài, mọc dầy thì có nghĩa là Sởi nhẹ, không nguy hiểm, sau đó người mắc bệnh sẽ tự khỏi. Nếu các nốt Sởi chỉ mọc lưa thưa, hay mọc nửa người mà không lan xuống chân, đó chính là biểu hiện đáng lo. Lúc đó sẽ cần phải đưa trẻ đi khám xem có bị sốt cao không, có vấn đề gì về phổi không. Nếu sau 5 ngày, trẻ đã hạ sốt mà bỗng nhiên sốt trở lại, thì hoặc là viêm tai, hai là viêm phổi, chắc chắn có biến chứng.
Bỏ tiêm vacxin có thể là nguyên nhân dịch
Bộ Y tế, dịch sởi, thông tin
GS.TS Lê Đăng Hà. Ảnhr: Lan Hương
Bệnh sởi như ông nói là căn bệnh "cổ điển", không xa lạ. Vậy tại sao nó lại gây ra hậu quả nghiêm trọng với số trẻ tử vong nhiều bất thường, gây hoang mang, hoảng hốt cho chúng ta như hiện nay?
Bộ Y tế sẽ phải xem lại vấn đề tuyên truyền về bệnh Sởi cho người dân, để họ hiểu bệnh Sởi có thể biến chứng. Và khi sốt thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Nhưng quan niệm dân gian của mình hay có thói quen chữa Sởi ở nhà bằng hạt mùi chẳng hạn, cộng với việc chăm sóc, kiêng khem không đúng cách, đến khi trẻ viêm phổi rồi mới đưa vào bệnh viện, thì đến lúc đó khó cứu chữa, mà biến chứng phổi là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ.
Khi bị Sởi, đường hô hấp của trẻ bị tổn thương, dễ dẫn đến bội nhiễm gây ra viêm phổi, nhất là với trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa tốt sẽ dễ dẫn đến tử vong.
Có một vấn đề là nhiều người dân tập trung đưa con về các bệnh viện tuyến Trung ương, mà bệnh viện Nhi là điển hình, khiến cho cái mà họ nhìn thấy càng kinh khủng hơn. Truyền thông trong cách đưa tin, phản ánh tình hình, cũng khiến cho người dân hoang mang.
Thú thật ngay cả tôi là bác sĩ chuyên ngành lây nhiễm, sống chung với Sởi từ thời chiến tranh đến giờ, điều trị không dưới 10.000 ca Sởi, nhưng cứ đọc báo, xem đài như mấy ngày qua, tôi cũng thấy hoảng. Người dân không có kiến thức y khoa, sẽ còn hoảng hốt đến nhường nào với cách phản ánh một chiều của truyền thông, chỉ nói đến hậu quả chứ không nói đến cách giải quyết, chỉ lên án và tìm cách quy kết trách nhiệm chứ không đưa ra  biện pháp.
Thú thật ngay cả tôi là bác sĩ chuyên ngành lây nhiễm, sống chung với Sởi từ thời chiến tranh đến giờ, điều trị không dưới 10.000 ca Sởi, nhưng cứ đọc báo, xem đài như mấy ngày qua, tôi cũng thấy hoảng. Người dân không có kiến thức y khoa, sẽ còn hoảng hốt đến nhường nào.
Đừng nên chỉ chăm chăm đưa tin về tình hình hỗn loạn ở bệnh viện, đừng nên chỉ hướng sự chú ý của dư luận vào bi kịch của những gia đình có con mắc bệnh, đừng nên chỉ tìm cách công kích Bộ Y tế. Chúng ta quên mất một điều rằng, cái chúng ta cần nhất là những đứa trẻ cần được khỏi bệnh.
Truyền thông cũng mắc lỗi này trong vụ vacxin Quinvaxem và vụ vacxin ở Quảng Trị. Hậu quả là nhiều đứa trẻ không được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không được tiêm đủ hai mũi vì sự hoảng sợ của cha mẹ trước những thông tin đáng sợ đọc trên báo mỗi ngày.
Chúng ta làm người dân chỉ để ý đến việc đã có trẻ tử vong vì tiêm vacxin rồi quy tội cho vacxin, mà khiến họ quên mất rằng tỷ lệ bị sốc phản vệ là đương nhiên có ở cả những quốc gia có nền y tế hiện đại hơn nhiều; nhưng ngoài chuyện đó ra thì phần lớn những đứa trẻ sẽ được bảo vệ khỏi bệnh dịch.
Việc không đi tiêm vắc xin có thể là một trong những nguyên nhân gây ra đợt dịch Sởi này. Và nếu vẫn còn tâm lý không cho con đi tiêm vắc xin vì e sợ, thì việc xuất hiện những đợt dịch khác, nghiêm trọng hơn, với hậu quả nặng nề cũng sẽ là điều không có gì phải ngạc nhiên.
GS. TSKH Lê Đăng Hà tốt nghiệp Trường Lômônôxốp (Matxcova). Về nước, ông được bổ nhiệm là Bí thư Đảng ủy- Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng ban điều trị và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới.  Hiện ông đã nghỉ hưu. Năm 2003, GS Lê Đăng Hà cùng các cộng sự của mình lập một kỳ tích là chặn đứng dịch SARS đã từng lan ra toàn cầu. Ngày 21/10/2009 Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Lan Hương(Thực hiện)


    Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

    ST : Để cẩn thận hơn khi sử dụng thùng sơn đựng đồ ăn

    Dễ ung thư khi lấy thùng sơn đựng đồ ăn

    Những chiếc thùng sơn, sau khi sử dụng hết, sẽ được đánh rửa và tái sử dụng lại để đựng đồ ăn, muối dưa cà. Nhiều bà nội trợ nghĩ rằng việc chỉ sử dụng thùng sơn để chế biến đồ nguội sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng thực tế lại khác.
    Thùng sơn đa năng
    Theo khảo sát của PV, hầu hết các địa điểm bán dưa cà, đậu phụ tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Nhà Xanh, Nghĩa Tân, Gia Lâm, Ngọc Lâm,... đều dùng vỏ thùng đựng sơn để muối dưa cà, ngâm đậu phụ bán hàng ngày. Chỉ khi bày bán trên quầy kệ, các chủ hàng mới cho vào các hộp nhựa trong hoặc hộp thủy tinh để bắt mắt khách hàng.
    Một người bán dưa cà muối tại khu chợ nhỏ trên đường Hoàng Như Tiếp (Long Biên, HN) cho biết: "Hàng ngày tôi bán cả chục cân dưa muối. Bán ít thì có thể muối bằng đồ sành sứ, chứ nhiều thì phải dùng thùng nhựa cỡ lớn để muối. Nhà tôi vừa xây nhà nên có nhiều thùng đựng sơn, đánh rửa sạch sẽ để sử dụng. Vì loại thùng này rất dày, bền, sử dụng được lâu... ".
    thùng-sơn, muối-dưa-cà, nguy-hại-sức-khỏe, thực-phẩm, bà-nội-trợ, chợ
    Thùng sơn cũ được người dân trưng dụng để thực phẩm
    Khi PV tỏ ý băn khoăn, chị bán hàng nhanh miệng: "Ôi dào, hơn chục năm bán dưa cà, chưa bao giờ tôi nghe khách hàng nào kêu ca, phàn nàn về chất lượng. Nói độc thì bây giờ cái gì mà chả độc. Loại nhựa màu mè mới sợ, chứ thùng sơn bên trong được đánh trắng bóng thì sao mà độc được. Bình thủy tinh cũng chỉ là để đựng dưa, cà đã muối ở thùng sơn chứ làm hàng bán có ai muối bằng bình thủy tinh". 
    Ở các chợ, nhiều hàng bán đậu phụ cũng dùng thùng sơn để bảo quản đậu, người bán cũng khẳng định: "Ai bán đậu chẳng đựng trong thùng sơn, miễn là nó được đánh rửa sạch sẽ".
    Tại nhiều quán cơm bình dân, thùng sơn cũng được dùng để đựng nước canh. Theo chủ quán cơm, đồ dùng bằng nhựa vừa nhẹ, tiện dụng, bền giá thành lại rẻ “Một cái thùng sơn đựng được cả nồi canh lớn, vừa tiện, nhìn cũng đẹp mắt. Cái thùng sơn nhà tôi dùng hơn năm rồi mà vẫn còn tốt. Tôi định tìm mua thêm vài cái nữa về muối dưa, cà để làm hàng...”.
    Không chỉ có hàng bán dưa cà, đậu phụ đựng trong thùng sơn mà khá nhiều các cửa hàng bán đồ ăn cũng dùng thùng sơn, hoặc xô chậu nhựa để đựng. Nhiều chủ cửa hàng được hỏi đều trả lời rằng đồ nhựa đựng thức ăn rất tiện và bền, sử dụng đồ nhựa chỉ bạc màu chứ không hỏng, trong khi đựng đồ sành sứ rất bất tiện vì mang vác nặng lại dễ bị vỡ.
    Không chỉ được dùng ở các hộ kinh doanh, nhiều gia đình cũng dùng thùng sơn để bảo quản thức ăn.
    thùng-sơn, muối-dưa-cà, nguy-hại-sức-khỏe, thực-phẩm, bà-nội-trợ, chợ
    Chuyên gia cảnh báo có nhiều nguy hại đối với sức khỏe khi tái sử dụng thùng sơn cũ đựng đồ ăn
    Chị Ngọc (Gia Lâm, HN) cho biết: “Chồng tôi làm cai thầu xây dựng, xin được rất nhiều thùng sơn về tái sử dụng. Loại thùng này rất bền, tôi đánh rửa sạch sẽ rồi dùng để đựng gạo, chứa đồ ăn khô và chứa nước,... Ở quê tôi nhiều nhà dùng loại thùng sơn này để muối dưa cà. Toàn là để đựng thực phẩm không nóng nên chắc không lo ảnh hưởng đến sức khỏe”.
    Chuyên gia cảnh báo có nhiều nguy hại đối với sức khỏe khi tái sử dụng thùng sơn cũ đựng đồ ănChuyên gia cảnh báo có nhiều nguy hại đối với sức khỏe khi tái sử dụng thùng sơn cũ đựng đồ ăn
    Tim mạch, hệ tiêu hóa... đều có nguy cơ mắc bệnh
    Các chuyên gia nghiên cứu vật liệu Polyme đã phân tích, thùng sơn là thùng nhựa, sơn có một số thành phần hóa chất ngấm vào thùng nhựa khiến nhựa này không có độ an toàn cao. Đặc biệt, dưa cà muối là loại chứa axit mạnh, khi ngâm thực phẩm lâu thì sẽ tích lũy chất độc ngấm vào thực phẩm.
    Theo GS. TSKH Trần Vĩnh Diệu (Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), trong các đồ nhựa dân dụng, nhựa tái chế như thùng sơn, xô, chậu nhựa… có chứa các chất xúc tác từ quá trình chế tạo. Ngoài ra còn có cả các phẩm màu hữu cơ, khi đựng thức ăn với nhiệt độ cao sẽ gây biến đổi và tạo nhiều độc tố.
    GS Diệu còn cho biết: “Trong vỏ thùng sơn còn tồn dư một số hoá chất như chất chống nhũ hoá, chống đông lắng. Khi ngâm thực phẩm lâu trong các vỏ thùng sơn này, các chất độc hại sẽ được hoà tan và ngâm vào thực phẩm. Nếu sử dụng với thời gian dài, những tạp chất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá, tim mạch, thần kinh và nguy cơ gây ung thư.
    (Theo VietQ)

    Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

    ST : RẠNG RỠ MỘT BẮC NINH



    RẠNG RỠ MỘT BẮC NINH

                                                                                                     Tuỳ bút - Băng Sơn
    Bắc Ninh nằm ở khoảng nào trong đất nước? Câu hỏi có vẻ kỳ cục, buồn cười và hơi ngớ ngẩn. Xin thưa: Không đâu. Ai chẳng biết Bắc Ninh thuộc Kinh Bắc ngày xưa, một trong tứ trấn quanh kinh thành Thăng Long về bốn phía: Đông, Đoài, Nam, Bắc tức tỉnh Đông là Hồng Châu, Đoài là trấn Sơn Tây, Nam là Sơn Nam và Bắc là Kinh Bắc. Có thời Kinh Bắc còn lên tít Bắc Giang, Đồng Mỏ và ăn xuống Đông Ngàn, sát kinh thành. Cao Bá Quát sinh ra vùng Keo Sủi vẫn là Kinh Bắc. Nguyễn Công Hoan, Tô Hiệu sinh ra nơi Huê, nay thuộc Hưng Yên, nhưng ai chẳng biết câu ca:
    Ai về Đồng Tỉnh Huê Cầu
    Để thương để nhớ để sầu cho ai.
    Huê Cầu chính là Xuân Cầu nằm ven đường quốc lộ số 5. Cụ Hạ Bá Cang tức nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt chính là người quê Đáp Cầu (chứ không phải Xuân Cầu hay Huê Cầu), dòng họ Hạ Bá rải ra khắp nước và Đáp Cầu có nhà máy kính đang cung cấp kính cho trăm nơi, ai nhìn xuyên ánh sáng ra ngoài ngôi nhà, ngoài khu siêu thị, ngoài biệt thự lâu đài.... chắc là kính Đáp Cầu góp phần, có mặt....
    Hỏi Bắc Ninh nằm ở đâu chính là muốn trả lời rằng Bắc Ninh không chỉ là một vùng đất có sông Cầu, sông Đuống, có núi Phật Tích, Bách Môn, có chùa Dạm, Tiên Sơn, có bánh Phu Thê Đình Bảng, có núi Thiên Thai, có những con người nổi danh như Lê Quang Đạo của Đình Bảng, Hoàng Cầm của Thuận Thành, Ngô Gia Tự của Tam Sơn, Nguyễn Văn Cừ của Phù Khê v.v... mà Bắc Ninh là vùng nằm sâu thẳm trong lòng người cả nước.
    Từ vùng châu thổ sông Hồng qua thủ đô Hà Nội, kinh đô Thăng Long, ai muốn lên biên cương phía Bắc, làm sao không qua Bắc Ninh mà được? Phi Khanh đi đầy có qua đây? Ngô Thì Nhậm đi sứ phương Bắc có qua đây? Ông thi sĩ tài hoa bất tử Nguyễn Du mang nàng Kiều về làm dâu đất Việt, Việt hoá cho cô, cho cô tên Việt, tính Việt, vóc dáng Việt để đi vào triệu hồn người Việt, có thể nào cáng võng, ngựa xe của ông lại không qua Bắc Ninh, khi chính người sinh ra ông, vợ thứ của quan Tể tướng, thân phụ ông là cô gái vùng Quan họ, cô gái Bắc Ninh trăm phần trăm, cô gái cho ông dòng máu trữ tình thi sĩ. Và biết đâu, ông chẳng dừng chân, nâng chiếc bầu rượ u nấu bằng nếp cái hoa vàng ủ bằng men la hừ ơi ơ cho tấm lưng dài nằm cáng cưỡi ngựa nhiều ngày đỡ mỏi.
    Đã có bao nhiêu triệu người sống trong lòng một vùng Bắc Ninh mấy nghìn năm nay, từ khi đây là bộ Vũ Ninh, có chú bé lên ba, chợt lớn lên thành Thánh Gióng, đánh giặc, vung roi, tre gãy vụn ra khắp cánh đồng để đời sau, tre có nẩy mầm, còn rải rác bao nhiêu khóm tre khắp cánh đồng Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Tiên Sơn, núi Và, núi Bò.... cùng với vết chân ngựa thành hồ ao, có hình tròn như con mắt của đất đai, chơm chớp nhìn con cháu ngàn đời đang sống ra sao... đến nay ta vẫn bắt gặp nhiều chiều.
    Và bao nhiêu triệu người qua đây từ bấy. Bao nhiêu sản vật núi rừng phải vượt Bắc Ninh về với đồng bằng? Bao nhiêu vật phẩm của đồng bằng vượt Bắc Ninh lên miền rừng núi? Bắc Ninh chứng kiến.
    Chắc chắn hàng nghìn năm con đường số một không to rộng, bằng phẳng như ngày nay. Nó cong queo, uốn lượn, nó gập ghềnh khấp khểnh gồ ghề... nhưng Bắc Ninh thì lan toả, bất chấp thời gian, mưa nắng, bão bùng....
    Tại sao cả nước chỉ có một vùng này là Quan họ? Tại sao có đến 49 mà không phải là một, hay hai hoặc con số tượng trưng băm sáu? Có ai người Việt lại không từng nghe một điệu la hừ, một làn Quan họ, cả người trong nước và người xa xứ tha phương lênh đênh chìm nổi? Gốc cây đa, con bướm lượn, cánh bèo dạt, đám mây trôi.... bình dị mà cao vời.... như khúc tre thành cây đàn bầu, gióng trúc thành cây sáo, đoạn lồ ô thành khúc đàn t'rưng, hòn đá thành cây đàn đá Khánh Sơn... người gái Quan họ, liền chị Quan họ đã không là một đêm hội rồi tan, một canh rồi lặn, mà nó đã đọng lại trong triệu hồn người, phải chăng nó đã là viên cát được cấy vào lòng con trai đáy biển để rồi nó trở thàn h viên ngọc trai lấp lánh bẩy sắc cầu vồng.
    Những bãi dài ngô, mía ven con sông Đuống, sông Cầu, con sông đã có nhiều cầu nhưng ai qua Kinh Bắc hình như sóng vẫn vỗ ăm ắp lòng mình, con đò lãng đãng tròng trành, mà chàng ca sĩ Trương Chi không bao giờ nguôi ngoai trong tình sử, thuyền anh còn chìm trong khúc sông Tương nơi cuối làng Đình Bảng, cạnh ngôi đình nguy nga hiếm hoi trên đất Bắc, cạnh bà Lụa ghép cả tên con là Xuân thành bà Lụa Xuân, làm món bánh phu thê lừng danh không ai sánh kịp. Đình Bảng còn đó, tình yêu còn kia, lòng ta đây vẫn vang vọng câu:
    Ngày xưa có anh Trương Chi
    Người thì thậm xấu hát thì thậm hay
    Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây
    Con quan Thừa Tướng ngày rày cấm cung....
    Lời ca đúng là từ Việt cổ, cách nói hoàn toàn Việt, nên ai bảo rằng anh Trương Chi là người Tầu trong chuyện của Tầu thì mặc họ, ta bảo đó là chàng trai Kinh Bắc, Bắc Ninh, cùng với câu ca của thiên tài âm nhạc Văn Cao:
    Ngồi đây ta gõ mạn thuyền ta ca
    Trái đất còn riêng ta...
    và:
    Trách ai khinh nghèo quên nhau
    Đôi lứa bên giang đầu....
    Nhà thơ Vũ Hoàng Chương nổi tiếng một thời, lời lời châu ngọc, sống ở Hà Nội nhưng có cơ sở ở làng Diềm, cao hứng, ông lại đáp tầu lên Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, ghé xuống ga, vào đây để thâu đêm Quan họ, đứng tình cho thơ đẹp mộng đời....
    Lò gốm Phù Lãng đang tắt. Nhưng bao đời, bao nhiêu triệu nấm mồ được cải táng, cát táng, thay áo mới, sang nhà mới.... vào dịp cuối năm, phải nhờ đến chiếc tiểu sành màu gan gà, rắn hơn đá, bền hơn thời gian để đặt vào bộ mới (có cả tiểu của Thổ Hà, tuy là Bắc Giang nhưng nằm kề ngay bên bờ sông Cầu, chỉ một lá đò ngang đã xoá nhoà biên giới hai vùng của một Kinh Bắc chung nhau...)
    Ai làm tương, đặt chum tương nơi gốc cau, gốc mít, ai có chiếc hũ đựng vừng đựng lạc trong buồng, ai có chục bát sành loe miệng.... Phù Lãng là hồn nó đấy.
    Đã bao nhiêu trăm phiên chợ tết làng quê phố huyện, cả chợ tết thị thành, những tờ tranh Đông Hồ được bày ngay trên nền đất chợ, lấy hòn gạch hòn đá đè lên cho gió khỏi bay: tranh Hứng dừa hớ hênh trắng nõn, tranh Đánh nghen nắc nẻ nhịp cười. Tranh đám cưới chuột mèo chuột biếu xén bịt mõm nhau, tranh Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, tranh Gà tranh Lợn, ngữ sắc hay, xoáy âm dương.... Tranh ấy đã đi về đâu? đã in vào tâm khảm hàng trăm thế hệ, cả ông nghè đến thi sĩ, cả cậu bé đẻ tóc trái đào đến cô gái nữ trinh xem mà rúc rích đỏ đôi má trẻ... Tiếc sao nay Đông Hồ hưu hắt thời gian, ván khắc nhện chăng, tro lá tre. vỏ con điệp, quả dành dành để mốc.... Một nỗi buồn như se se heo may làm tâm tư thổn thức như mất một tình yêu không bao giờ còn gặp lại.
    Bắc Ninh ở đâu, về đâu?
    Bắc Ninh đâu chỉ là quê hương đứa trẻ thiếu cha nhưng trở thành ông vua khai sáng một chiều đại huy hoàng. Lý Công Uẩn trở thành Thái Tổ nhà Lý? Công của Bắc Ninh phổ vào tâm hồn nhà sư Vạn Hạnh và Khánh Vân chăng? Cũng chính chàng trai này được vợ ông vua đời trước dâng áo hoàng bào. Mục đích là đánh giặc ngoại xâm đang ngấp nghé chốn biên thuỳ. Và ai khác đều không phải cũng chính ông mở con đường cho thành đại La trở lên Thăng Long sắp vào nghìn tuổi?
    Gần nghìn năm sau, nơi thờ tám vị vua nếu không nói cả Vua Bà Lý Chiêu Hoàng là 9, có một nhà giáo nhân dân, lại cũng là người được phong anh hùng lao động, ông Nguyễn Đức Thìn, hàng ngày nhang khói cho cả nước cùng hướng về chiêm bái, khiến cả mây trên tròi cao cũng đi liền tám khối thành "Bát đế vân du" một điềm báo đẹp.
    Bắc Ninh đồng bằng, nhưng đột khởi núi non. Ai đã qua Gia Bình, lên núi Thiên Thai, ngọn núi đã vào Quan Trèo lên đỉnh núi Thiên Thai.... mà nghe gió sông Đuống quạt lên, mà nghe mây trời đậu vào hàng thông vi vút.... mà nơi chân núi không cao không thấp ấy, còn có ngôi miếu nhỏ. Nhỏ lắm, nhưng vào hồn người thì lại rộng bao la. đó là nơi ông Trạng nguyên đầu tiên, Trạng nguyên khai khoa đời Lý, Lê Văn Thịnh, người trí thức mở đường khoa cử gần nghìn năm trước.... được phụng thờ, với hình tượng một con rồng bằng đá, không duỗi thẳng thân mình mà bay, mà trườn mà bò... ngược lại, tự oằn oại thân mình, quay lưng lại, tự cắn vào thân mình như muốn nói nỗi oan khiên này ai sáng tỏ?
    Đây có phải là con rồng duy nhất  trên cả nước có hình thù đặc biệt như thế không, khi mọi văn miếu, mọi cổ thành, mọi cung điện, đền đài... các con rồng dù 4 hay 5 móng, đều uốn dài những khúc lưng mà không con nào co quắp?
    Có ai không biết người con gái tựa vào gốc cây hoa lan mà trở thành nguyên phi, hoàng thái hậu? Có ai không biết ngôi chùa Bút Tháp, có tháp cao bằng đá, có hình tượng phồn thực Linga, có cầu quán, từng là nơi được dựng để ghi nhớ thời kỳ thịnh hành đạo Phật Việt Nam, cùng với chùa Dâu Thuận Thành, có tháp vuông rỗng ruột Hoà Phong, 7 tầng, nhưng bão tố làm hư hại chỉ còn ba, nhưng đồ sộ, hiên ngang, thách thức với thời gian, chẳng khác nào sân chùa còn khuôn giếng thơi, nước soi trời trong vắt, hẳn là chiếc gương để sửa tóc vấn khăn của nàng trinh nữ Ỷ Lan trở thành hoàng hậu và cũng là người xây dựng bao nhiêu chùa tháp Bắc Ninh, mà người đời phải công nhận rằng: Đình Đoài, chùa Bắc, nghĩa l à vùng trấn Sơn Tây phía đoài thì đình to đẹp nổi tiếng, nhưng nói đến chùa thì không nơi đâu bằng Bắc Ninh, Kinh Bắc, xem kia, chùa Tiêu, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Trăm Cửa, chùa Lim...
    Làng Đại Bái là đâu, đó chính là làng mang tên nôm làng Bưởi, có nghề đúc nồi đồng điếu, gò nồi đồng thau mà có tên là làng Bưởi Nồi. Bao nhiêu nghệ nhân được phong bàn tay vàng hay không được phong vì thời xưa chưa có, ông Nguyễn Đức Chỉnh đang rời làng Bưởi Nồi về sống ở Hà Nội là một. Nghề đúc có từ bao giờ. Mấy làng của Bắc Ninh rời về Thăng Long lập ra làng Ngũ Xã? Pho tượng Trấn Vũ còn đây? Kinh thành Huế cũng có nghề đúc, có lần thấy những chiếc vạc đồng nằm nghiêng ngả giữa sân rêu, lòng vạc có lá vàng rụng với bèo tấm hoang vu.... mà chạnh lòng nhớ về phường thợ đúc đã tiêu tan, phường đúc Huế và phường đúc Đại Bái có đồng môn? Không biết, nhưng Bắc Ninh hiện hình q ua bao nhiêu bát nhang bằng đồng, những chân nến, những đỉnh đồng, lư đầu, những âu trầu cho các bà các mẹ bao thời ăn trầu, những lồng ấp đựng than hồng sưởi chân mệnh phụ, tiểu thư.... Bắc Ninh tung đàn con của mình vào đất nước, hào phóng khác gì tình mẹ...
    Hỏi Bắc Ninh ở đâu, không còn là buồn cười, ngớ ngẩn. Bắc Ninh nằm trong cả nước, Bắc Ninh đọng giữa muôn hồn. Bắc Ninh trở thành cái nôi Quan họ, thành niềm say đắm dân gian cho thơ cho nhạc cho hoạ cho tình cho nghĩa....
    Vật đổi sao rời.... Văn Miếu Bắc Ninh đang được tu chỉnh. đã có nhiều khu ruộng bỏ lúa trồng hoa đào, Tết của cả nước, Bắc Ninh cũng đang góp thêm phần tươi thắm....
    Có một Bắc Ninh rộng mênh mông là thế. Tự hào lắm chứ !.