Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Vui một chút, nhưng cũng là bài học cho ai làm sếp khi ra một quy định

Cấm mặc quần đến cơ quan: Dân công sở làm thơ giễu sếp

- Ngoài quy định cấm ngủ trưa hay bắt buộc phải nói tiếng Anh mà một công ty mới đây đưa ra, nhiều quy định quái gở sếp bắt nhân viên thực hiện tại công sở khiến nhiều người than trời.
Cấm nhân viên mặc... quần
Mỗi công ty đều muốn xây dựng hình ảnh đẹp nhất ngay từ môi trường làm việc và bộ mặt của nhân viên. Từ đó, các sếp điều hành đã nghĩ ra và bắt nhân viên tuân thủ những quy định “khó đỡ” nhằm siết chặt kỷ cương. Trong đó, có những lệnh cấm khiến dân công sở kêu trời vì sự “quái gở” của nó.
Chuyện cấm nhân viên mặc quần có thể là chuyện mới lạ với nhiều người, nhưng đối với công ty chị Phương (Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội) thì được thực hiện đã lâu. Giám đốc điều hành là nam nên ông rất thích nhân viên nữ mặc váy và đã ban hành hẳn một bản quy định riêng về cách ăn mặc của nhân viên. Nghe nói, ông học điều này ở một số công ty của Hàn Quốc và có vẻ tâm đắc lắm. Đó là cấm nhân viên của mình không được diện quần bất kể thời tiết nóng hay lạnh, nắng mưa, cứ là nhân viên nữ là cấm có được mặc quần.
Nhìn một lượt các nhân viên công ty nghiêm túc trong váy áo xúng xính, sếp hài lòng lắm nhưng ông nào có biết đến những bất tiện của nhân viên.
Ngoài ra, một số công ty ở Việt Nam bắt đầu ban hành “lệnh” giới nghiêm về giờ giấc với nhân viên. Xuất phát từ thực tế nhiều dân công sở hay tận dụng giờ làm để tranh thủ việc riêng và lách luật để ra ngoài ăn sáng, uống cà phê đến cả tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến tiến độ làm việc tại công ty. Vì thế, nhiều sếp ra quy định cụ thể, chẳng hạn ra ngoài chỉ trong vòng 10 phút, đi vệ sinh 5 phút và tổng cộng một ngày chỉ được ra ngoài 3 lần, mỗi lần không quá 10 phút nhằm thiết lập môi trường làm việc kỷ cương.
công-sở, văn-hóa-công-sở, lệnh-cấm, quy-định, quái-gở, cứng-nhắc, sếp, công-ty
Bữa trưa tiện lợi của nhiều dân công sở trước lệnh cấm của sếp mới
Chuyện cấm ra ngoài còn có thể còn khắc phục, nhưng có những công ty còn ra quy định cấm nhân viên ăn quà vặt dưới mọi hình thức và cấm mang thức ăn trưa “nặng mùi” đến công ty làm “môi trường ô nhiễm” - khiến không ít nhân viên cảm thấy khó chịu.
Quy định biến thành thơ trào phúng
Chị Phương và các đồng nghiệp đều thắc mắc vì mặc quần trông rất khỏe khoắn, gọn gàng. Đặc biệt, mỗi khi trời mưa đi đón con thì việc mặc váy là vô cùng bất tiện, vướng víu. Thế nhưng, lệnh sếp đã ban ra thì các nhân viên chỉ còn biết thực hiện, còn chị Phương cũng phải dành một số tiền không nhỏ để may cả chục chiếc váy mặc đi làm.
Trước các quy định có phần nực cười này, một anh đồng nghiệp ở công ty còn nổi hứng làm bài thơ treo lên cuối phòng để chia sẻ với các chị em:
“Công ty vừa niêm yết
Một bảng nội quy đầu
tiên, từ nay đến cuối
Mọi người phải tuân theo
Đầu tiên là cảnh báo:
Đi làm cấm mặc quần
bò, jean, thiếu nghiêm túc
Mất hình ảnh bản thân”
công-sở, văn-hóa-công-sở, lệnh-cấm, quy-định, quái-gở, cứng-nhắc, sếp, công-ty
Trước những quy định quái gở, dân công sở giễu lại bằng thơ
Trước quy định về giờ giấc giới nghiêm, rất nhiều dân công sở tỏ ra khó chịu vì có cảm giác tù túng, giam cầm cả ngày 8 tiếng trong văn phòng. Chị Lan Anh (35 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) tâm sự: “Trước mình có thể đến chấm công ở công ty xong là vòng đi đưa con đến trường hay tranh thủ tạt siêu thị mua ít đồ ăn tối. Nhưng từ khi sếp ra lệnh mỗi nhân viên chỉ được ra ngoài tối đa mỗi lần 10 phút và có hệ thống camera theo dõi nên mình suốt ngày chỉ ngồi lù lù một chỗ”.
Anh Tuấn Tú (32 tuổi, Hà Nội) cùng cùng chung tâm sự. Anh than: “Do đặc thù công việc, hàng ngày mình luôn phải nghĩ ý tưởng cho các chương trình, TVC quảng cáo. Công việc đòi hỏi tính sáng tạo nghệ thuật mà sếp cứ như khư khư giữ nhân viên trong văn phòng. Chẳng như trước đây mình có thể chạy chỗ này một chút nhưng công việc vẫn đạt hiệu quả cao. Khổ nhất là khi nào bị ‘Tào Tháo’ đuổi, cứ 10 phút sếp lại qua phòng hỏi mình đi đâu mà lâu thế, nhiều thế. Lúc đó cũng chỉ biết cười trừ trước quy định bá đạo của sếp.”
Chị Loan (26 tuổi, nhân viên công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội) cười chia sẻ về đủ lệnh cấm liên quan đến bữa trưa của nhân viên. Ông sếp nước ngoài mới về nhận chức ở công ty chị Loan vô cùng bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh ăn quà vặt của anh em trong công ty. Mỗi túm tụm ăn uống, cười đùa vui vẻ ngay trong giờ làm việc. Ông bèn đề yêu cầu phòng hành chính ra văn bản quy định nhân viên không được ăn vặt dưới mọi hình thức, không tụ tập ăn uống trong giờ.
Tiếp đó, mọi người lại tá hỏa khi sếp ra lệnh không được mang đồ ăn trưa “nặng mùi” đến công ty. Từ đó, ai mà mang thức ăn có mùi thì y như rằng phải ra hành lang xử lý xong xuôi mới được mang vào phòng. Mà khổ nỗi, đối với sếp nước ngoài thì món ăn nào của Việt Nam cũng được liệt vào hạng “nặng mùi”. Thế nên, bữa trưa của nhân viên giờ chỉ quanh đi quẩn lại toàn đồ luộc, đồ hấp, hết rau luộc lại đến thịt luộc, không thì làm gói mì ăn liền cho qua bữa. Muốn đổi món thì phải ra ngoài ăn. Có lần, chị Loan cùng đồng nghiệp đi ăn bún đậu mắm tôm và đùa với nhau đến bao giờ sếp mới có thể dùng được món ăn đặc sản này.
Rõ ràng, những quy định từ việc cấm ngủ trưa của một công ty mới đang gây xôn xao dư luận, đến việc bắt nhân viên đeo phù hiệu, trang phục, giới nghiêm giờ giấc... khiến dân công sở khốn khổ, sinh lắm chuyện bi hài. Nó trở thành đề tài sáng tạo bất tận cho dân công sở làm thơ bút tre giễu sếp cho hả lòng hả dạ:
“Ai cũng khó chịu thế
Nhưng cũng chẳng nói gì
Có kẻ còn cười đểu:
“Kệ lão hâm ấy đi!”
Nhị Anh

Đề thi Văn gây tranh luận

Đề thi gây “bão” tranh luận

Đột phá! Đó là nhận định của dư luận phụ huynh học sinh đối với đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 Ngày 25/6, gần 12.000 học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015.



Đề thi gây “bão” tranh luận
Sau buổi thi, HS tại Hội đồng thi Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) còn hào hứng tranh luận. (Ảnh: HH)

“Nổ” ra tranh luận

Khi môn thi kết thúc, bên ngoài các hội đồng thi lập tức “nổ” ra những cuộc tranh luận về đề thi. Trong khi có HS, phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ và kêu khó thì cũng có nhiều người khác lại đánh giá đề quá hay và nhiều HS làm được bài. Đến hội đồng thi nào cũng nghe bàn tán về đề thi môn văn.

Phụ huynh Nguyễn Thị Lan (có con học Trường THCS Kim Đồng) nói về đề thi môn văn: “Con tôi về kể cháu làm được bài. Các câu cảnh báo vấn đề thực tế của xã hội cháu có theo dõi qua thời sự nên nắm được”.

Về đổi mới đề thi văn, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Mục tiêu ra đề thi môn văn năm nay là hạn chế HS học thuộc lòng máy móc, “đánh bại” thói quen không tốt của cả thầy và trò trong thi môn ngữ văn là làm văn theo bài văn mẫu.
“Chúng tôi không muốn đề thi chỉ đơn giản là phân tích một bài văn, một khổ thơ, là kiểm tra kiến thức của các em mà mong các em phải vận dụng được kiến thức đã học vào xử lý tình huống thực tế trong cuộc sống hằng ngày” - ông Giang nhấn mạnh.

Trích đề thi

Đề thi gây “bão” tranh luận

Câu 2: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. (Lời của vua Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư). Dựa vào nội dung đoạn trích, viết một câu văn trình bày quan điểm của mình về chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng: Trường Sa, Hoàng Sa...”.

Câu 3: “- GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), đã công bố kết quả cuộc điều tra xã hội cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”. Cảnh báo về tình trạng nói dối ở học sinh, sinh viên hiện nay.

- Kẹt xe là không tránh khỏi. Vậy thì hãy nghĩ xem nếu mọi người ai cũng đi đúng làn đường, chờ đèn xanh một chút, cũng tắt máy (nếu kẹt xe cứng ngắc, chỉ có thể nhích từng chút một), không bấm còi xe (vì có bấm cũng vậy, người phía trước cũng có nhúc nhích tránh đường cho mình được đâu), không càu nhàu, chửi bới... (Trích báo Thanh Niên, Chủ nhật 22-6-2014). Cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông.

- Nhìn vào hình bên (xem hình). Một cảnh báo về lối sống vô cảm.

Viết một bài văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong ba cảnh báo trên”.

Dạy văn là dạy người

Ông Giang chia sẻ thêm ba tình huống cảnh báo đều là những vấn đề rất thực tế, nóng và nhạy cảm hiện nay. Đặc biệt, khi nói về sự vô cảm, đề đã dùng hình ảnh để minh họa thay cho lời diễn giải. Nhiều HS đi ngoài đường thấy cảnh đánh nhau, uy hiếp người yếu thế hơn nhưng không dám bênh vực, bỏ qua. Đó là biểu hiện của sự vô cảm. “Chúng tôi muốn giáo dục, cung cấp cho HS không những có được kiến thức về văn chương mà mục tiêu dạy văn là dạy người, dạy cho HS phân biệt cái đúng, cái sai, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội. Đề thi lần này có thể có nhiều em điểm không cao vì học “lệch tủ” nhưng chúng tôi cũng sẽ chấp nhận. Thông qua một kỳ thi nhưng mục tiêu của chúng tôi là thực hiện đổi mới trong dạy văn, học văn cho thời gian sắp tới” - ông Giang chia sẻ.

Nhận định đề thi
Sẽ không còn học tủ, dạy theo văn mẫu nữa!

Đề thi gây “bão” tranh luận

Nhiều giáo viên nhận xét đề thi môn Ngữ văn năm nay hay và khá khó, buộc HS phải tư duy. Đề thi có cấu trúc gồm bốn câu. Khác với những năm trước, câu 1, 2 thường là câu dễ lấy điểm và kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của HS thì năm nay Sở đã chọn cách ra đề buộc HS phải tư duy, đọc đề kỹ và viết chuẩn, ngắn gọn thì mới có thể có được trọn vẹn 2 điểm cho hai câu, trong đó có câu “Viết một câu văn trình bày quan điểm của học sinh về chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng: Trường Sa, Hoàng Sa…”.

Ở câu thứ ba, đề thi đưa ra ba lời cảnh báo rất thực tế và cũng là vấn đề nóng, nhạy cảm hiện nay, kèm những trích dẫn, số liệu có thực gồm: Cảnh báo về tình trạng nói dối ở HS, sinh viên hiện nay; cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông; cảnh báo về lối sống vô cảm. Từ đây, đề yêu cầu HS viết một bài văn khoảng một trang giấy trình bày về một trong ba cảnh báo trên. Để làm câu này, HS cần có những hiểu biết thực tế xã hội và lối hành văn chắc chắn, mạch lạc.

Cách dạy văn bây giờ từ tiểu học trở đi hầu như đều làm theo văn mẫu. Tôi đã đi chấm thi và gặp nhiều trường hợp có những sai sót rất đáng báo động khi làm theo văn mẫu mà các em không hiểu thực chất vấn đề! Hy vọng từ những năm học tiếp theo, giáo viên sẽ chú trọng hơn để không còn tình trạng học tủ, ôn trọng tâm, dạy làm theo văn mẫu nữa. - Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên dạy văn, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP Vũng Tàu)

***
Họ đã nói
Học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm với gia đình, xã hội

Trước hết, tôi xin nói lại cho rõ: Trong một bài nói chuyện của mình, tôi trích dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục công bố năm 2008 về tỉ lệ nói dối này. Báo đưa tin không chính xác, sau đó tôi đã cải chính.

Về đề thi, tôi đánh giá cao xu hướng ra đề thi dạng mở như vậy. Học sinh sẽ được kéo gần hơn với cuộc sống để tiếp cận thực tế. Từ đó góp phần xóa tình trạng học sinh làm bài theo kiểu học thuộc lòng, máy móc theo ý thầy cô dẫn đến thiếu sự sáng tạo trong học tập và cuộc sống.

Đề thi đưa tình trạng nói dối, ý thức tham gia giao thông và lối sống vô cảm - đều là những vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong xã hội, học sinh sẽ có những suy nghĩ nhất định, hiểu đúng bản chất vấn đề và thể hiện được sự đấu tranh chống tiêu cực. Lâu nay chúng ta hay nghĩ rằng học sinh còn nhỏ, không nên tiếp cận với những vấn đề tiêu cực hoặc là chỉ đề cập, giảng dạy những điều tốt đẹp, còn cái xấu xa thì che đậy là không đúng. Dù học sinh ở lứa tuổi nào cũng có cách tư duy và cái nhìn riêng đối với từng vấn đề trong thực tế để thể hiện vào bài viết. Đó cũng là cách để từng học sinh tự nhìn lại mình, rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức hơn cho bản thân trong ứng xử với cuộc sống. Đồng thời, mỗi học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm của mình, cùng với trách nhiệm chung của gia đình và xã hội nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. - GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, ĐH Quốc gia TP.HCM

Phạm Anh ghi



Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Nhân ngày gia đình Việt Nam

Không quên bữa cơm gia đình
Ngày Gia đình Việt Nam năm nay mang chủ đề giản dị nhưng ý nghĩa “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để nhắc người Việt hãy biết trân trọng, gìn giữ những phút giây sum vầy, đầm ấm bên mâm cơm gia đình cùng người thân yêu của mình.
Ấm áp bữa cơm gia đình.

Trong thời thế giới “phẳng” ngày nay, những bữa cơm thân mật quây quần đông đủ vợ chồng con cái như không khí đầm ấm, chan chứa tình yêu thương của gia đình người nông dân nghèo “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” ngày càng hiếm hoi, xa lạ. Khi cuộc sống hiện đại đủ đầy hơn, chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình được nâng cao, thì không khí sum họp, đầm ấm lại có phần giảm đi. Mọi người lúc nào cũng bận rộn, gấp gáp. Ai cũng có thời gian biểu riêng của mình. Con cái thì học thêm ngoài giờ. Bố mẹ với muôn vàn lý do, người chơi thể thao, người bận tiếp khách, tiệc tùng, bia nhậu… nên thường xuyên ăn uống bên ngoài. Thế nên, dù sống chung dưới một mái nhà, ngày nào cũng ngủ cùng giường nhưng nhiều gia đình cả tuần không có được một bữa ăn sum vầy đông đủ.
Xưa nay, truyền thống văn hóa của người Việt vẫn coi bữa cơm là nơi truyền - nhận kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình. Trong bốn điều “học ăn, học nói, học gói, học mở”, không phải ngẫu nhiên mà việc học ăn được ông bà ta đưa lên răn dạy đầu tiên. Ăn tuy là một nhu cầu thiết yếu thường xuyên mà mỗi con người cần được thỏa mãn nhưng người ta ăn không phải chỉ với chức năng nạp dinh dưỡng vào cơ thể mà còn để giao tiếp. Nếu không biết ứng xử có văn hóa trong những bữa tiệc đông người và “quên mình” khi ăn sẽ làm giảm phẩm chất văn hóa, lịch sự của mỗi người.
Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ trong các gia đình Việt luôn được người lớn chú tâm dạy dỗ cẩn thận để biết mời cơm ông bà, bố mẹ, anh chị em trước khi ăn. Chúng còn được giảng giải thế nào là “liệu cơm gắp mắm”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hoặc khi bất ngờ có khách đến chơi không kịp nấu thêm cơm thì mỗi người bớt lưng cơm là đủ phần mời khách vì “đói năm không ai đói bữa”… Như vậy, bữa cơm sum họp gia đình còn là thời điểm để thế hệ trước chuyển giao các giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Hạnh phúc nhỏ nhoi không phải ở việc ăn gì mà là trong cách người ta ăn và sự cần có mặt của nhau trong bữa ăn, ở sự nhường nhịn, hy sinh và sống vì nhau: “Miếng nạc thì để phần chồng, miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con” hoặc “Bấy lâu thiếp vắng mặt chàng/ Sầu bi trong dạ, ăn vàng không ngon”… Bữa cơm gia đình chính là nơi để mỗi thành viên trao gửi, vun đắp, nuôi dưỡng tình yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Người Việt bao giờ cũng vừa ăn vừa nói chuyện, đó cũng là nét văn hóa đặc trưng. Những lời hỏi han, trò chuyện khi ăn hoặc đôi khi là một vài cử chỉ yêu thương như gắp thức ăn mời nhau sẽ giúp các thành viên thấu hiểu và gần gũi hơn. Những giận hờn, khúc mắc trong cuộc sống chung cũng nhờ thế mà được hóa giải trong bữa cơm gia đình.
Ngày nay, sự phát triển chóng mặt của ngành dịch vụ và công nghệ thông tin đã mang đến rất nhiều tiện ích. Chỉ cần một cú điện thoại, một cái nhấp chuột là chẳng mấy chốc người ta đã có liền một suất ăn như ý. Hơn nữa, sống trong thời đại hội nhập, con người có thêm biết bao mối quan hệ. Có thể do sở thích nhưng nhiều khi là vì công việc bắt buộc mà người ta phải miễn cưỡng ăn ở ngoài. Song cho dù bất cứ lý do nào chăng nữa, đã là gia đình thì phải có rất nhiều thứ chung mà cái chung quan trọng nhất không thể bỏ, không thể quên là bữa cơm sum họp bên những người thân yêu của mình.
Bài, ảnh: V.Thanh

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tiến sĩ Nguyễn Nhã

Tiến sĩ Nguyễn Nhã: 'Nếu Việt Nam phản ứng yếu ớt, Trung Quốc sẽ lấn tới'

Gần 2 tháng bị phản đối vì đặt trái phép giàn khoan 981, Trung Quốc không lùi bước mà kéo thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, có nhiều tuyên bố phá vỡ nguyên trạng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, diễn biến tiếp tới theo ông sẽ là gì?
Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt các bước đi nguy hiểm ở Biển Đông, hiện thực hóa "đường lưỡi bò" tạo dựng từ lâu, nhằm biến Biển Đông thành ao nhà. Tuyên bố chủ quyền với khu vực này nên họ chủ động làm nhiều chuyện bất chấp lịch sử, luật pháp quốc tế. Nếu chúng ta phản ứng yếu ớt, họ sẽ càng lấn tới và tìm mọi cách đạt bằng được mục đích đề ra. Việt Nam bày tỏ thái độ và có hành động kiên quyết thì làm sao Trung Quốc có thể thành công được. Phải để Trung Quốc đối mặt với luật pháp thì mới có thể thay đổi hành động của họ ở Biển Đông.


Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: "nhất định phải từ bỏ mọi bao cấp, kể cả bao cấp lòng yêu nước". Ảnh: Nguyễn Đông

Việt Nam cần phải làm gì để ứng phó?
Việt Nam nên tận dụng cơ hội để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc ở tất cả các mặt, trong đó có kinh tế để xây dựng một đất nước hùng mạnh.
Đây là cơ hội ngàn năm có một, Việt Nam không nên bỏ qua. Thoát Trung là thời cơ tạo ra nội lực mạnh, cả dân tộc đoàn kết thành một khối. Khi đó, lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam sẽ trở thành kỹ năng dẫn tới những suy nghĩ, hành động thiết thực, có lợi cho đất nước, dân tộc, thu hút được nhiều thành phần cùng tham gia.
Có độc lập tự chủ về kinh tế thì sẽ có độc lập về chính trị. Không còn mơ hồ gì nữa, Trung Quốc thực sự muốn biến Việt Nam thành thuộc quốc. Họ luôn tìm cách gây khó dễ, chèn ép người Việt ta từ nông dân đến chủ quyền biển đảo. Chúng ta nhất định phải nhanh chóng bày tỏ thái độ không và không bao giờ chấp nhận điều này.
Thế giới đang ủng hộ Việt Nam, tương lai sẽ đầu tư cho Việt Nam nếu chúng ta vào được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này không có Trung Quốc tham gia. Chúng ta cần để các nước tin tưởng Việt Nam không phải là sân sau của Trung Quốc, họ không còn lo ngại nữa, thì việc Việt Nam vào TPP không còn khó khăn.
Nếu Việt Nam không trở nên hùng cường thì không chỉ Trung Quốc, mà nhiều quốc gia khác sẽ tìm cách xử ép chúng ta.
Thoát Trung bằng cách nào khi quy mô nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng lớn, lên hơn 20 tỷ USD vào năm ngoái?
Thời điểm này, Hoàng Sa-Trường Sa như chất men yêu nước để tuổi trẻ Việt Nam nêu cao tinh thần, kỹ năng yêu nước. Phải ý thức được rằng lòng yêu nước thể hiện qua suy nghĩ, hành động từ những việc làm nhỏ nhất. Ví dụ, chuyện các cổ động viên Nhật Bản tình nguyện nhặt rác sau trận đấu ở World Cup bất kể đội bóng nước mình thắng hay thua. Hành động của họ tuy nhỏ nhưng khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Tôi từng kêu gọi giới trẻ tham gia đề án "Ngàn thanh niên thế kỷ 21". Theo đó, các bạn trẻ có thể chọn hành động cụ thể về quảng bá văn hóa, giữ hồn dân tộc; các công ty lấy mục tiêu đóng góp và quyết không làm gì phương hại đến đất nước; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển trong đó có các cảng nước sâu, đường cao tốc xuyên quốc gia; đoàn kết với các nước ASEAN; tăng cường và củng cố các cụm công trình phòng thủ biển đảo, đẩy mạnh quốc phòng toàn dân để mỗi ngư dân là một dân binh.
Nhà nước là yếu tố quan trọng song nhất định phải từ bỏ mọi bao cấp, kể cả bao cấp lòng yêu nước. Cần gấp rút bài trừ cách sản xuất, nuôi trồng, chế biến và sử dụng, buôn bán các sản phẩm nông, ngư nghiệp và hàng tiêu dùng độc hại của Trung Quốc. Các địa phương ven biển cho đến các trường đại học phải có cơ sở nghiên cứu biển đảo, gắn với quảng bá chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Mỗi người dân Việt Nam nếu cùng đồng lòng yêu nước trong xây dựng và sáng tạo, thì một vài thập niên nữa Việt Nam sẽ khác hoàn toàn.
Video: Vang mãi bản hùng ca - Thầy Nguyễn Lân Trung (ĐHQGHN)

    Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

    Gặp “cha đẻ” máy vi tính đầu tiên

    Gặp “cha đẻ” máy vi tính đầu tiên
    QĐND - Thứ Tư, 12/03/2014, 18:31 (GMT+7)
    QĐND - Cuối tháng 2- 1992, có cuộc họp báo của Hội Tin học Việt Nam về Tuần lễ tin học lần thứ ba, sẽ diễn ra vào tháng 8 năm đó tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Lần này có đoàn khoa học Việt kiều Pháp về dự, kỹ sư Trương Trọng Thi- thành viên trong đoàn vừa được thế giới vinh danh là “cha đẻ” chiếc máy vi tính cá nhân đầu tiên. Cuộc họp báo xôn xao: Hóa ra tác giả của một trong những phát minh quan trọng nhất kỷ nguyên tin học lại là người Việt Nam!  Đến khi biết tin ông đã về nước, đang ở tại khách sạn Hòa Bình trên đường Lý Thường Kiệt, tôi liền liên hệ và được ông vui vẻ tiếp chuyện.
    Kỹ sư Trương Trọng Thi (1936-2005).
    Dáng cao, nhanh nhẹn, ánh mắt thân thiện qua cặp kính trắng, kỹ sư Trương Trọng Thi là người xởi lởi, dễ gần và dẫu rời Việt Nam khi tuổi thiếu niên, ông vẫn nói tiếng mẹ đẻ khá sõi. Cuộc trao đổi diễn ra trong vòng hơn nửa giờ, các câu tôi hỏi đều được ông trả lời cụ thể,  những gì liên quan đến thành tựu của mình thì ông tỏ ra khách quan, khiêm nhường…
    Ông Thi kể là, hồi nhỏ học ở Chợ Lớn (Sài Gòn), được thầy giáo khen có năng khiếu toán, sang Pháp, ông lại thích nghề điện tử và thi vào trường vô tuyến điện (EFR). Có bằng kỹ sư điện tử, buổi đầu ông làm cho công ty Schlumberger, chuyên về thăm dò dầu khí. Ông được giới công nghệ chú ý vì đã thành công trong nghiên cứu, thiết kế máy Carbotrimètre, đo hàm lượng phóng xạ đồng vị carbon 14, để xác định niên đại địa chất. Năm 1965, ông được tài trợ qua Hoa Kỳ thực tập, đúng lúc ở thung lũng Silicon đạt được nhiều thành tựu nổi bật về lĩnh vực vi điện tử. Trở về Pháp, ông lập công ty riêng, là R2E. Năm 1970, hãng điện tử Mỹ Intel lần đầu chế được bộ vi xử lý (microprocesseur) 8008. Từ đây, ông nảy sinh ý tưởng thu nhỏ kích cỡ các thiết bị điện tử, vẫn giữ cùng hiệu năng mà giá thành lại hạ. Ngày đó, hãng máy tính IBM, Mỹ đã chế tạo nhiều dòng máy tính mạnh, song kích cỡ đều cồng kềnh, còn máy tính Minscơ của Liên Xô (cũ) thì lớn như một tòa nhà.
    Hai năm sau, Viện Khảo cứu nông nghiệp INRA đặt hàng một hệ thống tin học nhỏ gọn, dễ vận chuyển và không quá đắt tiền. Đã đến lúc ông có điều kiện thực hiện mơ ước bấy lâu của mình. Ông hợp tác cùng kỹ sư Phrăng-xoa Gơ-nen (Francois Gernelle) làm việc trong tầng hầm của công ty trong 5 tháng liền, mỗi ngày tới 18 tiếng, cuối cùng đầu năm 1973, họ đã cho ra đời chiếc máy có bộ nhớ 256 bytes (có thể mở rộng đến 1000 bytes), đặt tên là Micral. Máy còn khá giản dị, giống một cái hộp, không có bàn phím và màn hình, thanh RAM chỉ 2Kb, lập trình theo phương pháp nhị phân. Năm đó, công ty R2E xuất xưởng 500 máy Micral dùng cho các trạm thu nhập lệ phí ở xa lộ. Đến 1975, hãng MITS Electronics trình làng máy Altair và người Mỹ gọi đó là máy vi tính cá nhân (PC) đầu tiên. Nhưng thời gian này đã có một cuộc bầu chọn với sự tham dự của những chuyên gia tin học gạo cội trên thế giới, chiếc Micral R2E đã chinh phục được cả những ông “trọng tài” khó tính nhất và được thừa nhận là máy vi tính đầu tiên trên thế giới. Chiếc Micral này hiện được trưng bày tại bảo tàng máy tính nổi tiếng ở Bốt-xtơn (Boston), Mỹ. Song, ít lâu sau cuộc bình chọn trên, lại diễn ra tranh chấp bản quyền ngay trong lòng nước Pháp. Kỹ sư Phrăng-xoa Gơ-nen kiện ra tòa rằng chính ông mới là tác giả đích thực của máy Micral. Gơ-nen và ông Thi gặp nhau năm 1968 tại Intertechnique, một công ty chuyên về ứng dụng y học và hạt nhân. Và từ ngày đó, kỹ sư Gơ-nen đã đề xuất một mô hình máy vi tính sơ khai, nhưng nó không hoạt động được. Và năm 1972, ông ấy đã gia nhập công ty của Trương Trọng Thi. Không phủ nhận vai trò quan trọng của người kỹ sư giàu ý tưởng sáng tạo này, song đó thực sự là công trình tập thể dưới sự chỉ đạo về mọi mặt của ông Trương trên cương vị giám đốc. Cuối cùng sau 4 năm hầu tòa, người kỹ sư ấy cũng được công nhận là đồng tác giả của máy vi tính đầu tiên. Sau Huy chương Vàng của Bộ Quốc gia giáo dục năm 1988, nhờ thành công đưa máy vi tính vào học đường, tiếp đến kỹ sư Trương Trọng Thi đã được Chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh do có những thành tựu rực rỡ về máy vi tính.
    Chiếc máy Micrai đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng máy tính Boston, Mỹ.
    Trong cuộc chuyện trò, ông Trương Trọng Thi còn thổ lộ, mình đã bị lỡ một cơ hội kinh doanh, có thể trở thành ông chủ giàu có như Bill Gates của hãng phần mềm khổng lồ Microsoft sau này. Đó là vào năm 1975, công ty Hô-nây-oen (Honeywell), Mỹ định mua lại phát minh về máy Micral, song do ông đã quá “cương”, nên cuộc thương thảo không thành.
    Dù rời quê hương từ khi còn rất trẻ, kỹ sư Trương Trọng Thi vẫn luôn hướng về nguồn cội. Lúc nước nhà chưa thống nhất, ông đã gửi tặng Ủy ban Khoa học kỹ thuật Việt Nam một bộ máy Micral, hy vọng có sự cộng tác giữa giới khoa học trong nước và Việt kiều Pháp. Năm 1978, đang là giám đốc hãng R2E, ông về nước đề nghị khai thác một chương trình sản xuất máy Micral ngay tại Hà Nội, cùng với việc đào tạo nhân lực mà kinh phí chủ yếu do công ty ông đóng góp. Nếu dự án thành công thì Việt Nam sẽ có thể là nước đi tiên phong ở châu Á về sản xuất máy vi tính. Tiếc thay, những thiện ý của ông do nhiều nguyên nhân mà không thành hiện thực. Và trong Tuần lễ tin học năm 1992, ông trình bày những phương pháp đào tạo, phát triển dịch vụ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thị trường, nhằm giúp đất nước bắt kịp bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực mũi nhọn này của thế giới…
    Nhiều năm sau cuộc gặp tại Hà Nội, nhất là khi internet đã phát triển mạnh mẽ ở nước ta, tôi vẫn có những thông tin qua lại với ông. Được biết, năm 1978, công ty R2E của ông sáp nhập với hãng Bull thành công ty điện tử Bull-Micral. Nhưng ông không còn vai trò lãnh đạo cao nhất ở công ty lớn ấy nữa, vì vậy nhiều ý tưởng phát triển máy vi tính tiêu dùng do ông đề xuất đã không thành và khi hãng IBM cho ra đời thế hệ máy vi tính mới, thì sản phẩm của Bull-Micral bị đối thủ bỏ xa. Thất vọng, ông rời bỏ công ty này sang làm cố vấn cho một hãng điện tử, chuyển sự nghiên cứu từ phần cứng sang phần mềm, cuối cùng thì vào năm 1999, ông cộng tác với Gin-lơ Mi-sen (Gilles Michel) thành lập hãng công nghệ APCT, chuyên môn trong các chương trình bảo hiểm.
    Rồi một ngày tháng 9-2002 ông phát bệnh, phải nhập viện. Thật cay đắng khi chính ở nơi có nền y học hoàn hảo như Pa-ri lại mắc một sai sót sơ đẳng trong lúc phẫu thuật, làm ông bị liệt toàn thân. Tiếp đến là hai năm rưỡi vật lộn với tử thần. Ngày 29-3-2005, trái tim nhà phát minh lớn đã ngừng đập.
    Năm 2006, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường EFR (sau đổi là EFREI), nơi nhà phát minh từng học, “Vua phần mềm” Bill Gates có lời ca ngợi: “Ông Trương Trọng Thi là một trong những người đã nhận thức được khả năng của máy vi tính, đã đi trước cả tôi và Paul Allen thời điểm khởi xướng hãng Microsoft. Tôi từng làm việc với ông trong nhiều năm, ông luôn nuôi giữ óc sáng tạo và sẵn lòng đem công nghệ phục vụ đại chúng”.
    Hiện tại, EFREI có gắn tấm biển kỷ niệm người cựu sinh viên ưu tú, đã làm rạng danh trường với phát minh máy vi tính cá nhân đầu tiên trên thế giới. Và một mẫu máy Micral nữa đã được đặt tại Viện bảo tàng CNAM tại Pa-ri.

    PHẠM QUANG ĐẨU

    Nhớ vua LÊ THÁNH TÔNG

    Từ lời Chủ tịch nước - nhớ vua Lê Thánh Tông
     Thứ ba, 24/06/2014 09:28 
     
    ̣(CATP) Trong bài trả lời phỏng vấn TTXVN về tình hình biển Đông mới đây, chợt nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc đến lời vua Lê Thánh Tông nói với triều thần được ghi trong sử sách, có nhiều người lần giở Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sử ký do Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử trước đó, hoàn thành lần đầu vào năm Hồng Đức thứ 10 (1479). 
    >> Chủ tịch nước nhắc lại lời vua Lê Thánh Tông

    Theo bộ xuất bản của Nhà xuất bản Khoa học xã hội. H.2004, tập II, trang 488-489, năm ấy là năm Hồng Đức thứ 4, Quý Tỵ (1473), tháng 4, vua ra sắc chỉ cho các nha môn phải dùng giấy trúc trong các bản tâu, định chế độ lương bổng cho các quan trị nhậm trong ngoài, rồi “dụ bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy (quan đứng đầu phụ trách việc biên cương) rằng: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. 
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: TTXVN
    Tầm nhìn đế vương thấy rõ cái họa muôn đời của Đại Việt, một quốc gia luôn phải đối phó với nguy cơ ngoại xâm, các bậc minh quân luôn chú trọng việc phòng bị biên cương, giữ gìn bờ cõi. Lê Thánh Tông thường đề phòng ngoại bang và nhắc nhở quân dân không được lơ là, mất cảnh giác. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: Chỉ trong năm Đinh Hợi (1467), tháng 5 vua ban sắc dụ khiển trách các quan trấn thủ, phó tổng binh và thổ quan các xứ Lạng Sơn, An Giang, Bắc Bình: “Quan coi giữ bờ cõi của triều đình, cố nhiên phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài là chức phận của mình”; tháng 9 vua căn dặn quan trấn thủ và phó tổng binh các vệ ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang: “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương, chống giữ biên thùy nên phòng bị những sự không ngờ, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm”... Đặc biệt là căn dặn các quan chức, kẻ nào “dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

    “Thước núi, tấc đất” - đó không chỉ là lời răn dạy về giang sơn không thể tự tiện “vứt bỏ” dù nhỏ bé đến đâu vẫn là “đất Thái tổ” - đất Tổ quốc, mà còn là lời thề sông núi quyết tâm giữ gìn bờ cõi cương vực từng tấc đất, từng thước núi giang sơn; việc làm rõ “điều ngay lẽ gian” thể hiện thái độ bình tĩnh tự tin vào lẽ phải, nhưng “tranh biện” phải để cho giặc không “lấn dần”. “Thước núi, tấc đất” là giá trị thiêng liêng của giang sơn Tổ quốc không thể “làm mồi cho giặc” - đổi lấy quyền lợi - lợi ích cá nhân được, không chấp nhận bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt Việt Nam phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. “Tội tru di” - tội lớn nhất trong thời phong kiến với những hình phạt khốc liệt, đó không chỉ là răn đe kẻ có âm mưu phản quốc, mà còn là việc ngăn ngừa những hành động đầu hàng quân giặc.
    Đã thấm thía nỗi nhục mất nước của hơn ngàn năm Bắc thuộc và gần trăm năm Pháp thuộc, càng thấm thía cái khảng khái của ông cha xưa khi nhận lãnh “Sông núi nước Nam vua Nam ở; rành rành định phận ở sách trời”. Từng thấy nước Đại Việt “vốn xưng nền văn hiến đã lâu; núi sông bờ cõi đã chia”, càng hiểu rõ lời Cụ Hồ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nghe Chủ tịch nước giữa Thủ đô Hà Nội nhắc lại lời vua Lê hơn 600 năm trước, lại nhớ lời Thủ tướng giữa chính trường khu vực ASEAN khẳng định Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Hơn 90 triệu dân hậu duệ Lê Thái Tổ càng thấm lời Người: “Một thước núi, một tấc sông của ta... chớ cho họ lấn dần”.
    Vị vua anh minh
    Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) lên ngôi năm 18 tuổi và đã để lại một sự nghiệp rực rỡ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Ông được coi là gương mặt tiêu biểu của nền văn hóa, văn học Thăng Long thế kỷ XV, là người có công xây dựng điện Đại Thành và bia Tiến sĩ tại Văn Miếu năm 1484. 

    Trong 38 năm, Lê Thánh Tông đã hai lần đổi niên hiệu (Quang Thuận và Hồng Đức). Ông nêu gương đức trị, thực thi pháp trị, đưa ra nhiều chính sách cải cách “vô tiền khoáng hậu”. Lê Thánh Tông đặc biệt chú ý tới đào tạo và sử dụng nhân tài. Lê Thánh Tông đã cho mở 12 khoa thi Đình, lấy đỗ 501 vị Tiến sĩ, bằng một nửa số hiền tài của ba triều đại Lý, Trần, Hồ đào tạo được trong 397 năm cộng lại. Lê Thánh Tông là nhà tổ chức và quản lý nhà nước pháp quyền vô cùng tài giỏi. Dưới sự giám sát và điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Lê Thánh Tông, đã để lại: Hồng Đức hình luật, Hồng Đức thiên hạ bản đồ... Bộ Luật Hồng Đức (tức Quốc triều hình luật) ra đời sau hơn 14 năm biên soạn. 

    Vua Lê Thánh Tông không chỉ là nhà pháp trị, nhà đức trị, nhà cải cách vĩ đại, mà còn là nhà văn hóa lớn. Đặc biệt, Lê Thánh Tông là nhà thơ lớn, là người sáng lập và là chủ soái Hội Tao đàn. Những bộ sách đồ sộ, tiêu biểu như: Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức Quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú... là di sản văn học rất có giá trị thời Lê.

    PGS-TS HÀ MINH HỒNG
    (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM)
     
     PGS-TS HÀ MINH HỒNG

    Thông cáo của Quốc hội

    Toàn văn thông cáo của Quốc hội phản đối hành động của Trung Quốc

    VOV.VN - Thông cáo này được xem như Tuyên bố của Quốc hội thể hiện quan điểm, thái độ trước hành động sai trái của Trung Quốc.
    Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ra Thông cáo số 2 bày tỏ quan điểm, thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
    Ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe và thảo luận 
    báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông
                   Thông cáo này được xem như Tuyên bố của Quốc hội, nêu rõ:
    Quốc hội Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc. Tình hình biển Đông căng thẳng. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
    Quốc hội Việt Nam cùng với toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sự lo ngại và kiên quyết phản đối những vi phạm, sai trái của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Quốc hội cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ chức, cá nhân, dư luận quốc tế đã đồng tình, ủng hộ Việt Nam.
    Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp kiên quyết trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đồng thời kiên trì đấu tranh, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
    Diễn biến tình hình trên biển Đông còn phức tạp và khó lường. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cùng đồng bào cả nước đoàn kết, thống nhất và đặc biệt quan tâm giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước./.
    PV/VOV.VN

    Thế giới ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc

    Thế giới: Gần 80.000 bài báo lên án Trung Quốc

    Kể từ 2/5 - ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đến nay, trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, có đến gần 80.000 bài báo viết về sự kiện này trên tất cả các phương tiện truyền thông quốc tế.

    Điểm chung của các bài viết là cộng đồng quốc tế thật sự quan ngại về những hành động nguy hiểm và làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Bằng những bài viết công tâm, phản ánh đúng bản chất sự việc của các hãng thông tấn có uy tín trên thế giới, tính chính nghĩa của Việt Nam đã được phổ biến rộng rãi và làm lay động lương tri của cộng đồng quốc tế.

    Ngoài những tờ báo khai thác lại thông tin từ báo chí Việt Nam, những hãng thông tấn lớn như CNN, Reuters, AP… đã cử phóng viên tham gia đoàn nhà báo được phía Việt Nam cho phép ra thực địa đưa tin. Đặc biệt, CNN là một trong số nhiều hãng thông tấn nước ngoài có những bài viết sâu, phân tích và miêu tả chi tiết về những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở thực địa thể hiện qua bài viết của Euan McKirdy. Bài viết này đã lột tả được bộ mặt hung tợn của những tàu chiến, tàu hải giám của Trung Quốc đã dùng mọi thủ đoạn để tấn công tàu thực thi pháp luật và tàu cá Việt Nam.

    Ngoài ra, các tờ báo chuyên sâu về phân tích địa chính trị, chiến lược ngoại giao, như Foreign Policy, The Diplomatic... thường xuyên có những bài bình luận, dẫn lời các chuyên gia chính trị nhận  định về tình hình Biển Đông và chỉ  trích những hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

    Sự kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, hàng loạt các tờ báo lớn, như Washington Post, New York Times, Reuters, AP, Bloomberg, AFP... đã có bài viết chỉ trích kịch liệt hành động vô nhân đạo này. Trong bài viết mang tiêu đề Trung Quốc đâm chìm tàu cá làm tăng căng thẳng với Việt Nam, trang tin Bloomberg đánh giá sự kiện là màn đối đầu nghiêm trọng nhất của hai nước.

    Tờ New York Times nhận xét vụ đâm tàu diễn ra sẽ tiếp tục tăng cao căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, theo sau việc chính quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan nước sâu vào vùng biển Việt Nam. Tờ báo cũng dẫn lời Dennis J. Blasko - Cựu quan chức quân sự của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đánh giá vụ đâm tàu là điều Mỹ quan ngại vì nó có thể làm căng thẳng tình hình.

    * Trong số ra ngày 22/6, tờ The Star của Malaysia đã đăng bài trả lời phỏng vấn của Giáo sư David Arase - chuyên gia ngành Chính trị  quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), một cơ sở của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - về tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

    Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và việc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Giáo sư Arase cho rằng đây là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát.

    Giáo sư Arase nhấn mạnh Trung Quốc coi Biển Đông là khu vực chiến lược nên rất muốn kiểm soát an ninh ở vùng biển này. Thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh các hành động quyết đoán hòng thúc đẩy các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, cho dù cả giới quan chức và học giả Trung Quốc đều không có đủ lý lẽ chứng minh vùng biển nào thuộc chủ quyền của mình. Vì vậy, các yêu sách của Trung Quốc có thể sẽ còn thay đổi và đây là cơ hội cho các nước ASEAN cùng hợp tác đối phó.

    * Ngày 21/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ sẽ rất quan ngại nếu Trung Quốc hạ đặt các giàn khoan mới trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Phát biểu trong cuộc họp báo, bà Jen Psaki cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có đủ thông tin về vị trí của các giàn khoan mới của Trung Quốc nên chưa đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, nếu các giàn khoan này được hạ đặt trong vùng biển tranh chấp thì "đó sẽ là điều đáng lo ngại". Cũng theo bà Jen Psaki, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng New Zealand John Key đều lên tiếng hối thúc Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, tránh leo thang căng thẳng.

    * Thông tấn xã Đài Loan ngày 21/6 đưa tin, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W Bush, ông Stephen Hadley đã không nể nang chủ nhà, ngay tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ 3 tại Bắc Kinh, khi thẳng thắn chỉ trích những hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông và Hoa Đông đang khiến láng giềng lo ngại.

    Hội thảo này là "sự nối dài" thực lực ngoại giao Trung Quốc từ chính thức  đến phi chính thức, Bắc Kinh mời khá nhiều quan chức nghỉ hưu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Nga tham dự, trong đó có ông Stephen Hadley.

    Mặc dù là khách mời của Bắc Kinh, nhưng cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đã không ngần ngại phê phán thẳng thắn và đích danh nước chủ nhà. Trong bài phát biểu với tiêu đề "Quan hệ nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và hòa bình khu vực", Stephen Hadley đã ví những hành vi của Trung Quốc gần đây không khác gì thế kỷ 19, bao gồm những động thái khiêu khích ở Biển Đông và đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Ông Stephen Hadley nói: "Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc đương nhiên phải nghi ngờ mong muốn của Bắc Kinh về việc xây dựng mô hình mới của quan hệ nước lớn, mặc dù Trung Quốc có giải thích của riêng họ".

    Cựu cố vấn An ninh quốc gia Mỹ  nêu rõ: Tại Trung Quốc hiện nay tồn tại một quan điểm gọi là "âm mưu luận", quan điểm này cho rằng Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc  đang hợp mưu đối phó với Bắc Kinh. Thậm chí một số người Trung Quốc cho rằng, không có Mỹ, quan hệ Trung Quốc với láng giềng sẽ tốt hơn nhiều. "Tuy nhiên tôi cần nhấn mạnh, nếu không có Mỹ, những vấn đề Trung Quốc phải đối mặt ở châu Á còn tồi tệ hơn nhiều".
    Theo Nguyễn Chiến
    Chinhphu.vn

    Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

    Tìm hiểu thêm về một nhà văn, nhà báo

     Chân dung nhà sử học / TRƯƠNG MINH KÝ – NHÀ VĂN, NHÀ BÁO ĐẤT SÀI GÒN – GIA ĐỊNH


    TRƯƠNG MINH KÝ – NHÀ VĂN, NHÀ BÁO  ĐẤT SÀI GÒN – GIA ĐỊNH

    TRƯƠNG MINH KÝ – NHÀ VĂN, NHÀ BÁO ĐẤT SÀI GÒN – GIA ĐỊNH

    Phạm Thị Tố Thy
    Thạc sĩ, Trường ĐH Trà Vinh
    Năm 1865, Gia Định báo – tờ báo Việt ngữ đầu tiên được xuất bản ở Nam bộ, từ đó trở đi chữ quốc ngữ cũng dần trở thành công cụ đắc lực cho các nhà văn nhà thơ miền Nam sáng tác. Đặc biệt, từ lúc Trương Vĩnh Ký tiếp nhận vị trí quản nhiệm tờ Gia Định báo (1869) thì chữ quốc ngữ càng được truyền bá rộng rãi trong quần chúng hơn. Cùng với những đóng góp to lớn của Sĩ Tải tiên sinh trong việc truyền bá chữ quốc ngữ cũng như tạo nên sự thành công của nền văn học quốc ngữ Nam bộ nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, không thể không kể đến công lao của những học trò của ông như: Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương,… Họ chính là những người tiếp tục chủ trương “phổ biến chữ quốc ngữ bằng mọi phương tiện” để “trở thành chữ viết của đất nước”[1] mà Sĩ Tải tiên sinh đã đề ra, đồng thời cũng là những người tiên phong trong các hoạt động dịch thuật, sáng tác văn học bằng chữ quốc ngữ.
    Với độc giả quen thuộc của tờ Gia Định báo giai đoạn từ năm 1869 đến năm 1900, và cả tầng lớp trí thức Nam bộ thời kì cuối thế kỷ XIX thì có lẽ Trương Minh Ký không phải là tên tuổi xa lạ. Ông vừa là người cộng tác thường xuyên với Gia Định báo qua những bài dịch thuật có văn phong gần gũi, chất phác nhưng đầy tính giáo dục, vừa là một nhà giáo mẫu mực, một nhà dịch thuật uyên bác, am hiểu nhiều ngoại ngữ. Những tác phẩm của ông không chỉ được đăng trên báo mà còn xuất bản bán rộng rãi cho công chúng. Ông hẳn có một vị trí nhất định trong lòng độc giả cũng như công chúng yêu văn học thời đó nên đã từng có một độc giả của báo Điển Tín đăng bài viết dài 2 trang dưới tiêu đề “Một ông hiền thứ nhì trong Tam kỳ – Ông Trương Minh Ký[2] để giới thiệu thân thế cũng như những hoạt động nổi bật trong sự nghiệp của tiên sinh. Điều này càng được chứng thực hơn khi Phạm Việt Tuyền – giáo sư của Đại học Văn khoa Huế trước 1975 và cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận và đánh giá lại nền văn học miền Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX – đã chọn sự nghiệp của Trương Minh Ký là đề tài cho luận văn tiến sĩ của mình vào năm 1973, “Sáng chủ nhật 4.9.1966, Trung tâm văn bút Việt Nam ở Sài Gòn có tổ chức một buổi thuyết trình với đề tài “Trương Minh Ký  trong văn hóa thế kỷ XIX”. Người phụ trách là Phạm Việt Tuyền. Sau đó, năm 1973, tác giả viết lại thành luận văn thi tiến sĩ “Trương Minh Ký 1855 – 1900 và văn học thế hệ 1862 – 1913”, chưa in thành sách”[3]. Như vậy, trước năm 1975, Trương Minh Ký đã từng được nhìn nhận là một trong những người có công lao truyền bá chữ quốc ngữ và xây dựng nền văn học quốc ngữ ở Nam bộ. Rất tiếc là luận văn thi tiến sĩ của Phạm Việt Tuyền về Trương Minh Ký – một công trình nghiên cứu chi tiết nhất về Thế Tải tiên sinh tính đến thời điểm đó – lại chưa được tìm thấy nên không rõ tác giả Phạm Việt Tuyền đã tiến hành việc nghiên cứu Trương Minh Ký đến mức độ nào. Ngoài ra, bài báo “Một ông hiền thứ nhì trong Tam kỳ – Ông Trương Minh Ký” đăng trên tờ Điển Tín cho thấy người viết nắm khá rõ cuộc đời và những hoạt động của Trương tiên sinh, nhưng với nội dung gói gọn trong hai trang báo thì tác giả bài báo cũng không thể cung cấp cho người đọc thông tin chi tiết về con người và sự nghiệp của Trương tiên sinh.
    Ngay cả sau công trình của Phạm Việt Tuyền thì tên tuổi của Trương Minh Ký vẫn là một ẩn số. Nhất là trong các công trình nghiên cứu với mục đích nhìn nhận và đánh giá lại nền văn học quốc ngữ Nam bộ trong những thập niên cuối thế kỷ XX, ngoài những bài viết tương đối chi tiết của Bằng Giang trong quyển Văn học quốc ngữ Nam kỳ 1865 – 1930 thì hầu như không thấy các nhà nghiên cứu đề cập đến một tác giả như Trương Minh Ký, nếu có cũng chỉ là những dòng giới thiệu mang tính khái quát, sơ lược hoặc nội dung không có gì mới hơn so với những chi tiết đã viết trong công trình của Bằng Giang. Với gần 40 trang giấy, Bằng Giang đã cung cấp cho người đọc một vốn hiểu biết tương đối về tác giả Trương Minh Ký qua mảng sáng tác của ông, tuy nhiên về phần tiểu sử của Thế Tải tiên sinh thì Bằng Giang chỉ dành ít dòng giới thiệu tên tuổi quê quán.
    Từ năm 2000 trở đi, cùng với chủ trương khôi phục diện mạo nền văn xuôi quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khá nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về văn học Nam bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và các tác giả văn học của thời kì này đã được thực hiện, trong đó có một số tác giả đã chọn Trương Minh Ký làm đề tài nghiên cứu của mình. Nhìn chung, việc nghiên cứu Trương Minh Ký trong các công trình này đã có nhiều tiến triển hơn so với giai đoạn trước, dù vậy độc giả cũng chỉ biết nhiều đến Thế Tải tiên sinh chủ yếu qua mảng sáng tác, còn về nguồn gốc xuất thân và tiểu sử của ông vẫn còn nhiều bí ẩn, hầu hết người ta nói về Trương Minh Ký như một môn sinh của Trương Vĩnh Ký hay thuộc dòng dõi tướng quân Trương Minh Giảng nhưng thực hư thế nào thì chưa được nghiên cứu làm rõ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi giới thiệu nguồn gốc xuất thân cũng như những hoạt động cụ thể trong bốn mươi lăm năm tại thế của Trương Minh Ký – một trong những tác giả Nam bộ đầu tiên đưa chữ quốc ngữ vào sáng tác văn học, đồng thời cũng xin làm rõ một số thông tin chưa chính xác về tiên sinh đã được công bố trong các công trình trước đó.
    * Nguồn gốc tổ tiên
    Trong các tài liệu nói về Trương Minh Ký mà chúng tôi đã tìm thấy thì hầu hết không nói rõ về nguồn gốc tổ tiên của ông. Thường thì người viết chỉ cho biết Trương Minh Ký thuộc dòng dõi Trương Minh Giảng – đại tướng quân dưới triều Nguyễn – nhưng không nói cụ thể mối quan hệ giữa hai người, còn những tư liệu khác thì chỉ cho biết quê quán, họ tên cha mẹ của ông mà cũng không nói chi tiết về gia đình ông. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu, người viết may mắn được tiếp xúc với ông Võ Văn Sổ – thành viên của nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh, người đã tìm ra bản gia phả họ Trương Minh viết bằng chữ Hán được lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội và sau đó biên dịch lại chữ quốc ngữ – nhờ vậy mà đã truy tìm lại nguồn gốc tổ tiên cũng như nguyên quán của Trương Minh Ký.
    Theo Trương gia từ đường thế phả toàn tập thì ông nguyên tổ của Trương Minh Ký có nguyên quán tại Quảng Bình, sau đó di cư vào Bình Định: “Trương Đạt, tự Văn Phòng. Ông nguyên quán tỉnh Quảng Bình, phủ Quảng Ninh, huyện Khang Lộc (nay là Phong Lộc) tổng Hoàng Phổ, xã Trường Dục, thiên cư vào tỉnh Bình Định, phủ Quy Nhơn (nay là An Nhơn) huyện Tuy Viễn, tổng Thời Hòa (nay là Mỹ Thuận) thôn Nhơn Thuận (xưa là An Mỹ) lấy nghề nông làm nghiệp”[4].
    Ông thủy tổ cũng lập nghiệp tại Bình Định nhưng đến đời ông tổ thứ nhất của Trương Minh Ký (tính theo gia phả) thì dòng họ Trương Minh một lần nữa di cư vào sâu trong vùng đất Nam Kỳ, chọn Hanh Thông xã, thuộc Gia Định làm nơi dừng chân để dựng nghiệp: “Ông tổ đời một (1725 – 1778) tức người đầu tiên, đầu xuân Mậu Dần, vào khai canh tại Hanh Thông xã, thuộc Gò Vấp nay[5]. Như vậy tính đến thời Trương Minh Ký thì dòng họ Trương Minh đã định canh định cư tại Gia Định trên một thế kỷ. Dòng họ ấy không chỉ là một gia tộc lớn mà còn là một danh gia nhờ vào danh tiếng của tướng quân Trương Minh Giảng. Nếu tính theo vai vế thì Trương Minh Ký gọi Trương Minh Giảng bằng ông chú, xưng cháu vì Trương Minh Giảng thuộc đời thứ ba, còn Trương Minh Ký nằm ở thế hệ thứ năm.
    Ngay khi còn tại thế, Trương Minh Ký đã chú ý đến việc lập gia phả cho gia tộc mình. Chính tay ông đã lập một bản gia phả dòng họ Trương Minh khá chi tiết và đầy đủ, trong đó, ông còn ghi những dòng nhắn nhủ con cháu sau này nên tiếp tục công việc ghi chép bản gia phả của gia tộc: “Nghĩ trong họ đông người, e kẻ sau đặt tên con cái trùng tên ông bà, cô bác là không yên, vậy phải in tên người lớp trước cho con cháu kiêng nể, còn mỗi vị, sanh tử, ngày giờ, năm tháng, mồ mả tại đâu thì có bổn chánh nơi nhà thờ.
    Mẹ đẻ cha nuôi mới sống mà!
    Phải thương, phải tưởng đến Ông Bà.
    Làm người hiếu nghĩa suy nguồn cội,
    Có mẹ, có cha mới có ta.
    Thế Tải, Trương Minh Ký bái lục.
    Lời dặn: – Đời thứ năm, thứ sáu, thứ bảy hiện tại, bây giờ đây phải tiếp biên con cái mình, sanh tử, ngày giờ, năm tháng cùng tại đâu – (Gia Định, mồng 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, 1897)[6].
    * Cuộc đời của Trương Minh Ký
    Như đã nói ở trên, các tư liệu đã xuất bản hoặc đăng trên báo viết về Trương Minh Ký đều không nói cụ thể nguồn gốc cũng như xuất thân của ông. Ngoài luận văn về tác giả Trương Minh Ký của Phạm Việt Tuyền mà hiện nay người viết chưa tìm thấy, thì phần viết về Trương Minh Ký trong quyển sách “Văn học quốc ngữ ở Nam kỳ 1865 – 1930” của Bằng Giang có thể xem là chi tiết nhất trong các tư liệu mà người viết đã tiếp xúc. Ngoài ra, để hoàn chỉnh phần tiểu sử của Trương tiên sinh, chúng tôi đã dựa vào bản gia phả dòng tộc Trương Minh mà ông Võ Văn Sổ cung cấp để so sánh và đối chiếu (hiện chúng tôi giữ cả hai bản gia phả: 1. Bản gia phả do một người trong dòng tộc Trương Minh chấp bút viết bằng chữ Hán, lập năm 1886; 2. Bản gia phả do chính tay Trương Minh Ký lập năm 1897, đánh máy dưới hình thức chữ quốc ngữ), sau đó mới đưa ra những kết luận về cuộc đời của tiên sinh.
    Trương Minh Ký sinh vào ngày 23 – 10 -1855, nhằm giờ Thìn ngày 13 tháng 9 năm Ất Mão dưới thời Tự Đức. Tên cúng cơm của ông là Trương Minh Ngôn nhưng sau này, khi được học với thầy Trương Vĩnh Ký, vì cảm mến cái tài, cái đức của thầy nên ông đã đổi tên thành Trương Minh Ký. Riêng về tên hiệu Thế Tải thì không phải do Trương Minh Ký tự xưng mà được Huỳnh Quốc Công Miên Triệu đặt cho nhân chuyến ông cùng đoàn sứ Việt Nam tham dự Hội Đấu xảo ở Pháp, cái tên ấy được đặt vào ngày 3 – 7 – 1889. Kể từ đó, trong các sáng tác của ông, người ta thấy ông luôn đặt tên hiệu của mình ngay trước tên Trương Minh Ký. Ngoài ra, ông còn có một biệt hiệu khác là Mai Nham.
    Cha của Trương Minh Ký, ông Trương Minh Cẩn, là một nhà nho chính thống. Ông vốn xuất thân trong một gia đình buôn bán, là trưởng nam nhưng ông không nối nghiệp cha mà theo nghiệp nho. Ông có hai vợ, chính thất là bà Phạm Thị Nguyệt và kế thất là bà Đặng Thị Ký. Trương Minh Ký là con trai trưởng của ông Trương Minh Cẩn và bà chính thất, ông còn có hai người em, một em gái (cùng mẹ) và một em trai (con bà kế thất). Mẹ ông cũng vốn là con dòng Nho giáo, quê ở thôn Long Điền nhưng tiếc thay bà mất rất sớm, khi tuổi đời vừa tròn hai mươi lăm. Trương Minh Ký mồ côi mẹ khi tuổi mới lên bảy, không có bàn tay của mẹ chăm sóc quả là một thiệt thòi lớn cho ông nhưng không phải vì thế mà ông phải sống cuộc đời bất hạnh. Mất mẹ nhưng bù lại Trương Minh Ký nhận được sự chăm sóc hết sức chu đáo của thân phụ. Vừa đến tuổi đi học thì ông đã được cha đưa đi thụ giáo ở các thầy giỏi, cho theo học ở các trường danh tiếng nhất, nên tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng người Thanh niên Trương Minh Ký đã sớm được mọi người biết đến như một trong những bậc tài danh lúc đó. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì thân phụ Thế Tải tiên sinh là một nhà nho nên ông rất chú trọng đến việc giáo dục con cái; mặt khác ông vốn hiếm con, tính cả hai người vợ thì chỉ có ba người con thôi, trong đó, Trương Minh Ký là con cả nên càng được đầu tư nhiều hơn để làm gương cho những đứa em sau noi theo.
    Từ nhỏ Thế Tải tiên sinh đã thể hiện bản thân là một bậc thông minh, đỉnh ngộ. Ông học chữ Nho tại trường đạo của Trương Vĩnh Ký, sau khi học xong Ngũ kinh ông chuyển sang học tiếng Pháp. Ông là một trong những học trò giỏi nhất của trường nên rất được thầy Sĩ Tải quý mến. Đến năm mười chín tuổi, ông lấy bằng Tài năng thượng hạng (Brevet supérieur des instituteurs) tại Trường Khải Tường (còn gọi là Trường Chasseloup Laubat). Đây cũng là nơi ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình, ông dạy chữ Nho và chữ Tây cho học sinh. Trương Minh Ký không chỉ dạy học cho Trường Chasseloup Laubat mà còn là giáo viên của trường Thông ngôn (dạy chung với thầy của mình – Trương Vĩnh Ký), Trường Sĩ Hoạn.
    Năm Trương Minh Ký tròn hai mươi tuổi, tức một năm sau khi tốt nghiệp trường Khải Tường, ông lập gia đình. Theo bản “Trương gia từ đường thế phả toàn tập” thì Trương Minh Ký có tổng cộng ba người vợ và mười ba người con, nhưng xét theo bản gia phả do chính ông lập thì chỉ thấy tên của bà chính thất là Nguyễn Thị Nhờ – con gái của quan tri huyện Nguyễn Như Cương, quê xã Bình Hòa. Ở đây chúng tôi cho rằng có lẽ thông tin ở cả hai bản đều đúng nhưng Trương Minh Ký chỉ thừa nhận bà Nguyễn Thị Nhờ là vợ chính thức. Kết quả của cuộc hôn nhân rất xứng lứa vừa đôi này (tiên sinh tròn hai mươi, bà Nhờ vừa mười chín) là mười người con, sáu trai bốn gái.
    Năm 1879, ông được thăng chức thầy Tư nghiệp (sau này người ta gọi là Huấn đạo), “Trương Minh Ký nguyên làm thầy giáo giúp hạng ba, lên hạng nhì, đồng niên năm 1400 quan tiền[7]. Cũng cần lưu ý chức thầy giáo giúp của Trương Minh Ký là một ngạch giáo chức cao hơn giáo viên, không phải là trợ giáo (theo Bùi Đức Tịnh). Với vốn kiến thức rộng, tinh thông nhiều ngoại ngữ: Hán ngữ, Pháp ngữ và quốc ngữ nên năm 1880, ông được quan Nguyên soái Le Myre de Villers tín nhiệm và giao phận sự dìu dắt mười du học sinh trường Bổn quốc, trong đó có Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương sang Alger (thủ đô một nước thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi) để học tiếp bậc trung học phổ thông. Về chi tiết này có một số nhà nghiên cứu cho rằng Trương Minh Ký là một thành viên trong tốp mười du học sinh đó[8], tuy nhiên sau khi tìm hiểu kỹ người viết cho rằng thông tin này không chính xác. Thứ nhất, bài viết trên báoĐiển tín có ghi rõ thế này: “Qua đầu năm 1880, ông[9] đắc lịnh quan Nguyên soái Le Myre de Villers, đem qua Alger mươi người Thanh niên học sanh của trường Bổn quốc đặng học bậc Cao đẳng”; thứ hai, quyển Văn học Quốc ngữ ở Nam kì 1865 – 1930 của Bằng Giang cũng có đoạn nói đến chi tiết này: “Thầy Lazaro Phiền (…) tác giả[10] đề tặng Diệp Văn Cương và các bạn đã cùng học ở trường trung học tại Alger (nay là thủ đô của nước Cộng hòa An – giê – ri ở Bắc Phi). Tác giả đã được học bổng đi Alger năm 1880. Người hướng dẫn đoàn du học sinh trong chuyến đi này là Trương Minh Ký”. Ngoài ra, các tác giả của bộTừ điển văn học (mới) cũng đồng quan điểm cho rằng Trương Minh Ký là người dẫn dắt đoàn du học sinh này. Chuyến đi Tây đầu tiên đã tạo cơ hội cho ông bổ sung thêm vốn ngoại ngữ cũng như nhiều kiến thức văn hóa cho bản thân.
    Song song với công việc dạy học, ông còn là một cộng tác viên thường xuyên cho Gia Định báo và Thông loại khóa trìnhGia Định báo lúc đầu do Trương Vĩnh Ký quản nhiệm (từ năm 1869) nhưng theo Bằng Giang thì đến năm 1881 Trương Minh Ký đã thay Sĩ Tải tiên sinh lên làm quản lý tờ báo. Về vấn đề này chúng tôi chưa dám khẳng định hoàn toàn vì còn nhiều ý kiến khác nhau, một số tác giả đồng ý kiến với Bằng Giang như tác giả Nguyễn Q.Thắng trong quyển Từ điển tác gia Việt Nam hay các tác giả của bộ Từ điển văn học (mới); một số nhà nghiên cứu khác thì chỉ xem Trương Minh Ký như một người làm công tác biên tập. Vậy nên chi tiết Trương Minh Ký có làm chủ bút tờ Gia Định báo hay không thiết nghĩ cần phải có thêm nhiều chứng cứ xác thực nữa (rất tiếc là chúng tôi không có tư liệu Gia Định báo năm 1881), còn riêng việc ông tham gia vào ban biên tập của tờ báo là một điều có thể khẳng định. Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng, trong công trình Báo chí Việt Nam từ khởi nguyên thủy đến 1945, đã viết như sau: “Ban biên tập gồm có Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, và nhất là viên chủ bút Huỳnh Tịnh Của đã đảm nhiệm cùng với ông Trương Vĩnh Ký phiên dịch những tài liệu chính thức bằng Pháp văn ra Việt văn (diễn văn, nghị định, công văn…) để đăng trên Gia Định báo”.
    Có một chi tiết mà người viết cũng chưa thực sự khẳng định vì các tư liệu không nói đến một cách cụ thể nhưng nêu ra đây như một nghi vấn, đó là có một giai đoạn tiên sinh đã xuống làm việc tại Mỹ Tho, không rõ thời gian ông đến và đi nhưng theo Trương gia từ đường thế phả toàn tập thì người con thứ năm của ông đã được hạ sinh tại Mỹ Tho vào tháng 3 năm 1883, có thể đây là thời điểm Trương Minh Ký đã ở và làm việc tại đó. Trong những năm tháng ở Mỹ Tho, Thế Tải tiên sinh đã giúp dân chúng Gò Công mở đường sá, xây dựng trường học, tạo điều kiện cho con em ở đó có cơ hội đến trường (Theo bài viết đăng báo Điển Tín).
    Năm 1889, được ông Landes (nhất hạng tham biện lúc đó) tiến cử, Trương Minh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn của triều đình Huế đi sứ sang Pháp tham dự Hội Đấu xảo tại Paris. Cũng trong chuyến đi này, nhận thấy công lao cũng như vốn kiến thức uyên bác của Thế Tải tiên sinh, nhà nước Pháp phong thưởng cho ông tước Hàn lâm viện cùng số tiền là năm trăm (không rõ đơn vị); còn triều đình nhà Nguyễn – dưới thời Thành Thái đã ân thưởng cho ông Kim khánh trung hạng cùng với cặp cống sa màu lục và màu hồng. Sau khi trở về, ông vẫn tiếp tục công việc viết báo, sáng tác và làm thông sự ở ty Phiên dịch Nam Kỳ (từ năm 1890 đến ngày tiên sinh tạ thế). Công việc đang tiến triển tốt đẹp thì ông đã ngã bệnh và mất vào ngày 11 – 8 – 1900 (nhằm ngày 17 tháng 7 năm Canh Tí). Mộ Trương Minh Ký được táng bên cạnh mộ vợ ở phía sau nhà thờ gia tộc họ Trương, nằm trong khuôn viên của nhà dân tại số 163/25 E, đường Nguyễn Văn Nghi, phường 7, Quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh. Xung quanh nhà mộ của ông còn có nhà mộ của anh em, con cháu ông. Kiến trúc của nhà mộ Trương Minh Ký nhìn từ bên ngoài trông khá đẹp nhưng tiếc là bên trong đã không còn bia mộ của ông, người ta đã san bằng mất phần mộ của vợ chồng tiên sinh để làm gian nhà sinh hoạt. Nếu có vị khách lạ nào tình cờ bước vào, có thể họ nghĩ đấy không phải là nhà mộ mà chỉ là nhà ở bình thường. Ngẫm nghĩ lại cũng đáng buồn, Thế Tải tiên sinh có lẽ không mong ba trăm năm sau có người tưởng nhớ đến mình nhưng cũng không ngờ rằng chỉ vừa tròn trăm năm tạ thế mà nơi yên nghỉ ngàn thu của ông đã biến đổi ra nông nỗi thế !
     Nguồn : Nam bộ đất và người, tập 9

    Chú Thích
    [1] Lê Hồng Phước (2005), Tìm hiểu sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM, tr.26.
    [2] Bài báo được người viết tình cờ tìm thấy ở Thư viện Tổng hợp TP.HCM. Văn bản bài báo được dán trên trang bìa của tác phẩm Trương lưu hầu phú của Trương Vĩnh Ký (xuất bản tại nhà hàng in C.Guilland et Martinon – Sài Gòn, 1882), đã mất phần in ngày tháng phát hành nên không biết chính xác tác giả bài báo tên gì? Phát hành ở số báo mấy? Năm nào?
    [3] Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, tr.95.
    [4] Nhóm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm và biên dịch (1998), Trương gia từ đường thế phả toàn tập, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.5.
    [5] Nhóm nghiên cứu và thực hành gia phả Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm và biên dịch, Sđd, tr.6.
    [6] Trương Minh Ký (1896), Trương gia từ thế phổ, bản đánh máy, tr.5.
    [7] Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ Mới, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.21.
    [8] Nguyễn Q. Thắng (1990), Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb Tổng hợp An Giang, tr.926-927.
    [9] Tức là Trương Minh Ký.
    [10] Tác giả ở đây là Nguyễn Trọng Quản.