Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Ao làng sạch đẹp hơn rồi!



Vệ sinh môi trường đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay ở nhiều vùng, trong đó có làng Giữa. Được sự ủng hộ của Chi bộ và BQL thôn, bà con 2 ngõ: Ngõ  Giếng, Ngõ Làng ( xóm 3 Đại Mão hiện nay) đã tíến hành nạo vét, thu dọn ao trước xóm.Trồng thêm cây xanh, đặt ghế đá quanh bờ ao, thả sen, súng trong ao; nước ao đã trong gần như ngày xưa. Người lớn, trẻ con đã có thể xuống ao tắm và tập bơi như các thế hệ trước… Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường từng bước được nâng lên.
Nhiều người  trong ngõ xóm tích cực tham gia vào việc cải tạo ao này, trong đó có các ông Trần Hữu Mạch, Nguyễn Viết Phan, Lê Nho Nghiêm, Lê Doãn Lương, Lê Nho Thu …  TVGL xin giới thiệu bài thơ của Ông Lê Nho Chất, người Ngõ Giếng, nguyên Phó Chủ tịch huyện Gia Lương (trước đây). Bài thơ này ông đề ” tặng ông Trần Hữu Mạch, một trong những người tích cực chăm lo cảnh quan môi trường và dẫy ao hai xóm ngõ Giếng+ Ngõ Làng sạch đẹp



CẢNH SẮC XÓM GIẾNG LÀNG


Giếng – Làng chung một dãy ao

Không gian thoáng mát, ai vào cũng khen.

Mặt hồ hoa súng hoa sen

Tỏa hương thơm mát ngay bên đường làng.

Trên bờ sạch đẹp khang trang,

Lại nhiều ghế đá dưới hàng cây xanh.

Lan can kiểu dáng thanh thanh

Sơn màu xanh biếc, bao quanh mặt hồ.

Xin mời quý cậu, quý cô

Đêm đêm hóng mát, bên hồ ngắm sen…

                                               Tháng 7 năm 2014                                                        
                                                          LÊ NHO CHẤT




Ao  Giếng - Làng đã trong gần như ngày xưa...Ngày xưa, người lớn trẻ con đều biết bơi. Bây giờ trẻ con nông thôn còn bơi kém xa trẻ con thành phố, vì không có điều kiện ra hồ bơi chuẩn. Có những cái ao tạm sach sẽ, nhiều cháu sẽ biết bơi, đỡ lo đuối nước...

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Cư xử với sách thế nào?

Sách - đồ thờ hay đồ vật?
TT - LTS: Sách nên được đối xử như thế nào bỗng nhiên trở thành một đề tài được cư dân mạng bình luận những ngày qua, khi sách và “sao” cùng xuất hiện trong một hình ảnh gây dư luận.

Hai tập sách mới của nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Ngọc Trân - Ảnh: L.Điền
Cũng quan tâm đến chuyện “đối xử”, ở một góc nhìn khác, nhà thơ Dạ Thảo Phương vừa gửi đến Tuổi Trẻ một bài viết như một cách chia sẻ “nỗi lòng riêng” với sách.
Dư luận vừa ồn lên vì tấm ảnh trường quay có một đạo diễn và một người đẹp ngồi trên ghế được kê bằng sách. “Vô học”, “vô văn hóa”, “vô đạo đức”... - rất nhiều bình luận phẫn nộ nhắm vào hành động dùng sách kê ghế. Kèm theo đó, không ít những lời tụng ca sách, như thể những cuốn sách ấy là đồ thờ của cả xã hội.
Cá nhân tôi cho rằng sách không nên được coi như đồ thờ.
Tôi không phản đối những người thờ phụng sách. Nhưng tôi phản đối cá nhân mình thờ phụng sách. Sách chỉ là sách đọc khi nó được đọc, được suy ngẫm, được đối thoại cùng tâm tưởng, được biến thành một phần của bản thân người đọc, đến mức là... quên nhau đi.
Nói cách khác, mục đích quan trọng nhất của việc đọc là giúp ta sống trưởng thành hơn, có khả năng tư duy độc lập hơn. Độc lập với thói quen suy nghĩ của đám đông, độc lập với chính cuốn sách mình đọc.
Tôi sợ ngăn trở chính mình đến với mục đích đó nếu nhìn sách như đồ thờ, chỉ mải mê ngắm nghía, ca tụng nó cùng/với người khác, và sợ nhất là cả khi chỉ còn chính mình với trang sách.
Việc “đọc” một cuốn sách có thể được tiếp tục ngay cả khi người ta không còn cầm cuốn sách trên tay nữa, ngay cả khi người ta đã quên nó.
Khi một cuốn sách không được “đang đọc”, nó không còn là sách - để - đọc nữa. Tôi đã trải qua khoảng thời gian mê giữ rịt sách bên mình, sách chất quanh các giá cao ngất đến tận trần nhà, bao quanh phòng, xếp cả vào những ô thông gió... nhiều đến mức sách thành trở ngại cho không gian sống. Những cuốn sách không - được - đọc im lìm trên những ban - thờ - giá - sách, là những cuốn sách bị giam cầm, không có ích cho ai.
Bây giờ, tôi giữ lại bên mình rất ít sách. Số lượng sách được giữ lại chỉ chiếm một phần cực nhỏ số lượng sách mua. Khi có thời gian, tôi lựa ra những cuốn mình không đọc nữa đem tặng cho những người có thể thích nó. Trong số đó có cả những cuốn sách là tác giả tặng, tôi nắn nót đề thêm dòng chữ “Dạ Thảo Phương trân trọng tặng lại” dưới lời đề tặng của tác giả. Tặng sách của mình cho người khác, nếu không được yêu cầu, tôi không đề tặng để họ thoải mái tùy ý sử dụng. Những cuốn “mua nhầm” mà không tặng được cho ai, tôi cho vào thùng rác tái chế để giấy được tiếp tục sống những kiếp giấy không vô ích.
Ở Nhật, Pháp, Đức, Ý... ngoài đường, trên tàu, trong công viên, quán cà phê, đâu đâu cũng thấy người đang đọc sách. Ở Canada, tôi từng đến những nhà xã hội, nơi có thư viện cho người vô gia cư đến đọc sách và dùng Internet miễn phí.
Ở VN, hiếm thấy ai “dám” đọc sách nơi công cộng. Nhiều người có học thản nhiên vứt rác ra đường, quát tháo chốn đông người, nói chuyện điện thoại giữa phòng họp, trong nhà hát, chòng ghẹo phụ nữ. Thản nhiên mua sách lậu, thản nhiên ngửa tay xin sách về trưng lên kệ.
Coi sách mình sở hữu như đồ thờ hay đơn giản là một đồ vật là quyền lựa chọn của mỗi cá nhân.
Với riêng tôi, nếu thật sự trân quý người viết, việc viết, việc đọc, thật sự trân quý sách, hãy ra hiệu sách và... mở ví. Và mở bản thân mình cùng với việc mở sách.
DẠ THẢO PHƯƠNG

Nhớ mãi tên học trò

Nhớ mãi tên học trò

TT - Lên vùng cao dạy chữ, những tên gọi vừa trìu mến, vừa thân thương của các em học sinh mang đậm chất núi rừng, đã để lại kỷ niệm sâu đậm trong tâm hồn những người thầy người cô vùng xuôi.


Trường học vùng cao phía trước và phía sau là suối  - Ảnh: N.T.L.
Thầy giáo Nguyễn Thành Chung lên vùng cao Bảo Yên (Lào Cai) dạy học từ năm 2004. Khi ấy, Bảo Yên còn là một vùng quê nghèo khó, trường lớp còn sơ sài, học trò ở sâu trong các bản Mông, bản Tày. Ấn tượng mà đến chục năm sau thầy Chung vẫn còn nhớ như in và say sưa kể cho đồng nghiệp của mình nghe là tên gọi một học trò người Mông.
Khi nhận lớp chủ nhiệm khối 10, chưa biết tên học trò lớp mình, phút đầu làm quen thầy Chung mạnh dạn hát một bài rồi hỏi tên từng em một. Hướng về một nam sinh người Mông tóc vàng hoe, chân đi dép quai nhựa, mặc quần áo đen, thầy Chung hỏi: “Em tên là gì?”. Cậu học trò người Mông đáp lại bằng tiếng Kinh pha tiếng Mông: “Em tên là Dì”. Nghe thấy lời đáp như vậy, thầy Chung hỏi lại lần thứ hai và lại nhận được câu trả lời từ em học trò như ban đầu. Băn khoăn liệu có phải cậu học trò kia không biết tiếng Kinh nên nói nhại lại lời thầy giáo? Rất may lúc đó một em học sinh người Tày nhanh nhảu đứng lên giải thích cho thầy giáo biết: “Thưa thầy, bạn ấy tên là Dì thật đấy, tên đầy đủ của bạn là Lù Seo Dì!”. Thầy Chung lúc ấy mới chợt hiểu đó là cách đặt tên của người vùng cao. Vừa quen, vừa lạ, vừa thú vị.
Vừa lạ, vừa ấn tượng
"Những tên gọi đã trở thành một đặc trưng rất riêng của học trò vùng cao. Điều đó làm nên những ấn tượng rất thú vị và xúc động đối với các thầy cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy chữ"
Thầy giáo HOÀNG VĂN CHÚC(hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Yên, Lào Cai)
Không giống như học trò miền xuôi với những cái tên rất kêu, rất đẹp, học trò vùng cao là con em đồng bào các dân tộc thiểu số lại có những tên gọi hết sức tự nhiên, hồn nhiên và giản dị. Không khó tìm khi đến các trường học vùng cao, những thầy cô giáo miền xuôi mới lên vùng cao dạy học khi đọc tên học sinh cũng dừng lại tủm tỉm cười hay đỏ mặt. Còn đối với các em học sinh vùng cao, đó lại là những tên gọi bình thường.
Hiếm nơi nào lại có những cái tên như Hoàng Thị Chim, Hoàng Thị Bướm, Lương Thị Cu... như ở Trường THPT số 3 Bảo Yên (Lào Cai). Khi hỏi vì sao lại được bố mẹ đặt tên như vậy, các em thành thật trả lời không chút ngần ngại đó là tên gọi của các con vật trong núi rừng tự nhiên, đồng bào Tày, Mông sống gần rừng, gần suối nên yêu quý các con vật. Vì vậy, khi sinh con thì lấy tên các con vật để đặt cho con, mong các con “chóng lớn”, khỏe mạnh và lớn lên một cách tự nhiên. Chẳng thế mà ngoài những tên gọi rất “kêu” ở trên thì cũng ở ngôi trường này, rất nhiều em mang những tên gọi như Cổ Thị Núi (núi rừng), Cổ Thị Suối (suối chảy), Cổ Thị Chày (cái chày giã gạo), Hoàng Thị Nứa (cây nứa trên rừng), Hoàng Thị Lúa (hạt thóc)... Có gia đình còn “bạo gan” đặt tên con là Cổ Thị Trời (trời đất), mong con lớn lên tự nhiên, cao rộng như đất trời vậy.
Do sống gần với thiên nhiên, sống dựa vào thiên nhiên suốt cuộc mưu sinh, do vậy khi đặt tên con, mong cho con có những cái tên đẹp, người Tày, người Mông, người Dao lựa chọn những loại cây mọc nhiều trên địa bàn để đặt tên con. Đến các trường học vùng cao sẽ có nhiều em mang những cái tên trùng nhau như Hoàng Thị Đào, Hoàng Thị Mận, Hoàng Thị Mơ, Hoàng Thị Bòng, Hoàng Thị Chanh, Cổ Thị Sung... Tên gọi của các em đều mang tên các loài quả có trên rừng hoặc trong vườn nhà, vừa gần gũi vừa hoang hoải chất núi rừng.
Cũng có nhóm tên các em học sinh được đặt theo sức khỏe và tâm trạng của con người như Hoàng Văn Sướng, Cổ Thị Vui, Cổ Thị Ước, Nông Văn Vực, Hoàng Thị Sức, Hoàng Thị Sua, Hoàng Thị Mừng, Nguyễn Thị Bùi, Ma Tiến Lực, Cổ Văn Trướng, Cổ Văn Điệu, Ma Thi Sang, Ma Thị Giàu... Những tên gọi này vừa gợi lên niềm vui, niềm sung sướng, gợi sức khỏe, mong cho con trẻ sau này có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ở nhóm học sinh người dân tộc Mông có tên gọi rất đặc trưng và khi phát âm thấy rất ấn tượng, gợi nhiều liên tưởng. Hầu hết các em ở trên núi cao, quanh năm làm bạn với núi rừng và sương mờ nên những tên gọi ấy vừa gợi lên địa bàn sống, vừa gợi ý chí của mỗi người. Do vậy so với học sinh người Tày, Dao, học sinh người Mông có tên khá dễ nhớ nhưng không hề dễ gọi như Lù Sèo Vần, Lý A Chóng, Thèo Chính Cheng, Lý A Chú, Thào Seo Lìn, Thào Seo Dì, Thào Văn Chóng, Lý A Chớ, Vàng Quáng Diêu... Đó là những tên gọi rất đặc trưng của đồng bào Mông.

Học trò vùng cao với những cái tên vừa lạ, vừa thân quen - Ảnh: N.T.L.
Gửi gắm những ước mơ cao đẹp
Khi được hỏi vì sao lại có cách đặt tên như thế, đa số phụ huynh học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng cao cho rằng đó là cách đặt tên một cách ngẫu nhiên mà không hề có sự lựa chọn kỹ càng, đắn đo như người dưới xuôi. Tất nhiên những tên gọi đó đều mang những quan niệm, nét nghĩ và phong tục của đồng bào vùng cao. Trước đây, việc đặt tên con có chữ “tục” là mong ma cà rồng hay ma rừng không bắt vía của con mình. Nhưng sau này việc đặt tên con sau khi sinh gắn liền với sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, mang theo những ước mơ cao đẹp của đồng bào về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những tên gọi của học trò đối với các thầy cô giáo vùng xuôi nghe lần đầu thấy lạ, thấy khó phát âm nhưng nói mãi thành quen và cảm thấy thân thuộc, gắn bó.
Ma La Đô Na và Ma La Đô Min
Lên vùng cao, khi tiếp xúc với học trò ở các cấp học, không thiếu những câu chuyện vui khi các em được đặt tên. Có hai anh em học sinh người Tày, họ Ma được sinh đúng vào thời điểm cầu thủ bóng đá Maradona nổi danh nên bố mẹ đặt tên con nhái theo tên gọi của cầu thủ là Ma La Đô Na và Ma La Đô Min (có chữ La vì người Tày khó phát âm “r”). Rồi có gia đình người Tày đặt tên con là Ma Chiu Sa, nhái theo bài hát Nga Kachiusa.
Cũng có nhóm tên được các gia đình ở vùng cao lựa chọn để đặt tên cho con theo tên gọi các con vật như Lý Văn Miu, Hoàng Thị Hợi, Nguyễn Thị Dần, Hoàng Thị Ong, Hoàng Văn Cáo... Có em bố mẹ không ngần ngại khi đặt tên con là Hoàng Văn Khuyển.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)

Vui một chút : Đề nghị đừng cười khi đọc văn của con

Đọc văn con, bố mẹ cười "đau ruột"

Hình dáng của bà nội được hai mét rưỡi, dáng đi chậm chạp. Tính tình bà rất là bực bội. Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố....
Đề: Tả thầy giáo em.
Trong suốt năm em học lớp 6, người thầy mà em yêu mến đó là thầy Quang. Thầy cao 2 mét, thầy có nước da trắng như bông bưởi.
Đề: Tả cảnh bến xe, bến tàu.
Buổi sáng em đưa mẹ ra bến xe nhưng xe đã đi hết rồi chỉ còn lại mấy cái xe hỏng nằm chỏng vó ra. Trong quán mấy anh thanh niên nhỡ xe ngồi tí tách cười.
Đề: Tả cây hoa hồng.
Em trồng trong chậu một cây hoa hồng nhung rất đẹp. Lá to bằng quyển sách, cánh hoa to bằng hai bàn tay khum lại.
Đề: Tả anh bộ đội.
Một buổi trưa chúng em đang chơi ở đầu ngõ thì thì xuất hiện một bóng đen khả nghi. Nhìn một lúc à thì ra anh Huấn nhà bác Thép mới đi bộ đội về.
Đề: Tả buổi sớm ở xóm, thôn, nơi em ở.
Nơi em ở toàn người đi làm thuê làm mướn nên chả có gì để tả. Ngày nào cũng vậy cứ sáng ra là mọi người dậy thật sớm để đi làm thuê. Hôm nào mưa thì mọi người phải ở nhà, thế là chết đói.
Đề: Tả con lợn.
Nhà em có nuôi một con lợn, nó có ba chân. Khi nó nằm thì chân co chân duỗi.
Đề: Hãy tả cảnh mưa rơi.
Trời đang trong xanh, bỗng từ đâu mây đen kéo đến. Rầm! Trời bắt đầu mưa, mưa rơi từng cục từng cục một làm em rất sợ.
Đề: Tả ông nội của em.
Nhà em có nuôi một ông nội. Ông không có răng. Sáng sáng mẹ em cho ông nội ăn. Trưa trưa ba em cho ông nội ăn. Hôm nào không có ba và mẹ ở nhà thì ông nhịn đói.
Đọc văn con, bố mẹ cười
Những bài văn của trẻ tiểu học khiến nhiều người không nhịn nổi cười (ảnh minh hoạ)
Đề: Tả con sông quê em.
Con sông quê em lớn lắm. Nước nó đen thui, rác nổi tùm lum. Con sông quê em thối lắm. Chiều chiều chúng em hay ra sông tắm, chúng em đùa giỡn thiệt vui. Đi đâu em cũng nhớ về con sông quê em.
Đề: Tả một con vật mà em yêu thích.
Nhà em có nuôi một con chim cánh cụt, nó rất thích tuyết nên nhà em phải nuôi nó trong tủ lạnh, sáng sáng bố em đều mở tủ lạnh ra cho chú chim ăn sáng. Em rất yêu chú chim và bố.
Đề: Em hãy tả buổi sáng ở xã của em.
Buổi sáng ở xã em bắt đầu khi những chú chim còn ngủ gật gù trên dây điện. Các bác nông dân đội nón đi làm, những chú công nhân thì ngồi trên những chiếc xe máy kêu bình bịch... Chẳng mấy chốc, mọi người đã vội vàng về nhà vì sợ bị say nắng.
Đề: Hãy tả một em bé mà em yêu quý.
Gần nhà em có một em bé tên là Duy Anh. Em năm nay lên hai tuổi và đã mọc lơ thơ mấy chiếc răng. Em rất ít ngủ trưa, mắt em lúc nào cũng mở toang hoang.
Đề: Tả chiếc đồng hồ.
Nhà em có một chiếc đồng hồ cũ, mỗi khi nó dở chứng hỏng hóc là mẹ em lại quát: "Sao mày ốm mãi vậy?"
Đề: Hãy tả về mẹ em.
Mẹ em cười nhe hai hàm răng đen nhánh vì ăn trầu.
Đề: Tả về con lợn.
Nhà em có nuôi một con lợn nái, chân nó to bằng cái cán cào, đầu to bằng cái gầu tát nước, thân nó to bằng cái phích nước. Ngày qua ngày con lợn lớn nhanh như thổi. Rồi một hôm, em ở trong nhà, nghe tiếc éc éc. Thôi rồi, mẹ em đã bán lợn.
Đề: Kể về một người thân trong gia đình.
Mẹ em là một người phụ nữ tuyệt vời. Mẹ rất thương yêu con cái. Dù bận xem phim Hàn Quốc nhưng mẹ vẫn hay hỏi han em về chuyện học hành mỗi tối.
Đề: Tả con đường tới trường.
Yêu biết mấy con đường hàng ngày đưa em tới trường. Dọc quanh sông Tô Lịch hiền hòa thơ mộng, những hàng cây xanh rợp bóng mát, trên con đường có rất nhiều ổ gà, trong đó có rất nhiều chú gà mới nở vàng ươm.
Đề: Điền từ thích hợp vào chỗ trống: "Có ... thì mới có ăn. Nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa...
Có cá thì mới có ăn. Nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa chết
Đề: Tả đàn gà.
Nhà em có một đàn gà. Gà này là gà gô, gà ri và gà tam hoàng. Con gà trống nhà em chả lúc nào nó rảnh cả. Lúc thì đuổi nhau với gà mái, lúc thì chạy đi kiếm ăn. Em rất yêu đàn gà nhà em. Nhưng chúng nó toàn trốn sang ruộng lúa. Làm em cứ phải ném đá đuổi về, không thì người ta phun thuốc sâu cho chết.
Bài liên quan: 
Những bức ảnh "bá đạo" của trẻ em
"Biết thế con đã bảo bố đừng lấy mẹ"
“Bố toàn tranh ti của con thôi”
Tập làm văn "bất hủ" của trẻ tiểu học
Đề: Tả bữa cơm của gia đình em.
... Em và chị mời bố mẹ ăn cơm. Bố vừa ăn vừa xem tivi. Mẹ và chị nói chuyện với nhau. Mấy con chó chạy xung quanh sủa ầm ĩ. Cả nhà đang ăn cơm, thì bác Thắng sang chơi. Mẹ em mời bác ăn cơm. Bác gật đầu đồng ý.
Đề: Tả về người bà em yêu quý.
Nhà em có nuôi một bà nội, bà làm nghề đi chùa.
Đề: Tả con trâu.
Đôi mắt của con trâu to bằng ngón chân cái của bố em.
Đề: Tả về con lợn nhà em.
Nhà em có nuôi một con lợn. Con lợn nhà em trông rất xinh xắn, bốn cái chân nó to như bốn cái thùng gánh nước. Khi ăn nó cứ kêu oạp oạp và cái đuôi cứ ngoe nguẩy trông như vòi voi khi chiến đấu.
Đề: Đặt câu với vần iêu.
Mẹ em thích tiêu tiền.
Đề: Tả con vật nuôi mà em thích nhất.
Trong tất cả những con vật nuôi nhà em, em thích nhất là chú vịt con, chú mới nở được 3 ngày thôi, bộ lông óng mượt như tơ, đôi chân hồng hồng to bằng chiếc đũa.
Đề: Tả cây ăn quả.
Nhà em có trồng 1 cây quất trong góc vườn. Cây quất chỉ cao bằng 1 gang tay nhưng quả sai trĩu chịt. Nhà em bán đồ ăn sáng không cần mua thêm quất ở chợ...
Đề: Tả anh bộ đội.
Gần nhà em có một anh bộ đội, anh bơi rất giỏi, anh có thể bơi lập lờ trên mặt nước, trông xa cứ như người chết đuối.
Đề: Tả con gà trống.
Bà nội em có nuôi một con gà trống. Chú gà rất lực lưỡng như lực sĩ đấu vật. Bộ lông nhiều màu bóng mượt. Cái mào đỏ chót đầy kiêu hãnh. Chân chú gà đã có cựa rắn chắc và khỏe mạnh. Sáng sáng, chú trống dẫn đàn gà con đi tìm mồi.
Đề: Em hãy điền dấu phẩy vào đúng chỗ "gia đình hai con vợ chồng hạnh phúc".
Gia đình hai con vợ, chồng hạnh phúc.
Đề: Tả về một người gương mẫu ở nơi em sinh sống.
Làng em có một bác gương mẫu nhất làng, bác ấy là bác truởng thôn. Em nghe mẹ nói bác ấy ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng nhưng em thấy ngày nào bác ấy cũng vác loa để thông báo mọi việc cho xóm làng.
Đề: Tả người bà mà em yêu quý.
Bà em thường bịt trên đầu một chiếc khăn nhung, bên dưới chiếc khăn thò ra hai cái tai vừa to vừa dài.
Đề: Em hãy tả anh bộ đội.
Ở gần nhà em có một anh bộ đội. Anh có nước da giống màu bộ bàn ghế nhà em, mái tóc nhọn hoắt cong như hình lưỡi liềm.
Đề: Trong các tác phẩm em đã học và đọc thêm, em thích tác phẩm nào nhất ? Vì sao? Hãy chứng minh?
Trong kho tàng văn học VN, ca dao dân ca rất giàu tình nghĩa.... Trong các tác phẩm đó em thích nhất là tác phẩm "Tắt đèn" của chị Dậu. Vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó...
Đề: Tả bà em.
Hình dáng của bà nội rất là thấp, được hai mét rưỡi, dáng đi rất chậm chạp, mắt thì lừ đừ ít thấy gì nữa. Tính tình bà rất là bực bội. Khi cười miệng bà em móm mém như miệng cái hố.
Đề: Tả quang cảnh sân trường.
Mới tờ mờ sáng đã nghe tiếng thầy dõng dạc hô: "Lượm rác nào".

Để con tự lập, cha mẹ đừng là vật cản

Để con tự lập, cha mẹ đừng là vật cản

"Khi người lớn làm hộ điều trẻ có thể làm, người lớn đang là vật cản trên con đường phát triển của trẻ”, bà Chiristine Munn, Chủ tịch Hiệp hội Montessori Mỹ chia sẻ.
Trong hội thảo “Làm sao để trẻ tự lập” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Chiristine Munn chia sẻ, thực tế người lớn thường không nhận ra trẻ con từ 2 tuổi đã khao khát tự mình làm mọi việc. Theo quan sát của bà, những câu trẻ 2 tuổi thường nói bên cạnh các từ “bố”, “mẹ”, “không” là “Con có thể tự làm được”, “Để con tự làm”...
Dựa trên kiến thức về sự phát triển của trẻ cũng như quá trình giáo dục trẻ ở trường mầm non, chuyên gia này khẳng định trẻ em 2 tuổi đã có thể tự lập ở 4 lĩnh vực cơ bản trong cuộc sống: ăn, ngủ, đi vệ sinh và tự mặc quần áo. Bà chia sẻ những bức ảnh thực tế ở Mỹ bé 2 tuổi có thể rót sữa từ một chiếc bình lớn và tự uống; bé 3 tuổi có thể tự cắt chuối, táo và tự làm một bữa ăn đơn giản… Thực tế, các con của nhà giáo dục này từ 5-6 tuổi đã có thể tự dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình (bữa sáng đơn giản với bánh mì, ngũ cốc, sữa) và thậm chí phục vụ bố mẹ tận giường…
“Không thể tin được”, “làm sao con tôi có thể tự làm được việc đó?”, “tại sao ở trường con tự làm mọi thứ mà ở nhà con không thể làm việc gì?”… là những câu hỏi giáo viên trường bà thường gặp từ phụ huynh, cũng là một thực tế mà nhiều cha mẹ Việt băn khoăn. Theo bà Chris, vấn đề nằm ở chỗ người lớn thường làm hộ, ngăn cản trẻ con khi chúng đòi làm việc gì đó. “Chúng ta yêu thương con và muốn làm mọi điều tốt đẹp cho con, nhưng chúng ta không thể đi cùng chúng cả đời. Do vậy, hãy để trẻ tự làm”, bà nói.


kids-9436-1405481169.jpg

Ảnh minh họa: Toddlerhub.com.
Nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ đến trường Montessori được sử dụng kéo, dao (loại dao nhỏ phù hợp, an toàn cho trẻ em) để cắt đồ ăn. Họ thường hỏi: “Lỡ trẻ cắt đứt tay thì sao?”. Các giáo viên trả lời: “Cũng có trường hợp cắt phải tay, nhưng chỉ xây xước tí thôi, không nghiêm trọng. Đây chính là cách chúng ta học. Người lớn cũng thế, có ai chẳng một vài lần bị đứt tay. Chúng sẽ học sử dụng dao một cách khéo léo hơn. Và quả thật, thường các em chỉ cắt phải tay một lần”.
Khi nhìn vào danh sách việc trẻ có thể tự làm và bức ảnh làm việc thực tế của trẻ em, một phụ huynh đặt câu hỏi: Rất nhiều cha mẹ Việt vẫn đút cho con ăn, rót nước cho con uống, mặc quần áo, đi giày cho con…, thậm chí tới lúc con 5 tuổi, vẫn dọa nạt, dụ dỗ để đút từng thìa cơm, có phải chúng tôi đang là vật cản của con?
Một phụ huynh khác có con 4 tuổi chia sẻ, đã làm hộ con mọi thứ từ nhỏ đến giờ, hiện nay con chẳng chịu làm bất cứ việc gì, làm sao để con tự lập trở lại? “Hãy bắt đầu từ những việc mà con thích, làm từng việc một. Hãy thử cách làm cho việc đó thú vị. Chẳng hạn cha mẹ có thể đổ nước vào một bình nhỏ, cho con tự rót ra cốc. Trẻ em thường rất hào hứng với việc đó”.
Tư duy lại về việc “dạy con tự lập”
Dạy con tự lập là một chủ đề nóng, được nhiều cha mẹ quan tâm trong những năm gần đây. Những chủ đề như người Mỹ dạy con tự lập như thế nào, làm sao trẻ con Pháp, Đức có thể tự chủ, tự tin như vậy… là thông tin được tìm kiếm và trao đổi nhiều trên các diễn đàn và báo mạng.
Nhà giáo dục Maria Montessori đã khẳng định, trẻ em tự phát triển. Trẻ 0-6 tuổi có trí tuệ thẩm thấu, khả năng học hỏi kỳ diệu từ môi trường, như một miếng bọt biển có thể thấm hút mọi thứ xung quanh mình. Chỉ cần cung cấp một môi trường an toàn, hỗ trợ, với những đồ đạc vừa kích cỡ, các dụng cụ thực hành mời gọi trên giá, trẻ sẽ háo hức tự mình làm mọi thứ.
Những quan sát và trải nghiệm của bà đã và đang được chứng minh ở các trường học Montessori. Khi được ở trong môi trường phù hợp, với đầy đủ vật dụng, trẻ sẽ tự lấy đồ dùng học tập, tự cất vào giá khi sử dụng xong, tự lau dọn bàn ghế và phòng học, tự đi vệ sinh, mặc quần áo, đi giày và các hoạt động thực hành cuộc sống khác…
Cũng tương tự như vậy, để trẻ có thể tự lập, việc của bố mẹ không phải là giảng dạy hay ép buộc, mà chìa khóa nằm ở chỗ: Tạo ra môi trường để khuyến khích mời gọi trẻ tự làm - vốn dĩ là nhu cầu lớn lao của các em bé 2-3 tuổi.
“Khi tự làm thành công một việc gì đó, trẻ sẽ tự tin vào chính mình, có hình ảnh bản thân tốt đẹp, cảm thấy mình có giá trị, khi lớn lên trẻ sẽ tự chủ, có khả năng để đối phó với những thách thức của cuộc sống”, bà Christine Munn nói.
Một yếu tố khác mà nhà giáo dục này nhắc đi nhắc lại là sự kiên nhẫn của bố mẹ. “Trẻ con chân ngắn hơn chúng ta, bước chậm hơn chúng ta. Thay vì bế để con đi nhanh hơn, bố mẹ hãy đi chậm lại. Lúc đầu làm việc gì, con cũng sẽ vụng về, lóng ngóng, nhưng dần dần con sẽ tự làm được", bà nói.
Những gợi ý cụ thể để trẻ tự lập:
- Nếu trẻ có thể tự đi, không bế.
- Cho con thấy cách bố mẹ lau dọn và để con tự làm.
- Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho con những đồ đạc, dụng cụ vừa cỡ: Để nước ở nơi con có thể tự rót được, chuẩn bị giẻ lau sặc sỡ để con yêu thích việc lau chùi bàn ghế, để quần áo ở nơi con có thể tự lấy được, mua quần áo đơn giản, dễ mặc vào cởi ra để con có thể tự làm…
- Dạy con bằng cách làm mẫu cho con, không chỉnh sửa lỗi sai của con.
- Chỉ giúp đỡ khi con cần, không nhảy vào làm hộ khi thấy con gặp khó khăn hoặc làm chưa tốt.
Hằng Nguyễn

Chuyện dạy con của Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ít ai biết, dù rất giàu có nhưng hai cô con gái của Tổng thống Mỹ vẫn phải tự đi trông trẻ kiếm tiền và bị cấm vào facebook
Ông Barack Obama - Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được bầu vào chức vụ này. Năm 2008, với việc bước chân vào Nhà Trắng, “ngôi đền thiêng” cao quý của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cuộc đời của ông và gia đình đã bước sang một trang mới.
Tuy nhiên, với mong muốn hai cô con gái có một cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác, vợ chồng Tổng thống luôn dành thời gian để dạy dỗ cũng như hướng dẫn hai con gái những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Đặc biệt, ông Obama còn áp dụng rất thành công chiến lược “con nào cha nấy” để các con nghe lời một cách tự nguyện.
“Con xăm, bố mẹ cũng xăm”
Chuyện dạy con của Tổng thống Mỹ Barack Obama
Vợ chồng Tổng thống Obama và hai cô con gái.
Năm nay, cô con gái đầu của vợ chồng tổng thống Obama là Malia đã ở vào tuổi 14, cao gần bằng bố, còn cô con gái thứ hai Natasha cũng đã 11 tuổi. Nhưng ít ai biết rằng, dù sống trong tòa nhà có rất nhiều người phục vụ nhưng hai cô con gái nhỏ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn phải tự dọn phòng. Thậm chí, đôi khi cô con gái lớn Malia còn phải tự giặt là và chăm sóc chú chó cưng tên Bo của gia đình. Tất cả những điều này xuất phát từ phương pháp dạy con đặc biệt của vợ chồng tổng thống khi nhận định: “Chúng tôi có những cuộc thảo luận thực sự về sống có trách nhiệm. Không thể cứ ỷ lại vào người khác khi bạn hoàn toàn có thể làm được. Chúng không ở mãi trong Nhà Trắng, chúng còn đi học đại học”.
Dù rất muốn các con tự lập việc đi lại nhưng vì lý do an ninh nên hàng ngày, Malia và Sasha vẫn được đưa đón bởi lực lượng đặc vụ Mỹ. Tổng thống Obama đã từng hứa hẹn, có thể ông sẽ cho con gái lớn học lái xe chứ không chỉ nhờ mật vụ đưa đi. Và mùa hè năm nay, giữ đúng lời hứa của mình, ông Obama đang cho cô con gái Malia học lái xe. Nói thêm về việc học hành, cả Sasha và Malia đều học ở trường tư danh tiếng Sidwell Friends tại Thủ đô Washington D.C. Ngôi trường này được ví như “Harvard của Washington”. Đây cũng là nơi cháu của Phó Tổng thống Joe Biden, con trai cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, con gái các cựu Tổng thống Richard Nixon và Bill Clinton từng theo học.
Đối với việc giải trí, Tổng thống Obama cũng có những quy tắc nhất định cho hai cô con gái. Ví như, cả hai không được xem ti vi vào những ngày thường trong tuần và cô con gái lớn Malia chỉ có thể sử dụng điện thoại di động vào ngày nghỉ. Việc sử dụng máy tính chỉ để hỗ trợ làm bài tập ở nhà, tuy nhiên việc này cũng rất hạn chế.Nhiều người cho rằng, nhờ vào mạng xã hội mà ông Barack Obama đã đắc cử Tổng thống vào năm 2008. Trang Facebook của ông có tới 24 triệu nút nhấn like (thích) nhưng ông nhất quyết không cho các con gái dùng Facebook. Tổng thống Obama giải thích: “Tôi biết, những người làm việc ở Facebook rõ ràng đã đem đến một cuộc cách mạng cho mạng xã hội. Nhưng đối với Malia, vì con bé rất nổi tiếng nên tôi muốn bảo vệ sự riêng tư cho nó”. Theo Tổng thống Obama, ông sẽ xem xét việc cho phép sử dụng Facebook khi các con đủ 18 tuổi. Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Michelle Obama cho biết đã có những cuộc trao đổi nghiêm túc với các con về mặt trái của internet cũng như các phương tiện truyền thông xã hội và cả hai cô con gái đã đồng tình với ý kiến của bố mẹ về việc không sử dụng trang thông tin cá nhân này.
Dù không xuất hiện trên Facebook nhưng thay vào đó, cả hai thỉnh thoảng vẫn bị bắt gặp khi đi chơi với bạn bè, theo dõi các trận đấu thể thao hay tham gia cắm trại xa nhà tại bang New Hampshire. Điều tất nhiên là có mật vụ Mỹ đi theo bảo vệ.
Tuy nhiên, với hai cô con gái đang tuổi lớn, ưa khám phá và thử nghiệm, thi thoảng, ông Obama cũng phải sáng tạo những phương pháp giáo dục riêng. Tiêu biểu là gần đây, nhằm ngăn cản hai người con gái muốn xăm mình, Tổng thống áp dụng chiến lược “con nào cha nấy”. “Chúng tôi nói với hai con gái rằng, nếu các con quyết định xăm mình thì bố mẹ sẽ xăm giống y hệt như các con, từ mẫu hình xăm và đến vị trí xăm trên cơ thể. Và bố mẹ sẽ quay video khoe hình xăm của cả gia đình để đăng lên trang Youtube”, ông Obama tiết lộ. Và chiến lược này của vị đã khiến cho hai cô con gái của ông nghĩ lại. Ông Obama cho biết thêm, vợ chồng ông nghĩ rằng đây là một cách dạy con khá thú vị, giúp chúng biết được cha mẹ không đồng ý với quyết định của chúng và nghe lời một cách vô điều kiện.
Sẽ sớm dừng trợ cấp cho con
Chuyện dạy con của Tổng thống Mỹ Barack Obama
Malia – cô con gái lớn của Tổng thống Obama vẫn chưa được cha cho phép dùng facebook.
Bài liên quan: 
Nuôi con nhàn như một bà mẹ Paris
Chuyện lạ về cách dạy con của Hoàng gia Nhật
Thấm thía lời mẹ Mỹ dạy con gái
"Phát ghen" nhìn chồng Nhật thay vợ chăm con

Tổng thống Barack Obama cũng mong muốn hai công chúa của mình có thể tự kiếm tiền bằng nghề trông trẻ. Điều này có vẻ khá phi lý trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông. Thế nhưng, nhà lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ cho hay, đây chính là cách để ông dạy hai cô con gái về các khoản tiết kiệm, tiền lãi và cách quản lý tiền. Mặc dù không tiết lộ số tiền bao nhiêu nhưng ông Obama khẳng định: “Điều mà tôi đang làm lúc này với Malia và Sasha là cho 2 bé tiền tiêu vặt. Nhưng 2 cô con gái của tôi cũng sắp đủ tuổi để có thể kiếm tiền bằng nghề trông trẻ. Hai bé phải có tiền tiết kiệm riêng. Điều mà tôi đang cố gắng giải thích với bọn trẻ là các định nghĩa cơ bản về tiết kiệm và lãi suất. Nếu 2 bé giữ 100 USD trong tài khoản ngân hàng với lãi suất 2-3% trong 6 tháng thì chúng sẽ nhận được khoản tiền lớn hơn vào cuối kỳ”. Ngay khi thông tin này được chia sẻ, cư dân mạng đã không ngớt lời bàn tán. Họ cho rằng, dịch vụ trông trẻ của các tiểu thư Nhà Trắng chắn chắn sẽ rất “đắt hàng” khi nghĩ, con cái của những ông bố bà mẹ này không chỉ được hưởng lây “tiếng thơm” mà còn được mật vụ Mỹ bảo vệ khi họ tháp tùng các tiểu thư Nhà Trắng.
Giải thích kỹ hơn về điều này, ông Obama cho hay, ông và vợ cũng phải đối mặt với những áp lực về tài chính giống như bất kỳ người Mỹ nào. “Chỉ cách đây vài năm, khi có con nhỏ, chúng tôi đã phải tính toán chuyện tiết kiệm cho con học đại học. Giờ đây chúng tôi vẫn đang xem xét các khoản tiết kiệm khi về già”, ông cho biết. Chính vì thế, theo ông, việc dạy con ý thức tự lập và tiết kiệm vô cùng quan trọng. Nó giúp cho cuộc sống của Milia và Sasha sau này trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bật mí về tình hình tài chính của gia đình mình trong những năm gần đây, ông Obama cho biết mình đã thu được những khoản tiền lớn chủ yếu nhờ các cuốn hồi ký bán rất chạy. Thu nhập của nhà lãnh đạo Mỹ được cho là lên tới 5,5 triệu USD trong năm 2009.    
Tin tưởng con tuyệt đối
Mới đây, tổng thống Obama bật mí rằng, ông cho phép con gái hẹn hò nhưng có lẽ bất kỳ cậu bạn trai nào của con gái ông cũng phải đối mặt với sự dò xét của nhân viên đặc vụ Mỹ. Tuy nhiên, ông Obama cũng đưa ra lời khuyên hết sức thú vị cho hai cô con gái trong việc lựa chọn bạn trai. “Tôi nói với các con gái rằng, một người đàn ông tốt là người tôn trọng bạn”. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối của mình đối với hai cô con gái qua lời khen ngợi: “Hai cô bé của tôi rất tuyệt. Chúng đang lớn rất nhanh và rất khôn ngoan”. Còn với bà Michelle, bà luôn sử dụng từ “bình thường” khi nói về các con. Bà cho biết: “Tôi muốn chúng là những đứa trẻ bình thường, sống khiêm nhường và đối xử tôn trọng với mọi người”.

Một bài học từ giáo dục ở Mỹ


Một bài học giáo dục từ Harvard

Tôi luôn trăn trở tại sao giáo dục của Việt Nam tụt lại phía sau rất xa so với thế giới? Những môi trường giáo dục thực sự tiên tiến có những gì khác biệt?
Sau khi tốt nghiệp hai trường ở Việt Nam gồm ĐH Hà Nội và ĐH Ngoại thương, câu trả lời dần trở nên rõ ràng khi tôi may mắn được trải nghiệm chương trình đào tạo lãnh đạo của Trường kinh doanh Harvard (Harvard Business School - HBS) thuộc Trường Đại học Harvard - Mỹ.  

Học thầy không tày học bạn
Có lẽ nhiều người rất tò mò và luôn thắc mắc, thực tế trường Harvard dạy những gì cho sinh viên của họ mà có nhiều người xuất sắc đến như vậy? Khi tôi bắt đầu khóa học của mình tại HBS, tôi cũng không khỏi hồi hộp và sung sướng rằng mình đang chuẩn bị được tham dự một chương trình học tập của một trường danh tiếng bậc nhất thế giới; và mình sẽ được dạy và học như thế nào nhỉ... Buổi học đầu tiên của khóa học bắt đầu với tất cả những gì khá giống với những khóa học thông thường mà một trường đại học vẫn thường có. Giáo sư lên giảng đường, giảng bài rồi đặt câu hỏi cho học viên, mọi người trả lời các câu hỏi của giáo sư và thảo luận với nhau... Tôi không hề được chứng kiến những gì cao siêu như kỳ vọng. Không có công nghệ đặc biệt, không có những bài giảng bùng nổ, không có quá nhiều khác biệt so với một lớp học truyền thống mà tôi đã từng học qua.
Nhưng rất may cho tôi là mọi sự không dừng lại ở đó. Sau buổi học đầu tiên ấy, lớp học của chúng tôi có 50 học viên và được chia thành các nhóm nhỏ từ 7 đến 8 người, và giờ thảo luận nhóm là một việc làm bắt buộc mỗi buổi sáng. Chúng tôi thảo luận các bài tập tình huống (case study) theo lịch trình đã có sẵn. Các nhóm thảo luận được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp. Để làm quen, ngay từ bữa ăn đầu tiên chúng tôi ngồi vào bàn ăn theo nhóm, và tôi ở nhóm 1 nên ngồi vào bàn ghi rõ Group 1 (nhóm 1), vừa ăn vừa làm quen với mọi người. Nhóm trưởng cũng đã được phân công và hướng dẫn mọi việc ngay từ trước khi khóa học bắt đầu. Mỗi bài tập tình huống đều có những câu hỏi định hướng rất rõ ràng mà cả nhóm phải tranh luận. Chúng tôi học về lãnh đạo và quản trị. Các thành viên trong nhóm tôi cũng như những nhóm khác đều là những nhà quản trị cao cấp đến từ những tập đoàn kinh tế hoặc các cơ quan chính phủ, họ đang đảm trách vị trí quan trọng trong tổ chức của họ, nhiều người có bằng tiến sĩ một chuyên ngành khoa học nào đó, nhưng tất cả đều tranh luận một cách sòng phẳng và quyết liệt với nhau: Có sự lịch lãm tối đa trong lời nói nhưng không có sự nhường nhịn!
 
Một bài học giáo dục từ Harvard
Điều đặc biệt là những tình huống trong các case-studies được viết rất khoa học, thực tế, đầy ắp thông tin và cũng đầy tranh cãi khiến cho chúng tôi có rất nhiều điều để nói. Mọi người tranh luận rất quyết liệt trong mỗi lần thảo luận tình huống như vậy và cuối cùng thì mọi nhóm cũng phải đưa ra được những ý kiến chung và những giải pháp cụ thể cho tình huống đó. Qua tranh luận với từng tình huống vốn thật như chính những gì mà tôi phải trải qua trong công việc của mình với những người đang có vai trò tương tự như tôi ở trong tổ chức của họ, các giải pháp và cách tiếp cận trở nên rất phong phú, sáng tạo và đầy ắp các bằng chứng cụ thể ở trong nhiều tổ chức ở nhiều nền văn hóa và trình độ kinh tế khác nhau. Lúc này tôi mới thực sự thấu hiểu một điều mà Harvard vẫn luôn tự hào, đó là người học sẽ thu nhận được rất nhiều từ bạn học và họ gọi đó là Peer-To-Peer Learning. Các cuộc tranh luận trong nhóm luôn rất quyết liệt với vô vàn những ý kiến tuôn ra từ những cái đầu sắc sảo. Mọi người đều học được từ bạn của mình nhiều điều quan trọng và ý nghĩa. Các bài tập tình huống không dừng lại ở việc thảo luận nhóm, mà chúng còn được phát triển sâu sắc hơn khi các nhóm phải tranh luận trên giảng đường với các nhóm còn lại cùng với sự dẫn dắt của một và đôi khi là hai giáo sư trực tiếp. Các vị giáo sư và trợ lý giáo vụ còn lại sẽ ngồi ngay sau lưng của học viên quan sát, ghi chép. Cả lớp chẳng ai biết những vị ngồi sau lưng mình ghi chép những gì, nhưng mọi người đều hiểu là cần phải tham gia hết sức, nếu không muốn bị đánh giá thấp và nhận kết quả đáng xấu hổ; ai cũng biết mình đang bị giám sát bởi những cặp mắt tinh tường. Còn vị giáo sư trực tiếp giảng dạy thì liên tục đưa ra các câu hỏi để gợi mở thêm chứ không hề giảng giải như ở trên các giảng đường ở Việt Nam. 
Rút ruột để lột xác
Khi mọi ý kiến của học viên đã được trình bày hết, giáo sư mới thực sự tổng hợp và đưa ra giải pháp cụ thể cho tình huống đó bằng cách cho chúng tôi xem phim về chính những nhân vật của tình huống đó đã giải quyết trong thực tế như thế nào. Không dừng lại ở đó, bữa ăn tối thường là thời điểm chúng tôi được gặp trực tiếp một vài nhân vật chính bằng da bằng thịt của các bài tập tình huống đã thảo luận ban ngày ở trên lớp, lúc đó thì các học viên tha hồ hỏi bất cứ câu hỏi nào mà họ băn khoăn khi giải quyết tình huống đó trong thực tế thì sẽ ra sao. Đến đây tôi mới hiểu thực sự triết lý học tập Inside - Out (rút từ bên trong ra) mà các nhà giáo dục vẫn thường nói. Mọi học viên đã thực sự bị rút ra sạch sẽ những gì mình biết, lục tìm tới tận mọi giới hạn hiện có của trí thông minh của mình, kể cả những phán đoán, sức tưởng tượng cũng được huy động triệt để... sau mỗi lần thảo luận như vậy. Rồi sau đó, sự tổng hợp và bài giảng của giáo sư mới trở nên thực sự có ý nghĩa khi nó có tính định hướng và luôn cung cấp một cách tổng hợp cho chúng tôi những giải pháp giàu khả thi và những kết luận đầy giá trị. Và những cuốn giáo trình, những cuốn sách chúng tôi được phát trong khóa học, tới lúc đó mới cho thấy hết giá trị của nó khi chúng tôi đã đi qua các bài tập tình huống, đã phải tranh luận nảy lửa, đã nghe giảng... 
Buổi tối muộn về tới phòng ngủ của mình, dù mệt nhoài nhưng tôi cũng như mọi người luôn cố gắng nghiên cứu các cuốn sách được phát để có thêm những nền tảng cần thiết cho buổi tranh luận tiếp theo. Toàn bộ khóa học, chúng tôi lặp đi lặp lại quy trình: Thảo luận nhóm, tranh luận với các nhóm khác trên giảng đường, nghe giảng kết luận, về phòng tiếp tục đọc sách. Kết thúc khóa học, mọi người thấy rất thú vị khi mà tất cả học viên hầu như thuộc lòng các vấn đề được giảng dạy mà rõ ràng chúng tôi không hề bị bắt học thuộc lòng. Nhưng kỳ diệu nhất, đó là ai cũng cảm thấy bản thân như đã lột xác để thành một con người mới, với tầm nhìn sâu rộng hơn, đầy đam mê hành động với những chiến lược rất cụ thể.
Chuyến bay về Việt Nam thật là dài, nó đủ thời gian cho tôi suy ngẫm thấy một sự khác biệt quá lớn giữa những gì tôi vừa trải qua ở một trường đại học hàng đầu thế giới và bao năm học tập vất vả ở các trường đại học ở Việt Nam. Nếu xét thuần túy ở góc độ sức lực đổ ra trong học tập thì việc học ở Việt Nam cũng chẳng thể nói là kém vất vả hơn, nếu bạn thực sự học nghiêm túc. Nhưng cũng chừng ấy sức lực bỏ ra, tôi thu được nhiều hơn rất - rất - nhiều lần khi học ở HBS. Ở đó, tôi không hề phải chịu áp lực thi cử như ở Việt Nam, không hề thấy việc lên giảng đường là những phút giây dài đằng đẵng với việc phải khép mình ngoan ngoãn chép cho hết bài giảng của thầy cô, không hề thấy áp lực phải tìm tài liệu học cho nó trúng tủ khi thi... Ngược lại, chúng tôi thích thảo luận nhóm, chúng tôi thích tranh luận và nghe giảng trên giảng đường, chúng tôi tự thấy đọc sách là một nhu cầu thiết yếu để hoàn thiện tri thức và đọc càng nhiều càng tốt, Chúng tôi thấy giáo sư là những người bạn thực sự đang hỗ trợ mình. 
Cái khác biệt lớn nhất đã thấy rõ ngay từ trong tư duy giáo dục. HBS thiết kế những kịch bản giáo dục và đào tạo cụ thể để nâng tất cả mọi học viên lên một tầm tri thức và kỹ năng mới. Họ đặt ra vấn đề là người học phải giỏi lên, phải thực hiện được ngay những gì đã học, chứ không đặt vấn đề là bài giảng của giáo sư phải thật hay. Họ đặt ra vấn đề là giáo dục phải rút từ bên trong người học ra để mọi người tự nhận thức nhu cầu hoàn thiện kiến thức, kỹ năng và rồi tìm mọi nguồn để hoàn thiện nó, chứ không đặt ra vấn đề là kiểm tra sinh viên của mình đã thuộc bài hay chưa bằng các kỳ thi đầy căng thẳng. Họ nhìn tới kết quả cuối cùng rằng người học sẽ có khả năng tư duy và hành động ra sao trong thực tế, và từ tầm nhìn ở điểm đích cuối cùng đó, họ lập một kế hoạch chi tiết bằng các bài tập tình huống, một kịch bản giáo dục để thỏa mãn đòi hỏi thực tiễn... Chính vì thế mà sinh viên của họ giỏi giang, chủ động, giàu tư duy phân tích và cực kỳ nhạy bén với thực tế.
Giá như bài toán giáo dục ở các trường đại học của Việt Nam được đặt lại vấn đề theo hướng tạo ra một kịch bản giáo dục hoàn thiện để nâng người học lên tầm cao mới, với cách làm thúc đẩy động lực từ bên trong như tôi đã trải qua ở HBS thì có lẽ sẽ tốt biết bao. Tôi tin với tố chất thông minh và khả năng thích nghi nhanh đặc biệt của người Việt, chúng ta sẽ có đột phá lớn mà chẳng phải đầu tư quá nhiều tiền bạc
Theo Nguyễn Anh Đức
Lao Động

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Tin về cuộc Thi Oympic hóa học quốc tế

Thí sinh Olympic Hóa học quốc tế: “Việt Nam thật tuyệt vời!”

Không chỉ một mà rất nhiều thí sinh dự thi Olympic Hóa học quốc tế (IChO) lần thứ 46 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã dành những lời khen ngợi cho nước chủ nhà, đặc biệt là những người bạn Việt Nam thân thiện, nồng nhiệt và mến khách.
 


Thí sinh Olympic Hóa học quốc tế: “Việt Nam thật tuyệt vời!”
Em Katherine Rulph, 18 tuổi, thí sinh đến từ vương quốc Anh cùng tình nguyện viên Lưu Huyền Trang, sinh viên năm 2 của ĐH Hà Nội tại Khách sạn La Thành chiều 25/7.
Tham gia Olympic Hóa học quốc tế từ năm 1996, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam đóng vai trò chủ nhà. Tại các kỳ thi đã tham gia, Việt Nam luôn đạt thứ hạng cao so với bạn bè quốc tế cùng tham dự.
Năm 2014 này, chúng ta vinh dự được đón gần 250 thầy giáo, cô giáo và 291 học sinh đến từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế. Đây không chỉ là vinh dự to lớn mà còn chứng tỏ sự tin tưởng của cộng đồng Hóa học và bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam, các thí sinh của IChO 2014 đã được nước chủ nhà tiếp đón tận tình, chu đáo. Bên cạnh đó, còn có sự đồng hành của các tình nguyện viên thông thạo ngoại ngữ và luôn nhiệt huyết, thân thiện, sát cánh cùng các thí sinh trong những ngày dự thi.
Em Katherine Rulph, 18 tuổi, thí sinh đến từ Vương quốc Anh, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em đến Việt Nam nhưng thực sự em rất ấn tượng với sự tiếp đón và chuẩn bị cho cuộc thi của nước chủ nhà. Chúng em được tạo mọi điều kiện thuận lợi từ nơi ăn ở, vui chơi đến nơi dự thi. Mọi thứ thật tuyệt vời, đất nước Việt Nam cũng vậy!”.

Các đoàn học sinh quốc tế tại lễ khai mạc Olympic Hóa học quốc tế (IChO) lần thứ 46 tại Việt Nam.
Các đoàn học sinh quốc tế tại lễ khai mạc Olympic Hóa học quốc tế (IChO) lần thứ 46 tại Việt Nam.
Đa số các thí sinh của IChO 2014 cho biết đây là lần đầu tiên các em được đến Việt Nam, được sống trong một thời gian đủ dài để có những cảm nhận sâu sắc về đất nước và con người Việt.
Với những thí sinh đến từ các quốc gia châu Âu như Anh, Phần Lan…điều kiện thời tiết vừa nắng nóng, vừa ẩm ướt vào mùa hè của Việt Nam khiến các bạn ban đầu khó thích nghi, một số bạn còn mắc phải những căn bệnh như sốt nhẹ, cảm cúm… Nhưng trên tất cả, sự đón tiếp chu đáo, sự nồng nhiệt, thân thiện của con người Việt Nam nói chung và những người trong Ban tổ chức cuộc thi, những tình nguyện viên đã giúp các thí sinh vượt qua những khó khăn nhỏ và cả nỗi nhớ nhà để hoàn thành tốt những bài thi của mình.
Thí sinh Thomas đến từ Loppi, Phần Lan tâm sự: “Lúc đầu sang Việt Nam em cảm thấy khá khó chịu với thời tiết nắng nóng và thất thường. Nhưng sau đó em cũng thích nghi được và thấy rằng, mỗi đất nước có một đặc điểm riêng, rất khác nhau. Em cũng thích các món ăn của Việt Nam, hương vị rất độc đáo, đặc biệt là món phở bò”.
Bên cạnh những chia sẻ về đất nước, con người Việt Nam, các thí sinh quốc tế cũng bày tỏ sự hứng thú với đề thi trong cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế lần này.
Tính đến chiều qua (25.7), các thí sinh đã hoàn thành cả 2 bài thi thực hành và lý thuyết, mỗi bài thi diễn ra trong 5 giờ đồng hồ. Theo chia sẻ của thí sinh Katherine, đề thi thực hành có phần nhẹ nhàng hơn so với thi lý thuyết. Phần thi lý thuyết khiến em khá “đau đầu” nhưng cũng rất thú vị và có tính bất ngờ. Katherine tự tin mình đã hoàn thành hơn 70% phần thi này.
Thí sinh Thomas cũng có cùng quan điểm với Katherine. Em nhận định phần thi lý thuyết tương đối khó, mặc dù em đã có sự chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn không tự tin lắm sau khi hoàn thành bài thi.
Ban Chuyên môn chuẩn bị đề thi cho IChO 2014 đã được Bộ GDĐT thành lập từ năm 2010, gồm các nhà hóa học của Việt Nam với Trưởng ban là PGS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà đã chuẩn bị toàn bộ khâu đề thi.
Trong thời gian từ nay đến trưa ngày 29.7, các thầy giáo, cô giáo và các thí sinh tham dự Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 46 sẽ được tham quan và vui chơi tại một số danh lam thắng cảnh, địa điểm nổi tiếng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Theo như chia sẻ của các thí sinh, đây là cơ hội để các em được trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp văn hóa của Việt Nam và tất cả đều hy vọng sẽ có những trải nghiệm ý nghĩa và thú vị trong những ngày này.
Theo Thảo Nguyên
Lao Động

Mối tình bộ đội -TNXP

Mối tình dang dở và cuộc chia ly cuối cùng tại Ngã ba Đồng Lộc

(Dân trí) - Gần 50 năm qua, cứ đến ngày giỗ nữ liệt sĩ Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 10 cô gái TNXP Ngã 3 Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), có một người đàn ông lại cặm cụi sửa soạn tươm tất, lo một ngày giỗ chu toàn...

Người đó là ông Nguyễn Đức Hồng (SN 1943), năm xưa là người yêu của nữ Tiểu đội trưởng TNXP.
Dưới cái nắng như thiêu như đốt của những ngày tháng 7, chúng tôi tìm về thôn Tân Hạ, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cái tên người thương binh Nguyễn Đức Hồng không còn lạ lẫm với người dân nơi đây. Ông Nguyễn Đức Hồng năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ký ức đã lẫn màu thời gian nhưng lời hẹn thề năm xưa với nữ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần vẫn không phai mờ. Những kỷ niệm, ấn tượng về người phụ nữ một thời ông đã yêu vẫn còn sống mãi.
Lần giở những ký ức thời gian, người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đức Hồn, xúc động kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện tình trong những năm tháng “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”…
Ông Nguyễn Đức Hồng bồi hồi kể lại mõi tình với nữ liệt sĩ TNXP Võ Thị Tần
Ông Nguyễn Đức Hồng bồi hồi kể lại mõi tình với nữ liệt sĩ TNXP Võ Thị Tần
Ông kể: "Tôi và Tần quen thân nhau từ nhỏ. Nhà gần nhau nên hoàn cảnh, tính nết của Tần tôi rất hiểu. Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống giản dị, tiết kiệm, chịu đựng gian khổ để học tập. Năm 1963 - 1964, khi ấy Tần là phó Bí thư Chi đoàn địa phương. Tính tình vừa hiền dịu lại năng động nên Tần có rất nhiều người để ý. Tôi cũng nằm trong số đó. Mến người đã lâu nhưng đến đầu năm 1964, tôi mới bạo dạn ngỏ lời và được Tần cùng gia đình chấp thuận. Tháng 10/1964, chúng tôi tiến hành lễ dạm ngõ. Lễ dạm ngõ theo phong tục gồm: một con lợn gần tạ ba, sau đó đem chia thịt lợn và 1 cái bánh chưng, cau trầu cho bà con hai họ. Sau lễ đó, hai họ công nhận chúng tôi là vợ chồng và được coi như con cháu trong nhà. Đợi tổ chức lễ cưới sẽ chính thức đưa Tần về nhà tôi".
Tuy nhiên, vì sống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt nên chàng thanh niên Nguyễn Đức Hồng sau đó đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu chuyện về mối tình năm xưa bỗng dưng đứt quãng, ông Hồng khẽ uống một ngụm nước trà, giọng ông chầm chậm nhớ lại giây phút chia tay, cũng là lần cuối cùng bên người vợ sắp cưới.
"Sau khi biết có lịch lên đường, tối hôm đó tôi sang nhà Tần chơi. Mặc dù đã làm lễ dạm ngõ, nhưng mỗi lần sang chơi ông Cung – bố cô Tần, chỉ cho chúng tôi ngồi đối diện nói chuyện dưới ánh đèn dầu, còn ông bà cứ vào ra gần đó. Nhưng hôm ấy, 2 cụ bỗng dưng ra ngoài sân để chúng tôi trong nhà tự nhiên tâm sự. Tuy nhiên, hơn 1 giờ đồng hồ, 2 chúng tôi không ai nói với nhau một lời. Mỗi lần tôi định nói, ngước lên nhìn mắt Tần lại thôi. 
Ông Nguyễn Đức Hồng bồi hồi kể lại mõi tình với nữ liệt sĩ TNXP Võ Thị Tần
Lọn tóc của chị Tần và chiếc lược hẹn ước - những kỷ vật này hiện đã được ông Hồng đem tặng và trưng bày tại Bảo tàng Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc
Chỉ đến khi chuẩn bị lên đường nhận quân tại Ngã 3 Đồng Lộc, hôm ấy trời mưa như trút, Tần tất tả lội nướcđến để tiễn tôi. Tần cầm tay tôi thật lâu rồi lấy từ trong túi trao tôi 2 món quà là một bức ảnh và một lọn tóc thề. Khi ấy tôi xúc động lắm. Tần dặn tôi: "Anh đi cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ của một người bộ đội chứ anh mà đào ngũ là nỏ (không – tiếng địa phương – PV) được đó”. Khi đó tôi không nói được gì, hồi sau mới hứa với Tần rồi trao cho Tần chiếc lược làm kỷ vật.
Trong cuộc sống hàng ngày, Tần là cô gái vui vẻ, cởi mở, tính nết thẳng thắn, vô tư yêu đời song rất dứt khoát, rành mạch. Lời dặn dò cũng là lời nhắc nhở của Tần theo tôi trong những năm kháng chiến ác liệt. Mỗi lần nhớ về Tần, lời dặn dò ấy lại tiếp thêm sức mạnh cho tôi.
Ra chiến trường, ông Nguyễn Đức Hồng được phân về Trung đoàn 270, Quân khu 4, đi vào chiến trường Vĩnh Linh, Khe Sanh (Quảng Trị) sau đó được điều ra đảo Cồn Cỏ chiến đấu.  “Trong suốt những năm tham gia chiến đầu, chỉ có 4 năm đầu thỉnh thoảng tôi có nhận được bức thư của Tần. Nhưng đến năm 1968 khi ra đảo Cồn Cỏ thì hoàn toàn mất liên lạc nên không co thông tin gì”, ông Hồng chia sẻ.
Giữa năm 1968, ông Hồng bị trọng thương trong một trận chiến đấu giữ đảo (trên người ông hiện vẫn còn 6 mảnh đạn). Sau một thời gian điều trị vết thương, cuối năm 1968, ông Hồng được điều ra Bắc học tập. Tranh thủ thời gian này, ông Hồng xin phép thủ trưởng về quê cưới vợ.
Thế nhưng, bom đạn của kẻ thù không thể giết ông tại chiến trường song lại cướp đi người vợ sắp cưới của ông nơi hậu phương. Khi ông Hồng về đến nhà mới hay tin dữ: chị Võ Thị Tần đã hy sinh trong 1 lần tham gia san lấp hố bom và thông tuyến cùng tiểu đội tại tuyến lửa Ngã 3 Đồng Lộc vào năm 1968. Cũng năm đó, mẹ chị Tần cũng mất do Mỹ thả bom ngay tại địa phương.
Gia đình ông Hồng rước ảnh và lập bàn thờ liệt sĩ Võ Thị Tần tại nhà
Gia đình ông Hồng rước ảnh và lập bàn thờ liệt sĩ Võ Thị Tần tại nhà
Niềm khấp khởi của anh lính trẻ bỗng như có hàng ngàn mũi dao đâm. Hết phép, người thanh niên Nguyễn Đức Hồng rời quê hương lên đường trong lòng nặng trĩu. “Mãi đến nhiều năm sau này, tôi mới tin Tần đã mãi mãi ra đi”, ông Hồng xúc động.
Năm 1972, ông Hồng học xong về công tác tại Quân khu 4 ở Nghệ An. Cũng từ đó, bất kể có việc gì ở nhà  ông Hồng thường xuyên qua lại săn sóc bố chị Tần. “Đến sau này tôi mới nghe gia đình kể lại đã có lần gia đình gợi ý tổ chức lễ cưới không có mặt tôi để không cho Tần tham gia thanh niên xung phong.  Nghe xong, Tần đã không đồng ý và nộp đơn tham gia thanh niên xung phong làm giao thông  tại Ngã ba Đồng Lộc”, ông Hồng nhớ lại.
Suốt nhiều năm kể từ ngày chị Tần mất, chàng trai Nguyễn Đức Hồng vẫn lặng lẽ một mình, ngày ngày qua chăm sóc cụ Cung là cha ruột của chị Tần. Cảm động tấm chân tình đó, cụ Cung nhiều lần bàn ông Hồng đi bước nữa nhưng lần lữa mãi ông Hồng vẫn không chịu. Rồi chính cụ Cung dẫn về một người con gái làm mối cho ông Hồng là bà Võ Thị Minh, đây cũng là người vợ hiện tại của ông Hồng. Cảm động trước mối tình chung thủy của chồng, bà Minh đã rước ảnh chị Tần về thờ trong chính ngôi nhà của mình. “Từ lâu chị Tần đã là một thành viên trong gia đình chúng tôi”, bà Minh cho hay.
Bà Võ Thị Minh - người vợ hiện tại của ông ông Nguyễn Đức Hồng. 
Bà Võ Thị Minh - người vợ hiện tại của ông ông Nguyễn Đức Hồng. 
Trong căn gác nhỏ, bức ảnh nữ liệt sĩ TNXP Võ Thị Tần được đặt thờ ở vị trí trang trọng. Hằng năm, cứ đến dịp giỗ nữ liệt sĩ Võ Thị Tần, vợ chồng ông bà và các con lại cùng nhau sửa soạn góp giỗ. Gần 50 năm qua, năm nào cũng vậy...
Phương Hồ

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nhớ mãi thuở “ngày Bắc đêm Nam”

60 năm hiệp định Giơnevơ (20/71954 - 20/7/2014):

Nhớ mãi thuở “ngày Bắc đêm Nam”

(Dân trí) - Hiệp định Giơnevơ được ký kết đến nay thấm thoắt đã 60 năm. Buổi năm xưa ấy, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến tạm thời, sông Bến Hải (Quảng Trị) được tạm coi như biên giới xẻ đôi đất nước.

Sau ngày đó, hàng trăm ngàn người con miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau đã rời xa quê hương, tập kết ra Bắc trên những con tàu biển của các nước XHCN.
Người ra đi để lại sau lưng gia đình, bờ tre bến nước… Bước chân xuống tàu ai cũng giơ hai ngón tay hẹn với người ở lại sẽ trở về sau hai năm. Vì hiệp định Giơnevơ có điều khoản “Sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước”. Nhưng lời ước hẹn đó không thành. Cuộc chia ly dài đằng đẵng sau 21 năm mới tới ngày sum họp.
Những người con của miền Nam sống trên đất Bắc đã phải sống những ngày khắc khoải chờ mong. 2 năm, 5 năm rồi 10 năm... Chưa bao giờ những ca khúc về nỗi nhớ miền Nam được các nghệ sĩ và nhân dân hai miền hát nhiều như thế, hát hay như thế. Những ca khúc bất hủ: Tình ca, Bài ca hy vọng, Xa khơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương... đã vượt qua đồn bốt giặc, lan truyền, vang vọng trên khắp hai miền Nam – Bắc.
 
Cầu Hiền Lương năm 1966 (ảnh tư liệu)
Cầu Hiền Lương năm 1966 (ảnh tư liệu)
Cha mẹ tôi cũng như hàng ngàn hàng vạn người con phương Nam trên đất Bắc đã phải sống cho cả hai miền, ban ngày  “làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, khi đêm về thì đau đáu một nỗi nhớ quê. Quê hương bây giờ ra sao? Gia đình ai còn ai mất? Chiến tranh ngày một ác liệt, loang ra cả nước, thư nhà vắng dần rồi tắt hẳn.
Tôi khi đó còn nhỏ tuổi, nhưng khi nghe đài báo có tin chiến sự diễn ra trên quê má, quê cha lại thấy những cô bác đồng hương tìm đến nhau thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà. Rồi mọi người im lặng nhìn nhau, trong mắt ai cũng đong đầy niềm thương nhớ!
Sống lâu trên đất Bắc, những người con của miền Nam đã cố gắng vun vén cho mình một cuộc sống riêng. Những đám cưới của nam, nữ trong đoàn tập kết,  giữa nam nữ tập kết với nam nữ miền Bắc. Rồi những đứa con ra đời trên đất Bắc với rất nhiều cái tên: Hoài Nam, Hương Giang, Hiền Lương, Cửu Long, Trường Sơn...
Ba tôi quê xứ dừa Bình Định, má quê Quảng Trị nơi gió Lào cát trắng. Ba má gặp nhau trên đất Bắc, khi đoàn quân tập kết tham gia xây dựng các nông trường tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Rồi chúng tôi sinh ra, thắp sáng  hy vọng cho ba má vượt qua những tháng ngày gian khó. Chúng tôi lớn lên trong những lời ru của điệu hò ơ của mẹ, điệu lý của cha.
Đến đầu những năm 60, ba được ra Hà Nội học đại học, rồi ở lại công tác, cả gia đình trở thành người Thủ đô, nhưng nỗi nhớ miền Nam của ba má thì vẫn vẹn nguyên như thuở mới đặt chân ra Bắc. Giống như bao gia đình tập kết sống với “ngày Bắc, đêm Nam”, ban ngày bận bịu với công việc, đêm về cả gia đình mới ngồi với nhau trong ánh đèn le lói. Đó là thời gian dành cho miền Nam với nỗi nhớ, nỗi đau thương cho đồng bào ở quê đang bị giặc giết, hành hạ... Rồi ba má hỏi đến việc học hành trong ngày của chúng tôi, thương cha mẹ không đứa nào dám lười học.
Nhớ những ngày Mỹ ném bom miền Bắc, cả nhà đi sơ tán, cuối tuần ba đạp xe từ Hà Nội lên tiếp tế cho gia đình, cả nhà gặp nhau được mấy tiếng, rồi ba lại tất tả đạp xe về Hà Nội. Dáng ba gầy liêu xiêu trên đường đê, sau xe là lỉnh kỉnh những gạo, những mỳ. Hình ảnh đó của cha suốt đời tôi không quên!
Gia đình má có 6 anh chị em thì má là con cả và cậu là con trai duy nhất được ngoại gửi ra Bắc theo Bác Hồ. Năm 1966, cậu trở về Nam đánh Mỹ và hy sinh vào dịp Mậu Thân ngay trên mảnh đất quê hương. Rất nhiều, rất nhiều những người con của miền Nam như cậu tôi đã vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu rồi hy sinh cho ngày thống nhất.
Những ngày trên đất Bắc, những người con từ Quảng Trị đến Cà Mau đều được gọi chung một tên là người miền Nam. Mọi người sống đùm bọc, yêu thương nhau.
Hồi đó, CLB Thống Nhất ở 16 Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm là mái nhà chung của bà con miền Nam. Vào dịp lễ, Tết bạn bè của ba má ở các vùng quê miền Nam hay tập trung tại nhà tôi, để cùng nhau chế biến các món ăn mang hương vị quê hương: canh hến quê má, món thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm quê ba...
Mọi người trầm ngâm thưởng thức từng món ăn trong nỗi nhớ quê, rồi khi chia tay không quên giao ước: Thống nhất mọi người phải về quê nhau để thưởng thức chè Huế, mỳ Quảng, cá bống sông Trà, bánh tráng nước dừa Tam Quan,  lẩu mắm Nam Bộ, ba khía muối đất Mũi Cà Mau... Ôi! Quê hương! Đã bao lần tôi chứng kiến những lời hẹn ấy, để rồi lại thấy những giọt nước mắt của những người con xa quê mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Trong 21 năm, những người con miền Nam đã sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Nhân dân miền Bắc đã nhường cơm xẻ áo, dành những gì tốt nhất cho miền Nam ruột thịt, con em miền Nam được học trong những trường tốt nhất trong nước và các nước bạn. Lớp học trò trường Trỗi (Nguyễn Văn Trỗi), trường Bé (Nguyễn Văn Bé), trường ông Núp (trường học sinh dân tộc do Anh hùng Núp làm hiệu trưởng) ngày nào, nay nhiều người đã trở thành các cán bộ chủ chốt ở Trung ương và các địa phương, số còn lại đều sống xứng đáng với sự quan tâm, nuôi dưỡng của đồng bào miền Bắc.
 
(Ảnh Tư liệu)
(Ảnh Tư liệu)
Hàng triệu người con ưu tú của miền Bắc đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", sát cánh cùng đồng bào miền Nam làm nên trận đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, thu giang sơn về một mối.
Hình ảnh và ân tình của miền Bắc mãi mãi khắc ghi trong con tim mỗi người con miền Nam tập kết, cũng như toàn thể đồng bào, đồng chí miền Nam, chứng minh lời của Bác: "Nước Việt Nam là một! Dân tộc Việt Nam là một!".
Sau năm 1975, phần lớn những người miền Nam tập kết đã trở về quê hương, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Họ trở về mang theo những người vợ miền Bắc, những đứa con sinh ra trên đất Bắc tạo nên hình ảnh sinh động của nước Việt Nam thống nhất.
Những người vợ, người con của họ đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới tại quê hương, rất nhiều người con sinh ra trên đất Bắc hiện đang gánh vác những trọng trách trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Sáu mươi năm nhìn lại, lớp người tập kết năm 1954, nay đã vào tuổi "cổ lai hy", người còn, người mất, nhưng đều tự hào về những năm tháng sống và chiến đấu cùng đồng bào miền Bắc.  
Hồi đó những người con miền Nam có mặt ở tất cả mọi lĩnh vực, từ công nhân, trí thức đến chủ nhiệm hợp tác xã. Nhiều người đã được phong tặng danh hiệu cao quý. Họ coi đây là quãng đời đẹp nhất trong đời mình.
Những người đã khuất và những người còn sống của đoàn quân tập kết năm 1954 chỉ có một băn khoăn, là có quá ít những tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh đề cập đến cuộc sống của những người miền Nam trên đất Bắc năm nào.
Họ mong muốn các thế hệ mai sau biết đến cái thuở “ngày Bắc đêm Nam” của những người con phương Nam trên đất Bắc trong những năm nước nhà bị chia cắt.
  Hiền Lương

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Sang năm tới thi chung tốt nghiệp THPT và Đại học

Trước tháng 10-2014, công bố đề án 1 kỳ thi quốc gia

19/07/2014 11:28 (GMT + 7)
TTO - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã cho biết như vậy trong sáng 19-7 khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ có tiếp tục được tổ chức trong năm 2015. 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (giữa) kiểm tra công tác chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 19-7. Ảnh: Trần Huỳnh
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết định hướng của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm sao cho kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, thiết thực và công bằng tạo thước đo chung một mặt có thể dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Theo đó, trong đề án kỳ thi quốc gia sẽ đưa phương thức đề thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang soạn thảo đề án kỳ thi quốc gia.
“Chúng ta sẽ tiến tới một kỳ thi quốc gia sử dụng hai mục đích trên. Đây là chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào tốt nhất. Bộ GD-ĐT mong muốn các nhà khoa học, các nhà giáo, toàn xã hội đóng góp ý kiến cho đề án này được hoàn thiện nhất”, ông Ga nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý III-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.
Về đề thi của kỳ thi quốc gia Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay dự kiến sẽ có phần cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và phần nâng cao khó hơn để các trường ĐH, CĐ làm cơ sở xét tuyển.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không bắt buộc tất cả các trường sử dụng kết quả chung này, các trường sử dụng toàn bộ hoặc có thể sử dụng một phần kết quả này và sau đó tổ chức thi thêm một vài môn hay phỏng vấn là quyền của các trường.
Đồng thời ông Ga cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp dữ liệu tin cậy nhất để các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển ĐH, CĐ. Có thể những năm đầu tiên của kỳ thi quốc gia chung các trường chưa tin nên sẽ tổ chức tuyển sinh riêng nhưng về sau nếu kết quả của việc tuyển sinh riêng và kết quả kỳ thi chung tương đương nhau thì các trường sẽ không cần tổ chức kỳ thi riêng nữa”.
TRẦN HUỲNH
31
Ý kiến bạn đọc (13)Gửi ý kiến của bạn
  • 7/21/2014 11:24:59 AM
    Giống như... ăn không nhai, nói không nghĩ.
    DUYHIEN
  • 7/21/2014 10:38:04 AM
    Con tôi năm nay học 12 các cháu đã chuẫn bị cho kỳ thi đại học như tiền lệ.
    Tôi thấy các cháu đang toàn tâm toàn lực cho việc học để khẳng định tương lai của mình. Nếu như Bộ GD-ĐT thay đổi cách thi làm cho các cháu rất hoang mang. Liệu như vậy có làm khổ các cháu không? Muốn thay đổi thì bộ cũng nên có thời gian cho các cháu chuẩn bị...
    Tôi chưa nói sự tiêu cực bùng nổ trong lúc tranh tối tranh sáng như thế này. Chất lượng hay không hay phản lại tác dụng? Mong bộ giáo dục cân nhắc kỹ có sự chẩn bị chu đáo rồi hãy thực hiện.
    NGUYỄN THỊ NGHĨA
  • 7/21/2014 9:45:43 AM
    Các em sẽ rất vui khi thi một lần. Nhưng liệu thế các trường ĐH - CĐ có chấp nhận không? Bởi kết quả đó có thực chất không? Có giám đốc sở nào muốn học sinh mình điểm nhỏ không?
    LÊ MINH