Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Chùa Bút Tháp và Hòa thượng Chuyết Công
Chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc Tự” thuộc thôn Đình Tổ, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, từng nổi tiếng là danh lam cổ tự và là trung tâm Phật giáo với nhiều thế hệ tăng ni nổi tiếng trụ trì ở đây, trong đó có Hòa thượng Chuyết Công.
Theo thư tịch cổ, chùa Bút Tháp có tên chữ là “Ninh Phúc Tự” vốn được khởi dựng từ lâu đời, vào thời Trần là nơi trụ trì của Thiền sư Huyền Quang (Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm). Đến thời Lê Trung Hưng, chùa Bút Tháp được vương hầu quý tộc triều đình Lê-Trịnh hưng công trùng tu và mở rộng với quy mô rất lớn theo kiểu “chùa trăm gian” với tòa ngang dãy dọc, chạm khắc lộng lẫy, tinh xảo, nghệ thuật.
Sự kiện này được văn bia của chùa có tên “Khánh lưu bi ký”, niên đại Vĩnh Thịnh Giáp Ngọ (1714) ghi chép lại như sau: “Cố tổ chính cung Hoàng Thái Hậu có lòng từ bi thánh thiện, nên được tặng phong là Thánh thiện Bồ Tát, đoan trang diễm lệ. Người trang hoàng nơi đây như bức trướng thêu rồng phượng nạm kim cương rất quý vậy”.
Cũng qua văn bia của chùa cho biết tên những quý tộc triều đình có công trong việc hưng công trùng tu chùa Bút Tháp như: Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Mai, Ninh lộc hầu Lê Vịnh… Đặc biệt, vào thời Lê-Trịnh, chùa Bút Tháp còn nổi tiếng với tên tuổi của Hòa thượng Chuyết Công từng trụ trì và hoằng dương Phật Pháp ở đây.
Về Hòa thượng Chuyết Công, sách “Thiền sư Việt Nam” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo năm 2004, cho biết khá rõ: Hòa thượng Chuyết Công (hay Chuyết Chuyết) sinh năm 1590, quê ở Tiệm Sơn, tỉnh Phước Kiến, Trung Hoa. Mẹ sư nằm mộng thấy từ rốn mọc lên một hoa sen, rồi có thai sinh ra ngài. Thủa bé, sư thông minh dĩnh ngộ, học thông cả ngũ kinh tứ thơ. Kế đi xuất gia lầu thông tam tạng giáo điển. Ban đầu sư đến tham vấn với Trưởng Lão ở Tiệm Sơn. Trưởng lão hỏi: Ngươi tạo sự nghiệp gì? Sư trả lời: Giúp vua cứu dân. Trưởng Lão khen: lành thay! Đây là chí xung thiên, song chẳng qua còn tham danh lợi. Lão sẽ cố gắng xem. Sư do luận về công danh được tỉnh ngộ. Sau sư đến yết kiến Hòa thượng Tăng Đà Đà ở Nam Sơn. Hòa thượng thấy sư thông minh mẫn tiệp bèn hứa nhận. Ngài bảo chúng rằng: Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng. Ngài bèn đem yếu chỉ Tâm tông dạy cho sư. Sau khi sư đắc pháp vân du khắp nước, giáo hóa mười phương. Học giả đương thời đều kính quý sư. Danh tiếng của sư vang khắp tùng lâm.
Hòa thượng Chuyết Công sang Việt Nam, đến kinh thành Thăng Long năm 1633, ở lại chùa Khán Sơn và bắt đầu giảng dạy Phật Pháp. Người đến học gồm cả Hoa và Việt. Sau thời gian, sư dời về chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách kinh thành khoảng ba mươi cây số. Trong thời gian giáo hóa ở đây, sư được chúa Trịnh Tráng rất quý mến, xem như bậc thầy. Vua Lê Huyền Tông và các bậc công hầu cũng đều rất kính trọng. Thời gian sau, vì chúa Trịnh Tráng muốn có thêm kinh điển Phật giáo để lưu hành trong nước, cho nên sư sai đệ tử là Minh Hành trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Những kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích. Sau khi Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, có pháp danh là Diệu Viên, pháp hiệu là Pháp Tính và công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, có pháp danh là Diệu Tuệ, xuất gia tại chùa Phật Tích, chúa Trịnh Tráng cho trùng tu lại chùa Ninh Phúc với quy mô lớn, chạm khắc tinh xảo lộng lẫy. Khi việc trùng tu hoàn tất, Hòa thượng Chuyết Công được mời về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch.
Ở Việt Nam, sư giáo hóa được những đệ tử cốt cán như Thiền sư Minh Lương (người Việt), Minh Hành (người Hoa) v.v… xứng đáng tiếp nối ngọn đèn chánh pháp. Đặc biệt, Thiền sư Minh Lương là học trò xuất sắc của Hòa thượng Chuyết Công. Sau khi đắc pháp, được phong đến chức Hòa thượng “Minh Lương mãn giác Hòa thượng”, trụ trì ở chùa Cao thuộc thôn Phù Lãng thượng. Khi ấy, danh tiếng của Thiền sư Minh Lương vang khắp nơi, vương hầu quý tộc triều đình đều kính nể, tăng ni tìm đến học rất đông và đã được vương hầu quý tộc triều đình trợ giúp cho trùng tu mở rộng chùa Cao thành chùa “trăm gian” làm nơi đào tạo tăng ni của cả nước.
Khi Hòa thượng Chuyết Công sắp tịch, đã gọi đệ tử lại nói kệ dạy:
“Tre gầy thông vót nước rơi thơm
Gió thoáng trăng non mát rờn rờn
Nguyên Tây ai ở người nào biết?
Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn”
Nói kệ xong, sư bảo mọi người: “Nếu ai động tâm khóc lóc không phải đệ tử của ta”. Sư ngồi yên thị tịch, mùi hương lạ đầy chùa cả tháng mới tan. Sư tịch ngày rằm tháng 7 năm Giáp Thân (1644), thọ 55 tuổi. Vua Lê Chân Tông phong hiệu là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”. Đệ tử là Thiền sư Minh Hành lập tháp Báo Nghiêm để an trí nhục thân của thày. Trên đỉnh tháp có hình cây bút do Minh Hành dựng. Truyền rằng, vào thời vua Tự Đức, một lần đi thăm thú xứ Kinh Bắc, từ xa đã nhìn thấy cây tháp của chùa tự như cây bút khổng lồ vẽ lên trời xanh, nên đã đặt tên cho chùa là “Bút Tháp” và từ đó chùa có tên là chùa Bút Tháp.
Chùa Bút Tháp là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu, cổ kính và còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Bên cạnh giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Bút Tháp còn có những giá trị về cổ vật, tín ngưỡng, tôn giáo… Đặc biệt, chùa còn nổi tiếng là nơi trụ trì của Thiền sư Hòa thượng Chuyết Công đã được sử sách lưu danh, di sản văn hóa như kinh kệ, bia đá, tượng thờ… còn bảo lưu được, đã góp phần vào việc nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và văn hiến của quê hương, đất nước.
Đỗ Thị Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét