Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Giới thiệu bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ

Giới thiệu bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ

  •   BÙI DUY TÂN
  • Thứ hai, 21 Tháng 11 2011 16:29
  • tăng kích thước chữ
Cho đến nay, tôi đã viết đến bốn năm bài khác nhau, về tác giả, tác phẩm bài thơ Nam quốc sơn hà, ấn hành trên các Tạp chí Hán Nôm (2 - 1993), Tạp chí Văn học (10 - 1996), Tạp chí Văn hoá dân gian (4 - 2000), Xưa và Nay (1 - 2001), Văn hiến Hà Nội – Văn nghệ Vĩnh Phúc (2 - 2001), Thế giới mới (3 - 2001),…
Các bài viết đều nhằm sửa chữa một ngộ nhận đã từ lâu của nhiều độc giả, và cũng là để cải chính một lầm lẫn đã ít nhiều đi vào tâm thức đại chúng, về tác giả và tác phẩm Nam quốc sơn hà.
I – VĂN BẢN
Phiên âm :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm ?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Theo nguyên bản chữ Hán Việt sử tiêu án – Ngô Thì Sĩ – A11; Trương tôn thần sự tích. VHv 1286.)
Dịch nghĩa :
NÚI SÔNG NƯỚC NAM([1])
Tác giả : Không họ tên([2])
Núi sông nước Nam thì vua Nam ngự trị ([3]),
Cương giới đã phân định rạch ròi tại sách trời.
Sao bọn giặc nghịch lẽ trời dám đến xâm phạm,
Chúng bay hãy chờ xem, sẽ chuốc lấy bại vong ([4])
Dịch thơ :
Đất nước Đại Nam, Nam đế ngự,
Sách trời định phận rõ non sông.
Cớ sao nghịch tặc sang xâm phạm ?
Bay hãy chờ coi, chuốc bại vong !
(Ngô Linh Ngọc dịch)
II – TƯ LIỆU VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1. Về tác giả
1.1. Đã từ lâu, bài thơ Nam quốc sơn hà được nhiều học giả cho là của Lý Thường Kiệt (1019 - 1105). Nay theo sử sách, địa chí, truyền thuyết, truyện ký, thần tích,… còn được tàng trữ ở các kho sách Hán Nôm, thì bài thơ này là do thần Trương Hống, Trương Hát ngâm vang giữa trời đêm, âm phù Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống xâm lược, vào năm 981 và 1076. Không có một tư liệu nào trong khoảng 30 văn bản Hán Nôm hiện còn, in ấn hoặc ghi chép bài thơ là do Lý Thường Kiệt hoặc tương truyền Lý Thường Kiệt viết ra. Lý Thường Kiệt có lẽ sai người nấp trong đền Thần ngâm to bài thơ đã có sẵn trong thần tích, để khích lệ tướng sĩ. Việc làm đó rất phù hợp với tín ngưỡng và tâm lý sĩ dân lúc đương thời. Bài thơ đã là của thần thì có thể gọi là thơ thần, thực chất cũng do con người (chắc là trí thức dân tộc : thiền sư, cư sĩ, nho sĩ, đạo sĩ) ở đầu thời tự chủ (thế kỷ X, XII,…) sáng tác, lưu truyền rồi đưa vào truyền thuyết, thần tích về Trương Hống, Trương Hát. Đã là thơ thần, nằm trog một truyền thuyết, huyền tích, thần phả, thì bài thơ rõ ràng mang tính chất tập thể, truyền miệng, tính chất của một tác phẩm văn học dân gian, và tác giả của bài thơ, giống như các tác phẩm dân gian khác, là : Vô danh thị, tức không họ không tên, Vô danh thị chứ không phải khuyết danh thị (còn khuyết họ tên) hay Khuyết danh như ta thường nói và viết. Bởi lẽ, Khuyết danh thị thì còn hy vọng tìm ra họ tên tác giả, chứ Vô danh thịnhư tác phẩm văn học dân gian, thì không bao giờ có thể tìm ra tác giả được nữa.
Sau đây trích dẫn bốn tư liệu ở bốn thể tài liệu biểu : Sử ký, địa chí, truyền thuyết, thần tích,… viết về "Tác giả" bài thơ thần và hiện tượng âm phù.
 1.2. + "Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân cũng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng : Nam quốc sơn hà Nam đế cư… quân Tống nghe thơ, xéo đạp vào nhau mà chạy tan… Lê Đại Hanh trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân,… sai dân phụng thờ,… nay vẫn còn là phúc thần"([5]).
+ "Người đời truyền rằng Lý Thường Kiệt làm hàng rào theo dọc sông để cố thủ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương Tướng quân có tiếng ngâm to rằng : Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại thư. Sau đó quả nhiên như thế…"([6]).
+ "Sông Như Nguyệt ở địa phận huyện Đông Ngàn và huyện Tiên Du, có đền Trương Tướng quân. Đời Lý Nhân Tông, người nhà Tống sang xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt đến đấy, nghe thấy trong đền có ngâm thơ răng : Nam quốc sơn hà… thủ bại thư.
Thế rồi giặc quả nhiên thua. Lý Nhân Tông mới sai lập đền thờ thần ở sông Như Nguyệt"[7].
+ "Đến thời vua Lý Nhân Tông, quân Tống sang lấn, tiến vào trong cõi. Vua sai Thái uý Lý Thường Kiệt lập trại ở ven sông để chống giữ. Một đêm quân sĩ nghe trong đền có tiếng thần ngâm thơ : Nam quốc sơn hà Nam đế cư… thủ bại hư.
Rồi quả nhiên quân Tống bị thua, phải rút về nước"([8]).
2. Về tác phẩm
2.1. Về văn bản bài thơ
Nam quốc sơn hà còn khoảng 30 văn bản, trong đó chỉ vài văn bản gần như hoàn toàn giống nhau, còn lại là những văn bản có chữ khác nhau ở cả bậc từ ngữ và câu cú. Có học giả đã lập thành một văn bản chuẩn với kiến giải khá thuyết phục. Nhưng do văn bản đang dùng trong trường học và ngoài xã hội đã trở nên quan thuộc hàng dăm bảy thập niên, hơn nữa văn bản đang dùng cũng được các học giả trích xuất nguyên văn từ Trương tôn thần sự tích, so với văn bản trong quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư đã trích dẫn ở trên, chỉ đảo có một từ (phân định và định phân, nên "văn bản chuẩn" đưa ra chưa mấy ai chấp nhận. Vì vậy, bản thường dùng trong và ngoài nhà trường hiện nay vẫn cứ là bản đã lưu hành ổn định đã từ lâu. (Những đoạn không có "…" là phần viết của Bùi Duy Tân).
2.2. Về giá trị bài thơ
Từ lâu Nam quốc sơn hà vẫn được xem là một trong mấy tác phẩm văn học nổi tiếng nhất của nước ta từ xưa đến nay. Bây giờ, trả bài thơ về cho tác giả đích thực của nó. Vô danh thì, cùng với việc bài thơ được thần đọc giúp Lê Hoàn đánh giặc năm 981, thì bài thơ có thêm giá trị mới : cổ kính nhất, trước cả Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận, mãi sau chiến thắng chống Tống năm 981 mới ra đời. Như vậy Nam quốc sơn hà là bài thơ thuộc loại hay nhất và cổ nhất của dòng văn học viết khi nền văn học dân tộc chính thức chào đời. Tuy nhiên, giá trị của Nam quốc sơn hà trước hết phải vị thế bản tuyên ngôn – Tuyên ngôn độc lập đầu tiên – của nền tự chủ Đại Việt.
2.3. "Bài thơ đã được ghi vào lịch sử như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta sau hơn một nghìn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ"([9]).
Đại Việt sử ký toàn thư ghi : "Một hôm quân sĩ (của ta) chợt nghe ở trong đền Trương Tướng quân có tiếng đọc to rằng : Nam quốc sơn hà Nam đế cư… thủ bại hư. Đây chính là bài thơ thần kích động tinh thần yêu nước thành sức mạnh chiến đấu trực tiếp diệt thù"([10]).
"Dưới hình thức những mách bảo của thần linh (của hai vị thần Trương Hống, Trương Hát), bốn câu thơ trang trọng khẳng định sự tồn tại khách quan của nước Nam, một quốc gia hoàn toàn độc lập và cảnh cáo những kẻ cố tình không thừa nhận sự tồn tại thiêng liêng ấy… Kết tinh từ lòng yêu nước và căm thù giặc chất chứa hàng ngàn năm, bài thơ như một sức nến của ngôn từ, đã có một âm vang đặc biệt, dội vào tâm hồn nhiều thế hệ, có các khí thế đứng trên mà đè bẹp kẻ thù"([11]).
"Bốn câu thơ trang trọng, đanh thép, hai mươi tám chữ vàng, đã khẳng định sự tồn tại khách quan của nước Việt với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có lãnh thổ riêng biệt… Bài thơ còn chống lại tư tưởng kỳ thị Hoa Di, vừa ngu xuẩn vừa phản động của bọn phong kiến phương Bắc, phủ nhận vai trò độc tôn của hoàng đế Trung Hoa, khi ngầm đối sánh Nam và Bắc, vua Nam và vua Bắc, núi sông nước Nam và núi sông nước Bắc. Bài thơ có tính chiến đấu cao, xứng đáng được coi như bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt tự chủ"([12]).
"Nam quốc sơn hà là bài thơ ngắn, chỉ gồm 28 chữ nhưng đã tuyên bố rõ tính chất "pháp lý" về chủ quyền nước Đại Việt của người Đại Việt. Tiêu chuẩn cho người Đại Việt – người nước Nam – bấy giờ là hoàng đế nước Nam. "Hoàng đế nước Nam ở nước Nam" điều đó đã được sách trời ghi rõ. Hoàng đế nước Nam không "tiếm vị", không"nghịch mệnh trời". Đó là lý do xác đáng để nếu kẻ địch hung dữ nào dám xâm phạm tới ắt sẽ bị bại vong. Bài thơ vừa tuyên bố chủ quyền đất nước, vừa tuyên bố quyết tâm giữ vững chủ quyền đất nước củă dân tộc Đại Việt"[13].
III – GỢI Ý TÌM HIỂU GIÁ TRỊ BÀI THƠ
Nam quốc sơn hà là một kiệt tác văn chương, thể hiện chân thực nhất, tâm huyết và ý chí của người Việt ở cái thuở ban đầu thời tự chủ.
1. Khẳng định sự tồn tại khách quan, thiêng liêng của chủ quyền, lãnh thổ nước Nam.
2. Chống lại tư tưởng bá quyên, thái độ kỳ thị Hoa Di, vai trò độc tôn của Hoàng đế Trung Hoa.
3. Cảnh cáo quân giặc sẽ thất bại và thể hiện niềm tin chiến thắng của quân ta.
4. Đây là một bài thơ chính luận, thơ hịch, với ngôn từ nghêm trang, đĩnh đạc, với kết cấu chặt chẽ, hợp lý. Cái hay của bài thơ là cái hay của một bản Tuyên ngôn, tuyên chiến, với lập uận giản dị mà hàm súc, đanh thép mà cập nhật : Nước Nam là của vua Nam, điều thiêng liêng ấy đã ghi ở sách trời, kẻ nào vi phạm, kẻ ấy bại vong.
 
(Tư liệu văn học,Tập I. NXB Giáo dục, 2001;
In lại trong Bùi Duy Tân tuyển tập.
NXB Giáo dục, H., 2007)

 


([1]) Bài thơ nằm trong một văn bản dưới dạng truyền thuyết, thần phả, huyền tích, truyện ký, sự tích… nên không có đầu đề. Các học giả thời nay bèn lấy bốn chữ ở đầu câu thơ thứ nhất, đặt đề cho bài thơ là Nam quốc sơn hà.
([2]Trước đây, tác giả bài thơ này thường được ghi là Lý Thường Kiệt. Sự thực Lý Thường Kiệt có thể là người sử dụng một cách sáng tạo bài thơ đã lưu truyền từ lâu, để cổ vũ tinh thần chiến đấu của binh sĩ, chứ chắc chắn không phải là tác giả bài thơ. Cho nên ở đây đề là Vô danh thị (Không có họ tên tác giả) là để trả bài thơ về cho tác giả đích thực của nó : Nhân sĩ buổi đầu thời tự chủ.
([3]Ngự trị : Dịch chữ cư ra ngự trị, để rõ được cái nghĩa bao hàm vua nước nam vừa quản lý vừa cai trị đất nước của mình, theo thể chế vương quyền. Dịch là ở ("Núi sông nước Nam thì vua Nam ở". Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1977, tr. 321) như động từ ở vẫn quen dùng, thì hơi thông tục, quá giản đơn và có phần nhẹ nghĩa, lại thiếu một chuý gì như là sự trang trọng. Dịch là làm chủ ("Núi sông nước Nam, Nám đế làm chủ". Tổng tập văn học Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H., 1980, tr. 251) như vẫn thường nói : "Tinh thần làm chủ", "làm chủ tập thể" thì hơi cứng cỏi, có phần cập nhật và cũng nghiêm chỉnh, song chưa thật đầy đặn những gì như là sự bình dị, cổ kính.
([4])Ngôn từ dịch chú bài thơ này từng được nhiều học giả đi sâu bàn kỹ, làm cho 28 chữ vàng ngày càng được hiểu tường tận. Chúng tôi, trong phạm vi có thể, cũng có phần dựa vào tìm tòi giày sức thuyết phục của người đi trước, để dịch nghĩa, chú giải bài thơ ở sách này cho thật tốt.
([5]Lĩnh Nam chích quái,Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Bản dịch, NXB Văn học, H., 1990, tr. 83 - 84.
([6]Đại Việt sử ký toàn thư,tập I. Bản dịch, NXB Khoa học xã hội, H., 1983, tr. 291.
([7]Dư địa chí, Lịch triều hiến chương loại chí,Phan Huy Chú, tập I, NXB Sử học, H., 1960, tr. 89.
([8]Việt điện u linh, Lý Tế Xuyên. Bản dịch, NXB Văn học, H., 1972, tr. 70 - 71.
([9]Lịch sử Việt Nam, tập I, NXB Khoa học xã hội, H., 1971, tr. 182.
 
([10]Đại cương lịch sử Việt Nam,tập I, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh, NXB Giáo dục, 1998, tr. 161 - 162.
 
[11] (Từ điển văn học, tập I, Nguyễn Huệ Chi. NXB Khoa học Xã hội, H., tr. 428)
([12]Văn học Việt Nam (Từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII),Bùi Duy Tân, NXB Giáo dục, 1998, tr. 45.
 
([13]Văn hiến Thăng Long, Trần Thị Băng Thanh, NXB Văn hoá – Thông tin, H., 2000, tr. 166.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét