Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

ST : Ngũ phúc là gì?

Danh từ “Ngũ phúc” này, nguyên từ trong “Thư Kinh – Hồng Phạm”, rất nổi tiếng, nhưng lại ít người biết được “Ngũ phúc” gồm những phúc nào. Thậm chí nguyên lý làm sao để “phúc lâm môn” (phúc vào cửa), người hiểu được lại càng ít hơn.
Rốt cuộc “Ngũ phúc” là gì?
Thứ nhất là “Trường thọ”, hai là “Phú quý”, ba là “An khang”, bốn là “Hảo đức” (đạo đức tốt), năm là “Thiện chung” . “Thư Kinh” có ghi: Nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết an khang, tứ viết tu hảo đức, ngũ viết khảo chung mệnh.
“Trường thọ” là mệnh không chết non, hơn nữa tuổi thọ lâu dài.
“Phú quý” là tiền tài dư dật hơn nữa còn có địa vị tôn quý.
“An khang” là thân thể khỏe mạnh và tâm linh an bình.
“Hảo đức” là tấm lòng lương thiện và nhân hậu trầm tĩnh
“Thiện chung” là có thể dự đoán được ngày chết của mình. Lúc cuối cùng, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không ốm đau, trong nội tâm không lo lắng hay phiền não, an tường tự tại mà rời khỏi nhân gian.
“Ngũ phúc” hợp lại mới tạo thành một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc, một khi tách rời ra thì không còn ổn nữa. Ví dụ, có người trường thọ lại nghèo hèn qua ngày, có người phú quý nhưng thân thể lại không tốt, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý lại gặp tai họa bất ngờ…
Trong “ngũ phúc”, quan trọng nhất là phúc thứ tư – “Hảo đức”. Chính là có được tấm lòng lương thiện, nhân hậu trầm tĩnh, đây là tướng có phúc nhất. Bởi vì đức là căn nguyên của phúc, phúc là kết quả của đức tạo thành. Chỉ có “Hảo đức” đôn hậu thuần khiết, mới có thể nuôi dưỡng bốn phúc khác, khiến chúng không ngừng lớn mạnh, mà phần này chúng ta có thể hoàn toàn khống chế, cho nên những người già thường nói phải tích đức làm việc thiện.
Biên dịch: Minh Quân

Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Cậu biệt động nhỏ và nhà tình báo lớn ( ST tại báo CÔNG AN)

Cậu biệt động nhỏ và nhà tình báo lớn

08:15 25/05/2015

Ngô Văn Thiều bị cảnh sát bắt tại chỗ. Đặng Quốc Tuấn lợi dụng cảnh hỗn loạn đã chạy thoát về điểm hẹn tại nhà của Ngô Văn Thiều. Rủi thay, có một tên cảnh sát sống gần đã nhận ra "thằng nhóc" chạy hốt hoảng về, báo ngay cho cảnh sát huy động lực lượng đến bao vây. Đặng Quốc Tuấn bị bắt cùng 3 quả lựu đạn tự chế trong nhà chưa sử dụng...

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Ai mới thực sự là Quốc tổ của người Việt?

Ai mới thực sự là Quốc tổ của người Việt?

Việc truy tôn một người nào đó là Quốc tổ là việc hệ trọng. Vậy mà, chỉ điểm qua các báo gần đây cũng thấy có đến vài vị Quốc tổ khác nhau.
Trong cây phả hệ của một dòng họ/chi nhánh dòng họ, Ông tổ được coi là người khởi dựng dòng họ/chi nhánh dòng họ ấy, là người có quan hệ huyết thống với các hậu thế của mình. Trong một nghề thủ công, Ông tổ nghề được coi là người sáng lập và truyền dựng nên nghề ấy. Người ta thường dựng nhà thờ Tổ, xây ngôi mộ Tổ, cử hành giỗ Tổ để thành kính tưởng nhớ công lao của một vị Tổ. 
Những việc làm đó mang ý nghĩa tâm linh sâu xa, hướng về nguồn cội và có tác dụng giáo dục các thế hệ phát huy truyền thống gia phong hay bảo tồn những nguyên tắc tốt đẹp của nghề nghiệp. Vì vậy, việc coi một người nào đó là Ông tổ là một việc hệ trọng.
Trong phạm vi một dòng họ hay một nghề còn như vậy, việc truy tôn một người nào đó là Quốc tổ, người khởi dựng nên một quốc gia, một dân tộc lại càng là việc hệ trọng hơn bội phần.
Vậy mà, điểm qua các báo gần đây ta thấy gì? Sau đây là bốn ví dụ trong số nhiều tin tương tự:
1. Khởi công xây dựng Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân: Chiều 26/3, Bộ Văn hóa Thông tin (?) đã tổ chức khởi công xây dựng Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại khu đồi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Báo Vn Media)
2.Lễ giỗ Ðức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ (TTXVN)
3.Kiên Giang: Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương đón nhận bằng di tích LSVH (Báo Tiền phong )
4.Tượng Quốc tổ, 18 tượng Vua Hùng được công nhận lớn nhất Việt Nam. (Báo Thanh niên)
Quốc Tổ, Hùng Vương, Lạc Long Quân
Như vậy,
- Theo bài 1, ở Việt Trì, Quốc tổ là Lạc Long Quân; còn theo bài 2), ở khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quốc tổ cũng là Lạc Long Quân, bởi từ "Đức" ở đây là để tỏ ý tôn kính, tương tự như nói Đức Phật, Đức Chúa, Đức Thánh Trần, Đức Bà... nên Đức Quốc tổ cũng chỉ là Quốc tổ mà thôi;
- Theo bài 3, ở Kiên Giang, Quốc tổ là Hùng Vương (thứ nhất?). Các đền thờ Hùng Vương ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai... đều ghi "Đền Quốc tổ Hùng Vương". Trước đây Đền Hùng Phú Thọ cũng có tên là "Đền Quốc tổ Hùng Vương".
- Theo bài 4, ở Gia Lai, Hùng Vương (thứ nhất?) không phải là Quốc tổ, vì đã có tượng đứng cùng với 17 vị khác; còn Quốc tổ “môi đỏ như son, da trắng như tuyết” thì không có tên!
Và dường như tất cả các hoạt động và sự kiện này, từ ý tưởng dự án, thiết kế, xây dựng... đến khánh thành đều có vai trò quản lý nhà nước của Sở Văn hóa sở tại.
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, nơi nào cũng tổ chức cúng lễ ...Nhưng với việc sử dụng các danh xưng bất nhất như trên thì ai là Ông tổ đích thực của chúng ta?
Sắp tới các cháu học sinh sẽ phải trả lời thế nào, nếu có các đề thi liên quan trong môn Lịch sử?
TS.Phan Văn Khôi
Nhà sử học Lê Văn Lan: Gọi Lạc Long Quân là quốc tổ là 2 lần sai
GS sử học Lê Văn Lan cho biết, ông đã nhiều lần góp ý với Phú Thọ rằng chỉ nên gọi Hùng Vương là Quốc tổ còn Lạc Long Quân thì không. "Chúng ta đang cố gắng chứng minh Hùng Vương là có thật, và điều đó đang dần sáng tỏ. Còn Lạc Long Quân là nhân vật huyền thoại, không thể có thật được. Nếu gọi Lạc Long Quân là Quốc tổ là 2 lần sai. Cái sai thứ nhất là gọi nhân vật không có thật là Quốc tổ. Cái sai nữa là về lịch sử vì Lạc Long Quân chỉ là nhân vật huyền thoại".
Nhà sử học Nguyễn Ngọc Tiến: Lạc Long Quân và Hùng Vương đều là nhân vật truyền thuyết. Nhưng tài liệu sử sách ghi lại thì đều thể hiện Hùng Vương mới chính là Quốc tổ. Nói như vậy để thấy rằng Hùng Vương là nhân vật có tài liệu chứng cứ ghi chép rõ ràng. Trong khi đó Lạc Long Quân do truyền thuyết ghi lại thành sử rồi bị sai lệch năm này qua năm khác. Gọi Hùng Vương là Quốc tổ là chính xác.
(Tình Lêghi)

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Chùa Vĩnh Nghiêm nơi lưu giữ Bảo vật Quốc gia

Chùa Vĩnh Nghiêm nơi lưu giữ Bảo vật Quốc gia
Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm. (Ảnh: Hà Huy Hoàng/TG&VN)

Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở Việt Nam, thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII dưới triều Vua Trần Nhân Tông. Lịch sử chép rằng: Sau khi Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông thì ngài xuất gia lên Yên Tử năm 1299 và lập ra dòng phái Trúc Lâm. Năm 1308, Tổ Trúc Lâm (Vua Trần Nhân Tông) an cư kết hạ giảng pháp tại chùa này.

Chùa La, dấu ấn thời gian
Tương truyền sau khi đánh tan giặc Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông giao lại ngai vàng cho con là Trần Anh Tông, rồi bắt đầu đi du ngoạn khắp vùng Kinh Bắc. Sau khi đến vùng Đức La, huyện Phượng Nhãn, lộ Bắc Giang, bỗng nhiên con tuấn mã của nhà Vua nhảy dựng hai chân trước hý vang. Nhà Vua đã dùng hết sức ghìm cương xuống, nhưng không được. Thấy vậy, dân làng gần đó kéo ra quỳ xuống vái lạy, con tuấn mã mới dừng. Biết là đất thiêng, nhà Vua xuống ngựa vào thăm ngôi cổ tự, sau đó cho xây dựng, mở mang thành một ngôi chùa lớn và đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự.
Sách Tam tổ thực lục ghi: "Trạng nguyên Lý Đạo Tái một hôm theo Vua Trần Anh Tông đến huyện Phượng Nhãn vào chùa Vĩnh Nghiêm nghe Pháp Loa giảng kinh, bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn thụ giáo với Pháp Loa, lấy Phật hiệu là Huyền Quang". Sau lần giác ngộ Phật đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm, Vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã lập nên giáo phái Trúc Lâm - Ba vị trở thành Tam tổ…
Nhớ lại cách đây trên chục năm, lúc đó Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng gặp tôi có nói quê cậu có ngôi chùa tổ thuộc thiền phái Trúc Lâm, gọi là Vĩnh Nghiêm tự, vẫn còn lưu giữ được mấy nghìn bản kinh khắc trên gỗ từ thời nhà Trần quý lắm đấy… Nghe thầy Vượng nói thế, ít ngày sau tôi về quê. Quê tôi cách chùa Vĩnh Nghiêm non 7 km, có thể gọi là xã trên, xã dưới, ấy vậy mà khi hỏi chùa Vĩnh Nghiêm thì nhiều người không biết.
Tìm hỏi một cụ cao tuổi trong làng thì cụ tủm tỉm bảo: Anh hỏi chùa Vĩnh Nghiêm thì ít người biết là phải. Nếu anh nói chùa La thì cả tổng, cả huyện ai cũng biết… Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng La, nên từ bao đời nay nhân dân quen gọi là chùa La, sau là xã Đức La, tổng Trí Yên, Phủ Lạng Giang, nay là xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Buổi sáng, không gian ở chùa La im ắng đến lạ, nắng cuối thu vàng nhẹ trải dài trên những mái ngói rêu phong. Rót cho tôi bát nước vối nóng, bác Bình bán vàng hương ở ngay cổng chùa đon đả: Lá vối tẻ tôi vừa pha đấy, cậu uống nước đi. Hôm nay cậu về thì vắng rồi, gớm mấy hôm trước khách thập phương về xe lớn, xe nhỏ, đỗ kín cả bãi trước cổng chùa. Đúng là làng tôi có phúc, những năm chiến tranh chùa không bị phá phách, nên vẫn còn giữ được nhiều hiện vật. Năm nay, tôi đã 76 tuổi rồi, ngày bé vào chùa chơi, tôi đã nhìn thấy rất nhiều những tấm gỗ khắc chữ nho xếp trên kệ đặt trong gian Tổ. Cứ tưởng không có giá trị, ai ngờ đến bây giờ lại được thế giới biết đến công nhận là di sản, thật vinh dự quá…
Kho mộc bản "Bảo vật quốc gia"
Vừa dẫn tôi đi thăm chùa, Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, vừa kể: Tấm bia đá được dựng vào năm Hoàng Định thứ 7 (1606) hiện lưu giữ tại chùa đã mô tả khá chi tiết cảnh vật nơi đây. Chùa nằm trên một gò đồi thấp, nhìn ra Lục đầu giang. Năm 1313, chùa Vĩnh Nghiêm chính thức được Tổ Pháp Loa đặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt. Chùa từng là nơi thuyết pháp của Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) và là nơi đào tạo, định chức danh các tăng sĩ thời Trần. Từ đó, chùa Vĩnh Nghiêm đã đóng vai trò tiền trạm cho khách hành hương vượt sông, trèo núi lên Yên Tử, Quảng Ninh. Vì thế có câu ca:
Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm…Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành.
Có thể nói, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là căn cứ quan trọng để các nhà nghiên cứu khẳng định sự khác biệt, độc đáo của dòng Thiền Trúc Lâm so với những dòng Thiền khác trên thế giới. Nó nhập thế phù hợp với tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt, thể hiện tư tưởng của Vua Trần Nhân Tông, mang giá trị bản sắc rất cao cũng như giá trị mỹ thuật của người Việt xưa.
Bên cạnh đó, chùa còn được ví như một bảo tàng Phật giáo ở miền Bắc. Đây là nơi lưu giữ nhiều tài liệu và di sản văn hóa Phật giáo quý giá, trong đó đáng chú ý nhất là bộ 3.050 mộc bản khắc in các bản kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Nôm, hầu hết được khắc trong khoảng thời gian từ thế kỉ 17 đến thế kỉ 19. Trong đo, chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí, y thuật chữa bệnh… của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Với những giá trị to lớn như vậy, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được đánh giá là "Bảo vật quốc gia".
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kĩ thuật khắc ngược, đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Ngoài những giá trị về mặt hiện vật, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn được các nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị rất lớn về mặt học thuật. Dựa vào nội dung các mộc bản này, người ta có thể giải mã được rất nhiều vấn đề thuộc về quá khứ như: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học...
Ông Phạm Cao Phong - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, cho biết: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có tính độc đáo, ngoài kinh, sách, luật giới còn có mộc bản để in ấn sớ, điệp, tiêu biểu là cuốn Thiền tông bản hạnh.
Đặc biệt, mộc bản này được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnammese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Như vậy, sau mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản thứ ba của Việt Nam được công nhận là di sản tư liệu trong chương trình "Ký ức thế giới".
Hơn 800 năm đã trôi qua, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn tồn tại với vai trò là một trung tâm Phật giáo, một Thiền viện đào tạo các tăng, ni nổi tiếng trong cả nước. Kho mộc bản tưởng đã ngủ quên trong lớp bụi thời gian, nay đã được thế giới biết đến tôn vinh. Để xứng tầm một đại danh lam cổ tự, chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm thì chùa Vĩnh Nghiêm cần được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội quan tâm trùng tu tôn tạo. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Hà Huy Hoàng

"Người Việt thiếu gì thứ hay, sao cứ chuộng đồ TQ?"

"Người Việt thiếu gì thứ hay, sao cứ chuộng đồ TQ?"

Thật khó có thể phát triển các làng nghề nếu những nghệ nhân Việt chỉ biết làm theo đồ… 'Trung Quốc' mà không được thổi nguồn cảm hứng để sáng tạo.
Đợt nghỉ lễ, lượn qua nhà mấy ông bạn cũ lâu ngày không hội ngộ. Kinh tế khởi sắc, ông nào cũng nâng cấp nhà cửa, sắm sanh đồ đạc, nhân cơ hội nghỉ lễ mời nhau đến nhà để khoe khoang. Điều ngạc nhiên là không ai bảo ai, nhà nào cũng bày đặt tượng Quan Công, Khổng Minh, tượng ông Tam đa, rồi tranh bát mã- rặt đồ  Trung Quốc, rồi chữ trên cuốn thư, đại tự, câu đối cũng… Trung Quốc nốt.
Tôi hỏi: - Người Việt mình thiếu gì thứ mà tôi thấy các ông đều chơi đồ Trung Quốc?
-Mốt nó thế. Toàn là những thứ mua ở các làng nghề. Làng nghề nào cũng làm chừng đó thứ!
Chữ nghĩa, hồn cốt dân tộc, đồ Tàu, sáng tạo, thằng Bờm, đồ chơi, Chí Phèo, nghệ nhân, Hàng Mã, Quốc tế thiếu nhi
Những chiếc đèn lồng đầy tiếng Trung trên phố đồ chơi Hàng Mã. Ảnh: Báo Lao động
Vậy là tại làng nghề? Tiện thể, tôi lại tạt qua mấy làng nghề ở ngoại thành, nơi “phát tích” toàn những thứ đồ mỹ nghệ, thờ cúng vẫn được các đại gia khuân về. Hỏi một nghệ nhân đồ chạm khắc: Tôi thấy người Việt mình có ối thứ hay, thậm chí có thứ được công nhận là di sản văn hoá thế giới, sao không thấy bác làm mà toàn làm đồ Trung Quốc? Trả lời: Thị trường cần gì thì mình làm thứ đó. Rằng, mấy ông quan chức bày đồ Tàu, thường dân cứ thế làm theo, đâm ra những thứ đó bán chạy.
Vậy là, quan trí đã chi phối đến dân trí! Thói quen “làm theo” đã khiến người ta sùng bái đồ Trung Quốc vì những thứ này có từ thời Bắc thuộc.
Thôi thì đền chùa xây đã lâu, bia bảng khắc chữ Trung Quốc đã đành rồi, những thứ mới xây, cũng vẽ chữ Trung Quốc, thế mới lạ.
Vậy những người có chữ nghĩa, hồn cốt dân tộc ở đâu mất rồi?
Mới đây, dư luận rộ lên chuyện vị nọ tặng một cô hoa hậu đôi câu đối trong đó có câu: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”. (Nhìn mây nhớ đến xiêm áo, thấy hoa nhớ đến dung nhan). Đám choai choai rỗi việc vào hỏi ông Gúc (Google) thì té ra đó là câu thơ của Lý Bạch trong bài “Thanh Bình Điệu” mà nhà thơ họ Lý dùng để tả Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân xứ Trung Hoa cổ xưa.
Mấy năm trước, làng nghề Bát Tràng có bộ tượng Chí Phèo- Thị Nở khá độc đáo, bán rất chạy. Nhưng đó là bức tượng Chí Phèo với chai rượu uống dở, Thị Nở cười nhăn nhở… Người ta biết đến Chí Phèo của Nam Cao bởi câu chuyện tình vườn chuối với ánh trăng miên man gợi tình- hồi hộp, hấp dẫn, còn chuyện rượu chè, chả thiếu!
Người Việt đâu thiếu chuyện hay. Ngay như chuyện Thằng Bờm và thương vụ đàm phán nổi tiếng trong lịch sử: Bán chiếc quạt mo! Đó là cuộc đàm phán bình đẳng, sòng phẳng, có thương lượng, có tiến, có lùi với phần thắng thuộc về Phú ông, mua được chiếc quạt mo mà không phải tốn kém “ba bò chín trâu” hay “bè gỗ lim” mà chỉ bằng… nắm xôi! Chuyện này hay và nổi tiếng đến nỗi nghe đâu đã được một người Mỹ gốc Việt đưa vào giảng dạy ở Harvard Business School. Vậy mà các nghệ nhân chưa ai khai thác.
Rồi nữa, hàng loạt danh thắng được UNESCO vinh danh: Vịnh Hạ Long, Phong Nha- Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ, cố đô Huế, Phố cổ Hội An… Bao nhiêu thứ có thể sáng tạo, mô phỏng, đó là chưa kể đến hàng loạt các di sản văn hoá phi vật thể khác có thể vật thể hoá để làm quà tặng…
Chúng ta mải miết cổ vũ cho việc học tập và làm theo mà ít khi có những cuộc vận động cho việc sáng tạo. Cơn lốc hội nhập đang đến gần, du khách nước ngoài vào Việt Nam tìm đỏ mắt cũng chả thấy đồ lưu niệm nào mang hồn cốt, bản sắc dân tộc. Trong khi đó, đồ Tàu thì rất sẵn và nếu nhập từ Tàu về, giá cả lại cạnh tranh hơn.
Thật khó có thể phát triển các làng nghề nếu những nghệ nhân Việt chỉ biết làm theo đồ… Tàu mà không được thổi nguồn cảm hứng để sáng tạo.
Phan Thế Hải

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Ngôi nhà xanh Liên Hợp Quốc tại Hà Nội

Ngôi nhà xanh Liên Hợp Quốc tại Hà Nội

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm nay cắt băng khánh thành tòa trụ sở Liên Hợp Quốc mới tại Hà Nội.



Dự án "Ngôi nhà xanh Liên Hợp Quốc" được khởi động đầu năm 2013 bằng việc cải tạo một tòa nhà cũ tọa lạc trên đường Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) thành một tòa mới theo tiêu chuẩn "xanh".
Cùng với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, ông Ban Ki-Moon cắt băng khánh thành tòa nhà trụ sở đầu tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) trên thế giới được cấp chứng chỉ "xanh". Tổng thư ký LHQ đang có chuyến thăm Việt Nam hai ngày 22 và 23/5.
Tòa nhà xanh LHQ được tái chế cấu trúc cũ nhằm tránh phá dỡ, giảm thiểu chi phí và phế thải.
Tòa nhà được thiết kế lại theo hướng tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng đèn điện. Bên trong tòa nhà có rất nhiều giếng trời để lấy ánh sáng. Điều này giúp tòa nhà xanh của LHQ tiết kiệm được 25-36% lượng điện tiêu thụ cho việc chiếu sáng.
Đội ngũ nhân viên làm việc bên trong tòa nhà cũng thực hiện nhiều sáng kiến "xanh" khác, như giảm lượng in ấn; tái sử dụng giấy, nhựa và thủy tinh; tắt đèn mỗi khi rời phòng và đạp xe hoặc đi bộ đi làm.
Vật liệu sử dụng trong tòa nhà, như trần và vách ngăn, cũng được lựa chọn theo tiêu chí thân thiện với môi trường. Các tấm quang điện lắp đặt trên mái dự kiến sẽ đáp ứng được 10% nhu cầu điện năng tiêu thụ hàng năm của tòa nhà.
Sau lễ khánh thành, ông Ban Ki-moon có buổi gặp gỡ báo chí tại tòa nhà. Bên trong phòng họp báo, ngoài đèn điện, phía trên nơi Tổng thư ký LHQ ngồi cũng có một giếng trời để lấy ánh sáng tự nhiên.
Bình luận về công trình trụ sở mới của LHQ tại Việt Nam, ông Ban Ki-moon cho rằng đây là tòa nhà văn phòng hiệu quả về năng lượng và thân thiện môi trường nhất trong khu vực, và là bằng chứng cho sự nhất quán và hợp tác giữa các tổ chức LHQ. Một trong những ưu tiên của LHQ tại Việt Nam là hỗ trợ phát triển môi trường bền vững.
Theo Quý Đoàn - VnExpress

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Mẹo để ngủ ngay.

Mẹo nhỏ giúp ngủ ngay chỉ trong vòng 1 phút

Thứ Sáu, 15:16 | 15/05/2015
Sức khỏe ) - Rất nhiều người thỉnh thoảng vẫn gặp khó khăn khi muốn đi vào giấc ngủ, nhưng một bác sĩ đã tiết lộ cách thức mới để khiến việc thức trắng đêm trở thành quá khứ.
  • meo nho giup ngu ngay chi trong vong 1 phut










Tiến sĩ Andrew Weil, một chuyên gia về giấc ngủ, đã giới thiệu mẹo nhỏ để giúp những người mất ngủ có thể đi vào giấc ngủ trong vòng chưa đầy một phút.
Ông Weil cho biết mẹo hít thở làm dịu và thư giãn các cơ bắp này được mệnh danh là “phương pháp 4-7-8”. Chỉ với 5 bước đơn giản như sau:
  • Thở hết không khí qua miệng của bạn, tạo nên một âm thanh như  tiếng gió thổi,
  • Đóng miệng và hít nhẹ nhàng qua mũi trong khi đếm thầm trong đầu đến 4,
  • Nín thở trong khi đếm tới 7,
  • Thở hết hơi ra qua miệng, tạo ra âm thanh như tiếng gió thổi khi đến đến 8.
  • Đây là một nhịp thở hay chu kỳ thở 4 thì. Bây giờ hít lại một lần nữa và lặp lại chu kỳ trên 3 lần.
“Mẹo này xuất phát từ yoga và thở yoga, bạn phải giữ cho đầu lưỡi đặt phía sau răng cửa trên. Hít vào qua mũi nhẹ nhàng và thổi không khí ra một cách mạnh mẽ qua miệng và tạo thành âm thanh như tiếng huýt sáo hay tiếng gió thổi. Tất cả những việc này mất khoảng 30 giây vì vậy không có lý do gì để không thực hiện”, ông Weil nói với tạp chí Telegraph.
Tuy nhiên, ông Weil cũng cảnh báo, rằng phải thở như vậy nhiều hơn một lần mới đạt được hiệu quả mong muốn. Trong thực tế, ông khuyên mọi người nên làm hai lần một ngày “một cách đều đặn”, hoặc thậm chí nhiều hơn.
Ông cho biết, “Sau khoảng 4-6 tuần, bạn sẽ thấy sự thay đổi tuyệt vời trong cơ thể mình”.
“Nó tạo ra một sự thay đổi trạng thái ý thức rất dễ chịu. Bạn có thể không nhận ra điều này ngay từ lần đầu tiên thử, nhưng đó chính là lợi ích của việc thực hành hít thở theo cách này”.
dễ ngủ
Chỉ cần áp dụng phương pháp này bạn sẽ rơi vào giấc ngủ dễ dàng
Tiến sĩ Weil, sinh năm 1942, là Giám đốc của Trung tâm Y khoa Hợp nhất thuộc Trường Y Khoa tại Đại học Arizona. Ông đã viết nhiều sách và thực hiện nhiều công trình nghiên cứu.
Chính xác thì tại sao phương pháp thở này lại hiệu quả? Kevin Meehan, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe toàn diện và là người sáng lập của Meehan Formulations ở Jackson, bang Wyoming, tin rằng phương pháp này hiệu quả vì việc thở đúng cách theo kỹ thuật giúp loại bỏ nhanh chóng carbon dioxide (CO2) khỏi cơ thể.
“Việc hít thở như vậy tương đương với việc bảo quản lượng bicarbonate (muối gốc HCO3 – ghi chú của người dịch), nguồn dự trữ giúp duy trì độ cân bằng pH thích hợp”, ông chia sẻ với Medical Daily bằng thư điện tử.
Một số người nói cái gọi là mẹo ngủ nhanh này không hiệu quả như được tuyên truyền, nhưng nó vẫn mang lại lợi ích. Tiến sĩ Michelle Gordon, người sáng lập nên Hiệp hội Phẫu Thuật Đa khoa Bắc Westchester, đồng thời là một chuyên gia cấp tính và phẫu thuật cấp cứu cho biết, cô đã thử phương pháp này và nó không giúp cô ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, cô vẫn ghi nhận khía cạnh tích cực của phương pháp.
“Hơi thở không tạo ra một cảm giác thư giãn và bình tĩnh,” cô nói. “Tôi dạy cách hít thở cho các bệnh nhân của mình như là một cách để giữ bình tĩnh khi họ lo lắng về ca phẫu thuật hoặc lo lắng sau khi mổ. Và phương pháp này có hiệu quả”.
Nguồn : Ngày Nay

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Một bài học mọi cặp vợ chồng đều nên đọc ( Báo Dân trí)

Một bài học mọi cặp vợ chồng đều nên đọc

Đó là câu chuyện đáng yêu nên bạn hãy đọc nó thật cẩn thận. Và đó cũng là bài học cuộc sống mà chúng ta không nên bỏ qua.
Monica mới vừa cưới Hitesh. Cuối tiệc cưới, mẹ Monica đưa cho cô một cuốn sổ tiết kiệm mới mở với số tiền 1000 đồng Rs.
Mẹ cô nói: “Monica, hãy cầm lấy cuốn sổ tiết kiệm này và dùng nó để ghi lại cuộc sống hôn nhân của con.
Khi có chuyện gì vui và đáng nhớ trong cuộc sống mới này của con, hãy gửi vào đó ít tiền. Ghi lại lý do và cứ tiếp tục như thế.
Càng có nhiều sự kiện đáng nhớ thì con càng có nhiều tiền trong tài khoản. Mẹ đã gửi khoản tiền đầu tiên cho con hôm nay. Con hãy gửi những khoản khác cùng với Hitesh. Sau vài năm nhìn lại, con có thể biết được mình đã có được bao nhiêu hạnh phúc.”
hôn nhân, vợ chồng, hạnh phúc

Monica kể lại với Hitesh khi họ về nhà của mình và đôi vợ chồng trẻ nghĩ rằng đó quả là một ý tưởng tuyệt vời và mong chờ cơ hội được gửi khoản tiền thứ hai vào sổ.
Và đây là những gì họ ghi vào cuốn sổ đó sau đó một thời gian:
- Ngày 7/2: 1000 Rs, sinh nhật đầu tiên của Hitesh sau khi cưới
- Ngày 1/3: 1000 Rs, Monica được tăng lương
- Ngày 20/3: 2000 Rs, đi du lịch đảo Bali
- Ngày 15/4: 3000 Rs, Monica có thai
- Ngày 1/6: 2000 Rs, Hitesh được lên chức
- …
Tuy nhiên, sau nhiều năm, họ bắt đầu tranh cãi về những thứ tầm thường vặt vãnh. Họ không nói chuyện với nhau nhiều. Họ thấy hối hận vì cưới phải người khó chịu nhất thế giới… chẳng còn tình yêu nữa. Nghe chừng rất quen, phải không?
Một ngày, Monica nói chuyện với mẹ cô: “Mẹ, bọn con không thể như vậy hoài nữa. Bọn con đồng ý ly hôn. Con không thể tưởng tượng được vì sao con lại quyết định cưới người đán ông này!!!”
Mẹ cô trả lời: “Chắc chắn rồi, con gái, chẳng có vấn đề gì cả. Hãy làm việc mà con muốn nếu con thực sự không thể chịu đựng thêm được nữa. Nhưng trước khi làm vậy, hãy làm việc này trước đã. Con còn nhớ cuốn số tiết kiệm mẹ đưa cho con hôm đám cưới chứ? Hãy rút toàn bộ tiền trong đó và tiêu hết tiền trước đã. Con không nên giữ lại gì từ cuộc hôn nhân tệ hại này đâu."
Monica nghĩ điều này cũng đúng. Cô đến ngân hàng, ngồi đợi đến lượt mình giao dịch tất toán sổ tiết kiệm.
Trong khi đợi, cô xem qua những ghi chú trong cuốn sổ. Cô xem từng dòng ghi chú về những khoản tiền vợ chồng cô từng gửi vào. Ký ức về tất cả những niềm vui và hạnh phúc bỗng chốc ùa về trong tâm trí. Và nước mắt dâng lên trong mắt cô.
Cô rời ngân hàng và về nhà. Khi về đến nhà, cô đưa cuốn sổ cho Hitesh, và bảo anh hãy tiêu hết số tiền trước khi họ ly dị.
Ngày hôm sau, Hitesh đưa lại cho Monica cuốn sổ tiết kiệm. Cô nhận thấy một khoản tiền 5000 Rs mới được gửi thêm vào với dòng ghi chú: “Đây là ngày anh nhận ra rằng anh yêu em nhiều thế nào sau những năm qua. Em đã mang đến bao nhiêu là hạnh phúc cho anh.”
Họ ôm nhau và khóc, đặt lại cuốn sổ tiết kiệm vào nơi cất an toàn.
Bạn có biết họ đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền đến khi về hưu không? Tôi không hỏi điều đó. Tôi tin rằng số tiền đó cũng chẳng quan trọng nữa sau những gì họ đã trải qua trong suốt những năm tháng chung sống hạnh phúc của mình.
“Khi bạn ngã, theo một nghĩa nào đó, đừng chỉ nhìn vào nơi bạn ngã xuống mà hãy nhìn vào nơi bạn bắt đầu trượt chân.
Cuộc đời là để sửa chữa những sai lầm.” Tôi nghĩ rằng điều này có thể áp dụng cho mọi mối quan hệ.
Theo Storydose

Thôi đừng 'tự sướng' quá đà nữa! ( ST trên báo Thanh Niên)

Thôi đừng 'tự sướng' quá đà nữa!

1
Khi các nước xung quanh đang trỗi dậy thành ‘rồng’, thành ‘hổ’ thì chúng ta vẫn loay hoay với những huyễn hoặc về đất nước, tài nguyên, con người…
Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ, đương nhiên người Việt Nam ai cũng tự hào về một kỳ quan thiên nhiên vô cùng ngoạn mục được giới thiệu khắp thế giới. Nhưng “nâng tầm” lên như nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khi phát biểu: “Ở Mỹ, bói cũng không tìm đâu ra “báu vật” như Sơn Đoòng” thì hơi lố bịch và quá đà.
Một nhà ngôn ngữ mà phán về cảnh quan, về địa chất, về hệ sinh thái có vẻ như không phù hợp lắm.
Bảo rằng Mỹ tìm đâu ra hang như Sơn Đoòng cũng chẳng khác gì bảo Việt Nam chẳng bao giờ có được những nơi như hẻm núi Grand Canyon hay thác Niagara hùng vĩ. Một kiểu so sánh rất khập khiễng không theo một quy chuẩn nào, chỉ nhằm thỏa mãn tâm lý “tự sướng” của bản thân.
“Tự sướng” quá đà đã thành “truyền thống”
Kiểu “tự sướng” như nhà ngôn ngữ trên không phải là chuyện lạ, lạ là nó thuộc về “truyền thống” của chúng ta. Từ nhỏ chúng ta đã được nhà trường dạy rằng nước ta rất giàu có với “rừng vàng biển bạc”, lớn lên mới biết, rừng chẳng còn bao nhiêu mà biển cũng đang phải gồng mình mà bảo vệ, tài nguyên thiên nhiên thì cạn kiệt mà đất nước vẫn còn nghèo.
Chúng ta thường tự hào rằng người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, thật thà chất phác. Nhưng nhìn những công nhân làm việc với thái độ lười biếng, nhìn nhân viên “ăn cắp giờ công” thì khó mà tin là cần cù chăm chỉ.
Hiệu quả làm việc của người Việt Nam thuộc vào loại thấp. Ra nước ngoài thì đầy bảng hiệu cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt, trộm cắp vặt trở thành một trong những nỗi nhục của người Việt ở nước ngoài. Có thể số người ăn cắp vặt này chỉ là thiểu số nhưng làm sao còn dám nhận “thật thà chất phác” nữa.
Người Việt thông minh học giỏi. Mới đây, chúng ta lại túm lấy một cái tin về việc Việt Nam đứng trên cả Mỹ và Úc trong một cuộc khảo sát khả năng giải toán và môn khoa học của học sinh tuổi 15 để “tự sướng” lên thành cả một nền giáo dục. Thực tế, giáo dục Việt Nam đứng sau rất xa so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chứ chưa nói đến những cường quốc như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn. Một nền giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư không thể làm việc trong thực tế.
Chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sỹ hàng đầu thế giới nhưng chẳng có công trình khoa học nào đáng chú ý được đăng trên những tạp chí quốc tế, chứ chưa nói đến những giải danh giá như Nobel. Và khi có một người gốc Việt đạt được thành tựu gì đó thì chúng ta lại ôm lấy: Ngô Bảo Châu là người Pháp gốc Việt, hay một đại tá hải quân Mỹ gốc Việt, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng gốc Việt, một cầu thủ bóng đá gốc Việt, hoặc gần đây là một dựng phim đạt giải Oscar gốc Việt. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể tự sướng với những cái “gốc Việt” để bù đắp cho những gì “thực sự Việt” chưa làm được.
Nhìn thẳng sự thật để còn đứng lên
Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới đứng lên từ đống tro tàn, làm việc cật lực, lao động sáng tạo miệt mài với “tinh thần samurai” để tạo nên “sự thần kỳ Nhật Bản”. Hàn Quốc sau mấy thập kỷ phải chịu đói nghèo, từ thời kỳ khắc nghiệt của Park Chung Hee đã trỗi dậy mạnh mẽ, với sự phát triển vượt bậc về giáo dục và khoa học kỹ thuật, vươn lên trở thành một quốc gia, một nền kinh tế đáng nể.
Còn chúng ta vẫn đang loay hoay với những huyễn hoặc về đất nước, tài nguyên, con người… Chúng ta tự sướng mọi lúc mọi nơi, tự hào với rất nhiều thứ nhưng thực tại nước Việt Nam vẫn còn là một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, một nền kinh tế yếu kém, một nền giáo dục lạc hậu, cộng với những người lao động khôn vặt, ăn xổi, thích việc nhẹ lương cao.
Thôi đừng tự sướng quá đà và tự hào những thứ không đáng nữa. Hãy nhìn thẳng vào sự thực, biết vị trí mình ở đâu để còn có thể đứng dậy. Còn nếu cứ vuốt ve nhau thì muôn đời vẫn không khá lên được.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một blogger, kỹ sư sống tại TP.HCM.

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

ĐẠI MÃO KIỆN TOÀN BỘ MÁY CÁN BỘ CƠ SỞ THÔN

ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO-TRUNG THÔN ( 15 )

           ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐẠI MÃO -TRUNG THÔN kỳ 15 giới thiệu tin  cơ sở thôn Đại Mão xã Hoài Thượng tổ chức  hội nghị công bố, hoàn thiện bộ máy quản lý thôn ( nhiệm kỳ 2015-2017)
            Chuyên mục mong được tiếp tục đăng các  bài viết, hình ảnh của quý độc giả về mảnh đất và con người quê hương. Bài viết xin đánh máy và  gửi cho ông Lê Đình Ngạn, địa chỉ nganhttt@gmail.com

                                                                  %%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

                    
 ĐẠI MÃO KIỆN TOÀN  BỘ MÁY CÁN BỘ CƠ SỞ THÔN
           
          Ngày 19 tháng 5 năm 2015, cũng đúng vào ngày Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cơ sở thôn Đại Mão (xã Hoài Thượng) tổ chức Hội nghị gặp mặt, trao Quyết định công nhận các chức danh giúp việc cho Trưởng thôn trong nhiệm kỳ công tác 2015-2017.
 Tới dự Hội nghị có gần 50 đại biểu: Các đ/c cán bộ Đảng, Chính quyền xã Hoài Thượng được phân công phụ trách, theo dõi cơ sở thôn; các đ/c trong Ban Chi ủy, Ban Quản lý , các ông bà đại diện cho các tổ chức chính trị, xã hội trong thôn, các xóm trưởng; đại diện các Câu Lạc bộ, các tổ chức khác trong thôn, các ông bà giúp việc Trưởng thôn và tổ an ninh dân phòng nhiệm kỳ 2015-2017. Ông Trưởng thôn Nguyễn Hữu Hy - người được quần chúng nhân dân Đại Mão tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn trong ngày bầu cử 12-04-2015- chủ trì Hội nghị.

Sau khi nghe ý kiến của Ông Lê Nho Đằng thay mặt Chi ủy và Ban Công tác Mặt trận thôn phát biểu chỉ đạo về mục đích yêu cầu, nội dung Hội nghị; ông Nguyễn Hữu Hy trưởng thôn đã công bố  các Quyết định của Chủ tịch UBND xã ( ngày 04-05-2015)  công nhận các ông bà tham gia bộ máy giúp việc Trưởng thôn khóa 2015-2017, gồm các ông bà sau:

1-Ông Lê Doãn Lâm           :   Phó  Trường thôn
2- Bà Nguyễn Thị Hoàn      :  Cán bộ Tài chính thôn.
3- Ông Trịnh Đức Bằng      : Công an viên
4- Lê Nho Tuấn                  :  Công an viên.
5- Lê Doãn Cử                     : Thôn đội trưởng.
6- Nguyễn Thị Nụ               : Y tế viên- Cộng tác viên Dân số thôn.
7- Bà Nguyễn Thị Hương   : Cộng tác viên Dân số thôn.
8 – Lê Thị Giá                      : Cộng tác viên Dân số thôn kiêm xóm trưởng xóm III.
9 – Nguyễn Thị Phiến          : Cộng tác viên Dân số thôn kiêm xóm trưởng xóm IV.
10- Bà Lê Thị Vui                : Cộng tác viên Dân số thôn.
11- Bà Đỗ Thị Tuyết            : Cộng tác viên dân số thôn.
12- Bà Nguyễn Thị Tươm    : Thú y viên thôn.
13- Ông Nguyễn Đình Tách : Xóm trưởng xóm I.
14- Ông Nguyễn Hữu Chì     : Xóm trưởng xóm II.

Và Quyết định cho các ông Trịnh Đức Huy, Nguyễn Đình Thật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Hữu Sáu, Vũ Văn Năm  được miễn nhiệm chức danh tổ viên tổ dân phòng, thay vào đó là các ông : Trần Hữu Đưởng, Lê Nho Việt, Nguyễn Hữu Mạnh, Nguyễn Hữu Huân, Đỗ Trọng Tuyền.

Ao Làng Đại Mão hè về

Đồng  chí Lê Doãn Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Đại Mão đã  thay mặt cấp ủy thôn trao Quyết định cho các ông bà nói trên, đồng thời nhắc nhở các đ/c  cán bộ thôn trong khóa cần chứ ý quan tâm một số vấn đề:
-                           Mỗi cán bộ cần  xác định rõ trách nhiệm của mình, luôn xác định việc làm của mình là phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển của địa phương.
-                           Mỗi cán bộ cần tìm hiểu, học tập để hiểu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình, luôn thực hiện đúng chức trách của cá nhân.
-                           Luôn phục tùng sự quản lý, điều hành của BQL thôn.
-                           Xây dựng mối đoàn kết giữa các thành viên trong bộ phận và các bộ phận khác.
-                           Cộng đồng đoàn kết, giúp nhau phát huy sức mạnh của cá nhân tập thể, tích cực tham gia xây dựng quê hương.

Hội nghị dành thời gian cho các đại biểu tham gia phát biểu ý kiến. Nhiều ý kiến của ông bà đại biểu, cán bộ xã phụ trách cơ sở đều tỏ ra vui mừng, phấn khởi với những thành tựu đổi mới của quê hương, tỏ lòng tin tưởng vào ý thức trách nhiệm và năng lực của các đ/c cán bộ trong nhiệm kỳ mới.
Các đại biểu cũng mong mỏi các đ/c cán bộ khóa mới tìm hiểu và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, gương mẫu thực hiện và lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy ước của địa phương; cố gắng công tác phục vụ quê hương trên tinh thần  NHIỆT TÌNH - ĐOÀN KẾT THỐNG NHẤT- DÂN CHỦ VÀ ĐỔI MỚI.

                                                            *******
         Kết quả công tác của Chi bộ  ĐảngBan Quản lý thôn ( khóa  nhiệm kỳ 2012-1015) đã ghi những dấu ấn tốt đẹp về thành tựu đổi mới của quê hương Đại Mão, đúng như Tổng kết tại Đại hội Chi bộ Đại Mão vừa qua, cũng như nhận xét của ông Trưởng thôn Đại Mão Nguyễn Đình Quế tại cuộc họp thôn chuẩn bị bầu cử Trưởng thôn mới.
          Chúng ta  có cơ sở tin rằng, với  những việc làm ban  đầu của Ban Quản lý thôn Đại Mão, với sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng với sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ thôn, sự ủng hộ của toàn dân, Ban Quản lý thôn Đại Mão nhiệm kỳ 2015-2017) sẽ phát huy kết quả khóa trước, lãnh đạo nhân dân trong thôn giành nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, để ĐẠI MÃO xứng danh ĐẤT VĂN HIẾN từ xưa đến nay./.

                                                                                  LÊ ĐÌNH NGẠN



                             ------------------------------------------------