Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Người Việt lười hơn 20 năm trước

Người Việt lười hơn 20 năm trước

“Tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa. Một điều có thể thấy là ngườiViệt coi thường những người lao động chân tay” - ông Ito Junichi,một CEO người Nhật.

Vừa qua, ông Ito Junichi, một CEO người Nhật, viết trên Facebook: Lần đầu ông đến Việt Nam hơn 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cần cù, chăm chỉ như người Nhật. “Một điều có thể thấy là người Việt coi thường những người lao động chân tay. Nhiều người trẻ thích làm trong các văn phòng tiện nghi, có điều hòa… Ở Nhật, sinh viên ĐH nổi tiếng nhất là ĐH Tokyo nhưng đến nhà máy thực tập phải dọn dẹp, làm vệ sinh, họ phải học lao động tay chân. Họ phải học mọi thứ trước khi học làm sếp…”.
Sáng cà phê, chiều quán nhậu
Xin nhắc tiếp lời ông Junichi: “Nhiều người Việt trẻ tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ nhưng họ chưa làm việc thật bao giờ. Họ chỉ học trên giấy tờ, đọc sách, báo nhưng chẳng hiểu thực tế gì cả. Họ chỉ thích làm việc bàn giấy, họ nặng lý thuyết mà thiếu thực tế. Thiết nghĩ Việt Nam nên tạo điều kiện cho những người giỏi kỹ năng thay vì chỉ tạo điều kiện cho những người chỉ biết làm bài kiểm tra!”. Đọc lời nhận xét thẳng thắn của ông CEO người Nhật này tôi chợt nhớ tới lời của một vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi trả lời tình trạng đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”. Vị này nói không phải là thừa thầy mà chỉ thừa những “thầy năng lực kém” thôi, vì nhiều người tuy tốt nghiệp ĐH nhưng thiếu năng lực, ít công ty nào chịu nhận, nếu bí quá nhận vào thì họ buộc phải đào tạo lại từ đầu rất tốn kém.
Còn tình trạng một bộ phận không nhỏ thanh niên không có việc làm sáng sáng ngồi đầy các quán cà phê Sài Gòn, ăn tục nói phét - nói theo cách người Sài Gòn và tha hồ “chém gió” tại các quán trà xanh Hà Nội - nói theo cách Hà Nội.
Một người Mỹ mới sang Việt Nam lần đầu theo một chương trình trao đổi văn hóa hỏi tôi: “Hình như ở Việt Nam tình trạng thất nghiệp cao lắm hả nên lúc nào tôi cũng thấy người ta đi đầy đường, trong giờ làm việc mà các quán cà phê lúc nào cũng đông?”. Tôi chưa biết trả lời thế nào thì người bạn Việt kiều đi chung đỡ lời giúp tôi (vì anh vốn thường về Việt Nam cố vấn cho một công ty điện toán nên khá rõ tình hình kinh tế-xã hội trong nước). Anh trả lời ông bạn Mỹ nửa đùa nửa thật: Những người ngồi quán đó không phải thất nghiệp, mà vì họ có nghề ngỗng gì đâu mà thất. “Chỉ có điều là không biết tiền đâu mà sáng họ ngồi quán cà phê, chiều ngồi quán nhậu?”. - anh quay sang hỏi tôi. Tôi trả lời lấp lửng: Có lẽ họ chạy áp phe hay tiền của cha mẹ để lại chăng?
Đi làm thuê cho toàn thế giới
Hãy đến các quán cà phê, quán nhậu và nghe họ khoe mẽ oang oang về xe xịn, điện thoại cao cấp, áo quần hàng hiệu. Và hình như họ chẳng chút quan tâm tới sĩ diện quốc gia - chỉ nói riêng liên quan tới nền kinh tế hiện nay. Không biết những người Việt trẻ hôm nay nghĩ gì khi nghe ông Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhắc lại lời một chuyên gia kinh tế nổi tiếng tại diễn đàn tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam ngày 19-11 vừa qua: “Hiện nay Hàn quốc xuất khẩu ông chủ sang Việt Nam, còn Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động sang làm thuê cho Hàn Quốc!”. Ông Thiên cũng trích lời GS Trần Văn Thọ khi nói rằng: “… Cứ cái đà này (tiếp tục xuất khẩu lao động) thì Việt Nam sẽ là quốc gia đi làm thuê cho toàn thế giới”. Nghe đau lòng quá.
Tôi càng thấy thấm thía câu nói của ông CEO người Nhật “nhiều người Việt trẻ hôm nay coi thường người lao động tay chân”. Cách nay ít lâu ở Hà Nội, tôi chứng kiến những người lao động đang đứng ngồi lô nhô ở “chợ người” gần Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ trong một buổi sáng giá lạnh, chờ được người đến thuê đi làm. Một thanh niên chắc chưa tới ba mươi chạy xe đến, đưa tay chỉ vào mấy người đàn ông khỏe mạnh, miệng nói: “Ê, hai thằng kia, thằng mặc áo nâu, thằng áo đen đó, đi hốt xà bần ngày hai trăm rưỡi, đi không?”. Và nhiều câu nói, cử chỉ sỗ sàng, láo lếu nữa tôi nghe lùng bùng không rõ. Cái thái độ coi thường người lao động tay chân nghèo khó đó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Những hình ảnh tương phản của những người lao động nhập cư và những thanh niên chém gió, ăn tục nói phét ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng đều gợi lên nỗi đau.
Theo P.Đ.Nguyên Chương
Pháp luật TP HCM

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đào tạo Tiến sĩ ở Mỹ: Sự đa dạng có chuẩn mực?

             Một người bạn của tôi là giám đốc Phòng tuyển sinh đại học, Đại học Tổng hợp Massachusetts đã nói: “Ở Mỹ, mỗi trường cách nhau chỉ 2 dặm đã là cả một thế giới khác.” Đúng như vậy, mỗi trường trong tổng số 4216 trường đại học và cao đẳng cộng đồng (theo con số thống kê năm 2005 của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ) đều mang văn hóa và phong cách riêng của mình. Vì thế khó có thể có một chuẩn mục chung về quy trình đào tạo tiến sĩ ở đất nước này.
Một trong những nét đặc trưng cơ bản của giáo dục đại học Hoa Kỳ là tính đa dạng: đa dạng về loại hình trường, chương trình đào tạo, cách phân loại, loại hình đào tạo, hệ thống môn học bắt buộc và tự chọn, đa dạng về thành phần sinh viên, cách tuyển chọn sinh viên, cách đánh giá sinh viên, cách đánh giá giáo viên và đánh giá toàn bộ chương trình. Một người bạn của tôi là giám đốc Phòng tuyển sinh đại học, Đại học Tổng hợp Massachusetts đã nói: “Ở Mỹ, mỗi trường cách nhau chỉ 2 dặm đã là cả một thế giới khác.” Đúng như vậy, mỗi trường trong tổng số 4216 trường đại học và cao đẳng cộng đồng (theo con số thống kê năm 2005 của Bộ giáo dục Hoa Kỳ) đều mang văn hóa và phong cách riêng của mình. Vì thế khó có thể có một chuẩn mục chung về quy trình đào tạo tiến sĩ ở đất nước này.
Mục đích của bài viết là giới thiệu đôi nét của một chương trình đào tạo tiến sĩ cụ thể về ngành quản lý giáo dục đại học qua những trải nghiệm cá nhân của người viết.
Vài nét về lịch sử đào tạo tiến sĩ ở Hoa kỳ
           (  Đại học Yale – nơi đào tạo tiến sĩ đầu tiên ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX)
Đại học Yale là nơi đào tạo tiến sĩ đầu tiên ở Hoa Kỳ vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XIX. Năm học 1869-1870, tại Khoa Triết học và Khoa học Nhân văn của trường này, người đầu tiên, duy nhất trong cả nước được nhận bằng tiến sĩ. Ngay trong năm học tiếp theo, số tiến sĩ đã lên tới 54, trong đó có 3 phụ nữ. Đến đầu thế kỷ 20, hàng năm có gần 500 người nhận học vị tiến sĩ. Một trăm năm sau, con số này lên đến 44.808, năm học 2005-2006, là 48.500. Theo dự tính số tiến sĩ đào tạo hàng năm tăng khoảng 12%, như vậy đến năm học 2013-2014, con số sẽ lên đến 54.900, tỉ lệ giữa nam và nữ xấp xỉ nhau. Hiện nay, trong tổng số 4.216 trường đại học cao đẳng, có 259 trường đào tạo tiến sĩ, đó là các trường đào tạo tiến sĩ loại 1 và trường đào tạo tiến sĩ loại 2. Việc phân loại các trường theo tiêu chí của Quỹ Carnegie là dựa trên số chương trình/ngành đào tạo tiến sĩ và số người nhận học vị tiến sĩ hàng năm của đơn vị đào tạo đó.
Chương trình đào tạo
Mỗi trường đại học xây dựng chương trình tổng thể của mình dựa trên mục tiêu, nhiệm vụ nhà trường đề ra. Chương trình đào tạo tiến sĩ của các ngành khác nhau ngay trong một trường cũng rất đa dạng tùy theo quan điểm của người thiết kế chương trình. Quan điểm phổ biến và truyền thống là cung cấp tri thức và kỹ năng cho nghiên cứu sinh (NCS). Do nhu cầu bức thiết phải thay đổi cho phù hợp với sự đổi thay của toàn xã hội, chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên, theo các nguyên tắc rút ra từ lý thuyết tâm lí học, xã hội học, sư phạm học, đặc biệt là từ lý thuyết tâm lí học nhận thức. Dựa trên kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học nói trên, chương trình được thiết kế sao cho sinh viên có thể tự nhận thức phương pháp học thích hợp nhất, hiệu quả nhất cho cá nhân mình.
Mục đích của chương trình tiến sĩ ngành quản lý giáo dục đại học tại Đại học Tổng hợp Massachusetts, Boston là đào tạo các học giả và các nhà quản lý, lãnh đạo trong lĩnh vực đào tạo đại học (scholar-practioner). Vì thế chương trình bao gồm các khóa học về lí thuyết và kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng nghiên cứu. Điểm nổi bật của chương trình là dựa trên đóng góp của chính NCS vì bản thân họ là người đang giữ những vị trí lãnh đạo ở các trường đại học. Những vấn đề của chính NCS và cơ sở công tác của họ được mang ra nghiên cứu ngay trong lớp học, vận dụng những lý thuyết NCS đang học trong chương trình để giải quyết vấn đề.
Ý kiến đóng góp của NCS sau mỗi môn học đều được xem xét để thay đổi trong những năm tiếp theo. Ví dụ, nội dung môn học có phù hợp hoặc có khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay không? Trình tự môn học có nên thay đổi hay không, sự liên hệ, tích hợp của các môn học trong chương trình đã hợp lí và lô gích chưa? Có hiệu quả cao nhất đối với quá trình học tập của NCS hay không. Về vấn đề chương trình, có lẽ phải có riêng một chuyên đề để thảo luận kĩ hơn.
Quyền lợi và nghĩa vụ của sinh viên:
Có lẽ không ở đâu sinh viên có nhiều quyền lợi và nghĩa vụ như ở đại học Hoa Kỳ. Trước hết là quyền tự do: NCS được tự do phát biểu chính kiến của mình, nhận định, đánh giá, phê phán các quan điểm khác nhau, các lý thuyết khác nhau, nhìn một vấn đề từ nhiều góc độ, từ quan điểm hiện đại (modernism), biểu tượng (symbolism) cho đến hậu hiện đại (postmodernism). Ví dụ, khi phân tích một mô hình, một tổ chức, NCS có thể vận dụng các lý thuyết về tổ chức khác nhau, và nhìn từ các quan điểm khác nhau. Có như vậy, NCS mới được trang bị kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề vì thực tế luôn luôn đa dạng phong phú nó không thể chỉ là thực tế khách quan theo quan điểm hiện đại, mà thực tế được nhìn nhận khác nhau bởi cá nhân khác nhau.
Từ việc tự do phát biểu chính kiến, NCS có quyền tự do lựa chọn đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ của mỗi môn học. Hầu hết các bài viết giữa kì và cuối kì, NCS đều được lựa chọn đề tài mà mình ưa thích, với điều kiện phải được giáo sư thông qua. Như vậy, một lớp học có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu đề tài, đa dạng, phong phú, thú vị, hấp dẫn và độc đáo. Ví dụ, môn học “Lịch sử giáo dục đại học Hoa kỳ”, giáo sư cho NCS quyền lựa chọn một vấn đề trong lịch sử để phân tích, nhận định vai trò ảnh hưởng của sự kiện đó cho nền giáo dục đại học. Có đề tài về chính sách của nhà nước về đào tạo đại học đối với cựu chiến binh sau khi tham chiến ở Việt Nam. Đề tài này hay nhưng không lạ. Nhưng cũng có đề tài rất lạ như “Câu lạc bộ của những sinh viên có râu quai nón tại Viện Công Nghệ Massachusetts” viết về một khía cạnh của đời sống sinh viên trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hoặc một đề tài nghiên cứu về bức tượng một người phụ nữ bế trên tay một em bé, đó là biểu tượng của sự chăm sóc hay là lịch sử ra đời của ngành đào tạo y tá. Những đề tài do NCS tự chọn không chỉ làm mỗi cá nhân có hứng thú làm việc, mà còn đóng góp cho việc tạo ra tri thức mới, làm giàu tri thức cho các NCS khác, và cho cả giáo sư.
Quyền thứ hai của sinh viên nói chung và NCS nói riêng là quyền được đánh giá giáo sư và đánh giá môn học. Cuối mỗi học kỳ, NCS được phát một bản đánh giá, gồm 30 câu hỏi về những vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy của thày. Phương pháp đó có hiệu quả không? Thày có sử dụng công nghệ trong giảng dạy hay không? Thày có dành đủ thời gian để trao đổi với sinh viên ngoài giờ trên lớp không? Tài liệu, giáo trình có cập nhật hay không, quá nhiều hay quá ít? Sau khi học xong, NCS có đạt được mong muốn, nguyện vọng không? Môn học này có nên dạy nữa hay không? Có bổ ích hay không, có cần thay đổi gì không, nếu có thì thay đỏi theo cách nào? Nhận xét của NCS không cần ghi tên, và trả lời câu hỏi theo phương pháp trắc nghiệm (khoanh tròn các chữ a, b, c, d). Kết quả nhận xét của NCS chỉ được gửi đến cho giáo sư sau khi điểm tổng kết đã được công bố để tránh những thành kiến cá nhân. Kết quả nhận xét sẽ góp phần vào việc thay đổi chương trình và là một trong những tiêu chí để đánh giá, xét tuyển giáo viên vào biên chế, gia hạn hoặc kết thúc hợp đồng giảng dạy sớm hơn thời hạn.
                       “Trồng” một ngôi nhà trên những thân cây sống của kiến trúc sư – Tiến sĩ Mitchell Joachim tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
NCS được quyền tham gia ý kiến lựa chọn cán bộ lãnh đạo của bộ môn và của khoa. Điều này rất quan trọng đối với việc đào tạo tiến sĩ vì người lãnh đạo chuyên môn sẽ ra những quyết định về chính sách, định hướng phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến quy trình đào tạo tiến sĩ và từng cá nhân NCS. Để tuyển chọn chủ nhiệm chương trình, chủ nhiệm bộ môn hoặc chủ nhiệm khoa, Uỷ ban Tuyển chọn mời ứng viên đến thuyết trình (trước đó, lý lịch khoa học của ứng viên đã được gửi đến toàn thể giáo sư và NCS), khuyến khích NCS tham dự thuyết trình, đặt câu hỏi và gửi phản hồi, nhận xét đánh giá về Ủy ban Tuyển chọn. Ứng viên cũng gặp mặt đại diện NCS của các năm và cựu sinh viên, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của họ để có thể đề ra chương trình hoạt động cụ thể, thích hợp và hiệu quả nếu ứng viên đó được lựa chọn. Điều này phản ánh một phần tính dân chủ trong nền giáo dục đại học của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, NCS có biết bao nhiêu nghĩa vụ, trách nhiệm và đối mặt với không ít thách thức. Chương trình đòi hỏi NCS đọc rất nhiều với mục đích: cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng đọc và hấp thụ thông tin, phát huy tối đa khả năng học tập tiềm ẩn trong mỗi cá nhân. Có lẽ, câu hỏi “Liệu sinh viên có thể học được bao nhiêu?” còn để ngỏ, nên các nhà sư phạm khuyến khích sinh viên đọc thật nhiều để tìm ra câu trả lời.
NCS phải đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của giáo sư. Ví dụ, với những tài liệu bắt buộc phải đọc trước khi đến lớp, NCS phải tóm tắt từng nguồn tư liệu trong một, hoặc hai câu, và đặt một câu hỏi cho toàn bộ tại liệu đó. Có giáo sư yêu cầu NCS đọc 3-4 nguồn tài liệu khác nhau rồi phân tích, so sánh đối chiếu, tìm những điểm giống nhau và khác biệt các tác giả đề cập tới. Hoặc NCS phải trình bày quan điểm cá nhân, phê bình, nhận định tài liệu đó nhằm phản ánh sự hiểu thấu đáo của mình. Trong một học kỳ, mỗi NCS phải đăng ký một buổi hướng dẫn cả lớp thảo luận một đề tài, đóng vai trò như một giáo sư trên lớp, với sự chuẩn bị và hướng dẫn của giáo sư.
Một thách thức nữa đối với NCS là rèn luyện kỹ năng viết, đặc biệt phong cách khoa học, hàn lâm. NCS được dạy viết từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ những bài tập trong từng môn học, đến cách viết báo cho các tạp chí chuyên ngành, cuối cùng là viết luận án. Giáo sư hướng dẫn từng bước và cũng đòi hỏi sự tiến bộ của NCS. Đã có người nói, học tiến sĩ là một “trò chơi với ngôn ngữ”, ngôn ngữ này khác hẳn ngôn ngữ đời thường, có người đã bỏ dở chương trình vì không dễ dàng gì có được kỹ năng viết thuần thục. Nhưng khi đã rèn luyện, điều thành công NCS đạt được là không những viết trở nên dễ dàng hơn mà còn là niềm say mê.
Một yêu cầu nữa đối với NCS là học tập và nghiên cứu trong một tinh thần hợp tác, tạo dựng một cộng đồng khoa học. Tư duy độc lập là cần thiết nhưng yêu cầu NCS làm việc theo nhóm đòi hỏi một thái độ chấp nhận các ý kiến khác nhau, học hỏi lẫn nhau. Đây là một trong những mục đích của chương trình đào tạo tiến sĩ. Giáo sư thường phân công NCS làm các đề tài nghiên cứu theo nhóm, từ việc chọn đề tài, thu thập dữ liệu, tiến hành nghiên cứu, đến viết báo cáo kết quả nghiên cứu đều do cả nhóm trao đổi, thảo luận, chắp bút. Trong quá trình làm việc như vậy, ngoài việc có thể học hỏi lẫn nhau, NCS thực sự được tập dượt trong môi trường thực tế mà họ phải đối mặt. Họ học được cách làm việc, cách ứng xử, cách đồng tình và cả phản đối trong khi làm nghiên cứu.
Vai trò của giáo sư:
Một khi “phương pháp lấy người học làm trung tâm” trở nên phổ biến, thày không còn giữ vai trò độc thoại trên lớp. Nhưng sẽ rất sai lầm cho rằng trách nhiệm và vai trò của thày giảm đi. Quan sát một lớp học theo mô hình “xê-mi-na” ta có thể nhầm lẫn cho rằng giáo sư quá nhàn rỗi. Ngược lại, vai trò cuả giáo sư vô cùng quan trọng và trách nhiệm nặng nề, đầy thách thức. Giáo sư là người chỉ huy dàn nhạc, là người thiết kế, kiểm tra đánh giá từng bước trong quy trình thiết kế, đồng thời là người động viên, khích lệ và dẫn dắt NCS đến thành công trong học tập và cả trong đường đời.
Khi thiết kế đề cương môn học và lựa chọn tài liệu, giáo trình, giáo sư chỉ có thể hình dung một phần quy trình giảng dạy trên lớp. Với phương pháp học tích cực và hợp tác (collaborative and active learning), và đổi mới trong phương pháp giảng dạy, gắn kết sinh viên hơn nữa trong quy trình dạy và học, giáo sư và thành viên trong lớp học cần lắng nghe học tập ý kiến của nhau, chấp nhận những quan điểm khác nhau, đặc biệt là những quan điểm khác biệt với ý kiến cá nhân mình. Giáo sư phải học cách tôn trọng những kiến thức, kinh nghiệm sẵn có của NCS, vì NCS đều đã trưởng thành, ít nhiều đã có kinh nghiệm trong công việc và phần lớn đã học qua chương trình đào tạo thạc sĩ.
Như quan điểm Á Đông, ở đây giáo sư cũng là “khuôn vàng thước ngọc” vì họ là những tấm gương về niềm say mê lao động khoa học, về sự nỗ lực, tận tâm và tấm lòng đối với thế hệ trẻ. Nhưng trong một môi trường luôn thay đổi, “khuôn vàng, thước ngọc” luôn luôn mềm dẻo để phù hợp, thích nghi với những đổi thay của xã hội.
Thay cho lời kết, tôi muốn nhấn mạnh tính đa dạng của hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ nói chung và trong chương trình đào tạo tiến sĩ nói riêng.Tuy nhiên “đa dạng” không có nghĩa là không có chuẩn mực, không có sự thống nhất. Điểm chung nhất của các trường khác nhau, các chương trình/ ngành đào tạo khác nhau là đào tạo những nhà khoa học có tư duy phê phán; có khả năng không chỉ tiếp nhận mà còn sáng tạo tri thức, sử dụng những tri thức đó để giải quyết những vấn đề hàng ngày trong một thế giới đổi thay hàng giờ; có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và vì thế sẵn sàng tiếp nhận và khoan dung với sự khác biệt và đa dạng, mà đa dạng là điều hiển nhiên trong thế giới của chúng ta.
*Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ năm 2005
Nguyễn Thị Minh Phương (NCS Quản lý Giáo dục Đại học, Đại học Tổng hợp Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ). SOURCE: VIETIMES

Hoạt động 20 tháng 11 năm 2015 của Chi hội CGC

CHI HỘI CGC  ĐẠI MÃO:

                                  KỶ NIỆM 70 NĂM NỀN GIÁO DỤC CÁCH MẠNG
                                                           33 NĂM NGÀY NGVN
        
             Hội CGC xã Hoài Thượng là một trong 3 đơn vị có số Hội viên đông nhất huyện ( Thị trấn Hồ, Hoài Thượng và Mão Điền). Trong khi ở một số đơn vị mỗi xã có từ 10 đến 20 hội viên thì Hoài Thượng xấp xỉ 100 hội viên, chia làm 4 chi hội CGC.
            Chi hội Đại Mão có số hội viên đông hơn cả. Tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2015, toàn chi hội có 64 thày cô giáo và cán bộ viên chức ngành giáo dục về nghỉ tham gia sinh hoạt Hội. Số hội viên đã đông, có nhiều thầy cô đã từng làm cán bộ quản lý và trực tiếp dạy học ở nhiều vùng miền, nhiều cấp học. Đó là những thuận lợi cơ bản để Chi hội có điều kiện phát huy tiềm năng sẵn có, thường xuyên tổ chức các hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Hội đã đề ra.

              Ngày 20 /11 năm 2015, Chi hội đã tổ chức Kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục Cách mạng Việt Năm, 33 năm ngày nhà giáo Việt Nam; tổng kết công tác chi hội  năm 2015, bàn phương hướng nhiệm vụ công tác trong năm tới.

               Tự hào đã đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng nền giáo dục cách mạng, các thày cô giáo vui mừng ôn lại truyền thống vẻ vang của nền giáo dục cách mạng nước nhà. Các đại biểu đến dự Lễ  đều chăm chú lắng nghe BCH ôn lại thành tựu quang vinh đó. Mọi người đều nhất trí với nhận định của một đ/c lãnh đạo Đảng và Mặt trận : “Chúng ta có quyền tự hào rằng, nếu như năm 1945, hơn 95% dân số không biết chữ, cứ 1 triệu người dân mới có 32 người có trình độ CĐ, ĐH thì ngày nay chúng ta đã hoàn thành phổ cập tiểu học năm 2000, hoàn thành phổ cập THCS năm 2010 và đang phổ cập mầm non 5 tuổi. Mỗi năm có 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT, gần nửa triệu học sinh vào học tập tại các trường ĐH, CĐ”,.
          “ Năm 1989, thu nhập đầu người của nước ta mới đạt 97 USD/năm, nhưng đến năm 2014 đã đạt trên 3.000 USD/năm, đ/c Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đã cho rằng những thành tựu to lớn đó là sự đóng góp của hàng chục triệu người lao động Việt Nam, sự đóng góp của nền giáo dục Việt Nam”.
           Từng được tham gia và tổ chức kỷ niệm Ngày NGVN trong hơn 30 năm qua, các đại biểu càng  hiểu sâu sắc thêm về ý nghĩa của ngày NGVN 20-11.  Quyết định số 167-HĐBT ngày 28-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng lấy ngày 20-11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam dựa trên cơ sở thực tế của những ngày 20-11 đã qua, hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của các nhà giáo. Quyết định đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, của Nhà nước về vị trí, vai trò của Nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.                 Ngày 20-11 ở nước ta trước tiên là ngày giáo viên, cán bộ ngành giáo dục biểu thị sự nhất trí hoàn toàn với đường lối cách mạng cách mạng của Đảng, với các chủ trương lớn của Nhà nước. Đó cũng là ngày động viên cổ vũ các thầy cô giáo thực hiện tốt đường lối và chủ trương giáo dục của Đảng và Nhà nước, là ngày biểu dương khen thưởng thành tích của các thầy giáo, cô giáo. Các em học sinh  hưởng ứng ngày 20-11 hàng năm bằng những hoạt động tỏ lòng quý mến, biết ơn thầy giáo, cô giáo, cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức . Các bậc cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền đoàn thể ở địa phương cũng nhân ngày này tổ chức thăm hỏi các giáo viên hoặc tổ chức trao đổi với các giáo viên về sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.
           Tổ chức các hoạt động kỷ niệm nói trên, các Cựu  giáo chức hiểu rằng:  “20/11 trước hết là ngày tri ân các nhà giáo lão thành, các cựu giáo  chức”. Rời xa mái trường bao năm gắn bó, các cựu giáo chức vẫn tin rằng, mỗi người thầy dù đã về hưu vẫn có thể góp sức mình ở một mức độ và theo cách thức riêng cho các thế hệ học sinh mới, cho các phong trào của địa phương.
          
         Nhìn lại một năm hoạt động công tác Hội, mọi người vui mừng với kết quả công việc chi hội đã tham gia với phong trào của Hội CGC xã cũng như của cơ sở thôn.
            Trên cơ sở Điều lệ Hội, là những người lớn tuổi đã nghỉ hưu, theo phương châm sống của Người Cao tuổi là sống vui, sống khỏe, sống có ích  tham gia học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống của giáo giới Việt Nam; Chi hội đã xây dựng tốt khối đoàn kết thống nhất, phấn đấu xây dựng Hội ngày cảng vững mạnh. BCH Chi hội đã cố gắng quán triệt và lãnh đạo Chi hội  thực hiện nhiệm vụ của Hội: Tập hợp, đoàn kết và đại diện cho tất cả cựu giáo chức trong địa bàn, phát huy tiềm năng trí tuệ của hội viên tham gia các hoạt động giáo dục - đào tạo.  Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên, tạo điều kiện để các cựu giáo chức tiếp tục giao lưu tình cảm nghề nghiệp, chăm sóc giúp đỡ nhau về tinh thần, vật chất, tương trợ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống, giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Tinh thần cơ bản là hoạt động với tinh thần Đoàn kết- Chăm sóc -Trách nhiệm. Đoàn kết trong Chi hội, không mâu thuẫn nội bộ, đoàn kết với các tổ chức khác, bảo vệ danh dự hội, danh dự nhà giáo. Chăm sóc cho hội viên, động viên người khác, động viên con cháu trong gia đình, làng xã…Sống có trách nhiệm với gia đình, làng xã và công việc của Hội.
Chi hội tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài ở dòng họ,  thôn, xã: Các đ/c hội viên đều tích cực tham gia công tác khuyến học ở các dòng họ như tham gia đóng góp xây dựng Quỹ, tham mưu với các dòng họ động viên con cháu học tập, rèn luyện, tổ chức tham quan động viên khen thưởng các cháu, tiêu biểu là các hội viên thuộc các dòng họ Lê Nho như đ/c Lê Nho Thu, Lê Nho Nùng, Lê Nho Thấm, Lê nho Tài, Nguyễn Thị Là, Lưu Thị Đính, Nguyễn Thị Thẩm…hay ở họ Nguyễn Hữu như đ/c Nguyễn Hữu Kim, Nguyễn hữu Chế, Nguyễn Hữu Ngư , Nguyễn Thị Sen…ở họ Nguyễn Đình có các đ/c Nguyễn Đình Ninh, Lê Thị Lượng…ở họ Lê Doãn có các đ/c Lê Doãn Mạ, Lê Doãn Đằng vv… Tham gia hảo tâm xây dựng Quỹ Khuyến học để giúp đỡ các học sinh nghèo vượt khó của Trường THCS, thưởng cho học sinh xuất sắc khối lớp 1 của trường Tiểu học, toàn chi hội đã tham gia đóng góp Quỹ Khuyến học theo chủ trương của BCH Hội CGC xã, được số tiền là 1.250.000 đồng, tỷ lệ 99 %, chỉ có 01 trường hợp do gia đình khó khăn chưa tham gia ở  tổ 2. Chi hội kết hợp phụ huynh học sinh tham gia quản lý học sinh trong hè và trong năm 2015, tham gia bồi dưỡng học sinh là con, cháu và người thân của hội viên có kết quả như ông Nguyễn Hữu Kim, Lê Nho Tài , Lê Nho Hoan, Lê Nho Đưởng, Trịnh Đức Khái, Lê Thị Nhị…
       Thực hiện nhiệm vụ chính trị ở thôn, xã : Các hội viên hội CGC đều gương mẫu thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Xuất thân từ vùng nông thôn, ít nhiều có liên quan đến việc giao thu sản phẩm của địa phương, đều đã chấp hành tốt, không còn ai trây ỳ, nợ đọng với địa phương. Đa số hội viên là những người gương mẫu thực hiện và vận động quần chúng thực hiện Quy ước làng Văn hóa và các quy định,  quy ước của địa phương.Hội viên chi hội đều tích cực tham gia các công việc chung của địa phương như tham gia các hoạt động lễ hội của làng, tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Đình Đại Mão, tiêu biểu là các đ/c: Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Hữu Kim, Lê Nho Bá, Lê Doãn Mạ… Nhiều gia đình hội viên tham gia đóng góp hảo tâm xây dựng Cổng Đình, xây dựng khu Di tích Lịch sử ở địa phương Kết quả tham gia các phong trào và các cuộc vận động: Đền ơn đáp nghĩa, Vì trẻ em, Khuyến học, khuyến tài, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo : 100% số gia đình hội viên tham gia. Nhiều đ/c tích cực tham gia các đoàn vận động như  đ/c Ngạn, Đính, Sen, Là, Chế…Có nhiều hội viên trực tiếp tham gia các chức danh công tác Đảng, chính quyền , các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội : Hiện đ/c Lê Nho Tài CT Hội CGC xã, đ/c  đ/c Ngô Xuân Vui là BT chi bộ thôn Đông Miếu, đ/c Nguyễn Hữu Ngư là tổ trưởng tổ Đảng chi bộ Đại Mão, đ/c Nguyễn Hữu Kim chủ nhiệm CLB Thơ ca, đ/c Lê Nho Thu CN Thư viện thôn. đ/c Trịnh Đức Khái tham gia Ban CN Thư viện và Ban Nghi Lễ Đình làng….

          Chăm lo đời sống tinh thần vật chất của hội viên:Tình hình xây dựng quản lý phát huy các loại quỹ hội: Năm 2015 toàn chi hội đã đóng góp thêm chân quỹ thêm 100.000 đ/ người ( trước đã đóng 100.000 đ)  để gửi tiết kiệm lấy lãi, thêm phần kinh phí cho hoạt động của chi hội. Hiện tổng số tiền góp chân quỹ là: 65 hội viên  x 200.000đ = 13.000.000 đ Trong dịp Tết đến thăm chúc mừng 02 thầy cô 80 tuổi ( Đ/c Kim, Đằng), 02 thầy cô 70 tuổi ( Đ/c Thẩm, Tuất);  01 thầy cô 60 tuổi ( đ/c Dinh). Cùng BCH Hội xã thăm 2 CGC ( Cụ Trần Đăng Lộc, cụ Nguyễn Hữu Ngọc, thăm BMVN anh hùng là mẹ LS nhà giáo). Nhân dịp 20-11-2015, Chi hội thăm hỏi cụ Ngọc tuổi cao nhất và đ/c Lê Thị Hường bị tai nạn phải đi viện. Tham gia viếng và đưa tang đ/c Dinh ( Phối hợp với BCH Hội của xã và Chi hội Thượng Trì) Thăm hỏi gia đình và  Hội viên thuộc diện chính sách nhân ngày 27/7: Đ/c Ninh, Bá, Mạ và 3 GĐ LS : Cụ Tải, cụ Ngọc, bà Điền, GĐ ông Tiễu. Năm 2014 đã thăm  hội viên ốm yếu 7 lần ( Đ/c Chuyền, Nùng, Ninh, Thìn, Thung, Phương , Bảo). Năm 2015 mới có 01 trường hợp đ/c Khuyên. Quan tâm tới quyền lợi Hội viên:  Tham gia xét, đề nghị tặng Kỷ niệm chương cho 23 đ/c hội viên trong Chi hội. Kỷ niệm chương sẽ được trao vào dịp tới.Tổ chức vận động các Hội viên tham gia câu lạc bộ thơ, sáng tác thơ: Hiện có 8 đ/c:  Kim, Nùng, Tài, Đằng, Bá, Khái, Huy, Tuy, Đính…trong đó có 3 đ/c Kim, Tài, Nùng là hội viên CLB Thơ Việt Nam có nhiều bài được đăng trên các Tuyển thơ của các NXB Trung ương. Nhiều hội  viên tích cực tham gia chơi bóng bàn, cầu lông, thể dục dưỡng sinh… góp phần bồi dưỡng kiến  thức,  sức khỏe cho Hội viên. Tiêu biểu là đ/c Nguyễn Thị Là, Lưu Thị Đính, Lê Nho Tuy, Lê Nho Thu, Lê Nho Tài, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Toan, Đỗ Thị Bảo, Lưu Thị Đính… Đ/c Lê Thị Thiện đã hướng dẫn học TD dưỡng sinh.Các hội viên CGC đã tích cực tham gia vận động để thành lập và tham gia quản lý Thư viện Đại Mão như đ/c Lê Nho Thu, Lê Đình Ngạn, Trịnh Đức Khái, Nguyễn Hữu Chế… Nhiều hội viên tích cực ủng hộ sách cho thư viện, ủng hộ nhiều sách quý đắt tiền như Lê Nho Thu, Lê Nho Nùng, Lê Nho Tài, Nguyễn Hữu Kim, Lê Doãn Đằng… Hội viên Lê Đình Ngạn lập trang mạng “ Thư viện Giữa Làng Đại Mão - Trung Thôn” đã đăng tải nhiều tin địa phương, các tác giả thơ văn của địa phương được bạn đọc quan tâm; hiện đã có trên 2 vạn 6 ngàn lượt  ở Việt Nam và thế giới truy cập (Mỹ - Nga - Đức- Hàn Quốc…). Ngay trong Hội CGC đã có Thơ, văn của các đ/c Bá, Kim, Tài, Tuy, Nùng, Khái, Đằng … đăng trên trang này.Về học Hán Nôm: có các đ/c Trịnh Đức Khái, Lê Thị Vân, Lê Doãn Đằng… đã tích cực tham gia học Hán Nôm.
              BCH Chi hội đã tổng kết, nhắc nhở hội viên cần khắc phục một số điểm yếu kém và tồn tại  như tổ chức sinh hoạt Chi hội vẫn chưa được nhiều lần, đều đặn. Việc chấp hành sự phân công công tác của Chi hội : 1 số đ/c chưa có ý thức cao ( lý do bận việc nhà). Đóng góp các loại :  1 số ít còn chậm. Hội viên chưa thật tích cực trong phong trào “ Học tập suốt đời” : Việc tìm hiểu chủ trương chính sách, VHNT, Hán Nôm, Thơ ca, Vi tính… còn hạn chế. Số hội viên đến đọc và cổ động đọc sách còn chưa nhiều.  Mới tổ chức sinh hoạt chuyên đề được 1 lần ( Tìm hiểu nghệ thuật làm thơ). Năm 2015, dự kiến tổ chức sinh hoạt, giới thiệu sách nhưng chưa làm được. Chưa tổ chức được đi tham quan các nơi như đã đề xuất.Tổ chức đóng góp và gây Quỹ còn hạn chế.

          Căn cứ vào kết quả tổng kết năm 2015, Chi hội thống nhất các hoạt động lớn cần làm trong năm năm 2016.Về công tác tư tưởng: Bám sát Điều lệ Hội, hoạt động với tinh thần  “ Đoàn kết - Chăm sóc - Trách nhiệm”. Chăm chỉ học tập, hiểu biết và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của địa phương. Tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của địa phương. Công tác xây dựng và phát triển hội viên Vận động kết nạp hội viên mới. Hiện chi hội có 64 hội viên mọi người đều phải thực hiện nghiêm túc chủ  trương của Hội, Chi hội.Tham gia công tác giáo dục đào tạo tại địa phương   Đỡ đầu khối lớp 1, quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó khối cấp 2. Đẩy mạnh hoạt động khuyến học các dòng họ, thôn, xã, chú ý công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo….Tham gia  thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và chính phủ, gương mẫu thực hiện các cuộc vận động  ở thôn, xã, giao nộp đủ sản phẩm, không để nợ đọng. Thực hiện nghiêm túc Quy ước của thôn. Chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên. Tổ chức tốt hơn việc thăm hỏi hội viên Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tham quan du lịch. Đề nghị hội viên và người ngoài hội có đ/k ủng hộ thêm kinh phí cho Hội hoạt động.
Xây dựng chỉ tiêu thi đua cho năm 2016  Chi hội phấn đấu là một Chi hội vững mạnh của xã.
-          Các gia đình hội viên phấn đấu đạt GĐ hiếu học, khuyến học, gia đình văn hóa hàng năm.
-          Tổ chức tốt hơn công tác thăm hỏi hội viên khi ốm đau hoạn nạn hoặc qua đời.
-          Phối hợp với Hội CGC xã tổ chức cho hội viên đi tham quan.

         Tại Hội nghị, đại biểu và hội viên được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, được nghe những vần thơ do hội viên viết về quê hương và sự nghiệp trồng người. Mọi người lại được nghe hội viên Lê Nho Tài đọc và rất tâm đắc với bài thơ “GIỮ CHỮ VI SƯ” của hội viên Nguyễn Hữu Kim (81 tuổi). Tác giả đã nói hộ tâm tư của các  hội viên: Về hưu nhưng vẫn phải rèn luyện, phải cố gắng phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt nam,  giữ gìn danh dự nhà giáo và danh dự của Hội Cựu Giáo chức.

Bài thơ:                              GIỮ CHỮ VI SƯ
Nghỉ hưu về sống cuộc đời thường
Bảng phấn không còn chút vấn vương
Song vấn vương còn “ Môn đạo nghĩa
Nên còn vương vấn với ngôi trường

Vương vấn ngôi trường nên giữ lấy
Thanh danh phẩm chất của người thầy
Từng làm gương sáng cho trò học
Hưu vẫn nêu gương mãi tháng ngày

Ngày tháng quây quần với xóm thôn
Càng cần mô phạm tốt hơn lên
“Làm nghề cao quý” – Sau như trước
Khách uống nước ngon mới nhớ nguồn

Tạo nguồn sinh nguyên khí quốc gia
Do trường, do giáo giới sinh ra
Trồng người” góp sức cùng vun đắp
Thế hệ tương lai của nước nhà

Hết tuổi hàng ngày lên bục giảng
Hồi hưu luôn giữ chữ “Vi sư”

                                                                                                                    24- 11-2015                      
                                                                                         LÊ TRUNG THÔN


Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và lương hưu

Chính phủ ban hành nghị định mới về tuổi nghỉ hưu, lương hưu và nhận bảo hiểm xã hội một lần...
 >> Công chức, viên chức nghỉ hưu từ 1/1/2015-30/4/2016, vẫn được tăng 8 % lương hưu
 >> Sau 1/1/2016: Nhiều quy định mới về lương hưu và bảo hiểm xã hội
 >> Định cư ở nước ngoài, nhận lương hưu thế nào?

Công nhân khai thác than, hầm lò có thể nghỉ hưu ở tuổi 50.
Công nhân khai thác than, hầm lò có thể nghỉ hưu ở tuổi 50.
Nghị định 115/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định cụ thể mức lương hưu hằng tháng của người lao động.
Cụ thể, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu. Công việc khai thác than trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH được tính như sau:
- Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
- Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
- Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm  16 – 17 – 18 – 19 – 20 năm từ 2020 trở đi, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
- Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ.
- Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ.
- Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi.
Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.
Các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm bắt buộc mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội
- Ra nước ngoài để định cư.
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Mức hưởng bảo hiểm một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; trường hợp thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bảo hiểm bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Theo VNeconomy.vn

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Thành lập Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam

Dân trí Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ra Quyết định xây dựng Phòng truyền thống Giáo dục Việt Nam.

Theo Quyết định, Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam để trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tài liệu, đánh dấu các mốc lịch sử của ngành Giáo dục Việt Nam, hướng tới xây dựng Bảo tàng Giáo dục Việt Nam.
Ngành Giáo dục Việt Nam đến nay đã trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành (1945 – 2015). 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giáo dục –đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể, trong thời kỳ 9 năm kháng chiến (1945-1954), giáo dục từ phổ thông đến đại học có sự phát triển, thay đổi về chất, tất cả đều được dạy bằng tiếng Việt.
Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một “kỳ tích” của Giáo dục. Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức khán chiến đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. Phong trào thi đua như: “nghìn việc tốt”, thi đua làm theo lời Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh. Hàng vạn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã lên đường nhập ngũ, bảo vệ đất nước.
Sau năm 1975 đến nay, cả nước mỗi ngày có hơn 23 triệu người đến trường học tập, hơn 1 triệu thầy cô giáo đến trường giảng dạy, mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển mạnh, không còn “xã trắng” về giáo dục mầm non, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Các phong trào thi đua phát triển theo chiều sâu, với nhiều phong trào như “dạy tốt”, “học tốt”, “xây dựng trường học thân thiện, phụ huynh tích cực”... đã trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong ngành...
Giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục- đào tạo, thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất và chất lượng toàn ngành.
Hồng Hạnh

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

TÍNH SƯ PHẠM TRONG THƠ VÀ CUỘC ĐỜI VĨNH XƯƠNG

TÍNH SƯ PHẠM TRONG THƠ VÀ CUỘC ĐỜI VĨNH XƯƠNG
                                                                    Vinh Nghĩa

Sinh thời ông nội tôi: cụ Giác Tiên – Nguyễn Vinh Phúc lấy 4 chữ: Nông-Tang–Giáo-Dưỡng làm kim chỉ Nam cho con cháu theo đuổi. Nghề Nông làm cơ sở, nghề phụ là trồng dâu nuôi tằm (Tang), nghề dạy học làm chí hướng (Giáo), nghề chữa bệnh để cứu đời (Dưỡng). Cụ là một ông đồ Nho có hàng trăm môn sinh và là ông đồ Nho cuối cùng của làng Thị Cấm quê tôi. Trên vách nhà, cụ viết bài trong sách “Quân Tử” của Quản Trọng bằng chữ Nho:
        Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
        Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
        Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
        Nhất thụ nhất hoạch giả cốc dã
        Nhất thụ thập hoạch giả mộc dã
        Nhất thụ bách hoạch giả nhân dã
Tạm dịch:
        Kế một năm chi bằng trồng lúa
        Kế mười năm chi bằng trồng cây
        Kế trọn đời chi bằng trồng người
        Trồng một gặt một ấy là lúa
        Trồng một gặt mười ấy là cây
        Trồng một gặt trăm ấy là người
Cụ luôn nhắc nhở cho con cháu câu:
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Các con cháu cụ theo đuổi nghề dạy học. Cụ có 9 người con, riêng Chú Tường bằng tuổi tôi chết khi mới 1-2 tuổi còn lại 8 người thì hầu như ai cũng có một thời làm công việc dạy học. Bác Thiển (Bác trưởng Vũ gái) suốt đời dạy học ở làng Xốm quê chồng. Bác Tuyết (Bác Cầu gái), một thời gian dài dạy học ở thôn Nội Linh xã Ngô Quyền huyện Tiên Lữ- Hưng Yên. Bác Nguyệt (Bác Chấp gái) dạy học ở Sài Gòn, nghỉ dạy trước khi đi định cư ở Vương Quốc Bỉ. Chú Chình dạy Bổ túc văn hóa cho công nhân khi làm việc trên cung đường sắt Yên Bái-Lào Cai. Các cô Nhật, Xiêm tham gia dậy bình dân trong phong trào xóa nạn mù chữ. Cô Mên (Kim Dung) dạy mẫu giáo của nông trường Thanh Sơn Phú Thọ sau chuyển về An Khê Gia Lai. Các Em, các cháu của cụ đều là giáo viên mẫu mực như: các thầy Vĩnh Lạc trường Bùi thị Xuân Đà Lạt, thầy Vinh Chúng trường Hà Đông, thầy Vinh Diệu, Vinh Cường trường cấp 3 Minh Khai Hà Nội , cô giáo Phương Ninh, Bích Thuận trường Lạc Viên, Cô giáo Châu trên Yên Bái, cô giáo Thái, thầy giáo Sỹ ở An Khê v.v…bản thân tôi cũng dạy học hơn 1 năm ở trường cấp 2 Trung Hòa – Từ Liêm Hà Nội (năm 66-67) và 3 năm dạy học ở trường lái xe quân đội (71-73).
Cậu tôi, nhà giáo Vĩnh Xương bắt đầu dạy học từ năm 1957 tại sở giáo dục Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu. Là giáo viên tiểu học, Ông đã dạy ở hầu hết ở các trường của Hải Phòng như Hùng Vương, Lạc Viên, Ngô Quyền, Đằng Giang, Phọng Pháp, An Đà.. Trong phong trào hai tốt, nhiều năm liền ông đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp sở. Học sinh của ông nhiều người đã thành danh nhưng luôn nhớ đến ông, người thầy giáo đầu đời thời tiểu học.
Những năm 60 cậu tôi hay đọc sách của nhà sư phạm Liên Xô Macarenco. Ông đọc nhiều sách về tâm lý giáo dục của nhiều nhà sư phạm nổi tiếng, ông rất tâm đắc với những quyển sách của giáo sư tâm lý học Phạm Cốc trường đại học sư phạm Hà nội
Ông luôn là một kho tư liệu về phương pháp sư phạm trong công việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy. Mỗi khi có dịp gặp nhau tôi thấy ít khi nói chuyện về kinh tế đói khổ, thóc cao gạo kém mà toàn nói về dạy học. Ông luôn quan niệm không có học sinh học kém, không có học trò dốt. Người thầy phải tìm hiểu tại sao trò không thuộc bài? Thầy giảng bài trò có hiểu không? Nó không hiểu thì lý do tại sao? Những câu hỏi như thế tôi luôn nghe được từ ông mỗi khi xum họp cả nhà.
Là giáo viên tiểu học ông luôn rèn cho học trò của mình chữ viết đẹp. Ông bảo chữ viết là thần sắc của con người. Ai là học trò của ông sau này chữ viết đều đẹp , chí ít thì cũng không quá xấu như học trò thời nay. Ông luôn gợi mở lòng ham mê học tập của học trò, sự tiến bộ của trò phải là sự tự rèn rũa mà nên. Không mài, không rũa, không rèn luyện / ở đấy mà Xương với chả Vinh (tự trào 1) Ông hay ví von con người với thiên nhiên cây cảnh. Mà thiên nhiên luôn vận động, cây trút lá mùa đông là để mùa xuân thay lá mới, đừng buồn vì cái rét mùa đông vì sau giá rét cây sẽ đâm chồi nảy lộc. Mùa Xuân cây lớn con người lớn lên /Cháu nhìn quang cảnh thiên nhiên /Cánh đồng.. thảm cỏ xanh thêm rất nhiều / tuổi chín mười rất đáng yêu / tuổi thơ phơi phới như diều đang lên / Tập sao cho khỏe, cao thêm.. (thơ gửi cháu)
Ông động viên cách học tập của trò, để học trò tiến thêm trong học tập.Học cho giỏi, học cho nhanh / Phải biết cách học thông minh hơn người / Nghe thầy cô, nuốt từng lời / về nhà nhớ lại học bài thuộc ngay / Lo toan chú ý từng ngày / Viết nhanh viết đẹp quen tay dần dần …
Ông phản đối việc dùng thang điểm, bằng cấp để đánh giá chất lượng học trò. Bởi vì dùng thang điểm bằng cấp cụ thể thì xã hội sẽ chạy theo thang điểm bằng cấp với mọi cách, học thêm rôi xin điểm, mua điểm. Bằng thật vốn tên người ta/ chữa thành bằng giả hóa ra tên mình/ Đủ hồ sơ nghiên cứu sinh/ dự đại học để thành cử nhân (Bằng thật, Bằng giả) Ông cũng phản đối việc đầu tư xây dựng “điểm” để nhân “diện” của ngành lúc đó. Người ta đầu tư tiền bạc, nhân tài, vật lực của xã hội để dựng lên một tiếng trống Bắc Lý cho cả miền Bắc noi theo, học tập, trong khi cả nước, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Cơ sở vật chất vô cùng hạn hẹp. Ngay ở Hải Phòng một trung tâm kinh tế lớn thứ hai của Miền Bắc, một hải cảng vào loại nhất nhì Đông Dương vậy mà trường cấp 1 xã Hùng Vương huyện An Hải nơi ông dậy mấy năm liền phải dùng đình, chùa, lăng, miếu của làng làm lớp học và nơi ở cho các thầy cô. Tan học vào lúc thủy triều cạn, học trò phải xuống sông bắt cáy phụ giúp kinh tế gia đình, để trở thành một “Bắc Lý” ở đây là một thách thức quá sức với các thầy cô thời đó, nhưng những học sinh xã Hùng Vương, học trò của ông nay cũng nhiều người thành đạt trong cuộc sống.
Ông quan niệm ở bậc tiểu học các em phải được tiếp cận tất cả các môn của khoa hoc tự nhiên và Xã hội kể cả âm nhạc, ngoại ngữ, Trên đời vô số thứ cần / Âm nhạc , di dưỡng, tinh thần cũng hay/ học vẽ phong cảnh cỏ cây/ thể thao thể dục chân tay khỏe đều/ nếu không cố gắng thêm nhiều/ Thì bao giờ tiến lên theo kịp người.
ông hay làm các đoạn văn vần hoặc câu thơ ngắn cho học trò dễ nhớ những mệnh đề khô cứng của các môn tự nhiên hay các sự kiện của môn lịch sử.
Ai đã từng đứng trên bục giảng của người thầy đều gặp phải vấn đề nan giải khi dưới lớp có những em học sinh nghịch ngợm, bướng bỉnh quậy phá mà trong sư phạm gọi đó là học sinh cá biệt . Với ông, ông sẵn sàng trao những việc quan trọng của lớp cho những học sinh đó. Ông luôn “gạn đục khơi trong” gợi mở, hướng thiện để cải hóa các em cá biệt. ông cho rằng trẻ có khỏe mạnh, thông minh thì nó mới nghịch ngợm. Trẻ có bản lĩnh thì mới bướng bỉnh quậy phá. Người thầy-gia đình và xã hội phải cùng nhau uốn nắn, dạy dỗ. luôn động viên lũ trẻ, để cho chính các em ý thức được sự tồn tại và phát triển của chính các em trong cộng đồng. Nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng thành công trong việc cải hóa con người, những thói hư tật xấu mặt trái của xã hội luôn cướp đi những đức tính ngoan ngoãn hiếu thảo để lại nỗi buồn tê tái không chỉ các bà mẹ phải chịu đựng: Người thứ tư điềm đạm: / Tuyệt vọng nhất là người đàn bà không cười được khi thấy con / Người thứ năm mắt lim dim / – Mô Phật/ Lão Xà ích dật dây cương / Roi quật, bụi tung đường (Đi lễ chùa)Ngay cả với con cái của ông, cũng có đứa “cá biệt” nhưng ông không tuyệt vọng, ông nhẹ nhàng bảo con chở mình bằng xe máy đi quanh làng một vòng, để cho dân làng Thị Cấm hiểu rằng bố con mình vẫn vui vẻ(Thư gửi chị) …. Thế mà nó cố tình không chịu…Tôi hiểu lúc đó là lúc đau lòng nhất của ông…
Ông thường nhẹ nhàng hỏi học trò: Một năm được mấy mùa xuân?/ Một ngày được mấy giờ Dần hỡi ai? / một tuần được mấy thứ hai ?/ Một tháng trăng sáng có vài ngày thôi / Tuổi con người- thời gian trôi/ chả bao giờ chạy giật lùi lại đâu..( Gửi Phương Thảo tuổi 13)
Cách đặt câu hỏi để trò trả lời như thế tức là ông đặt học trò phải tham gia chủ động vào công việc giảng dạy, học tập. Tạo cho học trò một bản lĩnh học tập không thụ động, đó là phương pháp sư phạm tiên tiến mà các nước văn minh đã áp dụng từ lâu.
Ông luôn tâm niệm đào tạo được một công dân tốt phải thể hiện là con ngoan trong gia đình, trò giỏi trong nhà trường, con người tốt trong xã hội. Ba thành tố GIA ĐÌNH- NHÀ TRƯỜNG-XÃ HỘI phải thống nhất cùng nhau trong việc đào tạo CON NGƯỜI
Tiếc thay ba môi trường giáo dục Gia Đình- Nhà trường- Xã hội ở ta nhiều lúc không gặp nhau cho nên nền giáo dục hiện nay của đất nước còn nhiều bất cập. Những người đã từng làm thầy không thể không buồn lòng. Ông cũng đau xót kêu lên: Hai bảy năm trời tôi dạy học / Đời tôi cống hiến một phần tư / Trong nghề dạy học không lười nhác / Chưa đủ cho đời chuộc tiếng ư? (Túy hậu ca)
“Chuộc tiếng” đây là sự chuộc tiếng với tổ tiên, với các đấng Tiền nhân, “Chuộc tiếng” với con người hiện tại, với xã hội đương thời. “Chuộc tiếng” với thế hệ tương lai của đất nước, những chủ nhân ông của Tổ quốc mai sau. Đó là công việc suốt đời, công việc trồng người, để thực hiện được câu:
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Kỷ niệm ngày mất của cậu tôi, (26 tháng 3 năm 2001- 26 tháng 3 năm 2011) Nhà Giáo, Nhà Thơ Vĩnh Xương , tôi viết bài này mong muốn thể hiện lại những trăn trở, suy nghĩ về sự nghiệp giáo dục của cậu tôi lúc sinh thời, một người trọn đời làm nghề dạy học, lấy nghề dạy học làm mục đích theo đuổi, một nghề góp phần làm theo lời dạy của chủ tich Hồ Chí Minh:
” Vì lợi ích trăm năm phải Trồng Người”
                                                     Vinh Nghĩa