Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Nhà sư chỉ ra sai lầm lớn của tục đốt vàng mã

Nhà sư chỉ ra sai lầm lớn của tục đốt vàng mã

THỨ TƯ, 13/07/2016 07:30:00 | TIN 24HCHỦ ĐỀ: Phật giáo ứng dụng cuộc sống
Vntinnhanh.vn - Con cháu vì thương cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, mua nhà cửa, xe cộ, tiền vàng đem đốt, cầu nguyện cho cha mẹ được hưởng. Nhưng ít ai biết rằng, việc này tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc, ở mãi cõi âm, không được siêu thoát.

Người Việt Nam đốt vàng mã vào các dịp lễ, ngày rằm, đặc biệt là tháng cô hồn (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, bén rễ, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Trong bất cứ dịp lễ nào, từ ngày rằm, mùng một hàng tháng đến ngày Tết, ngày cúng giỗ tổ tiên ông bà..., nhà nào cũng mua vàng mã, tiền giấy về đốt.
Trả lời câu hỏi về việc đốt vàng mã, người đã mất có được hưởng không, Hòa Thượng Thích Thanh Từ nói:
“Nếu con cháu đốt giấy tiền vàng bạc rồi cầu nguyện cho cha mẹ hưởng, tôi e rằng ở tù chứ chẳng được hưởng. Tại sao? Vì mang bạc giả xuống diêm vương xài là bất hợp pháp. Nếu đốt nhà lầu xe hơi giấy, cầu cho thân nhân mình nhận về ở và đi, tôi cho rằng nếu ai làm như vậy là hại thân nhân của mình. Vì nếu họ nhận được thì họ có nhà lầu để ở, có xe hơi để đi, có tiền bạc để xài, đủ tiện nghi quá thì họ sẽ ở mãi cõi âm, không đi đầu thai. Đó là trường hợp thân nhân của mình lúc sống có chút phước lành.
Còn nếu là kẻ có tội thì chết đọa địa ngục bị giam nhốt hành hạ làm sao mà nhận tiền bạc nhà xe để xài? Đó là chưa nói đến nhà xe tiền bạc bị đốt thành tro thì dùng làm sao được? Thật là vô lý!”.
Đồng quan điểm trên, TT Thích Nhật Từ cũng cho rằng, tục lệ đốt vàng mã là không phù hợp và không cần thiết.
Phong tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Hoa.
“Nguồn gốc của phong tục đốt giấy vàng mã liên hệ đến nền văn hóa Ai Cập. Nền văn hóa này quan niệm rằng, cõi sống gồm 2 phương diện: dương thế và âm phủ. Dương thế thì tạm thời, mấy chục năm rồi kết thúc còn âm phủ thì đời đời kiếp kiếp. Cho nên các vị vua của đất nước Ai Cập huyền bí đã dùng quyền uy của mình tạo dựng ra những kim tự tháp hoành tráng nhất để khi chết vẫn được hưởng cuộc sống hạnh phúc, sung túc lâu dài. Quan niệm này dẫn đến việc các cung tần, mĩ nữ bị chôn sống sau khi nhà vua băng hà.
Người Trung Hoa chịu ảnh hưởng nền văn hóa của Ai Cập đã có những thay đổi. Thay vì chôn người thật, họ làm hình nộm. Thay vì chôn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu dưới bia mộ thì người Trung Hoa làm bằng giấy vàng mã. Cho nên việc đốt nhà cửa, xe cộ, đồ dùng cho người chết hoàn toàn không phù hợp và cần thiết”.
Theo TT Thích Nhật Từ, ai có quan niệm này, khi chết chưa được đi đầu thai, mang theo quan niệm sai lầm, sẽ cảm thấy khổ đau cùng cực. Vì việc đốt giấy vàng mã tạo ra ảo giác khiến người chết bị trói buộc. Cho nên, thế giới vàng mã không có tác dụng mà còn gây hại cho người đã chết là như vậy.
Thượng tọa nhắc nhở, thay vì việc dùng tiền mua vàng mã để đốt, con cháu, gia đình hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hối hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.
Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành.
Khi Phật còn tại thế, Maha Nam con của Cam Lộ Phạm Vương em nhà chú của đức Phật có đến hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, bình thường con tu giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện, giả sử con chết bất đắc kỳ tử bởi một tai nạn xảy ra, sau khi chết con sẽ đi về đâu?
Phật trả lời bằng một ví dụ:
– Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành cây nghiêng về một bên. Vậy khi cưa, thân ngã về bên nào?
Maha Nam đáp:
– Cây ngã về phía mà nó đang nghiêng.
Phật dạy tiếp:
– Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành, không sao, đừng sợ.
Ánh Nguyệ

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Việt Nam sắp thiếu 4 triệu phụ nữ

Việt Nam sắp thiếu 4 triệu phụ nữ

- Tỉ số giới tính của Việt Nam liên tục tăng, hiện đã ở mức 112,8 bé trai/100 bé gái. Sau chừng 30 năm nữa, Việt Nam sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu đàn ông.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục DS-KHHGĐ cung cấp tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình sáng nay.
Ông Tân cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới xuất hiện ở nước ta nhưng tốc độ tăng rất nhanh, liên tục, lan rộng từ thành thị tới nông thôn ở cả 6/6 vùng lãnh thổ. Định kiến giới, tư tưởng trọng nam vẫn tồn tại và ăn sâu vào nhận thức của người dân, ngay cả một bộ phận cán bộ, đảng viên. 
5 năm qua, tỉ lệ bé trai/bé gái khi sinh liên tục tăng: từ 110,5 năm 2009 lên 111,9 năm 2011 và tăng lên 112,8 năm 2015. Tỉ lệ này tại thủ đô Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.
dân số, mất cân bằng giới tính, thừa đàn ông
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang diễn ra hết sức nghiêm trọng
Ông Tân cảnh báo, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ năm 2050. Khi đó cấu trúc gia đình sẽ bị tan vỡ, an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa, tình trạng kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới, buôn bán phụ nữ, mại dâm, HIV sẽ ngày càng gia tăng.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng lo ngại thách thức già hóa dân số của Việt Nam, hiện đang có tốc độ quá nhanh. Theo thống kê, tỉ lệ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam đang chiếm khoảng 7% dân số.
Theo đà này, trong vòng 15-20 năm tới, Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia dân số già điển hình, trong khi Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển mất 85 năm, Hoa Kỳ mất 75 năm...
Bên cạnh đó, chất lượng dân số vẫn ở mức thấp, tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ khá cao và có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại; tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng giảm xuống...
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Dân số phải có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược.
Phó Thủ tướng cho biết, sang 2017, luật Dân số sẽ được đưa ra bàn thảo, do đó ngay từ bây giờ, ngành Dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân số, không chỉ về quy mô, cơ cấu, phân bổ mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.
T.Hạnh

Ông Dương Trung Quốc gay gắt nói về sách Đặng Tiểu Bình ở Việt Nam

Ông Dương Trung Quốc gay gắt nói về sách Đặng Tiểu Bình ở Việt Nam


(VTC News) - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dịch sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì nhân dân khó có thể chấp nhận.

Gần đây dư luận xôn xao về việc một nhà xuất bản trong nước cho tái bản một cuốn sách dịch với tựa đề “Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt". Dư luận bức xúc vì cuốn sách dùng những ngôn từ hoa mỹ để ca ngợi Đặng Tiểu Bình (người đã ra lệnh cho quân Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979).
Cuốn sách dịch về Đặng Tiểu Bình đang khiến dư luận rất bức xúc
Cuốn sách dịch về Đặng Tiểu Bình đang khiến dư luận rất bức xúc 

Tổng thư ký Hội Sử học VN, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm gay gắt về việc xuất bản cuốn sách này ở Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định Đặng Tiểu Bình là một nhân vật lớn của nước Trung Quốc hiện đại và có ảnh hưởng với thế giới. Cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiểu sử của ông Đặng được xuất bản với nhiều cách đánh giá khác nhau. 

“Việc xuất bản sách viết về nhân vật này lẽ ra là điều bình thường. Nhưng Đặng Tiểu Bình cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo phát động cuộc chiến tranh xâm lược tấn công vào biên giới phía Bắc của nước ta (2/1979) và khởi động cho một chính sách thù địch xâm hại đến lợi ích, chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam. Chính sách đó vẫn nhất quán sau khi ông Đặng qua đời cho dù đến nay hai nước đã bình thường hóa và đã gọi nhau là đối tác chiến lược”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích. 

“Sự thật đó cả thế giới đều biết. Chính ông Đặng cũng luôn công khai quảng bá mình là "tác giả" của việc "dạy cho Việt Nam một bài học", ông Quốc nói thêm.
 
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc 

Do vậy, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc xuất bản sách về nhân vật này ở Việt Nam cần được quan tâm đến hiệu ứng xã hội và chính trị của cuốn sách. Đây không phải là cuốn sách đầu tiên viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở Việt Nam. 

Phần lớn là sách dịch có xuất xứ từ Trung Quốc nên nhìn chung là đề cao nhân vật này. Việc có nên dịch ra tiếng Việt hay không như loại sách tham khảo đòi hỏi người chủ trương xuất bản phải cân nhắc. 

Ở nước ta, hoạt động xuất bản vừa là một thị trường vừa là một lĩnh vực "văn hóa - chính trị và tư tưởng". Do vậy cả luật và chính sách đều chọn những người có "trình độ chính trị cao" đứng đầu nhà xuất bản.

Đã có nhiều cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở nước ta, nhưng đến cuốn sách này dư luận xã hội mới lên tiếng gay gắt tựa như giọt nước làm tràn cốc nước. 

Đó là nỗi bức xúc của người dân trước hiện trạng sự thật lịch sử dường như chỉ được trình bày... một nửa, mà một nửa thì không còn là sự thật.
Chiến tranh biên giới chỉ có 11 dòng trong SGK




“Dịch loại sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình theo nhận thức của tác giả nước ngoài mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quy mô và sự tàn hại không thua kém gì những triều đại nhà Minh, nhà Thanh đối với Đất nước và Nhân dân ta là điều người dân ta khó chấp nhận”, ông Quốc nêu quan điểm. 

Đương nhiên việc dịch sách nước ngoài phải tôn trọng bản quyền không thể cắt bỏ thì nhà xuất bản hoàn toàn có quyền viết trong lời giới thiệu những lưu ý cần thiết để người đọc có cơ sở để nhận thức. 

Còn nếu không làm việc ấy thì tốt nhất là đừng xuất bản, còn nếu chỉ để bán sách thì đó  đáng gọi là sách... lậu hiểu theo nghĩa là lừa người đọc.

Sự bức xúc còn tăng thêm khi có một sự thật là cái sự thật liên quan đến cuộc chiến tranh của quân và dân ta chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do ông Đặng phát động dường như không được đề cập tương xứng trên các phương tiện đại chúng, trong giảng dạy lịch sử và nhất là trên lĩnh vực xuất bản đã kéo dài nhiều năm. 
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979  

Dư luận xã hội và ngay trong diễn đàn Quốc hội về vấn đề giáo dục lịch sử trong thời gian qua là một bằng chứng. 

“Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua tôi có văn bản chất vấn chính phủ về vấn đề này nhưng cho đến nay vẫn... chưa nhận được hồi âm !? Việc kéo dài thời gian cấp phép cho một cuốn sách viết về sự kiện quân đội Trung Quốc tàn bạo đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam, tàn sát các chiến sỹ hải quân Việt Nam cũng là một câu hỏi cần được trả lời”, ông Quốc băn khoăn.


Che đậy cái sự thật mà chính nhân vật của sách không giấu giếm là thù địch với Việt Nam, cuốn sách sẽ chẳng mang lại sự mở mang trí óc cho người đọc ngoài thói quen xấu là chỉ nhìn một phần sự thật, thực chất là xuyên tạc sự thật.
Ông Dương Trung Quốc
Vị đại biểu Quốc hội cho rằng dư luận xã hội hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về sự không bình thường này, không chỉ với nhà xuất bản cho ra mắt ấn phẩm trên mà cho những cơ quan quản lý nhà nước rằng đây là chủ trương có chỉ đạo hay chỉ là sự thiếu bản lĩnh chính trị của những người có trách nhiệm. 


Dù là của ai thì hiện tượng này cũng là không thể kéo dài được nữa. Người dân đủ ý thức về sự "nhạy cảm" trong quan hệ Viêt - Trung  và chẳng ai muốn phương hại đến sự hòa hiếu với nước láng giềng không lồ và nhiều hệ lụy này. 

Dân tộc ta đã có trải nghiệm chiến tranh với nhiều cuộc xâm lăng trong quá khứ. Chúng ta vẫn in nhiều sách, viết nhiều bài báo và giảng dạy trong nhà trường về cuộc chiến tranh với nước Pháp thực dân và nước Mỹ can thiệp, vậy mà Việt Nam với các quốc gia này vẫn từng bước hòa giải được quá khứ, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng vậy. 

“Không lẽ với Trung Quốc là một ngoại lệ? Nói cách khác, lịch sử cho thấy: Dám nhìn thẳng vào sự thật của chiến tranh trong quá khứ chúng ta sẽ tìm thấy  những bài học hòa bình và thân thiện của tương lai”, vị đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.

“Sự việc liên quan đến cuốn sách viết về ông Đặng Tiểu Bình (một trí tuệ siêu việt) cũng vậy thôi, che đậy cái sự thật mà chính nhân vật của sách không giấu giếm là thù địch với Việt Nam, cuốn sách sẽ chẳng mang lại sự mở mang trí óc cho người đọc ngoài thói quen xấu là chỉ nhìn một phần sự thật, thực chất là xuyên tạc sự thật,”, ông Dương Trung Quốc nói.

“Một cuốn sách như vậy có đáng giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam vào thời điểm này không?” ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.



Những thước phim chân thực về chiến tranh biên giới 1979


Phạm Thịnh