Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

NHỚ VỀ NHỮNG CÁI GIẾNG QUÊ TÔI

NHỚ VỀ NHỮNG CÁI GIẾNG QUÊ TÔI
          Làm ăn, sinh sống ở xa quê, mỗi khi nhớ về quê hương, tôi thường nhớ về những cái giếng của làng, của xóm.
.
       
  Thời xa xưa thì tôi không rõ lắm, nhưng từ ngày tôi lớn lên, tôi chỉ biết đến 5 cái giếng của làng. Ở phía tây làng, có giếng Cầu Tháp. Ở phía đông có giếng Chùa, còn ở giữa làng có giếng Đình ở ngõ Đình , giếng Ngọc ở xóm Ngọc tỉnh ( Ngọc tỉnh hạng) hay nói gọn là xóm Ngõ Giếng. Ở Nghè làng còn một giếng nữa gọi là giếng mắt rồng.
           Trước đây, tôi cứ tưởng giếng mọi nơi cũng giống giếng quê tôi. Mãi sau này, được đi đến các vùng xa tôi mới biết giếng nhiều nơi sạch và đẹp hơn quê mình. Giếng quê tôi không là những giếng khơi, giếng xây gạch, hay xây bằng đá, các giếng làng tôi chỉ là những giếng đất. Nói đúng ra giếng là những cái ao, hứng nước mưa, đựng nước mặt chứ không có mạch ngầm. Chỉ khác những cái ao khác, thường ở nơi biệt lập, có bờ cao và chỉ để lấy nước ăn, cấm không ai được tắm giặt hay gây những thứ làm ô nhiễm giếng. Bờ giếng được đắp cao, thường được trồng cây dứa dại để cho trâu bò, trẻ con không được nghịch ngợm làm bẩn giếng của làng.
Tuy đơn sơ như thế, nhưng những cái giếng đất ấy đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người làng tôi.
Từ bao đời nay, nó là nơi cung cấp nguồn nước sạch cho biết bao thế hệ dân làng. Ngày xưa, mấy nhà đã có nhà ngói tường gạch và xây được bể chứa nước mưa để dùng. Cũng không phải nhà nào cũng có những cái kiệu ( là cái chum to) để đựng nước mưa. Nhiều nhà chỉ có một vài cái vại đựng nước, mỗi cái chứa được vài thùng. Vậy để có nước ăn hàng ngày, ngoài nước mưa được hứng từ mái ngói, từ cây cau chứa vào chum, kiệu, vại, người dân thường mang quang gánh ra gánh nước giếng về dùng. Cũng chả có thùng tôn gánh nước, có khi là gánh bằng ‘quang vặn’’( một loại quang vặn từ lạt mềm, từ cây tre non tạo nên), và đồ đựng nước là những nồi đất Thổ Hà hay Phù Lãng sản xuất.
Người nông dân ngày xưa vất vả lắm. Đi làm tối ngày kiếm gạo, có khi tối về hết nước lại phải đi ra giếng gánh nước, đi xin lửa thổi cơm, luộc khoai sắn để ăn. Giếng đất ở làng tôi là thế, nhưng là nguồn nước sạch ngang với nguồn nước sạch bây giờ. Bằng chứng là biết bao lần lũ trẻ chúng tôi đánh khăng đánh đáo, chăn trâu tập trận, khát nước lội mấy bậc xuống giếng uống no nước lã ở giếng mà bụng cũng chẳng sao!
Nước giếng đa phần chỉ dùng làm nước ăn, còn tắm giặt đã có ao làng. Mấy nhà lịch sự gánh nước về cho con tắm? Có chăng khi tắm ao về, gọi là một vài gáo nước giếng tráng cho sạch hơn mà thôi.
        Ấy thế mà ở giếng Ngọc, trẻ con có thể thoải mái tắm nước giếng, vì bên bờ giếng có một cái thống đá đựng nước.Chỉ cần lấy giẻ hoặc nắm lá chặn lỗ thoát nước ở gần đáy thống, múc nước giếng đổ vào đó là có thể nằm tắm trong đó một cách thoải mái rồi. Tương truyền cái thống ấy ban đầu chỉ được dùng để vo gạo đồ xôi cúng tế ở Đình khi làng vào đám, nhưng sau này bọn trẻ thích tắm ở thống nên các cụ cũng cho qua.
                      Nói thêm một chút về giếng Ngọc. Cụ Lê Nho Lãng một người cao tuổi trong làng kể:

       
  “Thôn Đại Mão quê tôi, có một cái giếng đất tên là giếng Ngọc. Cái tên giếng Ngọc không biết có tự bao giờ ,có lần tôi hỏi cụ Nho Quán người cao tuổi trong xóm, cụ nói là cụ cũng không biết ,nhưng cụ chỉ biết trước kia trên bờ giếng có cái bia đề mấy chữ Thiên tạo Ngọc Tỉnh ,hậu nhân bất khả phần ,có nghĩa là: trời tạo ra giếng Ngọc người sau không được lấp.
Năm Quý Sửu (1913 ) trời làm một trận hồng thuỷ vỡ đê đại hà bia bị nước lũ cuốn trôi đất cát bồi lấp nên không còn nữa. Tôi lại thắc mắc tại sao giếng Ngọc lại còn có tên là giếng Diệc. Tôi lại hỏi cụ đồ Diễm người cao tuổi nhất làng lúc bấy giờ cũng là người uyên thâm về hán học. - Cụ đồ Diễm cho biết : tương truyền cái tên giếng Diệc có từ thời hai bà Trưng ; trước khi nghĩa binh hai bà chuẩn bị đánh thành Luy Lâu khu vực này là nơi hậu cần nên hai bà đã đổi thành giếng Diệc để khích lệ ba quân vì chữ diệc nghĩa là cũng . Ý chữ này là trị diệc tiến, loạn diệc tiến ,diệc lợi ngô quốc hồ:nghĩa là trị cũng tiến loạn cũng tiến thế cũng lợi cho nước ta vậy. Chứng minh điều đó đình làng còn đôi câu đối;
-Tráng tai đế vương cư hữu kỳ hữu cổ hữu mã bái long chầu diệc thiên địa hảo để phong thuỷ
-Uất nhiên anh tuấn vực vi cơ vi quan vi lương đống thạch trụ tự hương đảng lập hồ triều đình
Nghĩa quân Đề Vang khi đóng quân ở thôn Đại Mão cũng lấy xóm này làm nơi hậu cần. Năm Nhâm Thìn 1892 nghĩa quân của Đề Vang bị quân Pháp đánh bại chủ tướng Đề Vang bị bắt.Viên tướng của Đề Vang là ông Lĩnh Cổ chạy qua đây xuống giếng uống nước,uống xong ông tự than!Nếu ta sinh ra ở đất này thì đã không phải chịu kết cục như ngày hôm nay
Một năm xưa, có một ông thày địa lí về thôn Lam Cầu đi qua đây ông ta dừng chân ngắm giếng Ngọc và xung quanh hồi lâu. Ông ta nói với người đồ đệ của mình rằng : kiểu đất ở đây quá đẹp có giếng Ngọc lại có thần đồng phù trợ hai bên Tất loạn tắc tự an có bút có nghiên con người ở đây tuy danh vọng không cao nhưng cũng đủ làm thầy thiên hạ”
***
             Cuộc sống đổi thay. Cũng như nhiều miền quê khác, giếng cổ không đủ và không được dùng để cấp nước cho cư dân xung quanh. Nhiều nơi đã có nước sạch từ nhà máy cung cấp, quê tôi chưa được cấp nước sạch mà dùng nước giếng tự khoan, tự lọc…Giếng bây giờ chỉ còn là di tích cũ…
             Để bảo tồn giếng cổ, các giếng bây giờ đã được cải tạo lại. Giếng Cầu Tháp đã bị lấp. Giếng Đình, giếng Chùa đã được xây bờ. Tháng Tám vừa rồi, bà con xóm NGỌC TỈNH cũng đã tổ chức khánh thành việc tu bổ giếng. Bờ giếng được xây gach, đá cao đẹp hơn xưa, xung quanh trồng cau lấy bong mát, có sân bê tong, ghế đá cho bà con ngồi nghỉ ngơi hóng mát mỗi chiều…Kinh phí mấy trăm triệu đồng đa phần do dân đóng góp và do con em trong xóm, trong làng tài trợ thêm. Mỗi người góp sức một chút để bảo tồn một di sản của người xưa. Ai cũng nghĩ: nhũng giếng này đã cung cấp nguồn nước cho tổ tiên cha ông ta, để cha ông ta có sức mà lao động, sản xuất, chiến đấu xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước này; để sinh con đẻ cái và dạy dỗ chúng sao cho con cháu ngày càng tiến bộ, không hổ thẹn với công lao sinh thành, dạy dỗ của ông cha. Con hơn cha là nhà có phúc, các cụ ngày xưa bảo thế.
                                                                                                                                                               LÊ TRUNG THÔN

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

ĐẠI MÃO TỔ CHỨC KHÁNH THÀNH CỔNG ĐÌNH LÀNG

ĐẠI MÃO TỔ CHỨC KHÁNH THÀNH
CỔNG ĐÌNH LÀNG


Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan ban ngành huyện Thuận Thành và xã Hoài Thượng, ngày 23 tháng 10 năm 2015 thôn Đại Mão đã tổ chức khởi công xây dựng Cổng Đình Làng và các công trình phụ trợ, nhằm tôn tạo tô đẹp thêm Di tích lịch sử của địa phương.
Sau 8 tháng tiến hành tổ chức xây dựng       , ngày 10 tháng 9 năm 2016, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận, Ban Quản lý thôn cùng nhân dân địa phương đã tiến hành Lễ Khánh thành các công trình nói trên.

Tới dự Lễ Khánh thành có nhiều đại biểu thay mặt cho Đảng ủy, UBND xã, các ban ngành đoàn thể xã, thôn; các đại biểu thôn Thụy Mão ( Mão Điền ) và thôn Đông Miếu ( Hoài Thượng ) cùng nhiều các cụ ông cụ bà, cán bộ nhân dân địa phương, con em dân làng công tác. sinh sống ở xa quê.
Được tổ chức tại Di tích Lịch sử Văn hóa Đình Đại Mão cùng ngày với dịp Thu tịch truyền thống làng quê, thời tiết thuận lợi chiều lòng người, Lễ Khánh thành càng thêm đông vui, hòa chung tâm lý phấn khởi của cán bộ và nhân dân trong thôn.
Sau khi Ban Nghi Lễ Đình làng và các cụ cao niên tổ chức xong nghi thức tế lễ thần Thành Hoàng Lạc Thị Đệ Nhị Đại Vương, các đại biểu và toàn thể nhân dân được chiêm ngưỡng màn múa lân do con em xóm Ngõ Dừa biểu diễn mừng sự kiện quan trọng của làng.

Lễ Khánh thành được cử hành trang nghiêm bắt đầu từ nghi thức chào cờ do ông Lê Nho Đằng trưởng ban công tác Mặt trận thôn điều khiển. Ông Nguyễn Hữu Hy – Trưởng thôn, Trưởng ban xây dựng đã đọc Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng cổng Đình và các công trình phụ trợ. Báo cáo đã động viên khích lệ sự quan tâm đóng góp của mọi cá nhân, tập thể  cả về vật chất lẫn tinh thần trong quá trình xây dựng, thi công. Có những cụ ngày nào cũng ra Đình để xem, động viên thợ làm công trình văn hóa, tâm linh của thôn. Có nhiều người ở xa như ở TP Hồ Chí Minh, ở nước ngoài cũng tham gia đóng góp.


Nguyễn Thị Hoàn cán bộ BQL thôn đọc báo cáo kết quả hảo tâm, thu chi tài chính  trong quá trình tiến hành xây dựng. Báo cáo cho biết : Tổng nguồn kinh phí thu được để phục vụ công trình là 849.454.000đ (Tám trăm bốn chín triệu bốn trăm năm tư nghìn đồng), trong đó nhà nước hỗ trợ xây cổng Đình là 150 triệu đồng; hảo tâm các cá nhân và tập thể ( Đến ngày 02-04-2016) 805 lượt người hảo tâm các cá nhân và tập thể ( Đến ngày 02-04-2016)  với  số tiền 387.790.000 đ, Quỹ thôn Đại Mão đầu tư 108,5 triệu đồng; còn lại là do Quỹ Đình làng do Ban Nghi Lễ Đình chuyển sang và một số đơn vị tài trợ thêm. Ngoài ra, có 26 đơn vị tập thể, cá nhân hảo tâm ủng hộ bằng hiện vật quý như cây cảnh, lư hương đèn đá, ghế đá. Riêng lư hương đèn đá do Hội Đồng Niên sinh năm 1977 trong làng cung tiến có giá trị hơn 30 triệu đồng.
          Báo cáo còn cho biết, tổng chi cho việc xây dựng Cổng Đình và các công trình phụ trợ là 849 454 000 đồng, trong đó giá trị xây dựng cổng Đình theo hợp đồng đã ký là 307.000.000đ còn lại là kinh phí để làm các công trình phụ trợ khác. Vì vậy, ccảnh quan khu Đình đã thay đổi theo hướng to, đẹp mà vẫn giữ nguyên được dáng cũ của di tích lịch sử của thôn. Sân Đình được nới rộng, lát lại và đổ xi măng. Đường trước cổng Đình cũng được quy hoạch, tráng xi măng thật thuận tiện cho người qua lại.

          Các đại biểu huyện, xã ; đại biểu nhân dân trong thôn, con em dân làng công tác, sinh sống xa quê đã phát biểu nêu bật niềm phấn khởi, tự hào với việc hoàn thành công trình tôn tạo di tích lịch sử của địa phương. Sau khi Ban Quản lý thôn thay mặt nhân dân biểu dương, tặng quà lưu niệm cho một số tập thể cá nhân có nhiều công lao đóng góp cho công trình, các đại biểu đã tiến hành tham quan Cổng Đình và các công trình phụ trợ khác.

          Cũng nhân dịp này, nhân dân càng phấn khởi với việc hoàn thành lắp đặt hàng rào lan can Ao Vuông cạnh Đình. Hàng rào được xây dựng với số tiền 50 triệu đồng ( tổng kinh phí xây bờ, đổ nền đất và xi măng, hàng rào khoảng 300 triệu đồng) cũng đã làm đẹp thêm phong cảnh địa phương nói chung, khu Đình Làng nói riêng.

          Như lời ông Nguyễn Hữu Hy – Trưởng thôn, Trưởng ban xây dựng : “ Công trình được chính  thức đưa vào sử dụng sẽ góp phần tô đẹp cảnh quan quê hương, góp phần xây dựng nông thôn mới, cũng là để giáo dục thuần phong mỹ tục, truyền thống  của một miền quê văn hiến. Việc xây dựng công trình cũng đã tạo thêm phần đoàn kết, ý thức cộng đồng của những người con quê hương kể cả người đang ở trong làng hay sinh sống xa quê”.

Công trình Cổng Đình Đại Mão và các công trình phụ trợ hoàn thành  chắc chắn góp phần tô đậm hình ảnh quê hương với các thế hệ con người nơi đây, nhất là những người sống xa quê cha, đất tổ./.

                                                            Tin : Lê Đình Ngạn - Ảnh : Nguyễn Thị Thúy