Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

BÀI THƠ TÌNH HAY CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIỮA ( 3B) -LÊ NHO BÁ

Thơ Người làng Giữa (3B) xin giới thiệu bài thơ “Trọn vẹn nghĩa tình” của tác giả Lê Nho Bá - sinh 1943 - xóm 2 Đại Mão. Là một cựu chiến binh, chiến đấu ở chiến trường B bị thương, ông được ra Bắc, học ĐHSP rồi đi dạy học. Nghỉ hưu, ông được cử làm nhiều công việc ở làng xã. Nhiệt tình với công việc chung.



                   BÀI THƠ TÌNH HAY CỦA MỘT CỰU CHIẾN BINH

Làm thơ về người yêu, về vợ, nhiều người, nhiều nhà thơ đã làm và có những bài rất hay. Mặc dù không phải là một nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng bài thơ “Trọn nghĩa vẹn tình” của tác giả Lê Nho Bá, hội viên CLB Thơ ca Đại Mão – (được in trong tập thơ Miền quê Văn hiến –tác phẩm chung của CLB Thơ ca Đại Mão- Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 8 năm 2015) cũng là một bài được  nhiều người tâm đắc, xúc động.
Tác giả  sinh năm 1943, nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Cũng như nhiều người lứa tuổi ấy ở thời ấy làng tôi, các anh phải đi học muộn nhưng lại lấy vợ khá sớm. Khoảng 22-23 tuổi anh lên đường làm nghĩa vụ quân sự rồi đi chiến đấu, lúc đó anh đã có 2 mặt con.
Nhớ lại những tháng năm ấy, đế quốc Mỹ vừa gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ  năm 1964. Gần 1 năm sau, tháng 5 năm 1965 thực hiện lệnh động viên của nhà nước, anh đã cùng 16 thanh niên, nhiều trung niên trong làng gia nhập quân đội. Trong số đó có những anh rất trẻ chưa học xong cấp 3 như Nguyễn Hữu Liệu, Lê Nho Uyển. Nhưng có những anh đã lớn tuổi, có 2,3 con, đã đi công tác nhiều năm như anh Lê Đình Nghiễn, Lê Nho Tài, Nguyễn Đình Điền… Sau một vài tháng tập luyện và bồi dưỡng ở miền Bắc, 11 anh  được lệnh vào chiến trường B.
Chiến trường gian khổ, ác liệt vô cùng. Trong số 11 người cùng làng vào chiến đấu ở miền Nam năm ấy, có đến 7 người đã hy sinh được công nhận là liệt sĩ, trong đó có 2 liệt sĩ mà sau này các bà mẹ được phong tặng Mẹ VNAH là liệt sĩ Lê Đình Nghiễn và Nguyễn Hữu Đỗ. Bốn người còn lại đều là thương binh. Nói qua như thế để thấy rằng thơ anh phản ánh rất thật cuộc sống gian khổ của các chiến sĩ cũng như tâm tư người viết và tất cả các anh.
Bài thơ Trọn nghĩa vẹn tình viết tháng 12 năm 2012, cũng là để kỷ niệm 50 năm chung sống với người vợ thân yêu của anh, người mà anh yêu mến gọi là “nàng”, là “ mình” lúc trẻ và nay gọi thay cháu là “” khi tuổi đã xế chiều.

                                                        ***

Mở đầu bài thơ, anh giới thiệu về vợ anh: Vợ tôi chẳng xấu, chẳng xinh, Vợ tôi chẳng yếu, chẳng hèn, khái quát chị là một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác trong làng, nhưng đối với anh, chị là người đáng yêu nhất:

Vợ tôi hiền dịu đáng yêu,
Kiệm cần lo liệu bao nhiêu việc đời.
Tháng năm nàng phải xa tôi
Trong thời đánh Mỹ, ngậm ngùi chờ mong.
Đêm ngày những ngóng cùng trông…

Hoàn cảnh của chị cũng là hoàn cảnh của bao nhiêu người phụ nữ miền Bắc lúc ấy, thương nhớ chồng đi chiến đấu gian khổ hy sinh ở chiến trường xa, các chị còn phải nuôi con nhỏ và  “ lo liệu bao nhiêu việc đời” từ việc nhà đến việc nước.
Còn các anh, mặc dù ở chiến trường ác liệt, vẫn luôn tâm niệm một điều:
Chiến trường ác liệt kinh hoàng,
Cùng bao đồng đội sẵn sàng tử sinh.

Nhớ về người vợ, các anh còn nhớ thương bố mẹ, các con:

Thương nàng vất vả một mình,
Càng thương con nhỏ thiếu tình người cha.
Đôi bên cha mẹ đã già,
Vắng tôi, chắc hẳn mẹ cha cũng buồn!
Nhớ nàng, càng nhớ con hơn…

Dù thương, dù nhớ như thế, dù chiến tranh gian khổ ác liệt là thế, các anh vẫn luôn nghĩ: mình có thể hy sinh, có thể không còn lành lặn nếu may mắn được trở về sau cuộc chiến, nhưng:

Chí trai giữ trọn lời nguyền,
Vui lòng cha mẹ, đẹp duyên tôi mình.
Thương đau nhưng rất hiển vinh,
Hiếu trung trọn vẹn, nghĩa tình thủy chung.

So với 7 chiến sĩ đồng hương đã hy sinh, anh được ở trong số bốn người may mắn hơn. Sau khi bị thương, anh được ra miền Bắc an dưỡng, rồi học thêm, ôn luyện, vào học tại Trường ĐHSP Hà Nội, về giảng dạy tại  trường cấp 3 của huyện. Về nghỉ chế độ, anh tiếp tục tham gia công việc ở xóm làng, góp phần xây dựng quê hương sau chiến tranh. Anh lại được “ ba cùng” với người vợ yêu dấu. Tuổi ngày một cao, nay anh đã xin nghỉ công tác xã hội, nhưng vẫn rất quan tâm đến công việc xóm làng, công việc của Hội Cựu Chiến binh, hội Cựu Giáo chức, hội Người Cao tuổi; vợ chồng già chăm sóc động viên nhau, giúp đỡ và giáo dục con cháu.

Vừa dí dỏm nhưng cũng rất chân thật với người bạn đời: Sau này, một trong hai người sẽ có “chuyến đi xa, xa là xa hẳn”; đi trước người kia. Đó là quy luật cuộc đời

Duyên trời tới đó đủ rồi,
Người còn, gánh trọn nghĩa đời tình duyên!

Bài thơ của anh hay ở chỗ toát lên được tình cảm yêu thương giữa vợ chồng, cha con, người thân. Riêng tình cảm vợ chồng, phải nói họ yêu nhau từ khi trẻ đến khi già:
                    Nàng yêu tôi lắm, tôi khen nàng nhiều.
                              Thương bà, bà lại thương tôi hơn nhiều!

Cái hay của bài thơ còn ở chỗ nói  rất thật, không tô vẽ hoặc lên gân. Chiến tranh gian khổ, ác liệt thì nói là gian khổ ác liệt. Thương nhớ người thân, mong mỏi cái may mắn cũng là rất thật, và thật cho đến cuối bài thơ. Nghe anh tâm sự, khi làm bài thơ này các con không thích đoạn cuối lắm, vì nói đến chia ly, cách biệt. Anh giải thích với các con: Chiến trường ngày xưa gian khổ là thế, bố còn may mắn hơn bao đồng đội của mình. Được trở về sau chiến tranh, được sống như thế này là hạnh phúc lắm rồi. Vả lại bố mẹ cũng cao tuổi rồi, sinh lão bệnh tử là quy luật muôn đời, có gì mà phải ngại?
Vì nghĩ như thế, anh chị hẹn nhau trọn nghĩa vẹn tình đến khi “duyên trời đã đủ”./.
                                                                     Người giới thiệu: Lê Đình Ngạn

                             --------------------------------------

Bài thơ của tác giả Lê Nho Bá:

                                                    TRỌN NGHĨA VẸN TÌNH

                                                              Kỷ niệm 50 năm chung sống.

Vợ tôi chẳng xấu, chẳng xinh,
Vợ tôi hay lắm, riêng mình tôi khen!
Vợ tôi chẳng yếu, chẳng hèn
Nàng yêu tôi lắm, tôi khen nàng nhiều.
Vợ tôi hiền dịu đáng yêu,
Kiệm cần lo liệu bao nhiêu việc đời.

Tháng năm nàng phải xa tôi
Trong thời đánh Mỹ, ngậm ngùi chờ mong.
Đêm ngày những ngóng cùng trông,
Trong này tôi cũng mong không kém nàng.
Chiến trường ác liệt kinh hoàng,
Cùng bao đồng đội sẵn sàng tử sinh.
Thương nàng vất vả một mình,
Càng thương con nhỏ thiếu tình người cha.
Đôi bên cha mẹ đã già,
Vắng tôi chắc hẳn mẹ cha cũng buồn!
Nhớ nàng, càng nhớ con hơn;
Sa trường chinh chiến khôn lường phận may.
Tình ta sâu thẳm đêm dầy
Những mong được chút phận may tới mình.
Nàng ơi trong cuộc chiến chinh
Tôi đâu dám ước thân mình vẹn nguyên.
Chí trai giữ trọn lời nguyền,
Vui lòng cha mẹ, đẹp duyên tôi mình.
Thương đau nhưng rất hiển vinh,
Hiếu trung trọn vẹn, nghĩa tình thủy chung.

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông;
Tôi mình lại được ba cùng bên nhau!
Mỗi khi mình ốm tôi đau,
Thuốc men, cơm cháo chăm nhau tận tình.
Hoàng hôn rồi tới bình minh
Nghĩa tình nồng thắm tôi, mình sướng vui.

Giờ nay tuổi đã già rồi,
Thương bà, bà lại thương tôi hơn nhiều!
Tháng ngày sớm sớm chiều chiều
Đi đâu bà cũng đôi điều dặn tôi.
Về nhà thấy nét mặt tươi,
Thế là hạnh phúc nhất tôi với bà!

Mai ngày còn chuyến đi xa…
Xa là xa hẳn giữa bà với tôi.
Duyên trời tới đó đủ rồi,
Người còn, gánh trọn nghĩa đời tình duyên!

                                                                                                               Đại Mão-  tháng 12  năm 2012

                                       ==========================================