Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

NGHỀ LÀM OSHIN Ở MỸ

Nghề làm "Oshin" ở Mỹ
Ở Việt Nam có người giúp việc, chị em phụ nữ được giảm nhẹ công việc gia đình, có thêm thời gian làm chuyên môn, tham gia công tác xã hội cũng như tận hưởng một chút các hoạt động giải trí như xem phim, nghe hòa nhạc, đi thăm bè bạn.Tuy nhiên, hệ lụy của việc có Oshin trong nhà không phải là nhỏ. Còn Oshin ở Mỹ là ai?
Đây là những “người giúp việc” cao cấp, phần lớn là phụ nữ, làm việc hết mình mà lại không có lương. Họ đều có trình độ học vấn và làm bất cứ việc gì để phục vụ cho cộng đồng du học sinh. Có thể chia Oshin cao cấp thành ba nhóm.
📷“Oshin toàn tập” - Ông, Bà, Vợ và Học giả
Nhóm thứ nhất được gọi là “Oshin-Vợ”, gồm những người vợ, khăn áo theo chồng sang Mỹ làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh, hoặc theo bất cứ một chương trình học tập, nghiên cứu ngắn hạn nào đó. Đó là những người phụ nữ tần tảo, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, hy sinh hết thảy chỉ để chăm sóc và tạo mọi điều kiện cho sự thành công của chồng.
Làm nghiên cứu sinh kéo dài tới 7-8 năm là chuyện không còn hiếm. Nhiều người vợ khi ra đi còn rất trẻ, có người chỉ mới tốt nghiệp đại học, chưa đi làm, khi chồng học xong thì đã tay bế tay bồng mấy đứa con. Và không ít Oshin trong thời gian sống ở Mỹ, đã tranh thủ đi học thêm vài nghề khác, hoặc kiếm thêm một bằng thạc sỹ.
Nhiều người nghĩ rằng những người phụ nữ này quá may mắn, hạnh phúc vì nhờ có chồng mới sang được “miền đất hứa”. Nhưng công bằng mà nói, họ là những người biết chấp nhận hy sinh. Nhiều người bỏ cả sự nghiệp của mình để đồng cam cộng khổ với đức lang quân trong nhiều năm đèn sách, lều chõng đi thi.
Họ quán xuyến hết việc nhà, nuôi dạy con cái, lại kiếm cả tiền nuôi chồng con những lúc học bổng không còn. Rồi quá thời hạn cho phép, cần chứng minh trong tài khoản phải có một số tiền nhất định thì mới được chính phủ Mỹ cho phép gia hạn. Chính họ phải dùng những đồng tiền mồ hôi, chắt chiu để giúp cho chồng ăn học.
Nếu không có họ thì khó có sự thành công của những ông nghè thời nay. Những ông nghè trong thời kỳ đèn sách có một tổ ấm gia đình, sáng ra, có người xếp cơm vào túi, chiều về cơm dẻo canh ngọt đang chờ, chỉ chơi với con đôi ba phút cho đỡ căng thẳng rồi lại ngồi vào bàn làm việc. Mọi sự cơm áo gạo tiền đều đến tay Oshin-Vợ.
📷“Oshin - Vợ”
Điều đáng ngạc nhiên là Oshin-Vợ không chỉ là bà nội tướng mà còn tự mình vươn lên, tranh thủ đi học tiếng Anh, hòa nhập vào xã hội Mỹ, rồi học cao học. Không ít người sau khi bế con đến chúc mừng chồng nhận bằng tiến sỹ, thì cũng ẵm một bằng thạc sỹ, rồi có việc làm, lo kinh tế gia đình.
Quả thật con cháu bà Trưng bà Triệu vẫn phát huy truyền thống quật cường, cho dù chỉ là Oshin nơi đất khách quê người. Khó có thể kể tên những điều kỳ diệu mà những người vợ đảm đang, thủy chung, chịu thương chịu khó, đã làm để góp phần không nhỏ cho sự nghiệp trồng người của nước nhà.
Nhóm thứ hai có tên gọi là “Oshin-Bà”, hoặc “Oshin-Ông”. Đây là những ông bà nội, ông bà ngoại, bỏ hết công việc làm ăn, kinh doanh, hoặc bỏ cả những thú vui trong các câu lạc bộ khiêu vũ, câu lạc bộ thơ ca, vi vu 13,000 cây số, trên những chặng đường bay dài đến mấy chục tiếng đồng hồ, chuyển máy bay mấy lần, lại không biết tiếng Anh, để sang trông con cho các ông nghè, bà nghè tương lai yên tâm đèn sách.
Nếu cả hai ông bà cùng đi thì còn đỡ. Ngoài việc hỗ trợ nhau trông cháu, hai ông bà còn có cơ hội tìm hiểu nước Mỹ, ngay cả khi con cái không có thời gian đưa các cụ đi chơi. Có ông có bà, cuộc sống nơi đất khách cũng đỡ phần hưu quạnh.
Nếu chỉ có mình bà, thì ngoài việc làm Oshin ở Mỹ, trông con cho những bà nghè lắm chữ, nuôi dạy kiểu Tây, nhất nhất theo sách Tây, bà còn phải lo lắng trông về trời Nam xem “ông cháu” ở nhà thế nào. Có bà trước khi đi chưa hề sờ vào máy vi tính, nay trở thành chuyên gia của Yahoo messenger, Skype, với Face Book, bởi đó là con đường duy nhất hàng ngày theo dõi ông cháu ở nhà có ăn uống điều độ hay không.
Cứ tưởng đi Mỹ mà sướng à? Không đâu, sống trong bốn bức tường, nhìn ra ngoài tuyết trắng phau, lạnh đến run người, lại nghĩ giờ này ông cháu ở nhà thui thủi một mình, trong lòng không sao yên ổn được.
Nhưng thương con cháu, phải ráng ở cho hết thời hạn 6 tháng, cho con cái thi hết môn này, lại kết thúc bài báo kia. Rồi ông lại sang thay thế bà, khi đi hăm hở là được biết nước Mỹ đang giẫy chết ra sao. Đến nơi, lại thui thủi vào ra, không biết trông con cho chúng nó có được vừa ý không. Bật TV lên toàn là quảng cáo, tiếng Tây loạn xạ.
Ông bà nào sang cũng chỉ mong ngóng xem có người cùng cảnh như mình, để thỉnh thoảng giao lưu cho đỡ buồn. Nếu không có ông bà giúp đỡ, những ông bà nghè tương lai với số học bổng độ 1000 đô la mỗi tháng, mà gửi con tốn vài ba nghìn hàng tháng, thì có lẽ nhanh nhanh cuốn gói mà về, hoặc là nhịn sinh con. Không có “Oshin - Ông Bà”, chắc các ông nghè, bà nghè tương lai khó có thể về đích an toàn.
📷“Oshin - Ông Bà”
Nhóm thứ ba - “Oshin-Học giả” là chính những “bà nghè” tương lai, giành được cơ hội du học, lại tranh thủ mang con cái đi theo. Oshin nhóm này vừa học tập, nghiên cứu, vừa làm việc nuôi sống gia đình và dạy dỗ con cái.
Ở nước Mỹ, sống độc thân cũng đã nhọc nhằn với một mớ giấy tờ tùy thân, nào thẻ tín dụng, nào bảo hiểm y tế, nào thẻ an sinh xã hội. Nếu mang theo một, hai đứa con thì có lẽ đọc hết thư từ trường học của con gửi về, rồi nhận email, với các tin nhắn trong điện thoại về công việc liên quan đến con mình cũng đã hết ngày.
📷“Oshin - Học giả” mẹ Nguyễn Tô Lan - Harvard Yenching
Ngoài áp lực của việc học tập, nghiên cứu, Oshin phải về nhà đúng giờ đón con vì nhà trường ở Mỹ không cho phép để con lang thang, hoặc tự đi về nhà sau khi tan trường lúc 2-3 giờ chiều. Oshin đang ngồi trong thư viện, hoặc phòng thí nghiệm lại cuống quýt chạy ra bến xe cho kịp giờ đón con. Đang đi nghe hòa nhạc do con mình biểu diễn,
Oshin lại lo nơm nớp đêm nay sẽ thức đến 2-3 giờ sáng để viết xong bài, hoặc đọc hết cuốn sách cho buổi học ngày hôm sau. Ngày nghỉ phải chia làm ba phần rõ rệt: học, giặt giũ, chuẩn bị thức ăn cho cả tuần, và dành thời gian cho con. Nói thì dễ nhưng thực hiện hằng hà sa số việc không tên, khiến “Oshin-Học giả” luôn mệt mỏi. Nhưng phải ráng thôi, thành công của mẹ không thể có được nếu thiếu thành công của con.
📷“Oshin - Học giả” bố Đỗ Anh Tuấn - UMASS Lowell
Riêng các hoạt động khoa học đã choán hết thời gian, nên Oshin lúc nào cũng thấy có lỗi là không đến các câu lạc bộ mà con tham gia, các buổi họp phụ huynh cũng như các hoạt động của nhà trường cần có sự có mặt của cha mẹ.
Oshin này lo cơm áo gạo tiền, không thể vung tay quá trán, nên thường chạy vài ba siêu thị vào ngày nghỉ xem chợ nào bán đồ rẻ hơn, hoặc món đồ nào đang on-sale. Hối hả nấu vài món ăn ngon cho con cái được thưởng thức. Nên Oshin quay như chong chóng. Đây đúng là Oshin cực kì đắt giá mà lại không có ai trả lương. Sự thành bại của họ đều phụ thuộc vào khả năng biết cân bằng mọi công việc và sử dụng thời gian hợp lí.
Nếu ở Việt Nam, câu lạc bộ Oshin là nơi tán gẫu, than thở về chủ của mình, thì ở đây, Oshin cũng gặp gỡ nhau, nhưng chính là để giao lưu, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm nuôi con, nuôi cháu, mua bán, đi tham quan, và tìm hiểu nước Mỹ, cập nhật thông tin từ Việt Nam. Oshin ở Mỹ làm việc hết mình, không được trả lương và luôn là những người đóng góp thầm lặng cho biết bao ông nghè bà nghè tương lai.

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

ĐẠI MÃO TỔ CHỨC NGÀY HỘI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

           Hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam 18-11, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ  Việt Nam đã ban hành hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là một hoạt động thiết thực, bổ ích được tổ chức hằng năm tại các khu dân cư trong cả nước với mục tiêu tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc; yêu cầu đại đoàn kết trong thời kỳ đổi mới đất nước; về lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của MTTQ Việt Nam trong lịch sử dân tộc; vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tại Ngày hội, người dân có dịp đánh giá kết quả triển khai các mặt công tác của MTTQ, nhất là việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư.
          Ngày Hội Đoàn kết toàn dân thôn Đại Mão tổ chức vào ngày 12-11-2017, tổng kêt công tác của thôn  trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng như việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong năm 2017, xây dựng phương hướng, chương trình phối hợp hành động năm 2018; khen thưởng các tập thể cá nhân có nhiều thành tích và tặng quà cho các hộ nghèo.
          Trang TVGL Đại Mão Trung Thôn xin giới thiệu  bài phát biểu của ông Lê Đình Ngạn – Chi hội trưởng Hội CGC thôn tham luận trong Hội nghị. 
                                    ---------------------------------------------------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
                                                      ----o0o-----
                                                                          Đại Mão  ngày  12   tháng 11 năm 2017
BÀI PHÁT BIỂU
TRONG NGÀY HỘI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN NĂM 2017
                                             ---------------------------------                             
        Kính thưa:              - Các đ/c lãnh đạo xã và cơ sở thôn
                                        - Các đ/c trong ban tổ chức hội nghị
                                        - Các cụ cao tuổi và toàn thể các  đại biểu tham dự hội nghị.

            Hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam 18-11, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ  Việt Nam đã ban hành hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là một hoạt động thiết thực, bổ ích được tổ chức hằng năm tại các khu dân cư trong cả nước với mục tiêu tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc; yêu cầu đại đoàn kết trong thời kỳ đổi mới đất nước; về lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của MTTQ Việt Nam trong lịch sử dân tộc; vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tại Ngày hội, người dân có dịp đánh giá kết quả triển khai các mặt công tác của MTTQ, nhất là việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư.
          Nhân ngày Hội Đoàn kết toàn dân thôn Đại Mão hôm nay, tôi rất vui mừng  được tham dự và tự hào về sự đổi mới của quê hương, phấn khởi trước những thành tích của thôn ta trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng như việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước mà quê hương ta đã đạt được, như BC của Ban công tác Mặt trận thôn đã trình bầy.
         Được sự gợi ý của đ/c Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tôi xin phát biểu một vài ý kiến về việc toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục,  về công tác đền ơn đáp nghĩa, thương người của quê hương ta.

          Chúng ta đều biết Đại Mão hay làng Giữa- Trung Thôn là một đơn vị cơ sở lớn nhất trong 9 thôn thuộc xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành. Hiện  toàn  thôn có hơn 1000 hộ với gần 4000 khẩu sống tại địa phương ( Theo điều tra 374 năm 2015). Là một nơi đất chật, người đông, lại là nơi có nhiều cơ sở công cộng của xã đóng tại địa phương như Trụ sở UBND xã (cũ);  trường Mầm Non, trường Tiểu học, trường THCS, Trạm xá xã và nhiều công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn…Về lịch sử, phong tục tập quán quê hương ta có nhiều nét đẹp. Chính vì vậy nhiều nơi xung quanh đã cổ vũ, động viên gọi làng Giữa là một làng Văn Hiến.
           Nhưng Văn hiến là gì thì nhiều người cũng còn khá lúng túng, giải thích khác nhau. Bản thân tôi từ nhỏ cũng đã có ý thức tìm hiểu ý nghĩa của từ này. Có lần tôi hỏi Cụ giáo Lê Doãn Ưu thì cụ cũng không nêu định nghĩa mà chỉ giải thích: Làng mình được thiên hạ suy tôn là làng văn hiến vì có nhiều người học tập đỗ đạt cao từ xưa tới nay, có nhiều thuần phong mỹ tục; đặc biệt dân thôn đoàn kết, biết bảo ban nhường nhịn nhau và đặc biệt là ít kiện cáo lên các cửa quan vì chỉ có lợi cho quan lại, bản thân những người liên quan đều chịu thiệt.
          Sau này, khi có điều kiện tìm hiểu thêm, tôi được biết có rất nhiều định nghĩa về văn hiến.
           Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức (1970) định nghĩa văn hiến là “sách hay và người tài”; theo nghĩa bóng là “sự tổ chức học hành để tiến tới chỗ khôn khéo”.
           Khổng Tử (551-479 TCN) từng nói đến văn hiến. Trong Luận ngữ (Bát dật) có câu: “[Họ không làm thế] vì văn hiến không còn đủ nữa. Nếu còn đủ, ta có thể viện dẫn làm chứng [cho lời ta].” (Văn hiến bất túc cố dã. Túc, tắc ngô năng trưng chi hĩ ).
            Theo 1 tác giả người Pháp Legge hiểu văn hiến là kinh sách và người hiền (records and wise men). Có lẽ cả Legge lẫn Đào Duy Anh và Lê Văn Đức đều theo cách hiểu của Chu Hi (1130-1200) vì Chu Hi chú thích lời của Khổng Tử như sau: “Văn là kinh điển, sách vở; hiến là hiền tài.” (Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã).
Từ điển điện tử Từ bá (Đại học Bắc Kinh, 2006) đã loại bỏ yếu tố “người hiền, tài giỏi” ra khỏi nội dung văn hiến khi định nghĩa như sau: Văn hiến  [wénxiàn] (document; literature): sách vở có ý nghĩa lịch sử hoặc có giá trị nghiên cứu (hữu lịch sử ý nghĩa hoặc nghiên cứu giá trị đích thư tịch )
               Lịch sử văn học thành văn của Việt Nam chỉ có thể tính từ thời Bắc thuộc, tức là lúc Sĩ Tiếp (sử Việt thường chép là Sĩ Nhiếp, 187?-266) truyền bá Hán học tại Giao Chỉ, và Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15) bảo “nước ta trở nên một nước văn hiến bắt đầu từ đó”. Tính từ đời Hán (206 TCN – 220 CN) đến nay, nếu theo định nghĩa của Từ bá như dẫn trên, bề dày văn hiến của Việt Nam chỉ có khoảng hơn 2.000 năm lịch sử mà thôi.
              Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh (1932) định nghĩa văn hiến là “sách vở và nhân vật tốt trong một đời”.
            Một số từ điển khác thì định nghĩa:
+ Văn hiến: truyền thống văn hóa lâu đời. Ví dụ trong câu: VN tự hào bốn ngàn năm văn hiến.
+ Văn hiến: Truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.Ví dụ trong câu: Đất nước ngàn năm văn hiến.
        Theo Viện từ điển học và bách Khoa toàn thư VN:
         + Văn hiến :  Truyền thống văn hóa  tốt đẹp và lâu đời.
 Chu Hy đời Tống bên Trung Quốc thì chú thích 1 câu trong sách Luận ngữ như sau:” văn là điển tịch; hiến là tốt đẹp tài giỏi” như vậy văn hiến nguyên nghĩa là văn chương sách vở hay, bảo tồn truyền thống văn hóa lâu đời.
      Tạm bỏ qua việc tìm hiểu ý nghĩa của từ văn hiến, đi sâu vào lý giải tại sao làng Giữa ( Đại Mão hay Trung Thôn)  được suy tôn là đất văn hiến, tôi đồng tình với lý giải của cụ giáo Ưu giải thích tại sao làng Giữa được các vùng xung quanh khen là một làng Văn hiến: vì quê ta là một làng cổ có từ lâu đời, có nhiều truyền thống tốt đẹp, nhiều thuần phong mỹ tục, người dân đoàn kết, có văn hóa, ứng xử nhân văn.
         Hiện nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, làng ta đã có nhiều đổi thay về cơ sở vật chất hạ tầng, vẫn giữ được nhiều nét đẹp về phong tục tập quán; song do dân số đông hơn 4 ngàn người, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, còn nhiều vấn đề làm người dân chưa vui. Đạo đức có những biểu hiện xuống cấp, môi trường còn chưa thật sạch đẹp; ăn uống còn hơi xô bồ, mê tín dị đoan bắt đầu nẩy nở…                                                  
          Với tình hình nói trên, trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng đồng nghĩa với việc tổng kết phát huy những giá trị, truyền thống tốt đẹp của một làng đã từng được suy tôn là làng văn hiến.
          Theo suy nghĩ cá nhân, làng Giữa có nhiều truyền thống đẹp, tập trung vào một số nội dung sau:
1-Truyền thống cần cù lao động; biết lao động khéo và có hiệu quả.
        Từ xa xưa, người làng Giữa đã chịu thương chịu khó, lao động hết mình san đồng lấp trũng để có đồng ruộng phì nhiêu như ngày nay. Từ khi có đê đại hà trước làng,ruộng đất của làng bị chia làm đôi,trong và ngoài đê, người dân canh tác cả hai khu, giỏi cấy lúa nhưng cũng giỏi cả trồng màu. Sau này, đất chật người đông, dân làng còn đi xa cả chục cây số xuống tận Đồng Vàng, Nhiễm Dương, ra tận Thanh Khương khai phá đất hoang cấy lúa.Ở trong đồng bãi thì cấy lúa tái giá, trồng ngô, đỗ, đay, mía, cà rốt, trồng dâu nuôi tằm, trồng các loại chuối, rau để ăn và cung cấp cho thị trường xung quanh.
            Bao năm lũ lụt, chống chọi với thiên nhiên; ngoài làm ruộng người làng còn biết dệt vải, làm thợ mộc, thợ xây, và nay lại giỏi may vá, kinh doanh đủ nghề…Khái quát lại, từ xưa tới nay người làng Giữa đều chịu khó làm, làm khéo tay nhiều  nghề và biết tính toán, có hiệu quả kinh tế. Vì vậy nói chung kinh tế của các gia đình, cơ sở hạ tầng của làng khá hơn các làng xung quanh. “Nhàn cư vi bất thiện”, còn phải phụ giúp cha anh, thanh thiếu niên ít chơi bời lêu lổng hơn nơi khác.
2-Truyền thống ham học; có nhiều người học khá giỏi.
        Chịu khó lao động chân tay, người làng còn chăm chỉ học hành.Từ xa xưa, các cụ thường cho con học dăm ba chữ “ để làm người” nhưng đã có nhiều người học hành đỗ đạt khá, văn võ toàn tài. Có thể kể đến các cụ:
 + Cụ Nguyễn Đình Khuê, (cụ là con rể Trạng nguyên Nguyễn Lượng Thái), sinh năm 1533, năm 36 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Sùng Khang 3 (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
+ Cụ Trịnh Đức Vận sinh năm 1646, năm 38 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
+ Cụ Lê Doãn Chất , là cụ tổ 4 đời của tiến sĩ Lê Doãn Giản, Lê doãn Thân làm quan đến chức Đông các đại học sĩ. làm quan thời Hậu Lê, giữ chức nghi điển ( chuyên coi về việc thi cử, soạn đề và làm chánh chủ khảo các kỳ thi hương; giám khảo các kỳ thi hội. Học trò của cụ có đến hơn 50 cử nhân, trong đó có nhiều người thành đạt .
+ Cụ  Lê Nho Khoa   hương nguyên sĩ vọng (2 lần thủ khoa) làm quan đến chức Đại phu lễ bộ tả thị lang ( Bộ trưởng bộ Lễ,  tương đương Bộ giáo dục hiện nay )
   Cụ là người thông minh trí dũng toàn tài; tính tình khoan dung độ lượng.Cụ đỗ hai lần thủ khoa vào thời Hậu Lê. Khi nhà Lê mới đánh  tan nhà Mạc, ở vùng Phú Thọ bấy giờ giặc giã nổi lên nhiều vô kể, chúng thi nhau cướp bóc, ức hiếp dân lành, các quan cai trị tại địa phương cũng phải bỏ chạy. Triều đình cử cụ Lê Nho Khoa về trấn ải ở vùng Đà Giang, Lâm Thao. Cụ đã dùng mưu bắt sống tướng giặc Nông Quận, giải về Triều.
    Vua Lê vui mừng khen ngợi cụ, ban cho mũ áo, lụa tiền và 6 chữ “ Văn thần trung, vũ thần tại”.Nhân dân trong vùng coi cụ như một vị cứu tinh.
 + Cụ Lê nho Thạc ( Hiến Hồ ) làm quan đến chức Hiến phó sát sứ Sơn Nam ( như quan đốc học tỉnh Nam Hà).
    Cụ là một trong những thầy giáo của quan Bảng nhỡn Lê Quý Đôn nổi tiếng.  Cụ cũng là thầy dạy của 2 tiến sĩ lê Doãn Giản, Lê Doãn Thân.
+ Cụ  Lê Doãn Giản  sinh năm 1715, năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Cảnh Hưng 4 (1743) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Công, Hành sơn nam, Thừa chính sứ.
+ Cụ  Lê Doãn Thân  sinh năm 1720, năm 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Thừa chính sứ, Tứ xuyên bá.
+ Cụ  Lê Quýnh ( 1750-1805): Cụ là quan nhà Lê Trung hưng, còn có tên là Lê Doãn Hữu, con trai của tiến sĩ Lê Doãn Giản. Hiện ở Hà Nội có đền thờ cụ và các trung thần đời Lê.
+ Cụ  Đỗ Trọng Vỹ  sinh năm Kỷ Sửu (1829), đỗ cử nhân khoa Giáp Tý, đời vua Tự Đức 17 (1864 –đồng môn với quan Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và ông nghè Dương Khuê), làm quan đến chức án Sát sứ các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng. Khi thực dân Pháp xâm lược Bắc Kỳ, cụ cáo bệnh về ở ẩn, nhưng được mời ra giữ chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh, chính cụ là người đề cao nền văn hiến xứ Kinh Bắc và truyền thống hiếu học khoa bảng của nước nhà. Cụ là người cho di dời Văn Miếu tỉnh Bắc Ninh từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức năm 1893 và hưng công xây dựng lại Văn Miếu hàng tỉnh này. Cụ cũng là người cho dựng 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương” ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc. (Theo Gia phả họ Đỗ, cụ là người chủ trương xây Văn Chỉ ở tổng Thượng Mão và một số công trình khác ở Thuận Thành).
 Hiện ở Thành phố Bắc Ninh có một con đường mang tên cụ, nối từ đường Lý Thái tổ vào trường Chuyên Bắc Ninh (cũ)
          Sang thời đại mới, làng cũng có nhiều người sớm đi học và tốt nghiệp đại học như các ông Nguyễn Đình Thướng, Lê Doãn Bối, Lê Doãn Yển, Lê Nho Nùng v.v… đều có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quê hương và tỉnh huyện…
        Vì có nhiều người chăm chỉ  học tập rèn luyện, trong làng đã có hàng mấy trăm người có Bằng Đại học, Thạc sĩ. Có những Tiến sĩ  thời mới như Lê Đình Đạt, Lê Đình Tự, Vũ Huy Hưng…( chưa kể đến các thành viên họ Đỗ xa quê). 
          Có một bài báo gần đây nói về quê hương ta gọi đây là “quê thầy, đất thợ”. Kể ra cũng đúng vì làng có hàng trăm người đi dạy học.Trong khoảng hơn  200 các thầy cô giáo người Đại Mão đã và đang dạy học ở địa phương và các vùng miền khác ở các cấp PT và ĐH, có nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý lâu năm như các thầy Lê Nho Bảo, Lê Doãn Đằng, Đỗ Trọng Diệp, Lê Đình Nghiễn, Nguyễn Hữu Kim, Lê Nho Tài, Lê Nho Thu, Lê Doãn Cự, Lê Nho Nhị, Lê Thị Hường , Lê Thi Trang, Lê Thị Năm, Nguyễn Hữu Thử, Trịnh Đức Khái, Lê Nho Thấm, Nguyễn Hữu Chiến, Nguyễn Thị Phương Viên, Nguyễn Hữu Chế, Nguyễn Hữu Nghị, Lê Nho Thắng...Có nhiều thầy giáo dạy giỏi như Lê Nho Tỳ, Trịnh Đức Khanh, Lê Nho Ánh….Thầy giáo Lê Nho Nùng đã từng làm GĐ Sở GD, thầy Lê Đình Thanh làm Trưởng phòng, các thầy giáo Lê Đình Ngạn, Trịnh Đức Khanh, Lê Nho San, Nguyễn hữu Triết, Nguyễn Hữu Thanh, Lê Đình Hưng đã và đang làm cán bộ quản lý bậc THPT. Số GV cấp 3 người làng Giữa có thể đủ dạy 1 trường THPT, giáo viên trường TH, THCS xã đa số là người làng.
        Ngay trong Hội CGC - hội viên là cán bộ công nhân viên ngành GD đã về hưu, chi hội Đại Mão đã có gần 80 người trên tổng số 100 người trong toàn xã HT và có thể gấp đôi số hội viên CGC của một số xã trong huyện.
        Con em Đại Mão được phổ cập giáo dục vào loại rất sớm so với địa phương và cả nước. Khi tôi đang là HT trường THCS xã nhà, số HS bỏ học khi đang học cấp II rất ít so với các thôn trong và ngoài xã. Hiện đa phần các cháu thanh niên đều TN THPT, nhiều cháu được học và TN các Trường Cao đẳng và Đại học trong cả nước, một số cháu đã được đi học tại nước ngoài. Số trúng tuyển vào ĐH, CĐ hàng năm tương đối nhiều (có lẽ chỉ sau xã Mão Điền)
         Làng ta là một trong số ít làng trong tỉnh có Thư viện Thôn, hiện có trên 5000 cuốn sách và nhiều báo, tạp chí. Thư viện do ông Lê Nho Thu làm CN, các ông Thu, Khái, Khoái làm thủ thư hàng tuần trực 3 buổi chiều cho độc giả đọc và mượn trả sách. Trang blog Thư viện giữa làng Đại Mão – Trung Thôn (Thuviengiualang.blogspot.com)  do ông Lê Đình Ngạn phụ trách có thể coi là một tờ báo điện tử của làng. Từ tháng 3 năm 2013 đến nay có gần 7 vạn lượt người, không những ở trong làng, trong nước mà còn có nhiều người đang sống ở nước ngoài truy cập  để theo dõi tình hình quê hương làng xã.
         Làng Đại Mão nay cũng có nhiều cố gắng trong việc động viên con em học tâp. Trong đó có việc xây dựng quỹ khuyến học. Có quỹ của làng, các dòng họ cũng đều có quỹ. Quỹ của nhiều họ có hàng 3-5 chục triệu đồng trở lên như Lê Doãn, Nguyễn Đình, Lê Nho, Lê Đình...để động viên con cháu học tập.
         Như vậy, làng ta từ trước tới nay có phong trào học tập tốt, đã có nhiều cụ đỗ đại khoa; hiện nay con cháu cũng nhiều người có trình độ cao, đi dạy học nhiều và có nhiều người giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp như các ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương, Lê Nho Nùng GĐ Sở GD; Nguyễn Hữu Thướng, Lê Đình Thanh Chủ tịch UBND huyện, và nhiều người quê làng Giữa khác nữa.
3-Truyền thống hăng hái tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước quê hương.          
          Thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám, làng ta đã có nhiều người tham gia, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
+ Cụ  Đỗ Thúc Phách   sinh 1895-mất 1957, đỗ Cử nhân khoa Ất Mão 1915. “Là một nhà giáo dạy ở Trường Pháp Việt ở Nam Định, Phủ Lạng Thương, sau xin từ chức về kinh doanh thực nghiệp và lập đồn điền. vào bậc Đại phú ở Bắc Việt, theo kháng chiến ở Việt Bắc” ( Trích Gia phả họ Đỗ ).
    Cụ là người xây nhà thờ cụ cử Đại ( con trai của cụ Đỗ Trọng Vỹ ) ở Đại Mão. Sau này khi cải cách ruộng đất ngôi nhà bị tịch thu, rồi đêm ra chợ Giữa làm nhà kho của Hợp tác xã và hiện nay được dỡ về làm nhà tiền tế ở Đình Làng.
Ở Bắc Giang, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhiều đảng phái phản động tranh chấp quyết liệt với Việt  Minh ( Quốc dân đảng, Đại Việt, Việt  Nam Quang Phục hội…) , tất cả đều tìm đến những nhà giàu có để khai thác, lôi kéo,dọa dẫm; nhưng cụ chỉ tin vào Bác Hồ, tin vào Việt Minh. Đi theo Bác Hồ từ năm 1947, cụ hiến toàn bộ ruộng đất cho cách mạng ( cỡ 1000 héc ta- 2700 mẫu bắc bộ ) ở đồn điền thuộc Hiệp Hòa – Bắc Giang. Cụ được cách mạng giao làm Hội trưởng hội Việt Hoa thân thiện, nhà cụ là nơi thường trú của các cơ quan đầu não của tỉnh, thường xuyên có 1 tiểu đoàn vệ quốc của tỉnh Bắc Giang đóng chốt. Khi mặt trận Liên Việt (….)  ra đời, cụ là ủy viên trung ương.
Tháng 3 năm 1948 , Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cụ và các con của cụ. Trong thư có đoạn :” Cụ và các cháu thật xứng đáng Toàn gia kháng chiến- Phụ tử giới binh”.
        + Cụ  Lê Nho Thành   tức Lê Nho Bổng  nguyên là  một lính khố đỏ ( lính chính quy – thời  Pháp bắt đi, như là nghĩa vụ quân sự, khác với lính khố xanh- địa phương quân). Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ được giác ngộ cáh mạng và tham gia Khởi nghĩa Bắc Sơn ( tháng 9 năm 1940) . Hy sinh năm 1944 tại Bắc Sơn. Trong cuốn "Đại Mão làng quê văn hiến", phần ghi về Danh sách các liệt sĩ của quê hương, tên ông được xếp đầu tiên.
+ Cụ  Lê Minh Nghĩa  tức Đỗ Nguyên Thành. Cụ tham gia phong trào học sinh yêu nước ở trường Bưởi. Năm 1945 tham gia cướp chính quyền ở Bắc Ninh. Được cử làm ủy viên quân sự, chính trị viên tỉnh đội; Phó đoàn đại biểu Bộ Tổng Tư lệnh trong Ban liên lạc thi hành Hiệp định Đình chiến Giơnevơ ( Hội nghị Trung Giã 1954), Đại tá -Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ. Cụ được thưởng Huân chương Độc Lập hạng nhất, an táng tại Nghĩa trang mai Dịch Hà Nội.
+ Cụ Nguyễn Hữu Chấn :  Ngay sau cách mạng Tháng Tám, cụ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Lâm thời thôn> Trong Kháng chiến,cụ được cách mạng cử làm Trưởng tề để đấu tranh hợp pháp với địch, ủng hộ kháng chiến. Cụ là bố đẻ của 2 liệt sĩ là Nguyễn Hữu Tẩm và Nguyễn Hữu Hựu. ( Ở Đại Mão còn có gia đình cụ Trịnh Đức Khu có 2 con là Liệt sĩ Chống Mỹ là Nguyễn Hữu Trọng và Nguyễn Hữu Đỗ )
+ Cụ Đỗ Trọng Tứ : một trong những thanh niên yêu nước tham gia các phong trào của Việt minh trước CM tháng 8 cùng các cụ Nguyễn Hữu Biên,Lê Nho Hiện,Nguyễn Đình Địch, Nguyễn Hữu Nhạn, Nguyễn Đình Gia, lê Doãn Nhung, Lê Doãn Bội, Lê Đình Thỉnh, Đỗ Tuấn Anh, Nguyễn Đình Tài, Nguyễn Hữu Tài,Nguyễn Hữu Nhạn…Nguyễn Thị Thanh,Đỗ Kim Thiện,Đỗ Thị Kiệm…
Là đảng viên đầu tiên của xã, ở Chi bộ ghép 3 xã ( Hoài Đức, Thượng mão và Mão Điền) thành lập năm 1947; trực tiếp phụ trách xã Thượng Mão . Năm 1948 cụ bị bọn giặc ở bốt Hồ và bọn gián điệp chỉ điểm bắt ngay tại nhà. Bọn giặc tra tấn dã man cả  cụ ông, cụ bà nhưng các cụ đều không khai báo gì về việc làm của mình và tình hình cơ sở. Cuối cùng bọn giặc bắt cụ đi tù ở bốt Hồ, Kẻ Sặt, Hà Nội… vẫn không khai thác được gì ở cụ. Do bị tra tấn nhiều, đói khát, bệnh tật… sức khỏe rất yếu địch thả cụ về, cụ lại tiếp tục hoạt động kháng chiến chống Pháp cho đến tháng 10 năm 1954 cụ mất. Sau 50 năm, tháng 5 năm 2014, cụ được nhà nước truy tặng danh hiệu Liệt Sĩ.
+ Cụ Nguyễn Hữu Biên : tham gia phong trào cùng các cụ nói trên. Được kết nạp vào Đảng trong những năm gay go nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi làm Bí thư, Chủ tịch xã, sau đó được điều động lên chiến khu. Sau hòa bình, cụ về công tác tại Tổng Công ty Xuất Nhập khẩu Lâm Thổ sản NAPOLIMEX ( Bí thư Đảng bộ ) - Bộ Ngoại Thương. Cụ là bố BS Nguyễn Hữu Phê ( Tuấn Anh ) - Khoa Hồi sức Bệnh viện Quân Đội 108- Hà Nội. Cụ mất năm 1971.
+ Cụ Nguyễn Đình Gia :  tham gia phong trào cùng các cụ nói trên. Trong quá trình hoạt động, cụ bị bắt và đầy đi tận Miền Nam. Sau này công tác tại huyện Thuận Thành ; làm Phó Phòng Lương Thực huyện.( đã mất )
Cụ  Đỗ Mạnh Khang tức trần Vũ, trưởng thành trong phong trào sinh viên, Chỉ huy trưởng quân sự huyện Gia Bình, hy sinh năm 1950. ( Xem thêm về thơ của tác giả Trần Dực –số 13 trên trang Thư viện này)
+ Cụ  Đỗ Tuấn Anh tức Trần Dực sinh năm Đinh Mão 1928. Lúc nhỏ, ông được học ở trường Bưởi, đỗ Trung học rồi Trung học Chuyên Khoa. Tháng 12-1944 tham gia Đoàn học sinh cứu quốc của Mặt trận Việt Minh tại trường, đi bộ đội tháng 2 năm 1947, vào Đảng CS tháng 8 năm 1947.
            Cụ từng giữ các chức vụ : Chính trị viên Trung đội 3, Đại đội Nghĩa quân (1947); Phó ban Chính trị Tỉnh đội BN ( 1948-1949); Phó ban Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Liên Khu Việt Bắc (1950); Trưởng ban Tuyên huấn Quân Khu Đông bắc (1955);  Chính ủy Trường Quân chính Quân Khu Đông bắc (1956-1957);  Tư lệnh Pháo Binh Quân Khu Đông Bắc ( 1964-1967); Tham mưu trưởng Pháo Binh mặt trận Tây Nguyên ( 1971-1972) và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải Quân Nhân dân Việt Nam.
            Cụ Trần Dực từng được đào tạo ở nước ngoài ( Tốt nghiệp Pháo Binh cao cấp Thẩm Dương TQ 1959- Học viện hải Quân Lêningrat ( Liên xô 1979 ) ; sử dụng được các ngoại ngữ Pháp, Trung Văn, viết tiếng Nga và khá thông chữ Hán. Là người dịch Bắc Ninh  Địa Dư chí của cụ Đỗ Trọng Vĩ, Âm chất diễn nôm của cụ Đỗ Dư… ông có nhiều công sức về việc biên dịch gia phả của dòng họ Đỗ Đại Mão, hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ( An Bình ).
+ Cụ  Lê Đình Thỉnh  sinh năm 1932, vào bộ đội chính quy vào loại sớm trong làng, đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở binh chủng phòng không, ông tham gia chỉ huy cùng đơn vị đánh máy bay Mỹ trong trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Về hưu với quân hàm Trung tá, cụ có ý thức tốt tham gia xây dựng địa phương.
+ Cụ  Đỗ Ngọc Châu  Con trưởng của cụ Đỗ Thúc Phách, nhân sĩ yêu nước nói trên.Sinh năm 1918, đỗ Tú Tài văn chương phần II từ trước CM tháng 8, thời kháng chiến 9 năm đã làm Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền Khu Việt Bắc, biên tập viên Tạp chí Học Tập ( Tạp chí Cộng Sản sau này). Hòa bình lập lại, cụ về học tại Trường Nguyễn Ái Quốc rồi làm chủ nhiệm khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi về hưu, cụ vẫn là một báo cáo viên có uy tín về những vấn đề quốc tế của Ban Khoa Giáo Trung ương.
+ Cụ  Lê Đình Kỉnh  Tham gia hoạt động từ thời KC chống Pháp, ủy viên thư ký UBHC xã, sau đó đi công tác tại Công ty Vật Tư . Cụ đã từng được thưởng Huy hiệu Hồ Chủ tịch, và được tặng Huân, huy chương Kháng chiến.
Cụ Kỉnh và cụ Tính là hai anh em ruột; là con cụ Vũ Thị Cấp cũng được Hội đồng chính phủ tặng Bằng Khen về thành tích nuôi dấu cán bộ, bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
+ Cụ  Trịnh Đức Tần  Tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp đi bộ đội , về nghỉ hưu  với cấp bậc Trung tá, về còn tham gia phong trào Người Cao tuổi tại địa phương.
+ Cụ  Nguyễn Đình Địch  tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp, là chủ tịch xã một số năm, cán bộ Nông trường Tam Thiên Mẫu (mới mất).
+ Cụ  Lê Đình Tính    Tham gia hoạt động trong phong trào thanh niên thời KC. Vào bộ đội năm 1953, rồi chuyển sang Công an nhân dân vũ trang, rồi chuyển ngành sang làm cán bộ ngoại thương. Năm 1965 tái ngũ, cụ tham gia quân tình nguyện đi chiến đấu tại chiến trường Lào. Đã từng là Trưởng ban Tổ chức cán bộ Bộ Tham mưu Quân khu Thủ đô. Về hưu 1983  với hàm Thiếu tá.
+ Cụ  Nguyễn Đình Tài tham gia  hoạt động từ thời KC chống Pháp,là chủ tịch xã một số năm, chuyển sang làm cán bộ Ty Giao thông thời chống Mỹ, là bố đẻ của Liệt sĩ Nguyễn Đình Nha.
                Phát huy truyền thống quê hương, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau  hòa bình thống nhất đất nước, có nhiều  người  cũng có cố gắng, phấn đấu trong  mọi lĩnh vực công tác đạt những kết quả đáng biểu dương:
+ Ông  Lê Đình Đạt   Tiến sĩ, được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 12 năm 2011,  hiện là  Cục trưởng Cục  Tiêu chuẩn  Đo lường chất lượng -  Bộ Quốc phòng.
+Ông    Nguyễn Hữu Tụy    Đại tá ( đã nghỉ hưu)
   + Ông Nguyễn Đình Long    Đại tá ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Doãn Huy  Đại tá, tư lệnh pháo binh Quân khu I (đã nghỉ hưu)
+ Ông  Nguyễn Hữu Tuệ  Đại tá, Trường Quân Chính Quân khu 1 ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Lê Nho Tụy  Đại tá, Công an tỉnh Bắc ninh ( đã nghỉ hưu)
+ Ông  Đỗ Trọng Khuê  Đại tá Tiến sĩ,
+ Ông  Nguyễn Đình Luyện  Đại tá Thạc sĩ, Cục phó Cục cơ yếu
+ Ông  Lê Nho Thiết  Đại tá, Học viện Kỹ thuật quân sự.
+Ông  Lê Đình Thịnh    Đại tá – công tác tại Cục Đo lường BQP
+ Ông Nguyễn Đình Mến Đại tá, Học viện Lục quân
+ Ông Lê Doãn Thanh  Thượng tá
+Ông  Trịnh Đức Hinh Thượng tá
+Ông  Lê Doãn Lược   Thượng tá ….
    Có nhiều người khác đã là sĩ quan phục vụ trong quân đội và công an ( các ông Lê Doãn Yển, Lê Doãn Lương, Lê Doãn Thanh, Nguyễn Đình Luyện, Trần Hữu Mạch, nguyễn Viết Phan… đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực đóng góp cho quê hương. Hiện có  nhiều anh chị em khác còn đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang.
    Trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến bảo vệ biên giới hoặc đi làm nghĩa vụ quốc tế, Đại Mão đã gửi nhiều người con ra trận trực tiếp cầm súng hoặc phục vụ chiến đấu như  đi dân công, thanh niên xung phong…Có 47 người được công nhận là Liệt Sĩ và cấp Bằng Tổ Quốc Ghi Công ( Chống Pháp 16 người, sau chống Pháp 31 người ). Có 3 Mẹ được tặng DH mẹ VNAH.
4-Truyền thống đoàn kết dân thôn.
          Trong những lúc khó khăn, người làng Giữa giúp nhau  tận tình trong cơn hoạn nạn.  Có những lúc đói kém, còn lũ lụt hoặc đi làm đồng xa hàng chục cây số, mọi người đều vui vẻ giúp nhau.  Khi nhà có việc như có đám hiếu, đám cưới, làm nhà… thậm chí có lúc cháy bếp, cháy nhà… họ đương, xóm giềng đều quan tâm chăm sóc. Trong làng ít có chuyện đánh nhau, cãi vã xảy ra.Không có chuyện cậy tổ to, họ lớn chèn ép nhau. Khi có tranh chấp mọi người đều nhịn nhường, công tác hòa giải được Tổ công tác Mặt trận, Hội PN làm tốt. Không có nhiều vụ việc phức tạp xảy ra ở địa phương.
         Ban Công tác Mặt trận thôn, dưới sự chỉ đạo của chi bộ, với sự cộng tác của BQL thôn đã  cùng với các đoàn thể phối hợp tổ chức nhiều cuộc vận động đạt kết quả tốt , nhất là cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
5-Truyền thống khiêm nhường, sống có trách nhiệm với cộng đồng làng xã. Có nhiều phong tục đẹp cần giữ gìn.
Tôi nhớ cụ Lê Nho Lãng có 1 bài thơ chữ Hán nói về làng Giữa, có nói về một truyền thống của làng : đó là đức tính khiêm tốn của người Đại Mão:
                          Trung Thôn kim cổ nhân khiêm nhượng
                                 Đại Mão hào hoa vạn thế anh.
   Được thụ hưởng sự dạy dỗ của cha anh, con cháu Đại Mão thường có tính khiêm tốn, ham hỏi hiểu biết, rất ít thanh niên ngổ ngáo, khó bảo; rượu chè , trai gái bê tha và mắc các tệ nạn xã hội.
    Trong gia đình, con cháu thường ngoan ngoãn, biết nghe, “ biết sợ” ông bà, bố mẹ, anh chị em. Ở trong thôn, biết kính trên nhường dưới và tuân theo những quy định của xóm, của làng.
    Thanh niên Đại Mão không ngại tham gia phục vụ việc làng ( đám tang, lễ hội…) và các công việc đột xuất hoặc được làng xã huy động. Nhiều Hội đồng niên, đồng học góp công góp tiền tham gia tu bổ tôn tạo đình chùa và các công trình công cộng, cùng các bậc bề trên giáo dục và chăm sóc thiếu niên.
    Mọi gia đình trong làng đều tích cực tham gia đóng góp tu bổ Đình, Chùa. Gần 100% các gia đình có hảo tâm xây dựng Đình và Cổng Đình, xây dựng tôn tạo các Điếm Xóm, Giếng hoặc Ao Xóm; trong đó có nhiều người sống xa quê. Nhiều người ủng hộ mua ghế đá, trồng cây tại Đình, Nghè, Chùa, tại khu công cộng từng ngõ xóm làm cảnh quan Đại Mão ngày càng đẹp thêm.
  Người lớn Đại Mão thường không nói tục nói bậy. Chính vì vậy trẻ em cũng ít nói bậy, đánh cãi chửi nhau mà nói năng lịch sự văn minh hơn các nơi khác. Cụ thể trong gia đình, tôi sống  với mẹ già hơn 103 tuổi trong gần 70 năm mà chưa nghe cụ nói tục một lần nào. Tôi vẫn thường  nhắc các con cháu nhớ để học tập các cụ.
  Nhiều cụ trong làng còn thích trồng cây ở các khu công cộng, lấy bóng mát cho đời. Những người già trẻ hôm nay của làng, khi ngồi nghỉ mát dưới tán lá cây xanh đều nhớ tới hình ảnh các cụ  Vũ Huy Ngoạn, Lê Đình Hứa, Lê Nho Trụng… đã trồng nhiều cây xanh và học tập các cụ trồng thêm nhiều cây góp phần làm cho thôn xóm thêm xanh mát.
   Khi địa phương tổ chức các cuộc vận động, thu gom các loại Quỹ như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì Người nghèo, Quỹ Vì trẻ em, Quỹ Nhân đạo, Quỹ Khuyến học… mỗi xóm có hàng chục người tích cực tham gia đi vận động, thu gom quỹ.  Gần như 100% các gia đình  vui vẻ tham gia ủng hộ các loại Quỹ. Mặc dù số hộ và số dân đông, trong nhiều cuộc vận động thôn ta đã hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu xã giao cho.
   Ở Đại Mão còn nhiều phong tục đẹp, đặc biệt là tục mừng thọ; hội làng…Nhiều năm lãnh đạo địa phương đã lãnh đạo nhân dân tổ chức tốt những hoạt động này, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Kính già mến trẻ, Tôn sư trọng đạo cũng là nét đẹp của quê hương ta.
      Kính thưa các vị đại biểu!
 Trải qua hàng mấy trăm năm, người dân Đại Mão đã vật lộn với thiên nhiên, chống thù trong giặc ngoài; đã cùng nhân dân mọi miền quê khác xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng nhau  xây dựng những phong tục tập quán đẹp của quê hương làng Giữa. Đến nay Đình Làng, nhà thờ họ Lê Doãn được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa, chùa Sùng Ân của làng ngày một khang trang. Nhiều năm, làng được công nhận là Làng Văn hóa. Nhiều truyền thống được xây dựng từ ngàn xưa nay còn giữ được như tôi đã nói ở trên. Nhưng địa phương ta và trong từng gia đình vẫn còn những tồn tại, điểm yếu phải suy nghĩ tìm cách khắc phục…
                                             Vì vậy tôi đề nghị:
1-Tập thể lãnh đạo thôn, các đoàn thể, dòng họ và nhất là Chi hội Người Cao tuổi tổ chức  những cuộc hội thảo, đánh giá, tổng hợp những truyền thống quý báu của làng, trên cơ sở đó làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người dân và con cháu niềm tự hào là người con của quê hương, mỗi người cần và phải tham gia đóng góp giữ gìn, phát huy những tuyền thống tốt đẹp đó.
2-Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy ước làng văn hóa.Bổ xungnhững phụ lục cần thiết
          Thôn Đại Mão đã từng có Quy ước, và gần đây có bổ xung một Quy ước mới. Nhưng theo tôi, 1 số nội dung còn chung chung, 1 số mục như những lời khuyên người dân nên thế này thế kia chứ chưa nói rõ người dân được làm gì và cấm, không được làm những gì.Việc thực hiện Quy ước cũng chưa được nghiêm túc mặc dù có cả một ban duy trì thực hiện Quy ước. Vì vậy trong thời gian tới cần tổ chức thực hiện tốt hơn, nhất là việc tổ chức ma chay, cưới xin theo nếp sống mới. VD: nên động viên các đám hiếu chôn cất theo hình thức hỏa táng hoặc “ đào sâu chôn chặt”, dừng hẳn việc cải táng bốc mả.Tổ chức tốt hơn việc xây mộ tại nghĩa trang theo quy ước.
         Tổ chức đăng ký kết hôn gọn, tránh lãng phí tiền bạc thời gian, nhân lực…Quản lý tốt hơn các  hoạt động tôn giáo tín ngưỡng ở Chùa, Đình sao cho nhà nghèo không phải chạy đua với nhà giàu làm một số việc không cần thiết.
         Cần xây dựng thêm những “phong tục” mới như đến thư viện đọc sách, ủng hộ sách cho thư viện. Đọc, viết văn thơ; sưu tầm lịch sử và cộng tác viên với “ báo điện tử của làng”…

3-      Tiếp tục quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, đời sống văn hóa
           Cần  tham gia với lãnh đạo xã, bổ xung diện tích đất đai và các cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí cho người già, trẻ em nói riêng và nhân dân  toàn thôn nói chung.
4-      Xây dựng chế tài thích hợp để xử lý thích đáng những hành vi vi phạm quy ước của thôn
      Từ khi có quy ước làng văn hóa tới nay, chúng ta chỉ có động viên nhưng chưa có việc xử lý vi phạm. Xử lý vi phạm như thế nào? Mỗi loại vi phạm xử ra sao? Ai đứng ra tổ chức xử lý, chưa có cơ chế rõ ràng. Vì vậy thôn ta cần quy định về việc tổ chức xử lý vi phạm để răn đe giáo dục chung. Ví dụ phạt tiền, nhắc nhở trên hệ thống truyền thanh của thôn, không ủng hộ khi gia đình có việc cần sự giúp đỡ của cộng đồng…
 
                              Kính thưa  các đại biểu…
             Vì còn dành thời gian cho người khác phát biểu, mặc dù muốn nói nhiều hơn, tôi vẫn phải xin tạm dừng tại đây. Xin cám ơn các đại biểu đã chú ý lắng nghe.
             Xin chúc phong trào xây dựng đời sống kinh tế văn hóa của thôn ta ngày càng phát triển, quê hương ngày một giàu đẹp văn minh.
              Xin chúc các đại biểu mạnh khỏe và mỗi người đóng góp ngày một nhiều hơn cho gia đình, quê hương thân yêu của chúng ta!
                                                                                                  LÊ ĐÌNH NGẠN
                                                                                                 Chi hội CGC thôn.


Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền với chủ đề "Phùng quan tế hội"

Chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền với chủ đề "Phùng quan tế hội"
Tối 3-11, tại khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh) diễn ra chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền với chủ đề “Phùng quan tế hội”.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh với diễn viên biểu diễn trong chương trình.
Đến dự và thưởng thức chương trình có các đồng chí: Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hà, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện một số Bộ, ban ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bạn và đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Sau tiết mục Hòa tấu nhạc cụ dân tộc “Hoa thơm bướm lượn-Bèo dạt mây trôi” là màn hát đối đáp Quan họ cổ giữa các nghệ nhân Dân ca Quan họ làng Bồ Sơn và Khúc Toại (thành phố Bắc Ninh): Câu ra “Bạn kim lan”, câu đối “Đá đổ Đông Triều”.

Hát quan họ trên thuyền.
Tiếp đó là phần biểu diễn hát Quan họ trên thuyền với các tiết mục: “Phùng quan tế hội”, “Vào chùa”, “Nguyệt gác mái đình”, “Dọn quán bán hàng”, “Liện sai”, “Giăng thanh gió mát”, “Gọi đò”, “Xin ra về”… do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện.
Trong không gian thân mật, gần gũi, công chúng trong và ngoài tỉnh  được nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc; niềm vinh dự và tự hào trong khoảnh khắc chứng kiến di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESSCO vinh danh tại Ai Cập năm 2009.
Nhiều khán giả hào hứng hát giao lưu với các nghệ sỹ, diễn viên và tham gia tìm hiểu về văn hóa Quan họ thông qua các câu hỏi do BTC đưa ra. Đặc biệt, trong chương trình nghệ thuật lần này có phần ra mắt của đội Bóng chuyền nữ Kinh Bắc và màn bắn pháo bông nghệ thuật được đông đảo người dân háo hức đón xem.
Trước đó, tại khu vực công viên Nguyên Phi Ỷ Lan diễn ra nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật như: Múa rối nước Đồng Ngư, trình diễn nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, gốm Phù Lãng, trưng bày giới thiệu sản phẩm du lịch Bắc Ninh…. và một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố…

Đông đảo người dân tìm hiểu nghệ thuật tranh Đông Hồ.
Sau nhiều lần tổ chức, chương trình biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên thuyền ngày càng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần quảng bá mạnh mẽ, sâu đậm hình ảnh văn hóa, thể thao và du lịch Bắc Ninh với bạn bè gần xa.
Nguyễn Hoa

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM

 NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM


NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM 

Nguyễn Xuân Diện 

Ngày nay, vào thăm các đình miếu hoắc các gia đình dòng dõi, thảng hoặc ta còn được trông thấy các bản sắc phong, mà nét vàng son còn ánh lên như nhắc nhớ đến một dĩ vãng đẹp đẽ của ngày xưa cũ, dù thời gian có vô tình cũng không làm phôi pha… 

Một cảm xúc về sự hiển linh của thần, sự uy nghiêm của quyền lực và cả sự choáng ngợp, khâm phục trước vẻ đẹp của tờ giấy sắc (giấy dùng viết sắc chỉ, sắc phong) qua kỹ thuật làm giấy của người xưa. Ít ai biết được, nghề làm giấy gấm viết sắc phong là độc quyền của một dòng họ cư trú ở Hà Nôi, trải đã mấy trăm năm.

Sắc phong gồm có hai loại: phong cấp, khen ngợi, tưởng thưởng cho những người có công (giống như một giấy khen, một giấy bổ nhiệm chức vụ) và loại sắc phong phẩm trật cho thần linh (theo thường niên , hoặc một dịp lễ lạt nào đó). Loại thứ nhất là tài sản chung của dòng họ được cất giữ trong các nhà thờ họ của các gia tộc có các vị tiên liệt có công với vua, với nước. Loại thứ hai là tài sản của cộng đồng làng xã, được cất giữ tại đình làng hoặc đền thờ miếu. Hiện nay bản sắc phong được cho là cổ nhất của Việt Nam đang được đặt trong một ngôi đình cổ thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Hai đạo sắc này có niên đại Hồng Đức 23 (1492 ) và Hồng Đức 28 (1497) đời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, cách nay đã hơn 500 năm, tức là nửa thiên niên kỷ.

Việc được nhận sắc phong thần ngày xưa là một việc rất hệ trọng của làng xã, và việc đón rước sắc phong là một nghi lễ đặc biệt. Sách cổ “Đại Phùng tổng khoán ước” thời Lê, thế kỷ XVIII (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) còn ghi: “Nghi thức ban sắc phong : Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình".

Hàng năm, đến ngày hội làng, rất nhiều làng có lệ rước sắc từ nghè hoặc miếu ra đình, mà đoàn rước sắc bao gồm đủ các nghi trượng trang trọng nhất. Trường hợp làng Triều Khúc, Hà Nội là một ví dụ.Giấy sắc còn gọi là giấy Nghè (giấy do họ Lại ở làng Nghĩa Đô – làng Nghè (Hà nội) chế ra và dâng vào triều đình).

Cụ Lại Phú Bàn. Ảnh: Thái A.
Theo gia phả và lời truyền trong dòng họ Lại thì cụ tổ của họ này là Lại Thế Giáp – con rể của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Con gái của Trịnh Tráng là Cung phi Diệm Châu, hiệu Từ An, khi đó thấy họ nhà chồng còn nghèo, mới tâu xin nhà chúa và vua Lê cho họ Lại được đời đời làm giấy sắc dâng vào triều đình. Họ Lại còn có cụ Lại Phú Vinh được phong đến tước Đô Thịnh hầu, giữ chức Phụ Quốc tướng quân, Đô Chỉ huy sứ ty, Ngự dụng giám Kim Tiên cục trông coi và quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình. Dân gian có câu: 

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô,
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ. 

Lại còn có câu: 

Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng ké cờ mở hội hùng ghê! 

Họ Lại làng Nghĩa Đô khởi nghiệp làm giấy sắc từ thời Lê – Trịnh, và phát triển suốt mấy trăm năm.

Giấy sắc là loại giấy quí. Quý trước hết là ở nguyên liệu để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, còn mãi đến hôm nay.

Làm giấy sắc đòi hỏi rất công phu. Theo các cụ ở họ Lại cho biết, làm một tờ giấy sắc cho hàng Nhất phẩm thì phải có 5 người thợ cùng làm một lúc mới có thể xeo nổi một tờ giấy. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ Nhị phẩm xuống tới Cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải 3 người thợ làm một tờ. Đấy là nói về xeo giấy. Phần vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: Vẽ chạy và Vẽ đồVẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn: việc này do những thợ giỏi thực hiện. Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà mà tô kim nhũ, vàng bạc. Bí quyết của việc làm một tờ giấy sắc theo đúng yêu cầu là ở kỹ thuật đánh vàng, đánh bạccho tờ giấy. Dụng cụ để làm công đoạn này là cái chày và những cái bát lớn. Để giữ bí quyết, các công việc này được tiến hành ở nơi kín đáo nhất trong nhà, tránh người ngoài học lỏm. Nhà cụ Tám Hoàn ở Nghĩa Đô có bàn thờ lớn, gần bàn thờ là một khoảng rộng, và đó chính là nơi cụ làm công việcđánh vàng, đánh bạc hết sức bí mật này. Cụ đã mất từ lâu, và cũng không truyền nghề cho ai, kể cả con cháu. Cụ chỉ để lại kỷ vật duy nhất là một phiến đá xanh, mặt phẳng lì, rộng 60 x 80 cm.

Giấy phong cho bách quan có 3 hạng. Hạng Nhất, xung quanh khung có vẻ 8 con rồng nhỏ. Mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng). Hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn. Mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị Linh (hai con vật trong Tứ linh). Hạng Ba, xung quanh in triện gấm. Mặt trước vẽ một con rồng: ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao). Mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng: 

Thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh. Phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hành Thất tinh. Mặt sau vẽ hình Tứ linh. 

Trung đẳng thần: Mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần. Mặt sau vẽ lá và bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ. 

Hạ đẳng thần: Mặt trước giống như hai hạng trên. Mặt sau không vẽ.

Ngày xưa, vì việc phong tặng cho bách quan và bách thần là một điễn lễ long trọng và thường xuyên, nên cần dùng rất nhiều giấy sắc. Dưới thời Nguyễn, trong niên hiệu Khải Định (1916-1926), có năm triều đình đặt hàng làng Nghĩa Đô làm hàng vạn tờ giấy sắc. Giá giấy sắc rất cao. Lúc đó, mỗi tờ giấy là một đồng bạc Đông Dương (tương đương một chỉ vàng). Xem thế đủ biết nghề này  tuy khó, nguyên vật liệu tuy quý và đắt tiền, nhưng cũng có lãi cao. Họ Lại vì thế có nhiều gia đình theo nghề, như nhà cụ Xã Vi, cụ Phó Nham, cụ Trương Lại, cụ Trương Xú, cụ Xã Lịch, cụ Phó Nhiên, cụ Bếp Kiệm.

Ngày nay, nghề làm giấy sắc chỉ còn một người nắm được bí quyết là cụ Lại Phú Bàn, thuộc dòng dõi của cụ Lại Thế Giáp thời Lê Trịnh, nay đã 80 tuổi, hiện sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Các con cháu của cụ đều không có ai có ý theo nghiệp xưa, mà chính cụ cũng không làm giấy sắc nữa.  Hiện nay cũng chưa có tổ chức hay cá nhân nào hội đủ các điều kiện để cụ truyền nghề làm giấy sắc.

Những mây rồng vàng son trên nền giấy gấm thuở xưa có thể sẽ mãi mãi dừng lại ở thế kỷ 20. Và nghề xưa có nguy cơ mãi chi còn trong dĩ vàng. Thật đáng tiếc thay!

Bài đã đăng trên Tạp chí Heritage, tháng Tư năm 2003. 
Tham khảo tài liệu của: Bùi Văn Vượng, Hoàng Hồng Cẩm.