Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM

 NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM


NÉT VÀNG SON TRÊN NỀN GIẤY GẤM 

Nguyễn Xuân Diện 

Ngày nay, vào thăm các đình miếu hoắc các gia đình dòng dõi, thảng hoặc ta còn được trông thấy các bản sắc phong, mà nét vàng son còn ánh lên như nhắc nhớ đến một dĩ vãng đẹp đẽ của ngày xưa cũ, dù thời gian có vô tình cũng không làm phôi pha… 

Một cảm xúc về sự hiển linh của thần, sự uy nghiêm của quyền lực và cả sự choáng ngợp, khâm phục trước vẻ đẹp của tờ giấy sắc (giấy dùng viết sắc chỉ, sắc phong) qua kỹ thuật làm giấy của người xưa. Ít ai biết được, nghề làm giấy gấm viết sắc phong là độc quyền của một dòng họ cư trú ở Hà Nôi, trải đã mấy trăm năm.

Sắc phong gồm có hai loại: phong cấp, khen ngợi, tưởng thưởng cho những người có công (giống như một giấy khen, một giấy bổ nhiệm chức vụ) và loại sắc phong phẩm trật cho thần linh (theo thường niên , hoặc một dịp lễ lạt nào đó). Loại thứ nhất là tài sản chung của dòng họ được cất giữ trong các nhà thờ họ của các gia tộc có các vị tiên liệt có công với vua, với nước. Loại thứ hai là tài sản của cộng đồng làng xã, được cất giữ tại đình làng hoặc đền thờ miếu. Hiện nay bản sắc phong được cho là cổ nhất của Việt Nam đang được đặt trong một ngôi đình cổ thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Hai đạo sắc này có niên đại Hồng Đức 23 (1492 ) và Hồng Đức 28 (1497) đời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, cách nay đã hơn 500 năm, tức là nửa thiên niên kỷ.

Việc được nhận sắc phong thần ngày xưa là một việc rất hệ trọng của làng xã, và việc đón rước sắc phong là một nghi lễ đặc biệt. Sách cổ “Đại Phùng tổng khoán ước” thời Lê, thế kỷ XVIII (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm) còn ghi: “Nghi thức ban sắc phong : Sắc đưa về đến đình, chép thêm ra một bản, giống như bản chính (đều dùng giấy vàng mực đen, lấy người có chữ đẹp trong thôn viết đằng tả), rồi lập một hương án, đặt lên, vái 5 vái (thay thần tạ ơn vua). Sau đó hóa bản sao đi, còn bản chính thì rước vào trong đình".

Hàng năm, đến ngày hội làng, rất nhiều làng có lệ rước sắc từ nghè hoặc miếu ra đình, mà đoàn rước sắc bao gồm đủ các nghi trượng trang trọng nhất. Trường hợp làng Triều Khúc, Hà Nội là một ví dụ.Giấy sắc còn gọi là giấy Nghè (giấy do họ Lại ở làng Nghĩa Đô – làng Nghè (Hà nội) chế ra và dâng vào triều đình).

Cụ Lại Phú Bàn. Ảnh: Thái A.
Theo gia phả và lời truyền trong dòng họ Lại thì cụ tổ của họ này là Lại Thế Giáp – con rể của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Con gái của Trịnh Tráng là Cung phi Diệm Châu, hiệu Từ An, khi đó thấy họ nhà chồng còn nghèo, mới tâu xin nhà chúa và vua Lê cho họ Lại được đời đời làm giấy sắc dâng vào triều đình. Họ Lại còn có cụ Lại Phú Vinh được phong đến tước Đô Thịnh hầu, giữ chức Phụ Quốc tướng quân, Đô Chỉ huy sứ ty, Ngự dụng giám Kim Tiên cục trông coi và quản lý nghề làm giấy sắc cho triều đình. Dân gian có câu: 

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô,
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ. 

Lại còn có câu: 

Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng ké cờ mở hội hùng ghê! 

Họ Lại làng Nghĩa Đô khởi nghiệp làm giấy sắc từ thời Lê – Trịnh, và phát triển suốt mấy trăm năm.

Giấy sắc là loại giấy quí. Quý trước hết là ở nguyên liệu để vẽ lên bề mặt giấy là vàng, bạc và kim nhũ. Nhờ nguyên liệu này mà giấy sắc có hình thức và màu sắc đã đẹp lại bền, còn mãi đến hôm nay.

Làm giấy sắc đòi hỏi rất công phu. Theo các cụ ở họ Lại cho biết, làm một tờ giấy sắc cho hàng Nhất phẩm thì phải có 5 người thợ cùng làm một lúc mới có thể xeo nổi một tờ giấy. Giấy để phong cho hàng phẩm cấp thấp hơn (tức là từ Nhị phẩm xuống tới Cửu phẩm), khổ giấy hẹp hơn, cũng phải 3 người thợ làm một tờ. Đấy là nói về xeo giấy. Phần vẽ giấy sắc mới là khâu tinh xảo nhất, đòi hỏi tay nghề cao. Vẽ gồm hai công đoạn: Vẽ chạy và Vẽ đồVẽ chạy là vẽ ra hình rồng mây, hình triện, hoa văn: việc này do những thợ giỏi thực hiện. Vẽ đồ là theo nét vẽ chạy mà mà tô kim nhũ, vàng bạc. Bí quyết của việc làm một tờ giấy sắc theo đúng yêu cầu là ở kỹ thuật đánh vàng, đánh bạccho tờ giấy. Dụng cụ để làm công đoạn này là cái chày và những cái bát lớn. Để giữ bí quyết, các công việc này được tiến hành ở nơi kín đáo nhất trong nhà, tránh người ngoài học lỏm. Nhà cụ Tám Hoàn ở Nghĩa Đô có bàn thờ lớn, gần bàn thờ là một khoảng rộng, và đó chính là nơi cụ làm công việcđánh vàng, đánh bạc hết sức bí mật này. Cụ đã mất từ lâu, và cũng không truyền nghề cho ai, kể cả con cháu. Cụ chỉ để lại kỷ vật duy nhất là một phiến đá xanh, mặt phẳng lì, rộng 60 x 80 cm.

Giấy phong cho bách quan có 3 hạng. Hạng Nhất, xung quanh khung có vẻ 8 con rồng nhỏ. Mặt trước vẽ một con rồng lớn, ẩn trong mây, gọi là Long ám, mặt sau vẽ hình Tứ linh (Long – Ly – Quy – Phượng). Hạng Nhì, xung quanh khung vẽ mây hoặc họa tiết hồi văn. Mặt trước vẽ một con rồng, mặt sau vẽ Nhị Linh (hai con vật trong Tứ linh). Hạng Ba, xung quanh in triện gấm. Mặt trước vẽ một con rồng: ở giữa và bốn góc in hình Ngũ tinh (Năm ngôi sao). Mặt sau vẽ bầu rượu túi thơ.

Giấy phong cho bách thần cũng có 3 hạng: 

Thượng đẳng thần: xung quanh in triện hoa chanh. Phía trước vẽ một con rồng, ở giữa in hình Ngũ tinh, bốn góc in hành Thất tinh. Mặt sau vẽ hình Tứ linh. 

Trung đẳng thần: Mặt trước giống như sắc Thượng đẳng thần. Mặt sau vẽ lá và bầu rượu, giữa vẽ hai chữ Thọ liền nhau, gọi là song thọ. 

Hạ đẳng thần: Mặt trước giống như hai hạng trên. Mặt sau không vẽ.

Ngày xưa, vì việc phong tặng cho bách quan và bách thần là một điễn lễ long trọng và thường xuyên, nên cần dùng rất nhiều giấy sắc. Dưới thời Nguyễn, trong niên hiệu Khải Định (1916-1926), có năm triều đình đặt hàng làng Nghĩa Đô làm hàng vạn tờ giấy sắc. Giá giấy sắc rất cao. Lúc đó, mỗi tờ giấy là một đồng bạc Đông Dương (tương đương một chỉ vàng). Xem thế đủ biết nghề này  tuy khó, nguyên vật liệu tuy quý và đắt tiền, nhưng cũng có lãi cao. Họ Lại vì thế có nhiều gia đình theo nghề, như nhà cụ Xã Vi, cụ Phó Nham, cụ Trương Lại, cụ Trương Xú, cụ Xã Lịch, cụ Phó Nhiên, cụ Bếp Kiệm.

Ngày nay, nghề làm giấy sắc chỉ còn một người nắm được bí quyết là cụ Lại Phú Bàn, thuộc dòng dõi của cụ Lại Thế Giáp thời Lê Trịnh, nay đã 80 tuổi, hiện sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Các con cháu của cụ đều không có ai có ý theo nghiệp xưa, mà chính cụ cũng không làm giấy sắc nữa.  Hiện nay cũng chưa có tổ chức hay cá nhân nào hội đủ các điều kiện để cụ truyền nghề làm giấy sắc.

Những mây rồng vàng son trên nền giấy gấm thuở xưa có thể sẽ mãi mãi dừng lại ở thế kỷ 20. Và nghề xưa có nguy cơ mãi chi còn trong dĩ vàng. Thật đáng tiếc thay!

Bài đã đăng trên Tạp chí Heritage, tháng Tư năm 2003. 
Tham khảo tài liệu của: Bùi Văn Vượng, Hoàng Hồng Cẩm.

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ

Cuối tháng 5 vừa qua, chính quyền Ấn Độ vừa cho biết sẽ hủy bỏ dự án nhiệt điện than 14 Gigawatt, một tin vui cho những người ủng hộ năng lượng sạch như điện mặt trời.

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ (ảnh qua cleantechnica.com)
(ảnh qua cleantechnica.com)

Ấn Độ là nước có dân số lớn thứ 2 thế giới, và một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất. Một số người còn dự báo rằng nước này sẽ trở thành đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ 3 vào năm 2050. Vì thế, nếu chúng ta muốn chống ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững, thì Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng.

Câu chuyện về điện mặt trời của Ấn Độ

Sự phát triển của Ấn Độ trong một vài thập niên vừa qua có thể so sánh như xe điện siêu tốc. Với đói nghèo tràn lan ở nhiều nơi và thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng ở nông thôn, thật ngạc nhiên và thú vị khi thấy tham vọng của quốc gia này trong vấn đề năng lượng tái tạo. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã trở thành một trong những thị trường hàng đầu của điện mặt trời, với số lượng lắp đặt tấm pin năng lượng tăng nhanh mỗi ngày.
Có hơn 300 triệu người ở Ấn Độ hiện nay không tiếp cận được với điện, hầu hết sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Việc lắp đặt đường dây lưới điện sẽ cực kỳ tốn kém, và đây chính là nơi năng lượng mặt trời phát huy tác dụng: nó không đòi hỏi phải kết nối vào lưới điện quốc gia. Ngoài việc tạo ra năng lượng sạch và rẻ, điện mặt trời còn có thể kết hợp với lưới điện riêng hoặc lưới điện tại địa phương.
Tuy nhiên, mặc dù Ấn Độ đang đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo (đa số là năng lượng mặt trời), họ cũng có kế hoạch dự phòng: vẫn dựa vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than – loại năng lượng gây ra nhiều khí thải ô nhiễm.
Năm ngoái, Ấn Độ thông báo sẽ xây dựng thêm hơn 300 GW cơ sở điện than cho đến năm 2030, mặc dù điều đó gần như là không cần thiết, vì hơn 90% công suất đó sẽ dư thừa. Về cơ bản thì chính phủ Ấn Độ quyết định sẽ không “bỏ hết trứng vào một giỏ” và đầu tư theo cả 2 hướng năng lượng như vậy.

Những thay đổi nhanh chóng chỉ trong 6 tháng

Ấn Độ hủy nhiều dự án nhiệt điện than, bởi điện mặt trời đã trở nên quá rẻ
Năm 2017, mọi thứ đang thay đổi. Bang Gujarat đã thông báo hủy bỏ dự án 4 GW nhiệt điện than, họ cho biết năng lượng trong vùng đang dư thừa và họ muốn rời xa khỏi việc đốt than. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu.
Giờ đây, các dự án nhiệt điện than với tổng công suất 13,7 GW đã bị hủy chỉ trong tháng 5/2017 – một con số ấn tượng.
Các cấp chính quyền Ấn Độ dường như ra quyết định rất nhanh. Còn nhớ họ đã ra quyết địnhtrao cho sông Hằng và Yamuna các quyền như con ngườichỉ trong vài ngày, sau khi bộ tộc Maori mất 140 năm để tạo ra tiền lệ này tại New Zealand.
Nhà phân tích Tim Buckley, giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng của viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), cho biết thuế quan đã giảm nhiều ở Ấn Độ tới một điểm bùng phát: giờ năng lượng mặt trời đã rẻ hơn than.
“Các biện pháp tăng hiệu suất năng lượng của chính phủ Ấn Độ cùng những mục tiêu năng lượng tái tạo tham vọng và giá cả điện mặt trời giảm, đã tác động lên những dự án nhiệt điện than đang có và sắp thi công, làm cho chúng trở nên thiếu khả thi về mặt tài chính.
Biểu giá điện mặt trời của Ấn Độ thực sự đã rơi tự do trong những tháng gần đây,”ông nói.
Mới năm ngoái, giá thấp nhất mà các công ty năng lượng đưa ra là khoảng 1533 VNĐ/kWh (4,34 rupee), vậy mà giá đấu thầu trong tháng 5/2017 đã giảm chỉ còn 925 VNĐ (2,62 rupee), tức sụt khoảng 40%.
Đây quả là một viễn cảnh tươi sáng cho Ấn Độ, hy vọng các quốc gia khác cũng có thể tham khảo và tạo ra những thay đổi tích cực về kinh tế, dân sinh và môi trường.

Vì sao lại có sự thay đổi này?


(ảnh: indiatimes.com)
(ảnh: indiatimes.com)

Giá điện mặt trời giảm chủ yếu là do lãi suất vay đầu tư giảm, theo bà Kanika Chawla, lãnh đạo cao cấp của Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) ở New Delhi. Giá giảm đã thu hút thêm những công ty còn đang đắn đo tham gia vào thị trường và đưa giá điện giảm xuống thấp hơn giá điện than trung bình của tập đoàn điện than lớn nhất Ấn Độ, hiện ở mức khoảng 3,2 rupee/kWh (1129 VNĐ).
“Lợi nhuận tăng trong tương lai sẽ không đến từ giá công nghệ giảm, mà đến từ chi phí tài chính giảm,” bà Kanika cho biết.
Nhưng cũng cần nói thêm, kết quả này đến từ nỗ lực rất lớn của chính phủ Ấn Độ: đứng ra bảo lãnh cho các công ty phân phối năng lượng trong nước – vốn đang nợ nần nhiều – để hợp tác với các hãng phát triển năng lượng, đồng thời có chính sách năng lượng “minh bạch, lâu dài và chắc chắn”.
“Điều này là hoàn toàn trọng yếu, bởi khi đầu tư 25-35 năm, bạn cần sự rõ ràng và chắc chắn trong chính sách,”ông Tim Buckley nói.
“Ấn Độ có thủ tướng Modi nói điều này là mục tiêu hàng đầu của ông, bạn có bộ trưởng năng lượng Goyal nói về điều này mỗi ngày. Mọi người không nghi ngờ quyết tâm của Goyal trong chương trình của ông và sự ủng hộ của Modi đối với những gì ông Goyal đang làm,”ông Tim cho biết.
Theo ZmeScience.com, TheGuardian.com,
Phong Trần tổng hợp

Từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển

Chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển: Bước ngoặt lớn, quan trọng của chính sách dân số trong tình hình mới


 

GiadinhNet - Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa VII về chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), công tác Dân số lại trở thành một nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”.
Báo Gia đình & Xã hội trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS) về bước ngoặt lớn của chính sách dân số Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. ảnh: Hà Anh
Đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số. ảnh: Hà Anh
Sự cần thiết phải chuyển trọng tâm của công tác DS-KHHGĐ
Hơn 55 năm qua, với chính sách sinh đẻ có kế hoạch, mục tiêu của chính sách DS-KHHGĐ là giảm sinh “đã đạt được một cách vững chắc”.
Việc đạt được mục tiêu “Mức sinh thay thế” một cách vững chắc đã đặt ra câu hỏi: Chính sách trong lĩnh vực Dân số của nước ta hơn nửa thế kỷ qua đặt KHHGĐ là trọng tâm liệu có còn thích hợp? Và nếu cần thay đổi thì phải thay đổi như thế nào?
So với thời điểm hoạch định chính sách DS-KHHGĐ (1961), dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt chưa từng thấy. Những đặc điểm và xu hướng này sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mang lại cả cơ hội và thách thức.
Trước hết, Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 4 nước (Ấn Độ, Băng - la - đét, Nhật Bản, Phi-li- pin) có số dân và mật độ dân số lớn hơn Việt Nam. Trung Quốc, tuy dân số nhiều hơn, nhưng mật độ lại chỉ bằng nửa Việt Nam.
Theo dự báo, Dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hằng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Năm 2025, nước ta sẽ có 100 triệu dân và tiếp tục tăng chậm lên đến khoảng 107-108 triệu vào giữa thế kỷ! Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng,… Bên cạnh đó, mặc dù tỉ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhưng việc tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới nhiều áp lực tới hạ tầng cơ sở; gây tắc ách giao thông, ô nhiễm môi trường…
Chúng ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với số người trong độ tuổi lao động hơn gấp đôi số người phụ thuộc. Điều này mang lại nhiều “dư lợi” về lao động nhưng cũng là thách thức về tạo việc làm và việc làm có năng suất, thu nhập cao. Cơ cấu dân số “vàng” sẽ chấm dứt vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ này. Vì vậy, nếu không khai thác nhanh và hiệu quả, cơ hội “vàng” sẽ bị bỏ qua.
Với sự phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu về y học, tuổi thọ của người dân tăng lên, song chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa với tốc độ vào nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, Việt Nam, từ già hóa đến khi dân số già chỉ khoảng 27 năm (2011-2038). Trong khi đó, Pháp phải mất tới 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm, Mỹ 69 năm. Điều đáng nói là chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy người cao tuổi một cách tốt nhất. Dù tuổi thọ trung bình đã tăng lên (74 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh trong cả cuộc đời không cao. Hơn 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, khu vực có trình độ phát triển thấp hơn đô thị, phải sống phụ thuộc vào con cái... Những đặc điểm trên làm trầm trọng thêm thách thức về già hóa trong quá trình phát triển.
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Số trẻ sơ sinh trai trên 100 trẻ sơ sinh gái cao (112,2/100), ảnh hưởng lớn đến cấu trúc dân số trong tương lai. Hiện tượng biết trước giới tính thai nhi ngày càng phổ biến, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi là 83%. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh do nhiều nguyên nhân, trong đó có ảnh hưởng của Nho giáo, bất bình đẳng giới, lạm dụng kỹ thuật. Tình trạng này không được cải thiện, đương nhiên sẽ dẫn đến sự phát triển không bền vững về mặt xã hội.
Chất lượng dân số tăng lên nhưng chưa cao. Việt Nam chưa bao giờ lọt vào tốp 100 nước có “Chỉ số phát triển con người” (HDI) cao nhất. Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh… đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, các thành công vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.
Trước tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có những đổi mới về công tác dân số, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã chỉ rõ cần có sự chuyển trọng tâm công tác dân số: Từ DS- KHHGĐ sang Dân số và phát triển, để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số.
Bước ngoặt quan trọng trong chính sách
Việc chuyển trọng tâm này, một là nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”, với các nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6: “Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, phân bố dân số phù hợp với quá trình phát triển”. Những nội dung này, không gì khác là giải quyết các vấn đề dân số đang đặt ra hiện nay và trong tương lai.
Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với sáu nội dung, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Rõ ràng, đây là một chủ trương mới và rất lớn của Đảng.
Hai là, chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới. Trong định hướng chính sách dân số mới, “Duy trì mức sinh thay thế” là nội dung đầu tiên. Để trung bình số con của mỗi bà mẹ khoảng 2,0-2,1, đương nhiên phải áp dụng các biện pháp KHHGĐ, tức là không thể “từ bỏ KHHGĐ”. Vấn đề là cần tổ chức KHHGĐ theo phương thức mới. Đó là “giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp”. Do đó, việc truyền thông, phương thức cung cấp phương tiện, dịch vụ cũng phải khác nhau giữa các địa phương này.
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Để xây dựng và thực hiện được chính sách dân số mới mà trọng tâm là “Dân số và phát triển”, trước hết phải đổi mới tư duy về chính sách dân số. Điều này không đơn giản, nhất là khi tư duy DS-KHHGĐ, hơn nửa thế kỷ qua, đã “ăn sâu” trong xã hội, trong mỗi gia đình và từng thôn xóm, bản làng. Một trong những giải pháp then chốt, cần đi trước một bước đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển. Thông điệp truyền thông ngày nay không chỉ xoay quanh KHHGĐ mà cần phủ kín 6 nội dung mà chính sách dân số mới sẽ hướng tới. Đa dạng hóa kênh truyền thông, truyền tải những thông điệp phù hợp tới từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Bốn là, tính đến các yếu tố dân số trong quá trình kế hoạch hóa phát triển. Một trong những giải pháp cơ bản giải quyết mối quan hệ Dân số và Phát triển ở nước ta, như Kết luận số 119-KL/TW ngày 4-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là:“Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm trong công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội”. Nói cách khác, đó là tính đến (lồng ghép) yếu tố dân số vào kế hoạch hóa phát triển.
Tình trạng dân số của nước ta ngày nay đã hoàn toàn khác tình trạng dân số cách đây hơn nửa thế kỷ. Vì vậy đã đến lúc phải giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, chứ không chỉ đơn thuần là KHHGĐ.
GS.TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em

Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Trần Quỳnh | 
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Chuyên gia giáo dục hàng đầu Trung Quốc Tiền Văn Trung cho rằng, nền giáo dục hiện nay tại Trung Quốc đang thụt lùi vì sự nhượng bộ con trẻ của chính phụ huynh và nhà trường.

LTS: Mới đây, bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung (giảng viên Đại học trọng điểm Phục Đán được trình bày tại "Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3" đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi chỉ ra những thực trạng sai lầm trong việc dạy dỗ con trẻ của hầu hết các gia đình và nhà trường hiện đại.
Đặc biệt, bài diễn thuyết của giảng viên Tiền còn gạt bỏ sự hô hào mù quáng cho các bậc phụ huynh về hình thức giáo dục được coi là "văn minh", "tiến bộ" như "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất". Từ đó, ông đã chỉ ra rằng, lối dạy dỗ con cái không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc sẽ phá hủy tương lai của xã hội.
Dưới đây là nguyên văn bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung đã giúp hàng triệu các bậc cha mẹ, thầy cô "thức tỉnh".
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 1.
Chân dung giáo sư Tiền Văn Trung - chuyên gia giáo dục nổi tiếng tại Trung Quốc. (Ảnh: Nguồn Internet).
"Tôi vô cùng vinh hạnh khi được tới tham dự diễn đàn lần này. 
Lẽ ra đề tài diễn thuyết của tôi do thầy hiệu trưởng Du Mẫn Hồng chỉ định. Nhưng sau khi lắng nghe những phát biểu của thầy Du tại trường Ngoại ngữ Trịnh Châu cùng đôi lời của đồng chí hiệu trưởng trường Tứ Trung, tôi đã mạnh dạn đề xuất đổi đề tài.
Trước tiên tôi muốn dùng thân phận của một người thầy giáo, sau đó là vai trò của một người phụ huynh, và cuối cùng kể tới xuất thân từng là học sinh để phát biểu đôi lời về cái nhìn của tôi đối với giáo dục.
Luận điểm thứ nhất: Vấn nạn "con một" mà Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt
Nền giáo dục Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề trước nay chưa từng có.
Cho tới thời điểm hiện tại, quan điểm của chúng ta đối với giáo dục nước nhà có lẽ đều bắt nguồn từ một sai lầm. Đó là bởi chúng ta chưa bao giờ thực sự suy nghĩ xem "giáo dục là gì?".
Chúng ta đang không ngừng nhượng bộ, biện hộ cho bản thân mình và bào chữa thay cho con cái. Tôi muốn nói rằng, giáo dục không phải là như vậy, và cũng không nên như vậy.
Trung Quốc đang gặp phải một vấn nạn mà lịch sử loài người trước kia chưa từng gặp qua, đó chính là sự xuất hiện của "giống loài" mang tên "con một".
Chưa có một loài nào kể từ khi trái đất hình thành cho tới khi xuất hiện con người, mà phải duy trì chính sách "con một" để kiểm soát dân số như chúng ta.
Lịch sử nhân loại trước nay chưa từng tồn tại thực trạng số lượng người không có anh chị em đang tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn như ở Trung Quốc.
Và xin mọi người đừng quên rằng, tất cả những lí luận giáo dục, phương pháp giáo dục, cách thức giáo dục của chúng ta trước giờ đều xây dựng để dành cho những đứa trẻ có anh chị em.
Hiện nay, những nhà giáo dục của chúng ta đều đang ra sức nghiên cứu, suy nghĩ. Thế nhưng, hãy lưu ý rằng, chủ thể của đối tượng tiếp thu giáo dục ngày nay là một "loài" mà trước giờ chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Chúng ta không biết làm cách nào để dạy dỗ những đứa trẻ ấy. Tuyệt đối không nên nghĩ rằng, chúng giống như chúng ta. Chúng và chúng ta khác nhau, thậm chí có thể nói là hoàn toàn khác nhau.
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 2.
Hệ quả của chính sách "một con" đang tác động lên xã hội Trung Quốc. Tranh minh họa.
Ngày nay, chúng ta ưa chuộng thứ gọi là "giáo dục vui vẻ", chúng ta yêu thích việc kể lại thời thơ ấu của mình một cách thật vui vẻ. 
Vậy nhưng, tuổi thơ của chúng ta có thực sự "vui vẻ" hay không? Ít nhất, cá nhân tôi, không hề cảm thấy thời thơ ấu của mình vui vẻ một chút nào!
Hồi chúng ta còn tới trường, có lúc không làm bài tập sẽ bị các thầy cô đánh vài cái, mắng vài câu. Vậy thì sao có thể gọi đó là "giáo dục vui vẻ"?
Tôi thực sự nghĩ không ra, vì sao giáo dục lại cứ nhất thiết phải đề cao, tôn thờ hai chữ "vui vẻ"? Phải chăng đó là hệ quả của việc chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục nước ngoài?
Tôi cho rằng, trong giáo dục nhất định phải có yếu tố "đau khổ", và đây là chuyện đương nhiên. Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao chúng ta cứ phải nhượng bộ đối với con cái của chính mình?
Luận điểm thứ hai: Không có biện pháp kỷ luật thì sao gọi là giáo dục?
Hiện nay, phương pháp giáo dục của chúng ta đối với trẻ em hầu hết đều là cổ vũ, khích lệ. Điều đó không hẳn là sai.
Nhưng còn vấn đề kỷ luật thì sao? Giáo dục có thể không áp dụng bất kỳ hình thức xử phạt nào hay sao? Chỉ dựa vào việc hô hào, cổ vũ là có thể hoàn thành giáo dục được chăng?
Tôi không tin!
Trẻ em ngày nay, nói không nghe, mắng không được, phê bình cũng chẳng xong, thậm chí càng ngày càng không chịu nổi một cú vấp ngã.
Lúc còn nhỏ, thầy của tôi cũng từng phạt tôi. Nhưng cho tới bây giờ, tình cảm thầy trò giữa chúng tôi vẫn luôn rất tốt.
Kỷ luật thì sao?
Tôi từng đi du học ở châu Âu. Đó là nơi mà chúng ta vẫn thường ca ngợi về sự hoàn mỹ trong nền giáo dục của họ.
Được! Vậy tôi và các bạn cùng xem thử xem, nội quy của các trường học tại Anh nghiêm khắc tới mức nào.
Nghị viện Anh đã thông qua một điều luật có nội dung khái quát là: "Trong trường hợp đã cảnh cáo nhiều lần, cho phép các giáo viên được áp dụng những biện pháp cần thiết, bao gồm cả "tiếp xúc thân thể" trong phạm vi nhất định để khiến những học sinh không tuân thủ kỷ luật buộc phải chấp hành kỷ luật".
Nói trắng ra, là các giáo viên tại Anh có quyền kỷ luật những học sinh vi phạm kỷ luật bằng hình thức đánh.
Tôi cũng thường nghe người ta ca ngợi về nền giáo dục của Singapore. Nhưng dường như họ quên rằng, đất nước ấy không phải vẫn thường treo một cây thước ở tường sau đấy ư?
Tôi còn nghe nói, trẻ em ở đó nếu không nghe lời, theo quy định sẽ bị đánh ba thước, và chỉ được phép đánh vào lòng bàn tay chứ không được đụng đến lưng bàn tay. Hình phạt này cũng chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai giáo viên tại hiện trường.
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 3.
Giáo sư Tiền Văn Trung cho rằng, khác với suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, bản chất của giáo dục nước ngoài không phải là triệt tiêu hoàn toàn việc xử phạt hay kỷ luật. Ảnh minh họa.
Nếu như nói cách giáo dục của chúng ta trong quá khứ đều là sai lầm, vậy thì ai đã đào tạo nên những người như hiệu trưởng Du Mẫn Hồng của chúng ta, và còn cả những đồng chí tài ba như Đặng Tiểu Bình, Vương Cường nữa?
Mỗi người chúng ta ở đây đều không phải là thành quả của một nền giáo dục trong quá khứ đào tạo thành hay sao? Chúng ta có khạc nhổ bừa bãi hay trở thành bè lũ du côn chăng?
Hoàn toàn không! Hơn nữa, chúng ta còn trưởng thành rất tốt.
Tôi cho rằng, giáo dục không thể càng ngày càng thêm nhân nhượng. Bởi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với con trẻ.
Không nên hùa theo một số cách nói "nghe thì có vẻ tốt" trong xã hội, giống như những khái niệm mơ hồ về thứ gọi là "giáo dục tố chất", "giáo dục vui vẻ"…
Luận điểm thứ ba: Chế độ thi cử ngày nay có thực sự công bằng hay không?
Xã hội loài người không tồn tại cái gọi là công bằng tuyệt đối. Trung Quốc chưa hẳn cái gì cũng công bằng, ngay tới Mỹ cũng vậy mà thôi!
Hiện nay, gần như chỉ có một thứ có thể nhận xét là "tương đối công bằng". Đó chính là kỳ thi đại học của chúng ta.
Nếu như các trường học đều dựa theo cái gọi là "năng khiếu", "tố chất" để tuyển sinh, vậy thì con em ở những gia đình bình thường tại Trung Quốc liệu có nổi mấy người đỗ vào được Thanh Hoa, Bắc Đại?
Một đứa trẻ ngay tới cả cạnh tranh công bằng cũng không được cạnh tranh, sao có thể nói tới chuyện xét "tố chất", xem "năng khiếu", liệu có mấy ai tin được?
Vì vậy, chúng ta không nên hùa theo một số thành phần tự nhận mình là "chuyên gia" trong xã hội.
Hiện tại, tôi đề nghị khôi phục lại chế độ thi đại học tập trung trên cả nước, hơn nữa cần triệt để xóa bỏ việc cộng điểm ưu tiên.
Còn nhớ, đồng chí Vương Cường năm xưa từng là người đứng thứ hai trong kỳ thi đại học ở khu vực Nội Mông Cổ. Tôi năm ấy đứng thứ hai ở Thượng Hải. Chúng tôi đều học như vậy, thi như vậy mới có thể đỗ vào Đại học Bắc Kinh.
Nếu như chế độ thi đại học đã không thể sửa đổi, vậy thì nền giáo dục của chúng ta vĩnh viễn cũng không thể sửa đổi.
Cách thức thi ấy chưa thể thay đổi là do chúng ta không tìm được một kiểu thi nào ưu việt, tân tiến và tốt hơn so với cái cũ.
Dù cho kỳ thi đầu vào đại học thực chất chưa phải là hình thức công bằng nhất, nhưng nó được coi là chế độ "không tệ" nhất, chế độ "ít bất công" nhất.
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải làm rõ những mâu thuẫn mà chúng ta đang phải đối mặt.
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 4.
Kỳ thi đại học tập trung tại Trung Quốc được giáo sư Tiền đánh giá là hình thức thi cử tương đối công bằng nếu bỏ đi việc cộng điểm ưu tiên.
Có người từng hỏi tôi:
"Thầy Tiền, thầy giảng quốc học trên TV mấy năm nay, hết giảng ‘Tam tự Kinh’ lại đến ‘Đệ tử quy’. Thầy thấy đâu là khó khăn nhất trong việc phổ biến những kiến thức này?"
Câu trả lời của tôi luôn là: "Mong cho các ngành có liên quan sẽ ra sức hỗ trợ việc phổ cập và đưa vào chương trình giảng dạy".
Thực ra đây cũng không phải khó khăn lớn nhất. Trở ngại to lớn hơn cả chính là:
Nếu như học theo "Tam tự kinh" và "Đệ tử quy", vậy thì theo như tiêu chuẩn đào tạo học sinh, sinh viên của những trường danh tiếng đang có mặt tại diễn đàn lần này, những đứa trẻ đó bước ra ngoài xã hội chắc chắn 90% là phải chịu thiệt.
Bạn thử nghĩ, cho một đứa trẻ học "Tam tự kinh" để rèn trung thực, giữ chữ tín, học cách hiếu thuận, kính trên nhường dưới… Nếu đem những đức tính ấy ra ngoài xã hội phức tạp như hiện nay, chắc chắn con em của bạn sẽ là người chịu thiệt.
Điều này cho thấy, xã hội của chúng ta đang tồn tại một vấn đề lớn. Ai có thể phủ định điều đó?
Đây chính là lý do mà chúng ta phải học và làm theo những điều căn bản nhất trong tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bản thân tôi là một người thầy giáo, công việc hằng ngày đều cần tiếp xúc với học sinh. Vì vậy, tôi muốn nói với mọi người, chúng ta cần phải có ý thức về sự gian khổ trong giáo dục ở Trung Quốc.
Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn. Con em của chúng ta nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật, nhất định phải để cho chúng biết, giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ, học tập cũng không đơn giản là con đường trải toàn hoa hồng.
Nếu một người có thể cảm thấy vui vẻ trong học tập, vậy người ấy nhất định sẽ trở nên vô cùng tài giỏi. Nhưng đại đa số mọi người đều không cảm thấy việc học là sung sướng, là thoải mái.
Hầu hết chúng ta đều thấy, học là gian nan, khó nhọc. Chúng ta học vì một mục đích nào đó, và hơn hết là bởi ta ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc đời, cho nên dù thế nào, cũng không thể không học!
Luận điểm thứ tư: Trẻ em ngày nay phải trả giá quá thấp cho việc phạm lỗi
Chúng ta cần nói cho con trẻ biết rằng, phạm lỗi là việc phải trả giá. Nếu như cả xã hội này đều chạy theo trào lưu nhân nhượng con em, vậy thì không chỉ tương lai của đứa trẻ đó đáng lo ngại, mà tương lai của chúng ta cũng là điều đáng lo ngại.
Những đứa trẻ được dạy dỗ như vậy, khó có thể thể gánh nổi trọng trách phát triển tương lai cho Trung Quốc.
Hiện nay, trẻ em tiến bộ, xã hội tiến bộ; trẻ em thụt lùi, giáo viên thụt lùi; trẻ em mắc lỗi, phụ huynh nhượng bộ. Cha mẹ thương xót con em mình, giáo viên thì e dè học sinh của mình. Vấn nạn "con một" từ đó mà hình thành.
Nếu giáo dục cứ tiếp tục như vậy thì sao chúng ta có thể tiến bộ được? Càng huống hồ, giáo dục hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, nên khó có thể giải quyết và áp dụng theo những lý luận thông thường.
Cha tôi từng được thụ hưởng một nền giáo dục hết sức tốt đẹp, nên ông cũng không thể chấp nhận được cách dạy con của tôi. Có một lần, chứng kiến tôi dạy dỗ con mình, cha tôi đứng cạnh tỏ ra rất không vui.
Khi đó, con tôi nói: "Bố ơi, vì sao bố lại nói con như thế?"
Tôi bảo: "Vì con làm sai!"
Nó lại trả lời: "Cho dù con làm sai, bố cũng không được nói con như thế!"
Tôi hỏi: "Con đã đọc qua ‘Tam tự kinh’ chưa?"
Nó nói: "Có phải bố muốn nói tới câu ‘nuôi mà không dạy là lỗi của cha’ hay không?"
Tôi đáp: "Đúng!"
Nó cự nự: "Hai hôm trước, bố vừa giảng ‘Đệ tử quy’ còn gì. Trong đó có viết ‘trước kính trên, sau thủ tín’. Bố làm cho ông không vui, vậy thì sao con lại phải làm cho bố vui lòng?"
Câu chuyện nhỏ của gia đình tôi đã phản ánh một hiện thực: Cách giáo dục truyền thống của chúng ta tới ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ. Và tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với nhiều xung đột từ những điều căn bản nhất.
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 5.
Giáo sư Tiền thẳng thắn chia sẻ về những mâu thuẫn trong quan niệm dạy con của gia đình mình để mọi người hình dung rõ về mâu thuẫn tồn tại trong quan niệm giáo dục hiện nay tại Trung Quốc.
Với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi lại mong rằng, nếu thầy của con tôi thấy nó không nên người, cứ việc đánh nó vài cái, phạt  nó vài lần. Đấy là việc nên làm. Hơn nữa, Bộ Giáo dục nên đưa ra quy định cụ thể về hình phạt dành cho học sinh.
Chúng ta hiện nay đều hô hào về việc khích lệ sự tự tin ở trẻ bằng cách khen ngợi chúng. Điều này là đúng, nhưng nếu làm quá lại hóa thành sai.
Trẻ em thụ hưởng cách giáo dục cổ vũ quá mức, đến lúc bước chân ra ngoài xã hội, đối mặt với sự thật đầy những điều tương phản, chúng sẽ bị "sụp đổ", bị "phá hủy".
Chúng ta nên nói cho trẻ biết, kỳ thực xã hội này hết sức tàn khốc, hết sức thiếu công bằng, phải chuẩn bị tinh thần mà chịu đựng ấm ức, càng sớm chịu ấm ức, càng sớm được tôi luyện.
Nếu như hiệu trưởng, giáo viên xử phạt những học sinh phạm lỗi, thậm chí đánh chúng vài cái, tôi thực sự phải cảm ơn những người cô, người thầy ấy.
Hãy ngừng lại việc hô hào mù quáng về "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất", "giáo dục thành công". Thành công là thứ hào nhoáng biết nhường nào, mà tôi thì cho rằng, chỉ cần dạy trẻ lớn lên như một người bình thường và được hưởng hạnh phúc đã là điều rất tốt rồi!
Luận điểm thứ năm: Giáo dục không thể càng ngày càng nhân nhượng
Tôi quan niệm, giáo dục phải là chuyện chân thực nhất. Giáo viên không nên lúc nào cũng xét đoán tới suy nghĩ của phụ huynh và con trẻ, càng không nên lúc nào cũng nhân nhượng học sinh, nhún nhường phụ huynh.
Con của chúng ta không đỗ vào một trường đại học danh tiếng cũng không sao hết. Tôi chỉ mong chúng trưởng thành khỏe mạnh, được sống một cuộc đời hạnh phúc.
Huống chi, nào ai biết được loài người chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu năm. Hoắc Kim đã từng dự đoán, có lẽ chỉ khoảng trên dưới 200 năm.
Nếu thực sự như vậy, tôi sẽ bảo cháu tôi đừng sinh con nữa. Các vị có cho rằng đó là một chuyện nực cười không?
Ngày nay, điều chúng ta cần cố gắng là làm sao để con trẻ khỏe mạnh cả về tâm lý và sinh lý, sau đó trao cho chúng quyền được quyết định tương lai của mình. Bởi chúng ta không thể lo toan cho chúng cả đời.
Đừng để thế hệ sau giống như chúng ta lúc nhỏ, phải trải qua cuộc sống khó khăn, phải lớn lên trong một xã hội chưa phát triển, kinh tế còn nghèo nàn, nhưng lại luôn lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ.
Tôi bây giờ vô cùng ngưỡng mộ cha mẹ tôi. Họ dám đánh, dám mắng chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng yêu họ.
Trẻ em ngày nay nói không nghe, mắng không được, thậm chí chỉ lườm một cái, không chừng còn bị ông bà chúng quở trách vì quá nghiêm khắc.
Giáo viên càng ngày càng ít dám phê bình học sinh, càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới cửa lớp làm ầm.
Có một lần, khi giảng "Đệ tử quy", nói đến câu "thủ hiếu đễ" (giữ đạo hiếu), tôi liền nhờ trợ lý tìm giúp ví dụ phản biện về những vụ việc "bất hiếu", "giết cha", hại mẹ" xảy ra trong năm rồi in ra nhằm phục vụ cho bài giảng.
Chỉ một lúc sau, trợ lý nói với tôi: "Thầy ơi, hết giấy để in rồi!"
Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú - Ảnh 6.
Ảnh minh họa.
Từ thực tế ấy có thể nhìn ra rằng, nếu chúng ta không quản nghiêm con trẻ, thậm chí dùng danh nghĩa yêu thương mà nhân nhượng chúng, đó đích thị là một cách giáo dục sai lầm.
Có lẽ, quan điểm này của tôi có phần đột ngột. Nhưng khi nghe tới những khẩu hiệu giáo dục như "làm thế nào để trẻ càng thành công", trong lòng tôi chỉ nảy ra ba chữ: "Không tin tưởng"!
Vì vậy, tôi chọn cách nói với các giáo viên, các hiệu trưởng đang ngồi đây về nghĩ thực sự của mình. Nếu chúng ta không làm rõ những thứ mơ hồ này, vậy thì chúng ta chẳng sớm thì muộn sẽ cùng nhau "rồi đời".
Giáo dục, đặc biệt là giáo dục cơ bản, e rằng không nên chỉ đơn thuần là đi theo trào lưu của xã hội.
Đây thực chất là một vấn đề lớn. Bản chúng ta chỉ đơn giản cho rằng, giáo dục nên song hành cùng sự phát triển.
Vậy, xã hội là đang "giáo dục" nền giáo dục, hay giáo dục đang "giáo dục" cho xã hội?
Tôi cho rằng, nên để nền giáo dục "giáo dục" xã hội này. Nhưng thực tế hiện nay, thì xã hội lại đang "đè đầu" giáo dục. Nếu cứ như vậy, tính căn bản trong giáo dục sẽ chẳng còn tồn tại, và những lí luận giá trị cơ bản nhất rồi cũng sẽ sớm tiêu tan.
Vòng hộ mệnh cuối cùng của chúng ta chỉ có giáo dục. Chúng ta không nên dễ dàng nhượng bộ xã hội, càng không nên dễ dàng nhượng bộ con em của mình.
Chúng ta nên trao cho hiệu trưởng và giáo viên quyền kiểm soát nhiều hơn. Đối với con trẻ, vinh dự càng cao, đãi ngộ càng tốt, thì trách nhiệm cũng càng phải nhiều lên.
Đây là những lời "rút ruột rút gan" của tôi. Nếu có chỗ nào không đúng, mong các vị hiệu trưởng trước hết hãy xem tôi như một học sinh, sau đó coi tôi như một vị phụ huynh, và cuối cùng mới nhìn nhận dưới tư cách là một giáo viên "hậu bối" để nhận xét, phê bình.
Tôi xin chân thành cảm ơn!"
Mặc dù chỉ đề cập đến nền giáo dục của Trung Quốc hiện nay song bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung nếu vượt qua biên giới Trung Quốc, có lẽ nó cũng sẽ chạm đến tư duy, suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh ở những nước khác trong đó có Việt Nam.
Giáo dục hiện nay, đúng là có rất nhiều điều đáng bàn!