Phối cảnh cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành
Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành có tổng chiều dài 1.518 m, tổng mức đầu tư gần 1.927 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác. Điểm đầu cầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) và điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2020. 
Cầu được thiết kế quy mô vĩnh cửu, bê tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu; mặt cắt ngang cầu rộng 22,5 m. thiết kế 4 làn xe ô tô, lề bộ hành mỗi bên 2m, khổ thông thuyền rộng 50m, cao 9,5m, vị trí cầu cách lăng Kinh Dương Vương khoảng 500m về phía thượng lưu. Trong đó cầu chính dài 440m, cầu dẫn phía Bắc dài hơn 623m, phía Nam dài hơn 173m. Hình dáng kiến trúc cầu có 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S mềm mại, uyển chuyển vờn trên sóng nước, giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng nhau qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm. Các trụ cầu khoét lỗ vòm có hình tượng chân rồng 3 móng.
Điểm nhấn của phương án kiến trúc là chi tiết đầu rồng được nghiên cứu thiết kế cách điệu vừa có tính thẩm mỹ và hiệu quả về kết cấu, thân thiện môi trường. Giữa 2 đầu rồng là quả cầu tượng trưng mặt trời có thiết kế kết cấu khung thép không gỉ và kính cường độ cao vừa sử dụng làm đài quan sát trên cao vừa phục vụ một số lượng hạn chế quan khách và công tác duy tu, bảo trì. Cổng chào được thiết kế cách điệu với hình tượng rồng thời Lý trên phiến đá đặt hai đầu cầu. Vị trí lề bộ hành mở rộng phục vụ khách tham quan ngắm cảnh và 4 cầu thang đi bộ kết nối lề bộ hành trên cầu với công viên Phật Tích và lăng Kinh Dương Vương. Đây là cây cầu thiết kế đậm chất văn hóa vùng Kinh Bắc.
Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến Tỉnh lộ 276, 287…Cây cầu hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung. Bên cạnh đó, là cầu nối các khu di tích lịch sử như: Lăng và Đền thờ thủy tổ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích, Đền Đô...và nhiều di tích khác đã được nhà nước xếp hạng, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Ninh phát triển du lịch và dịch vụ. /.

Tin, ảnh: Hồng Minh