Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

Sinh vật hiếm ở Việt Nam

Kỳ lạ rắn bạch tạng “mắt đỏ” dài 2m, để chơi không bán của dân chơi Ninh Bình

Dân trí Sở hữu con rắn toàn thân màu trắng, mắt và lưỡi màu đỏ, dài hơn 2m, nặng hơn 2kg được nhiều đại gia hỏi mua và trả giá 100 triệu đồng nhưng anh Phạm Văn Điệp ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) vẫn chưa muốn bán.

Thời gian gần đây, thú chơi động vật đột biến bạch tạng được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Chính vì thế, nhiều chú chim chào mào, rắn, gà… bạch tạng được săn lùng, trả giá lên tới hàng trăm triệu…
Gà 9 cựa đột biến gen trắng muốt “hiếm có bậc nhất” giá 5 triệu/ con
Anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương) hiện sở hữu trang trại sinh vật cảnh rộng hàng nghìn m2 với nhiều loài quý hiếm như: chim công, chim trĩ 7 màu, chim trĩ hoàng đế…
Đàn gà 9 cựa đột biến gen với màu lông trắng bạch tạng hiếm có của gia đình anh Phương
Đàn gà 9 cựa đột biến gen với màu lông trắng bạch tạng hiếm có của gia đình anh Phương
Nổi bật trong số đó là đàn gà 9 cựa đột biến gen với khoảng 30 con được anh kiên trì nhân giống trong nhiều năm. Theo đó, đàn gà có lông màu trắng muốt hay còn gọi là gà bạch tạng, chân có từ 7 – 8 cựa độc đáo. Hiện trên thị trường, chỉ duy nhất có gia đình anh Nguyễn Văn Phương là nhân giống và sở hữu loại gà 9 cựa đột biến này.
Theo anh Phương đàn gà được anh nuôi và nhân giống trong 3 năm
Theo anh Phương đàn gà được anh nuôi và nhân giống trong 3 năm
Chủ trang trại này cho biết, cách đây 3 năm, vào khoảng năm 2014 vì yêu thích, đam mê giống gà 9 cựa, anh một mình lặn lội lên tận bản Cỏi (Xuân Sơn, Phú Thọ) để lùng mua những con gà thuần chủng về nhân giống. Thời gian đầu, gà sinh sản bình thường tuy nhiên, sau đó anh vô tình phát hiện một lứa gà con có màu lông đột biến trắng tinh, trông rất đẹp mắt.
Hiện tại, sau ba năm nhân giống từ số lượng ban đầu ít ỏi, đến nay anh Phương đã có trong tay đàn gà đột biến gen lên tới 30 con. Do có hình dáng độc đáo và màu lông khác biệt nên khá nhiều dân chơi sinh vật cảnh ngỏ lời mua đứt với giá cao nhưng anh chưa đồng ý bán mà muốn để lại gây giống. Chủ trang trại này dự tính trong năm nay sẽ đưa ra thị trường một số con gà đột biến với giá vào khoảng 5 triệu đồng/con trưởng thành và 1 triệu đồng/gà con.
Rắn hổ mèo bạch tạng quý hiếm “trả 150 triệu không bán”
Rắn hổ mèo bạch tạng quý hiếm
Rắn hổ mèo bạch tạng quý hiếm
Anh Phạm Văn Điệp (SN 1984, Ninh Bình) cho biết, con rắn bạch tạng độc đáo này thuộc loại rắn hổ mèo, hay còn gọi là rắn long thừa, rắn hổ vện, rắn ráo trâu. Khác với các con rắn khác, toàn thân rắn có màu trắng bạch tạng độc đáo, lưỡi và mắt có màu đỏ tươi. Con rắn có chiều dài 2m với trọng lượng trên 2kg.
Thức ăn của con rắn đặc biệt màu bạch tạng này cũng như những con rắn bình thường khác
Thức ăn của con rắn đặc biệt màu bạch tạng này cũng như những con rắn bình thường khác
Cách đây 4 năm, vào năm 2013, khi đi kiểm tra trại rắn, anh Điệp bất ngờ phát hiện một con rắn con mới nở có màu trắng bạch tạng hiếm có. Ngay sau đó, anh Điệp tiến hành tách đàn và chăm sóc theo chế độ riêng. Ngoại trừ màu sắc bên ngoài khác biệt, con rắn sinh trưởng và phát triển bình thường giống như các con khác trong đàn.
Cũng theo anh Điệp, anh mở trại rắn từ năm 2008, nhưng đây là lần đầu tiên bắt gặp trường hợp rắn đột biến với màu sắc độc đáo như vậy.
Được biết, từ khi trại rắn của anh Điệp xuất hiện rắn bạch tạng, khá nhiều đoàn khách ở khắp mọi nơi tìm đến chụp ảnh, chiêm ngưỡng. Trong đó, một thương lái Trung Quốc đã trả giá 150 triệu để mua đứt con rắn quý hiếm này song anh Điệp chưa đồng ý bán.
Chào mào bạch tạng giá 300 triệu của ông "vua chim màu Việt Nam
Chương Tailor được ví như ông vua chim màu Việt Nam nhờ sở hữu số lượng chim quý, hiếm độc nhất vô nhị.
Chương Tailor được ví như "ông vua chim màu Việt Nam" nhờ sở hữu số lượng chim quý, hiếm "độc nhất vô nhị".
Trong giới chơi sinh vật cảnh ở Việt Nam, Chương Tailor không phải là một cái tên xa lạ. Vị đại gia trong ngành thời trang nổi tiếng với bộ sưu tập chim cảnh quý lên tới 62 con với tổng giá trị vào khoảng 10 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong số này nhiều con chim hoàng khuyên, chào mào, chích choè than bạch, chích choè lửa bông kiếm trắng, họa mi bạch tạng, chim rẽ quạt bạch tạng… được xem là “độc nhất vô nhị”, ở Việt Nam chỉ mình anh có.
Nhiều chú chim bạch tạng của dân chơi này được trả giá hàng trăm triệu
Nhiều chú chim bạch tạng của dân chơi này được trả giá hàng trăm triệu
Trong số này, nổi tiếng nhất là “nữ hoàng” chào mào từng gây xôn xao dư luận bởi vẻ đẹp và giọng hót hay thi đấu dàn rất hay.
Theo đó, “nữ hoàng” sở hữu một bộ lông trắng từ đầu đến vai, chân hồng mỏ hồng vô cùng ấn tượng “Bình thường săn được một chú chim bạch tạng đã khó, để tìm được một chú chim như “nữ hoàng” thì phải có duyên lắm. Thông thường, nếu bị đột biến gien dạng này (bạch tạng), toàn bộ lông của chim sẽ trắng hết. Nhưng chỉ trắng riêng phần đầu không thì rất đẹp và hiếm "kịch độc", anh Chương nói. Được biết, giá của chú chào mào bạch tạng này cũng không dưới 300 triệu.
Thú chơi "bạch xà" kiểng khác người ở Cà Mau
Một con trăn đột biến màu trắng
Một con trăn đột biến màu trắng
Anh Trần Trung Kiên ngụ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có một thú chơi khác người: chơi trăn kiểng. Ngoài giờ làm, về đến nhà là anh lao vào chăm sóc đàn “bạch xà”, hay còn gọi là trăn trắng, trăn đột biến.
Năm 2012, anh Kiên mua hai con trăn màu vàng từ một người cậu ruột. Bất ngờ, sau hai năm chăm sóc cặp trăn vàng này đã sinh sản ra 11 con trăn đột biến màu trắng. Nhận thấy công việc bận rộn, không thể chăm sóc cho đàn trăn đột biến này nên anh Kiên đã quyết định bán lại hết cho một thương lái từ TP.HCM với giá 6 triệu đồng/con.
Bạch xà rất được người dân quan tâm hỏi mua về làm kiểng, giá bán rất cao so với giá trăn thông thường.
"Bạch xà" rất được người dân quan tâm hỏi mua về làm kiểng, giá bán rất cao so với giá trăn thông thường.
Đến năm 2016, cặp trăn vàng bố mẹ lại tiếp tục sinh sản đợt 2 và cho ra 9 con trăn đột biến màu trắng. Lần này, anh Kiên quyết không bán mà giữ lại để các anh em trong gia đình chăm sóc. Đến nay, 9 con trăn này đã đạt trọng lượng khoảng 10 kg.
Anh Kiên cho biết thêm, đối với loại trăn đột biến giá trị của nó nằm ở hoa văn, màu sắc, lạ mắt hơn so với trọng lượng cơ thể. Trăn gấm đột biến mới nở sẽ có giá 6-7 triệu đồng/con; trăn đột biến có trọng lượng từ 4-5kg là trên 10 triệu đồng; trên 15kg là 20-30 triệu đồng, còn nếu là trăn bạch sẽ có giá khoảng từ 25–40 triệu đồng/con.
Lí giải vì sao trăn đột biến lại có giá cao như vậy, nhiều hộ nuôi và thương lái thu mua trăn cho biết trăn đột biến có giá cao bởi thị trường của loài vật này chủ yếu là nước ngoài và người nuôi chơi kiểng nên rất được ưa chuộng, trong khi đó mặt hàng này trong nước lại rất hiếm.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

20 năm xây tình yêu quan họ trên đất phương Nam

20 năm xây tình yêu quan họ trên đất phương Nam

18/04/2018 07:21 Số lượt xem: 127   
“Ăn một miếng trầu, gặp đây ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng… Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”. Câu ca vương vấn trên vành môi theo những liền anh, liền chị Kinh Bắc về vùng đất phương Nam ngọt lành, để rồi, nghe câu hát mượt mà thắm tình ấy, người phương Nam say lòng, duyên đưa giữa miệt vườn cây trái...
Hẳn những ai đã một lần được nghe làn dân ca Quan họ mượt mà của những liền anh áo the, khăn đóng, liền chị mớ ba, mớ bảy xứ Kinh Bắc của CLB Quan họ Mười nhớ Phương Nam vang lên giữa lòng thành phố mang tên Bác, trào dâng trong lòng những xúc cảm khó tả.
Với người Bắc Ninh- Kinh Bắc, Quan họ hiện diện trong từng bước đi, bữa ăn, nhịp thở, ăn sâu tận máu thịt nên dẫu có đi xa đến mấy thì người Kinh Bắc vẫn không thể nguôi quên những làn điệu Quan họ. Thế nên, chẳng có gì lạ khi giữa Sài Gòn lại vang lên câu Quan họ mượt mà, nền nã, thêm một chút khắc khoải tâm trạng của người xa quê… Xa Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, sống giữa thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ, ban đầu, các liền anh, liền chị chỉ biết ngâm nga Quan họ một mình. Thế rồi, trong những cuộc họp đồng hương, khi những người con Kinh Bắc gặp nhau, các làn điệu Quan họ bỗng bùng lên một cách thỏa thích, như cho bõ những ngày không được hát. Làn điệu ấy không chỉ gợi nhớ về cố hương trong lòng những người con Bắc Ninh mà còn làm say đắm bao tâm hồn sinh ra trên mảnh đất phương Nam trù phú.



Trong dòng chảy Quan họ nơi đất phương Nam đầy nắng và gió, không biết tự bao giờ, cái tên “CLB Quan họ Mười nhớ” do nhạc sỹ, nghệ sỹ Quí Thăng sáng lập trở nên thân thiết với bao khán giả gần xa không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở nhiều vùng miền trên cả nước. Là CLB đầu tiên ở phía Nam được thành lập từ tháng 4/1998, tiếng hát của các liền anh, liền chị CLB Mười Nhớ đã đáp ứng mong mỏi của bà con quê hương. Nghệ sỹ Quí Thăng nhiều đêm trăn trở khi chọn đặt cái tên cho câu lạc bộ của mình, bởi lẽ cái tên ấy đã gói gém trọn vẹn cái tình, cái ý của những người con xa quê. Trong nhiều năm hoạt động, câu lạc bộ đã quy tụ được nhiều người con không chỉ Bắc Ninh mà còn nhiều tỉnh khác với sự tham gia khá đa dạng của nhiều thành phần như: học sinh, sinh viên, bộ đội, giáo viên… đến học hát Quan họ và tham gia biểu diễn. Nhiều chương trình truyền hình của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam; các sự kiện có ý nghĩa chính trị lớn như : Chào mừng 990 năm Thăng Long, Biểu diễn phục vụ  hội nghị APEC năm 2006, Lễ hội Trà Bảo Lộc, Hoa hậu trái đất năm 2010… đều có sự tham gia của “Mười nhớ”. Thông qua sự hướng dẫn, truyền dạy của nghệ sỹ Quý Thăng, các thành viên trong CLB đã trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong giới thiệu quảng bá và phát triển di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên vùng đất Phương Nam.
Ở tuổi 20 đầy sung sức, hiện CLB Mười Nhớ quy tụ hơn 30 thành viên và đã mở rộng đến tất cả những người yêu Quan họ sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, chứ không chỉ giới hạn trong Hội Đồng hương Bắc Ninh nữa. Rất nhiều thành viên của CLB tuy gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống nhưng đã nỗ lực vượt qua, chăm chỉ đều đặn đến sinh hoạt hát Quan họ. Gặp nhau trong cái tình tri âm, tri kỷ cùng dân ca, người Quan họ mong giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Từ những làn điệu giao đãi như “Mời nước, mời trầu” đến những tự sự tha thiết “Tìm người”, “Gọi đò”, “Ngồi tựa song đào”… chất chứa tình yêu lặng thầm nhưng sâu nặng được các liền anh, liền chị tập luyện chăm chỉ, đều đặn, cùng nhau giao lưu, thưởng thức. Những anh hai, chị hai của CLB hầu như đã lớn tuổi, có nhiều thành viên đi lại khó khăn nhưng mỗi khi mặc bộ đồ áo tứ thân, đội chiếc khăn mỏ quạ cất vang điệu hát đối giao duyên họ như trẻ lại.
Nhạc sỹ Quý Thăng, cho biết: “CLB Mười Nhớ có rất nhiều nhân tố tuyệt vời. Giọng hát của nhiều nghệ sĩ trong CLB đạt đến chất lượng nghệ thuật thực sự. Với tình yêu sâu sắc âm nhạc Quan họ, những nghệ sĩ dân gian mang Quan họ đến với người dân miền Nam”. Song để giữ gìn nguyên gốc quan họ, nhiều lần ông về quê tìm áo the, khăn mỏ quạ, học cách têm trầu, vấn khăn và tìm hiểu làn điệu cổ và cả những nét đặc trưng trong văn hóa Quan họ để truyền dạy cho liền anh, liền chị trong CLB, góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản quý giá của quê hương.
Ghi chép của Dương Hoàn

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

CÂU ĐỐI ĐỀN HÙNG VÀ TÂM THỨC VIỆT NAM

TRẨY HỘI ĐỀN HÙNG CÙNG ĐỌC NHỮNG ĐÔI CÂU ĐỐI XƯA


CÂU ĐỐI ĐỀN HÙNG VÀ TÂM THỨC VIỆT NAM

Nguyễn Khắc Xương


Câu đối Đền Hùng là cảm nghĩ của nhân dân gửi Đền Hùng mộ Tổ, tấm lòng nhân dân khi được về mảnh đất cội nguồn, được thành kính thắp những nén hương thơm dâng lên tổ tiên xưa: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

Xét về văn tự, câu đối Đền Hùng có 3 loại, đó là các câu đối soạn bằng Hán tự, câu đối Nôm và câu đối chữ Quốc ngữ ra đời muộn hơn, vào hồi đầu thế kỷ.

Đề ở Đền Hùng phần nhiều là câu đôi Hán tự, còn đối Nôm và đối chữ Quốc ngữ là viết trên giấy lưu lại hay in trên báo chí hoặc cũng có khi là truyền khẩu mà nhớ.

Đến cổng đền Hùng, ngước nhìn lên thấy trang nghiêm như tỏa sáng hào quang 4 chữ “Cao sơn cảnh hành”. Đây là câu rút ra từ Kinh Thi: Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ, có nghĩa là: “Núi cao ta ngẩng trông, đường rộng lớn ta đi tới”. “Núi cao ta ngẩng trông” là hướng về cội nguồn như núi cao sừng sững bền vững muôn đời. Còn “đường lớn ta đi tới” là chỉ về tương lai rộng lớn của cả dân tộc. Khổng Tử khi biên tập các câu hát và thơ dân gian để làm thành bộ Kinh Thi có khen câu thơ trên: “Người làm thơ yêu thích cái đạo nhân hậu đến như thế”. Khen “nhân” là vì đã nghĩ đến cái gốc, khen “hậu” vì đã nghĩ đến những thế hệ mai sau.

Hai bên cổng đền là đôi câu đối:

Thác thủy khải cơ, tứ cố sơn hà qui bản tịch.
Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn.
 
(Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông qui một mối;
Lên cao nhìn khắp, chập chùng đồi núi cháu con đông).

Đôi câu đối vừa chỉnh vừa mang ý nghĩa sâu sắc, đề ở cổng nơi thờ Tổ chung cả nước thật thích hợp mà lại chiếu được vào 4 chữ đại tự nói trên.

Đền Hùng còn có nhiều hoành phi đều nói lên Hùng Vương là tổ nước, nêu cao công đức tổ tiên và tấm lòng uống nước nhớ nguồn như:

- Triệu cơ vương tích (Dấu tích vua trên nền móng đầu tiên).

- Nam Việt triệu tổ (Vị Tổ đầu tiên của nước Việt Nam).

- Hùng Vương linh tích (Dấu thiêng của các vua Hùng).

- Ẩm hà tư nguyên (Uống nước nhớ nguồn)

- Tử tôn bảo chi (Con cháu hãy giữ gìn lấy).

- Nam quốc sơn hà (Non sông nước Nam)

- Sơn thủy kim ngọc (Non sông vàng ngọc).

Các hoành phi trên nói lên tư tưởng và tấm lòng của nhân dân, câu đối Đền Hùng cũng mang những nội dung trên nhưng có đi sâu có phát triển, vì hoành phi là súc tích, chỉ nêu trong 4 chữ cả một vấn đề lớn có tính khái quát cao.

Về với Đền Hùng mộ Tổ trên ngọn núi Hùng hay Nghĩa Lĩnh, tại xã Hy Cương, huyện Phong Châu, Vĩnh Phú, mỗi khách hàng hành hương không thể không bồi hồi xúc động trước cảnh núi sông hùng vĩ và tươi đẹp. Trước mắt là thành phố Việt Trì, Kinh đô nước Văn Lang, Thủ đô của nước Việt Nam ta với ba con sông lớn nhất miền Bắc là Lô, Thao (tức sông Hồng) và Đà như 3 con rồng uốn khúc quện lấy nhau chầu về núi Hùng. Khu vực Nghĩa Lĩnh này là hậu cung và cũng là nơi lập đàn tế Trời Đất và thực hành những nghi lễ cầu mưa của các vua Hùng.

Câu đối nói lên tâm tưởng mỗi người trước cảnh tượng hùng tráng “non sông muôn thuở vững âu vàng”:

Vương đối tác bang, tối hảo trung gian sơn thủy;
Dân kim thụ tứ, cái tự thượng cổ thánh thần.
(Vua dựng nước đây, sông núi chốn này tươi đẹp quá;
Dân nay ơn chịu, thánh thần trao lại tự ngàn xưa).

Khải mã Nam giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc;
Hiền vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ
(Cõi mở Nam Giao, Hồng Lạc nghìn thu tôn nước tổ.
Đất tây rộng mở, Tản Lô một dải vững đền Vua).

Quá cố quốc, miến Lô, Thao, y nhiên bích lãng hồng đào, khâm đái song lưu hồi Bạch Hạc.
Đăng tư đình, bái lăng tẩm, do thị thần kinh xích huyện, sơn hà tự cổ khống Chu Diên.
(Qua nước cũ ngắm Lô Thao, vẫn hồng đào bích lãng như xưa, sông hai dải bao quanh chầu Bạch Hạc;
Lên đền này vái lăng tẩm, kìa xích huyện thần kinh còn đó, núi bốn bề quay lại giữ Chu Diên).

Các câu đối bắt nguồn từ cảm hứng núi sông đều mang ý Tổ quốc trường tồn, giang sơn vững mạnh, từ đó lại đưa tới nội dung ca tụng, khẳng định công đức các vua Hùng dựng nước.

 Lịch Tam hoàng chí Tam vương, thần truyền thánh kế.
Đĩnh bách nam khai Bách Việt, tổ thiện tôn bồi.
(Trải qua ba đời đến ba đời vương, thánh thần truyền dõi.
Sinh trăm trai nở trăm giống Việt, tổ tiên xây đắp, con cháu vui bồi).

Thánh thần sự nghiệp Thiên Nam thủy;
Hoàng đế cơ đồ Cổ Tích sơn.
(Sự nghiệp bậc thánh thần khởi đầu ở cõi trời Nam;
Cơ đồ đấng hoàng đế gây dựng từ núi Cổ Tích).

Hồng Lạc cố cung tồn, diệp chướng tầng loan quần thủy hợp.
Đế vương linh khí tại, hào phong nộ vũ nhất phong cao.
(Cung cũ Hồng Lạc còn đây, trùng điệp núi đồng nhiều sông họp lại;
Khí thiêng đế vương vẫn đó, thét gào mưa gió một ngọn núi đứng cao).

Duật duật hoàng hoàng phối thiên kỳ trạch đế nhi tổ;
Thông thông uất uất, đắc địa chi linh sơn diệc hùng.
(Đẹp đẹp tươi tươi, sánh ơn lớn của trời, vua còn là tổ;
Xanh xanh tốt tốt, được khí thiêng của đất, núi cũng rất hùng).

Duy tổ quốc tinh thần, nhất thập bát truyền căn bản địa;
Khảo cổ dư đồ danh thắng, kỷ thiên cổ tải đế vương lăng.
(Vì tinh thần Tổ quốc, qua mười tám đời truyền, đất này là căn bản;
Khảo danh thắng nước nhà sau mấy nghìn năm lẻ, nơi đây còn lăng vua).

Các câu đối đã nói lên sự trường tồn thế nước, truyền mãi và vững mạnh muôn đời:

Thập bát thế truyền trường quốc tộ;
Ức niên hương hỏa điện kim âu
(Mười tám đời truyền dài thế nước;
Ngàn năm hương hỏa vững âu vàng).

Kiến quốc lịch thiên niên, phụ đạo tương thừa công đức hậu;<
Hùng đồ thập bát thế, sơn hà tăng mị thái bình dân.
(Dựng nước trải ngàn năm, trị nước hưởng thừa công đức hậu;
Dòng Hùng mười tám đời, non sông thêm tươi đẹp, dân hưởng thái bình).

Tư tưởng non sông “riêng một cõi trời”, đứng vững một cõi trời Nam, tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “các đế nhất phương” là một tư tưởng hạt nhân của tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, giúp cho nhân dân ta giữ vững chủ quyền dân tộc, bảo vệ giang sơn bờ cõi chống lại bất kỳ mưu đồ thôn tính nào. Tư tưởng “Nam quốc sơn hà” và “Các đế nhất phương” cũng là nội dung của nhiều câu đối Đền Hùng:

Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ;
Ngô vương ngô thổ Bắc thần tôn.
(Đất này núi này là của nước Nam;
Vua ta đất ta làm phương Bắc cũng nể vì).

Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ;
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đái thượng triều tôn.
(Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô, Bách Việt non sông theo tổ trước;
Núi sáng khí thiêng, cố cung thành đền miếu, ba sông quanh quất hướng chầu vua).

Tây hanh vu sơn, Tản Đảo Lô Thao, hội tác nhất thiên vũ trụ;
Nam tố kỳ địa, Đinh, Lý, Trần, Lê trường lưu ức triệu dư đồ.
(Phía tây thông núi ấy, Tản Đảo, Lô, Thao hợp thành bầu vũ trụ;
Phương Nam mở đất này, Đinh, Lý, Trần, Lê ngàn thuở vững dư đồ).

Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn”, về với cội nguồn là tư tưởng quán xuyến trong các câu đối, dù nói về công đức Vua Hùng dựng nước hay nói lên tư tưởng “các đế nhất phương”. Tư tưởng “uống nước nhớ nguồn” cũng là một truyền thống trở thành sức mạnh, một nội lực của tâm thức Việt Nam:

Thái hòa tại vũ sổ thiên tải;
Công liệt ư dân thập bát truyền.
(Mấy nghìn năm trước xây nền vững;
Mười tám đời truyền dân đội ơn sâu).

Thông thông uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, long phụ tiên mẫu chi tính linh, hựu ngã hậu nhân võng khuyết;
Cổ cổ kim kim, thử sơn dã thủy dã, thánh tổ thần tông chi sáng tạo, y hi tiền vương [bất vong]*.
(Trong cây cỏ tốt xanh vẫn có miếu lăng, hồn thiêng cha mẹ rồng tiên phù hộ đời sau không thiếu sót;
Suốt cổ kim dài dặc, thấy kìa sông kìa núi, công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn vua trước chẳng hề quên).

Thần thánh khải viêm bang chí kim, địa bất cải tịch, dân bất cải tụ.
Huân lao phụng thánh miếu thị vi, mộc chi hữu bản, thủy chi hữu nguyên.
(Thần thánh mở cơ đồ đến nay, đất vẫn thế, dân vẫn thế;
Công huân thờ thánh miếu từ, cây có gốc nước có nguồn).

Cảm xuc câu đối Đền Hùng là cảm xúc trang nghiêm hướng về những điều thiêng liêng với mỗi người dân Việt; ý thức về cội nguồn, về sự trường tồn vững mạnh của đất nước và tư tưởng uống nước nhớ nguồn. Phải chăng câu đối Đền Hùng là biểu hiện của tâm thức Việt Nam ánh lên trên từng nét chữ?

Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương năm Bính Tí (1996)
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2 – 1996.
___

* Hai chữ trong ngoặc vuông [bất vong] trên bản in giấy không có, chúng tôi dựa vào lời dịch của tác giả để bổ sung. 

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018

Thơ mới về Bờm của ông VŨ DO


BỜM VÀ QUAN THAM

" Thằng Bờm có cái quạt mo " 
Quan tham gạ đổi một kho quạt trần. 

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trần, 
Quan tham lại gạ - Nếu cần Ô Tô...
 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy Tô 
Đường xe kẹt cứng ra vô thế nào! 

Quan tham mấy phút tào lao 
Đổi nhà mặt phố Hàng Đào mới xây?

Bờm nghe Bờm vẫn xua tay, 
Quan tham cáu tiết – Đổi ngay chức quyền!
 
Bờm rằng Bờm chẳng lấy quyền, 
Tham ô hối lộ gắn liền trại giam. 

Cho nên Bờm chẳng có tham! 
Quan tham trợn mắt …Mày ham cái gì ?

Bờm nghe, hỉ mũi cười khì: 
Có tâm – Có đức – Bờm thì  đổi ngay!
 
Đến đây Quan đành bó tay 
Tìm đâu ra đức từ ngày LÀM QUAN …! ?

                                  Tác giả : VŨ DO
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Chơi Tết mồng ba tháng ba là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”

Cổ tục VN: CHƠI TẾT MÙNG BA THÁNG BA và BÁNH TRÔI BÁNH CHAY


Chơi Tết mồng ba tháng ba 
là “phong tục cổ của An Nam từ xưa” 

Trần Thị Băng Thanh

Nhân dân ta từ rất xa xưa có tục ăn tết Mồng ba tháng ba. Trong ngày tết ấy người dân không nhóm lửa, chỉ ăn đồ nguội, vì thế Tết mồng ba tháng ba còn gọi là “Tết hàn thực” (Tết ăn đồ nguội). Ngày nay tục lệ ấy vẫn thịnh hành. Giải thích về tục lệ này, nhiều người đều cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn với câu chuyện về cái chết thương tâm của Giới Chi Thôi.

Tích truyện kể rằng Tấn Văn Công trong những ngày gian khổ mưu cầu sự nghiệp bá vương, có lúc bị đói, Giới Chi Thôi đã cắt thịt đùi mình dâng ông ăn. Sau khi thành công, khen thưởng, Tấn văn Công quên Giới Chi Thôi, Giới buồn hận bỏ đi. Sau Văn Công nhớ ra triệu vời nhưng Giới không đến, trốn vào rừng. Tìm gọi mãi không được, Tấn Văn Công sai đốt rừng để Giới phải chạy ra; nhưng Giới Chi Thôi ôm cây chịu chết cháy chứ nhất định không tha thứ cho vị quân chủ mà Giới cho là vô tình. Tấn Văn Công sửa lỗi, nhưng lỗi lại chồng thêm lỗi nên hối hận, từ đó sai lệnh cấm lửa trong ngày này (mồng 3 thấng 3) để tưởng nhớ người bề tôi trung thành mà ông vì vô tâm đã bỏ quên. Cho đến ngày nay, chắc chắn chúng ta cũng đinh ninh nguồn gốc của ngày tết này là như thế.

Nhưng cách đây đúng 720 năm, Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã nói rõ đó là “phong tục cổ của An Nam từ xưa”. Ông khẳng định điều đó trong một bài thơ kèm theo mâm bánh biếu sứ giả nhà Nguyên Trương Hiển Khanh (tên là Lập Đạo) sang Việt nam năm 1292. Bài thơ như sau:

                                    Giá chi vũ bãi thí xuân sam,
                                    Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.
                                    Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,
                                    Tòng lai phong tục cựu An Nam.
                                    (Múa giá chi rồi, thử áo xuân
                                    Hôm nay Hàn thực, buổi thanh thần
                                    Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
                                    Phong tục An Nam theo cổ nhân.)
                                                Biếu Trương Hiển Khanh bánh xuân
                                                                                    (Trần Lê Văn dịch)

Bài thơ giọng điệu trang nhã, vừa rất ân cần với khách vừa ý tứ sâu xa. 

Trước hết hãy nói về Trương Hiển Khanh. Người Việt nam chắc ai cũng nhớ, vào năm 1288 nước ta vừa “đại phá” cuộc xâm lược của nhà Nguyên lần thứ ba. Vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) vốn rất hận, đã tập trung lực lượng chuẩn bị đánh lần thứ tư vào năm 1294. Trương Hiển Khanh là Thượng thư bộ Lễ của Nguyên triều sang Việt Nam có nhiệm vụ “dụ” vua Trần phải thực tâm thần phục, sang triều kiến vua Nguyên và chịu làm theo mọi điều kiện nhà Nguyên áp đặt, nếu không thiên triều sẽ “trừng phạt”. Có thể Trương Hiển Khanh cũng còn một nhiệm vụ nữa là quan sát xem nước Việt sau năm năm với hai cuộc chiến khốc liệt, thế và lực ra sao. Vua tôi nhà Trần hiểu rất rõ điiều đó, cho nên cuộc tiếp sứ lần này thực chất là một cuộc đấu tranh ngoại giao gai góc chứ không phải là cuộc thăm hỏi xã giao. Nhưng Trần Nhân tông hết sức chủ động, nhà vua chủ trương “hóa giải” tình hình đó, trước hết với vị sứ thần có địa vị cao trong Nguyên triều và chắc chắn có học vấn. Vua tiếp sứ giả ở Điện Tập hiền với phong cách rất thân mật, chủ tâm theo phong tục An Nam: đặt tiệc mời toàn hải sản, trong lúc trò chuyện thỉnh thoảng lại mời ăn trầu, thậm chí còn mời vào trong trướng “ngồi xuống đất”. Trong cả chuỗi sự kiện tiếp đãi với tinh thần khẳng định bản lĩnh dân tộc đó, vua Nhân Tông trong ngày tết Mồng ba tháng Ba đã biếu Trương Hiển Khanh một mâm bánh với bài thơ trên. Các vua nhà Trần là những người có học, chắc chắn nhà vua biết rõ câu chuyện Giới Chi Thôi, nhưng với căn cứ gì vua Nhân Tông khẳng định đó là “phong tục cổ An Nam từ trước tới nay”? Trần Nhân Tông không ghi chú rõ, nhưng gần đây tìm hiểu ý tứ của bài thơ này, chúng tôi đã thấy một căn cứ. Nguyên là theo sách Kinh Sở tuế thời ký thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, gọi là tiết Hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày; Lời chú của sách này nói: Theo lịch thì tiết ấy vào khoảng trước thanh minh 2 ngày, cách ngày đông chí 106 ngày. Một sách “biệt lục” của Lưu Hướng cũng nói tiết Hàn thực có từ đời Chu; tiết này được gắn với truyện Giới Chi Thôi là từ thời Hậu Hán. Cũng sách này còn ghi người bản địa “thổ nhân” trong ngày 3 tháng ba còn ra bến sông, thả chén chỗ sông quanh vui uống rượu. Như vậy có thể nói ngày 3 tháng ba là một lễ hội của cư dân nông nghiệp phía nam, từ vùng Kinh Sở trở xuống (mà Việt Nam ngày nay xa xưa cũng là một trong Bách Việt. Bách Việt khác Hán tộc). Vì thế Nhân Tông mới nhấn mạnh đây là “phong tục cổ của An Nam”. Cũng có thể còn thêm một căn cứ nữa là nếu cứ theo tích Giới Chi Thôi thì tết mồng ba tháng ba là một cái tết buồn, nhưng trái lại với Việt Nam đây là một lễ hội vui, có múa hát, có mặc áo mới và ăn một thứ bánh có rau, tinh khiết như “hồng ngọc” mà vua gọi là “bánh xuân”. Bài thơ hai mươi tám chữ tặng Trương Hiển Khanh của Trần Nhân Tông quả là có một chiều sâu tư tưởng, một vẻ đẹp nhân văn rất đáng để hậu thế chiêm ngưỡng và suy ngẫm. 

Sau những động thái trong cuộc tiếp sứ của vua tôi nhà Trần, Nguyên sứ Trương Hiển Khanh đã không thể tuyên dụ được những chỉ dụ của vua Nguyên trong cuộc đối thoại mà đành viết lại thành văn bản trao sau. Và lúc đó thì “thiên sứ” đã lên đường về nước. Quả là sau khi tiếp xúc với Trần Nhân Tông, Trương Hiển Khanh đã có một cách nhìn, cách nghĩ khác về An Nam. Khi về, ông đã viết trong một bài ký: “Vua An Nam tiếp chuyện vui vẻ luôn luôn làm thơ tặng thiên sứ. Lập Đạo tức thì làm thơ đáp lại. Tiệc gần xong, mời Lập Đạo vào trong trướng, đều ngồi trên đất”. Với quan sát của Lập Đạo bây giờ “An Nam là nước nhỏ, nhưng có văn chương, không thể nói bừa họ là ếch ngồi đáy giếng”. Và ông thể hiện suy nghĩ đó trong một bài thơ với nhiều cảm tình:
.
                                                Dao vọng thương yên toả mộ hà,
                                                Thị triều nhân viễn cách yên hoa.
                                                Cô hư đình viện vô đa sở,
                                                Thịnh mậu viên lâm chỉ nhất gia.
                                                Nam chú hùng tân Thiên Hán thuỷ,
                                                Đông khai cao thụ mộc miên hoa.
                                                An Nam tuy tiểu văn chương tại,
                                                Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.
.
Bản dịch An Nam chí lược:
.
                                                Ngắm cảnh chiều hôm khói mịt mờ,
                                                Xa nơi thành thị đỡ huyên hoa.
                                                Quạnh hiu đình viện không nhiều sở,
                                                Tươi tốt vườn cây chỉ một nhà.
                                                Thiên Hán bến Nam tuôn mạch nước,
                                                Mộc miên cây lớn trổ cành hoa.
                                                An Nam tuy nhỏ văn chương thịnh,
                                                “Ếch giếng”, khuyên đừng chế giễu ngoa.
.
Thực ra những ngày tết lễ, những phong tục tốt đẹp được hình thành là sáng tạo văn hóa của nhân loại. Nếu người ta thấy hay, thấy đẹp thì học theo, cũng chẳng có điều gì phải ngần ngại; cũng như giới trẻ ngày nay đã rất thích ngày Tết tình yêu 14 – 2, hay mọi người đều rất thích tục tặng quà cho con trẻ trong Đêm Chúa giáng sinh 25 – 12 ... Có điều tìm đến gốc gác một phong tục để biết thêm vẻ đẹp nhân văn của nó cũng là một việc rất nên biết. Huống nữa trả lại cái ý nghĩa sâu xa vui vẻ và đầy sức sống như thế cho ngày tết mồng 3 tháng Ba cổ truyền của người Việt lại càng là một việc rất nên làm.
_______________
Những tư liệu viết bài này lấy từ các sách: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội in năm 1985 và An Nam chí lược, bản dịch, Tài liệu tham khảo của Thư viện văn học và Bản dịch, NXB Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, in năm 2002, Từ nguyên, Thương vụ ấn thư quán (Trung Quốc) xuất bản năm 1947.

* Tác giả Trần Thị Băng Thanh là PGS.TS, công tác tại Viện Văn học, đã nghỉ hưu. 

TS. Nguyễn Hồng Kiên giảng về Bánh trôi - Bánh Chay: 


TẾT BÁNH TRÔI BÁNH CHAY CỦA NGƯỜI VIỆT ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC TRÍCH DẪN 1 QUAN ĐIỂM rất SAI LẦM THEO TẾT HÀN THỰC CỦA TQ
Để giải thích ngọn ngành hơi mất thì giờ.
Nhưng RÕ RÀNG LÀ Tết/tiết mồng Ba tháng Ba người Việt gọi là "Tết Bánh trôi-bánh chay". 

Chỉ với món bánh làm từ GẠO (lúa nước- thứ mà vùng Trung nguyên của người Hán không trồng được) đủ cho thấy tổ tiên người Việt không bị ảnh hưởng từ cái tết Hàn thực của TQ.

Đã nhiều lần nhà cháu giải thích về các TẾT (tiết khí) trong 1 năm của âm lịch (lịch Trăng) Việt. Đó là các tiết khí của phương Nam, gắn với văn minh lúa nước. 

Cái mà bây giờ mọi người hay trích dẫn là chuyện ảnh hưởng NGƯỢC rất muộn, từ Trung Hoa. Họ du nhập của phương Nam, rồi SÁNG TÁC lại truyền thuyết cho LY KỲ thôi. 

Mặt khác, sau 1000 năm Bắc thuộc, nhiều phong tục của người Việt, hoặc bị khoác áo Hán hóa, hoặc các cụ ẨN vào đó để duy trì, tồn tại cái cốt lõi văn hóa mình.

Có thể đọc: "Trong lễ hội Trôi nước ngày mồng 3 tháng 3, ngày giỗ Nam phương Thánh mẫu cũng như ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba, ngày hội đền Hát Môn thờ hai Bà Trưng ngày mồng 5 tháng 3 dân làng nào cũng làm một mâm bánh Trôi gồm 100 bánh làm lễ vật dâng cúng. Sau khi hạ lễ, ông Trưởng lão trước gọi là Già làng về sau gọi là Tiên Chỉ đem 50 bánh đặt trên bè sen thả trôi sông và 50 bánh đem đặt lên núi để nhắc nhở đến sự tích “Bọc điều trăm họ thai chung”, năm mươi con theo cha xuống vùng sông nước, năm mươi con theo mẹ Âu lên vùng rừng núi chia nhau mà trị theo lời dặn dò của Bố Lạc." 



SO SÁNH LUÔN KHẬP KHIỄNG. Nhưng nói các tiết/Tết của lịch Trăng Việt là theo TQ thì CHẢ KHÁC GÌ NÓI "RÉT NÀNG BÂN" CŨNG CÓ GỐC TQ ;)

Thêm nữa:

Đã nhiều lần nhà cháu giải thích về các TẾT (tiết khí) trong 1 năm của âm lịch (lịch Trăng) Việ là các TIẾT của KHÍ HẬU, THỜI TIẾT phương Nam, gắn với văn minh lúa nước, CHẢ MẤY LIÊN QUAN ĐẾN NÔNG NGHIỆP KHÔ của vùng bờ Bắc sông Hoàng

Người Hoa Hạ du nhập nhiều văn hóa/văn minh của phương Nam, rồi SÁNG TÁC, bịa thêm truyền thuyết cho LY KỲ và nhằm mục đích CƯỚP ĐOẠT VĂN HÓA thôi.

BI ZỜ, ĐẾ CÓ THỂ SÁNG TỎ ĐÔI CHÚT VỀ CHUYỆN NÀY, NHÀ CHÁU XIN ĐẶT RA 3 CÂU HỎI:


1- BÁNH TRÔI BÁNH CHAY LÀM BẰNG GÌ Ạ?


Bằng bột nếp (có pha tí Tẻ) đúng không ạ? 


Văn hóa/văn minh lúa nước cho dù vưỡn chưa được thống nhất cho lắm, nhưng chắc chắn là KHÔNG PHẢI CỦA NGƯỜI HOA HẠ. 


Vậy thì món CHÍNH (Main dish) của Tết mồng Ba tháng Ba, tức thị là CÁI LÀM NÊN cái Tết này, đâu liên quan gì đến cái ông Giới Tử Thôi bên Tàu VÀ CẢ CÁI 'THẾ GIỚI TRUNG HOA' (Le Monde de Chine) ?

Có nhẽ lại phải nhắc lại chuyện Thày Vượng GIẢNG cho chúng cháu: Khổng tử từng mắng vợ là HOANG, khi DÁM nấu cơm đến 2-3 lần trong 1 tháng. TỨC LÀ GẠO LÚA NƯỚC CHÍNH XÁC LÀ ngọc thực!


Có bác sẽ chất vấn là ở Việt Nam còn có món Bánh Trôi Tàu?


Để so sánh và tìm ra lý do gọi tên món 'chè' Tàu đó với món bánh trôi nước của Việt, xin NHƯỜNG cho các bác SÀNH ăn và các chuyên gia ẩm thực (nhà cháu không 'hảo ngọt').


Riêng nhà cháu nghĩ đó KHÔNG PHẢI LÀ món ăn của người Hoa Hạ. Vả chăng, không chỉ tên gọi, món đó được người Hoa ở Việt Nam chế biến, ăn và bán quanh năm, KHÔNG CHỈ TRONG 1 NGÀY, như người Việt.

2- CÁI GÌ LÀ CỐT LÕI CỦA TẾT HÀN THỰC?


Nhà cháu chưa tra được món CHÍNH (Main dish) của phong tục này ở Tàu là gì. Mà mỗi ngày lễ/tết trên khắp thế giới đều thường gắn với một món đặc biệt nào đấy (ăn ngỗng dịp Giáng sinh chẳng hạn). 


Cái cốt lõi của tết Hàn thực Trung Hoa là để tưởng nhớ một ông bị chết cháy nên kiêng không nổi lửa, chỉ ăn đồ nguội, nấu từ hôm trước.


Chuyện đó là NGĂN CẢN ĂN chứ đâu KHUYẾN KHÍCH ĂN (các cụ răng đen vưỡn bảo là ĂN Tết cơ mà?). Ngay điều đó cũng cho thấy RÕ cái vỏ khá muộn của giai thoại về tết này của Trung Hoa. 


Hơn nữa, mọi sự kiện văn hóa/văn minh đều BẮT NGUỒN từ cuộc sống của cả một cộng đồng, thật khó tin chuyện lại VÌ 1 cá nhân mà có thể hình thành 1 tập quán.


Vả chăng, từ bé nhà cháu vưỡn thấy bà, mẹ (rồi hôm nay thấy bà dì) VƯỠN NỔI LỬA NẤU BÁNH TRÔI-BÁNH CHAY ĐÚNG TRONG NGÀY 3/3. (Chả biết nhà các bác có nấu từ đêm hôm qua ?) Nghĩa là cái CẦN THỰC HIỆN của tết Hàn Thực 'à la Chinois' đâu có tồn tại trong Tết bánh Trôi-bánh Chay của người Việt?

3- VẬY THÌ TẾT BÁNH TRÔI-BÁNH CHAY LÀ 'TƯỢNG' CHO CÁI GÌ ?


Vầng, truyền thuyết/giai thoại hay nguồn gốc của Tết mồng Ba tháng Ba là gi?
Thật khó truy nguyên! 


Vì như đã nói, trong lịch sử nhiều lần các chính thể Phong kiến Quân chủ Việt đã CHỦ ĐỘNG du nhập văn hóa/văn minh Trung Hoa, để chứng tỏ VÔ TỐN (không thua kém). Đó là 1 lớp MỜ, 1 lớp VỎ VĂN HÓA cần được (nhưng không dễ) bóc tách.


Theo nhà cháu, suốt 1000 năm Bắc thuộc, dù không bị đồng hóa, hay chính là để có thể bảo lưu HỒN CỐT, các thế hệ Tổ tiên người Việt có lẽ đã buộc phải MƯỢN TẠM 1 lớp VỎ kiểu Trung Hoa ('à la Chinois') để CHE ĐẬY, ẩn thân. Đó lại là 1 lớp CHỒNG MỜ quá lâu. Những thế hệ sau dần quên mất chuyện THẬT đương nhiên trong thế hệ trước.


Như đã thưa ở stt trước NHÀ CHÁU NHÌN THẤY ẢNH XẠ HUYỀN THOẠI TRĂM TRỨNG trong đĩa bánh chay và bát bánh trôi. Nhưng để RÀNH RỌT thì chỉ mình nhà cháu không thể kham nổi (vì ham chơi hơn)

BỊ MỌI NGƯỜI 'TRUY BỨC' QUÁ, NHÀ CHÁU CHỈ XIN THƯA LẠI THÊM TÍ NHƯ VẬY THÔI Ạ! Nhà cháu đi ăn bánh trôi-bánh chay đây !