Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Người làng Giữa ngợi ca làng Giữa




ĐẠI MÃO QUÊ TÔI

Ngàn năm Đại Mão quê tôi
Dẫu nghèo nhưng lại là nôi học hành
Bao nhà dòng dõi trâm anh
Bao nhà kế thế trâm anh đời đời
Thi thư kinh sử sáng ngời
Bút nghiên nối nghiệp truyền đời cháu con
Bao lần lấp biển dời non
Bảng vàng bia đá vẫn còn đến nay

Dẫu rằng trời đất đổi thay
Bút nghiên là nghiệp đến nay chẳng rời
Cho dù triều thủy đầy vơi
Dẫu sao cũng chẳng xa rời bút nghiên
Nhớ câu “vô thuế thư điền”
Sử xanh mới được lưu truyền đến nay.

Tháng 04/2018
Nho Lãng



XA QUÊ

Xa quê hơn nửa đời người
Vì dân, vì nước diệt loài thực dân
Mẹ mất chẳng được về thăm
Thắp hương cho mẹ ngày rằm tự nhiên
Giờ đây mẹ ở cõi tiên
Con thương nhớ mẹ dưới điền đơn sơ
Tay run con thắp hương thờ
Khói hương thành kính con chờ mẹ ơi
Chắp tay vái bốn phương trời
Cho con gặp mẹ như thời ấu thơ
Đêm qua con có giấc mơ
Đò đầy ai chở lững lờ sông Ngân
Gặp cha cởi áo ngực trần
Thấy mẹ nhanh nhẹn tảo tần sớm trưa
Áo tơi nón lá che mưa
Khom lưng gánh mạ cấy mùa cho xong
Đồng xanh lúa có đòng non
Chân dung mẹ nắm tay con hiện về
Khóc to gọi mẹ trong mơ
Giật mình tỉnh dậy bốn bề tường xây.
Trịnh Đức Tần





MỘT CÔNG TRÌNH MỚI

Nhân dân Đại Mão làm nên
Một công trình mới “Công viên” ra đời
Cây trồng rợp bóng xanh tươi
Dạo quanh bách bộ thảnh thơi khỏe người
Thư nhàn sẵn ghế đá ngồi
Chuyện trò tâm sự với người tri âm
Chuyền hơi, bóng rổ có sân
Luyện rèn, thi đấu thêm phần vui ra
Nông thôn mới, tiếp bài ca
Phát huy hơn nữa vần thơ còn nhiều.

Tháng 7/2019
Nguyễn Hữu Kim









CẢM TÁC
NGHĨA TRANG THÔN ĐẠI MÃO

Tu tạo Nghĩa trang Đại Mão nhà
Là nơi người đã vội đi xa
Đài thờ linh thiếp trên nền cũ
Cổng chính uy nghi vị trí xưa
Đất trợ âm phần yên ấm mãi
Hồn phù thôn xóm đẹp giàu ra
Trông nom chu tất nguồn âm đức
Ắt được độ trì phúc lộc đa.

Tháng 5/2018
Nguyễn Hữu Kim







NƠI ẤY MỘT MIỀN QUÊ
(Bài xướng)

Bờ nam sông Đuống sáng vùng quê
Bao lớp người xưa những hướng về
Ruộng bãi bờ tre sàng nếp sống
Đất lề quê thói dệt đam mê
Công trình xưa cũ đều thay đổi
Văn hiến hương thôn sớm luận đề
Khách đến thầm ưng nhiều vẻ mới
Khang trang to đẹp đẹp người quê.

Nho Nùng








HỌA LẠI BÀI THƠ TRÊN

Xưa nay Đại Mão một làng quê
Ai đến, đi đâu vẫn nhớ về
Đất học hiển vinh do mải miết
Làng nghề sống động bởi say mê
Dân sinh phản ánh nhiều thành quả
Văn hóa nêu lên những tựa đề
Đổi mới nông thôn cùng sánh bước
Trở thành đô thị phải đâu quê.

Nguyễn Hữu Kim






QUÊ TÔI NGÀY ẤY - BÂY GIỜ

Ngày xuân nhớ cảnh quê xưa
Tre xanh bao bọc quanh làng âm u
Xóm thôn nhan nhản ao tù
Mưa xuân đom đóm phập phù bay ra
Cuối xuân vào khoảng tháng ba
Mưa rào ếch, nhái hợp ca gọi đàn
Tháng ngâu mưa lũ ngập tràn
Sống trong biển nước gian nan cực kỳ
Mỗi lần nước lũ rút đi
Ruộng đồng xơ xác, đường đi ngập bùn
Ai nấy gắng sức không chùn
Khắc phục lũ lụt dọn bùn, hót sa
Chạy ăn đối với mọi nhà
Củ khoai, củ sắn cho qua tháng ngày… 



Cực nhất mùa vụ làm đay
Ngâm mình dưới nước khéo tay đóng bè
May thay làng vẫn có nghề
Cửi canh, màn vải đồng ra, đồng vào
                            *
                       *       *
Sông Đà trị thủy vui sao
Quê hương thoát lụt vui nào vui hơn
Mọi người quyết chí không sờn
Ngành nghề đua nở xóm thôn rộn ràng
Công ty phát triển tại làng
Bao nhiêu lao động hút vào công ty
Chợ quê sầm uất cực kỳ
Hàng hóa thứ gì cũng có để mua
Tấp nập từ sáng đến trưa
Từ chiều đến tối bán mua đã nhiều… 


Dịch vụ vận tải đa chiều
Xe tải, xe khách, càng nhiều càng nhanh
Xóm thôn nhộn nhịp đua tranh
Cùng nhau phấn đấu đẩy nhanh mạnh giầu
Nhà ở ngói hóa đã lâu
Giờ bê tông hóa còn đâu mà tìm
Giao thông, mương máng nổi chìm
Đều được cứng hóa, công trình bền lâu
Đường đi, lối trước ngõ sau
Đều bê tông hóa đến đầu hộ dân
Nước sạch phủ kín toàn phần
Chất lượng cuộc sống đã dần nâng cao
Tinh thần, vật chất dồi dào
Nhà nhà hạnh phúc dâng trào niềm vui.

Tháng 03/2019
Doãn Đằng







TẤM VẢI QUÊ TÔI

Một thời vải Giữa đo vuông
Xôn xao phố chợ, khắp phương quê nhà
Dòng sông xanh khúc tình ca
Đục trong mấy độ, ngọc ngà trăng thơ

Bâng khuâng mây bạc trời mơ
Hồn quê còn vọng, chày khuya bên hồ
Đâu người se chỉ quay tơ
Dệt thêu sợi nắng, sợi mưa điệp trùng

Tiếng thoi gõ nhịp đêm đông
Tơ vương sợi rối, đèn chong canh dài
Mấy phen lỡ hẹn cùng ai
Nuột nà tấm vải, tóc mai rủ sầu… 

Chiều buông xanh, tím bãi dâu
Nâu sồng tấm áo, đượm mầu thời gian
Sóng hồ xao động mơn man
Thoi đưa gõ nhịp đêm tàn vọng xa

Ơi! Tình đằm thắm thiết tha
Em may áo xống làm quà tặng anh
Duyên nồng một mái nhà gianh
Hai trái tim đập kết thành nứa đôi
      Câu chuyện tấm vải quê tôi!

Đêm đông 2014
Trịnh Đức Bỉnh







                  LÀNG TA - QUÊ MÌNH

Một vùng đất đỏ phù sa
Bao người thân thiết gọi là “Quê tôi”

Bên dòng Thiên Đức bao đời
“Làng quê văn hiến” nhiều người ngợi ca
Một miền xanh, sạch hiền hòa
Có Nghè, có Chợ thật là đẹp xinh …
Trường quê nằm cạnh mái Đình
Khách thăm khen ngợi quê mình đẹp sao
Đường xanh nằm dọc bờ ao
Ngõ cài răng lược, xóm nào cũng xinh

Yêu thay làng Giữa quê mình
Đi xa càng thấy nặng tình quê hương
Nhớ về Đại Mão thân thương
Nhớ Trung Thôn với yêu thương dạt dào

“Quê mình” - Thân thiết xiết bao
Quê cha, quê mẹ khắc vào trong tim.
Tháng 3/2019
Lê Đình Ngạn

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

               NHỚ VỀ NGUỒN CỘI:       NGƯỜI KHỞI DỰNG VĂN MIẾU BẮC NINH
                                                                                                ( Theo FB Thi Nguyệt Đô )
Đỗ Trọng Vĩ người làng Đại Mão, huyện Thuận Thành. Theo gia phả, ông là hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật quê ở Bình Ngô, An Bình, Thuận Thành. Vốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học khoa bảng, ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng là người thông minh hiếu học và sau trở thành vị quan thanh liêm, nhà giáo, nhà văn hóa, đặc biệt có công khởi dựng Văn Miếu Bắc Ninh.
Gia phả viết rằng: Đỗ Trọng Vĩ sinh ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Sửu (1829), tên tự là Tham Thiền, tên hiệu là Khôi Hữu. Cha ông là cụ Đỗ Dư tên hiệu là Hy Liễu, làm quan Tri huyện Chương Đức (Hà Tây), học rộng tài cao, đã có công lao đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh. Đỗ Trọng Vĩ lên 3 tuổi thì mẹ mất, được bên ngoại đón về Thụy Chương nuôi nấng, năm lên 6 tuổi thì được cha trực tiếp nuôi dạy. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh dĩnh ngộ, học chóng thông và biết làm thơ sớm. Năm 21 tuổi ông đỗ Tú tài khoa Canh Tuất (1850).
Năm Nhâm Tuất (1862) ở Bắc Ninh có tên Cai tổng làm loạn, triều đình sai quan Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hành đi dẹp và bị tử trận ở Đại Đồng (Thuận Thành). Khi ấy, ông làm Bang tá huyện vụ đã nhận lệnh đi dẹp yên được loạn. Năm 35 tuổi, ông đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý (1864) triều vua Tự Đức, tên đứng thứ ba, đồng khoa với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Dương Khuê, Tiến sĩ Bùi Quế, Phó bảng Dương Danh Lập, là những người bạn chí thân. Vì có quân công trước, nên vừa đỗ Cử nhân, ông được triều đình bổ ngay làm Huấn đạo Văn Giang. Năm 1870, ông được thăng chức Giáo thụ phủ Từ Sơn, rồi được bổ Tri huyện Yên Dũng kiêm Lạng Giang. Thời gian sau, ông được thăng chức Tri phủ Yên Thế.
Bấy giờ, Ngụy Tường và Ngụy Trận nổi loạn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, quan Bắc Kỳ đã cử ông giữ chức Bắc kỳ Bang tá quân vụ đi dẹp loạn. Dẹp xong loạn, quan Bắc Kỳ đã phong ông chức Án sát sứ tỉnh Cao Bằng. Được vài năm thì giặc nhà Thanh là Lý Dương Tái tràn sang tỉnh Thái Nguyên. Triều đình thấy ông đã quen với việc ngoại giao ở biên cương, nên đã triệu về Thái Nguyên dẹp giặc. Về đến Thái Nguyên, ông khéo léo ngoại giao với quan nhà Thanh là Phùng Tử Tài và dẹp yên được giặc. Quan chức nhà Thanh thấy ông là một vị quan thanh liêm, chính trực, mưu lược, lại hay chữ, nên rất kính trọng và đã có câu đối tặng ông như sau: “Kinh thế hữu tài giai bách luyện/Độc thư vô tự bất thiên kim”, dịch nghĩa: “Tài trị nước, giúp đời từng trải/Học vấn sâu rộng, từng chữ đáng giá ngàn vàng”.
Dẹp xong giặc Lý Dương Tái, ông được đặc chỉ sang giữ chức Tuần phủ Hưng Yên. Nhưng thời gian này ông mắc bệnh đau yếu luôn, nên phải cáo hồi, đi chữa bệnh. Thời gian sau, ông đỡ bệnh, quan Tổng đốc Trương Đăng Đản mời ông ra giữ chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh (Bấy giờ tỉnh Bắc Ninh rất lớn gồm 26 phủ huyện).
Thời gian làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh, ông không những lo lắng, quan tâm nhiều đến sự nghiệp giáo dục, mà ông còn đau đáu về việc gìn giữ và phát huy nên văn hiến của quê hương đất nước, đặc biệt là truyền thống khoa bảng hiếu học của người xứ Kinh Bắc. Ông đã họp bàn với các vị quan chức đầu tỉnh, năm 1893 cho di dời Văn Miếu Bắc Ninh đang bị đổ nát từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức nơi có vị trí trung tâm tỉnh và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Văn Miếu Bắc Ninh được dựng lại với quy mô rất lớn, gồm các công trình như: Tiền tế, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, Tạo soạn, Bi đình, nhà Hội đồng trị sự, Tam môn…
Để xây dựng Văn Miếu, ngoài sự quan tâm của nhà nước đương thời, ông còn vận động sự đóng góp đông đảo các quan chức như: tổng đốc, tuần phủ, án sát, tri phủ, tri châu, tri huyện, chánh tổng, lý trưởng, chánh hội, quan viên và nhân dân ở các làng xã trong và ngoài tỉnh. Trước đó, ông đã cho khắc 12 tấm bia đá vào năm Kỷ Sửu (1889) với tên: “Kim bảng lưu phương”, ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng, có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh có tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bia ký”, dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1928) ca ngợi: “Văn Miếu được dựng lên là để tôn thờ các vị tiên hiền tiên triết, chấn hưng và khuyến khích thuần phong, văn học, duy trì điều tốt cho đời sau nhằm biểu dương những người xuất chúng phi thường, có học vấn, thông kim bác cổ, đỗ đạt lưu danh, cổ vũ sự nghiệp giáo dục, chấn hưng đạo đức cho hàng ngàn vạn năm sau”.
Khi quân Pháp xâm chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, chiếm thành Hà Nội, thành Bắc Ninh, diễn biến phức tạp, Đỗ Trọng Vĩ về ở ẩn ở chùa Hàm Long (Thái Bảo-Lam Sơn), tiếp tục dạy học và đã có nhiều công lao với nhân dân địa phương trong việc trùng tu nhà tổ chùa. Thời gian ở chùa Hàm Long, ông đã soạn bộ sách “Bắc Ninh địa dư chí” ghi chép, đánh giá về thuần phong mỹ tục của các làng quê và các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh. Vì có công lao trên, mà sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã tạc tượng thờ ông ở chùa Hàm Long. Sau đấy, ông lại được mời ra làm quan và tiếp tục dạy học ở các nơi như: Hiên Ngang, Đọ Xá… Học trò theo học rất đông. Nhiều thế hệ học trò của ông đỗ đạt thành danh như: Phó bảng Phan Văn Tâm, Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân, Phó bảng Đặng Quỹ, Phó bảng Đặng Tích Trù, Tiến sĩ Đàm Thận Bình, Phó bảng Nguyễn Thiện Kế… Ông về trí sĩ ở quê nhà và được nhiều quan chức, học trò kính trọng, yêu quý đến thăm nom, tặng nhiều thơ phú ca ngợi tài đức. Ông mất ở quê nhà ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi (1899) triều vua Thành Thái, thọ 71 tuổi, mộ táng ở cạnh ấp Dực Vi.
Hiện nay, tại thôn Đại Mão, con cháu hậu duệ của ông còn gìn giữ được nhà thờ họ, gia phả, bia đá, hoành phi, câu đối, lăng mộ… của ông, cũng như phát huy được truyền thống hiếu học khoa bảng của tổ tiên trao truyền.
Đỗ Trọng Vĩ vị quan thanh liêm chính trực, nhà giáo, nhà văn hóa, có nhiều công lao với dân với nước, đặc biệt là có công trong việc tôn tạo Văn Miếu Bắc Ninh là nơi hội tụ và tỏa sáng truyền thống khoa bảng, hiếu học. Ông xứng đáng là danh nhân, ngôi sao sáng trong nền văn hiến của xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
(Ảnh: Tượng thờ danh sĩ Đỗ Trọng Vĩ ở chùa Hàm Long, TP Bắc Ninh)

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Thơ : Cố Hương

     Thơ : Cố Hương.
                                                                                          Tác giả Đỗ Anh Quân.
      Là người họ Đỗ thôn Đại Mão xã Hoài Thượng. Lúc nhỏ, tác giả sinh sống tại quê. Lớn lên đi học, công tác và sinh sống tại Hà Nội. Là một nhạc sĩ, tác giả có nhiều bài hát về các miền quê, trong đó có nhiều bài về quê hương Đại Mão ( Làng Giữa hay Trung Thôn)

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

𝑯𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒕𝒉𝒐𝒂̣𝒊 𝒎𝒐̣̂𝒕 𝒗𝒖̀𝒏𝒈 đ𝒂̂́𝒕 𝒄𝒐̂̉

𝑯𝒖𝒚𝒆̂̀𝒏 𝒕𝒉𝒐𝒂̣𝒊 𝒎𝒐̣̂𝒕 𝒗𝒖̀𝒏𝒈 đ𝒂̂́𝒕 𝒄𝒐̂̉
                                                            Ghi chép của Hồng Minh
(Văn nghệ THÀNH BẮC, số 2-2019)
Sáu mươi lăm năm trước, người lính Pháp cuối cùng buộc phải rút khỏi thị xã Bắc ninh, mở ra một thời kỳ mới: Thời kỳ hoà bình, xây dựng và phát triển. Ba mươi tư năm hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh lặng lẽ, e ấp, khiêm nhường, như người thôn nữ xinh đẹp luôn ý thức được “phận mình’ ! Từ ngày tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh được trả lại danh phận là thị xã tỉnh lỵ, như luồng gió nồng ấm lay động trái tim, khơi dậy lòng tự tôn trong các “liền anh, liền chị” miền Quan họ, dồn trí và lực, tạo ra những bước chuyển động như huyền thoại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tại Điện Biên phủ, ngày 20-7-1954 thực dân Pháp buộc phải chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-va, lập lại hoà bình, chấm dứt chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương; công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Mười sáu ngày, sau khi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã Bắc Ninh, Báo Nhân Dân đăng bài “Những ngày mới giải phóng ở thị xã Bắc Ninh”của nhà báo Hồng Hà, bài báo viết: “Nằm trên đường số 1, cách Hà Nội 30 cây số, thị xã Bắc Ninh với 1 vạn 7 ngàn dân nghe tin từ Giơnevơ (Thuỵ Sỹ) ai nấy đều hồi hộp, mong ngóng, chờ đợi bộ đội ta vào giải phóng. Các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng chặt cửa chỉ còn nghe thấy tiếng ô tô của Pháp chạy lồng lộn về Hà Nội, tiếng giày đinh lính Pháp đi cướp vàng, tiền, xe đạp ở cửa Tiền, ở những phố vắng, tiếng súng bắn chết anh em tù trong thành, tiếng những đồng bào bị Pháp lùa đi Nam Bộ gọi nhau không chịu rời quê hương, tiếng đập phá ở nhà tên tỉnh trưởng...
Ngày 8-8-1954, ngày nhân dân mong đợi đã đến, những đơn vị bộ đội đầu tiên của ta từ huyện Việt Yên (Bắc Giang) qua cầu Đáp Cầu tiến vào thị xã, đồng bào mở toang cửa, tung xiềng xích đau khổ của 6 năm tạm bị chiếm, kéo ra đứng kín 2 bên đường từ Thị Cầu đến Cổng Ô, nét mặt rạng ngời, vui mừng khôn xiết, hân hoan phất cờ đỏ sao vàng năm cánh, vỗ tay chào đón bộ đội cụ Hồ. Nhiều gia đình mừng rỡ reo to: “Mở cửa rộng ra ! Các anh bộ đội đã về ! Bộ đội cụ Hồ đã về !”. Một bà mẹ già nhận thấy mặt con trong hàng ngũ quân đội vào thành, chạy ra ôm chầm lấy con khóc nức nở: “Con ơi, 6, 7 năm gian khổ, giờ mới có ngày sung sướng hôm nay”.
Hoà chung niềm vui trong mùa xuân đầu tiên quê hương giải phóng, tôi vào học lớp V tại trường Hàn Thuyên toạ lạc trên đồ Nác và trọ ở làng Đọ, làng Niềm…được chứng kiến những khó khăn trong buổi ban đầu và sự hồi sinh của thị xã. Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân bắt tay ngay vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục và từng bước xoá bỏ tàn dư do chế độ thực dân để lại, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, giữ gìn trật tự trị an…
Những năm đầu mới giải phóng, thị xã Bắc Ninh trải dài từ Cổng Ô đến Thị Cầu, Đáp Cầu, nhưng phố sá chỉ vẻn vẹn từ ngã tư Cổng Ô đến Trường tiểu học Bảy Mẫu (nay là Trường THCS Tiền An). Đại bộ phân dân cư thị xã sống về nghề nông, một vài cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một số người buôn bán nhỏ. Ngày ấy ô tô, xe máy đều là của hiếm, dân thị xã chủ yếu dùng xe đạp để đi lại hoặc ngồi xích lô. Cả thị xã chỉ có một loa truyền thanh tại khu vực cột cờ. Tối thứ bảy, người ngồi chật trên vỉa hè, trước cổng Nhà thờ, có khi tràn cả xuống đường để nghe sân khấu truyền thanh qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.
Vết thương nặng nề do chiến tranh để lại chưa kịp hàn gắn nhưng thị xã nhỏ hẹp và yên bình, nét duyên thanh lịch, trầm lắng trong từng nếp nhà nhấp nhô mái ngói, trên từng khóe mắt, nụ cười mỗi người dân xứ Kinh Bắc ngời lên niềm hân hoan, phấn khởi, lòng tôn kính, mến yêu, tin tưởng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ba mươi tư năm hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh là “đô thị đèn dầu”, vẫn lặng lẽ, e ấp, khiêm nhường, như người thôn nữ xinh đẹp luôn ý thức được “phận mình’ !
Từ mùa xuân 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh được trả lại danh phận là thị xã tỉnh lỵ, cũng là thời điểm đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và sự kiện tái lập tỉnh Bắc Ninh như luồng gió nồng ấm lay động trái tim, khơi dậy truyền thống, lòng tự tôn trong các “liền anh, liền chị” miền Quan họ, vươn vai, đứng dậy đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, tiếp tục dồn trí và lực, vững tin bước vào thời kỳ mới, tạo ra những bước chuyển động như huyền thoại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập thành phố Bắc Ninh, tám năm sau công nhận là đô thị loại II. Ngày 25 tháng 12 năm 2017, được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cương vực địa lý của Thành phố được mở rộng, dân số tăng lên nhanh chóng. Với 16 phường và 3 xã, diện tích tự nhiên 82,6 km2, dân số 50, 2 vạn người (tính đến tháng 5-2017), nhiều gấp hơn hai mươi lần dân số ngày mới giải phóng, là đơn vị hành chính có số dân đông nhất so với các huyện, thị xã trong tỉnh, đã tạo ra thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Từ một đô thị nhỏ nhoi, không có một ngôi nhà cao quá ba tầng, đường xá gồ ghề, lầy lội, có thời không điện, không nước máy, hai tiêu chí tối thiểu của một đô thị…Sau khi trở lại vị thế thị xã tỉnh lỵ, rồi được công là thành phố, nay được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, một thành phố trẻ lớn lên nhanh chóng cả về cương vực địa lý và dân số. Thành phố đổi thay từng ngày, nếu đi xa vài năm, thậm chí vài ba tháng, trở lại đã khó nhận ra những phố sá cũ, những lối đi cũ.
Đổi thay căn bản nhất là từ một đô thị chủ yếu làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, kinh tế tự cung tự cấp đã chuyển sang là một thành phố công nghiệp. Năm 2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn chiếm 16,7% GRDP toàn tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm 54,4% giá trị toàn tỉnh. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.824,9 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.600 USD (127 triệu đồng).
Sáu tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn đạt 10,5% . Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt 14.519 tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, dịch vụ chiếm 99%, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,0%.
Thành phố Bắc Ninh trở thành một đô thị sầm uất, không gian đô thị được mở rộng. Trên địa bàn đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút gần 2.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Bắc Ninh như Vincom, APEC, Mường Thanh, Vigracera; Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phát triển mạnh như: Him Lam Plaza, Dabaco Mart, Media Mart,… Hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp được xây dựng ngày càng nhiều như: Le indochina, Phượng Hoàng, Hoàng Gia, Đông Đô, World Hotel và chuỗi cửa hàng ẩm thực của các tập đoàn, thương hiệu lớn trên thế giới như: Lotteria, King BBQ, Jollibee... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của nhân dân địa phương và du khách.
Nhiều dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh - Kinh Bắc, Hòa Long - Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương (phường Vũ Ninh); Khu đô thị mới Nam Võ Cường (phường Võ Cường)...
Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa hình thành từ lâu đời như Thành cổ Bắc Ninh, một trong bốn tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ, Văn Miếu Bắc Ninh lưu giữ 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc… trên địa bàn Thành phố đã hình thành những cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế bề thế vào hàng nhất nhì trong nước như Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa, Thư viện, Bảo tàng tỉnh… Đường Lý Thái Tổ nối từ đường Kinh Dương vương đến đầu đường Lê Thái Tổ, rộng 53 mét, có dải phân cách trồng hoa, cây cảnh. Dọc hai bên đường là trụ sở các cơ quan tỉnh, cụm công trình văn hóa-thể thao và những tòa nhà hàng chục tầng lồng lộng vươn cao giữa trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, đó là các trung tâm thương mại, dịch vụ, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, siêu thị, cơ sở tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí…Điểm đáng chú ý của các công trình này là được thiết kề kiến trúc theo không gian mở, tạo sự gần gũi giữa cơ quan công quyền đối với người dân. Đây là con đường đẹp nhất, trở thành phố đi bộ trong tương lai gần.
Dân thành phố giầu lên nhanh chóng. Đất nước đổi mới hơn ba thập kỷ, nhưng Bắc Ninh thực sự đổi thay, thực sự giầu lên từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đất lành chim đậu, nhiều khu đô thị mới mọc lên, là không gian sống hấp dẫn thu hút cư dân từ Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận về sinh cơ, lập nghiệp, một bộ phận cư dân thành phố dần dần chuyển từ nhà ống sang nhà vườn, biệt thự, kiến trúc tân kỳ.. Nhiều người giầu lên bằng trí tuệ và sự mặn chát của mồ hôi, vật lộn trên thương trường, sản xuất và cung ứng cho xã hội những sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu; có người giầu lên, trở thành những “đại gia” nổi tiếng vùng Kinh Bắc ! Tất cả như minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sức vươn lên mạnh mẽ của một thành phố trẻ năng động và phát triển.
***
Những năm gần đây, tôi có dịp làm việc với một số cán bộ lãnh đạo Thành phố và cán bộ chủ chốt phường, xã; phần lớn là lớp cán bộ lứa tuổi 7X, 8X. Trong những lần tiếp xúc và làm việc tôi đều bị cuốn hút bởi phong cách cởi mở, thân tình, có kiến thức về chuyên môn, hiểu sâu sắc về lĩnh vực và địa bàn phụ trách, làm việc có trách nhiệm, gần dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Cán bộ chủ chốt của phường xã đều được trang bị máy vi tính, máy in, photo copy … sử dụng thành thạo công nghệ thông tin để soạn thảo văn bản, in ấn tài liệu, khai thác thông tin trên internet, trao đổi văn bản và thông tin qua hộp thư điện tử, giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp qua facebook... đã gợi lên trong tôi hình ảnh về đội ngũ công bộc thời @ của Thành phố. Đó là điều mà hơn 20 năm trước người lạc quan và giầu trí tưởng tượng cũng không dám nghĩ tới ngày nay cán bộ cơ sở có được kiến thức và tác nghiệp thành thạo những công việc như vậy.
Đảng bộ thành phố Bắc Ninh có gần 1 vạn đảng viên, chiếm 17% số đảng viên toàn tỉnh là đảng bộ có tỷ lệ đảng viên trên số dân cao nhất trong tỉnh, được tôi luyện từ trong khói lửa của các cuộc chiến tranh vệ quốc và trong xây dựng, phát triển, nhiều đảng viên đã từng kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và thành phố, cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang.
Đó là những nhân tố có tính chất quyết định tạo động lực mới, vận hội mới thúc đẩy Thành phố vượt qua thách thức, xây dựng Thành phố “trở thành thành phố văn minh, hiện đại, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh..." như Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề ra ./.
Hồng Minh