Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Nhìn ra thế giới

Chúng tôi đã làm cha mẹ ở Na Uy như thế nào

Tôi phải trở về Việt Nam làm việc khi con trai mới 7 tháng tuổi. Nhờ chế độ thai sản hào phóng của Na Uy, chồng tôi được hưởng chế độ nghỉ việc để chăm con trong 4 tháng, cùng tôi về nước mà vẫn nhận 100% lương.

"Congratulations, you’re about to have a jentebarn or a guttebarn!", đó là những gì họ sẽ nói với bạn ở Na Uy nếu bạn đang mong đợi một bé trai hay bé gái sắp chào đời.
Họ cũng sẽ nói rằng "Hãy quẳng chiếc ví của bạn đi", bởi chăm sóc trước và sau sinh tại Na Uy là hoàn toàn miễn phí, được hỗ trợ bởi hệ thống y tế công. Điều đó có nghĩa là bà mẹ tương lai phải trả chính xác 0 đồng cho các chi phí y tế, các buổi khám chữa bệnh, nằm viện… trong và sau khi mang thai của họ.
Gia đình tôi được chính phủ Na Uy thanh toán mọi chi phí  trong và sau khi mang thai
Gia đình tôi được chính phủ Na Uy thanh toán mọi chi phí trong khi tôi mang thai và sau khi sinh con. Ảnh: NVCC
Không chỉ không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan, mà hơn nữa, chính phủ sẽ trả tiền vì bạn đã có con.
Mọi bà mẹ sẽ nhận được một khoản trợ cấp khoảng 6.000 USD vào tháng thứ 6 của thai kỳ để trang trải cho việc mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón em bé chào đời. Khi em bé ở trong tháng tuổi thứ 13 đến 23, nếu chưa được gửi đi nhà trẻ, người mẹ sẽ được nhận hỗ trợ gần 1.000 USD trong tối đa 10 tháng, cho tới khi bé đi nhà trẻ.
Bên cạnh đó, mỗi tháng kể từ khi con sinh ra, chính phủ cũng sẽ trợ cấp một khoản tiền nhỏ (khoảng 150 USD) cho tới khi trẻ được 18 tuổi. Các mức hỗ trợ này được xem xét tăng lên cứ 4-5 năm một lần.
Sau khi em bé được sinh ra, toàn bộ các chi phí khám chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ thường niên, tiêm chủng, khám răng… đều hoàn toàn miễn phí. Thậm chí các chi phí liên quan tới đi lại và chi phí dành cho người thân (chồng) khi ở cùng cũng được bệnh viện chi trả hết. Thực tế là khi sinh con tại Na Uy, bệnh viện đã chi trả hết các chi phí đi lại và ăn ở không chỉ cho chồng mà cả mẹ của tôi trong thời gian 4 ngày tôi nằm viện.
Về quyền lợi thai sản của bố mẹ, Na Uy có một chế độ rất hào phóng. Bạn có thể lựa chọn giữa việc nghỉ 49 tuần với 100% lương hoặc 59 tuần với 80% lương mỗi tháng với điều kiện bạn đi làm và có hợp đồng lao động ít nhất 6 tháng trước khi sinh em bé.
Đặc biệt, chế độ này được áp dụng với cả cha và mẹ sau khi có sự xuất hiện của một thành viên mới chứ không chỉ riêng với mẹ như rất nhiều quốc gia khác. Điều này giải thích vì sao tôi từng nhìn thấy rất nhiều đàn ông ở Na Uy đẩy xe đẩy và đi chợ trong các siêu thị. 
Do tính chất công việc và tôi phải trở về Việt Nam làm việc trong 4 tháng khi con trai mới được 7 tháng, vợ chồng tôi đã nộp đơn để hưởng chế độ "vợ đi làm, chồng nghỉ chăm con". Chồng tôi đã được hưởng chế độ nghỉ chăm con trong 4 tháng đó, cùng tôi và con về Việt Nam mà vẫn nhận 100% lương.
Hãy thử so sánh những quyền lợi của Na Uy với một số quốc gia phát triển khác:
Ở Mỹ, chi phí sinh con cao hay thấp, nhiều hay ít phụ thuộc vào kế hoạch bảo hiểm và thậm chí cả bệnh viện. Chi phí trung bình cho một ca sinh nở và chăm sóc trẻ dao động trong khoảng 30.000 USD (sinh thường) và 50.000 USD (sinh mổ). Các công ty bảo hiểm sẽ trả phần lớn chi phí nhưng các bố mẹ cũng sẽ phải trả trung bình khoảng 3.400 USD cho mỗi lần sinh. Thời gian nghỉ sinh của Mỹ hiện nay chỉ dành cho các bà mẹ và chỉ kéo dài 6 tuần.
Ở Nhật Bản, có hai loại bảo hiểm y tế sẵn có là bảo hiểm tại công ty hoặc bảo hiểm y tế công. Cả hai loại sẽ chi trả khoảng 70% các hoá đơn y tế, với phí bảo hiểm phụ thuộc vào mức thu nhập của bạn. Tổng chi phí sinh nở có thể rơi vào khoảng từ 3.500 USD tới 5.500 USD tuỳ thuộc bạn sinh ở đâu, và hầu hết các chi phí được hoàn trả bởi bảo hiểm y tế công (NHI).
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau lại rất phổ biến ở Nhật Bản và không được NHI chi trả. Ở đây, các bà bầu được nghỉ sinh 14 tuần với 60% lương và cả bố lẫn mẹ có thể nghỉ tổng cộng một năm không lương để chăm sóc con.
Ở Pháp, một trong những nhược điểm của y tế công là tình trạng quá đông. Tuy nhiên, nếu bạn mang thai và đã đặt trước được nơi sinh thì chi phí sẽ miễn phí. Nếu không đặt được chỗ, bạn sẽ phải tới phòng khám tư nhân và chính phủ sẽ chi trả khoảng 70% các chi phí.
Chính phủ Pháp cũng chi trả chi phí cho phụ nữ mang thai, bắt đầu từ tháng thứ 6 của thai kỳ cho tới 11 ngày sau khi sinh. Phụ nữ ở Pháp được nghỉ 16 tuần và hưởng nguyên lương với 2 đứa con đầu. Từ con thứ ba trở đi, người mẹ sẽ được nghỉ lên tới 26 tuần. Ngoài ra, nếu muốn, người mẹ cũng có thể nghỉ không lương 3 năm để chăm sóc con nhỏ.
Quyền được làm cha
Khi tôi sinh con, vì chỉ có hai vợ chồng nên mọi công việc từ thay tã, đi chợ, nấu nướng trong khoảng 4 tháng đầu đều do anh đảm nhận. Tất nhiên, trong thời gian đó chồng tôi vẫn đi làm bình thường. Điều này có vẻ lạ nếu như chúng tôi ở Việt Nam nhưng lại là hoàn toàn bình thường ở Na Uy, khi mà 90% các ông bố đều nghỉ để làm cha ít nhất trong 12 tuần.
chung-toi-da-lam-cha-me-o-na-uy-nhu-the-nao-1
Nhờ chính sách nghỉ làm cha, con trai tôi đã trải qua một năm đầu đời trong sự chăm sóc của cả bố và mẹ. Ảnh: NVCC
Người Na Uy cho rằng, họ cần thời gian dành cho con cái và mặc dù công việc rất quan trọng, họ cũng không ngần ngại đảm nhận trách nhiệm với gia đình. Trách nhiệm đó với họ tương đối đơn giản, đó là chăm sóc những điều nhỏ nhặt nhất, quan tâm đến những chuyện bình thường nhất như con đã ăn chưa, có thói quen gì, quần áo của vợ cất ở đâu hay làm thế nào để vợ luôn mỉm cười.
Từ những người đàn ông làm thu ngân trong siêu thị cho tới Bộ trưởng Tư pháp, ai cũng đều sẵn sàng nghỉ để chăm sóc đứa trẻ của mình.
Cách đây hơn 30 năm, người Na Uy từng nổ ra những cuộc tranh cãi về việc đàn ông có nên ở nhà chăm sóc con hay không. Nhưng đến nay, hầu như không còn ai tranh cãi về điều đó. Tâm lý của xã hội và của mỗi người dân đều đã thực sự thay đổi.
Người Na Uy nghĩ rằng việc một người cha dành thời gian cho con cái của họ là hoàn toàn bình thường. Nếu muốn phụ nữ có quyền bình đẳng tại nơi làm việc, việc chia sẻ trách nhiệm trong gia đình là rất cần thiết.
Thực ra, sự thay đổi này ở Na Uy bắt nguồn từ một cuộc cách mạng gia đình có tên "pappapermisjon" (tạm dịch là "Giấy phép của bố"), khi chính phủ quyết định thay đổi và "nâng cấp" các điều luật liên quan tới chế độ thai sản.
Theo đó, sau khi sinh con, cả bố và mẹ đều được nghỉ 3 tuần. Sau 3 tuần, giai đoạn nghỉ thai sản mới chính thức bắt đầu. Trong giai đoạn này, đầu tiên, cả bố và mẹ mỗi người đều được nghỉ tối đa lên tới 12 tuần. Sau đó, thời gian nghỉ sẽ được chia sẻ, tức là người bố đi làm thì người mẹ nghỉ, hoặc người mẹ đi làm thì người bố nghỉ. Nếu như người mẹ phải đi làm sớm và người bố ở nhà chăm con thì người bố sẽ nghỉ và nhận 100% lương. 
Bằng cách này, một em bé được sinh ra ở Na Uy sẽ có một năm đầu đời với cả bố lẫn mẹ. Nếu họ không sử dụng hết 12 tuần này, họ cũng không được phép chuyển cho người mẹ hay nhận bất kỳ hỗ trợ nào. Kết quả của cuộc cách mạng này tương đối ngoạn mục với số người nghỉ để làm cha lên tới 90%.
Có một điều thú vị là điều luật mới này được thông qua từ năm 1993 và trước đó, con số trên chỉ dừng ở mức 3%. Những nhà làm luật thời điểm đó đã nói rằng: "Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự phân chia vai trò rất rõ ràng: người đàn ông làm việc và những người phụ nữ thì chăm sóc gia đình. Nhưng khi phụ nữ đã bước chân vào thị trường lao động và họ cũng làm việc thì những người đàn ông cũng phải chia sẻ trách nhiệm của họ trong gia đình. Đó là sự bình đẳng".
Cuộc cách mạng này cũng đã châm ngòi cho rất nhiều thay đổi ở các nước châu Âu sau này. Iceland, Đức và gần đây là Bồ Đào Nha đã quyết định dành một khoảng thời gian nghỉ thai sản của mẹ để chuyển cho các ông bố.
Đây cũng là một phần lý do vì sao Na Uy trong nhiều năm qua luôn nằm ở thứ hạng cao nhất trong số các quốc gia tốt nhất cho bà mẹ và trẻ em.
Linh Phan

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016



Người yêu thích C2, Rồng Đỏ cần đi khám trước khi quá muộn

 -  Theo chuyên gia an toàn thực phẩm, phòng chống nhiễm độc thì những người “yêu thích” nước giải khát C2, Rồng Đỏ nên đi khám trước khi quá muộn.


Người yêu thích C2, Rồng Đỏ cần đi khám trước khi quá muộn
Lượng lớn nước giải khát “nhiễm chì”… bán hết.
Được biết, hơn 1184 thùng nước C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép cần được tiêu hủy ngày 31/05. Nhưng thực tế, số nước thuộc 2 lô trà xanh hương chanh C2 và 3 lô nước tăng lực Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng, tương ứng với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng đã không thể thu hồi do… bán hết.
Nếu như một chai nước C2 và Rồng Đỏ bán ngoài thị trường với giá 5 nghìn/ chai. Như vậy, ước tính với số tiền hơn 3,8 tỷ thì có ít nhất 780 nghìn chai nước đã được bán ra thị trường. Hiện tại, không thể xác định được số nước giải khát C2, Rồng Đỏ “độc hại” đó vẫn còn trôi nổi ngoài thị trường hay đã được người tiêu dùng sử dụng?
TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Quy định hàm lượng chì cho phép trong nước là 0,05mg/lít, thì người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì, lượng chì có thể được thải ra ngoài cơ thể qua đường nước tiểu, mồ hôi. Nhưng đã vượt ngưỡng cho phép thậm chí từ 4 đến 9 lần thì đương nhiên gây hại cho sức khoẻ, nhất là đối với trẻ em. 
Trong khi đó, kết quả kiểm nghiệm do cơ quan chức năng tiến hành đối với một số mẫu nước giải khát mang nhãn hiệu C2, Rồng đỏ của Cty TNHH URC Hà Nội, đã xác định có hàm lượng Chì vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể: Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 4/2/2016, HSD 4/2/2017, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,085 mg/L, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l. Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ, ngày sản xuất 19/ 2/2016, HSD 19/11/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là: 0,053 mg/l, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l. Nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng đỏ ngày sản xuất 10/11/2015, HSD 10/08/2016, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng Chì là 0,068 mg/l, so với mức công bố quy định nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.
“Việc để lọt các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép là vô cùng độc ác đối với thế hệ trẻ. Mức độ ngộ độc đến đâu thì còn tuỳ thuộc vào số lượng nước có Chì vượt ngưỡng uống vào cơ thể, và tuỳ thuộc vào chức năng thận của mỗi người. Nếu thận tốt thì việc đào thải chì tốt, còn nếu đào thải không tốt, chì sẽ đọng trong cơ thể, ngấm vào máu, vào xương và gây ngộ độc.” – TS Duệ nhận định.
Người tiêu dùng nên đi khám bệnh.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn - chuyên gia về hóa học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng cảnh báo, Chì rất độc hại với cơ thể. Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn là Chì dần dần tích tụ trong cơ thể người, rất khó nhận biết, đến khi có các dấu hiệu thì đã ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, đặc biệt với trẻ em. Do đó, rất nguy hại nếu uống phải nước ngọt có hàm lượng Chì vượt ngưỡng cho phép. Vượt ngưỡng có nghĩa sẽ gây độc hại với cơ thể người, tuy nhiên, độc hại đến đâu phải qua thăm khám, kiểm tra mới biết rõ.
Trao đổi với PV về sự việc này, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN bày tỏ: Hành vi vi phạm của Cty TNHH URC Hà Nội, trong việc sản xuất và bán các lô nước giải khát nhiễm Chì vượt ngưỡng cho phép là không thể chấp nhận được. Nên cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt số tiền hơn 5, 8 tỷ đồng, nhưng ở góc độ người tiêu dùng hành vi vi phạm của Cty này nghiêm trọng như vậy, thì rất xứng đáng bị người tiêu dùng… quay lưng lại, thậm chí tẩy chay tất cả những sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm. 
“Do phần lớn lô sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ nhiễm Chì vượt ngưỡng cho phép đã được tiêu thụ “trót lọt” ngoài thị trường – doanh nghiệp vi phạm nói rằng không thể thu hồi. Thế nên vì quyền lợi và sức khỏe của mình, những trường hợp người tiêu dùng đã sử dụng nhiều các loại nước giải khát này, cần chủ động đi đến các cơ sở y tế kiểm tra, thăm khám để có hướng xử lý kịp thời trước khi quá muộn, đặc biệt đối với các trường hợp người tiêu dùng là trẻ em – vì hàm lượng chì tích tụ trong cơ thể là rất nguy hiểm” – PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh nói. 
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, ở góc độ an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm nước giải khát công nghiệp, vì lẽ tốn kém tiền của, không có giá trị dinh dưỡng, mà sử dụng nhiều còn gây hại cho cơ thể. Tốt nhất là chỉ nên pha chế các loại nước trái cây, cam, chanh, ổi, dưa hấu… là những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe.
PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN
“Đối với việc thu hồi các sản phẩm nước giải khát C2, Rồng đỏ nhiễm chì quá mức cho phép còn trôi nổi trên thị trường thì tôi thấy rằng cũng… đơn giản. Hiện các phương tiện truyền thông rất phát triển, nhà sản xuất có thể thông báo rộng rãi trên báo, đài, ti vi… để người dân biết nội dung các lô hàng “nhiễm chì” mà người dân đã trót mua, thì liên hệ với nhà sản xuất để trả lại, hoặc đem trả ngay cho đại lý, để lấy lại tiền.
Nếu xét thấy giá trị kinh tế của sản phẩm không lớn lắm, thì… vứt bỏ đi, không nên sử dụng. Việc thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã tung ra thị trường, trách nhiệm chính thuộc về nhà sản xuất.” - PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Trao đổi với PV về sự việc này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguyên phó ban An toàn Thực phẩm thành phố Hà Nội cho biết, có thể thấy rằng, sự cố nước giải khát “nhiễm chì” được tung ra thị trường chính là bài học trong việc quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng cần phải kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm trước khi lưu hành mới có thể ngăn chặn hành vi sản xuất thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng
Quốc Huy - Anh Độ

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Tác dụng của cây lá lốt

Giới thiệu: Lá lốt hương vị thơm đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt , chả ốc lát lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối… Trong y học cổ truyền , lá lốt còn là cây thuốc quý trị phong thấp, đau bụng do lạnh, phù thũng…. Lá lốt có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, tác dụng của lá lốt chống hàn (như bị lạnh bụng), giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp, tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu), đau đầu vì cảm lạnh… Trong đời sống, người ta thường dùng lá lốt như một loại rau để ăn sống hoặc nấu canh, hoặc làm gói chả… Lá lốt giúp chữa đau nhức xương, trị bệnh kiết lỵ, tổ đỉa, mụn nhọt, phù thũng,… Ngoài ra, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Mô tả: Cây lá lốt cao khoảng 30–40 cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành cụm ở nách lá. Quả mọng, chứa một hạt. Lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt, dọc bờ nước, Tác dụng của lá lốt làm gia vị và làm thuốc. Bò nướng lá lốt là một món ăn đặc sắc của Việt Nam.
 Tác dụng của lá lốt giúp trị phong thấp, đau bụng Loại lá này vẫn được các bà nội trợ sử dụng để cuốn thịt làm chả. Món ăn được chế biến với lá lốt đặc biệt sẽ trở nên rất thơm nhờ các thành phần có trong nó. Tác dụng của lá lốt bổ máu trong cơ thể và chữa trị đau nhức cơ thể rất tốt. Tác dụng của lá lốt trong một số đơn thuốc: Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày. Chữa phong thấp, đau nhức xương: rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống. Chữa phù thũng: lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày. Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa. Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát, thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế. Cháo lá lốt: cành nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g, cùng tán mịn mỗi lần dùng 9g. Đầu tiên nấu nước hành tươi (một nắm) gạn lấy nước bỏ bã, cho tiếp gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, cho ăn khi đói. Món này thích hợp cho người đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp. Lá lốt còn là một nguyên liệu để nấu các món ăn như chả băm viên lá lốt, ốc nấu chuối đậu, canh lá lốt, bò cuốn lá lốt…  Bệnh tổ đỉa: Lá lốt giã nát chắt lấy nước cốt, uống hết 1 lần. Bã cho vào nồi đổ 3 bát nước sắc kỹ dùng để rửa vùng tổ đỉa. Rửa xong lau khô rồi lại lấy bã lá lốt đã sắc đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 – 2 lần, liên tục 5 – 7 ngày sẽ khỏi. Đau nhức xương khớp: 20 gr lá lốt, 12 gr thiên niên kiện, 16 gr gai tầm xoang, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia uống trong ngày. Uống liền trong một tuần. Viêm nhiễm âm đạo, ngứa: 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi liu riu khoảng 10 – 15 phút rồi chắt lấy một bát nước dùng rửa âm đạo. Sữa bò sắc lá lốt: sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc cho uống khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày. Lá nụ toàn cây lá lốt khô tán bột: mỗi lần uống 1,5 – 2g với nước canh hoặc nước cháo. Thích hợp cho người ho nhiều đờm dãi, nôn thổ. Đầu chân dê hầm lá lốt: đầu dê 1 cái, chân dê 4 cái làm sạch, cho nước nấu chín. Cho tiếp lá lốt, gừng tươi mỗi thứ 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị lượng tùy ý, muối ăn và các gia vị, tiếp tục nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng. 
Ngoài ra: Tác dụng của lá lốt giúp chữa đau nhức cơ thể. Nếu ra nhiều mồ hôi tay, chân: Lấy khoảng 100 gr (cả lá, thân, rễ) thái nhỏ cho khoảng 200 gr muối hột nấu 500 ml nước, đun sôi chừng 5-10 phút, để khi nước còn nóng già thì ngâm chân hay tay, mỗi lần ngâm khoảng 20-30 phút, làm hằng ngày sẽ giảm chứng ra mồ hôi, hết “mùi” và càng đỡ đau nhức xương. Ngâm làm cồn xoa bóp: lấy thân và rễ cây chặt nhỏ, ngâm trong rượu mạnh (trên 400) dùng làm cần xoa bóp khi bị đau nhức hay chấn thương.     

Nguồn bài viết: http://agarwood.org.vn/tac-dung-cua-la-lot-4143.html

Hè phố Singapore...

Hè phố Singapore...


Để có được ngày hôm nay, người dân Singapore phải căn cơ, phải chịu đựng sự hà khắc của pháp luật. Không có nơi nào là thiên đường cả...
Vốn tính tò mò và hay xét nét, suốt một tháng trời ở Singapore, tôi luôn để ý xem giữa dòng xe cộ nườm nượp kia, có chiếc xe nào dính bụi bẩn. Nhưng tuyệt nhiên không!
Đường và hè phố sạch như lau như ly theo kiểu báo chí mô tả thì chưa có, nhưng quả thực vượt ra khỏi trí tưởng tượng của tôi. Nó sạch đến nỗi trong suốt thời gian ở đây, tuy rong ruổi từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam, đôi giày của tôi không một lần đánh xi vẫn bóng loáng.

Hè phố ở những con đường xuyên qua các trung tâm buôn bán như đường Orchard, đường Scotts, đường River Valley... rộng mênh mông lại được lát đá, gạch hoa sạch bóng nên có cảm tưởng các siêu thị, công sở rất xa đường phố. Còn con đường Orange Grove, nơi tập trung rất nhiều khách sạn nổi tiếng, hè phố chật hơn. Giữa hè phố nối với các khách sạn, biệt thự là những rặng cây cao vút, tán lá sum suê. Và, phía dưới mặt đất, không thể tin được là bạt ngàn cây lá lốt. Nó khiến tôi mỗi lần cuốc bộ qua đây lại nhớ da diết món ếch nấu chuối hoặc thịt bò cuốn lá lốt quê nhà!
Vỉa hè Singapore chiều cuối tuần là hình ảnh sinh động về một "hợp chủng quốc" mới trên hòn đảo nhỏ bé này. Người Hoa năng động, và nhanh nhẹn, người Malaysia khiêm nhường, người Ấn Độ thâm trầm và sâu sắc... đó là ba tộc người chính của đất nước này. Ngoài ra còn vô số khách du lịch ở rất nhiều quốc gia khác nhau, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... tất cả cùng sát cánh bên nhau trên hè phố sạch bóng, dưới những tán cây Tembusu xanh mướt bốn mùa, nên dù vô vàn tòa nhà cao chọc trời, chúng ta vẫn cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm, đi bộ mà không biết chán. Chính vì sự không biết chán ấy, cùng với những đường phố được thiết kế như lập trình ấy mà ngày đầu tiên đến đây, tôi đã bị lạc đường. Thế mới biết, giữa rừng cây và những tòa nhà chọc trời, việc lạc đường là chuyện cơm bữa đối với bất kỳ ai mới đặt chân tới đây.
Nhưng giữa đất nước có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới này, đi trên hè phố trong buổi chiều của ngày nghỉ cuối tuần sinh động cũng chẳng khác gì hè phố Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh. Các cô gái ở đây ăn mặc như các cô gái ăn chơi ở quê nhà mà báo chí ta hay phê phán. Nghĩa là áo cực ngắn, và quần trễ đến ngạc nhiên. Những người khuyết tật ôm đàn điện tử đứng hát giữa dòng người vô tư đi lại, một vài người trải tấm nilông nặn tò he, vài quầy sách báo khiêm tốn nép mình dưới hiên nhà. Rất nhiều sinh viên, có cả học sinh trung học, tranh thủ ngày nghỉ đi tiếp thị sản phẩm cho các công ty. Họ giúi vào tay người đi đường những tờ quảng cáo in rất đẹp.
Trên vỉa hè phố Orchard, trước siêu thị Orchard House, tôi gặp một phụ nữ luống tuổi, tên là Li Li, ngồi bán vé xổ số. Chị Lý như theo cách gọi Việt Nam của tôi, trước có đi làm cho một công ty, nay đã nghỉ việc. Chị bảo, ở Singapore không có chế độ nghỉ hưu như ở Việt Nam, mà đến tuổi là "về nghỉ một cục" như có thời kỳ ở ta có thực hiện. Như vậy, theo họ là công bằng, bởi khi đã ngoài sáu mươi, chẳng biết sống chết khi nào, cứ nhận một cục tiền về rồi gửi nhà băng tiêu đến hết đời. Người nào giỏi giang dùng đồng tiền đó xoay xở làm giàu thì không nói làm gì, còn có người không biết tiết kiệm, tiêu pha hoang phí, đến khi hết tiền rồi lại đi làm thuê. Vì vậy, nếu để ý một chút, nhiều người phục vụ ở khách sạn, nhà hàng, hoặc lao công ở sân bay Singapore (nếu ở Việt Nam ta lại nơi gặp gỡ của những nam thanh nữ tú) đều đã luống tuổi, nghĩa là những người "nghỉ hưu" trở lại làm việc.
Một tháng trời ở Singapore, tôi đi từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam của hòn đảo sư tử xinh đẹp này, và quả thật, những con đường của họ quả là ước mơ không biết bao giờ các thành phố Việt Nam ta vươn tới. Đường Orchard, một trong những con đường lớn nhất đất nước, đẹp và hiện đại là lẽ đương nhiên, những con đường xa trung tâm, như đường từ sân bay Changi về trung tâm thành phố, hoặc từ Trung tâm đi ra phía Đông đất nước, nơi căn cứ hải quân đang xây dựng (bằng cách mua cát từ Indonesia về đổ xuống lấn biển), hoặc xuống vịnh Maria, hoặc đến đảo Sentosa cực đông của đất nước... tất cả được nối liền bằng một hệ thống đường bộ hoặc tàu điện ngầm rất hiện đại, sạch bóng giữa bạt ngàn rừng cây.
Hè phố luôn rộng, thoáng, các bến đỗ xe buýt, tàu điện ngầm được bố trí khoa học, luôn có bảng chỉ dẫn, các tờ rơi hướng dẫn cách đi lại phát miễn phí cho du khách. Cứ vài ba phút lại có một chuyến xe buýt, tàu điện ngầm. Giao thông thuận tiện và an toàn nên người dân Singapore đi lại chủ yếu bằng hai loại phương tiện trên, còn những người giàu thì đi xe riêng. Thỉnh thoảng trên đường phố cũng có vài ba chiếc mô tô phân khối lớn. Hỏi ra thì đó là người Malaysia sang đây làm thuê, sáng đi tối về!
Tình cờ gặp Hùng và Cường, người quen ở Việt Nam. Tôi may mắn được hai anh dẫn đi Mustafa, siêu thị có tiếng giá rẻ và chất lượng tốt vào loại bậc nhất Singapore. Và tôi đã gặp những con phố nhỏ giống như ở Hà Nội. Phố Serangoon, phố Hindoo, Baboo Lane... Những phố nhỏ, tất nhiên sạch hơn phố ở Hà Nội nhiều, những hộ bày bán hàng hóa tràn ra vỉa hè. Rau cỏ, hoa trái, những thứ được xem là xa xỉ ở Singapore, được bán với giá rất dễ chịu ngay với cả du khách Việt Nam. Hàng hóa ở đây chủ yếu nhập từ Thái Lan sang, từ bắp cải, cà rốt, rau cải, đến những thứ nhỏ nhất như quả ớt chỉ thiên.
Tôi vui sướng khi nhìn thấy mấy chùm vải, tuy đã chảy nước bày bán trên hè phố. (Chúng được mấy hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đưa sang). Khác với sự náo nhiệt, sầm uất của các siêu thị trung tâm thành phố, chủ yếu là do người Hoa quản lý, nơi đây yên tĩnh và giản dị hơn. Những chàng trai, cô gái Ấn Độ khoác trên người những bộ quần áo truyền thống, vẻ mặt thâm trầm và từng trải. Dường như con người ở đây không bị ảnh hưởng lắm bởi sự hiện đại đến náo nhiệt cách họ chỉ chục cây số. Và cảnh sát Singapore, vốn nổi tiếng là nghiêm khắc và phạt vi cảnh rất nặng, cũng ít khi để ý đến khu phố này. Quả thật, dừng ở khu phố của người Ấn, tôi thấy càng nhớ da diết Hà Nội, và thương yêu sự lam lũ của người Thủ đô chúng ta.
Tản mạn về hè phố Singapore như vậy, tôi muốn nói với bạn đọc rằng, để có được ngày hôm nay, người dân xứ đảo sư tử đã phải căn cơ, phải thắt lưng buộc bụng, phải chịu đựng sự hà khắc của pháp luật (đó là sự cần thiết với từng thời điểm).
Không có nơi nào là thiên đường cả.
  • Hồng Sơn (Viết từ Singgapore)
Việt Báo (Theo_VietNamNet )

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Thơ của độc giả Thư Viện Làng Đại Mão



Thơ của độc giả Thư Viện Làng Đại Mão


Giữa làng Đại Mão- Trung Thôn

Có Thư viện mở luôn luôn đông người

Bà con đến đọc, vui chơi

Người già thư giãn thảnh thơi tâm hồn

Nhân dân nhiệt liệt cảm ơn

Người xây Thư viện nông thôn nơi này

Đây là một sáng kiến hay

Nhằm nâng dân trí càng ngày tăng nhanh

Lần đầu tiên của Thuận Thành

Là thứ hai của Bắc Ninh tỉnh nhà

Địa linh, nhân kiệt quê ta

Bắc Ninh văn hiến sâu xa trường tồn

Chúc làng Đại Mão - Trung Thôn

Nông thôn văn hoá đẹp hơn mỗi ngày


Nguyễn Văn Thọ, quê: Y Na, Kinh Bắc Bắc Ninh
Nguyên h/s Trường Hàn Thuyên
tho.nguyen1939@gmail.com
Fb: Nguyễn Văn Thọ; Văn Thọ Nguyễn

Học sinh Việt thuở đội mũ rơm đến trường

Học sinh Việt thuở đội mũ rơm đến trường

Hành trang đến trường của học sinh thời chiến ngoài sách vở còn có cáng cứu thương, xẻng, cuốc để đào hầm và một chiếc mũ rơm tránh bom đạn.
Những bức ảnh học sinh đội mũ rơm đi học nằm trong triển lãm Trẻ em thời chiến được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày 1 đến 5/6. Mũ rơm đi học là phong trào của học sinh miền Bắc, ra đời trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
 
Học sinh, trẻ em đến trường, ra ngoài lao động đều đội mũ rơm tránh bom, đặc biệt là bom bi rất nguy hiểm. Thời kỳ chiến tranh phá hoại, Hải Phòng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bom đạn. Các lớp học ở An Hải (huyện cũ) đều có trần lợp rơm khá dày.
 
Lớp học ở sân đình, bàn ghế đơn sơ, có thêm mũ rơm và chiếc túi cứu thương làm bạn với học trò.
 
Học sinh trường cấp 2 Hữu Loan (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tập đan mũ rơm. Những sợi rơm bện chặt lại có thể hạn chế được sự sát thương của bom đạn, nhất là bom bi.
 
Học sinh trường cấp 1 Minh Phương (Việt Trì) đội mũ rơm cho nhau. Chiếc mũ đi vào bài thơ Chào xuân 67 của nhà thơ Tố Hữu: Chào các em, những đồng chí của tương lai/ Mang mũ rơm đi học đường dài/ Chuyện thần kỳ dân tộc ta là vậy...
 
Hành trang đến trường của tuổi thơ thời chiến ngoài sách vở còn có mũ rơm, cáng cứu thương, xẻng, cuốc để đào hầm.
 
Học cách sơ cứu vết thương sau giờ học.
 
Chiếc mũ rơm cũng không rời khi học sinh tự làm bánh mì.
 
Học sinh đào hầm cá nhân ở khắp nơi để có thể trú ẩn bất cứ lúc nào có báo động.
 
Hai nữ sinh ôn bài bên hầm trú ẩn.  Độc giả Nguyễn Thanh Minh chia sẻ: "Không thể quên những tháng năm tuổi thơ đã trải qua, hồn nhiên đến trường với mũ rơm trên đầu, mặc cho tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng bom rền, tiếng súng cao xạ của bộ đội ta, từng tràng đạn đỏ lừ nối đuôi nhau phóng lên trời tạo thành một lưới lửa vây máy bay Mỹ, tiếng vo vo của mảnh đạn phòng không rơi xuống như tiếng bay của đàn ong. Rồi hò reo, chạy theo các chú bộ đội đi bắt phi công Mỹ bị bắn rơi nhảy dù dù bị người lớn cấm. Rồi trải qua những năm tháng gian khổ chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới. Để rồi sau này vẫn ngẩng cao đầu vào đại học. Chúng tôi tự hào là thế hệ 6X".
 
Sau này, mũ rơm còn là quà của GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng cho thầy trò trường THCS Nam Từ Liêm trong lễ khai giảng năm học mới.
 
Ngọc Thành

Máy bay không người lái của 5 thế hệ sinh viên Bách khoa

Thứ hai, 6/6/2016 | 01:00 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|

Máy bay không người lái của 5 thế hệ sinh viên Bách khoa

Từ khi chiếc Solar UAV còn nằm trên giấy đến lúc sải cánh bay trên bầu trời, các chàng trai bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ (Đại học Bách khoa Hà Nội) khóa 52 đến 56 đã cùng tham gia thiết kế sơ bộ, chế tạo mô hình, hoàn thiện, bay thử...
Máy bay không người lái sử dụng pin năng lượng mặt trời (Solar UAV) của thầy trò bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, Viện Cơ khí động lực thuộc nhóm sản phẩm giành giải Nhất, thu hút người xem tại Ngày hội sáng tạo khoa học trẻ Bách khoa năm 2016. Máy bay có sải cánh 2,5 m; dài 1,5 m; tải trọng có ích 1,5 kg với vận tốc hành trình trung bình 15 m/s và trần bay 300 m ứng dụng trong khảo sát, giám sát trồng rừng, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
may-bay-khong-nguoi-lai-dung-nang-luong-mat-troi-cua-4-the-he-sinh-vien-bach-khoa
Solar UAV trong một lần thử nghiệm, có trần bay 300 m. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Máy bay do nhóm sinh viên K56 là Bùi Văn Thành, Trần Trung Đức, Ngô Xuân Chính, Đào Văn Long và Nguyễn Văn Dinh (cựu sinh viên K55) thực hiện dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên bộ môn TS Đinh Tấn Hưng và TS Vũ Đình Quý. Trưởng nhóm Bùi Văn Thành cho hay, việc triển khai nghiên cứu chiếc Solar UAV này được bắt đầu từ tháng 7/2015 tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Không gian và Dưới nước thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trước đó vào năm 2012, TS Hưng đề xuất nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời. Đây là thiết bị có thể ứng dụng trong quân sự và dân sự. Nếu máy bay không người lái (UAV) có động cơ dùng nhiên liệu hóa thạch thì thời gian bay tốt nhưng khó hoạt động khi nhiệt độ, áp suất thay đổi, tiếng ồn lớn và có thể gây nhiễm môi trường. UAV với động cơ điện lại có thời gian bay ngắn, pin lưu trữ hạn chế. Vì vậy, Solar UAV được ưu tiên nghiên cứu phát triển.
Để có được sản phẩm "made in Bách khoa", sinh viên bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ các khóa từ K52 đến K55 đã lần lượt tham gia. Họ nghiên cứu, thiết kế sơ bộ, chế tạo mô hình, giải quyết dần bài toán từ lý thuyết đến thực hành, từ thiết kế chế tạo đến thử nghiệm. Tới nhóm sinh viên K56, sản phẩm Solar UAV mới được hoàn thiện. Mỗi thành viên trong nhóm chịu trách nhiệm một khâu. Thành và Đức nghiên cứu hệ thống điều phối năng lượng; Long thiết kế cải tiến và hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu mới, Dinh gia công chế tạo tổng thể, Chính chế tạo hệ thống cứu hộ khẩn cấp bằng dù.
may-bay-khong-nguoi-lai-dung-nang-luong-mat-troi-cua-4-the-he-sinh-vien-bach-khoa-1
Kiểm tra thiết bị trước khi bay tại vùng núi trong trời nắng gắt. Ảnh: Nhóm cung cấp.
Cuối năm 2015, Solar UAV bắt đầu bay thử nghiệm tĩnh trong nhiều môi trường. Tháng 1/2016, thiết bị thử nghiệm bay ngoài trời lên đến 24 lần, tổng thời gian bay thử hơn 8 giờ. "Đầu tháng 4, lần đầu tiên thiết bị bay được 35 phút trong tiết trời có gió và nắng nhẹ lúc 15h chiều. Bọn em mừng rơn", thành viên Ngô Xuân Chính nhớ lại và cho biết, thiết bị nhìn mảnh mai nhưng nhờ sải cánh rộng nên khả năng lượn tốt, cho phép thích ứng với các luồng gió và tốn ít năng lượng.
Khi trời nắng gắt, năng lượng mặt trời thu qua 36 tấm pin khiến thiết bị hoạt động ổn định. Năng lượng thừa được sạc vào pin lipo lưu trữ trong thân máy bay. Khả năng này cho phép Solar UAV khảo sát, giám sát tại các khu vực lớn, yêu cầu tầm bay xa như rừng, bờ biển... Hệ thống theo dõi trực tuyến năng lượng mặt trời và pin lưu trữ cho phép giám sát trực tiếp và liên tục trong quá trình Solar UAV hoạt động. Trường hợp khẩn cấp, hệ thống cứu hộ bằng dù tự động sẽ đảm bảo an toàn cho thiết bị bay.
may-bay-khong-nguoi-lai-dung-nang-luong-mat-troi-cua-4-the-he-sinh-vien-bach-khoa-2
TS Đinh Tấn Hưng (đeo kính) và nhóm sinh viên K56.
Thầy trò Bách khoa cho biết gặp khó khăn về vấn đề kinh phí. May mắn, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chịu đầu tư cho cả nhóm. Khi trao đổi về chiến lược phát triển của doanh nghiệp này, thầy Hưng đã đề xuất nên có thiết bị giám sát thường xuyên khu vực trồng cây, trồng rừng để hạn chế nạn chặt phá và họ đã đồng ý... Thầy trò làm từng bước và doanh nghiệp cũng đầu tư từng bước một.
Mới đây nhất vào ngày 1/6 tại vùng rừng núi phía Đông Bắc của doanh nghiệp đầu tư, khi trời nhiều nắng, ít mây, Solar UAV đã bay thử nghiệm theo hành trình quỹ đạo điểm, phục vụ dựng địa hình 3D khu vực rộng gần 50 ha. Máy bay hoạt động khoảng 3 vòng theo quỹ đạo đường zich zac liên tục, tổng quãng đường khoảng 50 km trong hơn một tiếng. Có được kết quả này, nhóm dự định thời gian tới tiếp tục thử nghiệm với yêu cầu cao hơn để hoàn thiện kỹ thuật, đáp ứng độ tin cậy, sớm đưa sản phẩm vào ứng dụng.
Theo TS Đinh Tấn Hưng, nếu ứng dụng máy bay không người lái sử dụng năng lượng mặt trời vào công tác cứu hộ, cứu nạn trong thời tiết kém như mưa, bão…thì chưa khả thi. Nhóm nghiên cứu dự định cải tiến, phát triển sản phẩm theo hướng có thể bay cao hơn tầng mây để giảm tác động của thời tiết, ổn định cường độ ánh sáng cho nguồn năng lượng mặt trời. "Nhất định chúng tôi sẽ cải tiến thiết bị theo hướng có độ sải cánh lớn, trần bay cao để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn", thầy Hưng nói.
Hoàng Phương

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Công nghệ mới đưa nước lên cao sử dụng sức nước

Công nghệ đẩy nước lên cao sử dụng chính sức nước của thầy giáo trường chuyên

Dân trí Thiết bị đưa nước lên cao sử dụng sức nước có thể đưa nước lên độ cao tới 70m với lưu lượng 6m3/ngày đêm mà không cần sử dụng đến bất cứ loại nhiên liệu nào, phục vụ hiệu quả việc lấy nước tưới tiêu và sinh hoạt cho bà con vùng cao nước ta.

Công nghệ mới đưa nước lên cao sử dụng sức nước
Từ nhiều năm qua, ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Yên Bái, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang… đã xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cũng như tưới tiêu, đặc biệt là trong thời tiết khô hạn những năm gần đây. Trong khi đó, những giải pháp lấy nước hiện nay như guồng nước, máy bơm điện, bơm dầu, hứng nước mưa chưa đạt hiệu quả, gây tốn kém chi phí.
Là một người dân sống ở khu vực vùng núi cao nước ta, thầy giáo Phạm Đình Mẫn, giáo viên vật Lý của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tỉnh Hòa Bình từ lâu đã nung nấu ý tưởng chế tạo một giải pháp công nghệ mới có thể đưa đưa nước lên cao sử dụng sức nước dựa trên nguyên tắc hoạt động của guồng nước vẫn được người dân vùng cao sử dụng.
Hình ảnh chiếc máy sử dụng sức nước để đưa nước lên cao
Hình ảnh chiếc máy sử dụng sức nước để đưa nước lên cao
Giải pháp công nghệ mới gồm các bộ phận chính: khung máy, bánh đón nước, cục trung gian, củ bơm, xà đỡ và khuyên định vị giúp máy hoạt động ở mọi mực nước suối. Với nguyên lý hoạt động: nước suối chảy tác động vào các cánh đón nước làm bánh đón nước quay, chuyển động của bánh được truyền qua trục trung gian nhờ xích, trục trung gian quay, truyền chuyển động sang củ bơm làm trục củ bơm quay. Khi trục củ bơm quay làm các pít tông trong củ bơm lần lượt hút và nén nước đẩy sang bầu trữ áp, nước từ bầu trữ áp sẽ được đẩy dần lên cao theo đường ống dẫn. Hoạt động của máy rất đơn giản, chỉ cần đặt máy xuống suối là máy sẽ hoạt động mà không cần cải tạo dòng suối như đắp đập, chắn dòng.

Thầy Phạm Đình Mẫn (áo đen) đang thử nghiệm với công nghệ mới của mình
Thầy Phạm Đình Mẫn (áo đen) đang thử nghiệm với công nghệ mới của mình
Để nước có độ cao vượt trội thầy Mẫn đã sử dụng nguyên lí hút, đẩy nước bằng xi lanh, pít tông. Nếu như guồng nước chỉ được sử dụng tại những suối lớn, nhiều nước và đưa nước lên ở độ cao hạn chế thì ưu điểm vượt trội của giải pháp công nghệ này là có thể sử dụng được ở suối nhỏ, ít nước và đưa nước lên độ cao tới 70m với lưu lượng 6m3/ ngày đêm.
Giải pháp công nghệ thiết bị đưa nước lên cao sử dụng sức nước hy vọng sẽ giải tỏa “cơn khát” thiếu nước của bà con vùng cao nước ta.
Hoàng Công