Câu
chuyện này được khơi gợi từ 1 buổi hội thảo tăng cường quan hệ đối tác
giữa 1 số doanh nghiệp Nhật Bản và 1 số cơ quan quản lý, doanh nghiệp
Việt Nam.
Khi các đại biểu chào nhau ra về, người viết nhận ra, trên bàn của
những người Nhật không còn chai nước suối nào cả; trong khi bàn đối tác
Việt Nam vẫn đầy các chai nước, có chai chỉ mới mở nắp.
Một cán bộ phiên dịch cũng nhìn cảnh đó và cười: “Người Nhật sẽ mang
theo chai nước uống dở của họ, vì họ sẽ tự buộc mình phải uống cạn chai
nước ấy”.
Không phung phí chi tiết nào
Sự việc khiến người viết nhớ lại những lần làm việc với ông Nguyễn
Văn Phu, Phó giám đốc công ty Daiwa (Đà Nẵng), khi đứng lên là ông “nhờ”
mang theo chai nước uống dở trên bàn về. “Quy định của công ty mình là
thế, bạn thông cảm, các chai nước không được vứt bỏ dở dang. Nếu mình
uống không hết thì mang theo uống tiếp, còn hơn là bỏ đó rồi phải đổ đi,
rất lãng phí”.
Thói quen tập được đó của 1 người Việt đã lâu năm làm chung với
người Nhật đủ cho thấy, tập quán sinh hoạt của người Nhật thật sự chỉn
chu và tuân thủ đủ những “quy định” nhỏ nhoi nhất, và lâu dần biến thành
nếp sống, thói quen tốt. Cũng không chỉ với chai nước lọc, mà bất cứ
thực phẩm, đồ dùng nào, người Nhật cũng nghiêm túc sử dụng, không để xảy
ra sự phung phí nào.

Người Nhật sẽ mang theo những chai nước uống dở của mình chứ không bỏ lại.
Không ít người Việt khi cọ xát với những điều này, đã phải “bực
mình” thốt lên, hầu như bất cứ cái gì sử dụng được, người Nhật đều tận
dụng tối đa; còn cái gì vứt đi của họ, cũng được chắt lọc rất kỹ lưỡng.
Họ chỉ ăn vừa đủ miệng ăn, uống vừa đủ mức uống, có thể nói là tằn tiện
chi ly đến đáng ngạc nhiên.
“Họ nấu nướng rất kỹ lưỡng, pha chế đồ ăn tỉ mỉ mà lại chỉ làm rất
ít, chỉ vừa đủ để ăn uống thôi, không dư thừa. Rau thì rửa kỹ như chà
từng cọng, mỗi loại rau rửa 1 cách. Thịt cá thì xử lý từng gram cụ thể,
chi tiết như đo vàng”. Nhận xét này của 1 doanh nhân Việt từng sống
nhiều năm ở Nhật được đưa ra nhằm chứng minh: người Nhật là “tằn tiện’
nhất thế giới !
Hãy tập hành xử tiết kiệm
Quay lại với chai nước lọc, 1 nhân viên khách sạn vốn đầu tư của
người Nhật tại Hà Nội từng phân tích, thật sự thói quen tiết kiệm như
vậy đã giúp ích rất nhiều cho người Nhật.
Cứ tính kỹ mỗi chai nước chứa 1/2 lít nước, nếu sau 1 buổi họp phải
đổ đi 20 – 30 chai nước bởi chẳng ai uống thừa lượng nước còn lại trong 1
chai nước mở nắp cả, rõ ràng là việc hao phí tài nguyên nước đáng suy
nghĩ.
Hầu như chẳng bao nhiêu người Việt chú ý điều đó, nên gần như nạn
lãng phí nước uống này ở các cơ quan, đơn vị Việt Nam là rất phổ biến.
Trong khi đó, do “tằn tiện”, người Nhật chỉ bỏ chai nước khi đã uống
hết, họ đã thường xuyên tiết kiệm được 1 lượng rất lớn nước lọc tinh
khiết, trong sinh hoạt và chi phí hàng ngày.

Hãy tập uống cạn chai nước của bạn, dù chỉ là 1 chai nước nhỏ trên máy bay.
Một chai nước tiết kiệm như vậy, mỗi cân thực phẩm được tiết kiệm
như vậy, tính ra đã giảm thiểu hao phí xã hội rất lớn, phải chăng khiến
nước Nhật thêm 1 lý do để ngày càng phú cường ?
Hơn nữa, với thói quen tiết kiệm, chi tiêu đúng mực, hành xử tinh tế
như vậy, người Nhật còn xây dựng được thái độ giao tiếp chừng mực, bặt
thiệp nghiêm túc cho mình.
Từ những chi tiết nhỏ giữa đời thường đến kỹ năng sáng tạo với công
việc, khéo tận dụng mọi chi tiết tưởng chừng nhỏ nhất, người Nhật mới có
thể sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ, trí tuệ cực kỳ tinh xảo mà
chất lượng lại ở đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Cho nên, muốn có được sự thành công xuất sắc của người Nhật, phải
chăng cá nhân mỗi người Việt, hãy nên xem xét lại chính thói quen tiêu
dùng lãng phí của mình. Hãy uống cạn chai nước của bạn, đó là lựa chọn
khởi đầu tốt nhất !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét