Đối xử với kéo co như thế nào để thực sự là di sản nhân loại?
Dân trí Việc nghi lễ kéo co truyền thống của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại là niềm vui, niềm tự hào đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta nên đối xử với loại hình di sản này như thế nào để xứng với tầm vóc của di sản nhân loại cũng là chuyện cần phải bàn.
>> Kéo co Việt Nam chính thức trở thành Di sản của nhân loại
>> Xin làm hồ sơ Di sản văn hóa nhân loại cho Chầu văn và kéo co
TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa - người đã có nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về nghi lễ kéo co ở Việt Nam. Bà đồng thời là một trong những người đại diện cho Việt Nam có bài tham luận trong một hội thảo về nghi lễ kéo co tại Hàn Quốc năm 2012. Trong quá trình Việt Nam xây dựng hồ sơ về nghi lễ kéo co, TS. Lê Thị Minh Lý cũng là người đã tham gia đề xuất ý tưởng. Trước câu chuyện nên đối xử với nghi lễ kéo co như thế nào để xứng với tầm vóc của một di sản nhân loại, bà Lý đã có những chia sẻ rất chân tình với PV Dân Trí.
TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hoá. Ảnh: Tùng Long.
Bà cảm thấy thế nào khi kéo co của Việt Nam cùng kéo co của Hàn Quốc, Philipine, Campuchia đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại?
Đây là niềm vui, niềm tự hào mà bất kỳ người dân hay người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản nào cũng chờ đợi. Tuy nhiên, tôi không bất ngờ lắm vì tôi là một trong những người tham gia đề xuất ý tưởng khi làm hồ sơ về nghi lễ kéo co Việt Nam. Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên mà Việt Nam tham gia.
Unesco chủ trương khuyến khích các quốc gia có những di sản văn hóa có nét giống nhau bên cạnh những sắc thái riêng để cùng nhau lập hồ sơ. Nhờ hình thức làm di sản đa quốc gia này mà Việt Nam hai năm liền có hai di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Ví Giặm Nghệ Tĩnh và nghi lễ kéo co).
Là người từng có nhiều năm nghiên cứu về di sản này, theo bà sự giống và khác nhau giữa nghi lễ kéo co Việt Nam, Philipine, Hàn Quốc và Campuchia được thể hiện như thế nào?
Nghi lễ kéo co của 4 nước kể trên giống nhau ở chỗ đây là một tập quán xã hội có tính nghi lễ liên quan đến nền văn minh lúa nước. Nó là biểu tượng của mùa màng bội thu, của sự sinh sôi nảy nở và của sự cố kết cộng đồng... Ở một số nơi trên 4 nước này đến tận bây giờ vẫn còn tồn tại tính chất nghi lễ cổ xưa gắn liền với hình thức kéo co này. Tính chất nghi lễ này giúp chúng ta phân biệt kéo co khác với trò chơi kéo co thể thao thông thường. Nghi lễ kéo co chứa đựng một tầng sâu văn hóa thể hiện bằng những tập tục và tín ngưỡng. Người ta tin rằng, có thực hành nghi lễ ấy, tuân thủ những luật lệ ấy trong lễ hội thì năm ấy mùa màng mới bội thu, chăn nuôi trồng trọt mới sinh sôi nảy nở, cuộc sống mới tốt đẹp.
Một trong những cảnh thực hành nghi lễ kéo co trong hội làng ở Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hoá.
Còn khác là về hình thức biểu hiện. Ở Hàn Quốc, hầu hết các thị trấn ở các vùng nông nghiệp đều tổ chức nghi lễ và trò chơi kéo co. Người Hàn kéo co bằng sợi dây to như cột đình, hàng trăm người ôm. Sợi dây ấy được bện bằng rơm rất kỳ công. Khi kéo, họ không chỉ kéo trong mấy chục phút mà kéo cả ngày, kéo đi rồi kéo lại, cả làng ra kéo. Năm nào không may sợi dây ấy bị đứt thì người ta cho năm đó không vui, xúi quẩy.
Ở Philipine lại chủ yếu kéo co dưới nước, dưới sông. Ở Campuchia kéo co có từ rất sớm. Nó thể hiện rõ trong các hình vẽ và phù điêu ở đền chùa Angkor. Người dân Campuchia quan niệm sợi dây kéo là biểu tượng của rắn thần và người ta có hẳn một tích chuyện về điều này… Mỗi quốc gia đều có một hình thức thể hiện khác nhau nhưng nhất quyết không phải là thể thao thuần tuý.
Việc nghi lễ kéo co được công nhận là di sản nhân loại rất có ý nghĩa vì nó góp phần làm cho cộng đồng 4 nước xích lại gần với nhau, chia sẻ với nhau một nét văn hoá, một tập quán để từ đó hiểu biết nhau hơn, tăng cường hơn nữa tính cố kết cộng đồng.
Ở Việt Nam hiện nghi lễ kéo con còn tồn tại ở những địa phương nào và hình thức giữ gìn, thực hành di sản này ra sao, thưa bà?
Ở Việt Nam, nghi lễ kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước. Trong quá trình đi điền dã chúng tôi mới chỉ phát hiện nghĩ lễ kéo co ở các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lào Cai. Ngoài ra, di sản này cũng được thực hành thường xuyên ở cộng đồng của các dân tộc ít người như: Tày (Tuyên Quang), Giáy (Lào Cai) và Thái (Lai Châu). Đây vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Nghi lễ kéo co của Việt Nam thường gắn liền với các lễ hội truyền thống và môi trường thực hành thường là trước cửa đình, đền. Tuy nhiên, bây giờ đời sống phát triển, quy hoạch lại nông thôn nên bà con không còn không gian để thực hành kéo co theo đúng tập quán xã hội của nó nữa. Bây giờ người ta buộc phải kéo nhau ra khu vực sân vận động để thực hành kéo co. Cái đó khiến nghi lễ kéo co trở thành trò chơi phát triển về văn hóa thể thao thuần tuý, mà mai một đi nét văn hóa của di sản.
Nghi lễ kéo co (còn gọi kéo mỏ) ở Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hoá.
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã được Unesco công nhận là di sản nhưng thực tế nghi lễ kéo co ở Việt Nam đang tồn tại tự phát trong dân gian chứ chưa được cơ quan quản lý văn hóa quan tâm đúng mức. Bà nghĩ sao về điều này?
Đó là những tồn tại về mặt nhận thức. Đôi khi chúng ta nhận thức di sản là một cái gì đó phải thật tiêu biểu, nổi bật, khác lạ, hoành tráng… Vì thế những cái gì nhỏ hơn chúng ta lại xem nhẹ hoặc bình thường hóa đi. Trong khi di sản có nhiều hình thái khác nhau, có những di sản rất tỏa sáng về quy mô và cách biểu hiện nhưng cũng có những di sản âm thầm như những dòng suối chảy trong đời sống. Những thứ trở thành di sản vì thực sự có ý nghĩa đối với mọi người.
Vì thế, chúng ta phải thay đổi quan niệm về di sản. Di sản không chỉ là những lễ hội hoành tráng, những nghệ thuật trình diễn có thể nhìn thấy rõ ràng hoặc các nghề thủ công truyền thống lâu đời… mà cả những thứ rất đỗi giản dị trong đời sống. Và chúng ta cần tất cả. Chúng ta cần những di sản to lớn và cả những di sản bình dị bởi đó là bản sắc, văn hoá, là kết tinh của đời sống con người Việt Nam.
Unesco khuyến nghị chúng ta cần phải đối xử công bằng với tất cả các di sản. Đừng nghĩ rằng cái to mới là của nhân loại. Những cái nhỏ bé chỉ diễn ra 30 phút đến 1 tiếng trong một lễ hội làng dù chưa bao giờ được xem trọng nhưng lại là một sắc thái văn hoá, một tập quán xã hội, một nét mỹ tục… rất đỗi thiêng liêng. Nó có ý nghĩa với một nhóm cộng đồng đó và người ta gìn giữ từ bao đời nay. Bây giờ chúng ta lại có cơ hội chia sẻ với những nước khác có chung tập quán văn hóa này thì càng phải quan tâm nhiều hơn. Quan tâm như thế nào đó là trách nhiệm của không chỉ cơ quan quản lý văn hóa mà tất cả mọi người dân.
Cảnh kéo song ở Vĩnh Phúc. Ảnh: CDS.
Thực tế, bây giờ nghi lễ kéo co đã là di sản của nhân loại, vậy chúng ta cần phải đối xử với di sản này như thế nào để xứng đáng với tầm vóc của nó, thưa bà?
Trước hết, chúng ta phải xác định, việc ghi nhận này cho ai? Cho chính những người dân ở chung một cộng đồng ấy, cho chính những người nắm giữ nghi lễ kéo co này. Đây là một cơ hội để họ nhận kéo co chính là di sản. Điều này vô hình chung đặt lên vai họ một trách nhiệm phải làm thế nào để giữ gìn và phát huy di sản văn hóa này một cách tốt hơn. Làm tốt hơn không có nghĩa đem di sản này ra làm một cách giống nhau, như việc người ta đem Quan họ ra hát tập thể... Đấy không phải là cách giữ gìn tốt nhất, càng không phải là cách giữ mà Unesco mong muốn. Điều quan trọng là chúng ta phải di sản của mình rồi từ đó có những thực hành sáng tạo hơn. Cái gì đã mai một nhưng còn có thể phục hồi được thì chúng ta nhất định phải phục hồi. Ví dụ những tập quán, những nghi lễ liên quan đến kéo co.
Chúng tôi từng có những kiến nghị đối với kéo song ở Vĩnh Phúc là phải phục hồi lại kéo song nghi lễ, chứ không khuyến khích kéo song theo kiểu thể thao như bây giờ.
Tiếp nữa, để bảo vệ di sản này các cơ quan quản lý văn hóa từ địa phương đến trung ương cũng cần phải có sự đầu tư cho bà con. Ví dụ, muốn kéo co phải có không gian. Ở Long Biên, vì không có không gian nên người ta phải thực hành nghi lễ kéo ngay trên sân đình hoặc phải đi thuê một bãi đất trồng rau để thực hành nghi lễ này.
Thứ ba, chúng ta phải có hình thức quảng bá, phổ biến phù hợp. Đừng biến nó trở thành cái gì đó thật đặc biệt kiểu như lập kỷ lục hay tổ chức thật hoành tráng mà phải làm sao để các cộng đồng thấy được ý nghĩa của di sản này, từ đó chung tay chia sẻ với nhóm cộng đồng có di sản này để nét đẹp của di sản thực sự được lan toả.
Và quan trọng hơn cả là phải làm cho thế hệ trẻ ngày nay hiểu di sản đó là của cha ông mình để lại và mình là thế hệ tiếp nối có trách nhiệm gìn giữ di sản đó.
Cám ơn bà đã chia sẻ những thông tin này.
Hà Tùng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét