Hòa thượng Tố Liên: NGUỒN GỐC TỤC ĐỐT VÀNG MÃ
Hòa thượng Tố Liên |
Nguyên nhân tục đốt vàng mã
Hòa thượng Tố Liên
Tục chôn người chết nước Tàu về đời thượng cổ, một khi có người chết cứ để thế đem chôn, không quan ván, lại cũng không khanh phần mộ chi cả. Đến đời vua Hoàng đế (2679trCN) cho rằng con cháu đối với ông bà cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới sai ông Xích Xương sáng chế ra quan, quách để chôn cất. Trải qua đời Hoàng đế đến đời Đường Ngu, cái tục lệ chôn cất người chết chỉ có thế thôi.
Nối Nhà Ngu là nhà Hạ (2205 tr CN) người tàu mới bắt đầu dùng đất sét nặn thành mâm bát dùng tre gỗ là nhạc khí như chuông khánh, đàn sáo… để đem theo người chết. Các đồ vật đó được gọi là minh khí, hoặc gọi là quí khí, tức các đồ vật được đem chôn theo cho thần hồn người chết dùng ở âm phủ. Lễ nhạc đối với người chết bắt đầu có từ đó. Rồi đấy đã chế ra đồ dùng cho người chết, tất phải có người hầu hạ người chết, người ta mới lại chế ra người bù nhìn bằng gỗ đem chôn theo người chết.
Đến đời nhà Ân (1765 tr CN) lại không dùng mâm bát đồ đất và nhạc khí bằng tre gỗ để chôn theo người chết nữa. Thay vào đó các đồ tế khí toàn dùng đồ thật chôn theo.
Đời nhà Chu (1122 trước CN) người Tàu đã bắt đầu văn minh: cố nhiên lễ nhạc đối với người chết cũng được ăn nhịp mà tiến bộ. Giữa người chết với người chết đã được người sống phân ra giai cấp sang hẹn trong việc lễ nghi chôn cất. Do vậy t ừ vua đến quan lớn khi chết đi sẽ được dùng cả đồ vật giả theo lệ Nhà Hạ, và đồ vật thật theo lệ nhà Ân để đem chôn theo. Còn hạng sĩ phu tới bình dân khi chết chỉ được chôn t heo độc một thứ đồ giả thôi. Nếu người hèn hạ nào mà dùng nghi lễ ngang với người sang tức khắc phải tội “Tiếm lễ’. Không chỉ thế, dã man,, độc ác nhất người ta còn bịa ra tục Tuẫn Táng. Tức khi vua quan chết từ vợ con đến bộ hạ của các vua quan lớn, đồ yêu quí khi còn sống sẽ phải đem chôn sống để làm đồ dùng khi chết. Việc này ta được biết chép trong sách TẢ TRUYỆN rằng: “Đời vùa Văn Công thứ 6, Vua Tần Mục Công tên là Hiếu nhân chết, ba anh em họ Tứ -Xa là Yểm Tục, Trọng Hành, Chàm Hổ đều bị chôn sống theo Mục công, vì khi Mục công còn sống yêu quí nhất ba anh em nhà họ. Người trong nước tỏ lòng thương tiếc ba anh em họ Tứ Xa là người hiền đức mới làm thơ ra Hoàng Diệu để tỏ ý than vãn mỉa mai. Trong thơ đại ý nói “ba anh em họ Tứ-Xa đều là người hiền đức gấp trăm nghìn lần người khác, trời đất ơi! Sao nỡ đem chôn sốngđể đi theo với người tận số là Mục Công. Nếu ba trăm người như chúng tôi này được chết theo Mục Công để thế mệnh cho ba người chết hiền đức ấy, chúng tôi cũng vui lòng chết thay.
Về sau người ta cũng biết rằng đem người sống chôn theo v ới người chết là vô nhân đạo, mới chế ra người có “sô linh”, sau vì người cỏ không được mỹ thuật, người ta lại dùng người gỗ “Mộc ngẫu” như trước. sách Trang Tử chép rằng: “Vua Mục Vương nhà Chu (1001 tr CN) có người tên là yến sư chế ra người cỏ để chôn theo người chết. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này liền nổi lòng phẫn uất mà thống mạ rằng: “Kẻ nào sinh ta tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân”. Thầy mạnh tử cũng ác cảm với tục hình nhân thế mệnh mà nguyền một câu độc rằng “ Kẻ nào dùng người bù nhìn là tuyệt tự”.
Đến đời nhà Hán, giới trí thức Nho học cảm động với lời cự tuyệt thống thiết của ngài Khổng Mạnh trong tục lệ dùng người sống chôn theo với người chết, mới bỏ tục lệ TUẪN TÁNG, không dùng người sống chôn theo với người chết nữa, nhưng lại làm ra nhà mồ để cho vợ con tôi tớ, người đã chết ra để ấp mộ. còn các đồ ăn mặc hành dùng của người chết kia khi còn sống dùng những thứ gì khi chết cũng đem chôn theo hết. Ngôi nhà mồ kia muốn cho thêm oai vẻ, người ta lại đục phỗng đá, voi ngựa bài trí chung quanh phần mộ.
Đến giai đoạn này ta bắt đầu thấy nguyên nhân của tục đốt vàng mã giấy. Đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy vỏ cây dó và giẻ rách, lưới rách đem chế ra giấy, vì đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc quần áo… đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ. Sách: “ Thông giám cương mục” có chép: vì vua Huyền Tôn, mê thuật quỉ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan thái thường bác sĩ để coi việc chế vàng mã dùng khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ là hàng Thuỷ tổ nghề vàng mã.
Đức Phật Thích Ca không dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên. Ngày Rằm tháng bảy là ngày Mục Kiều Liên cứu bà Thanh Đề. Mục Kiều Liên tu chứng được 6 phép thần thông mắt trông thấy thân mẫu là bà Thanh Đề phải đày đoạ ở địa ngục mà ngài không sao cứu nổi mới cầu đến đức Phật. Đức Phật mới dạy rằng “ dầu ông có thần tthông đến đâu chăng nữa cũng không có thể cứu được tội, nghiệp của thân mẫu ông, phải nhờ đến công đức tu hành của chư tăng mới cứu được tội nghiệp cho thân mẫu của ông được. ngày rằm tháng bảy sắp tới đây sẽ là ngày của chư phật hoan hỷ, ngày của chư tăng hành đạo tự tứ. Ông phải chí thành sắm lễ nghi trai đàn đem dâng cúng dàng chư tăng. Các ngài sẽ cầu nguyện cho thân mẫu ông được giải thoát.” Chính ý nghĩa của ngày rằm tháng bảy chỉ có thế thôi, không hơn không kém. Chúng ta có ai thấy Phật dạy đốt vàng mã cúng gia tiên ngày rằm tháng bảy.
Nguyên nhân của việc đốt vàng mã vào ngày rằm tháng bảy là: Triều vua đạt Tôn nhà Đường (762) nhằm lúc Phật giáo cựu thịnh ở Trung Quốc, vị sư tên là Đạo Tăng, muốn cho dân chúng vì ngày rằm tháng bảy mà bồng bột theo Phật giáo, bèn lợi dụng tục đốt vàng mã của nhân dân vào tâu với vua Đạt Tôn rằng : Rằm tháng bảy là ngày của Diêm Vương ở âm phủ xét tội phúc thăng trầm, nhà vua nên thông sức cho thiên hạ trong việc lễ cúng gia tiên vào ngày rằm tháng bảy nên đốt nhiều vàng mã để cúng biếu các vong nhân dùng.
Vua Đạt Tôn đương muốn được lòng dân nên rất hợp ý với lời tâu của Đạo Tăng liền hạ chiếu cho thiên hạ. Thế nên nhân dân Trung Quốc được dịp thi nhau đốt vàng mã vào ngày 15/7 để kính gia tiên. Nhưng chẳng bao lâu lại bị chư tăng công kích bài trừ về việc đốt vàng mã vào ngày trọng lễ của Phật giáo làm cái lệ ngày 15/7 không còn chính nghĩa nữa. Phần lớn dân chúng trung hoa ngày đó hầu như tỉnh ngộ cũng nhau bỏ tục đốt vàng mã là cho các nhà chuyên sinh sống về nghề làm vàng mã gần như bị thất nghiệp, nhất là Vương Luân, dòng dõi của Vương Dũ người đã bịa đặt chế ra đồ vàng mã. Vương Luân mới bàn cùng với các bạn đồng nghiệp âm mưu phục hưng lại nghề làm vàng mã. Một người giả cách ốm mấy hôm rồi chết, tin được loan ra, còn cái xác giả chết kia lập tức được khâm liệm vào quan tài, có lỗ hổng và sẵn sàng thức ăn nước uống. Đương khi mọi người họ mạc làng xóm đến viếng thăm đông đúc, Vương Luân với một lũ người đích thân đem trăm thứ đồ mã có cả hình nhân thế mệnh. Sau đó bày đàn cúng các quan thiên phủ địa phủ và nhân phủ. Khi mọi người đang xuýt xoa khấn khứa bỗng trăm nghìn mắt như một, hai năm rõ mười thấy cỗ quan tài rung động lên. Bấy giờ Vương Luân đứng bên đó mở nắp ván quan, để kẻ giả chết kia lò dò ngồi dậy, giả vờ lù đù trông trước trông sau rồi bước ra với điệu bộ như người chết sống lại, rồi thuật rõ chuyện với công chúng rằng: “Các thần thánh trong Tam phủ, tứ phủ vừa nhận được hình nhân thế mạng cho tôi với tiền bạc đồ mã nên mới tha cho ba hồn bảy vía của tôi được phục sinh về nhân thế” Hiển nhiên trăm nghìn mắt thấy tai nghe, nên công chúng đều nhận thấy là hình nhân có thể thế mạng được thực và trong Tam Phủ, Tứ PHủ cùng ăn đồ lễ vàng mã tằng phúc giảm tội và miền cho sống thêm. Từ đấy các nghề vàng mã lại được phục hưng một cách nhanh chóng vì rằng không những linh hồn các gia tiên dùng vàng mã mà cả Thiên địa quỷ thần trong Tam Tứ Phủ cũng phải tiêu dùng vàng mã nữa và cố nhiên là vàng mã phải đắt hàng. Người Tàu nắm quyền đô hộ VN 1000 năm cho nên phong tục của người Tàu như thế nào, ta cũng dập khuôn đúng như vậy, bất luận hay dở phải trái.
Hoà thượng Tố Liên
(Nxb Đuốc Tuệ1952) - Trang Thanh Hiền đánh máy.
Tiểu sử Hòa Thượng Tố Liên
Hòa thượng thế danh là Nguyễn Thanh Lai, sinh năm Quý Mão (1903) tại làng Quỳnh Lôi, tổng Kim Liên, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, xuất thân trong một gia đình nho giáo, thân phụ là Nguyễn Văn Định và thân mẫu là Nguyễn Thị Đào.
Ngài xuất gia năm 13 tuổi tại chùa Hương Tích, là đệ tử của Đại sư Thanh Tích (1881-1964). Ngài tính cương trực, chuộng hoạt động, mặc dù được chọn làm Trưởng pháp tử, song quyết tâm ra đi du phương sam học nơi các đạo tràng danh tiếng như chốn tổ Tế Xuyên, Bằng Sở, Vĩnh Nghiêm… Ngài đã từng du học, trụ trì chùa Côn Sơn, Thanh Mai (Hải Dương).
Năm 1935, sau phong trào chấn hưng Phật giáo toàn quốc, sẵn có giới đức trang nghiêm và trí tuệ minh mẫn, Ngài được Hội Việt Nam Phật giáo Bắc kỳ cung thỉnh ra chùa Quán Sứ Hà Nội để chung lo Phật sự.
Ngoài việc phụng sự chung cho đại cuộc Phật giáo, Ngài đã đóng góp rất nhiều cho Phật học đường Quán Sứ như giảng dạy, chủ sám và giới sư các Đại giới đàn, cùng đóng góp tích cực cho những hoạt động về văn hóa và xã hội của Phật giáo miền Bắc.
Sau một thời gian dưỡng bệnh tại Côn Sơn, đến năm 1945 Cách mạng tháng 8 thành công, Hòa thượng lại trở về Quán Sứ. Vận dụng khả năng tri thức và trí tuệ vốn có để ứng dụng Phật sự trong hoàn cảnh mới của đất nước. Ý thức trách nhiệm trước sứ mệnh lịch sử dân tộc và đạo pháp, Ngài khắc phục mọi trở ngại, đề cao chủ trương: Thống nhất Phật giáo, đoàn kết Tăng già. Và cuối cùng nguyện vọng ấy đã đạt được qua việc thành lập Hội Tăng ni Chỉnh lý Bắc phần, tiền thân của Giáo hội Tăng già Bắc Việt do Ngài làm Chủ tịch, đồng thời giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam. Lúc ấy Ngài mới 47 tuổi (năm 1950).
Tháng 5 năm 1950, Ngài đại diện cho Phật giáo Việt Nam đi dự Hội nghị thành lập Hội Phật giáo Liên hữu thế giới tại Srilanca và đưa Phật giáo Việt Nam tham gia với tư cách sáng lập viên của Hội này, đồng thời được Đại hội suy cử làm Đệ nhất Phó Hội trưởng cùng đại diện Ban chấp hành Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, chi bộ tại Việt Nam.
Năm 1951, Ngài là một trong những sáng lập viên Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức thống nhất Phật giáo toàn quốc, gồm cả Tăng già và cư sỹ thuộc Bắc, Trung, Nam để phù hợp với đà tiến chung của Phật giáo thế giới.
Tháng 9 năm 1952, Ngài đi dự Đại hội Phật giáo thế giới tại Nhật, nhằm tăng cường Phật sự trên cơ sở Phật giáo thế giới như phổ biến giáo lý đức Phật trong các tổ chức giáo dục thuộc mỗi quốc gia, từ tiểu học đến đại học, thực hiện các công tác nhân đạo, từ thiện, xã hội, thành lập Đoàn Thanh niên Phật tử thế giới.
Sau khi về nước, Ngài tích cực đi vận động khắp nơi ở miền Trung và miền Nam, gặp gỡ, thảo luận, đàm đạo với các vị lãnh đạo Phật giáo 3 miền, thành lập Giáo hội Tăng già toàn quốc và ngài được cử làm Tổng thư ký.
Về xã hội: Suốt khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1954, Ngài là vị trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội, một trung tâm của Phật giáo miền Bắc. Ngài đã thành lập các tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân chiến tranh và các cô nhi viện Quán Sứ, Tế Sinh.
Về văn hóa: Ngài có công cho khắc in rất nhiều bản và phổ biến trong toàn quốc bộ “Việt Nam Phật điển Tùng San”, mong tác phẩm này được lưu truyền hậu thế và không còn bị mai một. Ngài còn là chủ nhiệm và chủ bút tờ nguyệt san “Phương tiện”, hậu thân của báo “Đuốc tuệ”. Ngài chuyên viết các bài giảng phổ thông về Phật học để báo “Đuốc tuệ” ấn hành.
Về tác phẩm: Hòa thượng còn để lại những sáng tác:
- Tấm gương quy y;
- Sự lý lễ tụng;
- Ký sự Phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan (Srilanca);
- Tịnh Độ sám nguyện - dịch và chú giải.
Về giáo dục: Ngài có công thành lập trường Tiểu học Khuông Việt tại chùa Quán Sứ; trường Trung học Vạn Hạnh tại chùa Hàm Long Hà Nội. Và đặc biệt Ngài để tâm rất nhiều đến việc đào tạo Tăng tài bằng cách gửi các Tăng sỹ Việt Nam đi du học ở nước ngoài, nhằm phát triển kiến thức, trao đổi văn hóa, tăng cường hữu nghị và đào tạo Như Lai sứ giả giữa các quốc gia Phật giáo trên quy mô quốc tế.
Năm 1954, đất nước lại bị chiến tranh chia cắt, Hòa thượng tiếp tục bồi đắp và duy trì các cơ sở Phật giáo đã được xây dựng từ trước.
Đến năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ra đời, kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng ở giai đoạn mới. Hòa thượng là một thành viên sáng lập và được suy cử vào Ban Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Sau đó vì bệnh duyên và tuổi ngày một cao, Ngài phải nghỉ dưỡng bệnh và tĩnh tu ở chùa Quán Sứ, Quỳnh Trân và một số nơi tại miền Bắc.
Tháng 3 năm 1977, Ngài chống thiền trượng đi gặp và đàm đạo cùng chư Tăng tại chùa Quán Sứ để tạ từ. Thế rồi chiều ngày 13 tháng 2 năm Đinh Tỵ (tức ngày 01/04/1977), Ngài đã viên tịch tại chùa Quán Sứ, trụ thế 75 năm và hoằng pháp độ sinh 45 năm. Bảo tháp của Ngài tọa lạc tại chùa Sùng Phúc, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, bảo hiệu là Chân Không Tháp.Sự nghiệp và đạo hạnh của Hòa thượng đã đi vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, với công lao cao cả trong cuộc chấn hưng Phật giáo n][cs nhà và đưa đạo Phật Việt Nam góp mặt với Phật giáo thế giới. Hòa thượng là tấm gương soi sáng cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử cống hiến trọn đời cho Đạo pháp - Dân tộc.
Nguồn: Chùa Vĩnh Nghiêm.
Con sẽ thực hiện LỄ VU LAN KHÔNG ĐỐT VÀNG MÃ.
Cám ơn hoà thượng Tố Liên.
Từ nay chúng ta sẽ cùng bài trừ các tệ nạn mê tín xuất phát từ Trung Quốc ra khỏi đời sống nước ta. Việc này phải hợp sức nhiều người mới làm được, đặc biệt là giới trí thức và trí thức tôn giáo Việt Nam.
Cái có thể làm ngay là các bài văn cúng khấn phải hành văn theo lối tiếng Việt chứ không phải suốt ngày đọc như vẹt : Việt Nam quốc, Hà Nam tỉnh, Thanh Hóa tỉnh, Đồng Nai tỉnh,...nghe mà sặc mùi Hán văn.
A di đà phật!