Có một thứ tài sản vô giá tiền nhân để lại đã bị chúng ta đánh mất quá nhiều
Một lần trên chuyến tàu hỏa, có bà mẹ trẻ dắt đứa con trai nhỏ lên tàu, một cụ già đứng dậy nhường chỗ cho đứa bé, thằng bé ngồi ngay xuống không khách khí gì. Bà mẹ muốn thằng bé cảm ơn cụ già, thằng bé vờ như không nghe thấy…
Đến ga tiếp theo, một phụ nữ bế em bé lên tàu, bà mẹ bảo thằng bé nhường chỗ cho người phụ nữ, thằng bé khăng khăng không chịu. Bà mẹ kéo thằng bé ra khỏi ghế, nó liền khóc rống lên, chẳng biết làm thế nào nữa, bà mẹ chỉ ngây người nhìn trân trân thằng bé.
Tình cảnh này khiến người ta thở dài: Nuôi dưỡng trái tim yêu thương và lễ phép cho trẻ từ bé quan trọng đến nhường nào. Trong cuộc sống trẻ được nuông chiều quá mức, hành vi không biết thế nào là phép tắc, tính cách tự tư tự lợi, tinh thần kiêu ngạo, yếu nhược.
Những đứa trẻ như thế này, dù có tri thức nhiều đến mấy cũng chẳng thể gánh vác được trọng trách của cuộc đời. Có học giả cho rằng, chúng ta đang tạo ra “những người ích kỷ tinh vi”. Vậy trong xã hội hiện nay, chúng ta nên giáo dục thế hệ sau như thế nào?
Dạy trẻ như thế nào?
Gia đình hiện nay cơ bản là gia đình có cha mẹ và 2 con. Bậc ông bà còn một chút văn hóa truyền thống lưu giữ lại. Bậc cha mẹ ở giai đoạn thanh thiếu niên không được tiếp thu giáo dục truyền thống, đối với gia giáo được truyền thừa qua hàng nghìn năm, họ hoàn toàn xa lạ. Hai thế hệ này cùng nuôi dạy con cháu, thì có thể đoán được kết quả giáo dục trẻ như thế nào.
Những đứa trẻ này gửi gắm bao hy vọng của cha mẹ, các bậc phụ huynh chỉ sợ con mình không được khỏe mạnh, nên chăm bẵm con từng chút một. Yêu cầu nào của chúng cũng được đáp ứng, đến mức muốn gì được nấy. Điều này khiến trẻ con coi mình là nhất, cả thế giới này đều phải nghe theo chúng, chẳng còn coi ai ra gì, cũng chẳng có chút lễ phép nào.
Không biết bắt đầu từ bao giờ chúng ta đã quá chú trọng tri thức một cách phiến diện, cho rằng “tri thức thay đổi vận mệnh”. Toàn xã hội dường như coi trọng truyền thụ tri thức đến mức cực đoan. Trẻ con vào tiểu học, nếu không biết đọc, biết nói tiếng Anh, biết cộng trừ nhân chia thì một số trường danh tiếng từ chối nhận.
Mọi người thấy đi học, càng cấp thấp càng khó, đại học dễ hơn trung học, trung học dễ hơn phổ thông, phổ thông dễ hơn tiểu học, mà vào trường tiểu học gì dường như lại quyết định cuộc đời sau này. Cạnh tranh khốc liệt vào trường điểm, khiến rất nhiều gia đình cho trẻ học từ 2, 3 tuổi, học chữ, học toán, học tiếng Anh, thanh nhạc, hội họa, không chỉ có một môn. Điều này có thể được gọi là bình thường không? Hiển nhiên là không, nhưng họ chẳng biết làm thế nào, không biết xã hội sao lại biến đổi như thế này.
Khổng Tử từng nói rằng: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (30 tuổi tạo dựng được danh tiếng, 40 tuổi không còn có điều gì khiến cho mê hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi nghe điều gì cũng lọt tai, 70 tuổi làm bất kỳ điều gì mình muốn mà không vượt ra khỏi phép tắc). Câu nói này, dường như ai ai cũng nghe rất quen thuộc. Nhưng đại đa số mọi người vô tình hay hữu ý đã bỏ sót mất câu đầu tiên, đó chính là: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học” (Ta 15 tuổi là quyết chí vào việc học). Tại sao vậy? Vì chúng ta không hiểu rõ tại sao 15 tuổi mới bắt đầu học, liệu có phải là Khổng Tử nói sai không?
Sử Ký do nhà sử học đời Hán Tư Mã Thiên viết, được coi là “Bài ca tuyệt tác” của sử gia, là tập “Ly tao không vần”, thành tựu lớn, ít người có thể sánh cùng. Nhưng ông nói rằng bản thân “10 tuổi đọc cổ văn”, cũng chính là hơn 10 tuổi mới học. Xem ra hơn 10 tuổi mới chính thức học tập là thông lệ của cổ nhân.
Nhìn ra thế giới, những quốc gia văn minh thịnh vượng ngày nay, rất nhiều nước đã ra quy định không được dạy tri thức cho trẻ em trước tuổi đi học. Những nước này đều chiếm phần lớn nhân tài trên thế giới, nhưng họ lại không vội vàng cho trẻ em học tri thức sớm. Về giáo dục, chúng ta trước hết cần phải thuận theo quy luật tự nhiên của con người, không thể tùy ý đặt định nhân tạo. Hiện nay chúng ta quá nôn nóng, chỉ muốn “một phát ăn ngay”, so đo ganh đua nhau, trong miệng luôn nói: “Không được để thua từ vạch xuất phát”. Thực ra chúng ta không thua ở vạch xuất phát, trái lại thường tranh nhau chạy, nhưng điểm đích thành nhân tài, chúng ta lại thua.
Căn bản của giáo dục trẻ em trước tuổi đến trường là gì? Thời kỳ trước tuổi đi học là giai đoạn vô cùng then chốt trong quá trình trưởng thành của con người. Thời kỳ này, thông qua nhận thức đối với các sự vật, trẻ em sẽ mở rộng nhân thức đối với thế giới, đồng thời cũng gây dựng giá trị quan, nhận thức tương hỗ giữa nhân văn và tự nhiên, bồi dưỡng năng lực lý giải và lĩnh ngộ. Giống như nông dân trồng trọt, gieo hạt giống gì, sau này sẽ kết quả đó. Nếu chúng ta nóng vội truyền thụ tri thức, giáo dục tố chất nhân văn không đủ, sẽ kìm hãm sự phát triển ngộ tính của trẻ, mà phẩm chất thời thơ ấu lại ảnh hưởng rất lớn đến chiều hướng phát triển sau này. Cho nên bồi dưỡng nhân tài phải coi trọng giáo dục phẩm chất thời kỳ thơ ấu, mà thời kỳ đó thì có hiệu quả nhất là giáo dục gia đình.
Giáo dục gia đình không chỉ quan trọng thời thơ ấu, mà còn đi theo suốt cuộc đời, từng giờ từng phút ảnh hưởng đến hành vi cử chỉ của chúng ta. “Tính cách quyết định vận mệnh”, mà tính cách chẳng phải được bồi dưỡng từ nhỏ đó sao?
Nho gia đặc biệt coi trọng Nhân và Lễ, Phật gia coi trọng Thiện, Đạo gia coi trọng thuận theo tự nhiên. Tư tưởng Nho – Phật – Lão này được đông đảo người Việt công nhận, trở thành truyền thống văn hóa lâu đời, mà gia huấn cũng từ truyền thống tốt đẹp đó mà tinh luyện ra.
Nền tảng giáo dục gia đình là gia giáo, gia huấn
Đức tính tốt đẹp nhân ái lễ nhượng đầu tiên được thể hiện ra cụ thể ở gia giáo. Mỗi thế hệ đều muốn đem kinh nghiệm thành công truyền thụ cho con cháu, hy vọng con hơn cha nhà có phúc, con cháu sẽ hơn mình, cuộc sống càng tốt đẹp hơn, cầu mong gia tộc hiển vinh, phú quý, trường tồn. Thế là các bậc phụ huynh trên cơ sở duyệt lịch cá nhân, tận tâm thu thập tri thức và cảm ngộ của tổ tiên các đời để lại, tổng kết giáo huấn kinh nghiệm thịnh suy thành bại.
Gia huấn là trí tuệ tổng kết ra từ kinh nghiệm nhân sinh, nó đưa luân lý đạo đức biến hóa thành lễ nghi, phép tắc của các hành vi trong đời sống hàng ngày, bồi dưỡng con người văn minh lại cao nhã, hàng trăm hàng ngàn năm nay đã có hiệu quả rõ rệt, cứ lặng lẽ quy phạm tập quán tư duy và hành vi, và cấu thành huyết mạch và giá trị truyền thống, và trở thành sức ngưng tụ được mọi người công nhận.
Từ đó có thể thấy, gia huấn không phải dùng để khoe khoang, khoa trương với người ngoài, gia huấn là bí kíp gia truyền, chỉ truyền thừa nội bộ gia tộc, đưa ra thực hiện.
Vì gia huấn là nói kinh nghiệm, do đó nó khác với các thư tịch thuyết giáo thông thường, đọc lên thân thiết mà thiết thực, dung hợp chuẩn mực hành vi xã hội và kinh nghiệm đối nhân xử thế của gia tộc, rất hiếm có lời phóng đại, tô vẽ. Trong đó có không ít tâm đắc riêng bí mật không để người ngoài biết, ngôn ngữ chất phác chân thật, ngụ ý sâu sắc, gửi gắm hy vọng thiết tha.
Chính vì như vậy, gia huấn đặc biệt coi trọng quy phạm hành vi hàng ngày, từng tý từng chút một. Ví dụ cả nhà ăn cơm, người lớn chưa đến, thậm chí người nhà chưa đến đủ, thì người đến trước cũng không được ăn trước; Người lớn chưa động đũa, trẻ con không dám gắp. Đằng sau những phép tắc này là muốn gây dựng quan niệm tôn ti trật tự, tôn trọng bề trên.
Người Việt xưa coi trọng chữ “Hiếu”, hàm nghĩa chất phác nhất của nó là cư xử tốt với cha mẹ, ở nhà có hiếu thì ra ngoài mới yêu nghề, kính người. Bên cạnh đó còn là bồi dưỡng tinh thần hợp tác, phải hiểu quan tâm người khác. Cả nhà mượn cơ hội ăn cơm đoàn tụ gần gũi, đẹp biết bao. Nếu về trước ăn trước, người về sau chỉ còn cơm thừa canh cặn, thì sẽ có cảm giác gì?
Thời cổ đại, cuộc sống vật chất không phong phú như ngày nay, ăn cơm là lúc chia sẻ thành quả. Nhưng trước lợi ích, những tính xấu của con người cũng sẽ bất giác lộ ra. Hiện nay tuy vật chất đã phong phú rồi, nhưng một số tập tính vẫn còn lưu lại, ví dụ có người trên bàn ăn toàn chọn thức ăn, cầm đũa khều đi khều lại, hoàn toàn không để ý đến người khác.
Một số người rất có phong cách của giới trí thức, đến khi xung đột lợi ích, mới bộc lộ hết chân tướng. Chẳng trách có một thương nhân đã nói với tôi rằng, ông tuyệt đối không tuyển dụng người tự tư tự lợi, không có tinh thần đồng đội. Một lần ăn chung trông có vẻ đơn giản, trong đó lại chứa đựng nhiều đạo lý như thế này. Tu dưỡng phẩm hạnh của con người, luôn luôn bộc lộ ra vào những lúc không chú ý. Do đó “làm người” thực sự cần phải bắt đầu từ khi còn thơ bé.
Gia huấn của chúng ta đã trải qua kiểm nghiệm thực tiễn hàng nghìn hàng trăm năm, đã đào tạo ra các thế hệ người Việt. Gia huấn là trí tuệ đúc kết từ kinh nghiệm nhân sinh, nó đem đạo đức luân lý hóa thành phép tắc và lễ nghi cho các hành vi trong đời sống hàng ngày, dưỡng dục người văn minh lại cao nhã. Hàng trăm hàng nghìn năm nay hiệu quả rõ rệt, cứ lặng lẽ vô hình quy phạm thói quen tư duy và hành vi của chúng ta, và tạo dựng sức ngưng tụ huyết mạch, giá trị dân tộc mà các nhóm sắc tộc đều công nhận.
Chỉ cần gia đình không bị phá vỡ, văn hóa vẫn được truyền thừa
Trong văn minh nhân loại, dân tộc Việt đã trải qua gió mưa bão táp mấy nghìn năm, truyền thừa liền mạch đến ngày nay. Xem lại lịch sử thế giới, bao nhiêu dân tộc hoặc quốc gia đã từng xưng bá một thời đều đã tan tành mây khói, chẳng thấy hình bóng đâu nữa. Tất cả các dân tộc truyền thừa đến tận ngày hôm nay, đều dựa vào trí huệ của văn hóa mà sống động không ngừng. Cạnh tranh sinh tồn, quy kết căn nguyên nguồn gốc vẫn là cạnh tranh văn hóa, dựa vào sự dẫn dắt của trí huệ.
Nền văn minh Việt kéo dài đến ngày nay không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đã trải qua nhiều lần thay triều đổi đại. Thậm chí đặc biệt 1000 năm Bắc thuộc, dưới sự thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nhưng văn hóa Việt vẫn luôn được truyền thừa, xứng danh là kỳ tích. Nguyên nhân của nó là gia đình tế bào của xã hội luôn được duy trì bền bỉ liên tục. Trong nội bộ gia tộc, mọi người tuân thủ truyền thống văn hóa, thông qua gia giáo gia huấn đã ngoan cường giữ gốc rễ của mình, đồng thời đời đời truyền thừa. Bất kể bên ngoài gió mưa biến ảo thế nào, trong ngực chúng ta vẫn là trái tim Việt đang đập, bởi vì:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Chỉ cần gia đình không bị phá vỡ, văn hóa của chúng ta vẫn được truyền thừa, mà gia giáo gia huấn đã đóng vai trò truyền thừa văn hóa Việt. Những năm hòa bình thì giảng về “Nhân nghĩa lễ trí tín”, “Thương người như thể thương thân”, khi ngoại xâm xâm chiếm thì giảng về “Tận trung báo quốc”. Một đời làm người, chính trực rộng mở, “ngửa mặt không hổ thẹn với Trời, cúi xuống không tủi hổ với đời”, gió mát trăng thanh, đứng hiên ngang trong trời đất:
“Làm trai đứng ở trong trời đấtPhải có danh gì với núi sông”.
Gia huấn là kết tinh của trí huệ thì cũng không nên đứng trên cao mà phán xét, áp đặt lạnh lùng nghiêm khắc, khiến người ta thấy sợ. Gây ra cảm giác sai này, là vì chúng ta không biết từ khi nào đã đọc sai chữ “Huấn”. Trong tiếng Việt hiện đại, chữ “huấn” luôn luôn có tính cưỡng chế như giáo huấn. Chữ “Huấn” (訓) là từ gốc Hán gồm chữ “ngôn” (言 – lời nói) và chữ “xuyên” (川 – sông)? “Ngôn” tức là khuyên bảo, là kể chuyện, dẫn dắt mọi người đi đến con đường lớn (đại đạo), kết hợp với “Xuyên”, là chỉ dòng sông rộng lớn có thể tự do tự tại chảy.
Hiển nhiên thời cổ đại, chữ “huấn” không khiến người ta sợ hãi, mà là kể chuyện cho người ta nghe, dẫn dắt đến với điều tốt đẹp. Người nói ân cần, thiết tha, khiến người nghe tự nhiên theo thiện, cảm thấy ấm lòng. Gia huấn thông qua giảng thấu lý sự, tuần tự khéo dẫn dắt, khiến người ta từ nội tâm hướng tới, thông qua học tập, dốc sức thực hành. Kiến thức rộng rồi, thì con người sẽ càng khiêm hòa có lễ nghĩa, thiện đãi người, những quan hệ với người và sự vật, mâu thuẫn, chuyện không thuận lợi xưa, cũng sẽ trở lên hài hòa thuận lợi. Là đạo lý gì vậy? Bạn muốn thay đổi thế giới, đầu tiên phải thay đổi chính mình. Cuộc sống tốt đẹp, cũng bắt đầu từ đó. Vậy chúng ta hãy cùng học trí huệ của gia huấn xưa.
Triêu Lộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét