Học giả nước ngoài ‘mang ơn’ GS Phan Huy Lê
Sử gia Phan Huy Lê đóng vai trò lớn trong việc tạo điều kiện cho giới nghiên cứu nước ngoài được tiếp cận Việt Nam.
Đây là một trong những ý chính toát lên từ suy nghĩ của các học giả nước ngoài được BBC liên hệ sau tin Giáo sư Phan Huy Lê qua đời ở Hà Nội ngày 23/6, hưởng thọ 84 tuổi.
Ông là nhà nghiên cứu Việt Nam hiếm hoi được các đồng nghiệp nước ngoài tập hợp viết riêng về ông trong tập Liber Amicorum : Mélanges offerts au Professeur Phan Huy Lê (1999).
Sau này, mừng sinh nhật 80 tuổi của ông, hàng chục học giả nước ngoài lại viết bài trong cuốn Nhân cách sử học, ấn hành tại Việt Nam năm 2014.
Keith W. Taylor, Giáo sư Nghiên cứu Văn hóa Trung - Việt, Khoa Nghiên cứu châu Á, Đại học Cornell
Phan Huy Lê - cùng Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm - đứng đầu trong thế hệ sử gia thứ nhất được đào tạo trong giai đoạn chiến tranh Việt - Pháp và trưởng thành ở Bắc Việt Nam thập niên 1950.
Suốt nhiều thập niên, giáo sư đã đóng vai trò lãnh đạo ngành sử học ở Hà Nội. Tác phẩm của ông mang dấu ấn trách nhiệm cho ngành sử đất nước. Điều này được thấy trước tiên qua số lượng và tầm quan trọng của các ấn phẩm ông viết, kể các các nghiên cứu riêng cũng như lời giới thiệu và chú giải viết cho ấn bản các trước tác lịch sử nhiều thế kỷ trước. Điều này còn được thấy qua các hội thảo, sự kiện học thuật mà ông thường xuyên tổ chức, giúp tạo nên mối dây liên hệ giữa các học giả, và còn thường bao gồm cả các cộng đồng địa phương để họ tôn vinh di sản địa phương của mình.
Giáo sư có tinh thần trách nhiệm với đất nước và xã hội nơi ông lớn lên. Xuất thân từ gia đình có nhiều học giả lớn từ nhiều thế hệ, ông nuôi dưỡng tinh thần phục vụ vì lợi ích chung và cống hiến cho đời sống trí thức. Một phần công việc của ông có ảnh hưởng lớn cho sự phát triển Việt Nam học toàn cầu là ông giúp đỡ các nhà nghiên cứu nước ngoài được phép đi lại và nghiên cứu tại Việt Nam, thường kết nối họ vào các chương trình học thuật của ông.
Khía cạnh đóng góp này cho Việt Nam học không hẳn dễ nhìn thấy như hoạt động nghề nghiệp của ông, nhưng nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài - kể cả tôi - mang ơn ông vì đã được giúp đỡ tiếp cận Việt Nam và nguồn tư liệu lịch sử. Số ấn phẩm của giới học giả nước ngoài viết ra, nhờ có ông giúp đỡ, trở thành nền tảng cho Việt Nam học ở tầm quốc tế.
Giáo sư Phan Huy Lê thân thiết với các đồng nghiệp, lịch sự, chân thành, nhiệt tình giúp đỡ và là nguồn tình bạn. Ông đã tạo ra căn bản tổ chức để từ đó giới nghiên cứu nước ngoài có thể tiến hành công tác nghiên cứu.
Sẽ không chỉ các bạn nghiên cứu ở Việt Nam mà giới học giả toàn thế giới cũng sẽ tiếc nhớ ông.
Nhung Tuyết Trần, Phó Giáo sư, Khoa Lịch sử, Đại học Toronto
Giáo sư Phan Huy Lê là một rường cột của lịch sử Việt Nam, với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu về Triều Nguyễn cả trong và ngoài Việt Nam.
Ông đã giúp đỡ công việc của các học giả nước ngoài suốt hơn ba thập niên khiến cho tầm ảnh hưởng của ông vươn ra khỏi Việt Nam, và sẽ còn suốt nhiều thế hệ tới.
Tầm vóc nghiên cứu của ông đã và sẽ còn gây cảm hứng cho nhiều thế hệ nghiên cứu Việt Nam.
Với cá nhân tôi, giáo sư rất rộng lượng, hỗ trợ, chân thành. Sự rộng lượng của ông truyền cảm hứng để tôi cố gắng trở thành người tốt hơn.
George E. Dutton, Giáo sư, Khoa Văn hóa và Ngôn ngữ châu Á, Đại học California, Los Angeles (UCLA)
Giáo sư Phan Huy Lê là sử gia thâm trầm và vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng to lớn đến nghiên cứu lịch sử Việt Nam và cả ngành Việt Nam học.
Là nhà nghiên cứu ham hiểu biết, ông viết về nhiều chủ đề theo cách thức chuẩn mức và nghiêm túc.
Quan trọng không kém, ông cổ vũ cho ngành Việt Nam học và các học giả trẻ. Ông nhiệt tình hỗ trợ các dự án nghiên cứu của các nhà nghiên cứu người Việt và nước ngoài, như tôi, để đi nghiên cứu thực địa ở Việt Nam nhiều thập niên.
Trong những lần được gặp ông, tôi luôn ấn tượng vì sự tử tế và nhiệt tình giúp đỡ chân thành, ngay cả với những sinh viên sau đại học vô danh còn đang lúng túng tìm đường trong môi trường nghiên cứu khó khăn.
Di sản của ông sẽ sống mãi trong sự nghiệp và tác phẩm của nhiều học giả mà ông đã giúp đỡ, và trong sự nỗ lực kiên định tiến hành nghiên cứu thận trọng, công phu về lịch sử Việt Nam.
Oscar Salemink, Giáo sư, Khoa Nhân học, Đại học Copenhagen
Giáo sư Phan Huy Lê là một trí thức sắc sảo, ham tìm hiểu, dũng cảm và có óc phê phán.
Gần như một tay ông đã mở cửa ngành khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam ra với thế giới bên ngoài, bằng cách thúc đẩy trao đổi và hợp tác với giới học giả nước ngoài.
Trong thập niên 1980 và 1990, nhiều nhà nghiên cứu có thể làm nghiên cứu ở tại Việt Nam là nhờ sự rộng lượng và hỗ trợ của giáo sư.
Bản thân tôi chịu ơn Thầy Lê rất nhiều, vì nhờ ông mà nhiều nghiên cứu của tôi ở Việt Nam mới có thể tiến hành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét