Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Đánh thức tiềm năng của Tam Thiên Mẫu

Đánh thức tiềm năng của Tam Thiên Mẫu

NGUYỄN MINH
27-08-2018 10:05
Kinhtedothi - Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khi nhắc tới cái tên “Tam Thiên Mẫu” - ngành nông nghiệp Thủ đô luôn tự hào, bởi đây là “Lá cờ đầu” trong các phong trào thi đua lao động sản xuất thời miền Bắc là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam
  • HADICO mở rộng địa bàn gieo trồng giống lúa HDT10

  • Bổ sung 2 giống lúa vào cơ cấu sản xuất vụ Xuân 2019
Tam Thiên Mẫu còn là đơn vị chủ lực cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thủ đô Hà Nội. Hai năm liền (năm 1972, 1973) Tam Thiên Mẫu vinh dự được đón các đồng chí Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng về thăm, động viên cán bộ, nhân viên đơn vị. Đó cũng là thời kỳ mà “Bờ xôi, ruộng mật” của Tam Thiên Mẫu được phát huy, khai thác hiệu quả.
Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu trước đây là Học viện Nông lâm, thuộc Bộ NN&PTNT có diện tích trên 300ha đất tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1963, Học viện Nông lâm được chuyển giao cho Sở NN&PTNT Hà Nội và đổi tên thành Trại chăn nuôi Tam Thiên Mẫu. Năm 2004, Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu được sáp nhập vào Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO) quản lý. Ngay sau khi tiếp nhận HADICO đã quy hoạch xây dựng các dự án chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm thay thế dần các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ. 
Hiện nay, trong ngắn hạn, Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu đang thực hiện các mô hình trồng rau, sản xuất lúa giống nhằm cung ứng những sản phẩm sạch cho thị trường Hà Nội. Trong những năm qua, Xí nghiệp đã chuyển đổi sản xuất sang trồng lúa giống, lúa có chất lượng cao, cây màu xuất khẩu, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, thực hiện giao khoán cho các đội sản xuất và cán bộ, nhân viên. nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống của người lao động. Theo Giám đốc Xí nghiệp Bùi Trọng Thưa, hiện Tam Thiên Mẫu có 103ha sản xuất lúa giống, chủ yếu là giống bản quyền của HADICO là HDT10 với sản lượng 900 tấn/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản 106ha, trong đó có khoảng 50ha mặt nước tập trung, còn lại là chăn nuôi theo mô hình VAC ở các trang trại và gia đình. Doanh thu của Xí nghiệp đạt khoảng 75 tỷ đồng/năm. Doanh thu này chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của HADICO. 
Với hàng trăm héc ta đất sản xuất, nếu được quy hoạch tốt, lựa chọn cây, con giống cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, chắc chắn nơi đây sẽ trù phú và trở thành một trong những “vựa” thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường Thủ đô. Ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc HADICO cho biết, chủ trương của Công ty là đầu tư từng bước, lựa chọn những mô hình phù hợp để hướng tới phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông sản sạch, hình thành vành đai thực phẩm an toàn của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hà Nội và các vùng lân cận. Trên cơ sở các quy hoạch đã xây dựng, từ nay đến cuối năm, HADICO đầu tư, chỉ đạo Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu triển khai dự án Khu chăn nuôi, xây dựng 2 - 3 mô hình nuôi cá theo công nghệ “Sông trong ao”.
Cũng theo quy hoạch, Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu sẽ xây dựng khu chăn nuôi tập trung 89,5ha, khu nuôi trồng thủy sản 73,6ha, cụm công nghiệp 73,4ha, khu đô thị 81,1ha. Trong đó, Xí nghiệp sẽ tập trung đầu tư khu chăn nuôi lợn, thiết kế theo mô hình khép kín, đồng bộ, đưa tiến bộ khoa học tiên tiến vào quy trình chăn nuôi với quy mô 4.200 con lợn nái; hàng năm cung ứng khoảng 35.000 lợn giống và 5.500 tấn thịt chất lượng cao cho thị trường. Đối với khu nuôi trồng thủy sản, Xí nghiệp cũng đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông nội bộ, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cải tạo lại các ao, hồ hiện có; Đưa các giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao về nuôi thả. Cùng với đầu tư mở rộng chăn nuôi, Công ty cũng sẽ đầu tư để Xí nghiệp triển khai đồng bộ việc xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; chế biến hạt giống; chế biến rau, củ, quả và thực phẩm… ngay trong cụm công nghiệp, đồng thời kêu gọi, thu hút các DN đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Trước mắt có thể do khó khăn về tài chính, các dự án triển khai còn chậm, nhưng với quy hoạch đã xây dựng, chủ trương đã thống nhất, HADICO sẽ tập trung đầu tư để đánh thức tiềm năng đất đai của Tam Thiên Mẫu, đưa nơi đây thực sự là mô hình mẫu về chăn nuôi sạch, an toàn gắn với chế biến, nuôi thủy sản chất lượng cao và mô hình công nghiệp phục vụ nông nghiệp trong tương lai không xa.

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân

Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân

2-9-2018, đất nước ta đã độc lập được 73 năm, ngày hoàn toàn thống nhất cũng đã hơn 43 năm. Trong thời gian đó, ngay tại châu lục chúng ta đang sống đã xuất hiện những "rồng, hổ", những "điều thần kỳ" châu Á. Ðã có những quốc gia từng đi đầu trong phát triển kinh tế rồi bỗng nhiên niềm hứng khởi vụt tắt. Nhưng cũng có những quốc gia mấy mươi năm trước xuất phát điểm giống ta, nay đã bước vào hàng ngũ các nước phát triển.


Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
TRƯƠNG TẤN SANG
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam
Dẫu rằng mỗi quốc gia có những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau, song thực tiễn phát triển thành công và cả thất bại ở chính những quốc gia này để lại nhiều kinh nghiệm đáng được ý thức, suy ngẫm trong việc sử dụng quyền lực để phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
Singapore và "vốn liếng" niềm tin
Gần đây, tôi có đọc bộ Hồi ký Lý Quang Diệu, Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2017. Ông Lý Quang Diệu là một chính trị gia xuất sắc, nhà lãnh đạo đã đưa đất nước Singapore "từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất".
Trong cuốn sách có tựa đề Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu sớm nhận thấy nguồn lực mạnh mẽ khi bắt đầu sự nghiệp dẫn dắt quốc gia: "Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin cậy của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng. Tôi cần sức mạnh chính trị này để tối đa hóa các tác dụng mà chúng tôi có thể tạo ra từ vốn liếng rất ít của mình".
Việc đưa ra những chuẩn mực đạo đức, lên án mạnh mẽ và đề ra quyết tâm tiêu diệt tham nhũng thì dễ dàng, nhưng thực hiện được thì vô cùng khó khăn, trừ phi người lãnh đạo có đủ kiên quyết để đương đầu với kẻ phạm tội và không có bất cứ ngoại lệ nào.
Trong suốt thời gian ông Lý Quang Diệu đảm trách cương vị cao nhất của quốc gia, có ít nhất hai Bộ trưởng Phát triển quốc gia, những người từng được coi là thân thiết của ông Lý Quang Diệu, Tan Kia Gan và Teh Cheang Wan đều bị điều tra vì liên quan đến tham nhũng. Hai bộ trưởng này hoặc là chối tội, hoặc muốn nhận được sự can thiệp nhưng ông Lý Quang Diệu đã từ chối. Teh Cheang Wan khi lựa chọn cái chết đã gửi lá thư vĩnh biệt đến Lý Quang Diệu, trong đó viết: "Là người phương Ðông trọng danh dự, tôi phải nhận lấy hình phạt cao nhất cho lỗi lầm của mình".
Các chuyên gia nhận xét rằng, một trong những điều kiện để Singapore hạn chế tối đa nạn tham nhũng là có chế độ đãi ngộ phù hợp. Ðiều này đúng nhưng cần biết rằng, phải hơn 20 năm sau tính từ khi lên nắm quyền lãnh đạo quốc gia, ông Lý Quang Diệu mới thực hiện được việc thay đổi chế độ lương bổng cho các công chức.
Tham nhũng, lợi ích nhóm - những yếu tố phá hủy quốc gia
Nhìn nhận về Indonesia thời kỳ cuối dưới sự cầm quyền của Tổng thống Suharto, ông Lý Quang Diệu nhận xét rằng đây là thời kỳ điển hình của nạn tham nhũng, vun vén cá nhân. Sách Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất viết: "Phương tiện truyền thông đại chúng Indonesia hình thành cụm từ "KKN", kết hợp những chữ cái đầu của Kolusi (sự thông đồng), Korupsi (tham nhũng) và Nepotism (gia đình). Con cái, bạn bè và những người thân cận của Tổng thống Suharto là những điển hình của KKN".
Tháng 3 năm 1998, trong khi nền kinh tế quốc gia khủng hoảng trầm trọng, Suharto đã bổ nhiệm một nội các gồm hầu hết là con cái, bạn bè, thậm chí cả bạn chơi golf, vẫn trong cuốn hồi ký Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, Lý Quang Diệu gọi đây là "phán quyết sai lầm thảm hại nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta (Suharto)".
Chính vì lợi ích của gia đình (con cái và thân thích của Suharto can dự quá nhiều vào các hợp đồng béo bở và độc quyền, khiến cho Suharto do dự trong các bước đi cải cách kinh tế, thậm chí còn thu vén cho gia đình trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Ðông - Nam Á 1997-1998. Ông Lý Quang Diệu thuật lại trong hồi ký lời một nhà báo Mỹ đưa tin trên tạp chí Forbes tháng 10-1998 tại New York rằng gia đình Suharto có tài sản trị giá 42 tỷ USD. Ông Lý Quang Diệu viết trong hồi ký: "Tôi không hiểu vì sao các con của ông ta cần phải giàu đến thế. Giá chúng không quá đáng như vậy thì ông ta hẳn đã có một vị trí khác hẳn trong lịch sử Indonesia".
Ngày 15-5-1998, khi Suharto trở về từ hội nghị ở Cairo (Ai Cập) thì mất chức tổng thống.
Ðối với Philippines, vốn nhận được sự viện trợ hào phóng của Mỹ vào những năm 1950-1960, từng là quốc gia phát triển nhất ở Ðông - Nam Á lúc bấy giờ, ông Lý Quang Diệu cho rằng không có lý do gì khiến cho nước này không thể trở thành một quốc gia thành công hơn. Nhưng có cái gì đó khiến cho chất keo gắn kết xã hội đã mất đi. Ðó là khoảng cách giữa tầng lớp trên sống xa hoa và tiện nghi cực điểm với những người nông dân làm việc chỉ đủ ăn, sống một đời sống khắc khổ.
Trong hồi ký Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất, ông Lý Quang Diệu chỉ ra điều cản trở sự phát triển của Philippines: "Chỉ có ở Philippines thì mới có thể xem xét quốc tang cho một nhà lãnh đạo như Ferdinand Marcos - kẻ đã cướp bóc đất nước mình hơn 20 năm".
Còn trong cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, nhà xuất bản Thế giới 2015 dẫn lại đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế: "Marcos là nhà cai trị vơ vét thành công thứ hai trong lịch sử, cướp khoảng 5-10 tỷ đôla Mỹ trong hai thập niên ở dinh tổng thống".
Tổng thống Marcos và vợ là bà Imelda nổi tiếng xa hoa đã phải bỏ trốn khỏi Philippines trên trực thăng không lực Mỹ để đến Hawaii vào ngày 25-2-1986.
Giai đoạn hoàng kim 1970-1990 của hai thành viên ASEAN kết thúc cùng với hành vi tham nhũng và vun vén gia đình của những người đứng đầu quốc gia.
Tinh thần dân tộc, trường hợp Park Chung Hee
Khi đọc cuốn Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, tôi chú ý một nội dung với tiêu đề: "Xem xét hai hình ảnh trái ngược: Hàn Quốc thời Park Chung Hee và Philippines thời Ferdinand Marcos".
Cả hai người này đều sinh năm 1917, lớn lên vào thời kỳ đất nước nằm dưới chế độ thực dân, nổi lên làm lãnh đạo quốc gia vào những năm 1960; đất nước họ đều có gắn kết sâu sắc về lịch sử và kinh tế với Hoa Kỳ và Nhật Bản; cả hai nắm quyền đều dựa trên sự tập trung cao độ của quyền lực cá nhân.
Dù có nhiều nét tương đồng, nhưng hai vị lãnh đạo này đã dẫn dắt quốc gia của mình đến những kết quả khác hẳn nhau.
Park Chung Hee là người từng đưa quân tham chiến ở Việt Nam dưới danh nghĩa đồng minh quân sự của Hoa Kỳ và ông ta nợ nhân dân Việt Nam điều đó.
Nhưng xét về khía cạnh quản trị quốc gia, các học giả có những đánh giá khác nhau, cho rằng Park Chung Hee là nhân vật cực kỳ phức tạp, cực đoan và đầy mâu thuẫn. Nhưng có một điểm mọi người đều đồng ý là suốt 18 năm làm tổng thống cho đến khi bị ám sát, ông chỉ sở hữu một gia tài khoảng 10.000 USD và cho đến nay, người ta không tìm ra được một tài sản có giá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn Quốc đứng trong hàng ngũ các quốc gia phát triển.
Trong giai đoạn mở đường và suốt trong quá trình điều hành quốc gia, tinh thần dân tộc được Park Chung Hee sử dụng như là yếu tố then chốt định hình chiến lược và thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa. Ngay sau khi nắm chính quyền, vào tháng 7 năm 1961, ông đã tuyên bố: "Xin hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ trừng trị bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra".
Ðể phục vụ cho mục tiêu mà mình theo đuổi, ông Park thường xuyên thanh lọc những kẻ tham nhũng và không trung thành. Ông xây dựng một hệ thống chính trị mà ở đó yêu cầu rất nghiêm khắc về tính thống nhất và đức hy sinh.
Tổng thống Park Chung Hee từng tuyên bố "mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu", cương quyết trừng trị tất thảy những ai để lãng phí hay thâm lạm.
Người ta nói không sai rằng, cứ mỗi sáng mở mắt ra là Park Chung Hee nhắc đến công nghiệp hóa, và ngay cả buổi tối cũng vậy. Nhưng không phải Hàn Quốc dưới thời của ông ta lúc nào cũng đạt được thành tựu mà nhiều giai đoạn đã rơi vào tình trạng bế tắc trầm trọng, song Park Chung Hee đã dám lựa chọn những quyết định ngắn hạn đầy khó khăn. Và ông ta đã phải lao động cực kỳ vất vả để thực hiện được mục tiêu cuối cùng là sự thịnh vượng của Tổ quốc.
Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta
Chắt lọc những kinh nghiệm thành bại của bạn bè xung quanh, chiêm nghiệm những lẽ thịnh suy của đất nước, lại càng khẳng định sức mạnh niềm tin của nhân dân là cội nguồn để lãnh đạo đưa đất nước đi đến thịnh vượng.
73 năm qua, cái giá phải trả của cả dân tộc để có cơ đồ ngày hôm nay là cực kỳ to lớn. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải đưa đất nước "sánh vai với các cường quốc năm châu", người dân tự hào khi bước ra gặp bạn bè thế giới.
Ðất nước đã vượt qua ngưỡng quốc gia đói nghèo, nhưng phía trước mới thực sự là con đường nhiều thử thách. Việt Nam sẽ bứt phá đi lên, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển hay an bài, tự thỏa mãn để rồi rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc, mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình"? Phải làm gì để Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, trường tồn cùng non sông đất nước? Ðó là câu hỏi từ trong tâm can thôi thúc những đảng viên chân chính phải trả lời bằng hành động.
Cũng phải nhìn nhận rằng, có những lúc chúng ta đã phung phí thời gian và cơ hội, tai hại hơn là đã phung phí niềm tin. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là do sự thao túng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo suy thoái, hành động vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích Tổ quốc.
Xương máu của các thế hệ cha ông, của bao đồng chí, đồng bào đã đổ xuống để cho Tổ quốc được độc lập, tự do. Không vì lẽ gì là đất nước có bề dày lịch sử oanh liệt, nhân dân thông minh cần cù chịu khó, Việt Nam lại chấp nhận tụt hậu, thua kém bè bạn chỉ vì không sửa chữa được những hư hỏng ngay trong bộ máy của chính chúng ta.
Chính vì vậy, phải đặt sang một bên những do dự và ngại ngần, quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước.
Ðiều đáng mừng là những gì Ðảng, Nhà nước đã làm được, kể từ Ðại hội XII trong việc thống nhất và tập trung làm trong sạch bộ máy, loại trừ tham nhũng, khắc phục yếu kém, khơi dậy tiềm năng và ý chí phát triển, đang dấy lên niềm hy vọng vào một cơ hội mới, bước đầu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Cần nắm chắc cơ hội này và tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai. Có được niềm tin của nhân dân thì không một trở lực nào có thể ngăn cản chúng ta xây dựng thành công đất nước giàu mạnh.
Viết tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Ðộc lập 2-9-2018
Theo Báo Nhân dân

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Nguyên Bộ trưởng Khoa học chỉ ra điểm yếu của Việt Nam khi tiếp cận 4.0

Nguyên Bộ trưởng Khoa học chỉ ra điểm yếu của Việt Nam khi tiếp cận 4.0

Phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và thu hút nhân tài là điểm cần tháo gỡ ngay để Việt Nam tận dụng thời cơ từ cách mạng 4.0.


Trong chương trình kết nối đổi mới sáng tạo Việt vừa diễn ra, hơn 100 tài năng công nghệ trẻ người Việt trên thế giới về nước đã có nhiều đóng góp để Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng 4.0. TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng chỉ ra những điểm bộn bề cần tháo gỡ.
- Từng ở vị trí tư lệnh ngành khoa học, công nghệ, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội của Việt Nam trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
- Tôi không thích nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Lý do, tôi cảm nhận rõ nước mình đang ở đâu trong bối cảnh kinh tế quốc tế. Việt Nam chưa có nhận diện đầy đủ về 4.0 để có hành động cụ thể.
Việt Nam có cơ hội rất lớn nhưng đầu tiên phải xác định rõ mình đang ở đâu? Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam đang ở giữa cách mạng công nghiệp 2.0 và 3.0. Một số lĩnh vực như viễn thông, CNTT, ngân hàng, hàng không... đã đạt trình độ tương đối hiện đại, nhưng cũng mới tiệm cận cách mạng 3.0. 
Hệ thống quản lý xã hội và quản lý sản xuất vẫn chậm đổi mới, ảnh hưởng nặng nề của cơ chế quản lý cũ, chưa bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế. 
Như vậy, để thực hiện cách mạng 4.0, trước hết các nhà quản lý cần có tư duy 4.0. Nghĩa là phải hiểu rõ, hiểu đúng nội dung của cách mạng này, từ đó xác định chiến lược phát triển quốc gia, lựa chọn được những ngành, lĩnh vực có thế mạnh, xác định thứ tự ưu tiên và vấn đề trọng điểm để thực hiện. 
TS Nguyễn Quân. Ảnh: Loan Lê.
TS Nguyễn Quân. Ảnh: Loan Lê.
- Theo ông, lĩnh vực nào cần ưu tiên? 
- Tôi cho rằng trước mắt cần tập trung CNTT (phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bigdata, blockchain, internet vạn vật...). Lĩnh vực này chủ yếu phụ thuộc vào chất xám, không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư, mà trí tuệ của người Việt chắc chắn không thua kém các quốc gia khác. 
Thứ hai là công nghệ sinh học theo hướng thông minh, ứng dụng trong y tế và nông nghiệp. Việt Nam có dân số đứng thứ 13 thế giới, nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân rất lớn. Cả hai ngành này đều có nhu cầu đột phá về công nghệ.
Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp, nhà nước cần đầu tư khôi phục ngành cơ khí chế tạo và vật liệu. Không có quốc gia công nghiệp nào lại không phát triển mạnh hai ngành này.
Muốn công nghiệp hóa phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, nhất là một số vật liệu thiết yếu cho nền kinh tế như vật liệu hợp kim, chịu nhiệt, bán dẫn, polyme... Tiếp đến là năng lực chế tạo máy cái cho nền kinh tế, nhất là robot, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị siêu trường siêu trọng... 
- Theo ông đâu là rào cản khiến các ngành khó bứt phá?
- Tôi nghĩ vẫn còn nhiều rào cản trong tổ chức thực hiện. Nghị quyết Trung ương số 20, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và các văn bản hướng dẫn đã có, nhưng hệ thống vận hành chưa thực sự theo cơ chế thị trường và chưa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Còn rất nhiều vướng mắc ở 3 trụ cột cần đổi mới: phương thức đầu tư; cơ chế tài chính và chính sách trọng dụng nhân lực khoa học.  
Hiện đầu tư cho khoa học công nghệ ở nước ta chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, chưa có biện pháp quyết liệt huy động đầu tư của xã hội nên mới đạt bình quân khoảng 20 USD/người/năm (khoảng 2 tỷ USD/năm). Các nước phát triển con số này là 500-1.000 USD/người/năm. 
Thiếu vốn đầu tư, có giải pháp khả thi cho vấn đề này nhưng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt. Ví dụ Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và Nghị định 95/2014 đã quy định doanh nghiệp nhà nước phải dành tối thiểu 3%, tối đa 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm để đầu tư cho khoa học công nghệ. 
Chỉ cần trên 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện nghiêm quy định này, mỗi năm vốn đầu tư cho khoa học công nghệ của các doanh nghiệp đã có thể gấp đôi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thế nhưng chỉ vài tập đoàn lớn như Viettel, dầu khí... thực hiện. Các doanh nghiệp nhà nước khác hầu như không thực hiện mà cũng chưa thấy cơ quan nào kiểm tra, xử lý. 
- Ông có thể nói rõ về những nút thắt cần tháo gỡ?  
- Những nút thắt không mới. Hiện cơ chế tài chính đối xử với các đề tài, dự án công nghệ như với xây dựng cơ bản theo kiểu xây kế hoạch trước hàng năm, định mức thấp và lạc hậu, cấp tiền chậm, quyết toán theo năm tài chính... 
Cơ chế đặt hàng lỏng lẻo nên sản phẩm nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng hoặc không ai đầu tư tiếp. Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp cũng bị kiểm soát như sử dụng 100% vốn ngân sách. 
Ngay cả cơ chế khoán chi trong nghiên cứu đã được 2 bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ ban hành cũng chưa áp dụng rộng rãi.
Việc thu hút trọng dụng cán bộ khoa học dù đã có chính sách, văn bản hướng dẫn tại Nghị định 40/2014 nhưng gần như chưa vào cuộc sống. Cả 3 đối tượng (nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ của quốc gia và nhà khoa học trẻ tài năng) đều chưa được hưởng ưu đãi của nhà nước theo quy định.
Sự bứt phá này mới được một vài tập đoàn tư nhân triển khai với cơ chế thông thoáng, đãi ngộ xứng đáng để các nhà khoa học công nghệ sáng tạo, cống hiến. Lý do là họ có khát vọng và đích đến cụ thể. 
Chính vì vậy, theo tôi để nắm bắt được thời cơ 4.0 đưa đất nước đi lên, yêu cầu cấp bách là phải hành động, tháo gỡ ngay rào cản ở ba trụ cột này.
Để làm được, người quản lý phải có tư duy như doanh nghiệp: coi trọng kết quả, hiệu quả, không nên chỉ tập trung quản lý đầu vào và quá trình làm sản phẩm khoa học công nghệ theo kiểu áp các quy định, quy trình, thủ tục... 
Ông Trần Đặng Minh Trí, đồng sáng lập Công ty Harrison AI, Australia: Thách thức lớn nhất của chúng ta trong cuộc cách mạng 4.0 là phải có nền tảng tốt. Đó là nền tảng pháp lý về sở hữu trí tuệ và dữ liệu. Thực tế dữ liệu của Việt Nam lớn nhưng còn phân mảnh và không có quy chuẩn. Vì vậy chúng ta cần xây dựng nền tảng dữ liệu chuẩn. Những tập đoàn lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup... với tiềm lực lớn rất có khả năng làm việc này. Tôi hi vọng được hợp tác với những tập đoàn lớn như vậy để xây dựng giải pháp lớn dựa trên nền tảng đang xây dựng.
GS Nghiêm Đức Long, Giám đốc Trung tâm công nghệ nước, Đại học Công nghệ Sydney, Australia: Với tiềm lực còn có hạn của một quốc gia đang phát triển, chúng ta cần tập trung vào những sản phẩm, vấn đề đặc thù của Việt Nam, sau đó là sản phẩm đặc thù cho các nước đang phát triển. 
Ví dụ trong chuyên ngành xử lý nước, ở các quốc gia phát triển việc xử lý nước thường cục bộ, bởi hệ thống được xây dựng và hoàn thiện từ rất lâu. Ở Việt Nam thường xây thành phố, xây hạ tầng cơ sở trước rồi mới tính đến chuyện xử lý nước. Do vậy, nếu áp dụng hệ thống xử lý nước của các nước phát triển là không phù hợp. Điều đó đòi hỏi các nhà khoa học phải nghiên cứu để nội địa hóa, biến hệ thống đó thành hệ thống đặc thù cho các nước đang phát triển và đặc thù cho Việt Nam.
Kiến Quốc

Bích Ngọc

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Phân biệt tên vua Việt Nam như thế nào?

Phân biệt tên vua Việt Nam như thế nào?

Tên các vua trong lịch sử Việt Nam được xác lập dựa trên bốn khái niệm: tôn hiệu, niên hiệu, thụy hiệu và miếu hiệu.

Các vua khi chưa lên ngôi đều có tên riêng, ví dụ Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, Lê Thái Tổ là Lê Lợi hoặc Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn. Thời phong kiến, quy định “kỵ húy” chặt chẽ, không được gọi tên thật, thậm chí cả tên bố, mẹ, ông, bà, anh vua...
Khi vua lên ngôi, quần thần dâng một tôn hiệu, là tên gọi tôn kính dành cho người tôn quý. Như vua Đinh Tiên Hoàng được dâng tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế. Tôn hiệu gồm nhiều tính từ chỉ những phẩm chất tốt đẹp, như vua Lý Thánh Tông sau khi qua đời, bề tôi dâng tôn hiệu là “Ứng thiên Sùng nhân Chí đạo Uy khánh Long tường Minh văn Duệ vũ Hiếu đức Thánh thần Hoàng đế”.
Do tôn hiệu chỉ được sử dụng khi vua còn sống hoặc vừa qua đời, sử sách chỉ ghi lại một lần, nên người đời thường nhớ về các vua với niên hiệu, miếu hiệu, thụy hiệu nhiều hơn.
Niên hiệu là dấu mốc để xác định khoảng thời gian trị vì của nhà vua. Ví dụ vua Trần Minh Tông sử dụng niên hiệu Hưng Long trong suốt thời gian trị vì (1293-1314). Mỗi vua thường xác lập một hoặc vài niên hiệu riêng, trừ Thuận Thiên được cả vua Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ sử dụng, hay Thái Bình được hai vua nhà Đinh dùng. 
Sử sách thời xưa chỉ ghi năm theo niên hiệu của nhà vua, như “năm Hưng Long thứ tư”, nên chỉ cần biết năm bắt đầu của niên hiệu là có thể biết đó là năm nào. Như khi biết niên hiệu Long Hưng được đặt vào năm 1293 (là năm thứ nhất) thì năm Long Hưng thứ tư là 1296.
Vua cuối cùng của nhà Lê (sau được Minh Mạng đặt thụy hiệu là Lê Mẫn đế) đã được gọi tên theo niên hiệu là Chiêu Thống. Vua của nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đều được phân biệt theo niên hiệu, như các vua Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng... cho đến Bảo Đại - vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Một số niên hiệu được sử dụng để chỉ chung một thời kỳ có dấu ấn, như “Hồng Đức thịnh thế” chỉ thời kỳ đất nước phát triển rực rỡ về nhiều mặt dưới thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497).
Vua Gia Long (1762-1820), người sáng lập triều Nguyễn năm 1802. Ảnh tư liệu.
Vua Gia Long (1762-1820), người sáng lập triều Nguyễn năm 1802. Ảnh tư liệu.
Sau khi các vua qua đời, vua nối ngôi sẽ đặt miếu hiệu để phân biệt thứ tự. Miếu hiệu đều có chữ “Tổ” hay chữ “Tông”, như vua đầu triều sẽ là Thái Tổ, rồi đến Thái Tông, Thánh Tông... Triều Nguyễn do truy phong chúa Nguyễn Hoàng làm Thái Tổ nên vua mở đầu triều đại này là Gia Long sau khi qua đời được gọi là Nguyễn Thế Tổ.
Sử sách đời sau khi nhắc đến thường dùng miếu hiệu, như vua Lê Thái Tổ, Trần Thái Tông. Còn khi đọc sử triều Nguyễn, người đọc phải mất công xác định miếu hiệu của các vua do đã quen nói về niên hiệu của họ. Như Thánh Tổ là vua Minh Mạng, Hiến Tổ là vua Thiệu Trị, Dực Tông là vua Tự Đức...
Nhà Nguyễn sau khi lên làm vua còn truy phong cho các chúa Nguyễn thời trước danh hiệu hoàng đế, đặt miếu hiệu. Vì thế sử sách triều Nguyễn xuất hiện một số miếu hiệu như Nguyễn Hy Tông (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), Nguyễn Hưng Tổ (Nguyễn Phúc Luân, bố của vua Gia Long), Nguyễn Duệ Tông (chúa Định Nguyễn Phúc Thuần).
Sau khi các vua qua đời, vua kế nghiệp đặt thêm cho họ một tên nữa là “thụy hiệu”, tức tên để thờ cúng, dùng tính từ chung nhất để ca ngợi công đức của họ. Ví dụ, Lê Thái Tổ có thụy hiệu là Cao Hoàng đế, Nguyễn Thế Tổ (Gia Long) cũng có thụy hiệu là Cao Hoàng đế, Nguyễn Thánh Tổ (Minh Mạng) là Nhân Hoàng đế.
Lê Tiên Long

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

Cuộc đời Vua Mèo và dinh thự xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe

Cuộc đời Vua Mèo và dinh thự xây hết 15.000 đồng bạc hoa xòe

Tòa dinh thự vua Mèo được xây dựng trên quả đồi hình con rùa, xung quanh có núi bao bọc, được xem là mảnh đất của bậc anh kiệt.

Dinh thự Vua Mèo tại xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) được xây từ thời Vương Chính Đức. Theo tư liệu từ gia đình, ông Chính Đức sinh năm 1865, được người H’Mông gọi là Vàng Dúng Lùng. Gia cảnh nghèo khó, ông phải lang thang nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai.
Vương Chính Đức tham gia vào tổ chức Hươu nai của người H’Mông ở Đồng Văn để chống lại quân Cờ Đen (Trung Quốc). Quá trình chiến đấu, Vương Chính Đức được người H’Mông suy tôn làm thủ lĩnh, gọi là Vua H'Mông, hay Vua Mèo.
Mảnh đất của "bậc anh kiệt" 
Để xây dựng tòa dinh thự ở Sà Phìn, năm 1890 Vương Chính Đức cho mời thầy địa lý người Hán tên là Trương Chiếu tìm địa điểm. Sau khi đi khắp Đồng Văn, cuối cùng Trương Chiếu chọn Sà Phìn làm nơi dựng nhà. Thầy địa lý giải thích giữa thung lũng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là núi cao bao bọc. Xây nhà trên lưng con rùa sẽ giàu sang phú quý suốt đời.
Sau lưng quả đất hình con rùa là dãy núi hình ghế tựa, có đất để co duỗi chân. Bên phải, bên trái đều có núi cao. Đằng trước có hai núi tượng trưng cho văn, võ đứng hầu. Sau hai quả núi là một dãy núi chắn ngang như rồng uốn lượn. Trương Chiếu kết luận "đây là mảnh đất ở của bậc anh kiệt".
Dinh thự Vua Mèo được bao bọc bởi nhiều ngọn núi đá. Ảnh: Ngọc Thành.
Dinh thự Vua Mèo được bao bọc bởi nhiều ngọn núi đá. Ảnh: Ngọc Thành.
Khi thầy địa lý chọn xong, Vương Chính Đức giao cho cụ Hoàng - mưu sĩ người kinh gốc Nam Định và ông Cử Chúng Lù - người phụ trách đội quân người H’Mông của Vương Chính Đức, nghiên cứu, phác họa tòa nhà trên mảnh đất.Vương Chính Đức mời người Hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Tống Bách Giao thầu, thiết kế và thi công. Tống Bách Giao lấy người Hồi ở huyện Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam, để thiết kế và thi công.
Tòa dinh thự khởi công năm 1898 đến 1903 thì khánh thành. Tổng kinh phí hết khoảng 15.000 đồng bạc hoa xòe (năm 1930, một đồng bạc hoa xòe bằng 10 franc của Pháp). Khu dinh thự được xây kiểu pháo đài phòng thủ. Xung quanh được bao bọc bởi lớp tường đá dày 60-70 cm, cao 2 m, có nhiều lỗ châu mai. Phía sau nhà có 2 lô cốt kiên cố.
Nhà thiết kế theo kiểu của người Hán, lò sưởi kiểu Pháp, tảng đá kê chân cột hình quả thuốc phiện. Hoa văn gỗ trong nhà cũng có hình hoa, quả thuốc phiện - mặt hàng buôn bán chính khiến Vương Chính Đức giàu nhất vùng thời đó. 
Dinh thự là nơi chiêu mộ hiền sĩ
Tòa dinh thự được chia làm ba phần tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Trước cửa tiền dinh có hai câu đối: “Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập. Môn phong lưu quý khách vãng lai” (Nhà quý hiền, người vào ra. Cửa phong lưu, khách lui tới). Năm 1938, Pháp xóa bỏ chế độ người H’Mông tự quản và yêu cầu Vương Chính Đức sửa lại câu đối nhằm không cho ông chiêu hiền, nạp sĩ.
Sân giữa tiền dinh có tấm biển sơn son thếp vàng với dòng chữ Hán: “Biên chính khả phong” (Chính quyền biên cương vững mạnh), được nhà Nguyễn mang từ Huế ra gắn cho dinh thự Vương Chính Đức vào năm Khải Định thứ 13 cùng thẻ bài ngà voi và mũ áo tấn phong cho ông làm quan triều đình.
Hai dãy nhà hai tầng bên phải và trái là nơi ăn ở của các thủ lĩnh, mưu sĩ, tổng quản, người giúp việc cho Vương Chính Đức. Nhà chính tiền dinh có phòng ngủ, phòng ăn, tiếp khách của gia đình Vương Chí Sình, con út Vương Chính Đức. Tầng 2 là nơi tiếp khách của Vương Chính Đức.
Dinh thự vua Mèo được xây dựng tốn 15.000 đồng bạc hoa xòe. Ảnh: VT.
Dinh thự vua Mèo được xây dựng tốn 15.000 đồng bạc hoa xòe. Ảnh: VT.
Hai dãy nhà hai bên trung dinh là nơi nghỉ, ăn uống của họ hàng khi đến chơi (tầng 1 dành cho đàn bà, tầng 2 của đàn ông). Nhà chính trung dinh có bàn thờ tổ tiên kiêm phòng ăn của Vương Chính Đức tiếp người thân trong họ hàng; phòng ngủ của Vương Chí Chư (con trai thứ ba của Vương Chính Đức); phòng ngủ của vợ con Vương Chí Chư.
Hậu dinh là nơi ăn, nghỉ sinh hoạt của Vương Chính Đức cùng vợ và các con chưa lập gia đình.
Theo ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vương Chí Thành), trước khi mất, Vương Chính Đức chia tòa dinh thự ở Sà Phìn thành ba phần. Tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn quản lý. Trung dinh do con thứ ba Vương Chí Chư quản lý. Hậu dinh do con út Vương Chí Sình quản. Việc này có sự chứng dám của các đầu dòng, đầu họ người H’Mông.
Hiện vật dụng còn sót lại gắn với cuộc đời của Vương Chính Đức là tấm phản đặt ở dãy nhà ngang trong cùng của hậu dinh và bể nước đục bằng đá khối đặt tại sân hậu dinh. Tấm phản là nơi để Vương Chính Đức hút thuốc phiện cùng khách.
Cha con Vua Mèo gắn bó với cách mạng
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Hoàng Việt Hưng từ Cao Bằng sang Sà Phìn giác ngộ ông Vương Chính Đức đi theo cách mạng để đánh Pháp, Nhật, chống lại quân Tưởng Giới Thạch. Cụ Hồ sau đó gửi thư mời ông Đức về Hà Nội. Nhưng do tuổi cao, ông Đức cử con trai Vương Chí Sình về gặp.
Về đến Hà Nội, ông Vương Chí Sình nhận kết nghĩa anh em với Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt tên là Vương Chí Thành. Tại buổi kết nghĩa, Vương Chí Sình hứa quyết tâm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, lãnh đạo người H’Mông theo Việt Minh. Khi nào đánh Tây, đuổi Nhật xong, họ Vương sẽ trả lại đất Đồng Văn cho Hồ Chủ tịch. Ông Sình sau đó tham gia đại biểu Quốc hội khoá 1, làm Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Trong dinh còn lưu nhiều ảnh tư liệu gia tộc họ Vương tại đây. Ảnh: VT.
Dinh thự còn lưu nhiều ảnh tư liệu gia tộc họ Vương. Ảnh: VT.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng. 
Cùng năm đó, để khẳng định tình cảm và lòng tin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Bùi Công Trừng mang hai kỷ vật tấm áo trấn thủ và cây đao lên tặng ông Vương Chí Sình. Thanh đao do xưởng quân giới Việt Bắc rèn có viết dòng chữ “Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ”.
Khi Vương Chính Đức mất năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Mai Trung Lâm, Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng khu tự trị Việt Bắc và ông Hoàng Đức Thắng, Thành ủy viên Hà Nội lên cùng con cháu họ Vương chôn cất ông Đức trên đỉnh núi La Gia Động, cách Sà Phìn 3 km. Ông Vương Chí Sình (sinh năm 1886) được Vương Chính Đức chọn làm người kế tục sự nghiệp.
Năm 1950, nhờ sự giúp sức của Vương Chí Sình, bộ đội chủ lực của Việt Minh bí mật hành quân qua Đồng Văn sang Cao Bằng mở mặt trận biên giới thu đông.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông Vương Quỳnh Sơn (cháu nội Vương Chính Đức) cho chính quyền mượn tiền dinh làm trụ sở Ủy ban hành chính xã Sà Phìn. Năm 1993, Bộ Văn hoá Thông tin công nhận dinh thự họ Vương tại Sà Phìn là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Bộ trùng tu di tích năm 2003. 
Năm 2006, ông Vương Chí Sình được truy tặng Huân chương đại đoàn kết dân tộc.
Ngày 21/7, ông Vương Duy Bảo có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương. Trong đơn, ông Bảo bày tỏ bức xúc khi biết UBND tỉnh Hà Giang đã cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng lâu dài mảnh đất gắn liền với tòa dinh thự họ Vương từ năm 2012.
Trong khi Sở Tài nguyên Môi trường Hà Giang khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hoá Thông tin là “hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật” thì ông Bảo cho rằng việc tước đoạt quyền sử dụng đất gắn với tòa dinh thự họ Vương của gia đình ông là bất hợp lý và sai luật vì dòng họ Vương đã sinh sống ở đó hàng trăm năm nay.
Ngày 16/8, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. Trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.
Viết Tuân

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

MỘT CUỘC GẶP MẶT SAU 50 NĂM.


MỘT CUỘC GẶP MẶT SAU 50 NĂM.
                                                                Lê Đình Ngạn

             Cách đây 50 năm, vào mùa hè năm Mậu Thân 1968, sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, lứa học sinh khóa thứ 5 của Trường Phổ thông cấp III Thuận Thành ( tỉnh Hà Bắc) đã ra trường khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh.
               Ngày 5 tháng 8  năm 2018, các bạn học sinh lúc ấy đã có dịp GẶP MẶT tại Trường THPT Thuận Thành I, kỷ niệm 50 năm xa thầy, xa bạn để đi khắp nơi, tham gia trực tiếp vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, học tập và dựng xây đất nước, quê hương.  Hơn 100 cựu học sinh từ mọi miền đất nước, có cả người bay từ nước ngoài  đã về dự, cùng với sự có mặt của BGH nhà trường và các thầy cô giáo dạy học tại trường lúc bấy giờ.
            Học sinh khóa học 1965-1968 của trường lúc ấy chỉ có 3,4 lớp nhưng ở  tất cả các xã trong huyện, một số  xã ở huyện bạn như ở An Bình, Hán Quảng, Tân Chi và đặc biệt có nhiều học sinh từ Hà Nội sơ tán về.Tất cả các lớp, trong một khóa học, cả 3 năm đều phải đi sơ tán, có lớp gần như không có một ngày được học tại Trường chính.  Số thầy cô giáo lúc đó cũng không nhiều, đa phần rất trẻ, nhiệt tình công tác, đạp xe khắp huyện để dạy dỗ học sinh. 

              Có những người, đúng sau 50 năm mới lại gặp thầy, gặp bạn. Giờ đây gặp nhau, các cô cậu học sinh năm ấy giờ đều đã trên dưới tuổi 70, đa phần tóc bạc và đã lên ông lên bà. Thế mà khi gặp nhau, họ đều như trẻ lại. Đến chào các thầy, các cô,( Thầy cô trên dưới 80, Bẩy mươi trò đã nhiều người có dư), chào bạn mới đến...Cũng vẫn bạn - mình, cậu - tớ; thậm chí mày, tao. Tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình, con cháu ra sao; 50 năm ấy đã đi những đâu, làm gì? Bạn bè ai còn, ai mất…
              Không chỉ các cựu học sinh, mà cả các đại biểu, các thầy cô giáo cũ cũng rất xúc động khi được xem clip “ 50 năm gặp lại ”  có hình ảnh từng học sinh thời trẻ và hiện nay; hình ảnh họ đi thăm bạn bè, thăm gia đình các thầy cô đã qua đời vì bệnh tật, tuổi cao. Mọi người càng cảm động khi xem “Tưởng nhớ người đã khuất ” có những hình ảnh họ đến từng nhà liệt sĩ thắp hương cho bạn, an ủi gia đình cũng như đến động viên các bạn là thương bệnh binh…
             Trong cuộc Gặp mặt, nhiều thầy cô giáo cao tuổi ( có thầy cô từ TP HCM, từ Quảng Trị, Nghệ An ra; có thầy cô từ Hà Nội về) và cả thầy Hiệu trưởng – NGND Nguyễn Tiến Chấn cũng cố gắng tham dự. Cuộc gặp mặt, giao lưu thầy trò, bè bạn vô cùng xúc động. Nhiều tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn làm cho buổi Gặp Mặt càng vui. Phấn khởi với những gì cả thầy lẫn trò đã làm được trong những ngày đã qua, càng mừng khi mái trường mình từng học bây giờ to đẹp khang trang hơn, đã trở thành một ngôi trường có truyền thống, có thành tích đáng tự hào của miền quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản và ngoài trời
                                ------------------------------

CUỘC GẶP ĐỜI NGƯỜI
Nửa thế kỉ mới gặp nhau
Đầu đứa nào cũng bạc.
Vẫn cậu tớ, mày tao như thủa học trò
Có bạn khóc vì vắng người tri kỷ.
Nhớ nhớ, quên quên cái tên , cái họ
Nhưng vẫn nhớ cá tính tuổi học trò.
Vẫn luyến tiếc những lời dang dở…
Giá như không có chiến tranh
Thì chúng mình cũng thành đôi, thành cặp.
Giờ gặp lại thủa tình bạn, ngỡ tình yêu, 
Rồi yêu thật, lại trở thành tình bạn.
Có phải đôi nào cũng gặp duyên ,
Để hôm nay gặp bạn, tạ ơn thầy.
Năm mươi năm gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi
Ngậm ngùi nhớ những bạn trai
Tuổi mười tám, đôi mươi lên đường đánh Mỹ
Câu quan họ dùng dằng đưa tiễn, hẹn ngày về.
Rồi mấy chục năm, người về , người đi mãi,
Bạn trả giá cho “ Cuộc gặp đời người”
Cho chúng minh hôm nay - Năm mươi năm mới có.
Chỉ còn biết tri ân bằng tấm lòng và những nén hương tưởng nhớ ,
Về những chàng trai mặc áo lính Cụ Hồ,
Đã xả thân vì quê hương , dân tộc.
Năm mươi năm, quãng đường đâu có ngắn,
Mối đứa một nơi, bươn bải dựng xây đời.
Ngày trở về trường xưa, ôn chuyện cũ,
Nhớ tiếng thầy, cô lên lớp mỗi ngày
Trong hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang cười, hoa
Nhớ cả những củ khoai, củ sắn
Cái mũ rơm che mất tóc đuôi gà.
Và rất nhớ ngày chia tay sau khi tốt nghiệp
Mắt đỏ hoe, hẹn bạn buổi trở về….
Thế mà năm mươi năm, ngày gặp không hẹn trước
Tề tựu về đây, trăm khuôn mặt thân quen
Ai cũng nhớ, một thời luôn để nhớ
Tuổi học trò bao kỉ niệm thơ ngây.
Giờ mong muốn được quay trở lại,
Nhưng chẳng bao giờ - Ngoài ký ức sáng trong.
Bạn bảo bạn, rằng ta gìn giữ
Cái tuổi trăng tròn, mười tám, đôi mươi.
Đưa nó về với đầu bạc, răng long
Để gửi vào phần đời còn lại
Nói với cháu con , Ngày xưa là thế !
Bạn tuổi thơ cho đến tận bây giờ
Vẫn nhớ nhớ, thương thương đêm về mộng tưởng…
Tuổi học trò , một thời sống vô tư.

                                  Thuận Thành - Hà Nội, Ngày 05-12 tháng 8 năm 2018
                                                NGUYỄN THẾ TIẾN ( nhà báo)
---------------------------------------
        

  5/8/2018
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN LỚP 10 B  (KHÓA 1965-1968)
TẠI BUỔI GẶP MẶT CHS  TRƯỜNG PT CẤP III THUẬN THÀNH
 NHÂN KỶ NIỆM  50 NĂM NGÀY RA TRƯỜNG (5-8-2018)

           Kính thưa :  - Các thầy cô  đã  dạy chúng em trong  khóa học.
      - Các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại  trường THPT Thuận Thành I.
           - Các vị đại biểu, cùng  toàn thể các bạn học sinh !

Trước hết em xin được thay mặt nhóm HS lớp 10 B có lời kính chào các Thầy Cô giáo đã dạy chúng em trong cả khóa học và các thầy cô đang công tác tại Trường THPT Thuận Thành số I, nơi một thời chúng em đã  là học sinh của Trường, cùng các vị đại biểu đã đến dự buổi gặp mặt ngày hôm nay.
Chúng  tôi  xin thân ái  chào các bạn đã cùng chúng tôi học tập, rèn luyện tại trường trong  khóa học 1965- 1968!
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và trong nhà

      Kính thưa các Thầy Cô, các vị đại biểu và các bạn!
           học sinh khóa thứ 5 của Trường, lứa học sinh chúng ta được sinh ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, mỗi người bắt đầu được vào học lớp vỡ lòng, rồi cấp 1, cấp 2. Năm 1965 qua kỳ thi vào cấp III ( sau khi anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh - đề  văn tuyển vào cấp 3 năm đó có đề cập đến sự kiện này)  mọi người được vào học tập tại Trường. Năm 1968, sau 2 đợt thi ( năm đó thi môn Sử 2 lần) chúng ta đã TN phổ thông và đi vào cuộc sống.
          Tất cả các lớp, trong một khóa học, cả 3 năm đều phải đi sơ tán,có lớp gần như không có một ngày được học tại Trường chính. Quy mô chỉ có 3,4 lớp nhưng học sinh của khóa đã bao gồm học sinh ở  tất cả các xã trong huyện, một số  xã ở huyện bạn như ở An Bình, Hán Quảng, Tân Chi và đặc biệt có nhiều bạn từ Hà Nội sơ tán về. Số thầy cô giáo lúc đó cũng không nhiều, đa phần rất trẻ, nhiệt tình công tác, đạp xe khắp huyện để dạy dỗ học sinh. 
           Lớp 8B - 9B - 10B - trong đó có nhóm học sinh Hoài Thượng chúng tôi - năm đầu được học tại Chùa thôn Ngọ Xá - Hoài Thượng, năm sau về Ngọc Trì ( Trẹm Bún – Trạm Lộ ) và năm cuối về học tại Yên Nho - Gia Đông. (Lớp được các thầy Đào Tiên Sinh, Dương Như Xuyên và Dương Đắc Kiểm làm CN, các bạn Hồ Văn Đức, Nguyễn Ngọc Lục, Lê Thế Chiến, Nguyễn Thị Hiển làm lớp trưởng và BT Chi đoàn). Đi học xa nhà, đa phần là đi bộ, áo không đủ ấm và có những người chân không giầy dép, kể cả những ngày đông buốt giá. Đã có nhiều ngày đi học phải nhịn đói hoặc  khi đi học mang phải mang thêm nắm cơm độn, gói muối vừng cùng với vác tre, xẻng cuốc để sáng học, chiều lao động đào giao thông hào, làm hầm tránh bom. Nhiều bạn sáng đi học, chiều về  phải đi làm như một nông dân thực thụ. Nhóm chúng tôi cũng từng đi làm như xã viên HTX trong Đội “ Học tốt làm tốt”- một mô hình giáo dục thời bấy giờ - do Trường và địa phương tổ chức. Học và làm bài chỉ được tiến hành vào buổi tối trong khi  không có cả SGK và đèn thì thiếu dầu…
          Khó khăn thiếu thốn, vất vả như thế, nhưng với sự quan tâm, nhiệt tình dạy bảo của các thầy cô giáo, cùng sự cố gắng của mỗi học sinh, chúng ta đã hoàn thành chương trình học tập và ra trường. Rất nhiều người đã vào bộ đội khi còn là học sinh hoặc đang là sinh viên các Trường Đại học. Các bạn ấy đều hoàn thành nhiệm vụ và trưởng thành trong quân đội, hơn 1 chục bạn đã hy sinh, nhiều người đã bỏ 1 phần thân thể  của mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, hoặc nhiễm chất độc, bị di chứng do chiến tranh. Số còn lại được học tiếp ở các Trường Đại học, Cao đẳng, sau này đã trở thành những cán bộ tốt của Đảng và Nhà nước. Cũng có bạn trở về địa phương tham gia sản xuất và xây dựng quê hương, góp phần đánh Mỹ và dựng xây đất nước đẹp giầu.
          Nói riêng nhóm Hoài Thượng chúng tôi, lúc đó có 16 anh em vào học lớp 8, sau này có 7 bạn đi bộ đội, 2 bạn đi vào ngành công an ( hơn 50%), trong đó có 2 bạn hy sinh được công nhận là liệt sĩ, 2 thương binh; 6 bạn vào đại học, cao đẳng, 1 về địa phương tham gia sản xuất. Nhìn lại, học sinh cả khóa đều đã nghe lời các thầy các cô – ai cũng cố gắng vươn lên - “đi tới những chân trời” như lời một bài ca mà thầy cô và học sinh lúc đó đã từng  hát.
Trong hình ảnh có thể có: 27 người, bao gồm Triệu Kim Thanh và Tran Thi Nghia, mọi người đang cười, mọi người đang đứng, đám cưới và trong nhà
             
Tôi nghĩ, nhà trường và các thầy cô có thể tự hào về một lứa học trò biết cống hiến, dám hy sinh. Không cần nêu tên cụ thể một ai,  tôi xin khái quát là: Nhiều học trò của  các thầy, của nhà trường đã trở thành  những cán bộ cấp cao, những văn nghệ sĩ, nhà báo, những thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, những bác sĩ, kỹ sư, những người công dân tốt. Đặc biệt, không có ai vướng vào vòng lao lý.
             Ngược lại, chúng em cũng rất tự hào được là học trò của các thầy cô - những người đã nêu gương sáng trong quá trình công tác và bền bỉ phấn đấu “ vừa dậy, vừa học ”,“ học tập suốt đời” để trở thành những thầy cô dạy giỏi, những cán bộ quản lý giáo dục có uy tín, những Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân…. Chính các thầy đã là những người tạo nền móng ban đầu cho  Trường THPT Thuận Thành I trở thành một ngôi trường đáng tự hào của quê hương  Bắc Ninh - Kinh Bắc.

          Giờ đây, lứa học sinh khóa học của chúng ta đều trên dưới tuổi 70, có các con đa phần đã trưởng thành, nhiều người có cháu nội, ngoại ( không rõ có ai có chắt chưa?). Nhân buổi gặp mặt ngày hôm nay, chúng ta vui mừng báo cáo với các thầy cô về sự cố gắng rèn luyện, sự thành công của tập thể và bản thân, đồng thời nói lời biết ơn tới các thầy cô giáo và tập thể nhà trường đã giáo dục - đào tạo một thế hệ học sinh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng cũng rất hào hùng của đất nước.

              Có được cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này, là nhờ có sự nhiệt tình tâm huyết của  tất cả các bạn, các thầy và đặc biệt là các bạn trong BLL đã dầy công chuẩn bị. Xin cám ơn nhà trường và Ban liên lạc đã tạo điều kiện để  chúng ta có buổi gặp mặt đầm ấm tình thầy trò, bè bạn ngày hôm nay! 
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đám đông và ngoài trời
Học sinh chụp ảnh kỷ niệm cùng các thầy cô, các đại biểu
          Chúng em xin được kính chúc các Thầy, Cô giáo luôn vui vẻ, hạnh phúc và trường thọ. Xin chúc các bạn  luôn vui, khỏe; ( bạn nào có điều kiện, có thể có thêm sự đóng góp có ích cho gia đình và xã hội). Chúc tình thầy trò, tình bạn mãi mãi trường tồn cùng với tháng năm và sự đi lên của đất nước.
             Một lần nữa, xin kính chào, cảm ơn các thầy cô, các vị đại biểu và các bạn!                                                                                                  
                                                                            LÊ ĐÌNH NGẠN
                                                                         Học sinh lớp 8b-9b-10b
                                                                                                 ( quê Đại Mão - Hoài Thượng)


                ---------------------------------------------------------------


DƯ ÂM NGÀY GẶP MẶT
Năm mươi năm, 
tưởng kí ức đã phai nhòa
Gặp nhau thêm nhớ những ngày đã qua
Trường xưa cũ nay khang trang đẹp quá!
Bạn học ngày xưa tóc đã bạc mái đầu
Nắm tay nhau, giữ chặt một hồi lâu
Để cảm nhận cuộc vui này có thật.
Nụ cười tươi, ánh mắt nhìn thân mật
Xa lâu rồi nay chợt thấy gần hơn.
Tôi gặp lại bao gương mặt thân quen
Nhớ nhớ, quên quên, vỡ òa trong giây lát.
Lời quan họ thiết tha, nghe bạn hát
Gọi tên nhau theo kí ức một thời
Bạn kể với tôi, bài thơ có một lời... 
Của một gã khờ... 50 năm ấy
Thoáng bồi hồi, ngỡ tuổi đang mười bảy
Thấy phượng hồng, nghe thấy cả tiếng ve...
Thầy, cô đến, mình ùa ra như lũ trẻ
Líu ríu hỏi han, thưa gửi ân cần
Hạnh phúc biết bao, sau ngần ấy tháng năm
Vẫn hội ngộ với thầy cô thời thơ trẻ
Ơn thầy, cô những tháng năm gian khổ
Lớp học nơi xa, vội vã cho kịp giờ? 
Không chỉ dạy, còn khơi dậy những ước mơ
Nhen ngọn lửa cho bùng lên khát vọng
Đường muôn dặm, lời thầy cô căn dặn
Thành đạt hôm nay khắc sâu mãi ơn thầy.
Năm mươi năm - 
đã nửa cuộc bể dâu
Người ở lại, người lên tuyến đầu đánh Mỹ
Bạn chúng tôi bao người là Liệt sĩ
Tuổi đôi mươi cứ trẻ mãi cuộc đời.
Mãi mãi ghi ơn các bạn của tôi
Đã anh dũng hi sinh vì Tổ Quốc!
Nhìn ảnh bạn, nghẹn ngào trong tiếng nấc
Có phải hôm nay các bạn cũng đã về?
 Đất Thuận Thành ấm áp một miền quê
Đã rất THUẬN, nên THÀNH duyên GẶP MẶT.
                                  (Ngày Gặp mặt cựu hs khóa 1965-1968 tại Trường c3 Thuận Thành 1, Bắc Ninh)
                                                              TRẦN THỊ NGHĨA
                                                                          (Cán bộ Tòa án TP Hà Nội- đã nghỉ hưu )
Trong hình ảnh có thể có: 14 người, bao gồm Đồng Nguyễn Huy, Kinh Bắc Phật Tử, Triệu Kim Thanh, Nguyễn Đức Trị và Nguyễn Ngọc Phương, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời
Họp BLL mở rộng tại nhà anh Nguyễn Hồng Quảng- Trưởng Ban LL ngày 13/8/2018

                                  ---------------------------------------------

MỪNG NGÀY HỌP MẶT

Xa nhau năm chục năm rồi.
Mà chưa có dịp được ngồi cùng nhau.
Ngày này  ao ước  bao lâu,
Hôm nay mới được nói câu : Tuyệt vời !.

Cùng ôn kỷ niệm quãng đời,
Ngây thơ trong trắng một thời tuổi xuân.
Bạn xa cho đến bạn gần,
Hân hoan gặp lại sau ngần ấy năm.

Vào trường năm ấy -Sáu nhăm.
Sơ tán đào hầm, bạn trở thành thân.
Cùng nhau chăm chỉ chuyên cần.
Ba năm theo học trường gần trường xa.

Thế rồi - Sáu tám cũng qua.
Người về thành thị, người ra chiến trường.
Người đi du học tứ phương.
Người về xây dựng quê hương sớm ngày.

Về đây tay nắm chặt tay.
Hàn huyện tâm sự những ngày đã qua.
Rưng rưng lau giọt lệ nhoà.
Bồi hồi tưởng nhớ Bạn xa không về.

Còn đây sâu nặng câu thề.
"Dù gian khó mấy cũng về với nhau".
Dù giờ bạn ớ nơi đâu.
Chúng tôi vẫn nhớ khắc sâu cõi lòng.

Gặp rồi thỏa nỗi chờ mong.
Chia tay mà thấy trong lòng thảnh thơi.
Bạn về nhớ lắm bạn ơi.
Hẹn ngày gặp lại tại nơi đất này…

                                                       5/8/2018.
                                         Lê Nho Tờ. ĐT: 0901 567 375
                 ( Cán bộ nghỉ hưu - Quê Đại Mão Hoài Thượng)