VĂN NGHỆ DÂN GIAN THUẬN THÀNH
"Nét đặc sắc của Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc"
NHO THUẬN - ST&Nc
10/08/2018 08:29 Số lượt xem: 36 ( TRÊN TRANG TTĐT THUẬN THÀNH)
Thuận Thành – miền quê “ Bên kia sông Đuống” của tỉnh Bắc Ninh, vốn có lịch sử - văn hóa lâu đời. Đây là đất huyện Luy Lâu - Một trong những đô thị cổ thời thuộc Hán, Sau là trang Thổ Lỗi, rồi là huyện Siêu Loại và trung tâm của phủ Thuận An thời phong kiến độc lập tự chủ. Năm 1862, thời Nguyễn, phủ Thuận An đổi làm phủ Thuận Thành. Đến năm 1963, lập huyện Thuận Thành ngày nay
Cùng với hệ thống các di tích LSVH và lễ hội truyền thống đa dạng và phong phú, vùng đất Thuận Thành còn có nhiều loại hình, hoạt động văn hóa - Văn nghệ dân gian đặc sắc, tiêu biểu như: Múa rối nước ở làng Đồng Ngư - Ngũ Thái; Hát ca trù ở làng Thanh Hoài và Thanh Tương - Thanh Khương; Hát trống quân làng Bùi Xá - Ninh Xá; Hát chèo ở làng Ngọc Khám - Gia Đông; Đu xuân ở Đông Côi và Mão Điền; Thi gà Hồ ở làng Lạc Thổ...
Các loại hình nghệ thuật - Văn nghệ dân gian vùng quê Thuận Thành, Bắc Ninh thường xuất hiện ở một số làng xung quanh các trung tâm đô thị (Dâu - Luy Lâu), phủ thị (Phủ Thuận An) xưa, như: Hát Ca Trù ở làng Thanh Tương, Thanh Hoài, xã Thanh Khương và Á Lữ, xã Đại Đồng Thành; Hát Tuồng, ở làng Phương Quan, Văn Quan, Trà Lâm, xã Trí Quả, Đại Trạch xã Đình Tổ và Thanh Bình, Đa Tiện, xã Xuân Lâm; Múa rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái…( khu vực Trung tâm Dâu - Luy Lâu xưa). Hát trống quân ở làng Bùi Xá, xã Ninh Xá; Hát chèo ở làng Ngọc Khám, xã Gia Đông… (Thuộc các làng xã quanh vùng đất phủ Thuận An).
Về thể thức diễn xướng và hình thức hoạt động VNDG ở những nơi này đều có nhiều nét cơ bản giống nhau, chủ yếu tham gia ca hát vào các dịp hội hè, đình đám đầu xuân và ngày nay còn tham dự các hội thi, hội diễn văn nghệ do các địa phương cơ sở xã, huyện và tỉnh tổ chức. Đến nay, một số làng, xã vẫn còn một số nghệ nhân, tuy đã cao tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia công tác truyền dậy các môn nghệ thuật - Văn nghệ dân gian truyền thống cho thế hệ kế cận, như : Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thiệp (gần 90 tuổi) - Loại hình ca trù; các Nghệ Nhân Phạm Công Ngát (90 tuổi), Lê Thị Mão (87 tuổi), Vũ Thị Kiểm (85 tuổi), Lê Văn Hồng (78 tuổi) - Loại hình trống quân; Các lão nghệ nhân Nguyễn Đăng Duy, Nguyễn Bá Đổng ( trên dưới 80 tuổi) và lớp nghệ nhân trẻ Nguyễn Thành Lai - Loại hình múa rối nước…
Một số loại hình nghệ thuật - Văn nghệ dân gian truyền thống được duy trì liên tục cho đến nay, tiêu biểu như:
- Hát trống quân: Đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, chủ yếu qua hình thức truyền miệng. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, đã từng vinh dự lên kinh thành Thăng Long hát cho vua nghe và được người dân thôn Bùi Xá (Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh) có công bảo tồn và phát huy, thành nét đẹp văn hóa tinh thần của vùng đất Bắc ninh - Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.
Theo cụ Phạm Công Ngát, nghệ nhân cao tuổi của Câu lạc bộ Trống quân làng Bùi Xá, cho biết: Hát Trống quân làng Bùi Xá xuất hiện khoảng thời nhà Trần (TK-XIII).Thường chỉ diễn ra vào mùa thu tháng Tám, trong những đêm trăng sáng vằng vặc thì dân làng Bùi Xá lại mở hội hát Trống Quân. Trước đó cả tháng, dân làng chọn các nam thanh, nữ tú lập thành hai đội luyện tập để biểu diễn trong đêm chính hội, cũng có khi gái làng Bùi đứng ra lập thành một đội đối đáp với trai làng ngoài. Mỗi canh hát có thể kéo dài vài đêm, với hàng trăm người nô nức đến xem.
Trong lễ hội trống quân làng Bùi Xá, phần thi hát đối đáp của nam thanh nữ tú của làng cùng với các làng, xã khác về tham dự rất đông vui, được diễn ra trên bãi đất rộng phía trước đình làng, những đôi trai gái vừa hát đối đáp giao duyên vừa ngắm trăng trước sự chứng kiến và cổ vũ của dân làng, đồng đội cùng khách thập phương về xem hội, thường kéo dài cho đến lúc trăng tàn.
Một điều đặc biệt dụng cụ duy nhất của trống quân là “trống đất” để giữ nhịp, bằng chiếc trống độc đáo (nhạc cụ đặc trưng của hát trống quân), được các nghệ nhân tạo ra gồm có một chiếc trống nhưng đặt vừa khít phía trên miệng một hố đất (dân gian gọi là trống đất), trống gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc tre chôn cố định, hai cọc tre cách xa nhau khoảng hai mét, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng một sợi dây, xưa là dây mây nhưng ngày nay đã dùng dây thép, chính giữa sợi dây là mặt “trống đất”. Người ta đặt mặt rỗng úp xuống hai thanh ngang trên miệng hố đất, mặt trên được bưng căng phẳn dựng một que tre trống căng thẳng đứng từ mặt trống lên sợi dây mây (khoảng cách từ điểm que tre đặt trên mặt trống nâng sợi dây mây đến cột tre, bên dây ngắn sẽ tạo ra âm trầm và dài sẽ tạo ra âm thanh)… Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống mà kêu thành tiếng với độ âm hơn và láy lại nhịp theo lời người hát.
Để tổ chức một cuộc thi hát, ngay từ đầu tháng tám (Âm Lịch). Ban tổ chức mang lễ tới đình làng xin phép thành hoàng được mở lễ hội. Sau đó là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cho hội hát trống quân. Địa điểm tổ chức ở ngõ giữa, nơi có mảnh đất rộng phía trước đình làng. Khác với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác, nhạc cụ trong hát trống quân chủ yếu sử dụng là trống đất và hát trống quân còn gọi là hát “Trông trăng”, nên người hát luôn phải hướng mặt về phía mặt trăng. Với những quy định ngặt nghèo này thì suốt canh hát, hai bên không bao giờ được nhìn thẳng vào mặt nhau. Sự đặc sắc của trống quân làng Bùi Xá là người hát ứng đối với đối phương bằng câu hát, cùng trăm câu đố tài tình, cho nên phải linh hoạt, nhanh trí. Khác với hát trống quân các nơi khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hát trống quân Bùi Xá hát đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngắt quãng nhiều, ít luyến láy, lời văn là theo thể thơ lục bát 6/8 nhưng lúc hát lại theo tiết tấu nhịp thập cửu 10/9.
Người hát trong làng được gọi là liền anh, liền chị và ngầm hiểu trống quân như là "Quan họ hai" của vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Khi hát, cần tuân thủ bốn nguyên tắc: chào, mừng, chúc, hỏi; khi kết thúc canh hát có màn giã bạn lưu luyến kẻ ở, người đi. Trong quá trình đối ứng, các bên sẽ linh hoạt mở rộng chủ đề. Hình ảnh về non sông đất nước, tình yêu lao động, yêu thương con người... được phác họa ngay trong câu hát. Chính những lời ca mượt mà, dung dị ấy giúp nhiều đôi trai gái nên duyên chồng vợ, (Cụ Ngát và cụ Kiểm thành đôi cũng nhờ duyên hát ở hội thi hát trống quân của làng).
Trong một canh hát thường phải trải qua các chặng sau: Phần chào hỏi, mời trầu; phần hai là hát giao duyên tỏ tình; phần ba là hát tiễn, hát dặn. Hát Trống quân làn điệu mộc mạc, giản dị, lấy đối ý, đối lời là chính. Với các chặng lề lối, giao duyên và hát giã bạn, các bài thi hát phải đúng lề lối theo từng chặng, nếu sai là thua cuộc. Lời ca được thể hiện theo điệu hát trống quân cổ truyền và lối hát ví của làng Bùi Xá, từ mời vào hát gọi, giao hẹn, rồi mời nước, mời trầu, chào mừng, trúc, mai, hỏi đáp ( Cầm, kỳ, thi, họa, đi chơi, đi tìm đến giã bạn…). Còn hát “dở giọng” thì tùy theo mỗi bên nam hoặc nữ tự chọn lấy câu hát, lối hát nào mình ưa thích thì hát, lời hát là những câu được chuyển đổi mang âm hưởng quan họ, chèo...
Xưa, hát tòng: nam tòng nữ hoặc nữ tòng nam, cứ mỗi bên hát 3 câu rồi lại chuyển sang lối khác, cho đến được thua mới thôi. Nếu chưa phân thắng, thua thì phải để lại đêm sau hát tiếp. Còn nay, thường chuyển sang hát đối đáp, giao duyên nam nữ theo thể thơ lục bát xuyên suốt, với vần điệu dân ca quê hương thắm đượm, chữ tình và luôn được chỉnh sửa, chọn lọc, cô đúc và nâng cao cho phù hợp với thời gian và điều kiện không gian văn hóa nơi tổ chức.
Mở đầu cuộc thi, một bên cử người đại diện vào hát trước để kéo bên kia vào cuộc. Khi cặp nam nữ đối đáp so tài, tất có người thắng, người thua. Bên nào thua sẽ thay người khác vào hát tiếp. Về nghệ thuật hát Trống quân: Lời ca Trống quân là những câu ví, mượn cảnh vật trăng gió, mây, mưa, hoa lá... để bày tỏ tỉnh cảm lứa đôi, thì tài đố giảng. Thơ ca trong lời hát Trống quân làng Bùi Xá giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình. Thể thơ chủ yếu là lục bát và lục bát biến thể. Âm nhạc âm thang trong Trống quân bao gồm có có âm thang 3 âm và thang 4 âm. Loại nhịp hát Trống quân gắn liền với tiếng gõ nhịp của trống, nên nhịp phách khá rõ ràng, chủ yếu là nhịp 2/4, tiết tấu mạch lạc khúc triết. Giai điệu trong hát Trống quân trong sáng, tươi vui, mềm mại, uyển chuyển. Làng Bùi Xá thường sử dụng lối hát trống quân “giở giọng”, tức là hát được tất cả các loại hình dân ca, nhạc cổ của mọi miền. Mục đích của hát giở giọng là làm phong phú, sôi động hơn không khí của cuộc hát và vừa kiểm nghiệm được tài năng hiểu biết, giao lưu rộng của người/ đội thi hát.
Trong thời kỳ kháng chiến, cả nước tập trung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, môn nghệ thuật hát Trống quân làng Bùi Xá không còn được tổ chức, nhưng sự đam mê vẫn thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân nơi đây. Mãi đến năm 1995, những người yêu thích trống quân mới tập hợp lại thành lập nên Câu Lạc Bộ những người yêu thích dân ca và nghệ thuật hát trống quân thôn Bùi Xá. CLB khi mới thành lập với 24 thành viên. Theo thời gian, số hội viên tăng dần, quy tụ không chỉ các bậc lão niên, mà cả những người trung niên, trẻ tuổi cũng nhiệt tình tham gia. Người nhiều tuổi nhất là các nghệ nhân: Phạm Công Ngát 90 tuổi, Lê Thị Mão 87 tuổi, Vũ Thị Kiểm 85 tuổi, Lê Văn Hồng 78 tuổi, Lê Bá Bạo, Lê Thị Thư, Trần Thị Nghê trên 70 tuổi... cho đến các thanh niên mới ngoài 20 tuổi. CLB thường xuyên luyện tập, truyền dạy, tổ chức thi hát... Công tác nghiên cứu sưu tầm được các nghệ nhân quan tâm hàng đầu, cho đến nay đã sưu tầm được 135 bài hát cổ và đây là những tư liệu quý nhằm khôi phục nghệ thuật hát Trống quân làng Bùi Xá. Các nghệ nhân CLB tham gia nhiều cuộc thi, hội diễn của tỉnh, của huyện và đạt được nhiều giải cao, thể hiện được giá trị và sức sống của hát trống quân làng Bùi Xá. Năm 1967 và 2007, Viện Âm Nhạc Việt Nam cũng đã về thu thanh những bài hát trống quân đã sưu tâm và truyền giữ được tại làng Bùi Xá để nghiên cứu và phổ biến rộng rãi. Đến năm 2009, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển Âm nhạc Việt Nam về tổ chức thu thanh, ghi hình tại gia đình lão nghệ nhân hát trống quân Phạm Công Ngát và phát sóng giới thiệu và quảng bá một chương trình gần 30 phút trên VTV3.Trong các năm từ 2003 đến nay nghệ thuật hát trống quân làng Bùi xá đã được đi tham dự nhiều hội thi, hội diễn VNQC do cấp huyện, tỉnh tổ chức và đã dành được nhiều giải thưởng cao, tạo dư âm tốt đẹp, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa- VNDG và quần chúng nhân dân trong và tỉnh. Thấy được giá trị và sự cần thiết phải bảo vệ loại hình nghệ thuật này, Từ tháng 10-2008 đến nay, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Thuận Thành phối hợp các nghệ nhân làng Bùi Xá đã mở được 3 lớp dạy hát trống quân cho thanh niên, thiếu niên trong làng.
Là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã thể hiện được những nét đẹp “chân - thiện - mỹ” thông qua cách giao tiếp, ứng xử, lời hay ý đẹp trong lời hát của cộng đồng dân cư; đồng thời còn trao truyền cho những thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước. Nghệ thuật hát trống quân làng Bùi xá đã và đang được bảo tồn và phát huy ngày một cao, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh trong đời sống tinh thần của người dân lao động sau những mùa vụ vất vả, góp phần động viên nhân dân vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới ở vùng quê Thuận Thành, Bắc Ninh.
Với những giá trị và ý nghĩa to lớn trên, hát Trống quân làng Bùi Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Năm 2017, riêng CLB trống quân Bùi Xá đã có 8 người được UBND tỉnh Bắc Ninh xét tặng danh hiệu nghệ nhân.
- Múa rối nước: Nằm bên bờ sông Dâu xưa, cận kề chùa Dâu và thành cổ Luy Lâu. Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, nghề múa rối nước ở Đồng Ngư, xã Ngũ Thái đã có từ lâu đời, nhưng thực sự mới được khôi phục lại vào năm 1958, do các cụ nghệ nhân: Nguyễn Đăng Châu, Nguyễn Đăng Thọ, Đỗ Hữu Đạo, Nguyễn Bá Ốc và Nguyễn Đình Thơ…có công khôi phục và tổ chức truyền dậy. Những năm đầu chỉ tổ chức hoạt động biểu diễn chủ yếu phục vụ nhân dân trong các dịp lễ hội của làng và các xã trong huyện. Với các tích trò chủ yêu, như: Đốt pháo bật cờ, mời trầu, vào chùa, đánh đu, trọi trâu, trèo cau hứng dừa, múa rồng, rước kiệu, hát quan họ, múa tiên múa phượng, chăn trâu thổi sáo, câu ếch, úp nơm bắt cá, xay lúa giã gạo,vui hội cấy cầy…
Qua bao thăng trầm, đến nay nghệ thuật rối nước làng Đồng Ngư vẫn là một trong 14 phường rối dân gian trong cả nước còn hoạt động với nhiều hình thức, tiết mục đặc sắc, phong phú. Rối nước dân gian truyền thống Đồng Ngư trong những năm gần đây đã có nhiều chương trình biểu diễn tại các địa phương, các tỉnh thành và có những sô diễn thường xuyên tại Bảo Tàng dân tộc học Việt Nam, phục vụ khán giả trong nước và quốc tế. Nét đặc sắc và riêng có của nghệ thuật rối nước Đồng Ngư là hầu hết các tích trò đều sử dụng lới hát theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh.
Phòng truyền thống của phường rối nước (Thuộc nhà văn hóa làng Đồng Ngư) nhìn ra phía trước là thủy đình ở giữa ao lớn, trung tâm làng. Dân làng còn lưu giữ, thờ một bức tượng tổ trò của làng. Cụ Nguyễn Đăng Duy, phường trưởng phường rối nước dân gian Đồng Ngư, cho biết: Tổ trò là người có công truyền dạy trò múa rối cho dân làng và được nhân dân tôn làm Thánh tổ tiên sinh. Ngày mất của ông là ngày 20 tháng Giêng âm lịch, hàng năm, ngày này trở thành ngày giỗ tổ trò của làng.
Từ xưa biểu diễn múa rối nước làng Đồng Ngư vẫn được tổ chức tại thủy đình của làng, thường là dịp tết nguyên đán và các ngày hội đình, hội đền vào giữa tháng 3 và 4 âm lịch hàng năm. Trước khi bước vào biểu diễn phường rối phải làm lễ xin phép tổ nghề và thành hoàng làng. Nghi lễ trang nghiêm do một người uy tín của phường rối đảm nhiệm. Mở đầu buổi biểu diễn múa rối làng Đồng Ngư có hình tượng cụ già là một quân rối đặt ở nóc nhà thủy đình đảm nhiệm vai trò dẫn truyện và nay là chú Tễu. Trong nghệ thuật rối nước dân gian làng Đồng Ngư có nhiều nét độc đáo riêng có, các diễn viên rối có thể làm chủ khoảng bốn năm chục tiết mục múa rối nước. Một buổi diễn. thường sau màn Tễu dạo đầu là các tiết mục chăn trâu thổi sáo, cấy cày, múa rồng, chọi trâu, câu ếch, cày bừa cấy hái, đánh cá úp nơm, hát văn, rước kiệu, đánh đu mời trầu, hát quan họ…đậm nét văn hóa làng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Kỹ nghệ chế tác các con rối cho các tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân làng Đồng Ngư cũng rất đa dạng, tinh xảo và hoàn hảo. Các con rối làng Đồng Ngư thường làm bằng các loại gỗ nhẹ, thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, gỗ duối hay gỗ sung. Qua các thế hệ nghệ nhân đã sáng tạo, chế tác được hơn 200 loại quân rối để biểu diễn. Các nhân vật rối được điều khiển bằng sào và dây. Cụ Nguyễn Bá Đổng, một diễn viên biểu diễn rối nước của làng từ năm 1958 tâm đắc : Đồng Ngư là một trong số ít phường rối giữ được kỹ thuật điều khiển quân rối bằng máy dây và máy sào để tạo sự di chuyển và hành động cho con rối thật linh hoạt, kỹ thuật máy dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề cao. Với kỹ thuật này, người điều khiển có thể đưa rối ra xa sân khấu biểu diễn từ 5 đến -7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối. Với kỹ thuật điều khiển bằng máy sào các con rối Đồng Ngư chuyển động linh hoạt, sống động và đặc biệt có hồn, rất hấp dẫn người xem. Trong quá trình biểu diễn, người biểu diễn đồng thời là người đọc lời thoại cho nhân vật. Ngoài ra, phường rối còn sử dụng các nhạc cụ như trống, tù và, mõ và phường bát âm. Sau này, thêm những nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn tranh cùng các làn điệu dân ca quan họ được đưa vào phối hợp trong chương trình biểu diễn để tạo không khí cho các buổi biểu diễn thêm sôi động và hấp dẫn. Chính phong cách biểu diễn này của phường rối Đồng Ngư đã càng gây được sự hứng khởi, cuốn hút khán giả đến xem đông hơn nhiều trong các buổi biểu diễn.
Khoảng mười năm gần đây, ngoài phường rối nước cổ truyền đã có hành trăm năm cùa dân làng Đồng Ngư. Với sự nhậy bén và năng động, người nghệ nhân trẻ Nguyễn Thành Lai cũng là con em của các nghệ nhân trong làng, đã tìm hướng đi riêng của mình, nhằm góp phần bảo tồn và quảng bá nghệ thuật múa rối nước dân gian truyền thống của quê hương. Anh đã đứng ra thành lập công ty TNHH rối nước Thuận Thành và đoàn nghệ thuật rối nước Luy Lâu. Anh cùng các thành viên của gia đình vừa quản lý, tổ chức biểu diễn và kiêm luôn diễn viên. Vốn từng là thợ mộc, thợ cơ khí , anh Lai đảm nhiệm luôn công đoạn từ chế tác con rối, đến tự thiết kế và lắp thủy đình cơ động. Đoàn rối nước Luy Lâu khá ăn khách, được nhiều địa phương mời diễn với mỗi năm hàng trăm suất diễn. Nhiều lần anh tự mình đánh xe chở “Đoàn/gánh rối gia đình’’ về Hà Nội và sang tỉnh bạn lưu diễn dài ngày. Anh cũng trải lòng, cho dù thu nhập không cao, nhưng mình cũng đã quảng bá ngày càng rộng khắp được nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư tới nhiều địa phương trong cả nước, vừa bảo tồn, phát huy vốn văn hóa làng nghề “Nghệ thuật dân gian truyền thống” của quê hương, lại tạo công ăn việc làm cho anh em trong làng, thêm thu nhập để cải thiện đời sống…
Năm 1987, phường rối nước dân gian Đồng Ngư đã được kết nạp là hội viên - Hội múa rối nước UNIMA Việt nam; Năm 1999 tham gia là thành viên CLB rối nước dân gian Hà Nội. Năm 2000 phường rối nước Đồng Ngư đã được mời tham dự liên hoan múa rối nước dân gian không chuyên toàn quốc tại thủ đô Hà Nội, đạt giải nhất; Năm 2002 biểu diễn tại nhà hát múa rối nước trung ương phục vụ sự kiện chính trị - Văn hóa của TW; Năm 2003, lần đầu tiên biểu diễn phục vụ khách tham quan tại bảo tàng dân tộc học Việt Nam; Năm 2004 được mời tham gia liên hoan nghệ thuật rối nước tại Festival Huế, đạt giải nhì và đặc biệt năm 2011, tham gia Liên hoan nghệ thuật múa rối toàn quốc lần thứ nhất tại Hải Dương cũng đã giành được giải nhì…
Với thành tích trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân và tích cực tham dự các cuộc thi giành được nhiều giải cao, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương, dân tộc. Phường rối nước dân gian Đồng Ngư đã vinh dự nhận được sự ghi nhận và khen thưởng của các cấp, Bộ, ngành TW và địa phương: Giấy khen của UBND huyện Thuận Thành, năm 1997; Giấy khen của Sở VHTT tỉnh Bắc Ninh, năm 1999; Bằng khen của Bộ VHTT, năm 2001 và nhiều phần thưởng khác nữa.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn múa rối nước của làng Đồng Ngư, mới đây tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh nghệ thuật rối nước của làng Đồng Ngư là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng khu bảo tồn và phát huy nghệ thuật rối nước Đông Ngư tại làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Tin rằng, khi dự án khu bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật rối nước dân gian Đồng Ngư hoàn thành, sẽ là một trong những địa chỉ du lịch văn hóa thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu và thưởng ngoạn loại hình nghệ thuật độc đáo này của vùng quê Thuận Thành - Bắc Ninh nghìn năm văn hiến !
- Ca trù (Còn gọi là hát ả đào/ nhà tơ/cô đầu): Là một trong những loại hình nghệ thuật - Văn nghệ dân gian nổi tiếng vùng Thuận Thành, Bắc Ninh xưa và nay. Hát ca trù ở Thuận Thành, phải kể đến các nghệ nhân/ ca nương làng Thanh Tương và Thanh Hoài xã Thanh Khương, những làng kề bên thành cổ Luy Lâu, vùng Dâu xưa. Theo nghệ nhân ưu tú - Ca nương cao tuổi nhất vùng Nguyễn Thị Thiệp (gần 90 tuổi) người làng Thanh Tương, thì nghề hát ca trù ở nơi đây có từ lâu đời, đến đời cụ đã là đời thứ 3, tuy tuổi cao nhưng cụ Thiệp vẫn thương xuyên tham gia các lớp truyền dậy và đã từng đi dự các hội thi, hội diễn do ngành VHTT huyện, tỉnh tổ chức, giành nhiều giải cao.
Ca trù thường chỉ có một người hát là nữ (gọi là ca nương), vừa hát vừa gõ phách cùng một kép đánh đàn đáy là nam và người thướng (đánh trống - trống chầu) cũng được coi là một nhạc cụ, điểm cho ca nương hát nhưng thuộc về người thưởng thức / thính giả/ quan khách thực hiện. Với phong cách thanh tao, thư thái và tĩnh mịch, ca trù tuy là nghệ thuật - văn nghệ dân gian truyền thống nhưng được cho là loại hình nghệ thuật ca xướng bác học. Theo kết quả nghiên cứu, thống kê của ngành VHTT, ca trù ở huyện Thuận Thành, ngoài làng Thanh Hoài, Thanh Tương - Thanh Khương, còn có ở làng Á Lữ - Đại Đồng Thành và Tam Á - Gia Đông… Nhưng nơi có nhiều ca nương nổi tiếng trong vùng thì phải kể đến làng Thanh Tương ( kề bên lũy thành phía đông thành cổ Luy Lâu xưa), có nhiều đầu, kép đi hát hơn cả ( đầu, kép - Ca nương và kép đàn) và ở nơi đây, truyền rằng có thờ tổ nghề gọi là “ Bạch Mi”. Vì làng có nhiều người đi hát và được coi là một nghề hát kiếm sống, nên đã có câu ca:
“… Tư Thế bút mực làm giầu
Trà Lâm mổ lợn, uốn câu làng Dàn
Nấu chì đã có Văn Quan
Kẻ tướng (Thanh Tương) đi hát kiếm quan tiền dài…”
Phường Ca trù làng Thanh Tương xưa, ngoài việc hát thờ ( hát cửa đình - Trong dịp lễ hội, đình đám) còn đi hát phục vụ trong các cuộc vui mừng tại tư gia như: Mừng khao chức, khao danh, khao lão, cưới vợ… Khi trong gia đình có việc vui mừng thì mời ca nương đến hát, có chủ nhà đón hai, ba cặp “đầu, kép” đến hát suốt ngày đêm, ông chủ mời khách đến chơi cầm chầu, nghe hát và dự tiệc vui, khi hát đã sang canh (chuẩn bị nghỉ) thì chuyển sang phần hát giã trò. Về hình thức thì cũng có lệ như hát tuồng, chèo, cặp nào hát hay, được nhiều thẻ thì được nhiều tiền thưởng (công) gia chủ trả , hoặc thưởng trực tiếp bằng tiền do quan khách thướng. Khi giã đám, chủ nhà thường có cơi trầu, gói chè để ca nương về cúng/cáo tổ nghề.
Về hình thức tổ chức của hát ca trù/ ả đào, là “ Đào nào, kép ấy”, trong trường hợp đặc biệt mới phải ghép “Đào” hoặc “ Kép” của làng khác. Ca trù là loại hình nghệ thuật - Văn nghệ dân gian truyền thống đã và đang được các nhạc sĩ sáng tác, các nhà nghiên cứu âm nhạc và VNDG quan tâm, nghiên cứu đến hướng phát triển lối hát/ giai điệu, âm hưởng của ca trù trong các ca khúc, tác phẩm âm nhạc hiện đại phục vụ đời sống ca, múa nhạc đương đại.
Sau Quan họ Bắc Ninh, Ca trù đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Lễ công bố và trao bằng vinh danh được tổ chức trang trọng trong dịp lễ hội - Festival Bắc Ninh 2010 tại trung tâm văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh./.
Nho Thuận
https://images.google.lk/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.com.vn//
Trả lờiXóahttps://images.google.lt/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.com.vn//
https://images.google.lu/url?q=http://truongcaodangyduocsaigon.com.vn//