Câu chuyện của cô giáo Phila
LĐO |
Đuổi học, cho học sinh hư hỏng ra đường để trở thành kẻ cướp trong tương lai quá dễ, biến những học sinh cá biệt đó thành người hữu ích mới là việc của giáo dục.
Ông Bùi Nguyên Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi -Thanh Hóa, vừa ra quyết định thi hành kỷ luật 7 học sinh. Trong đó, 3 em bị đuổi học 1 năm với lý do lập nhóm trên mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên.
Chúng ta thấy gì trong quyết định đuổi học này?
Đó là sự bất lực của giáo dục. Các em là học sinh không ngoan, thậm chí là hư hỏng, chính vì vậy mới cần đến thầy cô dạy dỗ, cần một môi trường sư phạm, trong đó có trí tuệ và tình yêu thương của thầy cô.
Xin được kể câu chuyện về ông Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall.
Hồi nhỏ, Robert Harrison là cậu học sinh quậy phá của một trường trung học Mỹ. Lớp cậu chỉ toàn học sinh cá biệt, có đứa tiêm chích ma túy, có đứa vào trại cải tạo, có nữ sinh từng phá thai 3 lần.
Nhưng về sau, 20 trong 26 học sinh cá biệt đó đã thành đạt, là bác sĩ, thẩm phán, nhà du hành vũ trụ và có Robert Harrison của phố Wall.
Ai đã làm nên điều kỳ diệu này? Người đó chính là cô giáo của các em - cô Phila.
Ngày nhận lớp, cô Phila kể câu chuyện về ba người. Người thứ nhất hút thuốc và nghiện rượu nhiều năm liền; người thứ hai từng bị đuổi việc hai lần, tối nào cũng uống 1 lít rượu Brandy và từng hút thuốc phiện; người thứ ba từng là anh hùng trong chiến đấu, luôn giữ thói quen ăn kiêng, không hút thuốc, thỉnh thoảng mới uống rượu, chưa bao giờ phạm pháp.
Rồi hỏi, theo các em, trong 3 người này, ai sẽ là người sau này cống hiến nhiều nhất cho nhân loại. Tất nhiên các em đều nói người thứ ba.
Cô Phila nói: “Cô biết chắc chắn các em sẽ chọn người thứ ba, nhưng các em sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong Thế chiến thứ II. Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, Tổng thống Mỹ 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Người thứ hai là Winston Churchill, Thủ tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh. Người thứ ba là Adolf Hitler, trùm phát xít đã gây ra thảm họa cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.
Cả lớp sững sờ, cô Phila nói tiếp: “Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu, vinh quang hay tội lỗi trong quá khứ chỉ là cái đã qua. Giá trị một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay. Cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, cô tin là các em sẽ trở thành những người xuất chúng".
Hất một đứa trẻ ra xã hội để trở thành một kẻ cướp trong tương lai thì quá dễ, biến một học sinh cá biệt trở thành người hữu ích mới là việc của giáo dục.
Hãy dạy dỗ các em bằng tấm lòng và niềm tin như cô giáo Phila.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét