Người thợ hơn nửa thế kỷ theo nghề phỗng đất ở Bắc Ninh
Để làm được phỗng đất, người thợ phải trải qua 7 công đoạn thủ công từ chuẩn bị đất sét cho đến tô màu.
Ông Phùng Đình Giáp, 67 tuổi ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành (Bắc Ninh) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Điểu, hơn nửa thế kỷ nay theo nghề nặn phỗng đất.
"Kỹ thuật nặn phỗng đơn giản nhưng quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến khi thành phẩm lại đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mẩn", ông Giáp nói.
Một bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 hình tượng là chim, rùa, người già, em bé và đức Phật được đặt ở giữa với ý nghĩa tâm linh. Ngoài ra, người thợ có thể nặn các loại phỗng đất khác theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Giáp cho hay để làm được phỗng đất phải trải qua 7 công đoạn, trong đó việc ngâm giấy thó là kỳ công nhất vì phải ngâm nước 7 ngày giấy nhão ra mới dùng được.
"Từ nhỏ tôi đã được làm quen và bắt đầu nặn những con vật đơn giản. Lúc đó phỗng đất thường xuất hiện trong những dịp Trung thu để làm đồ chơi cho trẻ em. Nghề này tưởng mai một dần khi bọn trẻ chỉ thích đồ chơi hiện đại, nhưng hai năm gần đây cứ đến gần tết thì người dân lại tìm đến đặt hình các con giáp và phỗng đất", ông Giáp cho biết.
Bà Nguyễn Thị Điểu đang sàng đất để lấy được những hạt đất mịn tạo phỗng. "Đất sau khi phơi khô đem đập, giã nhỏ và sàng. Những hạt đất khi sờ vào có độ mịn mát tay, hơi có màu xám nghĩa là đạt chất lượng để đem đi nhào nặn", bà Điểu nói.
Các con phỗng đều được nặn thủ công bằng tay. Những ngày giáp Tết Kỷ hợi 2019, nhiều người đặt hàng ông Giáp làm những con lợn bằng đất nguyên khối để mộc hoặc vẽ màu.
Gia đình phỗng lợn để mộc có 6 thành viên gồm lợn mẹ và 5 lợn con quây quần. Dù không nung qua lửa nhưng các sản phẩm phỗng đều có độ bền tốt, dai chắc.
Để hoàn thiện một bộ phỗng 6 con, người thợ mất gần một tuần từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến vẽ màu.
Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét