NHỚ VỀ NGUỒN CỘI: NGƯỜI KHỞI DỰNG VĂN MIẾU BẮC NINH
( Theo FB Thi Nguyệt Đô )
Đỗ Trọng Vĩ người làng Đại Mão, huyện Thuận Thành. Theo gia phả, ông là hậu duệ của Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật quê ở Bình Ngô, An Bình, Thuận Thành. Vốn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học khoa bảng, ngay từ nhỏ ông đã nổi tiếng là người thông minh hiếu học và sau trở thành vị quan thanh liêm, nhà giáo, nhà văn hóa, đặc biệt có công khởi dựng Văn Miếu Bắc Ninh.
Gia phả viết rằng: Đỗ Trọng Vĩ sinh ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Sửu (1829), tên tự là Tham Thiền, tên hiệu là Khôi Hữu. Cha ông là cụ Đỗ Dư tên hiệu là Hy Liễu, làm quan Tri huyện Chương Đức (Hà Tây), học rộng tài cao, đã có công lao đào tạo nhiều thế hệ học trò thành danh. Đỗ Trọng Vĩ lên 3 tuổi thì mẹ mất, được bên ngoại đón về Thụy Chương nuôi nấng, năm lên 6 tuổi thì được cha trực tiếp nuôi dạy. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng là người thông minh dĩnh ngộ, học chóng thông và biết làm thơ sớm. Năm 21 tuổi ông đỗ Tú tài khoa Canh Tuất (1850).
Năm Nhâm Tuất (1862) ở Bắc Ninh có tên Cai tổng làm loạn, triều đình sai quan Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hành đi dẹp và bị tử trận ở Đại Đồng (Thuận Thành). Khi ấy, ông làm Bang tá huyện vụ đã nhận lệnh đi dẹp yên được loạn. Năm 35 tuổi, ông đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý (1864) triều vua Tự Đức, tên đứng thứ ba, đồng khoa với Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Dương Khuê, Tiến sĩ Bùi Quế, Phó bảng Dương Danh Lập, là những người bạn chí thân. Vì có quân công trước, nên vừa đỗ Cử nhân, ông được triều đình bổ ngay làm Huấn đạo Văn Giang. Năm 1870, ông được thăng chức Giáo thụ phủ Từ Sơn, rồi được bổ Tri huyện Yên Dũng kiêm Lạng Giang. Thời gian sau, ông được thăng chức Tri phủ Yên Thế.
Bấy giờ, Ngụy Tường và Ngụy Trận nổi loạn ở Bắc Ninh và Bắc Giang, quan Bắc Kỳ đã cử ông giữ chức Bắc kỳ Bang tá quân vụ đi dẹp loạn. Dẹp xong loạn, quan Bắc Kỳ đã phong ông chức Án sát sứ tỉnh Cao Bằng. Được vài năm thì giặc nhà Thanh là Lý Dương Tái tràn sang tỉnh Thái Nguyên. Triều đình thấy ông đã quen với việc ngoại giao ở biên cương, nên đã triệu về Thái Nguyên dẹp giặc. Về đến Thái Nguyên, ông khéo léo ngoại giao với quan nhà Thanh là Phùng Tử Tài và dẹp yên được giặc. Quan chức nhà Thanh thấy ông là một vị quan thanh liêm, chính trực, mưu lược, lại hay chữ, nên rất kính trọng và đã có câu đối tặng ông như sau: “Kinh thế hữu tài giai bách luyện/Độc thư vô tự bất thiên kim”, dịch nghĩa: “Tài trị nước, giúp đời từng trải/Học vấn sâu rộng, từng chữ đáng giá ngàn vàng”.
Dẹp xong giặc Lý Dương Tái, ông được đặc chỉ sang giữ chức Tuần phủ Hưng Yên. Nhưng thời gian này ông mắc bệnh đau yếu luôn, nên phải cáo hồi, đi chữa bệnh. Thời gian sau, ông đỡ bệnh, quan Tổng đốc Trương Đăng Đản mời ông ra giữ chức Đốc học tỉnh Bắc Ninh (Bấy giờ tỉnh Bắc Ninh rất lớn gồm 26 phủ huyện).
Thời gian làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh, ông không những lo lắng, quan tâm nhiều đến sự nghiệp giáo dục, mà ông còn đau đáu về việc gìn giữ và phát huy nên văn hiến của quê hương đất nước, đặc biệt là truyền thống khoa bảng hiếu học của người xứ Kinh Bắc. Ông đã họp bàn với các vị quan chức đầu tỉnh, năm 1893 cho di dời Văn Miếu Bắc Ninh đang bị đổ nát từ núi Thị Cầu về núi Phúc Đức nơi có vị trí trung tâm tỉnh và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Văn Miếu Bắc Ninh được dựng lại với quy mô rất lớn, gồm các công trình như: Tiền tế, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, Tạo soạn, Bi đình, nhà Hội đồng trị sự, Tam môn…
Để xây dựng Văn Miếu, ngoài sự quan tâm của nhà nước đương thời, ông còn vận động sự đóng góp đông đảo các quan chức như: tổng đốc, tuần phủ, án sát, tri phủ, tri châu, tri huyện, chánh tổng, lý trưởng, chánh hội, quan viên và nhân dân ở các làng xã trong và ngoài tỉnh. Trước đó, ông đã cho khắc 12 tấm bia đá vào năm Kỷ Sửu (1889) với tên: “Kim bảng lưu phương”, ghi danh gần 700 vị đỗ đại khoa của xứ Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng, có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Văn bia Văn Miếu Bắc Ninh có tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bia ký”, dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1928) ca ngợi: “Văn Miếu được dựng lên là để tôn thờ các vị tiên hiền tiên triết, chấn hưng và khuyến khích thuần phong, văn học, duy trì điều tốt cho đời sau nhằm biểu dương những người xuất chúng phi thường, có học vấn, thông kim bác cổ, đỗ đạt lưu danh, cổ vũ sự nghiệp giáo dục, chấn hưng đạo đức cho hàng ngàn vạn năm sau”.
Khi quân Pháp xâm chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, chiếm thành Hà Nội, thành Bắc Ninh, diễn biến phức tạp, Đỗ Trọng Vĩ về ở ẩn ở chùa Hàm Long (Thái Bảo-Lam Sơn), tiếp tục dạy học và đã có nhiều công lao với nhân dân địa phương trong việc trùng tu nhà tổ chùa. Thời gian ở chùa Hàm Long, ông đã soạn bộ sách “Bắc Ninh địa dư chí” ghi chép, đánh giá về thuần phong mỹ tục của các làng quê và các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh. Vì có công lao trên, mà sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã tạc tượng thờ ông ở chùa Hàm Long. Sau đấy, ông lại được mời ra làm quan và tiếp tục dạy học ở các nơi như: Hiên Ngang, Đọ Xá… Học trò theo học rất đông. Nhiều thế hệ học trò của ông đỗ đạt thành danh như: Phó bảng Phan Văn Tâm, Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân, Phó bảng Đặng Quỹ, Phó bảng Đặng Tích Trù, Tiến sĩ Đàm Thận Bình, Phó bảng Nguyễn Thiện Kế… Ông về trí sĩ ở quê nhà và được nhiều quan chức, học trò kính trọng, yêu quý đến thăm nom, tặng nhiều thơ phú ca ngợi tài đức. Ông mất ở quê nhà ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi (1899) triều vua Thành Thái, thọ 71 tuổi, mộ táng ở cạnh ấp Dực Vi.
Hiện nay, tại thôn Đại Mão, con cháu hậu duệ của ông còn gìn giữ được nhà thờ họ, gia phả, bia đá, hoành phi, câu đối, lăng mộ… của ông, cũng như phát huy được truyền thống hiếu học khoa bảng của tổ tiên trao truyền.
Đỗ Trọng Vĩ vị quan thanh liêm chính trực, nhà giáo, nhà văn hóa, có nhiều công lao với dân với nước, đặc biệt là có công trong việc tôn tạo Văn Miếu Bắc Ninh là nơi hội tụ và tỏa sáng truyền thống khoa bảng, hiếu học. Ông xứng đáng là danh nhân, ngôi sao sáng trong nền văn hiến của xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
(Ảnh: Tượng thờ danh sĩ Đỗ Trọng Vĩ ở chùa Hàm Long, TP Bắc Ninh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét