Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

THƠ NGƯỜI LÀNG GIỮA ( 6 C ) Tu hay là chuyển nghiệp?

THƠ NGƯỜI LÀNG  GIA ( 6 C )   
                  Thơ Người làng Giữa  (6 C) xin giới thiệu bài của tác giả Lương Nguyệt Anh - sinh 1930 - xóm 2 Đại Mão. Là nông dân một miền quê văn hiến, lúc nhỏ ông được học chữ Hán một số năm.Trong số những người già trong làng Giữa hiện nay còn sống, ông có trình độ Hán học tương đối khá, thích làm và làm khá nhiều thơ, nhiều thể loại : lục bát, song thất lục bát, thơ theo thể hát ca trù, thơ Đường, kể cả thơ bằng chữ Hán.
           
                  Mời bạn đọc thưởng thức một  tác phẩm mới của ông về một đề tài rất tế nhị trong đời sống hiện nay ở nhiều miền quê, có vấn đề gì cần trao đổi xin phản hồi về biên tập ( gửi ông Lê Đình Ngạn- nganhttt@gmail.com)            

              Tu, hay là chuyển nghiệp?



Trộm nghe:
“Kê thủ tam giới tôn,
Quy mệnh thập phương phật.”
“Trì thử kim cương kinh,
Ngũ kim phát hằng nguyện.”
“Thượng báo tứ trùng ân,
Hạ cứu tam đồ khổ.”*.
         
          Mà nay:

Ngũ uẩn** hoài nan,
Lục căn khó giữ.
Bất năng kiến Như Lai,
Thị nhân hành tà đạo.

Nào hay:
         
Đêm năm canh,
Ngày sáu khắc,
Chỉ thấy gió rung cây
Đâu biết ma ăn cỗ?

Thì ra:
Kẻ gian tà nấp bóng Như Lai,
Người cô quả nương nhờ cửa Phật.
Tựa gốc bồ để,
Ngắm hoa bát nhã.
Hũ rượu mua vui,
“ Cây còn ”*** xả láng.


Khen thay:

Phật pháp tương nhân,
Thường lạc ngã tĩnh.
Phật tử xa gần,
Thiền môn đây đó.

Chốn chùa vài cô,
Góa chồng mấy ả,
Phấn má, son môi,
Săm mày ép tóc,
          Đến cửa Thiền quy pháp, quy tăng;
          Nhìn gốc khế lấm la lấm lét.
                  
         Phải chăng:

Nam mô cứu khổ, mắt liếc đồng tiền?
Khuyến thiện, trừng dâm; tay sờ oản Bụt?
Khéo bày trò tô tượng đúc chuông,
Để vơ vét vàng cân bạc nén?

Còn thói sân si,
Tránh sao nghiệp chướng?

Nam Mô:

Phật lượng vô biên
Lòng trần mạo bạch!


                                                       Tháng Ba năm Ất Mùi ( 2015)

                       ---------------------------------------------

 Chú thích :  * Trích trong các Kinh của đạo Phật
                     ** Ngũ uẩn ( Theo Từ điển mở Wikipedia)
              Ngũ uẩn cũng gọi là Ngũ ấm  năm nhóm  tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái "ta".
Ngũ uẩn là:
1.     Sắc (zh. ; sa., pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi,lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
2.     Thụ (zh. , sa., pi. vedanā), tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
3.     Tưởng (zh. , sa. saṃjñā, pi. saññā), là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
4.     Hành (zh. , sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...
5.     Thức (zh. , sa. vijñāna, pi. viññāṇa), bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã  Khổ. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo. Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng đó:
"Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."
Joseph Goldstein cũng viết:
"Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.".


                     ** “ Cây còn” – nói lái.


                                                     -----------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét