Thôi đừng 'tự sướng' quá đà nữa!
Khi các nước xung quanh đang trỗi dậy thành ‘rồng’, thành ‘hổ’ thì chúng ta vẫn loay hoay với những huyễn hoặc về đất nước, tài nguyên, con người…
Sơn Đoòng lên truyền hình Mỹ, đương nhiên người Việt Nam ai cũng tự hào về một kỳ quan thiên nhiên vô cùng ngoạn mục được giới thiệu khắp thế giới. Nhưng “nâng tầm” lên như nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khi phát biểu: “Ở Mỹ, bói cũng không tìm đâu ra “báu vật” như Sơn Đoòng” thì hơi lố bịch và quá đà.
Một nhà ngôn ngữ mà phán về cảnh quan, về địa chất, về hệ sinh thái có vẻ như không phù hợp lắm.
Bảo rằng Mỹ tìm đâu ra hang như Sơn Đoòng cũng chẳng khác gì bảo Việt Nam chẳng bao giờ có được những nơi như hẻm núi Grand Canyon hay thác Niagara hùng vĩ. Một kiểu so sánh rất khập khiễng không theo một quy chuẩn nào, chỉ nhằm thỏa mãn tâm lý “tự sướng” của bản thân.
“Tự sướng” quá đà đã thành “truyền thống”
Kiểu “tự sướng” như nhà ngôn ngữ trên không phải là chuyện lạ, lạ là nó thuộc về “truyền thống” của chúng ta. Từ nhỏ chúng ta đã được nhà trường dạy rằng nước ta rất giàu có với “rừng vàng biển bạc”, lớn lên mới biết, rừng chẳng còn bao nhiêu mà biển cũng đang phải gồng mình mà bảo vệ, tài nguyên thiên nhiên thì cạn kiệt mà đất nước vẫn còn nghèo.
Chúng ta thường tự hào rằng người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, thật thà chất phác. Nhưng nhìn những công nhân làm việc với thái độ lười biếng, nhìn nhân viên “ăn cắp giờ công” thì khó mà tin là cần cù chăm chỉ.
Hiệu quả làm việc của người Việt Nam thuộc vào loại thấp. Ra nước ngoài thì đầy bảng hiệu cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt, trộm cắp vặt trở thành một trong những nỗi nhục của người Việt ở nước ngoài. Có thể số người ăn cắp vặt này chỉ là thiểu số nhưng làm sao còn dám nhận “thật thà chất phác” nữa.
Người Việt thông minh học giỏi. Mới đây, chúng ta lại túm lấy một cái tin về việc Việt Nam đứng trên cả Mỹ và Úc trong một cuộc khảo sát khả năng giải toán và môn khoa học của học sinh tuổi 15 để “tự sướng” lên thành cả một nền giáo dục. Thực tế, giáo dục Việt Nam đứng sau rất xa so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… chứ chưa nói đến những cường quốc như Mỹ, Úc, Nhật, Hàn. Một nền giáo dục đại học đào tạo ra những cử nhân, kỹ sư không thể làm việc trong thực tế.
Chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sỹ hàng đầu thế giới nhưng chẳng có công trình khoa học nào đáng chú ý được đăng trên những tạp chí quốc tế, chứ chưa nói đến những giải danh giá như Nobel. Và khi có một người gốc Việt đạt được thành tựu gì đó thì chúng ta lại ôm lấy: Ngô Bảo Châu là người Pháp gốc Việt, hay một đại tá hải quân Mỹ gốc Việt, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng gốc Việt, một cầu thủ bóng đá gốc Việt, hoặc gần đây là một dựng phim đạt giải Oscar gốc Việt. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể tự sướng với những cái “gốc Việt” để bù đắp cho những gì “thực sự Việt” chưa làm được.
Nhìn thẳng sự thật để còn đứng lên
Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới đứng lên từ đống tro tàn, làm việc cật lực, lao động sáng tạo miệt mài với “tinh thần samurai” để tạo nên “sự thần kỳ Nhật Bản”. Hàn Quốc sau mấy thập kỷ phải chịu đói nghèo, từ thời kỳ khắc nghiệt của Park Chung Hee đã trỗi dậy mạnh mẽ, với sự phát triển vượt bậc về giáo dục và khoa học kỹ thuật, vươn lên trở thành một quốc gia, một nền kinh tế đáng nể.
Còn chúng ta vẫn đang loay hoay với những huyễn hoặc về đất nước, tài nguyên, con người… Chúng ta tự sướng mọi lúc mọi nơi, tự hào với rất nhiều thứ nhưng thực tại nước Việt Nam vẫn còn là một quốc gia vừa thoát khỏi đói nghèo, một nền kinh tế yếu kém, một nền giáo dục lạc hậu, cộng với những người lao động khôn vặt, ăn xổi, thích việc nhẹ lương cao.
Thôi đừng tự sướng quá đà và tự hào những thứ không đáng nữa. Hãy nhìn thẳng vào sự thực, biết vị trí mình ở đâu để còn có thể đứng dậy. Còn nếu cứ vuốt ve nhau thì muôn đời vẫn không khá lên được.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một blogger, kỹ sư sống tại TP.HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét