Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Khi thắp hương nên thắp mấy nén?

Khi thắp hương nên thắp mấy nén?

22:22, Thứ Sáu, 23/01/2015 (GMT+7)

Việc thắp nhang (hương) trong gia đình, ở đền, chùa... là tập quán từ lâu đời của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người băn khoăn mỗi lần thắp hương thì nên thắp mấy nén là vừa? Câu hỏi đơn giản song không ít người lúng túng khi trả lời.


Vào những ngày rằm, mồng một hằng tháng, các dịp giỗ, Tết, hầu hết các gia đình Việt Nam đều thắp hương (nhang) lên bàn thờ cúng Phật, gia tiên hoặc đến đền, chùa…cầu mong gia đạo yên vui, mạnh khỏe, may mắn…. Đây hoàn toàn không phải là hành động mê tín dị đoan, mà là một nét đẹp văn hóa, góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Nén hương được đốt lên, gửi gắm nhiều thông điệp của trần gian đối với đất trời, tổ tiên, ông bà của mình, nó cũng làm gia đình ấm áp, lòng người được thanh thản hơn.
Việc thắp nhang như thế nào cho đúng, phù hợp với văn hóa và phong tục Việt Nam là điều cần biết đối với tất cả mọi người, nó cũng thể hiện văn hóa ứng xử của mỗi người.
Thực tế cho thấy, người Việt Nam ta khi thắp nhang thường chọn số lẻ (1, 3, 5, 7, 9) cho số nén hương dâng lên. Hoặc có thể người ta cũng đốt cả nắm hương chứ không chọn số chẵn (2, 4, 6, 8). Theo lý giải của nhà Phật, số lẻ mang nhiều ý nghĩa. Số lẻ là số âm và số chẵn là số dương. Số lẻ là âm nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm).
Nhà Phật chú trọng đến tâm hương là chính chứ không chú ý đến số nén hương được thắp lên bàn thờ. Ảnh minh họa
Lý giải việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là tâm nhang (lòng thành), giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).
Ngoài ra, còn có nhiều quan niệm khác nhau về các con số nén hương:

- Số 1: thể hiện lòng thành
- Số 2: Khi viếng linh cữu người chết và trong thời gian để tang, người ta thường thắp 2 nén hương.
- Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau hơn. Đó có thể là : Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng); Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới); Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai); Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ) của nhà Phật. Điều này lý giải vì sao ở sân chùa thường có 3 đỉnh hương to.
- Con số 5 là 5 phương trời đất, 5 hướng thần linh. Theo phong thủy thì là Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
- Số 7 và số 9 được tượng trưng cho “vía” của con người, khi người ta muốn xin ơn cho cá nhân (nam thất nữ cửu).
Thực tế, 3, 5, 7, 9,... hay 1 nén hương là đều giống nhau, không khác nhau về ý nghĩa. "Việc các chùa hiện nay khuyến khích Phật tử chỉ nên thắp 1 nén nhang đó là nhằm tránh hỏa hoạn và ô nhiễm môi trường với những người xung quanh. Việc thắp nhiều hay ít nhang không quan trọng mà chủ yếu là ở tấm lòng của người hướng đến chư Phật".
Vì thế, chúng ta đi đền, chùa chỉ cần thắp 1 nén hương là đủ. Một nén hương gọi là tâm hương. Tuy chỉ một nén nhưng nén tâm hương lại bao gồm ý nghĩa năm sắc hương: giới hương (tự nhắc nhở mình hướng thiện để tâm luôn trong sáng); định hương (giữ cho lòng yên ổn không bị cái xấu); tuệ hương (làm cho trí não luôn sáng suốt để thu nhận được những điều tốt đẹp, thiện lương); tri kiến hương (giúp ta vững tin phát triển năng lực, trí tuệ); giải thoát hương ( giúp ta buông xả mọi ưu phiền cũng như những ham muốn tội lỗi).
Cũng theo nhà Phật, không nên dùng nhang giả (nhang điện) cắm vào lư hương.
Theo K.V
GĐ&X
H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét