Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Chuyện nghe được...( 5 ) CHUYỆN VỀ QUAN PHỦ VÀ CẬU BÉ ĐẠI MÃO

Chuyện nghe được ở nhà ông giáo Giáo ( 5 )   
                    
             CHUYỆN VỀ QUAN PHỦ VÀ CẬU BÉ ĐẠI MÃO
           
Hôm nay, ở nhà ông giáo tôi nghe được câu chuyện về một ông quan đứng đầu xứ huyện tôi xưa và một cậu bé ở làng mình.

Các cụ kể cho nhau nghe chuyện ngày chưa xưa lắm, có lẽ cách đây hơn 100 năm thôi. Lúc đó, ông Bùi Đình Thìn mới được bổ về làm quan  tri phủ Thuận Thành. Nhân một chuyến công cán qua một số xã ven đê, ông đi qua địa phận làng Giữa bây giờ.
Trời lạnh, một lũ trẻ con đốt lửa sưởi giữa đường.  Mấy chú lính tháp tùng ông Phủ đi tới dẹp đường, bọn trẻ sợ quá liền bỏ chạy; duy có một cậu bé độ 11-12 tuổi vẫn còn đứng đó. Thấy cậu có vẻ bình tĩnh, hơi ngang, đầu têu lũ trẻ nghịch dại dễ gây hỏa hoạn cho bà con, mấy chú lính tóm cổ cậu và trình quan:
- Bẩm quan! Thằng này chắc là thằng đầu trò nghịch ngợm, dám đốt lửa cản đường quan đi;  chúng con bắt nó về đây để quan hỏi tội nó!
Quan phủ nhìn cậu bé, thấy cậu không có vẻ nghịch ngợm lắm, mặt mũi trông có vẻ  khôi ngô liền hỏi:
-         Cháu làm gì ở đây?
Cậu bé trả lời
-         Cháu chăn trâu ạ !
Quan phủ thấy cậu  có vẻ lễ độ, liền hỏi vặn:
-         Sao cháu đốt lửa giữa đường cản đường xe quan đi?
Cậu bé chống chế:
-         Hôm nay vắng người đi qua, vả lại cháu không biết xe của quan sẽ đi qua ạ!
Xin quan tha tội cho cháu ạ!
Quan phủ hỏi tiếp:
-         Thế tại sao chú lính đã nhắc cháu dập lửa để quan đi, cháu không nghe?
Cậu bé trả lời:
- Bẩm quan! Năm ngoái, có một nhóm người cũng xưng là quan đi vào  làng cháu, về sau mới biết đó là bọn cướp ngày. Lúc nãy chú lính nói đến quan, cháu bối rối quá chưa biết làm thế nào.                                                                                                                    
Quan phủ nhìn cậu, thấy câu chuyện của cậu có vẻ  thật thà, buồn và nghĩ: Kẻ cướp mà dám xưng là quan…?
Quan phủ hỏi cậu bé:
-         Cháu đã đi học chưa?
Cậu bé trả lời:
-         Cháu đi học rồi ạ!
Quan phủ  nói với cậu bé:
-         Đã đi học thế là tốt rồi! Bây giờ quan  ra cho cháu một vế đối. Nếu đối được thì quan sẽ tha cho và còn thưởng nữa. Nếu không đối được thì quan sẽ sai chú lính đánh cho 10 roi, cháu nghe rõ không?
Cậu bé thưa: Vâng ạ! Quan liền đọc:
          - Mục đồng là trẻ chăn trâu.
Đây là một vế đối nhưng cũng là một câu theo kiểu vừa đố vừa giảng, vì chữ mục đồng có nghĩa là đứa trẻ chăn trâu. Nghe thì dễ nhưng đối lại cũng không phải đơn giản.
Cậu bé nói với quan:
-         Xin quan tha cho cháu!
Quan phủ nói:
-         Quan đã nói rồi! Cháu nói  đã đi học. Đối được thì quan mới tha.
Cậu bé nói:
-         Cháu cũng nghĩ được rồi, nhưng đọc lên sợ quan bắt tội.
Quan phủ động viên:
-         Cháu cứ đọc đi, nếu có gì sai sót quan sẽ tha cho.
Cậu bé liền đọc:
-         Cháu xin đối là: Vân cẩu là mây hóa chó.
Quan phủ nghe thấy hơi xấc xược, nhưng là một câu tương đối chỉnh so với vế kia, vì  hai chữ vân cẩu là mây, chó và cũng là hiện tượng tự nhiên. Khi trời nhiều mây có những đám mây có hình ảnh tương tự như hình con chó. Gió thổi, mây bay như con chó chạy, chữ này đã được đưa vào thơ văn rồi.
Quan phủ nghĩ cậu này cũng là một cậu bé ngoan ngoãn thông minh, vả lại đã hứa với cậu liền tha cho cậu và thưởng cho 10 xu.
Quan phủ nhìn cậu bé âu yếm hỏi:
-         Sau này  lớn lên cháu có muốn làm quan không?
Cậu bé trả lời ngay:
-         Cháu muốn chứ ạ!
Quan hỏi:  - Cháu muốn làm quan để làm gì?
Cậu bé : Để trị bọn cướp đã ăn cướp của dân làng cháu. Để trị tội bọn ăn trộm trong làng, để…, để…
Quan phủ nhắc cậu:
- Ồ, thế thì tốt lắm! Nhưng cháu  muốn làm quan thì trước hết phải chịu làm, chịu học  đã nhé. Phải học để biết được những điều nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Phải học để sau này đỗ ông cử, ông nghè mới có cơ hội để làm quan.
Cậu bé láu lỉnh hỏi:
-         Cháu  muốn làm quan trước rồi đi học sau có được không ạ?
Quan phủ cười:
- Không được cháu ạ! Phải học trước, rèn luyện trước chứ. Phải đạt đến một trình độ nào đó mới được làm quan và mới làm quan được.
Quan phủ giảng giải cho cậu bé:
-         Làm một ông quan không phải là dễ đâu, cháu à! Dân ta thường gọi các quan là quan phụ mẫu, ý tin tưởng và cũng là yêu cầu các quan phải thương dân như con. Đã hứa điều gì với dân thì phải làm cho tròn, chứ cứ hứa hão rồi không làm người ta gọi là trò mỵ dân, lừa dân. Có nhiều loại quan lắm! Làm một ông quan liêm tức là phải ngay thẳng, không được vơ vét tiền bạc của dân bằng mọi kiểu. Ngược lại là quan tham. Ngày xưa các cụ đã có câu ca như:
                                       Con ơi nhớ lấy câu này
                              Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan
là để chỉ những ông quan như thế…
Lại còn có những ông quan, dân gian gọi là “quan hề” trong chèo, tuồng.
Loại “quan” này chỉ biết lấy tiền, chứ đâu có biết gì về dân với nước. Cứ diễn xong một trò là mang tiền về, càng ba hoa khoác lác, càng nhiều người khen thì càng được nhiều tiền.  Thế cháu muốn làm ông quan nào?
Cậu bé thưa:
-         Cháu  muốn làm  quan liêm ạ!
Quan phủ khen cậu bé :
-         Tốt lắm! Cháu  hãy cố học tập, tu đức, tu tài để làm quan giúp nước, giúp dân.
Khi về tới phủ đường, Quan phủ mang câu chuyện gặp thằng bé chăn trâu ở làng Đại Mão kể cho mọi người nghe. Ai cũng khen cậu bé.

                                                   *
                                                *    *


Nghe  các cụ kể lại, ngay từ thời đó người dân đã nhận định : Ông  Bùi Đình Thìn là một “ nhân quan” được  các chức sắc và người dân trong huyện quý trọng, sau này làm Tuần phủ  gọi là ông Tuần Thìn. Còn cậu bé sau này đi hoạt động cách mạng, đã hy sinh từ trước năm 1945.

                                                     Lương Nguyệt Anh
                                                         LÊ TRUNG THÔN ghi
     
                    ****************************************  










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét