(TNO) Một tấm bia ghi lại lời di nguyện của đại danh y Tuệ Tĩnh cách đây hơn 300 năm được nhân dân vái lạy, thờ cúng, còn vua Thiệu Trị ra lệnh 'nhốt' trong ngục thất.
Đền Bia, một di tích cấp quốc gia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, là nơi thờ tự đại danh y Tuệ Tĩnh và phối thờ danh nhân Nguyễn Danh Nho (1638 - 1699), đỗ tiến sĩ dưới đời vua Lê Huyền Tông, được giữ chức Tả ti giám, Hiến sát sứ, sau thăng đến Bồi Tụng hữu thị lang, tước Nam.
Ngôi đền này mang tên một cổ vật, đó là tấm bia đá xanh nặng 75 kg, hình hộp đứng, đỉnh bia là búp sen, được đặt trong long đình, bưng kính xung quanh, để ở phía sau tượng Tuệ Tĩnh. Tấm bia đá cổ làm năm 1699, thời Lê Trung Hưng, khắc lời nhắn của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh hai dòng chữ: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, nhưng đã bị đục mờ. Mặt hai bên cạnh có gờ chỉ chạy xung quanh bia và cũng khắc chữ nhưng bị đục hết. Bề mặt tấm bia loang lổ lớp sơn son thếp vàng.
Ông Hà Quang Thành, Phó ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng giới thiệu tấm bia này có xuất xứ và số phận “chìm nổi” y như cuộc đời của “vị thánh thuốc nam” Tuệ Tĩnh. Theo sử sách ghi lại, khi đi sứ sang nước Minh vào năm 1384, Tuệ Tĩnh đã chữa khỏi bệnh cho hoàng hậu Tống Vương Phi và được vua Minh cảm tài phong cho danh hiệu Đại y thiền sư, lưu ông ở Kim Lăng (Trung Quốc). Được trọng dụng nhưng người con đất Việt này luôn nhớ về quê hương, đất nước, biết số phận mình sống nhờ thác gửi nên đã di ngôn để tạc vào bia mộ dòng chữ: “Về sau có ai bên nước nhà sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”. Một thời gian sau ông mất ở Giang Nam (Trung Quốc).
Năm 1699, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đi sứ sang nhà Thanh, đến Giang Nam tình cờ thấy mộ Tuệ Tĩnh, nhận ra là người cùng làng Nghĩa Phú (tục gọi là làng Xưa, thuộc tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng). Cảm động với lời nhắn gửi thiết tha của vị đại danh y, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã xin với vua Thanh đưa hài cốt Tuệ Tĩnh về nước nhưng không được chấp thuận. Ông thuê người sao chép bia mộ, rồi khi về nước đã đến vùng Kinh Môn thuê thợ khắc lại tấm bia đá.
Thuyền chở bia trên sông Thái Bình, đến cánh đồng Văn Thai ở địa điểm tiếp giáp với làng Nghĩa Phú quê hương của Tuệ Tĩnh thì bị lật, bia rơi xuống và không lấy lên được. Ít lâu sau nước cạn người dân đã tìm thấy tấm bia. Thấy doi đất ở đây có hình con dao cầu chuyên thái thuốc nam, người dân cho rằng đây là nơi địa linh nên đã dựng bia tại nơi đây để thờ cúng, cách quê hương Tuệ Tĩnh khoảng hơn 1 km.
Ông Thành cho biết: “Người xưa kể lại hễ ai đi qua đều ném đất vào để đền thờ cao dần lên và mong buôn bán đắt hàng. Từ khi lập nên đền Bia, hàng nghìn người dân từ khắp nơi kéo về lấy thuốc, hái lá và xin nước ở đền Bia để uống cầu mong khỏi bệnh. Năm nào cũng vậy, xong ngày lễ hội vào 1.4 âm lịch là đền lại bốc cháy nhưng người dân đi qua đền đều cúi đầu vái lạy tấm bia”.
Năm 1846, vua Thiệu Trị cho rằng "đây là việc mê tín dị đoan nên đã hạ chiếu cấm việc cúng bái và xin thuốc ở đền Bia”. Nhà vua đã sai người đục hết chữ trên tấm bia và mang “nhốt” vào trong ngục thất, cho người canh gác cẩn mật. Vào một đêm trời mưa gió, một người làng Văn Thai làm lính canh đã bí mật đào tường, đưa tấm bia về cất giấu ở nhà Tổ chùa Văn Thai, rồi sơn vàng tấm bia, xây kín lại để tránh bị phát hiện.
Ngày tổ chức lễ hội, tấm bia được đem ra đền Bia, khách thập phương lại đến xin thuốc và cung tiến tiền để tu sửa đền. Tương truyền, tiền công đức nhiều tới mức đựng hàng thúng, xây đền không hết, dân làng đã mua đá xanh về lát đường làng Văn Thai. Trong đó phải kể đến chuyện ông chánh tổng Nam Sách tên là Lưu Sinh bị tai biến, không đi lại được, đã nhờ người đưa đến đền Bia xin thuốc về uống và khỏi bệnh. Để tỏ lòng biết ơn, năm 1940, ông đã bỏ tiền ra thuê thợ tạc bệ đá đặt tượng Tuệ Tĩnh như ngày nay.
Theo ông Hà Quang Thành, tấm bia đá là hiện vật độc đáo của di tích đền Bia, gắn với đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ nghề y học cổ truyền đề cao phương châm: “Nam dược trị Nam nhân”. Cả cuộc đời Tuệ Tĩnh luôn gắn với sự nghiệp thuốc nam, nghiên cứu những bài thuốc chữa bệnh cho dân chúng. Tấm bia thể hiện tình yêu quê hương sâu sắc của Tuệ Tĩnh, dù bên xứ người nhưng ông vẫn đau đáu một tấm lòng hướng về quê hương, đất nước.
“Hiện nay, hằng ngày đền Bia đón tiếp nhiều du khách đến thắp hương, vãn cảnh và xin thuốc nam về uống, trong đó có nhiều sinh viên trường y dược trên cả nước đi thực tế. Chúng tôi đang làm hồ sơ để trình lên cấp trên đề nghị công nhận tấm bia là bảo vật quốc gia”, ông Thành cho biết.
Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh
|
Thư viện làng Giữa ( Đại Mão- Trung Thôn) đã ra đời ngày 19 tháng 3 năm 2013.Đây là "Thư Viện cấp làng" thứ 2 của tỉnh Bắc Ninh. Kính mong được sự quan tâm của tất cả mọi người (nhất là những người con của quê hương): đến đọc sách tại Thư viện; góp thêm sách bằng các hình thức, cho Thư viện mượn sách; viết bài hoặc sưu tầm các bài hay cho trang " Thư viện giữa làng Đại Mão -Trung Thôn" của Thư viện để mọi người cùng đọc. Hãy cùng nhau học hỏi và giúp đỡ mọi người hiểu biết thêm...
Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015
Cổ vật xứ Đông - Ly kỳ tấm bia hơn 300 năm bị vua Thiệu Trị lệnh 'nhốt' vào ngục như tù nhân
Thương lắm cậu bé đi học bằng tay
Dân trí "Em mong được học hết THPT, tìm được việc làm thích hợp nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho ông bà...". Đó là tâm sự em Lương Văn Mậu - cậu học trò đi học bằng tay.
Đến xã Lượng Minh hỏi bất kỳ ai về em Lương Văn Mậu đi học bằng tay, đầu gối đều thán phục: “Cháu Mậu ấy à. Cả cái xã này ai cũng đều rõ, cháu khổ lắm hằng ngày phải bò đi học đấy, thật đáng khâm phục nghị lực của cậu bé Mậu....”. Người dân nơi đây tâm sự cùng PV Dân trí.
Chúng tôi tìm về trường Tiểu học Lượng Minh vào những ngày cuối tháng 5 và đã có cuộc trò chuyện với thầy Lô Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Hải cho biết: “Cháu Lương Văn Mậu - SN 1997, hiện đang học lớp 5, gia đình nghèo lắm lại ở với ông bà ngoại nhưng cháu rất chăm chỉ học tập, chuyên cần...”.
Gian nan đường đến trường của cậu học trò nghèo bị tật bẩm sinh (Ảnh: Trọng Hưng)
Cậu bé Lương Văn Mậu sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ lúc mới sinh em đã bị tàn tật bẩm sinh, đôi bàn chân teo không thể đi lại được, việc đi lại phải sử dụng bằng đôi bàn tay và đầu gối.
Mồ côi cha mẹ từ sớm nên Mậu và anh trai về sống với ông bà ngoại là ông La Văn Thông (67 tuổi) và bà Lô Thị Lan (65 tuổi) ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An). Ông bà tuổi đã già lại nghèo khó nên cuộc sống của cậu bé khuyết tật càng trở nên thiếu thốn. Tuy vậy Mậu vẫn là học sinh có nghị lực vượt lên trên số phận để học hành chăm chỉ. Ông bà ngoại Mậu tâm sự: "Ở cái tuổi của chúng tôi nếu nuôi hai người bình thường thì đã vất vả lắm rồi đằng này cháu Mậu không được may mắn lành lặn như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cũng thật may mắn đó là cả hai anh em thằng Mậu chăm chỉ học tập nên chúng tôi cũng bớt lo phần nào...".
Thầy Lô Văn Hải cho biết thêm: "Nhà Mậu có hai anh em. Hiện cả hai đều đang đi học, anh trai Mậu đang học lớp 8 trường THCS Lượng Minh. Bố mẹ mất, hai anh em phải ở với ông bà ngoại nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, túng thiếu”.
Được biết, gia đình ông La Văn Thông nằm trong diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ nuôi sống hai ông bà, chứ nói gì đến chuyện nuôi thêm hai đứa cháu.
Em Lô Lương Chôm bạn học cùng lớp là người vẫn thường xuyên cõng Mậu đến trường (Ảnh: Trọng Hưng)
Cô Nguyễn Thị Thảo - giáo viên chủ nhiệm em Mậu cho biết: " Nhìn cậu học trò khuyết tật chăm chỉ đầy nghị lực ngày nào cũng đến lớp bằng hai tay ai cũng xót xa. Mậu có một người bạn học thân là Lô Lương Chôm rất nhiệt tình cõng hoặc chở Mậu bằng xe đạp để đến trường".
Khi được hỏi về ước mơ sau này cậu bé Mậu nói: "Em mong được học hết THPT, tìm được việc làm thích hợp nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho ông bà".
Nghị lực của em Lương Văn Mậu quả thật khiến nhiều người cảm động và khâm phục. Nhưng không biết rồi ước mơ của em có thành hiện thực khi trước mắt còn muôn vàn khó khăn, thử thách.
Dân trí Đôi tay của em Lương Văn Mậu không còn phải “gánh” cả cơ thể như trước đây vì đã có xe lăn. Con đường đến trường của em đã bớt gập ghềnh hơn rất nhiều khi xung quanh em có thầy cô, bạn bè và cả những người không quen biết luôn yêu thương và giúp đỡ.
Gặp lại “cậu bé đi học bằng tay”
Dân trí Đôi tay của em Lương Văn Mậu không còn phải “gánh” cả cơ thể như trước đây vì đã có xe lăn. Con đường đến trường của em đã bớt gập ghềnh hơn rất nhiều khi xung quanh em có thầy cô, bạn bè và cả những người không quen biết luôn yêu thương và giúp đỡ.
>> Thương lắm cậu bé đi học bằng tay
Gặp lại cậu bé đi học bằng tay
Trong chuyến công tác huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi đã gặp lại em Lương Văn Mậu - nhân vật trong bài viết “Thương lắm cậu bé đi học bằng tay” đăng tải trên báo Dân trí cách đây tròn 5 năm. Hiện Mậu đang là học sinh lớp 11C, Trường THPT Tương Dương 1.
Em Lương Văn Mậu khi đang học lớp 5. (Ảnh: Trọng Hưng)
Mậu sinh ra đã bị teo hai chân không thể đi lại được. Để di chuyển, cậu bé phải dùng đôi tay theo kiểu trồng cây chuối. Sinh ra ở bản xốp Mạt (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) - nơi đã từng là điểm nóng về tình trạng mua bán trái phép chất ma túy. Bố mẹ Mậu bị cơn lốc ma túy cuốn đi rồi đưa nhau vào tù. Mậu và người anh trai về ở với ông bà ngoại cùng mấy đứa em con cô (cũng đi tù vì ma túy).
Hai ông bà già và một đàn trẻ lít nhít, cơm không đủ ăn. Đối với những đứa trẻ bình thường, điều đó cũng rất khó để vượt qua huống hồ là một đứa trẻ tật nguyền như em. Vượt qua số phận, vượt qua nghịch cảnh, Mậu vẫn khao khát đến trường chỉ có điều cách đi học của em không giống những người khác. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Mậu và sự giúp đỡ của người bạn Lô Lương Chôm, Mậu đã hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến.
Lương Văn Mậu giờ đã là cậu học sinh lớp 11.
Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Lương Văn Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp vào Trường THPT Tương Dương 1 và đủ điểm đậu. “Lương Văn Mậu có trong danh sách trúng tuyển của trường nhưng đợi mãi không thấy em đến nhập học. Sau đó chúng tôi mới biết em là học sinh khuyết tật vì trong hồ sơ tuyển sinh của em không thể hiện điều đó. Trường đã cử giáo viên về tận nhà vận động em tới trường”, thầy Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Đôi mắt Mậu buồn rầu: “Bố em bị kết án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, thời điểm đó mới bị bắt. Mẹ thì đi tù chưa về. Bà ngoại già yếu (70 tuổi) không nuôi được em ăn học nên bắt em nghỉ ở nhà. Sau các thầy vào động viên, anh trai cũng động viên, lại được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, của Hội Khuyến học huyện nên em mới có thể tiếp tục tới trường”. Bố thụ án, mẹ ra tù, ngựa quen đường cũ lại dính vào ma túy. Cách đây 2 tháng, mẹ của Mậu mới bị bắt lại. Lần này chẳng biết đến lúc nào về.
Mậu được đánh giá là chăm, ngoan nhưng do hoàn cảnh gia đình cũng như mặc cảm bản thân nên sức học của em không còn tốt như trước.
Mậu xuống trường nhập học sau các bạn đến hơn 1 tháng. Ban giám hiệu nhà trường phân công dạy bù cho em, rồi thuê một căn phòng ngay sát cổng trường để em tiện đi học, bố trí người đưa đón Mậu đến lớp hằng ngày. Vì Mậu nhập học muộn trong khi các hồ sơ đề nghị cấp chế độ cho học sinh trong trường đã được phê duyệt nên nhà trường phải linh động, tìm các nguồn khác để hỗ trợ gạo, tiền để em có thể tiếp tục đi học. Ngoài ra Mậu cũng được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp. Sang năm học này, em được hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh tàn tật nên cũng bớt vất vả.
Giờ Mậu không phải đi bằng tay nữa. Sau khi báo Dân trí đăng tải về hoàn cảnh của em, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ Mậu và bà ngoại, mua xe lăn để em tiện đi lại. Hơn nữa, trừ đôi chân ra thì cơ thể em cũng phát triển hơn, đôi tay không đủ khỏe để “gánh” cả thân mình như trước. Nhà trường cũng bố trí lớp học ở tầng 1 để thuận lợi cho việc di chuyển của Mậu.
Thương em Mậu, các thầy cô giáo luôn động viên, giúp đỡ để em có thể theo kịp với bạn bè.
Sáng Mậu đến lớp, trưa về tự nấu nướng, giặt giũ. Mậu ở chung với 3 bạn khác trong một căn phòng nhỏ, đồ đạc cũng không có gì nhiều. Giá sách của em chỉ là chiếc ghế cũ, bàn học cũng không có. Mỗi khi học, Mậu cúi rạp xuống giường. “Sách vở được các thầy cô giáo mua cho, vở em còn thiếu một ít nên em viết 2 môn vào một vở. Em chỉ ước sau này có một cái nghề để có thể sống nuôi bản thân mình. Bố mẹ đã như thế thì em phải học, để sống khác đi, chị ạ”, Mậu tâm sự.
“Nhà trường luôn hỗ trợ tối đa cho em nhưng riêng việc học thì em phải cố gắng nỗ lực chứ không thể trông chờ vào việc không học cũng có thể có thành tích cao được. So với các bạn cùng lớp thì sức học của Mậu cũng chỉ ở mức trung bình. Với điều kiện thực tế của em thì tôi nghĩ ngành Công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn nên Ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên bộ môn Tin học đặc biệt quan tâm và hỗ trợ em trong môn học này”, thầy Tuấn cho biết thêm.
Giường ngủ cũng chính là bàn học của Mậu.
Con đường đến trường của cậu bé đi học bằng tay ngày trước đã bớt gian nan hơn rất nhiều bởi xung quanh em luôn có những tấm lòng yêu thương và sẻ chia. Nhưng cuộc đời em thì chính em phải quyết định. Tôi nhớ mãi đôi mắt buồn thăm thẳm nhưng đầy quyết tâm của Mậu: “Em phải cố gắng thật nhiều để sống khác bố mẹ”.
Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)
Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015
Sắc sắc không không
Sắc sắc không không
Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ. Nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Trần Thanh Giảng -
Tôi có một ông chú rất yêu thích truyện kiếm hiệp Kim Dung. Và mỗi lần ngồi uống rược với ông, thường bàn về tiểu thuyết Kim Dung rất tâm đắc. Trong một lần ngà ngà say, ông hỏi tôi một câu, nếu phải nhận xét về Đoàn Dự và Mộ Dung Phục trong một câu, thì cháu nhận xét thế nào?
Cố nhiên tôi nêu ra vô số nhận xét, rằng Đoàn Dự là một chàng trai chung tình, là người tốt, người nghĩa hiệp, còn Mộ Dung Phục là độc ác, ích kỷ, kẻ tiểu nhân…
Ông nói với tôi, tất cả những gì cháu nhận xét đều đúng, nhưng ý nghĩa sâu xa trong hai nhân vật này thì cháu chưa lĩnh hội được. Những gì mà cháu nói thì ai cũng biết cả và đối với 2 nhân vật này, Kim Dung gởi gắm nhiều triết lý cuộc sống sâu xa hơn thế. Và đương nhiên, tôi chống tai lên nghe ông sẽ nói về hai nhân vật nổi tiếng này của Kim Dung...
Đạo Phật có một triết lý sâu sắc là “sắc sắc không không”. Trong Phật học kinh điển, ý nghĩa của nó có thể rất thâm thúy và khó hiểu. Tôi không có tham vọng giải thích tất cả những ý nghĩa của nó, chỉ nêu một số cảm nhận “sắc sắc không không” từ bộ truyện Thiên Long Bát Bộ.
Sắc sắc: nghĩa là có có, không không là “không có, không có”. Nói một cách dân dã, ý nghĩa của từ này là “có có không không” để diễn tả sự ‘không’ và ‘có’, một quan niệm tương đối. Có mà không, không mà có, khó lường lắm thay.
Trong cuộc sống diễn ra hằng ngày, không ai là có tất cả cũng như không ai là không có gì cả. Cái sự có không chỉ là tương đối. Nhiều khi không có gì tức là có tất cả, và có tất cả lại là không có gì cả. Chỉ là quan niệm suy nghĩ của mỗi người trước cuộc sống mới biết mình có hay không?
Triết học gia cổ đại của Hi Lạp Socrate có câu nói nổi tiếng, là: "Tôi chỉ biết một điều, là tôi không biết gì cả". Và người thông minh nhất là người tự nhìn nhận mình không biết gì cả. Trong cả hai trường hợp đó, ông “có” rất nhiều. Đó cũng là một phần nào của ý nghĩa “sắc sắc không không” trong Phật học
Trở lại với bộ truyện Thiên Long Bát Bộ, thông điệp “sắc sắc không không" được tác giả chuyển tải hoàn chỉnh trong hai nhân vật đối lập chính - tà là Đoàn Dự và Mộ Dung Phục. Đây là hai nhân vật xuyên suốt của bộ truyện và là tham dự nhiều mâu thuẫn ân oán.
Bây giờ ta hãy xem họ có gì, và không có gì? Tại sao họ không có mà tác giả cho là có và ngược lại
Mộ Dung Phục là con trai độc nhất của Mộ Dung Bác, là dòng dõi quý tộc của quốc gia Đại Yên đã bị diệt vong từ những đời trước. Mộ Dung Bác một đời muốn khôi phục lại nước Yên và gia tộc của mình nên đã nghĩ ra những mưu mô xảo quyệt, giây chiến tranh thù địch giữa các thế lực Trung Nguyên và các quốc gia lân cận. Ông ta chết đi (sau này mới biết là chết giả) khi sự nghiệp khôi phục yên quốc còn dang dở, và tất cả đại nghiệp của gia tộc gánh vác lên chàng trai Mộ Dung Phục.
Như vậy, cái có của Mộ Dung Phục là một tiếng tăm, danh gia vọng tộc, là con nhà quý phái. Điều này không phải tự nhiên mà người ta có được. Tự hào lắm thay!
Mộ Dung Phục là một chàng trai anh tuấn, luận về võ công và danh tiếng sánh ngang với Kiều Phong, chính vì vậy mà giang hồ có câu “Nam Kiều Phong, Bắc Mộ Dung’. Quả thật nhà Mộ Dung không phải là hư danh, bởi vì Mộ Dung Phục có môn võ là dùng võ người để đánh người, bởi vậy biết bao cao thủ đều bại dưới tay chàng.
Như vậy, Mộ Dung Phục có một thực tài, một tiếng tăm lừng lẫy, ít nhất người ngoài nhìn vào đều nghĩ anh ta có đủ tài lực để hoàn thành đại nghiệp.
Mộ Dung Phục có một tri kỷ Vương Ngữ Yên, người xinh đẹp bội phần, thông minh tuyệt đỉnh, và hết lòng vì chàng. Vương Ngữ Yên tuy không thích chuyện quốc gia đại sự, nhưng ép mình coi sách võ công để giúp ích cho Mộ Dung Phục. Và quả thật, những khi Mộ Dung Phục gặp khó khăn trong võ học thì được cô gái này chỉ điểm.
Mộ Dung Phục lại có những thuộc hạ toàn tài, và một lòng vì chàng. Đó là Bao Bấtt Đồng và Phong Ba Ác cũng nổi tiếng khắp thiên hạ
Đầu truyện, Kim Dung cũng ưu ái kể về lại lịch của Mộ Dung Phục một cách kỹ lưỡng và rõ ràng, ngay cách xuất hiện của chàng không phải tầm thường mà qua những lời kể của những nhân vật rồi mới đường đường xuất hiện khiến cho người đọc phần nào có cảm nhận tốt về nhân vật này.
Chính vì vậy Mộ Dung Phục cho rằng mình có tất cả, chàng nói “Không nam nam bắc bắc gì cả, trên đời này chỉ có Mộ Dung Phục ta”, chàng tuy chưa khôi phục Yến quốc nhưng lại đối xử với người khác như là bề trên đối xử với bề dưới, nhỏ nhen ích kỷ. Chàng không coi trọng tình yêu của Vương Ngữ Yên mà lấy cô giống như là con bài của mình.
Cuối cùng, Mộ Dung Phục vì cái danh háo đó mà làm hại mình, trở thành người điên điên khùng khùng, ngay cả người trước đây yêu thương mình cũng ra đi, bởi vì tham vọng quá mà hóa rồ.
Trong khi đó, Đoàn Dự giống như không có gì. Chàng tuy xuất thân là Vương gia nước Đại Lý, nhưng không chịu học võ công, nên bản lãnh tầm thương, tính tình hiền lành, và đi đâu cũng bị người khác chê bai ăn hiếp cho là ngờ ngạch (lời của Vương Ngữ Yên).
Chàng bị nhà sư Cưu Ma Trí ức hiếp đi lên phía Bắc lưu lạc giang hồ, đi đâu người ta cũng coi chàng là người chẳng đáng để kính trọng.
Nhưng tất cả trên hết, chàng có một tấm lòng đối tốt – hết lòng với mọi người, một tinh thần hiệp nghĩa, và một mối tình chung thủy với Vương Ngữ Yên, một tấm lòng xả thân vì bạn bè...
Kể từ lúc chàng gặp Mộ Dung Phục, chàng luôn kính phục Mộ Dung Phục, và tự trách bản thân mình kém tài nên không được Vương Ngữ Yên để ý tới.
Nhưng nhìn kỹ ra, chàng là người yêu thương Vương Ngữ Yên cao độ, và nhiều lần xả thân vì nàng, tình yêu của chàng cũng không toan tính. Vì yêu Vương Ngữ Yên mà chàng nhiều lần cứu cả Mộ Dung Phục, có thể gọi là tình địch của chàng.
Trong trận chiến Thiếu Lâm Tự, Đoàn Dự đã lột xác hết tất cả, cái không trong người chàng mất đi, trở thành cái có. Chính chàng ban đầu cũng nghĩ rằng mình không đủ bản lĩnh đối đầu với Mộ Dung Phục, và khi không có đường cùng chàng mới dùng sở trường để đánh. Một trận huyết chiến với Mộ Dung Phục đã thấy rõ tài năng cũng như bản chất hiệp nghĩa cao thượng của chàng. Trong khi đó, Mộ Dung Phục đã thể hiện rõ là một tên độc ác, tiểu nhân, không từ thủ đoạn để thực hiện đại nghiệp của mình...
Sự đời “sắc sắc không không” là chỗ đó. Mộ Dung Phục tuy bề ngoài có tất cả, nhưng bản chất bên trong lại không có gì, vậy mà anh lại lấy cái “không”, làm cái “có”, và tưởng rằng mình có tất cả. Từ đó có những hành động và suy nghĩ không được lòng người. Trịch thượng, cao ngạo, tiểu nhân không từ thủ đoạn và không có tình người.
Trong khi đó, Đoàn Dự bề ngoài có vẻ không có gì, nhưng chàng có tất cả, có một gia đình hạnh phúc, có tuyệt chiêu “Lục Mạch Thần Kiếm’, có cả một trái tim yêu thương, có một tấm lòng nghĩa hiệp, nhưng chàng lại không xem đó là của mình. Chàng lấy cái “không có gì” của mình để xử thế. Cuối cùng hóa ra chàng có rất nhiều.
Mộ Dung Phục lấy có mà hóa ra lại không. Còn Đoàn Dự lấy không có mà loại hóa ra có rất nhiều…
Trong xã hội có rất nhiều người cũng ảo tưởng như Mộ Dung Phục, và cũng có rất nhiều người ẩn mình như Đoàn Dự. Một số người có những thành công bước đầu, vênh vang, tưởng rằng mình có tất cả, coi thường mọi thứ, nhưng cũng có những người thầm lặng, cái có của họ chưa đủ để khoe khoang và lộ diện, họ sống bình dị, và lấy cái có của mình như không để sống.
Bởi vậy, không ai là có tất cả, cũng như không ai là không có gì. Cái có chỉ là ảo ảnh và hư danh, còn cái không trong đời mới là thực. Chính chúng ta sống, khiêm tốn lấy cái không có gì làm trọng, mới chính là có rất nhiều vậy.
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015
Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến được bầu giữ chức Bí thư Bắc Ninh
(Chinhphu.vn) - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu đồng chí Nguyễn Nhân Chiến giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Thị Hà giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh Báo Bắc Ninh |
Ngay sau khi công bố kết quả bầu cử, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX tiến hành tổ chức hội nghị lần thứ nhất.
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí; bầu Bí thư Tỉnh ủy và các Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Nhân Chiến được tái cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy với số phiếu đạt 100%. (Đồng chí Nguyễn Nhân chiến, sinh ngày 20/02/1960; quê quán xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là Tiến sỹ Kinh tế. Đồng chí từng đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Thị ủy Bắc Ninh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh).
Đồng thời, Đại hội bầu các đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Thị Hà được tái cử giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Hữu Quất được phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đại hội bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 11 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Hữu Quất được phân công giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đại hội bầu Ủy ban Kiểm tra gồm 11 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015, nhiều chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng cao, đạt bình quân 15,7%/năm, quy mô kinh tế đứng thứ 6 toàn quốc; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng CNH - HĐH, đã đạt và vượt chỉ tiêu 13/15 tiêu chí của tỉnh công nghiệp.
Năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tới gần 95%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với mục tiêu Đại hội, đứng thứ 2 toàn quốc; hình thành được một số khu công nghiệp có công nghệ cao thu hút được trên 700 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký lũy kế lên tới hơn 11,2 tỷ USD; là một trong 7 tỉnh thu hút vốn FDI cao nhất. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, là một trong 13 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Bên cạnh đó, nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng phát triển nhanh cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phát triển được hàng ngàn trang trại sản xuất kinh doanh hiệu quả; là tỉnh có hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ bậc nhất cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai tích cực, là một trong 10 tỉnh có số tiêu chí đạt cao nhất cả nước, dự kiến có 35 xã (chiếm 36,1% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015…
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21 theo hướng văn minh, hiện đại.
Bình Minh
Hợp long cầu Bình Than, niềm vui lớn trong những ngày lịch sử ( Báo Bắc Ninh)
Hợp long cầu Bình Than, niềm vui lớn trong những ngày lịch sử
Trở lại công trường thi công cầu Bình Than những ngày đầu tháng 9 lịch sử, sau nhiều ngày mưa, trời thu như trong hơn, cao hơn, như hòa quyện với niềm vui lớn của những kỹ sư, công nhân và cả người dân đôi bờ sông Đuống đang đón chờ thời khắc hợp long cầu nối liền đôi bờ sông Đuống, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Cầu Bình Than nhìn từ phía bờ Bắc.
Khắc phục những khó khăn, sau gần 35 tháng thi công, dáng vóc một cây cầu hiện đại đã hiện hữu để khi thông xe, đi vào hoạt động sẽ rút ngắn khoảng cách của các địa phương “bên kia sông Đuống” với trung tâm tỉnh lỵ cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương vốn được coi là “vùng sâu, vùng xa” của tỉnh.
Vượt qua khó khăn
Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà thầu thi công dự án đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những phần việc đúng tiến độ đề ra, bảo đảm lễ hợp long cầu theo sự chỉ đạo của tỉnh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và các đơn vị thi công đã nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, vướng mắc để công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ. Ngoài sự nỗ lực của các đơn vị trực tiếp tham gia quản lý và thi công công trình, thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chính là nhân tố quyết định sự thành công của công trình. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, thường xuyên trực tiếp đến kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị liên quan, giải quyết những khó khăn vướng mắc và thăm hỏi động viên cán bộ, công nhân nỗ lực, quyết tâm cho công trình có ý nghĩa lớn này. Cùng với đó, các địa phương, các sở, ban ngành trong tỉnh cũng đã thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ, nhất là việc chỉ đạo kịp thời các đơn vị trong giải phóng mặt bằng để bàn giao quỹ đất sạch cho công trình.
Với sự quan tâm chỉ đạo đó, các nhà thầu thi công đã huy động tổng lực máy móc, phương tiện và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Có những thời điểm, các nhà thầu thi công đã huy động hàng nghìn công nhân cũng như các phương tiện máy móc để việc thi công không bị gián đoạn. Ông Ngô Bá Toản, Tổng Giám đốc Công ty CP cầu 12, đơn vị đứng đầu liên danh xây dựng gói thầu số 1 cầu Bình Than cho biết: “Xác định đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh, có ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn nên các đơn vị trong liên danh đã khắc phục mọi khó khăn, tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình”. Đang cùng với hàng chục đồng nghiệp khẩn trương thi công những hạng mục còn lại của cầu Bình Than, anh Trịnh Hữu Thắng, công nhân Công ty CP Cầu 3 Thăng Long hồ hởi: “Tháng 9 này là tròn 20 tháng tôi làm việc tại công trường cầu Bình Than. Có thời gian chúng tôi phải chia ca, làm việc 24/24 giờ để bảo đảm tiến độ công trình. Đến giờ phút này, anh em công nhân ai cũng phấn khởi vì công trình đã làm đến những phần việc cuối cùng. Điều đáng mừng là trong suốt quá trình thi công không xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông đáng tiếc nào”.
Chính sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị đã tạo động lực để các đơn vị thi công cây cầu có cầu chính dài 1.659,7m, cầu nhánh dài hơn 370m với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng đang đi đến những công đoạn cuối cùng. Với mục tiêu hợp long cây cầu đúng dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến sáng 11-9 (2 ngày trước lễ hợp long), những khâu cuối cùng của công tác chuẩn bị cho lễ hợp long đã được liên danh nhà thầu hoàn tất. Trên công trình, những lá hồng kỳ phấp phới bay trong gió khiến không khí những ngày tháng lịch sử của dân tộc dường như tràn ngập nơi đây. Từ đầu cầu bên phía bờ Bắc sông Đuống, chỉ mất vài phút chúng tôi đã đi bộ ra đến nhịp cầu giữa sông đang chờ hợp long. Trong một thời gian ngắn nữa, hàng nghìn lượt người và phương tiện ngày ngày phải chờ đợi qua sông bằng đò Châu Cầu-Vạn Tải sẽ được đi trên một trong những cây cầu bề thế nhất của tỉnh.
Công nhân các nhà thầu thi công mặt cầu.
Phấn đấu thông xe trong năm 2015
Cầu Bình Than hoàn thành sẽ kết nối các địa phương đôi bờ sông Đuống, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ đô thị hóa hai bên bờ sông cũng sẽ được phát triển theo đúng quy hoạch của tỉnh. Khi được đưa vào khai thác, sử dụng, cầu Bình Than cùng với cầu Hồ sẽ từng bước hoàn chỉnh tổ chức giao thông qua sông Đuống, thay thế bến đò Châu Cầu- Vạn Tải, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sông. Tuy nhiên, để cầu Bình Than thông xe trong năm nay vẫn còn những khó khăn phía trước.
Theo Sở Giao thông vận tải, sau khi hợp long, các nhà thầu sẽ tập trung thi công, hoàn thiện khối lượng còn lại đang thi công gồm lắp đặt lan can, khe co giãn, chống thấm, thi công mặt cầu, đường dẫn lên cầu... Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vũ Tử Trọng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông (Sở GTVT) cho biết: “Xác định đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nên ngay từ những ngày đầu, cán bộ Ban luôn có mặt tại hiện trường cùng với các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát thực hiện các hạng mục theo đúng tiến độ cũng như bảo đảm kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động. Để phấn đấu hoàn thành thông xe kỹ thuật phần cầu và đường dẫn đến Quốc lộ 38 trong năm 2015, khối lượng công việc còn khá lớn. Hiện nay, cơ quan chức năng đang đôn đốc nhà thầu thi công khắc phục khó khăn, tiếp tục tập trung phương tiện, máy móc, nhân lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng cũng như an toàn lao động trên công trình”. Với tầm vóc là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh, vì vậy chất lượng công trình được đặc biệt chú trọng. Kỹ sư giám sát công trình Phan Thanh Hải, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long cho rằng, việc giám sát dự án đòi hỏi sự tính toán tỉ mỷ, chính xác tuyệt đối, không thể có sai số dù chỉ là một phần nhỏ. Điều cần chú ý hơn hết là chất lượng và an toàn lao động trên công trình đã được các nhà thầu bảo đảm tốt.
Cầu Bình Than là công trình điểm nhấn quan trọng, tiêu biểu, khẳng định thành quả thời kỳ đổi mới và phát triển của tỉnh Bắc Ninh, kết nối giấc mơ đôi bờ của nhân dân hai bờ sông Đuống. Dù còn nhiều việc phải làm nhưng cây cầu hiện đại và ý nghĩa đó đã đang từng ngày hiện hữu với vóc dáng khỏe khoắn đầy kiêu hãnh bắc ngang dòng sông Đuống chở nặng phù sa, xóa tan khoảng cách, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế mới của các địa phương, cũng là lòng mong ước của bao thế hệ người dân trên địa bàn.
Lê Thanh- Dương Hoàn
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015
Gặp lại những đứa trẻ trong ca sinh 5 đầu tiên ở TPHCM
Dân trí Thời gian thấm thoát trôi nhanh, những đứa trẻ trong ca sinh 5 đầu tiên ở TPHCM nay đã sắp tròn 3 tuổi; bé nào cũng lanh lợi, suốt ngày líu lo ca hát hay í ới gọi điện thoại cho ba...
Chiều cuối tuần ngày 20/9, ngôi nhà chị Lê Huỳnh Anh Thư ở con hẻm nhỏ đường Trần Bình Trọng, quận 5, TPHCM giống như một nhà trẻ với những tiếng bi bô, líu lo ca hát rộn rã của 5 đứa trẻ được một mẹ sinh ra cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm...
Đó là những đứa trẻ con của chị Anh Thư ra đời trong ca sinh 5 lần đầu tiên ở TPHCM vào tối ngày 17/3/2013.
Năm đứa trẻ lần lượt có tên (từ phải sang trái): Cả, Hai, Ba, Tư và Út nay đã sắp lên 3 tuổi.
Vừa cùng mẹ chồng đút cơm cho các con, chị Thư vừa kể lại: "Tôi và chồng là anh Nguyễn Thanh Hiếu cưới nhau từ năm 2010. Sau 2 năm chúng tôi vẫn chưa có được con nên đến phòng khám tư để chữa và may mắn mang thai".
Khi thai kỳ bước vào tháng thứ 4, chị Thư lần lượt đi siêu âm và các bác sĩ phát hiện chị có đến 5 thai nhi trong bụng nên khuyên bỏ bớt 1 phôi thai vì mang đa thai có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng chị Thư quyết định giữ lại vì “Tất cả đều là giọt máu của mình”.
Tối 17/3/2013, chị Thư chuyển dạ và lần lượt sinh 5 đứa con (3 trai, 2 gái) trong sự ngỡ ngàng của các bác sĩ BV Từ Dũ.
Tối 17/3/2013, chị Thư chuyển dạ và được đưa vào bệnh viện Từ Dũ. Tại đây, các bác sĩ mổ cho sản phụ và lần lượt đưa ra 3 bé trai (mỗi bé nặng 1,5kg) và 2 bé gái (mỗi bé nặng 1,3kg). Theo Ban giám đốc bệnh viện Từ Dũ thì đây là ca sinh 5 đầu tiên ở TPHCM.
Sau ca sinh, sức khoẻ sản phụ cùng các con đều được chăm sóc tích cực, phát triển tốt. Chỉ riêng 2 bé gái bị suy hô hấp, phải được chăm sóc đặc biệt và nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên sau đó các bé đều khoẻ mạnh được xuất viện về nhà.
Suốt hơn 30 tháng trôi qua, những đứa trẻ trong ca sinh 5 ngày nào nay đã sắp bước vào tuổi lên 3. Bé nào cũng nhanh nhẹn chạy nhảy, múa hát líu lo rộn rã từ trong nhà ra ngoài xóm.
Những đứa trẻ mỗi đứa một tính nết: Anh Cả (giữa) trầm tính; anh Hai (áo đỏ) hay hát trong khi anh Ba (áo xanh) được xem là lém lỉnh, hiếu động nhất nhà.
Anh Ba (ngồi giữa) đang hướng dẫn em gái gọi điện thoại cho ba.
Chị Thư cho biết các con của mình đã được đi nhà trẻ nên sự cực nhọc cũng đỡ nhiều. Mỗi buổi chiều chị và mẹ cùng đi rước các bé về tắm rửa, cơm nước...
Chị Thư cho biết thêm, các con của chị mỗi đứa một tính nết khác nhau nhưng chỉ cần một đứa đi đâu thì 4 đứa còn lại sẽ khóc suốt, chờ khi bé kia trở về mới thôi.
Bé Tư thường hay dùng điện thoại í ới gọi cho ba về.
Nuôi 1 con nhỏ đã vất vả, nuôi 5 con cùng một lúc càng vất vả bội phần nhưng 5 đứa trẻ là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình chị Thư.
“Từ ngày có 5 đứa con, tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm các con cùng sự giúp đỡ của mẹ chồng. Vì vậy mọi thu nhập đều phụ thuộc vào công việc lái taxi của chồng tôi nên cuộc sống rất chật vật. May nhờ được một công ty sữa tài trợ cho các con đến 36 tháng; công ty taxi của anh Hiếu hỗ trợ việc học hành cho chúng đến 18 tuổi nên chúng tôi cũng an tâm phần nào”, chị Thư chia sẻ.
Lê Nhiên
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)