Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Thương lắm cậu bé đi học bằng tay




Dân trí "Em mong được học hết THPT, tìm được việc làm thích hợp nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho ông bà...". Đó là tâm sự em Lương Văn Mậu - cậu học trò đi học bằng tay.

Em Lương Văn Mậu - hằng ngày vẫn luôn đi học phải bò bằng tay như thế này. Qua báo điện tử Dân trí, chúng tôi mong độc giả cùng nhau chia sẻ tới em trong những chẳng đường còn lại (Ảnh: Trọng Hưng)
Đến xã Lượng Minh hỏi bất kỳ ai về em Lương Văn Mậu đi học bằng tay, đầu gối đều thán phục: “Cháu Mậu ấy à. Cả cái xã này ai cũng đều rõ, cháu khổ lắm hằng ngày phải bò đi học đấy, thật đáng khâm phục nghị lực của cậu bé Mậu....”. Người dân nơi đây tâm sự cùng PV Dân trí.
Chúng tôi tìm về trường Tiểu học Lượng Minh vào những ngày cuối tháng 5 và đã có cuộc trò chuyện với thầy Lô Văn Hải - Hiệu trưởng nhà trường. Thầy Hải cho biết:  “Cháu Lương Văn Mậu - SN 1997, hiện đang học lớp 5, gia đình nghèo lắm lại ở với ông bà ngoại nhưng cháu rất chăm chỉ học tập, chuyên cần...”.
Gian nan đường đến trường của cậu học trò nghèo bị tật bẩm sinh (Ảnh: Trọng Hưng)

Cậu bé Lương Văn Mậu sinh ra trong một gia đình nghèo, ngay từ lúc mới sinh em đã bị tàn tật bẩm sinh, đôi bàn chân teo không thể đi lại được, việc đi lại phải sử dụng bằng đôi bàn tay và đầu gối.
Mồ côi cha mẹ từ sớm nên Mậu và anh trai về sống với ông bà ngoại là ông La Văn Thông (67 tuổi) và bà Lô Thị Lan (65 tuổi) ở bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An). Ông bà tuổi đã già lại nghèo khó nên cuộc sống của cậu bé khuyết tật càng trở nên thiếu thốn. Tuy vậy Mậu vẫn là học sinh có nghị lực vượt lên trên số phận để học hành chăm chỉ. Ông bà ngoại Mậu tâm sự: "Ở cái tuổi của chúng tôi nếu nuôi hai người bình thường thì đã vất vả lắm rồi đằng này cháu Mậu không được may mắn lành lặn như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng cũng thật may mắn đó là cả hai anh em thằng Mậu chăm chỉ học tập nên chúng tôi cũng bớt lo phần nào...".
Thầy Lô Văn Hải cho biết thêm: "Nhà Mậu có hai anh em. Hiện cả hai đều đang đi học, anh trai Mậu đang học lớp 8 trường THCS Lượng Minh. Bố mẹ mất, hai anh em phải ở với ông bà ngoại nhưng hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, túng thiếu”.
Được biết, gia đình ông La Văn Thông nằm trong diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ nuôi sống hai ông bà, chứ nói gì đến chuyện nuôi thêm hai đứa cháu.
Em Lô Lương Chôm bạn học cùng lớp là người vẫn thường xuyên cõng Mậu đến trường (Ảnh: Trọng Hưng)
Cô Nguyễn Thị Thảo - giáo viên chủ nhiệm em Mậu cho biết: " Nhìn cậu học trò khuyết tật chăm chỉ đầy nghị lực ngày nào cũng đến lớp bằng hai tay ai cũng xót xa. Mậu có một người bạn học thân là Lô Lương Chôm rất nhiệt tình cõng hoặc chở Mậu bằng xe đạp để đến trường".
Khi được hỏi về ước mơ sau này cậu bé Mậu nói: "Em mong được học hết THPT, tìm được việc làm thích hợp nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho ông bà".
Nghị lực của em Lương Văn Mậu quả thật khiến nhiều người cảm động và khâm phục. Nhưng không biết rồi ước mơ của em có thành hiện thực khi trước mắt còn muôn vàn khó khăn, thử thách.

Gặp lại “cậu bé đi học bằng tay”

Dân trí Đôi tay của em Lương Văn Mậu không còn phải “gánh” cả cơ thể như trước đây vì đã có xe lăn. Con đường đến trường của em đã bớt gập ghềnh hơn rất nhiều khi xung quanh em có thầy cô, bạn bè và cả những người không quen biết luôn yêu thương và giúp đỡ.
 >> Thương lắm cậu bé đi học bằng tay

 
Gặp lại cậu bé đi học bằng tay
Trong chuyến công tác huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), chúng tôi đã gặp lại em Lương Văn Mậu - nhân vật trong bài viết “Thương lắm cậu bé đi học bằng tay” đăng tải trên báo Dân trí cách đây tròn 5 năm. Hiện Mậu đang là học sinh lớp 11C, Trường THPT Tương Dương 1.

Em Lương Văn Mậu khi đang học lớp 5. (Ảnh: Trọng Hưng)
Em Lương Văn Mậu khi đang học lớp 5. (Ảnh: Trọng Hưng)
Mậu sinh ra đã bị teo hai chân không thể đi lại được. Để di chuyển, cậu bé phải dùng đôi tay theo kiểu trồng cây chuối. Sinh ra ở bản xốp Mạt (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) - nơi đã từng là điểm nóng về tình trạng mua bán trái phép chất ma túy. Bố mẹ Mậu bị cơn lốc ma túy cuốn đi rồi đưa nhau vào tù. Mậu và người anh trai về ở với ông bà ngoại cùng mấy đứa em con cô (cũng đi tù vì ma túy).
Hai ông bà già và một đàn trẻ lít nhít, cơm không đủ ăn. Đối với những đứa trẻ bình thường, điều đó cũng rất khó để vượt qua huống hồ là một đứa trẻ tật nguyền như em. Vượt qua số phận, vượt qua nghịch cảnh, Mậu vẫn khao khát đến trường chỉ có điều cách đi học của em không giống những người khác. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Mậu và sự giúp đỡ của người bạn Lô Lương Chôm, Mậu đã hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, nhiều năm liền em là học sinh tiên tiến.
Lương Văn Mậu giờ đã là cậu học sinh lớp 11.
Lương Văn Mậu giờ đã là cậu học sinh lớp 11.
Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Lương Văn Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp vào Trường THPT Tương Dương 1 và đủ điểm đậu. “Lương Văn Mậu có trong danh sách trúng tuyển của trường nhưng đợi mãi không thấy em đến nhập học. Sau đó chúng tôi mới biết em là học sinh khuyết tật vì trong hồ sơ tuyển sinh của em không thể hiện điều đó. Trường đã cử giáo viên về tận nhà vận động em tới trường”, thầy Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Đôi mắt Mậu buồn rầu: “Bố em bị kết án 16 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, thời điểm đó mới bị bắt. Mẹ thì đi tù chưa về. Bà ngoại già yếu (70 tuổi) không nuôi được em ăn học nên bắt em nghỉ ở nhà. Sau các thầy vào động viên, anh trai cũng động viên, lại được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, của Hội Khuyến học huyện nên em mới có thể tiếp tục tới trường”. Bố thụ án, mẹ ra tù, ngựa quen đường cũ lại dính vào ma túy. Cách đây 2 tháng, mẹ của Mậu mới bị bắt lại. Lần này chẳng biết đến lúc nào về.
Mậu được đánh giá là chăm, ngoan nhưng do hoàn cảnh gia đình cũng như mặc cảm bản thân nên sức học của em không còn tốt như trước.
Mậu được đánh giá là chăm, ngoan nhưng do hoàn cảnh gia đình cũng như mặc cảm bản thân nên sức học của em không còn tốt như trước.
Mậu xuống trường nhập học sau các bạn đến hơn 1 tháng. Ban giám hiệu nhà trường phân công dạy bù cho em, rồi thuê một căn phòng ngay sát cổng trường để em tiện đi học, bố trí người đưa đón Mậu đến lớp hằng ngày. Vì Mậu nhập học muộn trong khi các hồ sơ đề nghị cấp chế độ cho học sinh trong trường đã được phê duyệt nên nhà trường phải linh động, tìm các nguồn khác để hỗ trợ gạo, tiền để em có thể tiếp tục đi học. Ngoài ra Mậu cũng được miễn phí hoàn toàn các khoản đóng góp. Sang năm học này, em được hưởng chế độ hỗ trợ của học sinh tàn tật nên cũng bớt vất vả.
Giờ Mậu không phải đi bằng tay nữa. Sau khi báo Dân trí đăng tải về hoàn cảnh của em, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp ủng hộ Mậu và bà ngoại, mua xe lăn để em tiện đi lại. Hơn nữa, trừ đôi chân ra thì cơ thể em cũng phát triển hơn, đôi tay không đủ khỏe để “gánh” cả thân mình như trước. Nhà trường cũng bố trí lớp học ở tầng 1 để thuận lợi cho việc di chuyển của Mậu.

Thương em Mậu, các thầy cô giáo luôn động viên, giúp đỡ để em có thể theo kịp với bạn bè.
Thương em Mậu, các thầy cô giáo luôn động viên, giúp đỡ để em có thể theo kịp với bạn bè.
Sáng Mậu đến lớp, trưa về tự nấu nướng, giặt giũ. Mậu ở chung với 3 bạn khác trong một căn phòng nhỏ, đồ đạc cũng không có gì nhiều. Giá sách của em chỉ là chiếc ghế cũ, bàn học cũng không có. Mỗi khi học, Mậu cúi rạp xuống giường. “Sách vở được các thầy cô giáo mua cho, vở em còn thiếu một ít nên em viết 2 môn vào một vở. Em chỉ ước sau này có một cái nghề để có thể sống nuôi bản thân mình. Bố mẹ đã như thế thì em phải học, để sống khác đi, chị ạ”, Mậu tâm sự.
“Nhà trường luôn hỗ trợ tối đa cho em nhưng riêng việc học thì em phải cố gắng nỗ lực chứ không thể trông chờ vào việc không học cũng có thể có thành tích cao được. So với các bạn cùng lớp thì sức học của Mậu cũng chỉ ở mức trung bình. Với điều kiện thực tế của em thì tôi nghĩ ngành Công nghệ thông tin sẽ phù hợp hơn nên Ban giám hiệu cũng yêu cầu giáo viên bộ môn Tin học đặc biệt quan tâm và hỗ trợ em trong môn học này”, thầy Tuấn cho biết thêm.
Giường ngủ cũng chính là bàn học của Mậu.
Giường ngủ cũng chính là bàn học của Mậu.
Con đường đến trường của cậu bé đi học bằng tay ngày trước đã bớt gian nan hơn rất nhiều bởi xung quanh em luôn có những tấm lòng yêu thương và sẻ chia. Nhưng cuộc đời em thì chính em phải quyết định. Tôi nhớ mãi đôi mắt buồn thăm thẳm nhưng đầy quyết tâm của Mậu: “Em phải cố gắng thật nhiều để sống khác bố mẹ”.
Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét