Lãnh đạo Bảo tàng Nobel nói về khả năng người Việt Nam giành giải Nobel
Dân trí Tiến sĩ Ulf Larsson - Phó Giám đốc Bảo tàng Nobel tại Stockholm (Thụy Điển) cho rằng: "Nếu có sự quan tâm sát sao và nỗ lực không ngừng trong các lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình, trong tương lai Việt Nam có thể sẽ giành một số giải Nobel".
Nhân dịp trước thềm trao giải Nobel 2015, Tiến sĩ Ulf Larsson đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí về hoạt động của Bảo tàng Nobel mang sứ mệnh truyền tải tinh thần của Alfred Nobel và khuyến khích các hoạt động trong lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình.
Sứ mệnh truyền tải tinh thần Alfred Nobel
Tiến sĩ Ulf Larsson, Phó Giám đốc Bảo tàng Nobel tại Stockholm (Thụy Điển).
Trong số những nhân vật đã giành giải Nobel, ai là người để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?
Đằng sau mỗi hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Nobel hay mỗi công trình đoạt giải đều là những câu chuyện thú vị. Cá nhân tôi thực sự ấn tượng với cô bé người Pakistan Malala Yousafzai - người đã dũng cảm xuất hiện trước toàn thế giới đấu tranh đòi quyền đi học cho phái nữ sau khi sống sót kỳ diệu trong vụ ám sát do lực lượng Hồi giáo Taliban gây ra.
Vào ngày 12/7/2013, cô bé 16 tuổi đội chiếc khăn màu hồng đứng tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, phát đi thông điệp được mọi người tán thưởng: "Một giáo viên, một quyển sách, một cây bút có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Kiến thức sẽ giúp phụ nữ có thêm sức mạnh và sức mạnh này thực sự sẽ làm những kẻ khủng bố cực đoan phải khiếp sợ".
Ngày 10/10/2014, Malala được xướng tên giành giải Nobel Hòa bình năm 2014, trở thành người đoạt giải Nobel trẻ nhất. Cô bé đã cho mọi người thấy rằng thế hệ trẻ có thể tạo nên sự khác biệt để giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn nếu họ có ý chí và quyết tâm. Đây cũng là thông điệp mà Bảo tàng Nobel muốn truyền tải tới công chúng.
Ngoài trưng bày các hiện vật, bảo tàng còn tổ chức những hoạt động gì để thúc đẩy cảm hứng sáng tạo cho khách tham quan, thưa ông?
Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình vui chơi theo nhóm cho học sinh, sinh viên, các gia đình cũng như có các bài giảng, hội thảo chuyên đề, biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim... về chủ đề giải thưởng Nobel và những câu chuyện liên quan. Đến với bảo tàng, trẻ em có cơ hội khám phá thế giới khoa học đầy sáng tạo thông qua những trò chơi, những bộ phim cũng như các tác phẩm văn học.
Chúng tôi làm các thí nghiệm vật lý và hóa học cho trẻ em, khuyến khích các cháu tự sáng tác thơ... Có rất nhiều trò chơi hấp dẫn cho bọn trẻ từ những thứ đơn giản nhất như tạo bong bóng xà phòng. Chúng tôi còn mời các nhà khoa học và nhà hoạt động vì hòa bình đến trò chuyện cùng các em. Theo tôi, cách tốt nhất để thúc đẩy sự sáng tạo của trẻ em là khuyến khích các cháu ham học hỏi và khám phá thế giới.
Có rất nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đến thăm bảo tàng. Tiếc là không gian hiện nay của chúng tôi còn hạn chế nên chưa thể tổ chức tất cả các hoạt động như mong muốn. Chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng một tòa nhà mới để tổ chức nhiều hoạt động thú vị hơn cho các gia đình.
Tôi tin rằng, tìm hiểu về giải thưởng Nobel sẽ giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy sự sáng tạo cho trẻ em, góp phần tạo nên những tên tuổi giành giải Nobel trong tương lai. Chính vì vậy chúng tôi luôn mong muốn thu hút nhiều khách tham quan hơn nữa để giúp truyền cảm hứng tinh thần Alfred Nobel.
Lĩnh vực trao giải Nobel: Không cần mở rộng
Bản di chúc của Alfred Nobel được trưng bày tại Bảo tàng Nobel
Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất để một công trình giành giải Nobel?
Tôi cho rằng tiêu chí quan trọng nhất như ước nguyện của Alfred Nobel là nhằm trao giải cho những công trình mang lại ích lớn nhất cho nhân loại. Tuy nhiên, đôi khi lợi ích đối với con người có thể chưa được ứng dụng luôn trong thực tế, nhưng rất quan trọng về lâu dài. Vì vậy, các ủy ban phải cân nhắc nhiệm vụ và đưa ra quyết định phù hợp cho trao giải hàng năm.
Đối với hầu hết những người đoạt giải, giải thưởng Nobel là một sự kiện lớn trong đời vì họ sẽ trở nên nổi tiếng và được mọi người chú ý hơn. Nhiều người được mời tham gia giảng bài hay giải Nobel cũng có thể giúp người giành giải xuất bản được nhiều sách hơn.
Đối với một số người, giải Nobel là một cái gì đó đặc biệt lớn lao. Chẳng hạn như với Albert Einstein, giải Nobel đã giúp ông xoa dịu dư luận vì trước đó đã có rất nhiều người từng hỏi ông với vẻ trách móc rằng tại sao ông chưa được giải Nobel.
Ông có nghĩ rằng trong tương lai giải Nobel sẽ được mở rộng sang một số lĩnh vực khác với những đóng góp lớn cho nhân loại dù không được đề cập trong bản di chúc của Alfred Nobel?
Cá nhân tôi không nghĩ vậy vì như những điều Alfred Nobel đã đề cập trong bản di chúc, các lĩnh vực được trao giải đều rất phù hợp và cho đến nay hoạt động trao giải Nobel vẫn được thực hiện tốt. Tất nhiên, bên cạnh 6 lĩnh vực được trao giải Nobel còn có nhiều lĩnh vực khác với đóng góp lớn lao cho nhân loại như ở lĩnh vực văn hóa, xã hội chẳng hạn. Giải Nobel đã đủ bao trùm các lĩnh vực quan trọng nên tôi nghĩ rằng không cần mở rộng thêm nữa.
"Đừng lùi bước, hãy sáng tạo và đi đến cùng!"
Xin ông cho biết về cách thức hoạt động của Quỹ Nobel? Làm thế nào quỹ đảm bảo được tài chính để trao giải dựa trên khoản tiền Alfred Nobel để lại?
Theo bản di chúc của Alfred Nobel, Quỹ Nobel hoạt động tương tự như một công ty đầu tư. Số tiền mà Nobel để lại cho quỹ phải được tích lũy trong ngân hàng hoặc đầu tư vào những kênh an toàn nhằm tạo ra một nguồn tài chính vững chắc cho các giải thưởng và các hoạt động hành chính.
Đầu thế kỷ 20, số tiền trong Quỹ Nobel bị giảm sút do tác động của chính sách thuế và một số yếu tố khác liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 1946, Quỹ Nobel được miễn các loại thuế ở Thụy Điển và từ năm 1953 quỹ cũng được miễn các loại thuế đầu tư tại Hoa Kỳ, điều này đã giúp tạo điều kiện phát triển cho các hoạt động đầu tư của quỹ.
Chân dung những người giành giải Nobel được trưng bày tại bảo tàng
Ông thấy có nhiều du khách Việt Nam tới tham quan Bảo tàng Nobel không? Ông có cho rằng, một ngày nào đó, sẽ có hiện vật hay tên tuổi của người Việt Nam giành giải Nobel được trưng bày tại bảo tàng?
Chúng tôi không có số liệu cụ thể về khách tham quan đến từ quốc gia nào, vì vậy, tôi không thể nói có bao nhiêu người Việt Nam đến thăm Bảo tàng Nobel. Tuy nhiên, nhìn chung, lượng khách quốc tế đến thăm bảo tàng đông hơn khách trong nước.
Trong di chúc để lại, Alfred Nobel đã tuyên bố rằng giải thưởng được trao không phân biệt quốc gia nên các quốc gia, vì thế người xứng đáng nhất sẽ nhận giải, dù có phải là người Scandinavi hay không, nhưng cũng không có bất kỳ sự đảm bảo nào để tất cả các quốc gia trên thế giới đều có thể giành giải Nobel.
Tôi cho rằng, nếu có sự quan tâm sát sao và nỗ lực không ngừng trong các lĩnh vực khoa học, văn học và hòa bình, trong tương lai có thể sẽ có một số người Việt Nam đoạt giải Nobel. Theo tôi, không chỉ làm việc chăm chỉ mà điều quan trọng là chúng ta dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân kiên trì theo đuổi đến cùng những ý tưởng của mình cho dù người khác nói rằng đó là việc bất khả thi, không thể làm được đi chăng nữa. Đừng lùi bước, hãy sáng tạo và đi đến cùng!
Nam Hằng
(Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét