Phác thảo toàn cảnh hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh
Nhiều năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh thường xuyên được xây dựng, tu sửa, nâng cấp.
Kết quả điều tra về thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện gần đây nhất cho thấy bức tranh toàn cảnh của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trong tỉnh. Cấp tỉnh hiện có các thiết chế chủ yếu như: Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh, Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Trung tâm hoạt động TDTT, Trung tâm huấn luyện TDTT. Tuy nhiên, ngoài Bảo tàng, Thư viện và Trung tâm hoạt động TDTT được quan tâm đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, còn lại các đơn vị khác như Trung tâm Văn hóa tỉnh, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Rạp chiếu phim, Trung tâm huấn luyện TDTT... hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp, không bảo đảm được các điều kiện để hoạt động và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Nhà văn hóa thôn Doi Sóc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn) góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân
Đối với cấp huyện, 8/8 huyện, thành phố, thị xã thành lập Trung tâm Văn hóa, Thể thao là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố có quy hoạch quỹ đất xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện các địa phương được sự hỗ trợ của tỉnh đang xúc tiến các thủ tục để giải phóng mặt bằng tiến tới đầu tư hoàn thiện những hạng mục cơ bản như Sân vận động... Hiện nay, duy nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Bắc Ninh vừa đưa vào sử dụng đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Còn lại, hầu hết Trung tâm Văn hóa-Thể thao của 6 huyện và thị xã Từ Sơn có cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, thiếu các phòng chức năng, hiệu quả hoạt động chưa cao, chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền là chủ yếu.
Trụ sở của một số Trung tâm Văn hóa-Thể cấp huyện đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng như huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong, Thuận Thành; một số huyện như Quế Võ có Trung tâm Văn hóa Thể thao nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về tình hình hoạt động, chỉ có 3/8 đơn vị đã thành lập Đội tuyên truyền lưu động là Tiên Du, Thuận Thành, Yên Phong. Đặc biệt, cả 8/8 đơn vị hiện vẫn chưa có điểm vui chơi trẻ em cấp huyện. Hầu hết các điểm vui chơi cho trẻ em đều phát triển tự phát, do cá nhân đầu tư thành lập.
Ở cấp xã, phường, vẫn còn gần 11% số xã, phường, thị trấn chưa có quy hoạch quỹ đất xây dựng Trung tâm văn hóa Thể thao; 22,4% có quy hoạch nhưng không đảm bảo theo chuẩn; 66,6% có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng và chỉ có 11% số xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao, tuy nhiên mới chỉ 4% trong đó đạt chuẩn về diện tích xây dựng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cơ sở vật chất, trang thiết bị có nơi có một phần, thiếu đồng bộ, có nơi không có; dẫn đến hoạt động văn hóa, thể thao ở cấp xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.
Về Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, khu phố, toàn tỉnh hiện có 83,8% làng, khu phố có quy hoạch quỹ đất xây dựng Nhà văn hóa, Khu thể thao; 65% số thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa; 33,3% số thôn, làng, khu phố tận dụng các công trình khác như đình, chùa, trường mầm non… làm nơi sinh hoạt cộng đồng (thay chức năng của Nhà văn hóa); 30,2% số nhà văn hóa đạt chuẩn về diện tích xây dựng và trang thiết bị hoạt động; còn lại 69,8% nhà văn hóa không đạt chuẩn về diện tích xây dựng. Đa số chưa có sân thể thao theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giữ một vai trò quan trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là một phần quan trọng tạo nên diện mạo của đô thị hiện đại và bộ mặt mới của nông thôn và là nơi tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao này còn đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa và rèn luyện sức khỏe của các tầng lớp nhân dân, giúp thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng và tăng thêm “sức đề kháng” đối với tệ nạn xã hội cũng như sự xâm nhập của những luồng văn hóa ngoại lai phức tạp…
Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp là một nhu cầu bức thiết, một đòi hỏi chính đáng của nhân dân và là một phần không thể thiếu của xã hội. Nhưng thiết chế văn hóa nếu chỉ là một công trình hoặc một ngôi nhà thì chưa đủ bởi nó phải đi liền với trang thiết bị, nguồn nhân lực cán bộ, tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, kinh phí. Có như vậy, hệ thống thiết chế văn hóa mới phát huy hiệu quả sử dụng và vai trò quan trọng của nó.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét