Thành lập Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam
Dân trí Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ra Quyết định xây dựng Phòng truyền thống Giáo dục Việt Nam.
Theo Quyết định, Phòng Truyền thống Giáo dục Việt Nam để trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tài liệu, đánh dấu các mốc lịch sử của ngành Giáo dục Việt Nam, hướng tới xây dựng Bảo tàng Giáo dục Việt Nam.
Ngành Giáo dục Việt Nam đến nay đã trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành (1945 – 2015). 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giáo dục –đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cụ thể, trong thời kỳ 9 năm kháng chiến (1945-1954), giáo dục từ phổ thông đến đại học có sự phát triển, thay đổi về chất, tất cả đều được dạy bằng tiếng Việt.
Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một “kỳ tích” của Giáo dục. Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức khán chiến đã trở thành niềm tự hào của dân tộc. Phong trào thi đua như: “nghìn việc tốt”, thi đua làm theo lời Bác “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh. Hàng vạn nhà giáo, học sinh, sinh viên đã lên đường nhập ngũ, bảo vệ đất nước.
Sau năm 1975 đến nay, cả nước mỗi ngày có hơn 23 triệu người đến trường học tập, hơn 1 triệu thầy cô giáo đến trường giảng dạy, mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển mạnh, không còn “xã trắng” về giáo dục mầm non, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Các phong trào thi đua phát triển theo chiều sâu, với nhiều phong trào như “dạy tốt”, “học tốt”, “xây dựng trường học thân thiện, phụ huynh tích cực”... đã trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong ngành...
Giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo, toàn ngành quyết tâm tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, sâu sắc và hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục- đào tạo, thi đua, khen thưởng; tổ chức thực hiện có chiều sâu và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo chuyển biến căn bản, thực chất và chất lượng toàn ngành.
Hồng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét