Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Cúng sao giải hạn: Có dâng sao đến nghìn, vạn, triệu lần cũng thế!

Cúng sao giải hạn: Có dâng sao đến nghìn, vạn, triệu lần cũng thế!

“Có dâng đến nghìn lần, vạn lần, triệu lần đi chăng nữa thì các ngôi sao vẫn vận động như thế. Nó không thay đổi. Và vì thế không thể ảnh hưởng đến số phận con người. Làm sao dâng sao giải hạn được?”, GS Trần Lâm Biền nói.
Mỗi dịp đầu năm mới, hàng vạn người dân lại sốt sắng làm lễ dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, điều này liệu có thể giải hạn được thật không hay chỉ là một việc làm mê tín?
Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phước Long (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cho rằng trong kinh sách nhà Phật không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho phật tử. Đối với phật giáo, không có ngày xấu, ngày đẹp, sao xấu, sao tốt như người ta lầm tưởng.
Nhiều người dân tin rằng có thể cúng sao giải hạn. (ảnh minh họa)
Đại đức Thích Bản Quyền cho biết phúc lộc hay tai họa đều tuân theo luật nhân quả do con người tạo ra. Nếu làm việc thiện sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Cúng giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an. Phật ở tại tâm, khi chúng ta có sự tôn kính, thành tâm thì nơi nào cũng có thể cầu nguyện, không bắt buộc phải đến chùa. Đôi khi người dân có những suy nghĩ trái với giáo lý nhà Phật, nghe tên một ngôi chùa thiêng, họ kéo nhau đến đó cúng bái.
Đồng tình với quan điểm này, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này. Tục dâng sao giải hạn là những tồn tại từ lâu đời trong dân gian. Nó nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo nó dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa.
Tục này đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người, nhất là người dân Việt Nam. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, có sao xấu. Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn.
GS Trần Lâm Biền
Theo PGS-TS, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, quan niệm các chòm sao chiếu mạng khởi đầu là ở vùng Trung Cận Đông, rồi lan tỏa đi khắp nơi. Các nhà chiêm tinh nhận thấy rằng ở trên bầu trời có một số ngôi sao chủ, mỗi lúc nó khác nhau, có trật tự khác nhau. Người ta nghĩ tới, con người sinh ra giờ khác nhau, thời khắc khác nhau thì bị chi phối bởi các ngôi sao đó. Rồi họ cho rằng những ngôi sao ấy sẽ chi phối cho những số phận...
“Đi xa dần khỏi trung tâm của vấn đề thì quan niệm cứ ngày càng méo mó đi. Vì nghĩ là sao trời ảnh hưởng đến số phận nên người ta muốn dâng sao giải hạn. Nói đơn giản hành vi dâng sao giải hạn là cách “nịnh hót” các tinh tú trên trời để tránh tai họa”, GS Trần Lâm Biền lý giải tâm lý người dân chen nhau đi dâng sao giải hạn.
Theo GS Biền, việc dâng sao giải hạn này suy cho cùng chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Khi con người không tu thân, làm những việc sai trái, buôn gian bán lận thì chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn.
“Có dâng đến nghìn lần, vạn lần, triệu lần đi chăng nữa thì các ngôi sao vẫn vận động như thế. Nó không thay đổi. Và vì thế không thể ảnh hưởng đến số phận con người. Làm sao dâng sao giải hạn được? Vấn đề ảnh hưởng đến số phận con người là do chính người đó tạo nên. Ở đây có khía cạnh nhân quả, sống như thế nào thì có kết cục tương ứng. Thứ hai là do môi trường sống, cách quan hệ, ứng xử trong cuộc sống.
Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, ứng xử tốt với mình, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh, lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn”, GS Trần Lâm Biền cho hay.
Theo GS Trần Lâm Biền, cửa chùa không phải là nơi cúng dâng sao giải hạn, bởi “Đức Phật Thích Ca cầm bông sen vàng giơ lên và nói với chúng sinh rằng: ta là phật đã thành, chúng sinh là phật chưa thành. Cho nên, đến chùa là để tìm cái bản thể, cốt lõi trong sáng tốt đẹp nhất của bản thân mình. Hãy vén đám mây mù ngu tối che đậy thân tâm thì tự nhiên ánh sáng trí tuệ sẽ rọi tới.
Ngôi chùa là nơi để chúng sinh đến tìm lấy cái bản thể của mình, làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ phật chứ không đến chùa để tìm sự vô lý, mê tín dị đoan, nhảm nhí, lừa dối chính bản thân mình. Lừa dối chính bản thân mình là lừa dối Phật”, GS Trần Lâm Biền chia sẻ.
Vì thế, theo GS Trần Lâm Biền, người dân đang bị một số kẻ lợi dụng, lừa bịp khi đua nhau đi cúng sao giải hạn. Việc dâng sao giải hạn thuộc lĩnh vực của đạo giáo, thuộc tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc đạo Phật.
“Không có tôn giáo nào dính đến dâng sao giải hạn. Tất cả những người đi chùa mà dâng sao giải hạn, đứng ở bậc tín ngưỡng là không có lợi gì hết. Khi chùa nào thực hiện việc cúng dâng sao giải hạn thì phải xét lại. Nếu nhà chùa đi đúng theo tinh thần của đạo Phật, không làm chuyện đó, thì ai đi dâng sao? Chính là có người lợi dụng biến cửa chùa thành cửa đền, mang tính chất đạo giáo, yếu tố phù thủy...”, GS Trần Lâm Biền cho biết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét