QĐND - Thứ sáu, 31/07/2015 | 13:12 GMT+7
QĐND -
Năm năm sống ở Hà Nội, tôi đã quen với việc nhìn thấy mọi thứ đồ đẹp
nhất qua ô kính của các cửa hàng hay trong các siêu thị, trung tâm
thương mại. Dù cho không phải giới thượng lưu nhưng bây giờ để được thấy
những thứ hàng đắt đỏ ấy là không khó. Ngay cả những mặt hàng gia dụng,
bình dân bây giờ cũng được làm với màu sắc, mẫu mã rất đẹp, khác xa
những năm về trước. Sở dĩ tôi dài dòng như vậy về những điều hiển nhiên
ai cũng biết, bởi chiều nay, ngay chính trong lòng thành phố ồn ào, hoa
lệ này, tôi như lạc vào một thế giới khác. Thế giới của những gì cũ xưa,
hoài niệm, những khoảng lặng thăm thẳm của không gian và thời gian.
Có
lẽ với những người sống lâu năm ở Hà Nội thì chợ đồ cũ không còn xa lạ.
Nhưng với người chưa biết nhiều về thành phố này thì đây giống như một
món quà bất ngờ hay một thế giới khác biệt. Không ồn ào, xô bồ, không
rực rỡ xa hoa, chợ đồ cũ trầm mặc ngay bên con đường lớn tấp nập người
qua. Không tiếng mời chào mua hàng, cũng không tiếng mặc cả, dù chợ vẫn
đông người qua lại. Bởi ở đó, người bán biết người mua sẽ tự tìm mua
những thứ họ cần, và thực sự cần người mua mới đến đây để tìm. Còn người
mua khi đã tìm được thứ họ cần thì cũng ít khi họ mặc cả, trả giá, bởi
vì giữa bao nhiêu thứ đồ mới ngoài kia họ đã không tìm được.
Minh họa: LÊ ANH. |
Một
vài bộ ấm chén cũ kỹ, men tráng thô sơ, sần sùi, như thể màu thời gian,
màu của trà đã hằn in trên đó. Tôi tưởng tượng ở một nơi xa xôi nào đó
cả về thời gian, không gian các vị tiền bối đã ngồi quanh bộ ấm chén
kia, châm trà và đàm đạo với nhau về nhân tình thế thái, về hậu thế ngày
sau. Cũng có thể quanh đó là biết bao câu chuyện, bao số phận thậm chí
là cả lịch sử. Còn bao nhiêu thứ đồ khác, những chiếc đồng hồ cát, đồng
hồ quả quýt, đồng hồ quả lắc kiên nhẫn, bền bỉ đếm thời gian. Nhìn vào
đó tôi hình dung dường như cả thế kỷ đã ngủ yên trong những vòng quay
đều đặn, mỏi mòn mà chưa bao giờ dừng lại, vĩnh cửu như vòng quay của
Trái đất.
Tôi
để ý một người thiếu phụ cầm trên tay chiếc cối giã trầu đen bóng rất
lâu. Thật khó để gọi tên biểu cảm trên gương mặt chị. Rồi chị rút tờ
tiền mệnh giá cao nhất đưa cho người bán hàng. Có lẽ chiếc cối giã trầu
ấy có ý nghĩa lắm với chị. Tôi nhớ về chiếc cối của nội tôi. Từ ngày nội
mất, chiếc cối nằm lặng yên trên ban thờ. Chiếc cối làm từ vỏ đạn bác
tôi đem về từ chiến trường. Chiếc cối đã cứu bác tôi từ một vết đạn quân
thù. Đã có bao người hỏi mua lại chiếc cối nhưng bác tôi đều từ chối,
với câu nói: “Ở bên kia mẹ cháu vẫn ăn trầu”.
Trong
cuộc sống muôn màu, muôn vẻ này có biết bao nhiêu thứ đã bị lãng quên,
dù là vô tình hay hữu ý. Tôi nhớ có một câu nói đại ý rằng, có những thứ
không là gì với người này nhưng lại là tất cả với người kia. Đôi khi
thứ ta không cần, bỏ đi lại là quan trọng với người khác. Cũng như có
những thứ người khác bỏ qua thì lại quan trọng với ta. Giá trị của mọi
thứ đồ nằm ở đó chứ chưa hẳn là ở giá trị vật chất quy ra mệnh giá đồng
tiền. Chợ đồ cũ như là một cách để lưu giữ những thứ dẫu bị thời gian
lãng quên nhưng lòng người còn muốn giữ lại. Dẫu đó là chiếc gương đã vỡ
một góc, chiếc liềm chấu đã cùn, chiếc bát sứ đã sứt và vô vàn những
thứ đồ dùng khác. Và đây cũng là nơi để những ai đã để mất đi điều gì có
thể tìm lại. Vâng, có thể thôi nhưng tôi vẫn tin chúng ta sẽ đều tìm
được thứ gì đó trong những điều đã cũ.
Tản văn của NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét