10 "bí quyết" giúp Singapore thịnh vượng bậc nhất châu Á
Dân trí Trong bối cảnh Singapore kỷ niệm 50 năm độc lập, chuẩn bị tổ chức bầu cử vào năm tới và tiễn đưa cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, hãy cùng nhìn lại 10 "bí quyết" tạo nên sự phồn thịnh của đảo quốc này.
>> Những phát ngôn bất hủ của nhà sáng lập Singapore Lý Quang Diệu
>> “Không chiến lược gia nào giỏi hơn Lý Quang Diệu”
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. (Ảnh: therealsingapore)
Giáo sư Kishore Mahbubani, hiệu trưởng Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học quốc gia Singapore, đã có bài đúc kết về những kinh nghiệm mà các quốc gia phát triển có thể rút ra từ thành công của đảo quốc Singapore.
Thứ nhất, Giáo sư Mahbubani cho rằng Singapore đã may mắn. Đảo quốc này có những người sáng lập giỏi như Lý Quang Diệu, S. Rajaratnam và Goh Keng Swee để lãnh đạo đất nước ngay từ những ngày đầu.
Thứ 2, Singapore đã xây dựng văn hóa trọng người tài. Đảo quốc này luôn đảm bảo rằng các nhân viên được tuyển dụng và thăng chức xứng đáng với khả năng, và được trả lương tương xứng. Giáo sư Mahbubani dẫn lời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu: "Một ban lãnh đạo chính trị vững mạnh cần một dịch vụ công thật thà, hiệu quả và trung lập".
Thứ 3, các nhà lãnh đạo Singapore lấy chủ nghĩa thực dụng làm triết lý lãnh đạo. Giáo sư Mahbubani nhấn mạnh rằng, cựu Thủ tướng Goh Keng Swee đã nghiên cứu kỹ lưỡng thời kỳ "Khôi phục Minh Trị" và cũng nhận thấy rằng các lãnh đạo Nhật Bản đã dành nhiều thời gian để cố gắng áp dụng, học hỏi và áp dụng những chính sách tốt nhất từ khắp nơi trên thế giới vào Nhật Bản. Singapore đã đặt mục tiêu thực hiện chính sách tương tự.
Thứ 4, Singapore tối đa sự linh hoạt trong chính đối ngoại. Hiểu rằng các nước nhỏ không thể đối phó với kẻ thù, Singapore đã khéo léo giữ các mối quan hệ để đảm bảo hòa bình và sự thịnh vượng. Giáo sư Mahbubani dẫn lời cựu Ngoại trưởng S. Rajaratnam nói trong bài phát biểu trước Liên hợp quốc năm 1995: "Chúng tôi muốn sống hòa bình với tất cả các nước láng giềng vì chúng tôi sẽ bị tổn hại nhiều nếu chiến tranh với họ".
Thứ 5, các nhà lãnh đạo Singapore chú trọng vào việc khởi đầu với những thắng lợi nhỏ. Ông Mahbubani cho hay, để đạt được thành công không có nghĩa là phải cải cách sâu rộng mà có thể bắt đầu từ các bước đi nhỏ có ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng ngày của người dân như việc lắp ống nước tại một ngôi làng để cung cấp nước sạch.
Thứ 6, Singapore không dựa vào tài trợ nước ngoài mà dựa vào thương mại và đầu tư để đạt các mục tiêu phát triển. Ông Mahbubani cho rằng, một phần lớn tài trợ của phương Tây thường trở lại quốc gia tài trợ dưới dạng các chi phí hành chính, phí tư vấn và cách hợp đồng, và điều đó có nghĩa là tài trợ thực sự cho các quốc gia phát triển không nhiều.
Thứ 7, Singapore có chính sách toàn diện về các nhóm sắc tộc. Để hòa hợp các nhóm sắc tộc khác nhau - trong đó có Hoa, người Malay, người Ấn, Singapore có 4 ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malay và tiếng Tamil. Cũng có sự cân bằng trong trường học khi tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ phổ thông và các nhóm sắc tộc vẫn được học tiếng "mẹ đẻ".
Thứ 8, các nhà lãnh đạo Singapore luôn nhìn ra trông rộng. Ông Mahbubani lấy dẫn chứng về sự cần thiết của Singapore nhằm đảo bảo nguồn cung cấp nước sạch. Dù Singapore đã ký kết một thỏa thuận nước sạch kéo dài 100 năm với Malaysia vào năm 1961, các lãnh đạo của đảo quốc vẫn cảm thấy không yên tâm khi phải phụ thuộc vào láng giềng về một tài nguyên quan trọng như vậy. Do đó, họ đã đầu tư nhiều cách để tự chủ về nước sách, trong đó có việc xây các hồ chứa, các nhà máy khử muối và các cơ sở tái chế nguồn nước.
Thứ 9, Singapore tránh các chính sách theo chủ nghĩa dân túy. Giáo sư Mahbubani lấy ví dụ về việc các lãnh đạo Singapore "ác cảm" với hệ thống phúc lợi xã hội, vì tin rằng "sự ban phát" sẽ làm suy yếu khả năng tự lực và gây ra sự phụ thuộc vào nhà nước. Thay vào đó, Singapore đã đầu tư vào phúc lợi cho người dân theo các cách khác như chất lượng giáo dục và chăm sóc y tế cao, nhà ở công và giao thông công cộng giá cả hợp lý và quỹ tiết kiệm bắt buộc đối với các công nhân.
Thứ 10, các nhà lãnh đạo Singapore luôn trung thực và không tham nhũng. Giáo sư Mahbubani cho rằng đây là thách thức lớn nhất và khó đạt được nhất trong 10 bí quyết của Singapore. Theo ông Mahbubani, sự trung thực giúp người dân cảm thấy tin tưởng vào nhà lãnh đạo của họ và khiến các nhà đầu tư yên tâm khi họ làm ăn kinh doanh.
An BìnhTheo Diplomat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét