Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Tin về Lễ hội Kinh Dương Vương

LỄ HỘI KINH DƯƠNG VƯƠNG - TRI ÂN ĐỨC THỦY TỔ 
KHAI SINH MỞ NƯỚC
Sáng nay 6-3 (tức 16 tháng Giêng), huyện Thuận Thành long trọng tổ chức lễ khai hội lăng và đền thờ Kinh Dương Vương và kỷ niệm 4894 năm Đức Thủy tổ khai sinh mở nước. Đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng và du khách cùng hướng về nguồn cội, tự hào tưởng nhớ, tri ân công đức vua Thuỷ Tổ Việt Nam.

Theo truyền thuyết và các tài liệu, thư tịch cổ, năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi, lập nên nhà nước Xích Quỷ (tên một vì sao sắc đỏ trong số 28 vì sao sáng trên bầu trời), nhà nước sơ khai độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Sau đó, Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng.
Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương từ lâu được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc Đế vương, mỗi lần Quốc lễ đều cho quân đến tế lễ, nhân dân thờ phụng trang trọng quanh năm. Trong lăng hiện còn bức hoành phi đề “Nam Bang Thủy Tổ”, tức là “Thủy tổ nước Nam”. Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Cụm di tích còn lưu giữ nhiều nguồn sử liệu quý báu về cội nguồn dân tộc. Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo tổ chức Lễ hội Kinh Dương Vương trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện lòng thành kính tri ân các bậc tiên tổ đã có công dựng nước, mở mang bờ cõi.
Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8-3 (tức ngày 14-18 tháng Giêng) với các nghi thức tế lễ và rước kiệu, trọng tâm là ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng. Khác với những năm trước, năm nay tham gia các nghi thức trong phần lễ cùng với nhân dân thôn Á Lữ còn có người dân các thôn trong xã là Đồng Đông, Đồng Đoài, Đồng Văn và Phú Mỹ.
Cùng với phần lễ được tổ chức trang nghiêm thể hiện niềm tôn kính với bậc tiên tổ, phần hội năm nay phong phú với các loại hình diễn xướng dân gian như: Hát Dân ca Quan họ trên thuyền, hát chèo, hát tuồng, hát trống quân, ca trù, múa rối nước… Ngoài ra, nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống được khôi phục và đưa vào trong lễ hội, phục vụ nhân dân và du khách thập phương về thăm quan, thưởng lãm như: Cờ tướng, tổ tôm điếm, vật dân tộc, bịt mắt bắt dê, chơi đu, đập niêu…
Ghi nhận từ nhiều năm qua thấy rằng, trong hàng trăm lễ hội mùa xuân miền Kinh Bắc, hiếm có lễ hội nào còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa tín ngưỡng tâm linh giàu truyền thống như lễ hội Kinh Dương Vương. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội bảo đảm lành mạnh, văn minh, không có những hiện tượng tiêu cực, phản cảm xảy ra trong lễ hội. Thành công đó là nhờ sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp chính quyền và nhân dân địa phương.

Được biết, hiện nay Dự án quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hoá quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương với tổng mức đầu tư khoảng gần 500 tỷ đồng vẫn đang được chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện nhằm gìn giữ một di sản quý của dân tộc và góp phần nâng cao giá trị truyền thống lịch sử văn hóa. Đặc biệt, hướng tới hình thành tuyến du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng ở các huyện, Thuận Thành, Tiên Du, Gia Bình, thị xã Từ Sơn… như Chùa Dâu và Thành cổ Luy Lâu; Chùa Bút Tháp; Đền Đô, chùa Phật Tích, lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương trong đó cụm di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là trung tâm.
Lăng và đền thờ Kinh Dương Vương là nơi cội nguồn dân tộc. Lễ hội Kinh Dương Vương là thời điểm mỗi người con đất Việt đều mong muốn hướng về.
                                                                                                        (   ST )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét